Chuyện 30 Tháng Tư
CHÔN MỘT CHẾ ĐỘ.
Trich Bài Viết của Trần Thiện Phi Hùng
“Tôi vào lính năm 18 tuổi. 12 năm 4 tháng làm lính. Chuyện cải tạo Vườn Đào và người tù về sớm nhất có thật 100% là tôi”.
Phi Hùng.
“Tượng nào cao bằng tựơng Trần Hưng Đạo
Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân”.
Tôi sáu năm làm lính, thêm sáu năm làm quan, binh chủng Hải Quân. Xạo là chuyện đương nhiên.
Xứ VNCH ta, Bộ Binh, Không Quân chỉ có 4 vùng chiến thuật nhưng Hải Quân có vùng 5 Duyên Hải; Phú Quốc, Côn Sơn. Như nhiều chàng lính biển khác, tôi có thừa tài xạo. Xạo như thật. Xạo với gái bán bars, xạo cả với thượng cấp, nhưng không dám xạo với gái nhà lành, vì tôi rất sợ vướng nợ giai nhân rồi dính lưới hôn nhơn. Đời lính biển đầy những chuyến hải hành dài cả tháng mà có vợ thì xác suất nuôi con của thiên hạ rất cao.
Thôi thì cứ xạo với mấy em bán bar, mấy cô chịu chơi cho đời vui cái đã rồi tính.
Cùng dòng họ Trần Thiện như tôi, có một ông Đại Tướng, 2 ông Đại Tá, mấy chục ông tá, ông uý.
Ông bà nội tôi là loại điền chủ sau khi đã bị chánh phủ VNCH mua lại bởi luật người cày có ruộng; vẫn còn 100 mẫu để canh tác và 15 mẫu ruộng hương hỏa. Cha tôi là một triệu phú có đủ thứ, villas, nhà lầu 4 tầng với mấy chục phòng cho Mỹ mướn rồi sáu bẩy căn phố. Tôi thằng con trưởng nam, vậy mà không được ai nuôi cho ăn học. Ngay khi biết mình 18 tuổi, tôi tự nguyện vào lính hải quân dù chưa nhận được lược giải cá nhân.
Làm lính chưa đầy 6 năm tôi mang lon Thượng sĩ, năm chưa tròn 24 tuổi; đi đâu cũng bị quân cảnh xét giấy tờ coi có mang lon giả hay không. Tôi chỉ mong hết 5 năm để giải ngũ, nhưng rồi chiến cuộc leo thang nên bị lệnh lưu ngũ. Sau đó, tôi đi học làm quan, thăng cấp từ chuẩn úy lên trung úy thì tự động.
Dù làm lính hay làm quan, tất ba gai không bỏ. Gái đến cầu tàu rủ rê đi chơi thì dù đang gác cũng đem súng giao cho sĩ quan trực và bỏ đi chơi 5 ngày sau mới về; vì đi 6 ngày bị cho là đào ngũ nên chiều ngày thứ 5 là tôi về trình diện và vui vẻ nói lý do là “Tại gái xuống tận cầu tàu rũ đi chơi” và vui vẻ đi tù.
Từ đầu tháng Tư 1975, ngay khi thấy chộn rộn, nhiều người tìm đường ra đi, tôi đã chọn đã chọn ở lại. Là sĩ quan hải quân, tôi mà muốn ra đi thì tàu nào cũng lên đi được hết. Tàu nào cũng có bạn cùng khóa lính hay khóa quan hay cùng đơn vị khi xưa; Hơn nữa, nơi tôi phục vụ là Trường Chiến hạm của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, chuyên huấn luyện tác chiến và thanh tra các chiến hạm của hải quân nên gần như quen biết rất nhiều. Những thường dân mang cả gia đình đứng lớ ngớ trước Hải Quân Công Xưởng muốn vào phía trong để xuống tàu mà không vào được tôi còn dẫn dùm vào. Tôi xa mẹ từ thuở nhỏ nay chỉ muốn được sống bên mẹ của tôi mà thôi. Tôi tự tin là dù hoàn cảnh nào, mình cũng có thể xoay trở để sống còn.
Chiều 30 tháng Tư, lần đầu tiên tôi đến nhà ba tôi. Đứng trên sân thượng của building 4 tầng trên đường Chi Lăng, nhìn những chiếc T. 54 của Quân Bắc Việt từ bệnh viện ung thư và tòa hành chánh tỉnh Gia Định quẹo qua đường Chi Lăng ngang bót Hàng Keo qua trước nhà ba của tôi để tiến về Dinh Độc Lập. Tôi rơi nước mắt. “Thế là hết; Tôi thua trận; Tôi bị mất Nước!”
Tôi rời bỏ Biên Hòa về quê mẹ nhưng bị truy tìm nên phải về quê của Ông Ngoại và 15 ngày sau mới trình diện ở Quận Chợ Gạo. Hai tháng sau khi trình diện, tôi được đưa đến tập trung ở Đình xã Tân Lý Tây. Ngôi đình nầy được cho là linh thiêng vì không bị dấu vết của bom đạn. Ở đây chúng tôi phải khai lý lịch chừng chục lần trong 2 tháng. Ngay lần khai đầu tiên, tôi hiểu ngay đây là lúc phải xài tài ba xạo. Mấy ông họ hàng Trần Thiện theo phe quốc gia không dính gì đến tôi. Bố mẹ, chú bác anh em nhà tôi đều theo kháng chiến, có cả lô tử sĩ. Nhiều lúc đang ngủ bị dựng dậy bắt khai lý lịch vì lệnh trên bắt khai lại. Lý lịch của tôi là lý lịch xạo thì làm sao nhớ mà khai cho đúng y như nhau nên phải chép thật nhỏ giấu vào trong bâu áo. Mỗi lần khai là lần lấy ra xào lại.
Sau đợt lý lịch, một ngày Thứ Bảy gần tối, cả bọn trình diện được lùa lên một đoàn xe GMC và xe hàng loại chở heo đến. Lệnh chỉ ngắn gọn, “chuyển trại”, không cho biết sẽ đi đâu. Xe chạy về hướng Cai Lậy, một bên lộ là con kinh. Một tên trên xe nói tới Mỹ Phước Tây rồi.
Mỹ Phước Tây cái tên nầy nghe quen quá. Tôi cố moi trí nhớ. Phải rồi, đây vùng nằm giữa Đồng Tháp Mười, trên đường đi Mộc Hóa.
Qua Mỹ Phước Tây chừng 2 hay 3 km, xe dừng lại. Cán bộ coi tù cho biết đây là Trại Cải tạo Vườn Đào. Tên Vườn Đào là vì ngày xưa có người lập vườn trồng đào lộn hột nhưng rồi bỏ hoang. Trên chục dãy nhà lá dài hàng mấy chục thước. Vào trại, tôi được một số trại viên cũ cho biết họ bị bắt trước ngày 30 tháng 4 và đưa về đây, lùa đi đốn cây làm nhà cho trại. Chúng tôi được chia ra 25 người vô một tổ. Trải nylon quấn mền ngủ qua đêm vì quá tối không thể tìm cách giăng mùng.
Trại cải tạo Vườn Đào đúng là cái trại tù không giống bất cứ nơi đâu. Trong trại không ai nhìn ra tôi. Tôi nhận ra một Thiếu úy ngày xưa ở quân trường Nha Trang tôi làm Đại đội trưởng của hắn nhưng nay nhìn tôi hắn ta ngó lơ. Thế cũng là tốt.
