Đường Hồ Chí Minh trên biển và sự kiện Vũng Rô

Trúc Giang MN

Đường Hồ Chí Minh trên biển
và sự kiện Vũng Rô


Bản đồ các tuyến đi của đoàn "tàu không số" trên đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Đoàn tàu không số đi qua vùng biển đảo Hải Nam, nhưng không ai ngờ rằng kho vũ khí của Việt Cộng lại nằm tại đảo nầy thuộc Trung Cộng.

Song song với đường mòn Hồ Chí Minh, (đường Trường Sơn), Cộng Sản Bắc Việt còn thực hiện đường Hồ Chí Minh trên biển, do những con tàu không số, vận chuyển vũ khí của Trung Cộng và Liên Xô vào chiến trường để đánh chiếm miền Nam Việt Nam.
Sự kiện Vũng Rô đã phơi bày bộ mặt gian trá của CSBV trước quốc tế, đó là cứ một mực khăng khăng chối leo lẻo việc đưa người và vũ khí vào miền Nam. Vũng Rô là một thất bại to lớn về chính trị của CSBV, đồng thời đó là cái cớ để Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc với lý do là ngăn chặn và phá hủy việc đưa vũ khí vào miền Nam.
Mở đầu là Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder).
Hoa Kỳ đã áp dụng đúng phương pháp ngăn chặn, là phong tỏa vùng biển Bắc Việt bằng cách thả mìn nam châm, dùng không lực phá hủy những kho bãi, cơ xưởng, hệ thống giao thông vận tải…Đồng thời, mở những chiến dịch phong toả ven biển miền Nam VN, biện pháp thi hành thì đúng bài bản, nhưng vì đánh sai mục tiêu cho nên số vũ khí được chuyển trên biển ngày càng gia tăng.
Trong suốt 14 năm, từ 1961 đến 1975, đã có 2,000 chuyến tàu không số đã chuyển 150,000 tấn vũ khí, quân dụng, thuốc men từ Bắc vào Nam.
Bài nầy giới hạn trong đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, và việc Hoa Kỳ đánh sai mục tiêu nên không ngăn chặn được dòng vũ khí của CSBV vào miền Nam VN.

I. Thành lập đường Hồ Chí Minh trên biển

I.1. Hoạt động của giai đoạn 1
Ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Cộng quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi là “Đoàn tàu không số” để gởi vũ khí, thuốc men…vào miền Nam bằng đường biển. Từ đó, “Đường Hồ Chí Minh Trên Biển” thành hình.


Đoàn "tàu không số"trên “đường Hồ Chí Minh trên biển”

Cuối năm 1959, tiểu đoàn 603 dùng thuyền gỗ chạy buồm chở 5 tấn vũ khí, thuốc men cho chiến trường Quân khu 5, tàu bị phát hiện và đánh chìm. Sáu thủy thủ bị bắt, 5 bị giết. Tiểu đoàn 603 ngừng công tác.
Từ năm 1961 đến 1963, Bắc Việt tổ chức dò đường bằng cách cho tàu thuyền từ miền Nam ra Bắc. Đã có 5 thuyền từ Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa ra tới Bắc.
Do Quyết định số 97 QP ngày 23-10-1961, Đoàn 759 được thành lập.
Đêm 11-10-1962, một chiếc tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng, vào đến Cà Mau an toàn. Thuyền do đảng viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, với 11 thủy thủ. Thế rồi, lần lượt, các tàu thứ hai, thứ ba, thứ tư, vào đến Cà Mau an toàn.
Tàu của Đoàn 759 cải trang thành tàu đánh cá, không số hiệu, trà trộn với tàu cá của ngư dân địa phương trên biển. Đoàn “tàu không số” ra đời. Đoàn 759 được tăng cường từ tàu 50 tấn, rồi 100 tấn.
Trong năm 1962 có 29 chuyến, chở 1,430 tấn vũ khí. Ngày 29-1-1964, Bộ Quốc Phòng đổi tên Đoàn 759 thành Đoàn 125, có 17 tàu sắt, 3 tàu gỗ.
Từ 1963 đến 1964, tổ chức được 79 chuyến, chở 4,000 tấn vũ khí vào Nam. Đoàn tàu cập bến Bạc Liêu 43 lần, Bến Tre 17 lần, Trà Vinh 14, Bà Rịa 2, Phú Yên 2 và Bình Định 1 lần.
Những bến bãi được thành lập để tiếp nhận và cất giấu vũ khí là Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Diêu (Bình Định), Đạm Thủy (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam) và nhiều địa điểm khác dọc theo ven biển miền Nam.
Vụ Vũng Rô bị lộ bí mật, nên Quân ủy TW ra lịnh cho ngừng hoạt động để nghiên cứu tìm phương hướng khác.

I.2. Hoạt động giai đoạn 2.


