hoànglonghải, Chữ Tâm  của một ông Tướng

hoànglonghải

Chữ Tâm 
của một ông Tướng


  
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không?

 
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?

 
Hữu Không
Đạo Hạnh Thiền Sư
(Đời Lý)
 
 
           Ở Huế có một “danh từ” người Huế rất thường dùng mà các nơi khác không có. Đó là hai tiếng “Cậu Tôn”. Cậu Tôn, có người hiểu là các cậu “Tôn Thất”, tức là người thuộc dòng dõi vua nhà Nguyễn, mà cũng có nghĩa là “Vương Tôn Công Tử” hay gọi một cách kính cẩn là “bậc vương tôn công tử”.
 
            Chinh Phụ Ngâm có câu:
 
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ
Chàng há từng học lũ vương tôn      
 
            Hai câu nầy là của chinh phụ, cứ tưởng có chồng rồi thì được một đời sum họp, yên lành, sung sướng. Ai ngờ bây giờ phải buồn rầu vì “cách trở nước non.”
 
            Với Huế, tướng Nam, khi ông còn trẻ, chính hiệu là một “cậu tôn”.
            
            Nguyễn Khoa là một họ lớn ở Huế, giống như họ Thân (Trọng), họ Hà (Thúc)… Có lần vua Tự Đức nói: “Thân, Thân, Hà, Hà thiên hạ vô gia; Hà, Hà, Thân, Thân, thiên hạ vô dân.” Có nghĩa thiên hạ mà cứ họ Thân, họ Hà hết thì làm quan hết, không còn ai là dân; ở nhà quan hết, không còn ở nhà dân.
 
            Họ Thân, họ Hà, họ Nguyễn Khoa, họ Hoàng Trọng, Trương Như… là những họ lớn của Huế, “đông con cháu, làm quan to”. Tướng Nguyễn Khoa Nam thuộc họ Nguyễn Khoa là họ lớn. Mẹ ông là Công Tôn Nữ Mộc Cần, thuộc dòng Tuy Lý Vương, “nguyên súy Mạc Vân thi xã”, tức Miên Trinh, “Ông Hoàng Mười Một” (con trai thứ 11 của vua Minh Mạng, vua thứ hai nhà Nguyễn). Công Tôn Nữ Mộc Cần là chắt nội vua Minh Mạng - như vậy, tướng Nam là “chắt ngoại” của Ông Hoàng 11 (con gái vua là Công Chúa, cháu gái vua Công Nữ, xuống một “hệ” nữa là Công Tôn Nữ, Công Tằng Tôn Nữ, Công Huyền Tôn Nữ. Hàng dưới nữa và cuối cùng là Tôn Nữ.
 
            Do đó, theo “Đế Hệ”, phía nữ, bà mẹ Tướng Nam là cháu (nội) Tuy Lý Vương. Ông là chắt (ngoại). Trong nhiều tài liệu, nói Tướng Nam “thuộc dòng Tuy Lý Vương” là vậy. Trong dòng nầy, còn có Giáo Sư Bửu Hội, Thủ Tướng Bửu Lộc cũng là chắt (nội) Tuy Lý Vương.
 
            Cậu Tôn ở Huế, là nói về Tướng Nam khi còn trẻ. Ông là cựu học sinh trường Khải Định Huế, khi trường nầy có tên Tây là Lycée Khải Định. Ông đậu bằng Tú Tài 1 vào khoảng năm 1944 hay 45. 
 
            Khi Tây tái chiếm thành phố Huế, mỗi ngày lính Tây hành quân, lùng sục Huế và các làng chung quanh, đốt nhà dân, hãm hiếp phụ nữ, một số người không theo kháng chiến được, phải ra làm việc với Tây nhằm mục đích ngăn chận sự tàn ác, phá phách của lính Tây, trong đó ông Trần Văn Lý, quê ở làng Hưng Nhơn, Quảng Trị, nguyên là “tổng đốc Lâm/Đồng/Bình/ Ninh” (Lâm Viên/ Đồng Nai/ Bình Thuận/ Ninh Thuận) thời chính phủ Trần Trọng Kim, ra “hợp tác” với Tây, làm “Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời Trung Kỳ” (sau nầy là Thủ Hiến). Năm 1949, cựu hoàng Hoàng Bảo Đại trở về nước, lãnh đạo “Chính phủ Quốc Gia”. Một số cơ quan ở Huế và các tỉnh được Tây trao lại cho chính quyền Quốc Gia, v.v… Chính quyền Quốc Gia và Quân Đội Quốc Gia hình thành.
 
