Hoàng Long Hải: Chuyện Ông Thiệu

Hoàng Long Hải
Chuyện Ông Thiệu,

Đức trị như sao Bắc đẩu ở một nơi mà muôn sao khác phải chầu theo 

(Khổng tử)




 
Các nhà viết sử không thể hoàn toàn căn cứ qua những gì trên những lời đồn đãi để viết thành sách, nhưng trên thực tế, nhiều khi những lời đồn ấy lại chính xác hơn những gì viết ra trên giấy trắng mực đen. Sở dĩ có lời đồn đãi là vì có người muốn che giấu, nhất là giới thống trị. Để bảo vệ quyền lợi, bọn thống trị chỉ muốn khoe khoang những cái gì chúng cho là hay và giấu biệt những gì xấu xa, tàn bạo.
 
Các chế độ chuyên chính thường giống nhau ở chỗ đó. Sau khi các tay độc tài nhắm mắt rồi, chuyện “thâm cung bí sử” mới được bật mí. Báo cáo của Khrushchev trong đại hội đảng CS Liên Xô lần thứ 25 làm thế giới kinh ngạc, hồi ký về Mao của BS Lý Chí Tuy làm người ta thích thú. Ngạc nhiên hay vui thích là vì người ta đọc, đọc vì tò mò, nhất là lịch sử những nước “huê dạng” như Tây, Tàu.
 
Hồi đầu thập niên 60, giới “người đọc” miền Nam thích thú với loạt bài “Thanh Cung 13 triều” trên nhựt báo Tự Do Saigon. Tiếp theo là những “thâm cung bí sử” khác nữa, của “cậu Cẩn”, “bà Nhu” và dài dài giới cầm miền Nam sau đó. Sau 1975, người Việt Nam lại thích và buồn cười về những câu chuyện “mặt thật” của cha già dân tộc. Té ra cũng chỉ là những câu chuyện tầm thường của những con người tầm thường: “trâu già ưa gặm cỏ non”, cỏ Tây, cỏ Tầu, cỏ Nga và cả cỏ vùng sâu, vùng cao của những “Nụ cười sơn cước”.
 
         Trần Phú Trắc, khóa 21 Bộ Binh Thủ Đức, sĩ quan Tiểu Đoàn 5 Dù, con bà Bảy Phận, chị ruột tổng thống Thiệu, bạn thân với “Hùng móm”,  - con út của Mẹ tôi – trong binh chủng Dù. “Hùng móm” hy sinh ở chiến trường Quảng Trị ngày 14 tháng 7 năm 1972.
 
Trắc là ngưởi may mắn sống sót sau chiến tranh, trình diện “đóng tiền đi ở tù” ngày 25 tháng 6 năm 1975. Tôi cũng vậy. Ba ngày sau, chúng tôi bị chuyển lên Trảng Lớn. Nghe tôi là anh của “Hùng móm”, Trắc tìm, nhận nhau như là anh em.
 
Trong cuộc đời tù dài dằng dặc, từ Trảng Lớn, đi Nam Giao, về Suối Máu, ra Xuân Lộc; dù Trại A, Trại B, Trại C, Trại Cây, Trại Đá, Trại Đồi Phượng Vĩ, Trắc và tôi, - Trời đư đất đẩy - hay “Trời thương”, hai anh em chúng tôi bao giờ cũng có nhau, khi cố nuốt củ khoai mì sượng, khi rau muống, rau lang, khi phá rừng làm rẫy, khi phá đất trồng mì, khi cả hai cùng nghe tin mẹ qua đời, anh em cùng nhau chan hòa mồ hôi nước mắt, -  theo đúng nghĩa đen của nó  - cũng như những đêm nằm bên cửa sổ nghe tiếng mưa rơi, và cũng không ít khi nằm ngắm trăng treo ngoài cửa, để nhớ về đủ thứ, thèm đủ thứ và thích… đủ thứ.
 
Bảy năm Trời sống bên nhau, nằm sít bên nhau có khi chưa đầy gang tấc, biết bao nhiêu tâm sự đổ đầy tai nhau, từ chuyện riêng tư, chuyện tình yêu, chuyện gia đình, chuyện bà con thân thuộc và cả chuyện “Anh Tám Thẹo” như chúng tôi thường gọi đùa. Xin tha lỗi. Thế gian vẫn thường “Gần chùa gọi bụt bằng anh.”
 
Có lần tôi nói với Trắc, “moi” là người tò mò. Tò mò cho biết, biết rồi, nhưng “Để riêng tây như có chỗ không đành”, lỡ như mai kia còn sống sót, “moi” sẽ viết lại vài chuyện thâm cung của “Anh Tám Thẹo”, “nhà ngươi có buồn chăng?”
 
Trắc nói từ tốn. Chuyện đời mà anh. Dù anh có viết thành chuyện của ông Tám hay không, thiên hạ rồi cũng biết. Trong đời, có ai giấu ai cái gì với đời được. “Xin anh cứ tự nhiên.”
 
Câu chuyện ấp ủ từ những ngày trong tù, đến nay đã năm mươi năm. Tiếc chi nữa mà tôi không viết ra, như để kể lại với nhau những lời tâm sự trong những ngày lao lý, không phải vì thương hay ghét ông Thiệu, lại càng không phải vì bà Thiệu mới qua đời. Qua rồi một tấn tuồng đầy đau xót của dân tộc, của kẻ lưu vong. Đúng hơn. Đây là một tấm lòng đối với “Hùng móm” vị quốc vong thân, với Trắc đang sống những ngày cuối đời đâu đó ở quê người.
 
Một tấm lòng, chỉ một tấm lòng mà thôi, như Mẹ tôi thường dạy.

 hoànglonghải

 *

Huyệt đế vương
         Khoảng cuối thập niên 70, báo chí Saigon một dạo rộ lên bàn luận về câu nói, - nhân một dịp nào đó, - của ông Thiệu là phải được huyệt đế vương mới làm tổng thống. Lúc ấy tôi đã bỏ cục phấn, đi cầm súng, lòng không ưa gì mấy ông tướng tá, cứ cho rằng “Thời thế tạo anh hùng”, mà có anh hùng gì cho cam, chẳng qua “Sống lâu lên lão làng” súng đạn “chê”…
 
Còn như với giới chính trị gia, báo chí chê là “xa-lông”, dùng phe đảng để làm “Con cò mà (mò) ăn đêm” chớ có tinh thần gì đâu!
 