Đoàn "tàu không số"trên “đường Hồ Chí Minh trên biển”

Từ ngày 3-11-1968 đến 29-1-1969 Đoàn 125 thực hiện 364 chuyến tàu, vận chuyển 21,737 tấn vũ khí vào Nam.
Tháng 2 năm 1969: 187 chuyến, chở 10,889 tấn vũ khí.
Năm 1970: 17 chuyến đi, nhưng chỉ có 5 chuyến vào tới bến. Từ 1971-1972: 37 chuyến chở 620 tấn vũ khí cho Quân khu 9. Năm 1973: 161 chuyến, vận chuyển 11,365 tấn vào khu 4 an toàn.
Trong 14 năm, từ 1961 đến 1975 có trên 2,000 chuyến, vượt qua 20 cơn bão lớn, qua hàng trăm cuộc vây bắt, chuyển được 150,000 tấn vũ khí của Trung Cộng và Liên Xô, quân dụng và thuốc men, vào đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Đó gọi là Đường Hồ Chí Minh Trên Biển.

II.  Sự kiện Vũng Rô

            
  Vũng Rô là một  nhỏ nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa
Tài liệu phía Việt Cộng

II. 1) Xây dựng kho chứa hàng trong hang núi Vũng Rô

Bộ đội Nguyễn Ngọc Cảnh, người gốc xã Hoà Tân, tỉnh Phú Yên, thuộc gia đình đi biển, tập kết ra Bắc, đến năm 1965 thì được lịnh về Vũng Rô tham gia xây dựng kho chứa vũ khí trong hang núi.
Cho rằng “đó là một hành động vô cùng táo bạo, vì trên đỉnh Đèo Cả, ngay mũi tàu nhìn lên cách vài trăm mét là đồn địch lù lù trước mắt. Nhìn ra phía biển 500m là đồn Mũi Điện. Ông Cảnh cho biết “địch không ngờ rằng ta đã xây dựng một kho chứa vũ khí ngay trước mũi họ”.
Tàu không số ký hiệu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã vào Vũng Rô 3 lần để xây dựng và cất giấu vũ khí cho 3 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hoà và Dắk Lắk.

                
Con tàu mang số hiệu 41 (sau được đổi là HQ 671) là tàu không số duy nhất còn lại hiện nay. Ảnh: Trọng Thiết

II. 2). Con tàu 143

Con tàu mang ký hiệu 143 là một trong 6 tàu sắt đầu tiên được đóng ở nước ngoài. Ngày 1-2-1965, nhằm mồng một Tết Ất Tỵ, thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Văn Bảng cùng 16 thủy thủ rời cảng Bình Động, Hải Phòng (K20), chở 63 tấn vũ khí vào Nam. Đi được một ngày thì được tin chiến dịch mở ra nhiều nơi ở vùng biển phía Nam nên tàu rẻ vào đảo Hải Nam (Trung Cộng) và ở đó 10 ngày. Ngày 10-2-1965 lên đường trên vùng biển quốc tế.
Tàu giả dạng là tàu đánh cá của dân chài. Một tấm lưới trùm lên khẩu 12 ly 7 để ngụy trang. Cá tôm và mực trên tàu thì do nhà máy cá hộp Hạ Long cung cấp, khi cần thiết thì đem ra phơi để che mắt địch. Theo lịch trình thì chiếc 143 sẽ vào bến Lộ Diêu (Bình Định), nhưng khi đến nơi thì nước ròng, bến không đủ nước, nên tàu xin phép vào Vũng Rô.
Tàu được cài 500kg chất nổ để khi cần thì phá hủy phi tang. Tất cả 18 thủy thủ không mang trên mình bất cứ giấy tờ và hình ảnh nào cả. Trên hành trình, ban ngày thì cứ vài tiếng đồng hồ có một phi cơ Mỹ bám theo tàu, có lúc sà xuống rất thấp để quan sát. Ban đêm thì có hai tàu lạ đi kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Nhưng tàu 143 vẫn cứ đi.  Tàu treo cờ Việt Nam Cộng Hoà.
Ngày 15-2-1965, lúc 23 giờ, tàu 143 vào bến Vũng Rô, Phú Yên. Tại Vũng Rô, có lực lượng du kích xã Hoà Hiệp, K60, K64, và tiểu đoàn 83 hỗ trợ. Bến đã được thông báo trước nên tập trung lực lượng bốc dỡ hàng. Sau 4 tiếng đồng hồ số hàng trên tàu đã được bốc dỡ hết.
Ngày 16-2-1965, lúc 3 giờ sáng, tàu nhổ neo ra biển nhưng neo bị hỏng, kéo neo không lên. 5 giờ 30 sáng, neo sửa xong nhưng trời đã sáng nên không thể quay trở ra biển, vì phía trên bến Vũng Rô, xe quân sự VNCH qua lại rất nhiều. Trên đỉnh Đèo Cả có một đồn quân, phía biển lại có đồn Mủi Điện, cho nên thuyền trưởng Lê Văn Thêm cho tàu ép sát vào vách núi. Du kích và thủy thủ dùng một chiếc lưới phủ trùm lên toàn thân tàu, nhanh chóng chặt cành cây phủ lên ca bin và bong tàu để ngụy trang.
Thuyền trưởng và một cán bộ ở lại giữ tàu, tất cả những người khác “sơ tán” lên bờ.
10 giờ sáng, một trực thăng tải thương bay qua dèo Cả và phát hiện một “mỏm đá lạ” đáng nghi ngờ.
Đến 11 giờ, phi cơ quan sát đến điều tra, chụp ảnh và ném bom xăng, thả khói màu làm cho cành lá ngụy trang bốc cháy hết, chiếc tàu lộ ra nguyên hình. Tiếp theo, khu trục cơ A-1 Skyraider đến phóng hỏa tiễn làm cho con tàu bị lật nghiêng về một bên, mắc cạn. Thuyền trưởng Lê Văn Thêm bị thương nặng. Bộ đội địa phương được lịnh phá tàu để giữ bí mật. Hai đặc công bơi từ bờ ra chiếc tàu để kích nổ bộc phá 500 kg đã cài sẵn bên trong tàu, nhưng vì tàu nghiêng về một bên, nên cả hai không thể vào bên trong được. Việc phá hủy không thành.