            Nói lại hoàn cảnh lịch sử như thế để quí độc giả biết thêm một chút tại sao ông Nguyễn Khoa Nam “ra làm công chức” và nhập ngũ Khóa 3/ Thủ Đức.
 
            Bấy giờ, ông Nguyễn Khoa Nam theo học một khóa “Hành Chánh Cao Cấp” (cùng khóa nầy có ông Bửu Viên, sau nầy là thứ trưởng Bộ Nội Vụ thời Đệ Nhị Cộng Hòa), được bổ nhiệm làm việc tại sở “Kho Bạc Huế”. 
 
            Phong cách của ông Nguyễn Khoa Nam bấy giờ (trước khi ông nhập ngũ năm 1953), đúng là một bậc “vương tôn công tử”. Kho Bạc Huế tọa lạc gần Nhà Hàng Morin, nhà hàng sang nhất và đắt nhất ở Huế thời bấy giờ. Buổi trưa, “cậu Tôn” Nguyễn Khoa Nam ăn trưa ở nhà hàng nầy, khi nào cũng có “bồi bàn” đứng hầu.
Dáng bộ, tác phong “cậu tôn” lúc nào cũng chửng chạc, nghiêm nghị.
 
            Thế rồi, ông có lệnh nhập ngũ. (Ông không tình nguyện) khóa 3 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khóa Đống Đa, khai giảng tháng 4/ 1953. Tốt nghiệp cùng năm đó, ông chọn (binh chủng) Nhảy Dù, tiếp tục con đường binh nghiệp với nhiều khóa học ở trong nước, ở Pháp rồi ở Hoa Kỳ, cùng nhiều chiến công, nhiều huy chương, thăng cấp tại mặt trận, v.v….

Tại sao ông nhập ngũ? Tại sao ông “đi nhảy dù”?

Đó là vài câu hỏi người ta suy nghĩ về ông!
            
Khi ông nhập ngũ thì “các mệ” ở Huế cũng đã có người nhập ngũ rồi, nhập ngũ vì tinh thần, vì thất phu hữu trách, vì thù nhà, nợ nước, theo hoàn cảnh cũng từng người, cũng có kẻ coi việc “đi lính” như một nghề, một kế sinh nhai.

 
            Cậu Tôn Nguyễn Khoa Nam không ở trong những trường hợp như thế. Cậu đang là một “công chức” trung cấp - chức trưởng phòng - có thể có “tương lai” - như ông Bửu Viên, nói ở trên. Ông theo lệnh gọi là vì gì? “Lệnh vua, hành quân, trống kêu dồn” như mọi người. Thất phu còn hữu trách nữa là.
 
            Thuộc gia đình “hoàng phái”, vua chúa. Vua chúa, hoàng tộc cũng chống Pháp, như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân hay những người từng “theo phò” các ông vua nầy khi họ bị lưu đày. Nhưng họ không thể theo Cộng Sản. Con đường không thể theo Cộng Sản ấy, hàng quan lại, hoàng tộc nhà Nguyễn, cả người Huế nữa, và nhiều người khác nữa, từng biết, từng có kinh nghiệm từ trước 1945. 
 
            Bấy giờ, những người không theo kháng chiến, không thể theo kháng chiến, những “người Quốc Gia” đã có chính nghĩa: Vua Bao Đại đã “hồi loan”, đã làm Quốc Trưởng, lãnh đạo chính quyền Quốc Gia, vừa chống Cộng Sản độc tài, vừa đấu tranh với Pháp để giành độc lập. Con đường đấu tranh với Pháp nầy, không dùng vũ lực như Việt Cọng, là không sai, bởi vì đó là con đường nối dài “Pháp Việt đề huề” của Phan Chu Trinh ngày trước. Đó cũng là con đường chống Pháp bất bạo động – bạo động là chết” - như cụ Phan nói - của Phan Bội Châu. Không phải cụ Phan sợ chết, nhưng cụ thấy không cần phải tốn hao xương máu. Người Pháp, dù ngoan cố, cũng phải trả lại độc lập cho Việt Nam, trong một tình hình “giải thực” hiện nay trên toàn thế giới.
 
            Cậu Tôn Nguyễn Khoa Nam trong tình trạng đất nước như thế, “cậu” nhập ngũ! Đâu có phải cậu đi lính Tây như thầy Đội Khố Đỏ Nguyễn Ngọc Lễ (sau nầy là trung tướng) hay Đội Thông Ngôn Nguyễn Chánh Thi (sau nầy là trung tướng tư lệnh quân đoàn I/ quân khu I).
 