Thời mới đến trại Vườn Đào, tôi nhờ được Mẹ lên thăm vừa tiếp tế vừa dúi tiền cho, nên ăn no xài bảnh. Nhưng những ngày tù “huy hoàng” cũng tới lúc kết thúc. Đổi tiền. 22 tây tháng Chín, 1975, tôi còn trên 100 ngàn, phải chia cho bạn bè đổi dùm. Cán bộ đưa cho mấy đồng còn bao nhiêu giữ lại. Vậy là hết thời vung vít.
Trong trại, ngoài màn lao động còn đủ kiểu họp hành, bắt viết đủ thứ “tự khai” rồi “thu hoạch.” Anh nào bị gọi lên “làm việc” là có chuyện vì bị báo cáo gì đó. Tự biết mình khai lý lịch xạo, muốn yên tôi đóng luôn vai dữ, sẵn sàng đập lộn. Hăm he và thừa cơ đánh vào chỗ yếu của thiên hạ là cách sống còn mà trường đời dạy tôi. Nhược điểm là thằng nào cũng muốn được thả về sớm. Tôi thì tuyên bố tao không cần ra sớm. Tiền bạc mẹ và em của tao đủ sống nhiều năm nữa; Tao không cần ra sớm vì tao biết không thể nào ra sớm; Thằng nào cà chớn tao đập để cùng nhau ở trại tù muôn năm cho vui.
Đòn phép này có vẻ hữu hiệu, vậy mà yên được ít lâu, rồi cũng có ngày tôi bị gọi đi trình diện “làm việc”. Chắc là bị báo cáo gì đây. Trước khi đi, tôi còn hâm he:
- Tao mà bị gì thì thằng nào báo cáo nên trốn đi chứ không thì đừng trách tao nặng tay.
Người chờ “làm việc” với tôi không phải tay cán bộ coi an ninh trại mà là một Trung Úy cán bộ người Miền Nam nằm vùng Đồng Tháp Mười. Ngay khi gặp mặt, anh ta tự xưng là “chính trị viên” và trấn an tôi ngay:
- Tôi gọi anh lên chỉ để nói chuyện chơi cho biết thôi, không có gì quan trọng.
Sau đó, tôi còn được mời ngồi, rồi chính viên trung uý cán bộ này đưa thuốc lá của anh ta ra mời hút.
- Tôi vừa đọc xong mấy bài thu hoạch của anh. Anh là văn sĩ à?
À thì ra anh ta thích đọc “văn xạo" của tôi. Trong tự khai rồi thu hoạch của tôi, mẹ tôi từng là cán bộ huyện Giồng Trơm tỉnh Bến Tre từ thời Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp và cha tôi thì thời đầu kháng chiến từng là đồng chí của tướng Trần văn Trà. (Thực sự thì Ba tôi có một thời tham gia kháng chiến, biết Trần văn Trà trước khi ông rời khỏi chiến khu về thành) Chuyện trò lan man, anh ta còn hỏi làm sao bài tôi viết đề cập tới nhiều người chính anh ta cũng chưa biết.
Sau hơn tiếng đồng hồ được mời trà mời thuốc, trước khi ra về, viên Trung Uý còn bảo tôi cứ về trại an tâm tin tưởng cách mạng luôn có tình có lý. Được thả về trại bình an, bạn tù vây quanh thăm hỏi việc gì vậy, tôi trả lời:
- Trung Úy Chính Trị Viên (thay vì nói là cán bộ) kêu tao lên hút thuốc nói chuyện chơi và khen bài viết của tao có thể xuất bản thành sách cải tạo!(thành sách cải tạo!
Tù cải tạo được cán bộ gọi lên nói chuyện chơi mà không có gì hết thì đúng là “đáng ngờ”. Saù đó tôi thật là thoải mái dễ sống, không tên nào dám báo cáo gì hết.
Một hôm, vừa cơm trưa xong tôi bị kêu lên gặp cán bộ. Vẫn viên trung uý chính trị viên lần trước, nhưng lần này anh ta không ngồi văn phòng mà đứng sẵn trên bậc thềm khu cơ quan đón tôi. Sau màn chào hỏi, anh ta vui vẻ dẫn tôi lại văn phòng thuộc khu của trưởng trại, bảo tôi chờ phía ngoài. Anh ta vào phòng một lát rồi đi ra, bảo tôi bảo “Hôm nay anh sẽ làm việc với đồng chí bí thư, tôi sẽ gặp anh sau. “Nói xong, viên trung uý ra dấu cho tôi đi tới phía văn phòng cửa mở sẵn rồi bỏ đi. Tôi đứng lại tần ngần bên cửa, đang tự hỏi không hiểu chuyện gì thì từ trong phòng, một giọng nữ miền nam vang ra:
- Anh vô đi.
Giọng nói có vẻ lạ. Tôi bước vào phòng. Không thấy ai. Bàn làm việc ghế ngồi bỏ trống. Vẫn cái giọng nữ ấy vang lên phía sau tôi.
- Anh ngó lui coi. Tôi ở đây.
Giọng nói vang lên ngay bên cửa, nơi tôi vừa bước qua. Không phải khăn rằn. Cũng không bà ba đen. Một cô mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bó sát chưa quá ba mươi tuổi đứng khoanh tay bên cửa. Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Anh không nhớ tôi đâu nhưng tôi biết anh. Tôi biết anh đánh lộn trong trại. Tôi biết anh khai lý lịch xạo.
A, phút nguy hiểm đã tới. Thì ra cái người mà viên trung uý gọi là “đồng chí bí thư” là cô này. Phải coi cô ta là thứ người gì rồi mới liệu đường mà thoát hiểm. Ai đây? Động nào, bars nào. Có phải mấy cô tôi từng gặp ở làng Cam Ranh hay ở bến bờ nào đây?
- Anh đang cố nhớ mà không thể nhớ ra. Tôi không ở những nơi mà anh đang nghĩ đâu. Anh cứ nhìn tôi coi có nhớ gì không?
Cô ta vẫn đứng yên bên cửa, vẫn khoanh tay nhìn tôi và như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi. Có vẻ thấy tôi giống như con nai vàng ngơ ngác giữa trời mùa đông, cô ta nhắc lại điều vừa nói:
- Anh đừng cố tìm tôi trong những chỗ anh thường lui tới. Tôi không phải loại đó. Thong thả, tôi sẽ nhắc cho anh nhớ. Chúng ta chỉ gặp nhau một lần.
Biết tôi không thể nhớ ra gì hơn. Cô ta tiếp tục: ( Cô ta tiếp tục):
- Có lẽ chưa đầy 30 phút. Nhưng tôi biết về anh. Tôi đã coi tất cả hồ sơ của anh. Bao năm qua, tôi vẫn quyết phải tìm cho ra anh. Đầu tháng Năm, sau khi ổn định tình hình; tôi lên Sài Gòn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Giấy tờ hồ sơ của hải quân còn đầy đủ cả. Một người của chúng tôi nằm vùng ở phòng tổng quản trị đưa cho tôi danh sách những người trình diện; còn anh ta thì tìm giúp tôi danh sách các quân nhân hải quân trước 75. Có ba người trùng tên anh, tất cả đều là sĩ quan. Một Trung tá là người Bắc di cư; một Trung úy người Nam và một thiếu úy người miền Trung. Tôi biết anh người Nam. Trong danh sách sĩ quan hải quân trình diện, tôi tìm thấy tên anh, một Trung úy người Nam, địa chỉ Tân Vạn Biên Hòa. Tôi lên ngay Biên Hòa thì công an xã cho biết anh bỏ cây xăng trốn đi đâu không biết. Anh đâu có trốn khỏi tay tôi.