               











Con tàu 143  chìm ở Vũng Rô

Tối ngày 17-2-1965, quân khu 5 Việt Cộng cử một tiểu đội công binh, dùng một tấn chất nổ quyết phá tan tàu, thủ tiêu chứng tích, nhưng tàu vỡ làm đôi và chìm xuống bãi.
Lực lượng Việt Cộng ở bến, chia nhau đánh chặn, không cho “địch” đến gần chỗ tàu chìm và các hang đá cất giấu vũ khí. Suốt những ngày 17, 18, 19 quân VNCH cố đổ bộ lên bờ mấy lần nhưng bị đánh bật lại.
Đến ngày 24 tháng 2 lực lượng VNCH quá đông, bộ đội địa phương dùng mìn phá nổ các hang đá chứa hàng rồi tổ chức phá vòng vây rút lui.
Sự kiện Vũng Rô làm thiệt hại rất nặng nề, đã làm lộ bí mật đã cố giữ từ lâu. Việc tập trung toàn bộ lực lượng ở bến bốc dỡ hàng gây ra ồn ào, làm náo động cả khu vực nên khó giữ được bí mật. Thiệt hại nặng nhất về chính trị đối với quốc tế và đó là bằng chứng để Mỹ có lý do phong toả bờ biển miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mỹ R. Schrosbay viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định một điều đã nghi ngờ từ lâu, trong một thời gian dài, mà chưa có bằng chứng. Số lượng vũ khí rất lớn nầy bị phát hiện hôm nay chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó”.

Tài liệu phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa về Vũng Rô

1). Tàu chở vũ khí của Cộng Sản Bắc Việt bị lộ

Ngày 16-2-1965.

Lúc 10 giờ 30 sáng, Trung úy James S. Bowers lái trực thăng tải thương UH-1B, do thời tiết xấu nên phải đổi lộ trình, là bay dọc theo ven biển từ Qui Nhơn về Nha Trang. Trung úy Bowers phát hiện một “mỏm đá lạ” nhô ra bên vách núi phía Tây Vũng Rô mà những ngày trước chưa hề thấy.
Trung úy Bowers báo cáo lên Trung tá Hải quân Harvey P. Rogers, cố vấn Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải, đóng ở Nha Trang. Ông nầy thông báo cho Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải. Trung tá Thoại xác nhận không có tàu bè nào của vùng 2 có mặt ở vị trí đó cả, đồng thời yêu cầu phi cơ quan sát và khu trục A-1 Skyraider đến Vũng Rô.
Cố vấn Mỹ đưa ý kiến là dùng phi cơ oanh kích đánh chìm chiếc tàu nhưng Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật muốn bắt sống chiếc tàu để trưng bằng cớ là CSBV đã xâm nhập vào miền Nam VN.