            Ngoài “lệnh vua”, ông là người noi gương Trần Quốc Toản. Hoài Vân Hầu Trần Quốc Toản là cháu nội vua Trần Thái Tông. Tháng 10/ 1282, vua Trần Nhân Tông họp “hội nghị Bình Than” cùng các tôn thích và các quan bàn việc chống quân Mông Cổ xâm lược nước ta. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” chép:
 
            “Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.
            
            Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: Phá cường địch, báo hoàng ân”. (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám chống lại. 
 
            Nếu giống như những người khác, thuộc dòng dõi vua quan, nhiều thế lực, ông Nguyễn Khoa Nam tuy vào lính nhưng cũng có thể kiếm được một “chỗ ngồi ấm thân”, “văn phòng”, khỏi xông pha trận mạc gian khổ, “đánh giặc mồm hơn xiết cò súng”, “có chữ thọ to tướng” thì ông lại xin “đi lính nhảy dù” - ông đi dù suốt một thời gian rất dài, từ thiếu úy - khi tốt nghiệp, - lên tới đại tá - bao giờ cũng là một người lính chiến đấu. Có phải ông mang trong lòng cái ý chí “phá cường địch” như Trần Quốc Toản ngày xưa? Cũng trong ý nghĩa đó, vì muốn “báo hoàng ân” mà ông nhập ngũ với một thái độ bình thản, không ngại ngùng vì ông là một “hoàng tôn”??
 
            Quả thật Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là hình ảnh của Hoài Văn Hầu của thời đại chúng ta.
 
            Việc ông Diệm không lấy vợ làm cho người bàn tán không ít, nhất là với người Huế. Cụ Võ Úy, xưa làm tri phủ Điện Bàn, bạn đồng liêu với ông Ngô Đình Khôi, thường nói đùa với các con: “Chú Diệm bây không cu.” Ông Văn Bia, một người từng hầu cận ông Ngô Đình Diệm khi ông Diệm ở Saigon, khoảng trước năm 1954, từng tò mò “coi lén” ông Diệm khi đi tiểu tiện thì nói rằng ông Diệm cũng “bình thường” như mọi người. Việc ông Diệm không lấy vợ là vì ông muốn để toàn tâm toàn ý cho việc giành độc lập, xây dựng đất nước, làm cho “dân giàu nước mạnh”. Ngoài Bắc, Cộng Sản cũng tuyên truyền như thế với “bác” Hồ của họ, nhưng tới bây giờ, bí mật bị bật mí thì Hồ Chí Minh vợ con tùm lum; thậm chí ông còn ngủ cả với “Cháu Ngoan Bác Hồ” Nông Thị Xuân nên Xuân đẻ ra Hồ Chí Trung. Tính thử coi, khoảng năm 1945, 46 khi “cụ” Hồ cầm quyền chính phủ, “cụ” khoảng 55, 56 tuổi thì Thị Xuân mới 10 tuổi, là “cháu của cụ” chớ gì!
 
            Tướng Nam cũng là người không có vợ nhưng không nghe ai nói ông “không cu” như cụ Diệm. Ở lính, đời sống tập thể, người “không cu” mà giấu ai được. Người ta nói khi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho, tướng Nam cũng có một “cô nường” nào đó ở Saigon thường xuống thăm ông. Bà nầy là dược sĩ, có người nói là giáo sư trường Dược. Sao họ không lấy nhau? Không làm đám cưới “cho vui”.

             Tướng Nam nghĩ gì?
           
“Chinh chiến kỷ nhân hồi” như xưa nay trong lịch sử nước ta cũng như lịch sử nhân loại. Nếu Tướng Nam biết mình “học lũ vương tôn” thì ông cũng sợ cho người ông kết hôn thành “ra người chinh phụ”. Chương trình tiếng Việt thời Pháp thuộc học rất ít về văn chương Việt Nam, nhưng có lẽ thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương, người từng làm “nguyên súy” Mạc Vân Thi Xã nên Tướng Nam có đọc hay có học Chinh Phụ Ngâm từ khi ông còn trẻ hay chăng? Một người như thế, lòng thương người như thế, lòng cao thượng như thế, sự hy sinh của ông là lớn lắm.

 
            Nói về chuyện tôn giáo, làm tướng như ông cũng có nhiều điều đặc biệt. Không rõ những nơi làm việc khác của ông như thế nào, nhưng ngay tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV có bàn thờ Phật. 
 