         Bấy giờ ông tướng, ông tá nào cũng nghĩ rằng mình có thể làm thủ tướng, làm tổng thống dễ như chơi. Một lần đảo chánh… là xong. Phạm Văn Đính, lúc đó mang loon thiếu tá, làm quận trưởng Quảng Điền, tới chơi nhà bạn học cũ là Nguyễn Thành Hương – sau nầy làm chánh sở giáo dục Phú Yên – nói thiệt mà chơi: “Kỳ làm thủ tướng được, tao làm thủ tướng cũng được vậy”. Tiếc cho Đính, năm 1972, đem trung đoàn của y mà đầu hàng Việt Cộng ở giới tuyến.  
 
         Về việc “huyệt đế vương”, tôi cứ nghĩ, ông Thiệu khôn ghê. Trong tình hình đảo chính lung tung ở Saigon như hồi đó, chẳng qua ông Thiệu tung tin “huyệt đế vương” chỉ để giữ cái ghế của ông mà thôi. Mấy tay ưa đảo chánh hãy suy nghĩ lại đi. Ông Thiệu có “huyệt đế vương” nên mới được cái chức tổng thống, ai không có “huyệt đế vương” thì đừng hòng.
 
         Mấy năm sau, khi ở trong tù Cộng Sản, tò mò hỏi Trắc – người tôi đã giới thiệu ở phần trên – Trắc phủ nhận câu chuyện “huyệt đế vương”. Tính lại, mãi khi ông Thiệu làm tổng thống mấy năm, năm 70 hay 71 gì đó, thân sinh ông Thiệu, cụ Nguyễn Văn Trung, mới qua đời ở Saigon, làm đám ma ở đường Tú Xương, Saigon, an táng ở Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Khi nghĩa trang nầy bị Việt Cộng bắt giải tỏa, chị ông, bà Bảy Phận - Nguyễn Thị Phận - dời mộ cha về Ninh Thuận, làm chi mà có chuyện “huyệt đế vương” trước khi ông Thiệu làm tổng thống.
 
         Có lần tôi nói với Trắc: “Báo chí nói ông Thiệu cũng như tướng tá miền Nam, một số hay tin tướng số nhảm nhí. “Moi” lại nghĩ, chuyện “huyệt đế vương” của ông Thiệu chỉ là mánh lới tuyên truyền. Theo “ông” nghĩ, ông Thiệu có tin tướng số không? Người ta bảo việc chi ông Thiệu cũng hỏi cụ Kỹ mà.”
 
         -“Tui chưa từng thấy cụ Kỹ trong dinh tổng thống. Người ta đồn dzậy thôi. Trong gia đình, ông Thiệu hay khen bà Thiệu có số “vượng phu ích tử”. Từ khi ông cưới bà, đời ông lên hương. Tui không rõ ông Thiệu nói thiệt hay “nịnh vợ”. Có một dịp tết, ông Thiệu đánh “xì lác” với gia đình, con cháu. Ông làm cái. Sau khi ông “dở” hết bài của mọi người rồi, ông cười nói, đại ý: Tao nói rồi, như thằng Nguyên – ông Nguyên ngồi chơi chung – làm sao mà làm tổng thống được? Vợ tao nầy, “làm quan cho chồng”, tao làm tổng thống đây nè. Số vợ tao mà.” Xong, ông lấy ba con bài của ông, quẹt xuống dưới bàn, chỗ chân bà Thiệu, xong cười to: “Bài tao nè. Ăn hết nè. Có bả, chi tao cũng được hết.”
         Ai cũng cười. Trong gia đình, ông Thiệu thường vui đùa với mọi người.

 
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân của tổng thống Nguyễn văn Thiệu trong ngày giỗ của ông tại San José.

         Có lần tôi nói với Trắc: “Theo “moi” nghĩ, đời người ta có lên hương hay không là do thời, thế và cơ. Thời là do giặc giã hay thái bình. Thế là động lực thúc đẩy,  là nền tảng, là cái gốc của con người ta. Gốc đó là tài ba, khôn ngoan, mưu trí, xảo thuật... Ai đời đi lên thì d cái  của người ta. Ông Thiệu làm tổng thống, trước hết, ông phải có cái cơ của ông, ông có cái nền tảng của ông, rồi nhờ thời thế mà đi lên. Dù  “thời thế tạo anh hùng”, nhưng người ta không có cái cơ, cái nền tảng thì cũng trớt hướt luôn.
         -“Anh nói đúng đó. Hôm mới vô trại, thằng “chính trị viên” trại nó nói gì anh nhớ không: “Thằng Thiệu cũng là thằng giỏi đấy. Không giỏi sao thằng Mỹ chọn nó làm tổng thống được.”
         -“Bạn nghĩ đúng không?” Tôi hỏi.
         -“Tôi kể chuyện nầy anh nghe. Năm 1965 hay khoảng đó, đang làm chỉ huy trưởng trường Võ Bị, ông Thiệu được lệnh đi học ở trường Tham Mưu Cao Cấp Leavenworth, bên Mỹ. Toán du học gồm mấy ông trung tá, đại tá, ông Thiệu. Thiếu tướng Nguyễn  Ngọc Lễ làm trưởng đoàn. Bấy giờ đại tướng Maxwell Taylor làm chỉ huy trưởng trường nầy. Maxwell Taylor đặc biệt lưu ý ông Thiệu, có gọi ông Thiệu lên văn phòng ông đại tướng. Về sau, khi ông Thiệu làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh đạo Quốc Gia, làm tổng thống là lúc ông Taylor đang làm đại sứ Mỹ tại Saigon. Anh có nghĩ có phải đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?”
 