2). Phi vụ đặc biệt của Không đoàn 62

           
                A-1H Skyraider
Không lực Việt Nam Cộng hòa

Để bao vây bắt sống con tàu, Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải huy động toàn bộ chiến hạm, chận kín đường thoát thân của chiếc tàu Bắc Việt. Trung tá Thoại cũng liên lạc với Trung tá Nguyễn Huy Ánh, Không đoàn trưởng KĐ 62 yêu cầu không quân can thiệp.
Phi vụ đặc biệt được phi công “Phượng hoàng Kim Cương” ghi lại trong bài viết đăng trên trang mạng Cánh Thép với tựa đề “Chiến thắng Vũng Rô” như sau: “Trong phi vụ nầy, tôi cùng bay với Trung úy Chánh. Phi vụ gồm có 2 chiếc A-1, danh hiệu Phượng Hoàng 1-1, cất cánh từ Biên Hoà đi Nha Trang, và trên đường đi khi đến không phận Nha Trang thì sẽ được cho biết mục tiêu cụ thể. Phòng Hành Quân Không Đoàn 62 xác nhận mục tiêu là một chiếc tàu nhỏ không tên, không số, chở vũ khí của Việt Cộng đang ở trong vùng không có “FAC”(Forward Air Controller-FAC) hướng dẫn. Coi chừng phòng không 12 ly 7 ở các sườn núi quanh đó.
Phượng Hoàng 1-1 bay vào Đại Lãnh dọc theo bờ biển, ở cao độ 2,000 bộ. Sau đó, vào Vịnh Vân Phong và hạ xuống đến 500 bộ, phi tuần đã tìm thấy mục tiêu là một chiếc tàu đang chạy thẳng vào Vịnh. Hai làn sóng trắng rẻ thành hình chữ V sau tàu.
Chỉ sau một đợt thả hai trái bom MK-1, tuy không trúng mục tiêu nhưng chiếc tàu do bị sóng dồn đã bị lật úp, mắc cạn”.

3). Trận chiến Vũng Rô

Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại, sau đó yêu cầu Tướng Lữ Lan, Tư Lệnh Sư đoàn 23 BB cho Trung đoàn 49 trú đóng tại Tuy Hòa đưa bộ binh đến nơi tàu chìm. Quân vận hạm HQ 405 (Tiền Giang) ở Nha Trang được lịnh đến Vũng Rô. Các đơn vị thuộc Duyên Đoàn 24 cũng được lịnh về yểm trợ. Bộ TL/HQ cũng gởi Người Nhái đến chỗ tàu chìm để thực hiện việc trục vớt.
Một yêu cầu của Trung tá Thoại về phi vụ thả trái sáng và oanh kích trong đêm 16-2-65 không được đáp ứng. Một phi cơ quan sát báo cáo, có một số hoạt động của địch quân trong khu vực, có ánh sáng đèn từ phía tàu chìm và các di chuyển giữa tàu và bờ.
Ngày 17-2-1965.
             
                                HQ-405 Tiền Giang
Tàu chở quân đổ bộ HQ 405 đến Tuy Hoà để nhận quân của trung đoàn 49 nhưng Trung tá Trần Bá, Trung đoàn trưởng từ chối, viện lý do là khu vực Vũng Rô và Mủi Varella lực lượng Cộng quân khá đông.
Đến 2giờ 30 phút chiều ngày 17-2-65, HQ 405 trở về Vũng Rô. Khi tiến vào Vịnh thì gặp hỏa lực dữ dội của địch từ bờ biển phía Bắc nên phải neo đậu ngoài khơi.

Ngày 18-2-1965

Một cuộc họp tại Nha Trang, với sự tham dự của Tướng William E. Dupuy, Trưởng Phòng 3 MAC-V (Military Assistance Command, Vietnam-MAC-V), cùng các sĩ quan đại diện SĐ 23BB, đại diện HQ/VNCH, HQ/HK, Lực Lượng Đặc Biệt VNCH.
Một kế hoạch hành quân được đưa ra:
Hai tiểu đoàn BB của Trung đoàn 49 tiến quân vào vị trí ngăn chặn, dọc theo Quốc lộ 1 từ Đèo Cả xuống phía Nam, trong đó, một đại đội từ Đèo Cả xuống bờ biển.
Một đại đội Lực Lượng Đặc Biệt sẽ được trực thăng vận đến Đại Lãnh, (phía Nam Vũng Rô), để lên tàu chở quân đổ bộ HQ 405,  đưa vào nơi tàu BV mắc cạn.
Trong khi cuộc họp đang diễn tiến thì HQ/VNCH tiếp tục gởi tăng viện đến vùng hành quân: Hộ tống hạm HQ-08 do Hải Quân Thiếu tá Trịnh Quang Xuân làm hạm trưởng đã đến Vũng Rô để hợp lực với HQ-405 do Hải Quân Thiếu tá Nhan Chấn Toàn làm hạm trưởng. HQ-08 được Trung tá Thoại dùng làm soái hạm (tàu chỉ huy- Flag ship) của cuộc hành quân.
                        
                                 Hộ tống hạm HQ-08, Chi Lăng

Hai chiến hạm tiếp tục dùng hải pháo oanh kích vào các mục tiêu trên bờ. Sau đó, HQ-405 di chuyển về Đại Lãnh để đón Đại đội Lực Lượng Đặc Biệt. Nhưng đến 5 giờ chiều, có lịnh tạm hoãn cuộc đổ quân.

Đêm 18-2-1965

Trong đêm 18 tháng 2, Hộ tống hạm HQ-04 (Tụy Động) do HQ Đại úy Trần Văn Triết làm hạm trưởng, đã đến khu vực hành quân, trên tàu có 15 Người Nhái HQ/VNCH cùng với Đại úy cố vấn Franklin Anderson. Đồng thời, HQ-502 (Thị Nại) do Thiếu tá Ngô Khắc Luân làm hạm trưởng cũng được phái đến tăng cường cho cuộc hành quân.