            Đêm 30 tháng Tư/ 1975, (trong câu chuyện do) trung úy Trần Ngọc Danh, tùy viên của Tướng Nam thuật lại, nếu lưu ý, người ta thấy Tướng Nam thắp hương và đánh 3 tiếng chuông trên bàn thờ Phật hai lần: Một lần đầu hôm khi ông đi thăm thương/ bệnh binh ở bệnh viện Phan Thanh Giản về, và một lần nữa khi gần sáng ngày 1 tháng 5, trước khi ông tự tử. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hai, nguyên bạn học cũ với Tướng Nam khi họ học chung với nhau ở trường Khải Định, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, em rể Tướng Nam (rể cụ Ưng Thiều), Tướng Nam là người “trì chú” kinh Thủ Lăng Nghiêm. 
 
            Kinh Thủ Lăng Nghiêm, theo tôi hiểu một cách sơ lược – tôi không phải là một Phật tử thuần thành - tôi “theo Phật” như một truyền thống của dân tộc - là kinh chuyên về chữ “tâm”, tâm là lòng, là tình thương, nói theo nhà Phật là “Từ Bi”. Từ chữ “tâm” mà nhìn vào cuộc đời Tướng Nam, người ta phải nhận rằng, ông là một người lính, một sĩ quan, một ông Tướng có chữ “tâm” rất lớn. Vì vậy, tuy phải mang súng hằng ngày, ra lệnh hành quân hằng ngày, hô quân tiến lên, tấn công vào vị trí địch, vào mục tiêu mà không ưa sự chém giết, không muốn giết người.
 
            Đây là một tấm lòng rất hiếm trong hàng tướng lãnh, bởi một lẽ rất dễ hiểu, họ không có “hận thù” - không như trong hàng ngũ Cộng Sản - “Nhắm vào kẻ thù mà bắn - Lê Mã Lương – “Giết! Giết nữa, bàn tay không ngừng nghỉ” như Tố Hữu và khát máu “Nhất tướng công thành vạn cốt khô!”
 
            Kutuzov, một tướng lãnh của Nga Hoàng, cũng là người làm tướng có cái tâm như thế nên không ưa sự chém giết. Năm 1812, thất bại trước “Đại Tướng Mùa Đông”, Napoleon rút chạy khỏi lãnh thổ nước Nga. Kutuzov chỉ cho quân Nga đuổi theo “cầm chừng”. Ông thấy quân Pháp bại trận hốt hoảng rút chạy nhanh ra khỏi lãnh thổ nước ông: Thế là được rồi. Nếu truy đuổi, quân Pháp chết chóc nhiều hơn, thì quân Nga cũng hao mà thành công cũng chỉ thế. Tạo thêm cảnh chết chóc để làm gì. Đoạn sau đây, tôi trích lại trong “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Leo Tolstoy:
 
             Tất cả các hành động của ông - không hề có một trường hợp ngoại lệ nào dù nhỏ nhặt đến đâu - đều nhằm vào một mục đích duy nhất gồm ba điểm:

1. Huy động hết lực lượng để đường đầu với quân Pháp.
2. Chiến thắng quân Pháp.
3. Đuổi chúng ra khỏi nước Nga, đồng thời, trong chừng mực có thể, giảm nhẹ những nỗi điêu đứng của nhân dân và quân đội.

 
            Với tâm niệm như thế, ông Tướng Kutuzov nói với lính của ông:
            
            “Anh em ạ. Tôi biết các anh em khổ lắm, nhưng biết làm thế nào được? Cố kiên nhẫn một chút: chẳng còn lâu nữa đâu. Khi nào tiễn hết các ông khách ta sẽ nghỉ ngơi cho bõ. Sa Hoàng sẽ không quên công lao của anh em. Anh em khổ thật, nhưng dù sao anh em cũng đang ở trên đất nhà, chứ như bọn chúng - anh em xem nông nỗi chúng nó đến thế nào, - ông chỉ đám tù binh nói - Còn tệ hơn lũ ăn mày cùng khốn nhất. Khi chúng còn mạnh, chúng ta không thương xót gì chúng hết, còn bây giờ thì có thể thương hại chúng. Chúng cũng là người. Có phải thế không anh em? Nhưng nói cho phải, ai khiến chúng đến đất chúng ta? Đáng đời quân chó đẻ, đ. mẹ chúng nó! - ông bỗng ngẩng đầu lên sau khi nói xong.”
 
  
            Tôi từng phục vụ trong Quân Đội VNCH, từng đánh nhau với Việt Cộng, từng bị “tù cải tạo”, từng đọc “Chủ Nghĩa Mác” và “học 10 bài” khi ở trong tù, tôi biết chắc người Cộng Sản không có cái “tâm” như thế!
 