         -“Trong đường lối chính sách của Mỹ, không có chuyện tình cờ - hazard, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.” Họ chuẩn bị sắp đặt đâu đó cả. Mười năm, hai mươi năm nữa: Nước Mỹ đi tới đâu, quân đội Mỹ phát triển tới đâu, tàu bay, hỏa tiễn Mỹ được chế tạo tới đâu… và chuẩn bị ai sẽ là người lãnh đạo nước Mỹ, ai lãnh đạo chư hầu, tay sai Mỹ là ai, nước nào… Đừng có nghĩ Mỹ “tới đâu hay đó” “ông” ơi…
         -“Tui không nghĩ tới đâu hay đó. Ngay khi du học bên Mỹ hồi đó, ông Thiệu có tên trong sổ rồi…”
         -“Thân phận nhược tiểu là vậy đó ông. Trước 1954, bọn tư bản Mỹ đã có kế hoạch “xử dụng nhân lực” các nước Đông Dương rồi.  Sá chi ông Thiệu.”
 
xxx
 
         Thật ra, gốc gác của ông Thiệu cũng không phải ở Ninh Thuận. Theo lời Trắc kể, ông cụ thân sinh ông Thiệu, thuở còn trẻ là một kép hát bội – hồi đó cải lương chưa “phát triển và thịnh hành” như sau nầy. Đây là một gánh nhỏ, di chuyển bằng ghe, từ xã nầy qua huyện kia, mỗi nơi vài ba đêm, kiếm sống qua ngày, như kiểu “Hát Bội Giữa Rừng” trong “Hương Rừng Cà Mau” của Sơn Nam. (Anh) kép hát bỏ quê ở Cái Bè hay Cai Lậy gì đó, theo nghiệp cầm ca. Thế rồi khi ghé lại hát ở làng Tri Thủy, nghiệp tổ không bền, (anh) kép hát, không biết có bị một “tiếng sét ái tình” nào nữa không, lìa xa đam mê thời trai trẻ, bỏ gánh lấy vợ, lập nghiệp ở làng vợ luôn. Về sau, khi làm tổng thống rồi, ông Thiệu có cho người về Cái Bè/ Cai Lậy tìm “nguồn gốc” của thân phụ ông, nhưng không tìm được gì. Ai mà còn nhớ một chàng thanh niên, bỏ nhà ra đi khi còn trẻ, cha mẹ dòng dõi như thế nào. Anh em ông Thiệu đành chịu thua. “Thời gian thường đổi nhớ ra quên” – thơ Hà Liên Tử nói vậy mà hay.
 
         Nhưng đất Ninh Thuận, làng Tri Thủy của ông Thiệu thì có nhiều cái lạ. Đây là “điểm Cuối” sự tồn vong của một dân tộc. Các triều đại Chiêm Thành – có lúc rất vẻ vang – chấm dứt ở nơi nầy. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi tên Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận, các ông vua Chàm được đặc ân đổi sang quốc tính – thành họ Nguyễn .
        
         Về sự việc nầy, tôi có viết trong bài nói về phong thủy đất Ninh Thuận.
 
“Năm 1793, phiên vương Thuận Thành là Tá (gọi theo Tiền Biên; tên Chăm: Po Tithun da parang) theo phe Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh cho tướng người Chăm của phe mình là Thôn Bá Hú (tức Nguyễn Văn Hào, gọi theo Tiền Biên, tên Chăm: Po Lathun da paguh) làm Chánh trấn Thuận Thành và trong năm 1794 đặt chế độ chánh trấn và phó trấn và bỏ chế độ phiên vương.
 
“Năm 1832, nhân dịp có cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở phía Nam người Chăm lại nổi dậy chống lại vua Minh Mạng nhưng không thành công. Chính quyền tự trị hạn chế của người Chăm chấm dứt tồn tại vào năm 1832, khi Hoàng đế Minh Mạng đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Lịch sử vương quốc Chăm Pa chính thức chấm dứt. 
        
         Nước Chiêm Thành chấm dứt ở nơi nầy.
 
         Còn cái tận cùng thứ hai?
         Không phải do ở cụ Trần Văn Hương hay ông đại tướng Dương Văn Minh. Khi ông Thiệu bước xuống khỏi cái ghế tổng thống là lúc nước Việt Nam Cộng Hòa coi như xong. Còn ông Thiệu may ra mọi sự còn đôi chút. Ông Thiệu đi rồi là hết. 21/4/75, ông Thiệu từ chức, nhưng chưa rời khỏi Việt Nam thì Mỹ và các chính khứa Saigon hè nhau “bứng” ông Thiệu đi cho được. Còn ông Thiệu là còn chống Cộng. Bứng ông Thiệu đi để còn nói chuyện với phe bên kia – Người ta hy vọng hảo huyền như thế đấy. Mỹ cũng muốn Việt Cộng vô cho lẹ đi. Để lâu, lộ âm mưu hết. Đâu có giống như bên Aghanistan, Mỹ chạy làng là có thông báo trước. Còn ở Việt Nam là lường gạt. Mỹ lường gạt quân đội VNCH, Mỹ lường gạt người dân miền Nam. Hồi đó có ai nghe Mỹ tuyên bố gì đâu. Chỉ có một số “thức giả”, đoán biết – đoán biết chớ không nghe Mỹ nói gì, hay đám làm chó săn cho Mỹ – Mỹ sẽ bỏ nên lo chạy trước làng, hay chuẩn bị để chạy trước làng. Họ thuộc hạng ăn trên ngồi trốc, cần thì sẵn phương tiện để “dọt”, đem luôn cả một “bầy” nữ ca sĩ đi theo, để giữ bí mật rằng đã dùng đám nầy làm tình báo, theo dõi mấy ông tướng tá, chính “chị” gia, bàn chuyện âm mưu đảo chánh. Nữ ca sĩ dễ khai thác đám dại gái nầy nhứt.
 
         Ông Thiệu người Ninh Thuận. Bằng cách suy nghĩ nào đó, nơi nầy cũng là nơi chấm dứt Việt Nam Cộng Hòa.
 
Điềm trời
Trước khi vào làng Tri Thủy, khách đi đường phải dùng phà để qua sông. Khi ông Thiệu làm tổng thống rồi, công chánh cho xây một cây cầu để “tổng thống về thăm quê cho tiện”. Sau 1975, cầu ấy đã cũ hư, chính quyền mới xây lạ cây cầu mới. Mới đây, tôi cũng đã đi qua cây cầu mới nầy. Nghĩ cũng “buồn tình đời”. Quê hương ông Thiệu, tôi tới chơi thì được, còn như ông Thiệu có muốn về thăm quê thì không được. Vậy thì làm tổng thống để làm gì nhỉ? Bên Mỹ nầy, sau nội chiến 1861-65. Có bao giờ, nhân loại, các dân tộc hoặc ngay khi cả trong cùng một dân tộc, lại thù hận nhau đến như thế? Nói chi xa, ngay như bản thân mình, gặp thằng Việt Cộng là phải nổ súng ngay, không nhanh tay thì nó giết ta. Một dân tộc lạ kỳ. Hễ gặp nhau, không chào mừng mà phải nhanh tay giết nhau, coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.
 