Ngày 19-2-1965

8 giờ sáng. Sau đợt oanh kích của không quân, cả ba chiến hạm cùng tiến vào Vịnh, nhưng khi đến cách bờ khoảng 500m thì bị súng từ bờ bắn ra dữ dội nên các chiến hạm phải lùi lại để cho phi cơ oanh kích.
Đến 11 giờ, sau hai đợt oanh kích, Lực Lượng Đặc Biệt đổ bộ lên bờ trong những tiếng súng lẻ tẻ, đã bảo vệ được khu vực. Cuộc trục vớt bắt đầu.
Trong cuốn “Cang trường trong chiến bại”, Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ghi lại cuộc đổ quân như sau:
“Đúng 8 giờ sáng, khu trục cơ không quân bắt đầu dội bom xuống bãi biển. Ba chiến hạm từ từ tiến vào bờ. Sau khi phi cơ oanh tạc xong, HQ-405 bắt đầu tác xạ vào bờ biển để chuẩn bị cho Biệt kích đổ bộ. Khi cách bờ chừng nửa hải lý, thình lình từ trong bờ địch bắn ra dữ dội vào HQ-405. Sự bắn trả thình lình làm cho Thiếu tá Nhan Chấn Toàn cho chiến hạm ngừng lại. Trong một giây khắc tôi phải lấy một quyết định sanh tử. Tôi thông cảm với Thiếu tá Toàn về trách nhiệm của người hạm trưởng, nhưng tôi cần phải quyết định gấp vì HQ-405 trở thành một mục tiêu không di động. Qua máy vô tuyến, tôi nói với Toàn: “Không thể trở ra được nữa, anh đã quá gần bờ, yêu cầu anh ủi bãi luôn”.
Thiếu tá Toàn ra lịnh cho chiến hạm chạy thật nhanh vào bờ. Cửa chiến hạm mở ra và Đại đội Biệt kích chạy thật nhanh đến ẩn núp sau những bụi rậm trên bờ.”. Cuộc đổ bộ chấm dứt ngày 19-2-1965.

            

Trong bài “Nhiệm vụ của Người Nhái trong cuộc hành quân phá hủy mật khu Vũng Rô năm 1965”, Người Nhái Lê Đình An, trên trang Web của Thư Viện Việt Nam, đã ghi lại hoạt động của Người Nhái (NN):
“Khoảng 12 giờ trưa, Phòng trực Người Nhái nhận được công điện khẩn của BTL/HQ/P3. Tổ trực công tác hai người, tôi và Đạt, với đầy đủ trang bị, được quân xa đưa đến phi trường bên MAC-V, và chúng tôi được phản lực cơ nhỏ đưa đến phi trường Chu Lai. Trực thăng VN bốc chúng tôi đến Vũng Rô ở Quốc lộ 1. Chúng tôi xuống chiếc Yabuta khoảng 3 giờ rưởi chiều.

        
Người Nhái đứng trên hải thuyền (bên phải) cạnh chiếc tàu bị đánh chìm (bên trái)

Sau khi nhận lịnh vào thám sát tình hình trong vịnh, chiếc Yabuta chạy vào lòng địch với nhiệm vụ tác chiến. Khi cách bờ chừng 300m thì thượng liên và súng cá nhân Việt Cộng từ triền núi bắn xuống dữ dội. Chúng tôi được lịnh lui ra.
Ngày hôm sau, trên chiếc hải thuyền có 15 NN từ Sài Gòn ra tăng cường, chiếc thuyền cao su Zodiac dùng để đổ bộ, được kéo theo hải thuyền, nương sau chiến hạm tiến vào bờ.

       
         Xuồng cao su Zodiac                 Hải thuyền Yabuta

Sau hơn một giờ oanh kích, tiếng súng địch giảm dần và toán NN chúng tôi bắt đầu đổ bộ lên bãi. Chiếc xuồng cao su tách ra khỏi hải thuyền, tiến nhanh về phía trước dưới làn mưa đạn của hải pháo bắn yểm trợ cho chúng tôi. Toán NN nằm rạp trên xuồng cao su lao nhanh vào bờ.

4). Vũ khí tịch thu

Các cuộc lục soát từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 2.
Diễn tiến cuộc lục soát được Phó Đề Đốc Thoại ghi lại thêm các chi tiết :
“Kết quả : Số lượng trang thiết bị quân sự gồm :
- Trên 1 triệu viên đạn súng cá nhân.
- Hơn 1000 lựu đạn thỏi.
- 250 kg thuốc nổ TNT, cùng ngòi nổ.
- 2000 quả đạn súng cối.
- 500 lựu đạn chống chiến xa.
- 3600 súng trường và tiểu liên.
- 250 kg tiếp liệu y dược.



Nhản hiệu ghi trên súng đạn và y-cụ cho thấy xuất xứ từ Trung Cộng, Liên Sô, Bắc Hàn, Tiệp Khắc và Đông Đức.