À, đúng là một tay nguy hiểm. Không hiểu mình gây thù chuốc oán gì mà bị săn lùng tới mức này. Chắc phải giả ngây giả dại mới qua khỏi ải này, tôi nghĩ. Cô ta nói tiếp:
- Tôi biết anh đã trình diện. Sau khi có lệnh tập trung cải tạo tôi tìm hầu hết các trại cải tạo miền Tây và đến Mỹ Tho nầy thì thấy tên anh; Lý lịch anh khai ở trại này toàn là thứ ba xạo, đúng chưa? Con trai độc nhất trong nhà như anh thì đào đâu ra mà có anh ruột là Thương Uý tập kết tử trận ở Cà Mau. Anh muốn tôi kể thêm nữa không?
- Cô... Cán bộ. Cô...
Thấy “con mồi” đứng lơ ngơ chịu trận, cô ta có vẻ hài lòng, thong thả rời chỗ đứng về lại bàn rồi bảo tôi:
-Trong trại này anh còn dám đánh lộn rồi còn tuyên bố chẳng cần được thả sớm. Anh “chì” lắm ma, sao nay ú ớ vậy. Thôi, ngồi xuống đi. Bây giờ chú ý nghe tôi nhắc. Anh nhớ Năm Căn không? Nhớ đi...
- Năm Căn Cà Mau?
- Còn Năm Căn nào nữa. Ngày ấy anh chỉ là một anh thuỷ thủ quèn mà làm tàng... Nhớ đi. Rán coi. Tôi nhắc thêm nghe. Thấy trên cánh tay bọn tôi có bốn dấu xâm, anh ba hoa giảng lung tung
rồi bảo chúng tôi đi đi, mau mau về nhà lo làm ăn mà kiếm tấm chồng...
....
À á. Năm Căn. Bốn vết xâm. Tôi bắt đầu nhớ. Chuyện đã mưới mấy năm trước, hồi tôi mới vào lính. Sau 2 tháng được huyến luyện quân sự ở Nha Trang, tôi xuống chiếc tàu Há Mồm (HQ. 500) làm thủy thủ tập sự và được tham dự “Chiến dịch Sống Tình Thương” ở quận Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Đây là nơi mà khi tàu ủi bãi, có mấy đứa con nít đến, dơ tay gõ vào thành tàu rồi la lên “bằng sắt thiệt tụi bây ơi”; Chúng tôi thấy lạ kỳ nên hỏi vậy chớ các em nghĩ tàu làm bằng gì. Bọn nhỏ nói các ảnh nói tàu làm bằng cạc tông.Cũng trong chiến dịch này, có bữa địa phương quân đưa xuống tàu chúng tôi ba nữ giao liên gửi cho hải quân giữ chờ hải thuyền đến chở giao về tỉnh Cà Mau. Chiến dịch chấm dứt, tàu tôi được lệnh phải đi công tác khẩn chuyển quân ra miền Trung. Chỉ huy tàu bảo ba cô giao liên chỉ là bọn con nít, chẳng biết gì, cho lệnh phóng thích luôn. Tôi đang phiên gác với một ông Trung sĩ nên được lệnh xuống phòng tạm trú dẫn ba cô lên bờ thả cho đi.
Đúng là cả ba đều con nít, hai cô 15 tuổi, cô lớn chắc cũng chỉ 16, 17 tuổi. Thấy trên cánh tay các cô có 4 dấu xâm, tôi nói:
“Các cô có biết 4 dấu chấm xâm trên cánh tay ý nghĩa là gì không? Sinh Bắc Tử Nam là để cho người miền Bắc vượt tuyến vào Nam thề chiến đấu cho đến chết vì Bác vì Đảng. Các cô sinh ở miền Nam không lẽ Sinh Nam Tử Bắc hay Sinh Nam Tử Nam thì chống lại với người Miền Bắc hay sao? Về xóa hết đi lo làm ăn kiếm tấm chồng mà sống cho bình thường. Chuyện đánh nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.”
Không lẽ chỉ nói chừng đó mà thành mối hận để bay giờ phải trả. Thấy tôi nín thinh, cô cán bộ áo trắng nhắc tiếp:
“Anh nhớ thêm đi.
Lúc anh bảo ba cô đi đi, tôi không chịu đi mà đòi anh đem giao chúng tôi cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà đòi giao cho tỉnh. Tôi nói chứ không phải thả đi để các anh bắn từ phía sau lưng hay sao? Anh phá ra cười rồi hỏi ai bảo các cô vậy? Tôi nói nghe các anh lớn nói. Anh hỏi lại nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai sống mà kể lại cho các anh lớn biết. Rồi anh tiếp là chẳng những hải quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả người rồi bắn sau lưng. Anh còn nói bắt người thì phải đưa ra tòa xét xử, nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau lưng cả. Anh nhớ ra chưa?
Thấy giọng cô ta bỗng như dịu lại, không có vẻ gì là hằn thù, tôi làm bộ như vừa chợt nhớ ra và kêu:
- A...A... Cô có thể cười cho tôi coi không?
- Có lẽ anh đang nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có hai núm đồng tiền nên dễ kiếm chồng lắm.
Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. Hai núm đồng tiền, bên phải sâu hơn bên trái.
- Đúng rồi. Đúng cái mặt cười năm xưa. Tôi nhớ sau khi tôi khen cô bé còn nguýt tôi một cái thật dài. Tôi nhớ hoài cái nguýt dài ấy.
- Ở đó mà cô bé, cô bé....
Tức thì thêm một cái nguýt dài trên mặt cô cán bộ. Đôi má núm đồng tiền bỗng như linh động hơn.
Sau cái cười và cái nguýt dài của cô cán bộ áo trắng, tôi cảm thấy nhẹ người.
- Anh nhìn lại coi. Hơn 12 năm rồi. Đâu còn con bé nào ở đây.
Đến lượt tôi cũng nhìn thẳng vào mắt cô ta và cười. Câu chuyện từ lúc này bắt đầu thấy dễ chịu. Tôi nói:
- Sau khi đưa các cô tới gần cái chợ nhỏ bên sông, thấy chỗ an toàn, tôi mới bảo các cô đi đi. Khi các cô đi qua khu chợ, tôi còn đi theo một đoạn canh chừng. Không thấy cô ngó lui.
- Tôi không ngó lui nhưng biết anh đi theo. Chắc anh không thể ngờ là khi về nhà rồi, ngay ngày hôm sau tôi còn trở lại khu bến sông ấy, nhưng tàu của anh đã đi rồi.
- Tôi có nghe viên trung uý vừa rồi gọi cô là đồng chí bí thư. Chắc cô đã là đảng viên lâu năm.
- Vậy là anh đã nghe. Đúng là tôi đã 12 tuổi đảng. Ngay khi trở về, tôi được kết nạp đảng. Sau đó được chuyển về làm công tác nội
Thành, (theo dõi thầy dõi) thầy cô và hiệu đoàn học sinh trường trung học Cà Mau nên tôi học thi lại Tú tài 1 và năm 65, tôi đậu luôn Tú Tài 2. Sau đó ít lâu, tôi chuyển về công tác nằm vùng tại đại học Long Xuyên cho tới ngày giải phóng. Anh không biết là bao năm qua, tôi vẫn tin là sẽ có ngày tôi gặp lại anh...
Tôi nói:
- Thì chúng ta đang gặp nhau ở đây. Hôm nay tôi đã là người tù. Cô là người thắng trận. Ngày ấy, thấy trên cánh tay các cô có mấy vết xâm, tôi lỡ nói mấy câu gì đó. Mong cô không để tâm.
- Anh khỏi cần phải mong. Mấy câu anh nói ngày ấy tôi không bao giờ quên. Hôm nay tôi cố ý mang áo sơ mi ngắn tay để anh thấy trên tay tôi không còn vết xâm nữa. Tôi đã xoá bỏ chúng từ lâu. Anh thấy chưa, không còn dấu vết hay để thẹo gì cả.