Lý do? Lê Duẫn giải thích rất rõ: “Kẻ nào không theo ta là kẻ thù của ta.”  Ta theo Cộng Sản, là cùng phe với Cộng Sản. Nhưng giả tỉ như ta không theo Cộng Sản, ta cũng không theo phe Quốc Gia, ta không theo phe Tự Do, không đứng về phía Thế Giới Tự Do, ta chỉ là người dân thường, thì ta vẫn cứ là kẻ thù của Cộng Sản, bởi vì theo như Lê Duẫn “dạy” cho người Cộng Sản ở câu nói trên “không theo ta” là “kẻ thù của ta.” Một người, một nhóm người, một đảng phái, tuyên truyền, vận động, cổ xúy dân tộc phân ly, chia rẽ, giết chóc lẫn nhau mà nói là có công, là vĩ đại, là vinh quang… thì khó hiểu thật. Nói như cách của Hồ Chí Minh, Lê Duẫn,  - thì nhìn ngược lại, - ai có công đoàn kết dân tộc, bảo vệ dân tộc, chống ngoại xâm là tội lỗi hay sao?
 
         Đó là nhìn vấn đề trên bình diện dân tộc
         Trên bình diện văn hóa thì sao?
 
         Đó là một nền văn hóa mềm, hiền hậu, thương người. Văn hóa chữ Nhân của Khổng, Từ Bi - Hĩ Xã của Phật, không phải một thứ văn hóa cứng như vùng chung quanh Địa Trung Hải, lấy hận thù làm đầu và giết nhau không gớm tay như trong các cuộc Thập Tự Chinh.
 
Đem cái văn hóa cứng ấy, truyền thụ, giáo dục cho những dân tộc trưởng thành, hấp thụ văn hóa mềm, quả thật không những sai đường mà còn đi ngược chiều dân tộc. Trong viễn tưởng đó, tội lỗi của người Việt theo Cộng Sản không phải là nhỏ.
 
Trở lại câu chuyện phong thủy làng Tri Thủy có gì đặc biệt?
 
Bên kia sông là làng Tri Thủy.
Ngay đầu làng là Bãi Đá Dao: Bài đã lớn, giữa là hòn đá dao. Tảng đá hình mũi dao, chĩa thẳng lên trời, thẳng góc với mặt đất 90 độ. Bên kia Bãi Đá Dao, qua một cái vịnh nhỏ cũng lại là một hòn đá lớn, hình thù xấu xí nên người ta gọi là Đá Mặt Quỷ
 
Có phải Đá Dao biểu tượng cho cái tốt. Vậy thì Đá Mặt Quỉ tương trưng cho cái xấu? Hòn Đá Dao đứng thẳng, mạnh mẽ là ở cái thế cái tốt chế ngự cái xấu. 
 

Ảnh hòn Đá Dao trước khi  bị nghiêng

Bỗng trước ngày 30 tháng Tư, hòn Đá Dao bị nghiêng. 


ANH CHUP NAM 2020

Nguyễn Văn Tiếp, cựu thiếu tá, chánh sở Tâm Lý Chiến, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Vùng 2, cùng trại tù Cải Tạo với tôi, L3/ T3 Trảng Lớn, kể cho chúng tôi nghe rằng hồi 1975, trước khi “đứt phim”, ông được lệnh đi Ninh Thuận điều tra vụ “sâu bò qua đường” có hay không, thực hư như thế nào. Tiếp kể: Anh đã phỏng vấn vài tài xế, chụp hình những dấu tích, và cũng lấy làm lạ, tại sao một sự kiện lạ lùng như thế mà có được.
 
Thấy hòn đá bị nghiêng, thấy sâu bò thành hàng dài, người dân Tri Thủy, dân Phan Rang và cả người miền Nam bỗng sợ: Đá Mặt Quỷ thắng thế, có nghĩa quỉ sẽ dậy, có nghĩa là Cộng Sản sẽ thắng. VNCH sẽ thua… Nước sẽ mất?
        
Đúng là một điềm trời về một chuyện gì đó trọng đại sắp xảy ra, nếu đó không phải là ngày miền Nam sụp đổ, một cuộc đi dân vĩ đại sắp xảy ra…
 
Ninh Thuận không phải là tỉnh cuối cùng của L’ Empire d’ Annam. Phan Thiết giành mất ngôi vị đặc biệt của nó. Tuy vậy, người ta vẫn coi nó như là điểm tận cùng của một cái gì đó “buồn nhiều hơn vui”: Tận cùng của đất nước: Trường Sơn, và cũng có thể là hành trình cuối cùng của một dân tộc. Bóng người đã khuất. Hình ảnh dân tộc chỉ còn là “Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi.”
 
Thành ra, ấn tượng về Ninh Thuận không phải sống mà là chết: Tháp Chăm Pô-Klong, núi non hùng vĩ và biển đẹp: Ca Ná, Ninh Chữ, không mang vẻ sống như Phan Thiết mặc dù Phan Rang là cửa ngõ ra biển của Cao Nguyên.
 
 
Tám Mọi
         Đất nước như thế thì con người thế nào?
Theo quan điểm thông thường thì đất sinh ra người. Người xưa từng nói “địa linh nhân kiệt”. Khó mà không cho rằng Ninh Thuận không phải là đất “địa linh”?
 
Tôi không nói rằng ông Thiệu không phải là nhân kiệt. Điều đó để người nào biết ông Thiệu tự suy nghĩ lấy. Tôi không muốn tôi là người cầm cờ chạy hiệu cho ai. Thời trẻ bon chen qua rồi. Xông pha kiếm tiền nuôi vợ con đã qua rồi, cần gì nữa để phiền lụy tấm thân.
 
Phan Rang có nhiều gia đình nổi tiếng giầu có, chỉ là giàu có thôi. Về các mặt khác, không có gì đáng khen ngợi cả. Quan văn không lớn. Quan võ chỉ đáng cầm cờ cho Từ Hải. Nếu không có ông Thiệu, chắc gì Phan Rang đã có người đeo sao trên cổ áo.
 