Trong quân trang của các thủy thủ BV bị hạ còn có cả Báo Hải Phòng, đề ngày 23 tháng Giêng năm 1959, bản đồ hải hành BV, thư từ và địa chỉ liên lạc của các cán binh BV. Trong nhật ký tịch thu từ xác sỉ quan BV bị hạ cũng có hình ảnh, giấy tờ, chứng minh thư ghi rõ cấp bực, đơn vị, thuộc SĐ 338 CSBV.
(Toán NN lặn xuống thám sát nơi tàu chìm sâu chừng 7-8 thước nước : Chiếc tàu bị chìm nghiêng theo triền vách đá của bờ, phía ngoài tàu có chữ Tàu. Khi lặn vào trong khoang tàu nơi phòng lái, từ chiếc la bàn, bản đồ hải trình, và chiếc đồng hồ trong Phòng lái đều là chữ Tàu).
Chiếc tàu thuộc loại vỏ sắt dài 40m, đóng tại Trung Cộng, võ trang đại liên thuộc Đơn vị K35, nhóm vận tải đường biển 125 của HQ BV, xuất phát từ Hải Phòng, chãy dọc hải phận quốc tế để tránh sự kiểm soát của các chiến hạm VNCH, sau đó sẽ đâm thẳng vào địa điểm đổ hàng. Cũng theo nhật ký hải hành thì tàu này đã xâm nhập và chuyển hàng vào Nam Việt Nam được 22 chuyến, trong các lần trước, nếu đổ hàng không kịp, tàu sẽ trở ra hải phận quốc tế để đêm sau sẽ trở lại. Đây là chuyến thứ 23 của chiếc tàu.
Trong thời gian xẩy ra sự kiện Vũng Rô, Đại tướng Nguyễn Khánh (lúc đó đang là Tổng tư lệnh Quân đội) đã ghé thăm và quan sát tại chỗ nơi xẩy ra trận đánh cùng các võ khí tịch thu được”

III. Những chiến dịch ngăn chặn những con tàu không số

III.1. Chiến dịch Market Time

1). Thành lập chiến dịch
Sau sự kiện Vũng Rô, nhằm mục đích phong toả bờ biển vô cùng rộng lớn của miền Nam Việt Nam, ngăn chặn những con tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển, chiến dịch Market Time được thành lập.
Ngày 11-3-1965, Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ (U.S. Joint Chiefs of Staff) quyết định thực hiện chiến dịch Market Time. Đơn vị chủ yếu là lực lượng tuần tra biển (Coastal Patrol Guard) mang mật danh là TF 115 (Task Force 115). Phạm vi hoạt động từ Vịnh Thái Lan đến Đà Nẳng.
2). Lực lượng tham dự chiến dịch Market Time
Gồm những phi đoàn thủy phi cơ (Seaplane) tuần hải, các tàu khu trục, tàu vét mìn, những ca nô. Thủy phi cơ được trang bị hoả tiễn không đối đất (Air-to-Surface Missile-ASM) để diệt tàu sắt.
Những tàu chiến thuộc lớp Currituck như USS Currituck (AV-7), USS Pine Island (AV-12) và USS Salisbury Sound (AV-13) được lần lượt chọn làm tàu chỉ huy (Flag Ship) cuộc hành quân. Lớp Currituck là tàu cũ kỹ, hoạt động từ năm 1944 của Thế Chiến 2 đến 1987. Tàu Currituck mang theo thủy phi cơ bằng những cần trục có móc treo lơ lửng, chúng không có bãi đáp trên sàn tàu như hàng không mẫu hạm sau nầy.
          
Tàu Currituck mang theo thủy phi cơ bằng những cần trục có móc treo lơ lửng
Một bộ phận của chiến dịch gồm những thuyền giả dạng làm tàu đánh cá, trà trộn theo tàu cá của ngư dân để theo dõi những con tàu của CSBV.
Tàu bè của chiến dịch được trang bị những dụng cụ có khả năng tiếp cận tới những tàu đánh cá trong vòng từ 15 đến 30 giây. Những tàu thuyền nào không dừng lại, hoặc không đáp đúng tín hiệu bí mật để nhận nhau, thì lập tức bị đưa vào kính ngắm, và nếu bỏ chạy thì bị bắn chìm.
3). Một thành tích của chiến dịch Market Time
Ngày 1-3-1968, 4 chiếc tàu không số của Bắc Việt bị phát hiện. Sau một cuộc đấu súng, một chiếc tự làm nổ tung, một chiếc gia tăng tốc độ chạy nhanh ra hải phận quốc tế, hai chiếc còn lại bị Trung úy phi công Norm Cook bắn chìm. Trung úy N. Cook lái phi cơ tuần thám VP-17 Neptune, cất cánh từ Cam Ranh đã phát hiện và bám sát 4 chiếc tàu VC nói trên và bắn chìm 2 chiếc. Ông nầy được thưởng huy chương.