            Ngược lại, các ông tướng VNCH, dù theo tôn giáo nào, cũng có một tấm lòng thương lính, thương dân rất lớn. 
            
            Lời người xưa còn vẳng bên tai. Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng. Tướng lãnh thua trận, không thể nói mạnh. Bây giờ là tháng tư, 30 năm sau ngồi đây mà đổ tội cho ai. Nhất tướng công thành, vạn cốt khô. Mà công thành, có thành công cho cam. Tôi không hỏi và ông cũng chẳng nói. Tôi đưa cả hai tay cho ông nắm thật chặt. Hình như có một lời ca từ 50 năm trước trong bài Tình Lính: Thương nhau, tay nắm lấy bàn tay; Ông nắm thật chặt và Ông bắt đầu giảng cho tôi về Thiền Tông và Phật Pháp. Chẳng có thu thanh, thu hình phỏng vấn gì cả.
 
            Hai mươi năm chinh chiến điêu linh và ba mươi năm lưu lạc tù đầy của cả đạo quân nay bỏ qua một bên để ngồi bàn về đường đi của Phật. Trước khi chia tay, tôi ngỏ lời xin đại tướng một di vật cho viện Bảo tàng. Ông nói: Tôi có còn gì đâu. Bèn hỏi rằng hôm niên trưởng ra đi đem theo cái gì. Ông cho biết có cầm cái cặp. Bên trong có cuốn sách viết về đạo Phật.  Tôi xin ông cuốn sách đó, có bút tự ghi dấu của đại tướng.
 
            Người làm tướng Cộng Sản không có được cái tâm như thế! Tại sao? Tại tôi định kiến hay chủ quan? Không phải vậy! Tại chủ nghĩa đấy, tại văn hóa đấy. Nó khác với chủ nghĩa và văn hóa của chúng ta. Chúng ta không có chủ nghĩa Cộng Sản nên không có thù hận: thù hận giai cấp, thù hận giàu nghèo, thù hận “trí phú địa hào…” Bởi vì có thù hận nên Stalin đã giết hàng triệu người Nga. Mao cũng thế thôi. Ở nước ta, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẫn có khác chi không?! Không khác được. Các ông tướng Việt Cộng ở chiến trường Miền Nam, trong việc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” cũng không làm khác đi được. Nếu họ làm khác đi thì làm sao có vụ “tàn sát Tết Mậu Thân ở Huế”. Đó là cảnh trước mắt. Còn những cảnh khuất mắt xảy ra trong các buôn trên rừng, trong các xóm nhà tranh vách lá ở những miền đất xa xôi thì ai thấy. Chỉ có những người lính từng tham gia những trận đánh đó, mới tận mắt chứng kiến thảm cảnh của người dân vô tội, mới thấy, mới hiểu rõ hơn rằng “Việt Cộng tàn ác như thế nào!” 

Tại sao người Cộng Sản tàn ác như thế?

            Bởi vì văn hóa của họ là “văn hóa vô sản”. Văn hóa vô sản ở nước ta là văn hóa của người cùng đinh, của người “ngoài xã hội” dù thành thị hay thôn quê, “ngoài sinh hoạt của làng”, ngoài phong tục tập quán của làng, ngoài văn hóa làng xã. Văn hóa của họ là văn hóa Chí Phèo, Thị Nở. Họ không theo “phép vua”, cũng không theo “lệ làng”, họ theo Cộng Sản, theo đấu tranh giai cấp và theo “Cải cách ruộng đất”. Như thế, họ mới có… quyền lợi.
 
            Họ theo chủ nghĩa Cộng Sản!
            Chủ nghĩa Mác là Chủ nghĩa Cách mạng triệt để. Thế nào gọi là “triệt để”? Trong việc chiến đấu giữa hai bên, “ta và địch” thì khi chiến thắng phải là“chiến thắng triệt để, đạt tới mức cao nhất”, có nghĩa là ta phải thắng lợi hoàn toàn, tối đa, đạt tới đỉnh cao nhất. Còn phía địch? Địch cũng phải thất bại tối đa, thất bại hoàn toàn, sức mạnh của địch bị tiêu diệt hoàn toàn, địch phải quì xuống, van lạy, cầu khẩn mới được “cách mạng tha tội chết”. (3)Vì vậy, trong sự chiến thắng của Cộng Sản, ta, phía bại trận thì còn lại được gì, còn cái mạng sống là may mắn lắm rồi.
 