Cô ta vừa nói vừa đưa cánh tay ra. Thấy tôi im lặng, cô ta nói luôn:
- Anh không cần phải sợ tôi. Hơn 12 năm trước, khi trở lại bến sông ở Năm Căn tìm anh, tôi chỉ muốn anh biết là tôi cám ơn anh. Hôm nay cũng vậy. Trước đây, khi bắt đầu đi tìm tung tích anh, tôi chỉ mong một lần gặp lại coi anh sống ra sao, vợ con dùm đề thế nào. Khi coi hồ sơ, tôi đến địa chỉ ghi trong lý lịch thì ra là nhà của ông ngoại anh chứ không phải nhà của mẹ anh. Tôi hỏi địa chỉ và đến thăm mẹ anh ở xóm Tân Vạn. Chính bà than phiền với tôi là cho đến nay anh vẫn còn độc thân. Nhìn hình trong nhà, tôi nhận ra anh ngay. Bao năm qua, tôi không thể quên ánh mắt tinh nghịch nụ cười nửa miệng của anh.
Mẹ anh kể là mấy cô bạn anh toàn là gái giang hồ, bán bar. Anh sợ lập gia đình nên không dám quen gái nhà lành. Mẹ anh nói có lần bà bảo anh cưới cô giáo nhà bên cạnh nhưng anh nói không muốn có vợ vì sợ phải nuôi con thiên hạ. Anh biết vì sao mẹ anh kể tôi nghe mọi chuyện về anh không?
- Vì cô hỏi thì bà kể. Mấy chuyện đó có gì đâu mà mẹ tôi phải dấu.
- Không phải vì tôi hỏi mà mẹ anh rất thương tôi, tự bà kể ra. Bà muốn tôi phải biết tất cả về anh. Tại sao anh biết không? Tại tôi nói với mẹ anh rằng tôi là người anh thương của anh. Anh đã tính đưa tôi về ra mắt mẹ nhưng chưa kịp làm. Tôi không chỉ nói mà còn ở lại với mẹ anh hai ngày hai đêm. Bà nói với tôi không sót điều gì, từ ba anh tới bà con chú bác dòng họ. Mẹ anh còn nói bà
thiệt mừng khi thấy tôi tự đến ra mắt bà. Hôm nay gặp lại anh, chúng ta không có nhiều thì giờ để vòng vo nên tôi phải nói luôn với anh chuyện này. Tôi thật lòng muốn làm bạn với anh.
Một cô cán bộ 12 tuổi đảng muốn làm bạn với tôi. Chuyện thật khó tin. Tôi nói:
- Cám ơn cô nhưng tôi chỉ là một tên tù không biết ngày nào về, làm sao có thể là bạn của cô được.
- Ngày xưa anh từng mang tôi ra khỏi nhà tù, lần này, đến phiên tôi sẽ cứu anh ra khỏi nơi này.
Chuyện tưởng như đùa nhưng cô ta nói nghe chắc như ăn bắp. Tôi từng nghe chuyện lý lịch với phía cộng sản là sinh tử. Có nhiều cán bộ cao cấp tập kết ra Bắc nay thấy con cháu đi tù cải tạo mà ngó lơ, không ai dám dỡn mặt với kỷ luật đảng. Tại sao cô cán bộ này dám nói ra miệng là sẽ ra tay cứu mình. Cô ta là thứ bí thư gì vậy. Âm mưu gì đây mà cô ta phải tìm đến ở với mẹ tôi mấy ngày đêm để nắm hết lý lịch bí ẩn của tôi. Mẹ tôi vốn cả tin. Chưa bao giờ tôi mang bất cứ người cô nào về nhà ra mắt mẹ. Nay thấy một cô gái có vẻ con nhà lành dễ thương tới xưng là người tình của thằng con, bảo sao bà ta không tin ngay mà thương. Nhưng tôi đâu có khờ như bà mẹ mình được. Tôi nói:
- Cô đã biết hết lý lịch thật của tôi. Tất cả rồi sẽ bị phanh phui, chắc tôi sẽ khó sống. Cô tuy có 12 tuổi đảng nhưng dính đến tôi sẽ có ngày liên lụy. Xin cô tha cho tôi.
Cô ta cười to và nói:
- Anh khỏi lo dùm tôi.
(- Anh khỏi lo dùm tôi). Tôi đã hứa là sẽ làm. Anh cứ sống bình thường như mọi người trong trại là được rồi.
Cô ta đưa cho tôi một túi quà và nói:
- Đây là quà của riêng tôi biếu anh. Mẹ anh cũng muốn gửi quà nhưng tôi nói bà cứ giữ đó. Tháng tới tôi sẽ đưa bà lên thăm anh. Thôi, anh về đi. Trưởng Trại có lẽ sắp trở lại.
Tôi nhận gói quà, chào cô ta ra về mà gần như người mất hồn. Về tới trại giam, tôi chỉ trả lời qua loa trước những lời dò hỏi của bạn tù.
Đúng như lời hẹn, tháng sau cô ta đi cùng với mẹ tôi lên thăm. Không phải thăm riêng mà bình thường như bao người cải tạo khác. Cùng gặp một lúc tại nhà thăm nuôi, chỉ 15 phút... Mọi lời lẽ tù nói với người thăm gặp phải diễn ra trước mặt viên cán bộ phụ trách. Từ đó, cô ta tiếp tục đi cùng mẹ tôi đến thăm tôi hàng tháng. Chẳng thể nói gì, tôi đành phó mặt cho số mệnh. Thấy cô cán bộ 12 tuổi đảng đóng vai phó thường dân ngồi cười cười bên bà mẹ thăm nuôi, tôi nổi tánh lì, trò chuyện tự nhiên, đôi khi còn chọc cười như ngày xưa ở các bars hay động. Tôi còn gì để mất? Cô ta muốn gì ở tôi? Tôi có gì để mà lợi dụng? Thôi thì phó mặc cho số phận.
Tháng Một năm 1976, một buổi chiều vừa ăn cơm xong, sắp tới giờ điểm danh vô chuồng, bỗng có cán bộ cầm danh sách đến gọi đúng tên tôi bảo thu dọn gọn lẹ đồ đạc cá nhân mang theo ra điểm danh.
Bất ngờ gọi tên lúc chiều tối hẳn không phải lệnh tha. Thu dọn đồ đạc mang theo kiểu này chỉ có thể là chuyện trại. Nơi tập họp điểm danh là sân trại. Số tù được gọi ra điểm danh có hai mươi mấy mạng, trong số này có tên chỉ còn anh chỉ còn một chân. Một cán bộ trẻ mang lon thiếu uý dẫn chúng tôi đi ra cổng. Không thấy xe cộ gì. Cả bọn cuộc bộ, không thấy có quản chế súng ống kèm sát như khi đi lao động. Một tên đánh bạo hỏi:
- Chúng tôi đi đâu đây cán bộ?
- Đi tới nơi làm lệnh tha.
- Tha về hả cán bộ?
- Bộ tha rồi không về ở lại ăn hại à?
Cả bọn nửa tin nửa ngờ; Trời bắt đầu tối. Thả vào giờ nầy, xe cộ đâu mà về?
Cả bọn được dẫn ra đến nhà thăm nuôi. Đèn được thắp sáng. Có viên trung uý xưng là chánh trị viên tôi từng gặp đợi sẵn. Thấy tôi trong đoàn người, anh ta cười ra vẻ “hồ hởi” bảo hôm nay anh sẽ thấy cách mạng luôn có tình có lý. Các anh tập trung lại bàn thăm nuôi khai lại địa chỉ và người nhà cho chính xác một lần, sau đó sẽ nghe đồng chí trại trưởng tới nói chuyện.