                   
VP-17 Neptune do Trung úy Norm Cook lái bắn chìm 2 chiếc tàu không số

III .2. Chiến dịch Sea Dragon (Rồng biển)

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 25-10-1966 đến tháng 10 năm 1968, thực hiện 3 mục đích: phát hiện tiêu diệt tàu không số của CSBV, phá hủy các mục tiêu trên bờ, và tiếp đón những điệp viên của CIA được cài cắm ở miền Bắc.
Phạm vi hoạt động là khu phi quân sự của vĩ tuyến 17 và ven biển trung phần VN. Các cố vấn Mỹ và HQ/VNCH thực hiện chiến dịch.

III.3. Chiến dịch SEALORDS (Hải Vương)

SEALORDS là chữ viết tắt của SouthEast Asia Lake, Ocean, River, Delta Strategy). Chiến dịch tuần phòng trên vùng biển và sông rạch của Đồng bằng Sông Cữu Long miền Nam VN. Được triển khai từ năm 1968 bởi lực lượng “Hải quân nước nâu” của Mỹ, đến năm 1971 thì giao lại cho HQ/VNCH.
Chiến dịch SEALORDS do Đô đốc Elmo R. Zumwalt Jr. điều khiển. Lực lượng gồm 600 tàu thuyền đủ loại, 25 trực thăng và 3,700 lính HQ Mỹ.
Chiến dịch lập một hàng rào điện tử gồm những bộ cảm ứng (Electronic sensor devices) chạy dài từ Vịnh Thái Lan, biên giới Campuchia đến ven biển miền Nam VN.
Năm 1971, giao lại cho HQ/VNCH với tên Trần Hưng Đạo 1.
Ba chiến dịch nêu trên đã phá vỡ kế hoạch chuyển vận vũ khí vào Nam của CSBV. Đường Hồ Chí Minh trên biển bị thất bại. Tướng Võ Nguyên Giáp ra lịnh ngừng hoạt động, điều nghiên tìm phương án khác.

IV. Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder)

         
                                    Operation Rolling Thunder

IV.1. Mục đích
Chiến dịch kéo dài từ ngày 2-3-1965 đến 1-11-1968, là chiến dịch dội bom miền Bắc VN do Sư đoàn 2 KQ, Hải Quân Mỹ, và Không lực VNCH thực hiện.
Mục đích:
Ép CSBV ngừng đưa người và vũ khí vào miền Nam VN.
Phá hủy hệ thống giao thông và các cơ sở công nghiệp
Ngăn chặn dòng quân và vũ khí chảy vào miền Nam.
Hồi tháng 8 năm 1964, Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân HK đã liệt kê 94 mục tiêu trên miền Bắc cần phải phá hủy.
Một phần trong chiến dịch kéo dài 8 tuần lễ đánh phá hệ thống giao thông: cầu đường, ga xe lửa, bến cảng, doanh trại, các kho hàng.

IV.2. Không lực Việt Nam Cộng Hoà tham dự chiến dịch Sấm Rền
Ngày 8-2-1965. Phi vụ đầu tiên của chiến dịch do Không lực VNCH thực hiện. 24 khu trục cơ VNCH cùng với một số phi cơ Mỹ dội bom xuống căn cứ Vĩnh Linh, phía Bắc vĩ tuyến 17. Một số phi cơ bị trúng đạn, nhưng tất cả đều về đến Đà Nẳng. Những phi công được tiếp đón nồng nhiệt tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Ngày 11-2-1965. Hai phi đội Không lực VNCH dội 50 tấn bom xuống đồi 83 bên sông Rào Quang và Quan Tây, cách Bến Hải 15km về phía Bắc. Trung tá Phạm Phú Quốc chỉ huy phi đội 1.
Ngày 2-3-1965. Lúc 15giờ 45, 5 phi đội gồm 20 chiếc phi cơ VNCH oanh tạc căn cứ Hải quân BV ở Quảng Khê, cách Đồng Hới 30km. Phi đội 2 do Trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Phó KQ hướng dẫn. Một phi cơ bị bắn rớt, phi công nhảy dù xuống biển và được cứu vớt.

         
  A-1H Skyraider  F-100F at Phu Cat Air Base, South Vietnam, 1971.

Ngày 14-3-1965. Lúc 14 giờ, 24 phi cơ VNCH oanh tạc đảo Hòn Cọp, căn cứ Thủy đoàn CSBV bị phá hủy.
Ngày 21-3-1965. 26 phi cơ VNCH oanh tạc căn cứ Vu Côn, Bắc Bến Hải 25km.
Ngày 23-3-1965. 8 phi cơ VNCH oanh tạc dọc theo Quốc lộ 1, từ Bến Hải đến Đồng Hới, phá hủy đài Radar Ba Bình, cách Bến Hải 15km về phía Bắc. Ngày 31-3-65, 14 phi cơ VNCH oanh kích đài Radar Hà Tĩnh. Ngày 4-4-1965, 24 phi cơ VNCH và 12 phi cơ Mỹ oanh tạc cầu Đồng Hới. Ngày 13-4, 15 phi cơ VNCH phá cầu Thanh Yên, Đồng Hới.
Ngày 19-4-1965. Một phi tuần VNCH oanh kích Quốc lộ 1, phi cơ do Trung tá Phạm Phú Quốc lái, bị cao xạ CSBV bắn hạ gần Hà Tĩnh.