Nhưng anh em ông Thiệu thì khác.
Tôi nói “anh em” ông Thiệu, tức là không nói riêng gì một mình ông ta. Bố mẹ ông Thiệu không giàu nên khi còn trẻ, việc học hành của anh em ông không được suôn sẻ. Ông Nguyễn Văn Hiếu, người anh cả, khi còn nhỏ không được đi học. Mãi khi hơn mười tuổi, ra Phan Rang “ở” nhà bố mẹ ông Ngô Xuân Tích, - sau nầy thời ông Thiệu, làm Chủ tịch Giám Sát Viện – thấy ông Hiếu thông minh quá, gia đình nầy mới giúp ông Hiếu đi học. Tuy đi hoc trễ, ông Hiếu vẫn học giỏi và nhanh. Ông được du học ở Pháp và tốt nghiệp cử nhân luật khoa. Ông là một viên chức cao cấp trong chính quyền “quốc trưởng Bảo Đại”, đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Đài Loan thời ông Thiệu làm tổng thống. Người thứ Sáu – Sáu Kiểu, Nguyễn Văn Kiểu – cũng là một nhân vật nổi tiếng thời hậu Ngô Đình Diệm.
 
Ở đây là chuyện của Tám Mọi.
Ông Thiệu thứ Tám  - nhà có 7 anh chị em. Tám là út. Điều lạ của Tám:
Bình thường, khi thức, tim ngươi ta đập bình thường; khi ngủ, tim đập chậm lại. Ông Thiệu ngược lại, khi ngủ, tim ông Thiệu đập nhanh hơn. Ông Thiệu vốn dĩ đã đen, tim đập nhanh, da lại đen hơn, “đen như mọi”, nên trong nhà cũng như trong làng ai cũng biết chuyện đó. Ông Thiệu “chết” cái tên “Tám Mọi” là vì vậy. Đem chuyện ấy hỏi Trắc, Trắc nói: “Tui ở trong nhà mà anh. Cả làng ai cũng biết, cũng gọi Tám Mọi, nên chẳng ai thắc mắc.” Tôi cười: “Moi” thắc mắc, “moi” cho đó là sự lạ.” Rồi tôi đọc câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Chàng ơi, chàng ơi. Sự lạ đêm qua, mùa xuân tới mà không ai biết cả,” Tôi cải chính ngay, sợ bọn tù ngồi chung quanh hiểu lầm: Ông Thiệu có sự lạ, nhưng ông có là mùa Xuân hay không là chuyện của lịch sử. Trắc nói: “Khi ông Thiệu thăm Đại Hàn, tổng thống Phác Chính Hy tò mò muốn xem, nhưng không được.”
 
Tám Mọi được cái lì.
Tôi hỏi Trắc, báo chí hồi đó gọi ông Thiệu là “Tổng Lì” – Có nghĩa là ông tổng thống ngồi lì, - Có không?
 
Trắc hỏi ngược tôi: “Anh nghĩ ông Thiệu có lì không?”
- “Ngồi lì cái ghế tổng thống thì chưa thấy rõ. Báo chí nói ổng muốn sửa hiến pháp để ngồi lì “tổng thống muôn năm”. “Moi” không nghĩ ông ta muốn như thế.
         -“Ông ta là nhà độc tài nửa mùa, không phải muôn năm.” Trắc nói.
-“Tại sao “ông” nghĩ thế?”
 
Trắc trả lời:
- “Giới chính trị quanh ông Thiệu, ai cũng nói, ông Thiệu chấp nhận đối lập thì muôn năm gì nữa. Đối lập không cho ông ta ngồi lâu, huống gì muôn năm.”
         -“Còn ngồi lì?”
         - Đó là chuyện mấy ông sư chùa Theravada. Chùa Miên nầy ở trên đường Trương Minh Giảng. Mấy chục ông thầy chùa tới biểu tình ngồi lì tại bãi cỏ trước dinh Độc Lập. Ông Thiệu nhờ ông Nguyễn Cao Thăng ra giải quyết nhưng mấy ông sư nầy sợ, không chịu nói chuyện với ông Thăng.
         -“Sao lại sợ?”  Tôi hỏi?
         -“Ông Thăng là tay “du thuyết” giỏi. Ông đánh bại hết các đối thủ, bằng mọi cách. Tiền là mua được hết. Ông Thăng lại là tay “phú gia địch quốc”, ai cũng sợ, riêng gì mấy ông sư Theravada. Không chịu thương thuyết thì thôi, ông Thiệu cứ để cho ngồi. Mấy ông sư ngồi lì. Ông Thiệu cũng lì, coi ai lì hơn ai. Mấy ông thầy chùa Theravada ăn/ ỉa tại chỗ, riết rồi lặng lẽ ra về. Xong một màn đấu tranh lì.”
         -“Ông Thiệu có tính lì từ nhỏ?” Tôi lại hỏi.
         -“Hồi xưa, bà ngoại tôi làm nghề cho vay. Ai không trả, bà ngoại sai Tám Mọi đi đòi. Người ta chưa trả được, bảo: “Mày về đi. Mai tao đem tiền tới.” Tám Mọi nói: “Tui không về đâu. Má tui rầy chết. Dì (hay thím hay gì đó), tới nói với má tui. Tui mới dám về.”
        
Vậy là ông ngồi lì nhà người ta, khi nào người ta chịu tới hẹn nợ với mẹ ông, ông mới thôi. Làng Tri Thủy, ai không biết cái tính lì của Tám Mọi.
- “Bình dân hỉ? Lì là cá tính của người bình dân.” Tôi nói.
         - “Bình dân là cá tính, có người nói là tính khôn khéo của ông Thiệu. Năm mới “đậu” chức tổng thống, ổng “vinh qui bái tổ”. Dân làng đón ông từ bến đò. Ông Thiệu bắt tay, nắm tay từng người, cười nói: “Anh Tư, (hay chị Năm… Ông nhớ tên từng người), nói: “Tui là Tám Mọi, về thăm bà con… đây nè…” Ai ai cũng vui mừng đón tổng thống, đến nỗi ngoại giao đoàn đi theo cũng ngạc nhiên về sự bình dân, thân mật của ông với dân làng. Sáng hôm sau, khi ông Thiệu chuẩn bị về Saigon, có anh hàng xóm, đứng bên kia hàng rào, gọi sang: “Chú Tám. Chú về mà không sang thăm tui.” Ông Thiệu xin lỗi, rồi qua thăm người hàng xóm, trước khi lên xe rời làng.
 