Chừng nửa giờ sau, Đại Úy Trưởng Trại ra tuyên bố:
- Các anh thuộc diện gia đình cách mạng được bảo lãnh cho về; Kể từ giờ phút nầy tuyệt đối không được liên lạc với những người trong trại; Từ đêm nay các anh ăn ngủ tạm tại nhà thăm nuôi này. Cán bộ sẽ phát mền chiếu v, gạo và lương thực để các anh tự nấu nướng. Ngày mai sẽ làm thủ tục nhận lại đồ ký gởi và lệnh tha. Sau đó chờ liên lạc, gặp gỡ thân nhân bảo lãnh và làm lễ ra trại... Trong mấy bữa chờ làm lễ, các anh tuyệt đối không được liên lạc với các trại viên cũ.
Hôm sau, cả bọn được tập trung lên cơ quan nhận lệnh tha, tiền và đồ dùng ký gửi. Riêng phần tôi, kiểm lại thấy còn vài trăm bạc mới. Ba ngày sau, đã thấy đoàn người thân nhân trong đó có bà mẹ tôi có mặt tại nhà thăm nuôi. Hai mươi mấy tên tù được tha, kể cả tôi, hầu hết đều do mẹ là người bảo lãnh.
Cán bộ ra đưa cho một số tiền để mua thức ăn làm bữa tiệc chia tay. Một bà mẹ đến từ Cao Lãnh nghe nói trước là chủ nhập cảng các loại máy ghe tàu, “xung phong” nhận sẽ “ủng hộ” thêm tiền chợ và còn tình nguyện lãnh đi chợ dùm. Bà ta hỏi có thể cho một hay hai người đi theo mang phụ thức ăn. Cán bộ nói:
- Bây giờ thì các anh có thể đi tự do; muốn mấy người theo cũng được.
Thế là khu chợ gần Trại Cải Tạo Vườn Đào được một buổi chợ trúng mối. Heo, gà, vịt, tôm càng, cá... rau cải mua nguyên thúng, nguyên sàn, hỏi giá bao nhiêu là mua bấy nhiêu khỏi cần trả giá; tiền chợ được bà chủ Cao Lãnh xuất hầu bao, mớ tiền chợ ít ỏi do trại phát có lẽ được bà mẹ nầy cất riêng để làm kỷ niệm ngày con được ra tù.
Tiệc chia tay thức ăn ê hề nào gỏi, nào ca ri, cá hấp, tôm càng nướng, thịt heo, gà, vịt luộc. Thế rồi tiệc cũng bế mạt. Thức ăn gần như còn nguyên vì ai cũng chỉ nếm cho có vị và cán bộ cũng không dám ăn bửa tiệc giá đáng mấy chục lần số tiền cho để làm tiệc. Mấy Bà xin đem thức ăn cho mấy người trong trại thì cán bộ không cho bảo phải đem chôn hết.
Ra khỏi trại mọi người đứng chờ đón xe Mộc Hóa để về Cai Lậy. Từ phía hàng rào trại, thấy lố nhố người đứng trông ra. Tôi quay lui, cũng không dám nhìn lâu không còn nhận được dáng của đứa nào!.
Tôi nói với Má:
- Mình đi lần, bao giờ có xe thì đón. Chứ đứng đây chờ nhìn vào các bạn trong kia nhìn ra, con thấy bất an!
Tôi và má Tôi đi lần dọc theo lộ. Tất cả gần như thấy vậy cũng đi theo.
*
Là người tù trại Vườn Đào được về sớm, tôi biết thân ở yên với mẹ già. Chòm xóm không thấy làm khó dễ.
Sau khi được trao trả quyền công dân, tôi còn được cử ông Nông Hội Ấp đề nghị tôi làm trung đội trưởng lao động ấp; mọi người vỗ tay tán thành. Thế là từ đó ai thấy tôi đến nhà là biết bị gọi đi lao động không công cho XHCN, nào đào kinh, lấp kinh, rồi nước đọng cây trái bị úng nước, ruộng lúa bị ngập nước không rút kịp lâu ngày cây cối chết, lại phải đi phá đập, vác lúa thu thuế... Tôi không dám nhìn khi thấy bà con nông dân ai cũng đầy nước mắt khi bồ lúa vơi đi hơn phân nửa để đóng thuế. Nghe nói lúa thuế được chở tiếp tế cho Miền Bắc.
Mỗi tháng Cô Bí Thư đều đem nhiều khô mắm từ Cà Mau lên thăm Tôi và ở chơi 3 hay 4 ngày. Cô ta ngủ chung với mẹ tôi, vẫn có vẻ được bà thương mến, tin cẩn. Tôi cũng không nói hay hỏi gì thêm ngoài việc cho mẹ biết là bà đã vô tình đem sói vào nhà vì cô ta là ní bí thư trên 12 tuổi đảng.
Cũng có lần cô ta biệt tăm luôn 3 tháng; rồi một hôm bỗng đến thăm với nhiều quà từ miền Bắc. Cô cho biết vừa đi tập huấn ở Hà Nội về. Tôi hỏi:
- Em sáng mắt ra chưa?
Cô ta lườm và nói:
- Anh chưa thấy quan tài nên chưa biết đổ lệ!
Đầu năm 1980, Cô ta đến thăm và tối hôm đó có mặt mẹ của tôi. Cô ta nói:
- Mẹ muốn em lo cho anh ra đi; nhưng em có điều kiện là anh phải nhận em làm vợ cho đến khi định cư rồi sau đó tùy anh. Em cho anh một tháng để nghĩ suy và trả lời em.
Mẹ tôi khuyên tôi nên nhận cô ta làm vợ vì cô ta thương tôi thật sự. Tôi thì nghĩ không hẳn. Cô ta bỏ nhiều công phu tìm tôi, giúp tôi và nay muốn cùng tôi vượt biên với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân để làm gián điệp như bao trường hợp nằm vùng khác, có người làm tài xế, người giúp việc trung thành tận tâm cả chục năm nhưng sau tháng tư đen thì mới lòi mặt thật. Nhưng đâu còn đường nào khác để tính.
Chưa đầy một tháng sau cô ta lên và bảo tôi chỉ đem theo một bộ quần áo gọn nhẹ để mai đi. Tôi hỏi:
- Em chưa biết anh có đồng ý hay không mà bảo ra đi.
- Thông minh như anh thì không bao giờ bỏ mất dịp may, vì anh không mất gì cả, kẻ mất nhiều nhứt là em nhưng là em tự nguyện; Mọi chuyện ra sao sau này anh sẽ biết.
Tôi hỏi cô ta có an toàn không.
- Anh có cần tàu Hải Quân biên phòng hộ tống hay không? Nếu muốn em cũng có cho anh.
Tôi nghe mà khiếp. Chẳng rõ cô ta nói đủa hay nói thật. Cỡ bí thư huyện ủy cung không thể có quyền vào Bộ Tư Lệnh Hải quân xưa để tầm kẻ thù; Không hiểu cô ta là thứ gì? Không ra hải ngoại để nằm vùng hay làm gián điệp thì còn gì nữa? Nghĩ vậy nhưng thôi kệ. Cô ta làm gì hay là ai tính sau, cứ thoát ra khỏi nước cái đã. Thế là chúng tôi từ giã mẹ ra đi.
Tàu vượt biên dài 12 mét mới toanh, máy cũng mới và số người đi là 52 người do một cựu hàng hải thương thuyền ngày xưa lái; nhưng cuối cùng 26 người bị rớt lại vì ghe nhỏ chuyển ra ghe lớn bị chận giữa đường mà trong đó có gia đình tài công. Cô bí thư hỏi:
- Anh lái được chứ?
- Lái được nhưng không có bản đồ mà chỉ có la bàn thì phải chạy thẳng ra hải phận quốc tế rồi theo hướng Tàu buôn mà lấy hướng đi thì sẽ sang Singapore hay tấp vào các đảo của Indonesia.