            Theo hồi ký của trung úy Trần Ngọc Danh, tùy viên của Tướng Nam, ông Danh thấy ông Tướng “rơi nước mắt” hai lần: 
 
            Lần thứ nhất, chiều ngày 30 tháng Tư, sau khi có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, Tướng Năm đi thăm thương, bệnh binh ở Quân Y viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ):
 
             
“Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi ông đi qua dãy kế bên và tiếp tục. Hơn một giờ nặng nề và buồn bã chầm chậm trôi qua. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lóm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:
 
            Vết thương của em đã lành chưa?

            Thưa Thiếu tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu, chưa lành.
 
            Với nét mặt buồn rầu, Tư Lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Ông chưa kịp nói, anh thương binh này bất chợt chụp tay ông mếu máo:
 
            Thiếu tường đừng bỏ tụi em nghe Thiếu Tướng!
 
            Qua không bỏ các em đâu. Qua ở lại với các em.
 
            Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư Lệnh đưa tay sửa cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy dài trên khuôn mặt đau thương của ông. Tư lệnh cố nén xúc động nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào:
 
            Em cố gắng điều trị… có qua ở đây…”
 
            Lần thứ hai, khi ông đứng trên sân thượng Bộ Tư Lệnh, nhìn cảnh quê hương, đất nước một lần cuối cùng:
 
            “Tôi linh tính có điều gì sẽ xảy ra. Tư lệnh chầm chậm bước theo nấc thang lên tầng trên, tôi và anh Việt nối bước theo sau. Tư lệnh ra sân thượng đứng sát bên lan can, mắt nhìn ra lộ Hòa Bình trước cửa dinh, tôi đứng phía tay phải Tư Lệnh, anh Việt đứng bên trái. 
 
            Vài xe qua lại trên lộ, người đi lại thưa thớt vắng vẻ như chiều 30 Tết. Bất chợt Thiếu Tướng bật khóc. Dù cố nén để tiếng khóc không bật thành tiếng, nhưng những giọt nước mắt cứ cuộn tròn chảy dài trên khuôn mặt đau buồn của Tư Lệnh trước cảnh nước mất nhà tan. 
 
            Tôi và anh Việt cũng khóc theo, không còn kềm hãm nữa cứ để cho những dòng lệ tự do chảy…” 
 
*
 
 Cuối tháng Tư/ 1975, tôi đang phục vụ ở Quân Khu IV, khu 42 Chiến thuật. Ngày 29 tháng Tư, qua hệ thống truyền tin của Quân Đội, lệnh Tướng Nam là phải giữ vững vị trí, không được “tự ý di tản”, nôm na là không được bỏ chạy. Quân Khu IV        còn đủ “sức chơi” với Việt Cộng ít nhứt là 3 tháng nữa, sẵn sàng đón “chính phủ” từ Saigon về. Sông Bến Lức sẽ là phòng tuyến chặn địch. (4)
 
            Thế mà sáng ngày 1 tháng 5 khi tôi về tới Cần Thơ thì binh sĩ và dân chúng ở đây xôn xao vì tin Tướng Nam mới tự tử sáng hôm đó. Tại sao ông Tướng tự tử. “Mình còn đủ sức chơi lại tụi nó mà!” Người ta hỏi nhau như thế.     
 
            Mãi lâu về sau, tôi dần dà tìm hiểu: À! Ông Tướng nhìn vấn đề theo lăng kính của ông, đâu có “hăng máu” như tôi nghĩ cạn! Quyền hạn càng to thì trách nhiệm càng lớn. Hành động của ông có hậu quả lớn nhỏ là do ở quyền hạn ấy: Nếu tiếp tục đánh nhau ba tháng nữa, đánh trong tuyệt vọng vì súng còn ít đạn, xe tăng, máy bay không còn xăng, không thắng được chúng, binh lính sẽ chết thêm, dân chúng thêm điêu linh. Vùng IV có ba sư đoàn chính qui, hai liên đoàn Biệt Động Quân, 16 tiểu khu với các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ… và dân chúng. Hậu quả hành động của ông lớn lắm, bởi vì ông đâu chỉ là tư lệnh một sư đoàn, một khu chiến thuật. Ông chỉ huy một quân khu, 16 tỉnh, dân đông, trù phú. Một mệnh lệnh ông đưa ra, hậu quả lớn như thế nào… đối với tất cả binh lính, dân chúng trong vùng trách nhiệm của ông. Bao nhiêu sinh mạng binh lính, bao nhiêu sinh linh trong tay Tướng Nam. Ông chọn con đường nào! Con đường nào ngoài con đường ông tự sát để cứu lính của ông, cứu đồng bào của ông. Một mình ông nằm xuống, bao nhiêu người được sống!
 