         Trắc buồn buồn kể: “Cái tình xóm làng của ông Thiệu làm ba tui chết oan. Ba tui trước kia có theo Việt Minh. Trước 1954, ông bỏ kháng chiến về làng cũ sống đời dân thường. Khi ông Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, một hôm về thăm làng. Trên đường đi, ông Thiệu gặp ba tui. Ông Thiệu đứng lại chào hỏi. – Ba tui là anh rể ông Thiệu. – Bỗng trời đổ cơn mưa, hai người vào núp trong ngôi trường tiểu học bên đường. Mấy hôm sau, ba tui bị Việt Cộng bắt, nghe tin bị họ thủ tiêu, mặc dù hai ông chú ruột tui – Trần Phú Mười, Trần Phú Mười Một, (1) - theo Việt Cộmg đều làm to. Thật sự, ba tui bị tụi nó giết oan. Hai em gặp nhau thăm hỏi chớ có nói gì về việc chống Cộng, chống càng gì đâu.”
         - “Ông” có oán gì ông Thiệu không?”
         - “Oán gì?” Trắc hỏi.
         - “Vì ông Thiệu mà ba “ông” bị Việt Cộng giết.” Tôi nói.
         - “Ba tui có bị ông Thiệu giết đâu. Việt Cộng giết ông mà. Nghĩ sâu hơn, giữa ông Thiệu với ba tui chỉ có tình anh em, không có hận thù. Khi ông Thiệu  đi lính Quốc Gia, thì ba tui theo Việt Minh. Việt Minh hay Cộng Sản, dạy ba tui hận thù người Quốc Gia. Còn Quốc Gia có dạy chúng ta hận thù người Cộng Sản đâu. Mình còn “chiêu hồi” nữa mà anh. Có oán thì tui oán Cộng Sản.”
         -“Vậy là “ông” oán Cộng Sản?”
         -“Bọn mình ở tù với nhau hơn 5 năm rồi mà anh. Anh biết tính tui, không ưa hận thù ai, không muốn ghét a. Hai thằng chú tôi đều là Cộng Sản gộc ở Thuận Hải cả đấy. Không ưa thì tôi không chơi. Bản tự khai của tui, không có tên hai thằng đó, không khai quan hệ gì cả. Vậy là xong.”
         - “Ông” cũng là người nhân hậu như ông Thiệu. Ông Thiệu nhân hậu, người bạn của “moi” nhận xét về ông Thiệu như vậy đấy.”
         - “Bạn anh nói sao?” Trắc hỏi.
         - “Moi” có người bạn làm trong văn phòng cố vấn của ông Thiệu. Có lần “moi” hỏi ông ấy: Báo chí phê phán ông Thiệu tham nhũng dữ vậy mà anh chịu làm việc trong phủ tổng thống với ông ta. “Ông” biết ông bạn  “moi” trả lời sao không”?
         -“Trả lời sao?” Trắc hỏi.
         -“Ông ta bảo, “Ông Thiệu là người nhân hậu.”
         -“Đúng đấy anh Hải. Ông Thiệu là người nhân hậu.”
         -“Cậu ông thì ông khen. Em của mẹ mà.” Tôi đùa.
         -“Không đâu anh. Ông Thiệu có tính tốt, tính xấu. Để tui kể anh nghe. Tui là cháu ổng mà. Nhưng anh biết, tui rất vô tư, công bằng.”
 
         Trắc kể tiếp:
         -“Năm tui học lớp Đệ Nhứt, cùng vài đứa bạn rủ nhau đạp xe từ Phan Rang lên Đà Lạt chơi. Nửa đường, gặp cây cầu, dưới là suối nước trong veo, bèn rủ nhau xuống tắm chơi, “đường xa, tắm mát”. Gặp ông Thiệu đi ngang – ông đang làm Chỉ Huy Trưởng   trường Võ Bị - Ông dừng lại, cho mỗi đứa hai chục - cọng chung năm đứa là một trăm. Tui chê ít. Ông cười nói: “Tao ở lính, không có giàu”. Tính ông thương con cháu, nhưng tiết kiệm lắm.”
         - “Hồi đó nghèo, sau nầy giàu.” Tôi nói.
         -“Làm tổng thống, ông vẫn vậy anh à. Tết, con cháu vô phủ tổng thống chúc tết hai ông bà. Ông lì xì mỗi đứa hai trăm, cháu gái cũng như cháu trai. Tụi tui chê ít. Ổng cười: “Làm tổng thống không phải để làm giàu.”
         Tôi kể: “Ông Thiệu có ở Huế một thời gian, nay nhiều người còn nhắc tới ông.”
         -“Tốt hay xấu?” Trắc hỏi.
         -“Đừng lo. Ông Thiệu không phải là người ưa làm việc xấu.” Tôi trả lời.
         -“Ông Thiệu có thời làm tư lệnh Sư Đoàn 1.”
         -“Không phải. Thời còn đi học, trước 1945. Hồi đó ông thuê nhà ở phía trên dốc Nam Giao, học ở Pellerin.”
         -“Nhà ông ngoại tui đâu có giàu mà thuê nhà cho con ở đi học. Tui nhớ rồi. Theo lời ông Thiệu kể là chuyện là như thế nầy. Hồi đó dân Phan Rang ra học Huế cũng đông. Ông bèn thuê một căn nhà, năm bảy người ở chung, nấu ăn chung cho đỡ tốn. Ông Thiệu đứng ra gom tiền trả tiền nhà, “đi chợ nấu cơm”, thành ra ông tiết kiệm được tiền cho cha mẹ. Mẹ tui khi kể chuyện ấy, mắt đỏ hoe vì thương em. Ông Hiếu đi trước, rồi giúp các em. Anh em đùm bọc nhau như người Việt Nam mình đó anh.”
         -“Cũng là chuyện của  “moi” đó Trắc. Mười bốn tuổi, “moi” trốn nhà vô Huế “tha phương cầu học”, ngày làm học trò, tối làm thầy giáo gõ đầu mấy đứa con nít tiểu học, kiếm cơm ăn. Đời học sinh nghèo buồn lắm ông à.”
         -“Anh biết không? Ông Thiệu rất người.” Trắc nói.
         -“Chuyện gì?” Tôi hỏi.
         -“Buồn cười lắm anh. Một hôm, ông Thiệu ngồi xem TV. Ông Kỳ xuất hiện trên màn hình, cười cười, nói nói, bộ râu kẽm nhúc nhích. Ông Thiệu nói: “Xem cái miệng thằng Kỳ, giống như lỗ đít người ta.” Ngồi bên cạnh ông, tui cười thầm. Đúng là “mặn mất ngon, giận mất khôn”, chớ tui không hổn láo với ông Thiệu. Tui nghĩ: Tổng thống mà nói miệng phó tổng thống như thế thì miệng tổng thống giống cái gì.”
         Tôi nói: “Ông Thiệu tức giận ông Kỳ là đúng đấy. Mỗi người mỗi thời. Ông Kỳ từng làm lãnh đạo miền Nam ba, bốn năm, múa may thế cũng đủ rồi, tiếc gì nữa mà còn thọc gậy bánh xe ông Thiệu. Ai không giận.”
 