Tôi lái suốt 5 ngày đêm mới gặp một ghe đánh cá của Indonesian và hỏi thăm thì được chỉ cho một chỗ cách đó không xa. Tôi lái vào và ở đó một ngày một đêm thì được tàu của Indo đưa đến trại tỵ nạn Kuku. Một tháng sau chúng tôi được đưa sang trại Galang và dĩ nhiên trong lý lịch của Hải quân Trung úy VNCH nay có thêm cô vợ bí mật nhiều phần là gián điệp.
Trên bước đường lưu vong quê người xứ lạ làm thân thất quốc, chúng tôi cô đơn lạc lõng như nhau.
Ngày qua ngày cả hai đứa đi học tiếng Anh về nấu cơm chung rồi chung mùng va thành vợ chồng thật.
Ở Galang tôi gặp lại bạn bè quân ngũ xưa; vì gần như mỗi tàu là có đôi ba hải quân xưa được đi không tốn tiền để lái tàu. Quán Trùng Dương là nơi tụ họp để nhận ra nhau kể chuyện xưa và bàn chuyện tương lai. Các cựu hải quân xưa làm sổ lưu niệm giống như thời học trò viết lưu bút ngày xanh cho những tháng nghĩ hè. Lắm ông ghi cả số quân đơn vị xưa và dán cả hình. Ôi các quan lính ơi Tôi mà đem cái sổ nầy về thì e rằng cô bí thư mười mấy tuổi đảng sẽ lén ghi lại hết gởi về Bắc Bộ phủ thì gia đình các ông cũng mà khó sống ở VN! Tôi từ chối viết sổ lưu niệm và cũng không đến quán hội họp nữa.
Cũng tại trại Galang, tôi có người bạn trước là thiếu úy ngành điện khí được mướn làm người gác máy điện phụ cho một thợ điện người Indo. Anh Indo nầy khá am tường về tình hình VN và có phân tích như sau:
- Các anh vượt biên nghĩ rằng ra ngoại quốc rồi Mỹ sẽ giúp cho thành lập một đoàn quân để trở về dành lại VN. Có lẽ các anh lầm rồi. Mỹ không bao giờ giúp các Anh đâu vì giúp các Anh; Mỹ được lợi gì? Các anh đánh nhau mà nhiều nữ tính quá. Nhân đạo với kẻ thù thì chỉ có con đường chết; Phải như chúng tôi kìa. Chỉ một đêm thôi không một tiếng súng; toàn dùng dao, búa, mã tấu mà giết cho tuyệt giống cộng sản. Chỉ một đêm là xong gần triệu mạng...
Sáu tháng sau chúng tôi được đi định cư. Tôi không tham gia đoàn thể nào, không hội họp với cả hội đồng hương nhưng lúc nào cũng canh chừng cô vợ bí thư đảng viên.
Cô ta cũng như tôi chẳng quen ai; đến cả dùng điện thoại cô ta cũng không sử dụng. Mẹ tôi mất năm 83. Mẹ cô ta mất năm 84. Năm 90 ba tôi và ba của cô ta cùng mất trong một năm. Chúng tôi nhận thư nhưng không về và đến nay cũng chưa về. Chúng tôi đồng ý không có con. Tôi 72 và vợ 70 tuổi; nếu còn ở Việt Nam, cô ta nay đã 52 tuổi đảng, không biết làm tới chức gì.
Mất nước bốn mươi năm, lưu vong hơn 35 năm, chúng tôi chưa bao giờ có ý định về thăm lại quê hương... Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì “cả hai chế độ” cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.
Trần Thiện Phi Hùng
Nhận xét của Hoàng Long Hải
Qua cách viết – và qua vài lỗi chính tả nữa - tôi không nghĩ tác giả là một nhà văn, dù là nhà văn, theo cái nghĩa rộng rãi và bừa bãi bây giờ, cứ viết được năm ba bài văn, vài bài thơ đăng báo, thì được thiên hạ gọi là văn sĩ, thi sĩ. Cứ ngậm ông vố, - bắt chước Jean Simon hay các nhà văn Pháp, ngồi “vách đốc củ tỏi” ở quán CàPhê “Cái Chùa” (La Pagode) - ngực đeo bảng có bốn chữ “Phóng viên Chiến trường”, chưa từng ra chiến trường để có thể thấy mặt tên Việt Cộng như thế nào - như “phong cách” của Du Tử Lê hay một vài nhà văn, nhà thơ như tôi vừa nói thuộc Cục Tâm Lý Chiến bộ Tổng Tham Mưu thì đã là một “nhà thơ lớn”, một “nhà văn lớn” rồi. Có người chưa qua được cái bằng Tú Tài 2, khiến người đời có câu mai mỉa: “Nhỏ không học lớn làm thi sĩ”, phỏng theo bài dạy khuyến học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Ấu bất học lão hà vi?”
Có lẽ ông Trần Thiện Phi Hùng không có cái tham vọng làm nhà văn. Văn ông tự nhiên, chân thật, một cách kể chuyện chớ không “ru với gió”, “vơ vẩn cùng mây” như Xuân Diệu.
Truyện của ông - chuyện ông kể mang bản chất của người Miền Nam, ngay thẳng, chơn chất và cái tính vui, hay đùa của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ vui đùa vì cái sống của họ cận kề cái chết. Cái vui đùa của họ thậm chí còn mang tính “nghịch ngợm, phá phách”: “Ngày mai ra trận ta còn sống, về ghé Sông Mao phá phách chơi…” Dĩ nhiên, cái vui đùa thường mang theo cái tính “xạo”, thậm chí “xạo hết chỗ nói”, nhất là với anh lính trẻ.
Phi Hùng còn chủ quan đấy:
Ông ta bảo:
“Tượng nào cao bằng tượng Trần Hưng Đạo,
Lính nào xạo bằng lính Hải quân”
Trong Quân Độ Việt Nam Cộng Hòa, xạo như Phi Hùng thì thiếu gì mà cũng đâu có riêng gì Hải Quân. Không quân, binh chủng nào thiếu những anh “xạo”. Càng “xông pha” nhiều càng xạo nhiều. Sau một “phùa” hành quân, sống ít chết nhiều, về nghỉ năm ba ngày ở “hậu phương”, “nhậu một “phùa mút mùa Lệ Thủy” để quên … thì anh chàng nào chẳng xạo… để vui mà quên.
Xạo như Phi Hùng còn đỡ, đỡ có nghĩa là xạo với mấy em bán “Bar”, mấy em “Ca-ve”, “chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm” lỡ có “chuyện gì” thì khỏi sợ trách nhiệm. Mấy em chịu dấn thân làm “Cô Kiều thời đại” thì có gì để mà lo, mà sợ… và chấp nhận tất. Phi Hùng còn chút lương tâm, gìn giữ cho các em con gái nhà lành, hơn xa những anh chàng dùng ngòi bút, ngón đàn để “làm tuốt”, “chơi tuốt”.
Cái tính hay đùa của người lính làm cho Phi Hùng gặp may, bỗng anh ta trở thành một người “chiêu hồi”, tài ba hơn một anh “cán bộ Dân Vận/ Chiêu Hồi” xuất sắc hơn cả ông Bộ trưởng bộ nầy. Chẳng qua, Phi Hùng có tấm lòng, tính thương người, sự chân thật. Anh bảo với ba cô “giao liên Việt Cộng” bị bắt: “Chuyện đánh nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.”