 *
 
Trưa ngày 30 tháng Tư, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Tổng thống VNCH là “Tổng Tư Lệnh Tối Cao” Quân Đội. Tổng Thống ra lênh đầu hàng. Là một người lính nghiêm chỉnh thi hành “Quân Phong Quân Kỷ”, Tướng Nam biết ông phải làm gì.

 
            Tác giả Lê Chu thuật lại trong hồi ký của ông:
 
            “Tướng Nam trở lại phòng họp, nét mặt ông lộ vẻ buồn, rất buồn. Giọng nói còn xúc động, ông nói với chúng tôi: “Chúng ta là quân nhân. Quân nhân phải thi hành lệnh thượng cấp. Nay Tổng Thống ra lệnh ngưng chiến đấu, ở vị trí tại chỗ, chờ bàn giao. Thôi chào anh em và anh em trở về đơn vị.” Ông lại nói tiếp: “Tôi không chủ trương ra đi. Với cương vị của tôi, ra đi lúc nào cũng được, nhưng nghĩ đến anh em chiến sĩ ngoài mặt trận, gia đình vợ con binh sĩ và đồng bào nên tôi không ra đi.”
 
            Vậy mà ông vẫn bình tĩnh, vẫn hòa nhã, như bản tính của ông vậy. Chiều 30 tháng Tư, hai tên Việt Cộng không mang súng, xin gặp ông. Tướng Nam đón ở phòng khách Bộ Tư Lệnh. Ông nói gì mà hai tên Việt Cộng lặng lẽ ra về. Nửa khuya hôm đó, bốn tên Việt Cộng khác lại xin gặp ông. Chúng có mang theo vũ khí. Một tên súng lên đạn sẵn, có thể bắt ông, bắn ông bất cứ lúc nào. Ông cũng tiếp chúng ại phòng khách như tiếp hai tên trước. Ông nói gì với chúng, khiến chúng cũng lặng lẽ ra về.
 
            Trước tình thế tuyệt vọng như thế, ông vẫn “đàng hoàng”. Kẻ chiến thắng đứng trước mặt ông, không dám nói một lời dữ dằn, kiêu ngạo, không dám có thái độ hung hãn. Nói theo sách tướng, ông có cái gì mà kẻ thù đang ở trong cái thế chiến thắng mà phải kiêng dè.
 
            Ông qua đời rồi, bác sĩ Hoàng Như Tùng lo việc an táng ông ở “Nghĩa Trang Quân Đội” ở Cần Thơ.  
 
            Tôi chưa từng “trình diện” Tướng Nam bao giờ. Chỉ nhớ một lần, đầu năm 1975, khi tôi lái xe từ Hà Tiên về Rạch Giá thì gặp xe ông đi ngược chiều ở xã Mỹ Lâm, xã nổi tiếng Việt Cộng, là “xã quê hương” của Nguyễn Tấn Dũng. Tôi cầm “vô-lăng”, tà lọt ngồi bên cạnh, băng sau còn thêm hai “ngoe” nữa. Xe ông qua rồi, tôi mới thấy một ông “mang hai sao” ngồi ghế trưởng xa. “Băng” sau chỉ có một “tà-lọt” hay hiệu thính viên truyền tin. Thấy ông tướng, tôi hơi giựt e, hỏi trung sĩ Thành bên cạnh:
 
            -“Ông Tướng nào mà gan cùng mình, đi lang thang vậy mày?”
            Thành nói: “Chắc là ông Tướng Quân Khu!”
            Tôi nói đùa: “Gặp ông Tướng Quân Khu mà không chào, coi như hai bên… ngang nhau.”
 
            Các sĩ quan phục vụ quân đội gần ông, biết rõ ông Tướng nhiều hơn. Tôi xin trích một đoạn sau đây của Lê Chu: 
 