         Một lúc, tôi nói tiếp: “Ông Thiệu biết mình biết người lắm đấy. Khoảng 1972, ông Thiệu mời ông Nguyễn Văn Hai, lúc ấy đang làm Phó Viện Trưởng viện Đại Học Huế vào Phủ Tổng Thống nói chuyện gì không biết, đóng cửa phòng 3 giờ đồng hồ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không ai biết hai ông nói chuyện chi: Cải tổ chính phủ, cải cách xã hội, cách mạng giáo dục... Bấy giờ ông Thiệu đang bị vây bủa với nhiều khó khăn... Nhưng sau đó ông Hai không nhận một chức vụ gì cả.”
         -“Tui có biết chuyện đó.” Trắc nói.
         -“Ông Thiệu kể lại?” Tôi hỏi.
         -“Không. Nhưng có lần ông Thiệu nói. “Dân Huế chỉ có thể làm cách mạng, không làm chính trị được.”
         -“Có lẽ dân Huế chịu ảnh hưởng những “nhà Cách Mạng” Phan Bội Châu, Hỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Võ Bá Hạp... với các ông vua Thành Thái, Duy Tân, nhất là ông Duy Tân.”
         -“Có mấy người Huế, khi ông làm to, nhờ cậy ông việc gì đó, ông không từ chối.”
         -“”Moi” cũng nghe nói vậy.” Tôi nói tiếp.
 
Khi tui chuẩn bị nhập ngũ, đến thăm ông, ông bảo: “Con trai là phải hào hùng.” Vì vậy, khi tui ra trường Bộ Binh, tui đi Dù. Mẹ tui thấy tui đội mũ đỏ, mẹ tui khóc, nói với ổng: “Chị chỉ có một thằng con trai. Lỡ nó chết sớm, sau nầy ai hương khói cho chị?” Ông Thiệu phải nói trại: “Mũ đỏ nầy là lính của tui, của phủ tổng thống, không phải lính Dù.” Thành ra bọn tui, con cháu ông, đi lính toàn là “dân đánh đấm”, không đứa nào nhờ ông để khỏi đi tác chiến cả. Sau nầy, biết tui đi Dù, mẹ tui khóc hoài, ông mới rút tui ra khỏi Dù.”
         -“Ông là dân Phan Rang, tui muốn hỏi ông một điều. Phan Thiết thì giàu có, phát triển, trong khi Phan Rang thì nghèo, coi như vùng đất chết?”
         - “Tui cũng nghĩ như anh, nhưng cũng chịu, không giải hích được.”
         - “Đà Lạt là nơi ăn uống vui chơi. Hải sản chở từ Phan Rang lên Đà Lạt, phải ngắn hơn từ Phan Thiết lên Đà Lạt không? Vậy mà Phan Rang không mở mang như Phan Thiết được. Bộ ông Thiệu, tỉnh trưởng  Ninh Thuận không có con mắt nhìn như mình sao?”
         - “Ông Thiệu biết chớ anh. Những năm ông làm chỉ huy trưởng trường Võ Bị, ông về thăm Phan Rang hoài mà. Còn như ông đại tá Tự là con nhà nòi mà anh. Dở sao được.
         - “Ông Tự là con trai nhà cách mạng Trần Văn Thạch phải không?”
         -“Ông Thiệu chọn ông Tự làm tỉnh trưởng Ninh Thuận là chọn lựa kỹ lắm. Nhóm Troskist miền Nam nầy toàn trí thức học bên Tây về không. Cỡ như Tạ Thu Thâu giỏi hết chỗ chê. Cộng Sản sợ lắm, đem giết trước mọi người.”
         - Nhưng “moi” vẫn bị ám ảnh về Ninh Thuận, đất tận cùng. Tận cùngVương Quốc Champa. “Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi.” Đất ma quái “ông”, sống làm sao được.
         -“Chiến tranh anh à. Chiến tranh, chỉ có giết nhau mà thôi.
 
         (Tôi vẫn nhớ lời Trắc nói vậy: Chiến tranh. Nhưng năm 2016, về Phan Rang, đi dọc bãi biển Cà Ná, Ninh Chữ... Biển đẹp thế  mà đất nước vẫn vậy. Dân tình có khá giả nhờ hòa bình, nhưng phát triển thì không. Linh hồn oán hờn của các ông vua Chàm, Chế Mân, Chế Củ vẫn còn đâu đây, trong tiếng gió hú ban chiều hay tiếng sóng gầm lúc nửa đêm...)
 
 &

           -“Báo chí nói ông Thiệu hay khoe ông có chân mạng đế vương.” Tôi hỏi Trắc.
         -“Trong gia đình, vừa chơi vừa thiệt, ông Thiệu thường nói vậy. Một lần nhân dịp tết, - ngày Tết, ông Thiệu hay bày đánh bài cào, nhân dịp con cháu đến chúc Tết. Có lần, ông được bài – thường thì ông hay được bài – xì lác - hốt trọn – ông nói đùa khi có ông Nguyên ngồi bên cạnh: “Tui nói rồi. Có chân mạng đế vương mới ăn trọn như tui. Thằng Nguyên thua được chi cũng không làm tổng thống như tui được.” Ông Nguyên là em rể tổng thống, chồng người em gái bà Thiệu.
 
         Ông Nguyên làm giám đốc Hải Long Công Ty – công ty độc quyền phân bón. Báo chí phanh phui, lên án ông Thiệu bao che. Thượng Viện điều tra. Điều tra xong, nghị sĩ Trần Trung Dung đem nguyên hồ sơ vào “ăn sáng” với ông Thiệu. – Ông Thiệu thường tổ chức “ăn sáng” với một số “nhân vật cao cấp” để nói chuyện riêng. Khi ông Trần Trung Dung đưa tập gồ sơ điều tra cho ông Thiệu coi, ông Thiệu cầm hồ sơ để sang phía bên kia, xa chỗ ông Trần Trung Dung, nói: “Có đáng gì đâu. Mấy ông phải hiểu tui, để cho tui yên.” Sau đó, ông Trần Trung Dung ra về, với hai bàn tay không. Tập hồ sơ điều tra về vụ Hải Long công ty, bị giữ lại trong Phủ Đầu Rồng.
 