“Lúc anh bảo ba cô đi đi, tôi không chịu đi mà đòi anh đem giao chúng tôi cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà đòi giao cho tỉnh. Tôi nói chứ không phải thả đi để các anh bắn từ phía sau lưng hay sao? Anh phá ra cười rồi hỏi ai bảo các cô vậy? Tôi nói nghe các anh lớn nói. Anh hỏi lại nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai sống mà kể lại cho các anh lớn biết. Rồi anh tiếp là chẳng những hải quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả người rồi bắn sau lưng. Anh còn nói bắt người thì phải đưa ra tòa xét xử, nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau lưng cả.”
Phi Hùng lý luận thật, không xạo, không tuyên tuyền mà chính do lòng ngay thẳng mà ra. Sau đây là một chút xạo khác dễ thương: “… … tôi làm bộ như vừa chợt nhớ ra và kêu:
- A...A... Cô có thể cười cho tôi coi không?
- Có lẽ anh đang nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có hai núm đồng tiền nên dễ kiếm chồng lắm.
Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. Hai núm đồng tiền, bên phải sâu hơn bên trái.
- Đúng rồi. Đúng cái mặt cười năm xưa. Tôi nhớ sau khi tôi khen cô bé còn nguýt tôi một cái thật dài. Tôi nhớ hoài cái nguýt dài ấy.
- Ở đó mà cô bé, cô bé....
Tức thì thêm một cái nguýt dài trên mặt cô cán bộ. Đôi má núm đồng tiền bỗng như linh động hơn.
Sau cái cười và cái nguýt dài của cô cán bộ áo trắng, tôi cảm thấy nhẹ người.
Con gái miền Nam vốn dễ tính, thật thà. Thấy ai khen mình một cái thì… nhớ hoài. Cô ta không thể quên người lính trẻ vui tính, chân thật và khen cô ta… đẹp.
Có mấy điều: Thương người, chân thật, - không tuyên truyền láo như cấp chỉ huy Việt Cộng của cô ta -, vui tính và được khen đẹp làm cô ta “tỉnh ngộ”. Ngay lúc được tha về, cô ta hiểu “cách mạng” là cái gì và “lính ngụy” là cái gì!
Trong cuốn tiểu thuyết “Dòng Sông Thanh Thủy”, tập 1, Nhất Linh có một nhận xét tinh tế, có lẽ do kinh nghiệm đấu tranh “Quốc Cộng” của ông mà ra. Mỗi một tổ chức (Quốc Gia hay Cộng Sản) nó có cái “cơ cấu” của nó - như một cái máy có nhiều bộ phận chuyển động liên hệ với nhau - hễ di ngược lại là bị nó nghiền nát.
Người Việt Nam ở nông thôn, vùng mất an ninh, “vùng Việt Cộng”, dù muốn dù không cũng phải “theo Viêt Cọng”, hoạt động cho Việt Cộng, dưới mấy chữ hay ho là “Phục vụ Cách Mạng”. Không riêng gì cô gái nói trên, dù có cảm tình với “anh lính ngụy”, người lính đã giúp cô thấy ai đúng ai sai, thấy cái gì là “người Việt Nam”, nhưng cô ta không thể đi ngược lại con đường cô đã đi, mặc dù cô biết lẽ phải, tình thương là ở về phía “người linh ngụy”, không phải ở phía “cách mạng” mà cô đang theo.
Điều cô theo đuổi, chính là - không hẳn cô ta yêu người lính ấy - cảm tình sâu đậm - , chính là cái gì thuộc về dân tộc, về người miền Nam, về những “con người hiền lành”, “đất nước hiền lành” có “trái ngọt cây lành” mà cô hấp thụ được từ gia đình, bà con, xóm làng, và miền Nam thân yêu của cô. Những điều đó đeo đẳng trong lòng cô 12 năm. Cuối cùng, dù phe Cộng Sản chiến thắng, đánh bại và bỏ tù những người “lính ngụy”. Cô ta không thấy mình là kẻ chiến thắng. Khác Dương Thu Hương một chút, ngồi xuống bên lề đướng Saigon, thương xót đủ mọi điều, “Một chế độ man rợ đã chiến thắng một chế độ văn minh”, và thương cho tuổi xuân của mình, bị lừa gạt, phỉnh phờ để nó chết đi, phai mờ, tàn rụi trong những cánh rừng già ma thiêng nước độc. Cô gái Cà Mau Miền Nam mang trong lòng một nỗi ưu tư nào đó, đi tìm lại một người đã từng làm sáng lên tâm hồn cô để cô ta thấy cái gì mới thực là của dân tộc, đất nước, đồng bào…
Khi tìm được “người cũ” ấy rồi, cô ta cứu người ấy ra khỏi chốn lao tù, và cùng nhau “vượt biên”, tìm “tự do” hay cái gọi là “thế giới Tư Dọ”, thành vợ chồng và … Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì “cả hai chế độ” cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.
Bài viết của Phi Hùng do một người anh bà con, từ Canada gởi cho tôi, kèm theo lời khen “Bài viết hay, hay lắm”. Đọc xong, tôi cũng thấy hay thật. Tôi là người ở Nam vĩ tuyến 17, lớn lên, học hành, đi dạy, đi lính ở Miền Nam, “lang thang” gần khắp “Bốn Vùng Chiến Thuật”, từ những vùng quê hẻo lánh, “kinh cùng, rạch chẹt” cho tới Saigon, thủ đô VNCH. Tôi yêu miền Nam, yêu người dân Miền Nam, từng chung chiến tuyến với “chiến hữu” đánh nhau với Việt Cộng, ở Dầu Tiếng Bình Dương hay “mật khu Trà Tiên”… Nhận xét và kinh nghiệm sống cho tôi thấy rằng, cái quan điểm “chôn một chế độ” trong lòng mỗi người là điều… không xong.
Ai cũng tự cho rằng mình là người yêu hòa bình - Việt Cộng lại càng mạnh miệng khi nói về yêu hòa bình - nhưng trong thực tế - , cuộc chiến tranh ba mươi năm ở nước ta (1945-1975) thử hỏi có bao nhiêu người nhờ cảnh “máu đổ xương rơi”, nhờ sự “điêu linh của dân tộc” mà có được danh vọng với quyền lợi”?
Số người đó không nhỏ đâu, ở miền Bắc, cũng như miền Nam. “Quân viễn chinh” có bao giờ mà không “cướp bóc”, giành “chiến lợi phẩm”.
Ngay cả những người chiến bại, “thua trắng tay”, nay đang ngồi ở một góc trời nào đó, trên địa cầu nầy, tiếc “một thời hoàng kim” khi họ có quyền và có lợi?Và thù hận kẻ thù đã bỏ tù mình, tước đoạt danh vọng, quyền lợi của mình. Nay phải tìm cách “lấy lại”, dù “chân đã mỏi, gối đã chồn.”
Vậy thì họ “chôn đi cái chế độ của họ” thế nào được???!!!
Thứ hai là những người có lý tưởng chống Cộng (chân chính), những người thấy rằng “Chủ Nghĩa Cộng Sản” là bất nhân tàn ác, cần phải chống lại nó, chống tích cực và triệt để, tiêu diệt. Họ chính là những người từng xông pha trên chiến trường, hy sinh vì “Tự Do cho miền Nam và Nhân Loại”. Họ đã hy sinh – nhưng thân nhân họ còn đó và đi tiếp con đường đấu tranh cho tự do mà cha anh họ đã đi, đã hy sinh, cùng những người đã hy sinh một phần thân thể, hy sinh hạnh phúc, từng bị tù tội trong nhà tù Cộng Sản – Tôi thường nghĩ tới, nếu bảo rằng “cục bộ” thì dó là sự “hy sinh của Hùmg móm” trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Trong niềm suy nghĩ đó, tôi không thể phủ nhận “ngọn cờ Quốc Gia” cùng sự mất mát của bao nhiêu người miền Nam khác nữa, của năm ngàn người bị giết năm Mậu Thân ở Huế.