IV.3. Kết quả chiến dịch Sấm Rền
Từ tháng 3 năm 1965 đến tháng 11 năm 1968, không lực Hoa Kỳ thực hiện 306,183 phi vụ của Không quân, Hải quân và TQLC, ném 864,000 tấn bom xuống miền Bắc VN.
1). Tổn thất phía Cộng Sản Bắc Việt.
Ngày 1-1-1968, CIA ước tính thiệt hại vật chất của CSBV lên tới 534 triệu USD. Số người thương vong khoảng 52,000 quân nhân, và từ 50,000 đến 182,000 thường dân. 120 phi cơ bị phá hủy hoặc bị bắn hạ.
2). Tổn thất của Hoa Kỳ
938 phi cơ bị bắn rơi (Trong đó 524 phi cơ Không quân, 395 phi cơ Hải quân và 19 phi cơ TQLC).
Về nhân sự, 1,084 quân nhân: chết, mất tích và bị bắt làm tù binh.

V. Hoa Kỳ đánh sai mục tiêu của kho vũ khí Cộng Sản Bắc Việt

V.1. Mỹ đánh sai mục tiêu

Về việc ngăn chặn vũ khí xâm nhập vào miền Nam, Mỹ nhận ra đúng vấn đề, là vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng và các nước Cộng Sản Đông Âu được đưa vào miền Nam VN. Áp dụng đúng  bài bản ngăn chặn là phong toả vùng biển Bắc Việt, bằng cách thả mìn nam châm xuống biển, mở chiến dịch Sấm Rền, dùng không quân dội bom phá hủy các nhà kho, bãi chứa, cơ xuởng, nhà ga, bến cảng, đánh phá toàn bộ hệ thống giao thông vận tải, thế nhưng đánh sai mục tiêu, vì kho vũ khí của CSBV nằm ở đảo Hải Nam của Trung Cộng. Vì thế số lượt tàu không số ngày càng gia tăng.
Trong 14 năm, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã thực hiện 2,000 chuyến tàu chở 150,000 tấn vũ khí vào miền Nam.

V.2. Kho vũ khí Việt Cộng nằm ở đảo Hải Nam thuộc Trung Cộng

Trong khi Hoa Kỳ triệt hạ các phương tiện tồn trữ và vận chuyển trong nội địa miền Bắc, thì số vụ khí lại nằm trên lãnh thổ Trung Cộng là đảo Hải Nam.
Những con tàu không số xuất phát từ đảo Hải Nam, theo hải phận quốc tế, lại đi bên phía Philippines, Indonesia, Malaysia đến Vịnh Thái Lan. Hải trình dài như thế đi qua 19 bến thuộc 9 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tàu đi trên hải phận quốc tế, mang theo cờ của nhiều quốc gia, có cả Cờ Vàng 3 sọc đỏ của VNCH. Khi bị theo dõi thì cứ tiếp tục đi, có nhiều trường hợp bị theo dõi suốt hai tiếng đồng hồ mà không thấy gì lạ, phía Mỹ và VNCH nản chí, bỏ đi.
Trên hải phận quốc tế, khi thấy bến nào thuận tiện thì mở máy hết ga chạy thằng vào bờ, đổ hàng xuống biển cách bờ khoảng 10m. Những kiện hàng bọc nylon, buộc vào các phao và được bộ đội địa phương ra vớt khi được thông báo. Chỉ đổ hàng ban đêm, nếu chưa xong thì chạy trở ra hải phận quốc tế, và sẽ trở vào đêm sau.

Kết luận

Nếu Hoa Kỳ đánh đúng mục tiêu của đường tiếp vận trên biển của Việt Cộng, và có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu trên đường Trường Sơn thì đâu đến nổi phải bị bại trận, Mỹ thua trận mất mặt không sao, Việt Nam Cộng Hoà thua trận mất nước mới đau.
Thật ra, chúng ta cũng không nên oán trách Hoa Kỳ, vì người dân Mỹ, kể ra cũng chẳng có trách nhiệm nào đối với người Việt Nam cả.
Trên mặt trận, Quân Lực VNCH không thiếu tinh thần chiến đấu, chỉ thiếu đạn dược so với kho vũ khí khổng lồ mà Liên Xô, Trung Cộng và các nước Cộng Sản chi viện cho Việt Cộng. Ta thua vì hết đạn, vì bị đồng minh bỏ rơi.
Chúng ta chỉ buồn cho thân phận nhược tiểu của một nước Việt Nam Cộng Hoà phải chết yểu ở tuổi hai mươi mà thôi.

Trúc Giang, MN



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top