         Tôi có hỏi anh HVX, người “dựng” lên đảng Dân Chủ cho ông Thiệu, làm trong văn phòng “phụ tá Ngân”, về câu chuyện trên của Trắc, và hỏi thêm “Không phải tiền bạc là do các tỉnh trưởng “đóng hụi chết” cho ông Thiệu.”
Anh HVX cười, trả lời mạnh bạo: “Làm chi có chuyện đó.”
         -“Vậy thì tỉnh trưởng là của ai?
         -“Ông Thiệu thường chia quyền. Các tướng Tư Lệnh Vùng chọn tiểu khu trưởng, tức là chọn tỉnh trưởng, nên thường có chuyện lôi thôi xảy ra. Tai tiếng nhứt là tướng Toàn ở vùng 2, tỉnh trưởng là đệ tử ruột của tướng Toàn. Tướng Nghi thì mang tiếng ở vùng 4, nhất là vụ ông già Lê Văn Duyện ở Bến Tranh. Đứng đắn nhất là tướng Trưởng ở Vùng 1. Vụ “đại tá gỗ” tới tai tướng Trưởng nên Trung Tá Đỗ Kỳ được lệnh nắm ngay ghế tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị.
 
         Anh HVX còn kể, mỗi khi các tỉnh trưởng về họp với tổng thống để nhận chỉ thị, - như trong các cuộc bầu cử chẳng hạn. Trong khi đang họp thì đại tá Cầm đi lấy tiền đâu đó, đem về chi cho các tỉnh trưởng, mỗi người trên dưới mười triệu - con số thường là mười triệu – Các tỉnh trưởng nhận tiền về địa phương thi hành việc gì đó do tổng thống giao phó.
        
         Tôi nói: “Tui tưởng ngược lại chớ, mỗi lần về là phải đóng hụi chết cho tổng thống chớ.”
         Anh X. không trả lời tôi, lại nói:
- “Có lần ông Thiệu giải thích: Không đưa tiền cho tụi nó, - tụi nó là các ông tỉnh trưởng đấy - tụi nó về địa phương mượn danh tổng thống để làm tiền dân, kêu gọi quyên góp để làm việc nầy, việc kia cho tổng thống.”
 
         Kể chuyện đó lại với Trắc, tôi nói: “Thật “moi” cũng không ngờ có “chuyện lạ” như thế. Hồi “cậu Cẩn” còn làm lãnh chúa, các tỉnh trưởng không những phải đóng tiền mà còn đóng hươu, nai, trăn, rắn cho “sở thú” của “cậu” nữa.
         - “Ông Thiệu “tinh ranh” lắm anh, ông biết mấy cha tỉnh tưởng mượn danh ông mà làm tiền dân. Nhiều vụ cũng kẹt, ông Thiệu không làm gì được, như vụ đại tá Kh., thị trưởng Đà-Nẵng.
         - “Vụ đó “moi” cũng biết, khi ông Lâm Sĩ H. đóng cho đại tá Kh. ba trăm ngàn, đại tá Kh. nói: “Đây là phần của tui, còn phần của ông tướng nữa...”
 
         Có lần tôi hỏi Trắc, cũnh như anh HVX., tiền tham nhũng của ông Thiệu lấy từ đâu ra? Không rõ. Tuy vậy, có lần Trắc nói với tôi, báo chí thường không nắm vững “thâm cung bí sử” nên viết bậy. Tôi hỏi Trắc việc gì điển hình nhứt, Trắc kể:
 
- “Chuyện ông Trang Sĩ Tấn tính làm rể ông Thiệu chẳng hạn, làm gì có. Ông Tấn tính làm rể ông Nguyên, nhưng cũng không đi tới đâu. Bên ông Nguyên không chịu vì không “môn đăng hộ đối”. Chuyện nầy chỉ viết vậy thôi, viết nữa mất lòng.
 
Ông Thiệu là người nhân hậu, hiền hay thậm chí nhu nhược?
Người ngoài nhìn vô, sáng hơn chăng? Cũng không hẵn như vậy. Người Tây, người Mỹ, dù họ có bác ái  - bác ái Công Giáo – cũng không giống với Từ bi, Hỷ xã của Phật, lại giống với cái Tâm, “tấm lòng”, với Trời của người Việt Nam. “Không trời ai ở với ai.”  cả ông ta với vợ ông, điều mong ước là “đức”. Câu chuyện do Nguyễn Tiến Hưng kể sau đây, nói lên điều họ mong muốn, như mọi người Việt Nam bình thường, không phải do Chúa biểu ban hay lời Phật dạy:
 
Có lần ông Thiệu hỏi người Mỹ nghĩ thế nào về ông, chúng tôi nói về một hai khía cạnh: Khen có, chê có, rồi thêm: “Tôi nghe một tướng Mỹ nói là tổng thống nhu nhược.” Ông Thiệu hỏi tại sao? Tôi trả lời là ông ấy nói “Tổng thống không cương quyết đủ để ra lệnh tử hình khi cần thiết để làm gương.” Ông nhìn tôi giây lát rồi chậm rãi nói: “Suốt đời, tôi đã tránh không có cái nợ máu.”
 
Xét ra thì trong suốt thời gian 10 năm ông lãnh đạo, thực sự đã không có tội nhân nào phải ra pháp trường. Trên bàn thờ nhà bà Thiệu ở Newton, Massachusetts, vẫn còn treo một cái bảng với phương châm do chính ông viết rồi cho người thêu chữ thật to “Đức Lưu Quang” (Ánh sáng của đạo đức tồn tại mãi). Bà luôn chỉ vào đó mà dạy con cái phải ăn ở cho có đức.
 
“Để đức cho con” là ước nguyện của bậc cha mẹ Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày. Ước nguyện đó đã có từ ngàn xưa, trong truyền thống đạo đức và văn hóa của người Việt. Nó không thuộc về  một tôn giáo nào cả, dù đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo hay đạo Chúa, mà chính truyền thống dân tộc, như tôn giáo truyền thống đang tồn tại trên dải đất nầy, và không thuộc tôn giáo nào, nếu tôn giáo đó thiếu vắng văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
 
 hoànglonghải
Mười/ M. một/ 2021
 
 (1) Hai người chú của Trắc, một người làm giám đốc Công An, một người làm giám đốc Thương Nghiệp.

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top