Có dễ gì chôn lấp một chế độ có biết bao nhiêu người hy sinh để bảo vệ ngọn cờ Tự Do của dân tộc???!!!
Cách đây khoảng gần mười năm, năm bảy anh em sĩ quan chế độ cũ ngồi nói chuyện với nhau ở nhà một người bạn, khi trên TV chiếu một cuộc lễ gì đó ở Cali, một ông lên diễn đàn hô to về “một ngày trở về giải phóng quê hương, anh N.H.L., cựu trung tá Nhảy Dù nói: “Người ta hy sinh bao nhiêu xương máu, của mấy thế hệ, mới có ngày hôm nay, dễ gì người ta buông ra cho mình lấy lại.”
Cuộc chiến tranh nầy, - thực chất là cuộc xâm lăng miền Nam của người miền Bắc là một cuộc tranh giành quyền lực, quyền lợi của những người trong một dân tộc.
Người Miền Bắc đã chiến thắng, họ mang tâm lý thắng cuộc, của “quân viễn chinh”. Như có người nói, và sách báo cũng nói - như trong “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức… xe Molotova ùn ùn chở “chiến lợi phẩm” từ Nam Ra Bắc. Cái gì là trong chính sách của đảng Cộng Sản Viẹt Nam - như việc tịch thu 16 tấn vàng, chia manh mún để dùng vào những công việc gì đó - còn cái gì là tâm lý riêng tư của người thắng trận, thấy mình có quyền như trong câu chuyện “Lấy của ban ngày”, có nghĩa là lấy công khai, không cần che đậy gì cả vì “quyền hành là ở tôi”.
Từ những ngày đầu, từ tài sản của người thua trận… và từ trong những người thắng cuộc hay trong thân thuộc bà con họ, xuất hiện bao nhiêu người giàu có, những “đại gia”. Dù nhìn theo lăng kính nào, những người giàu có ở rong nước, đại gia, thậm chí những người nay được “ăn ngon mặc dẹp”, “tiền bạc rủng rỉnh”, có nhà cửa xe cộ, cũng được cho là “nhờ ơn Bác”, “nhờ ơn Đảng” thì họ “chôn cái chế độ” đó xuống mồ làm sao được?
Người Mỹ. đời sống no đủ nên họ thường “chia sẻ” cái ăn, cái mặc cho người nghèo khó, không chỉ ở Mỹ mà khắp toàn thế giới, do “truyền thống Bác Ái” – có khi người ta gọi là “Bác Ái Công Giáo” của người Tây Phương. Càng giàu, họ càng làm từ thiện nhiều hơn, chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ trong gia tài của họ.
Người Việt Nam cũng có “truyền thống Từ Bi/ Bác Ái” như thế. Truyền thống là nói tới điều gì đã có từ xưa kia. Nay truyền thống ấy còn không? Vẫn còn đấy, trong giới “bình dân Nam Bộ”, “làm việc thiện để đức cho con” là điều người ta vẫn nghe nói, vẫn thấy làm. Họ tin vào điều gì đó “siêu hình” sẽ giúp đỡ họ nếu họ biết làm việc thiện.
Tuy nhiên, những người “mới nổi” bây giờ, cán bộ, đảng viên, đại gia thì họ biết bây giờ họ giàu có là “nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác”. Không có cuộc chiến tranh ba mươi năm nay, làm sao họ có thể từ đời sống nghèo khổ, vô sản, chân lấm tay bùn, mò cua bắt ốc mà nay được như vậy. Trong viễn tượng đó, họ cần bảo vệ cái gì để giữ được cái tài sản họ có, hay giàu thêm ra, nếu không phải là “Bác và Đảng”. Nhưng “cách mạng vô sản” là cách mạng “triệt để”, có nghĩa là muốn bảo vệ chế độ thì phải “thấy và tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù, không cho nó ngóc đầu lên và phục hồi. Bởi vì “sức mạnh của kẻ thù khi chúng hồi sinh, sẽ nhân lên gấp bội phần.”
Khi họ nghèo, kẻ thù của họ là người giàu. Nay vị thế đã thay đổi, họ giàu thì kẻ thù của họ là người nghèo. Theo tâm lý chung, thông thường, không thù hận ai thì càng giàu, lòng vị tha càng lớn. Ngược lại, với người Cộng Sản, lòng nhiều hận thù thì càng giàu, họ càng ích kỷ, bởi cái tâm lý tranh giành quyền lợi. Một ngày kia, người nghèo sẽ đứng lên, giành quyền lợi, giống như những cuộc nổi loạn từng có trong lịch sử nhân loại.
Một ca sĩ, nếu ra hải ngoại, hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” chắc chắn sẽ bị la ó. Ngược lại, một ca sĩ hải ngoại về trong nước hát “… đêm đêm nằm đường ngăn lối giặc, áo nhà binh thương lính, lính thương quê…” chắc chắn không thể yên thân với Công An Cộng Sản.
Trong một hoàn cảnh xã hội, hận thù dân tộc còn nặng nề, hận thù giai cấp còn sâu sắc, hận thù tranh đoạt quyền lợi khó phai… nó ảnh hưởng không ít đến con cháu chúng ta sau nầy.
Người nghệ sĩ - ca sĩ - trên lãnh vực ca hát, là lãnh vực ở ngoài chính trị, không biên giới, người nghe có thể hiểu và thông cảm nhau nhiều nhứt, trong hoàn cảnh đất nước chúng ta ngày nay, cái gì là văn nghệ hải ngoại, người Miền Bắc, người Miền Nam cũng không thể đến với nhau được.
Những cuốn tiểu thuyết xã hội, như các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, của Tô Hoài, Ngọc Giao, của Tự Lực Văn Đoàn… hoặc những tiểu thuyết của Miền Bắc, - dù bị ngăn cấm - , cũng nói lên được tâm tư đau khổ của người dân phía Bắc, ngày nay dù đã được quay thành phim, cũng không làm cho người dân mỗi miền xích lại gần nhau hơn.
Chuyện “hòa hợp hòa giải dân tộc” chúng ta đành phải để lại cho người đời sau vậy. Ba trăm năm sau Nguyễn Du, dù người đời không còn ai khóc cho ông được nữa, cũng có lắm người thương ông, và có khi quên mất rằng, thế hệ Nguyễn Du, người Việt Nam cũng từng phân biệt người “xứ Đằng Trong” hay “dân Bắc Hà”. Con sông Gianh đã được quân Nguyễn Ánh vượt qua, thống nhứt Nam Bắc, nhưng lòng người có thống nhứt được đâu!
Chúng ta đành học theo cách làm của anh chàng Điệp: Đắp một ngôi mộ chôn đi một cuộc tình.
Chúng ta có chính nghĩa: “Chống độc tài, bảo vệ Tự Do cho Miền Nam yêu dấu, nhưng đành chôn đi một tấm lòng”. Trong dòng sinh mệnh của dân tộc, Dân Tộc là một dòng nước triền miên tuôn chảy, mà chế độ chỉ là con thuyền giấy. Những con thuyền giấy đi ngược dòng Dân Tộc, dù bất cứ ai không muốn chôn nó đi, thì nó sẽ bị đắm chìm vào dòng nước ấy, giống như bao nhiêu triều đại đã đi “ngược Dòng Lịch Sử”.
Con cháu chúng ta lớn lên sẽ không gánh một di sản nặng nề của cha ông vì di sản đó đã bị chôn kín dưới những nắm mồ. Chúng lớn lên trong môt bình minh mới./
Cuối tháng Tư/ 2020
hoàng long hải
Hoàng Long Hải, Chuyện 30 Tháng Tư, CHÔN MỘT CHẾ ĐỘ.
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404