            “Shakespeare, qua các nhân vật của một vở kịch, có viết rằng, mỗi người xuất hiện trên sân khấu một lần, diễn xuất một cách vụng về rồi biến mất. Điều này có thể đúng với tôi, với nhiều người khác nhưng không đúng với Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Ông không diễn xuất vụng về, trái lại, ông diễn xuất rất đạt, rất thành công. Ông không biến mất - Ông vẫn trường tồn. Ông được nhiều người ca tụng là anh hùng. Theo tôi, ông có những cái gì khác hơn anh hùng. Anh hùng dựa vào dân tộc, dựa vào lịch sử mà trường tồn, được xem như người chiến thắng, được bỏ qua những lổi lầm. Còn ở ông còn toát ra những gì thanh cao, khí tiết. Ông là kết tụ của tinh thần bất khuất Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu - ninh thọ tử bất ninh thọ nhục - thà chết chứ không chịu nhục. Ông là tiếp nối của truyền thống hào hùng tiết tháo của Võ Tánh, Hoàng Diệu - tướng chết theo thành. Cái chết của ông thật lặng lẽ, âm thầm và cô đơn nhưng lại chuyển vào mạch sống của dân tộc. Ông đã để lại cho lịch sử khúc ca chính khí.
 
            Hôm tôi về VN, nói chuyện với người bạn còn ở Saigon, người bạn nói, bà Chị của Tướng Nam đã bốc mộ cho ông và đem về thờ ở chùa Quảng Hương Già Lam ở đường Lê Quang Định (cũ) Gia Định. Trong nước, cũng có người đến thăm nhưng không nhiều, còn ở hải ngoại về mà ghé thăm thì rất ít.
 
            Tôi nói: “Hoàn cảnh nầy, dù ba bốn mươi năm rồi, Cộng Sản còn xoen xoét cái mồm: “Thống nhất đất nước”, “chiến thắng vẻ vang”, “đảng vinh quang” thì việc thăm mộ những người chế độ cũ không dễ đâu. Công An còn theo dõi dữ lắm. Nhưng tinh thần thì còn đó, chưa chết đâu. Hôm đám ma Đại Tá Nguyễn Văn Đông, khi xe tang đi ngang, bỗng một số cựu quân nhân đua tay chào theo kiểu nhà binh, khiến người xem xúc động dữ! Tui cũng vậy.
 
            Đó là những tình cảm chân thật, thương yêu kính trọng chân thật. Những người “chế độ cũ”, có ai vào chùa Quảng Hương để viếng tro cốt của Tướng Nam, đứng nghiêm và đưa tay chào ôngTướng, mắt nhìn vào hình ông, đó cũng là tình cảm chân thật.
 
            Những người đến Lái Thiêu ngày 1- tháng 11 mỗi năm để tưởng niệm anh em Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng có không ít người có long thương kính chân thật. Bên cạnh đó, không biết có ai vì những tham vọng riêng tư, mượn cái những cái chết đó để mưu đồ cho mình, cho đạo của mình, giành lại những cái vô nghĩa mà tưởng nó có nghĩa thật. Đời bao giờ cũng có những kẻ lòng dạ không ngay làm xấu đi những cái hay của cuộc đời.
 
*
 
  -“Mấy ngôi chùa mà Việt Cộng cho là phản động” - người bạn tôi nói - “Công An thiếu chi. Chúng còn giả dạng thầy chùa nữa. Ông có muốn đi thăm Tướng Nam thì phải dè dặt đấy.”
 
            Tôi nói:
            -“Sống với Việt Cộng thì phải chọn một trong hai con đường: “Phải biết “hèn” như Nguyễn Tuân để sống còn. Hai là phải chê Khổng Tử như Hữu Loan từng chê“Cả đời đục ta trong làm sao được!” Khuất Nguyên lại bảo:
 
            Sông Tương nước chảy trong veo,
            Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta!
            Sông Tương nước đục chảy ra
            Thì ta xuống đó để mà rửa chân!
 
            -“Ông” nói kỳ.” Người bạn trách tôi: “Ở một cái xã hội không có công lý thì người ta mới phải chọn Khổng Tử hay Khuất Nguyên để mà sống. Ở Mỹ có cần phải vậy không? “Ông” liều mạng sống đi tìm công lý, dù có chết cũng tìm cái chết trong công lý. Còn nếu như xã hội Mỹ cũng như xã hội Việt Nam thì người ta đi đâu để làm gì?
 
hoanglonghai
 
 TIẾC THƯƠNG
TƯỚNG QUÂN NGUYỄN KHOA NAM


Vận nước nổi trôi đến bước cùng
Tướng Quân thà chết với non sông
Tang bồng xếp lại hoa dù đỏ
Khí tiết vang theo tiếng súng đồng
Núi Ngự xót thương cây rủ lá
Sông Hương tiếc nhớ nước khô dòng
Nghiêng mình kính cẩn trang trung liệt 
Gương sáng muôn đời sóng Cửu Long..!!

Nguyễn Minh Thanh

 
 



 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top