Cương Nguyễn, TỔ QUỐC GHI ƠN Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn,

Cương Nguyễn

NHỮNG KỶ NIỆM NGÀY THÁNG CŨ

TỔ QUỐC GHI ƠN

Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn,

Giang Đoàn Trưởng, Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn

                                                                                                                                                                                               

Một sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến chống lại làn sóng đỏ cộng sản Bắc Việt để bảo vệ đồng bào và miền Nam được sống tự do. Bài viết này xin để Vinh danh Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, Giang Đoàn Trưởng, Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn.
Ông sinh năm 1943, là bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang. Thuộc dòng tộc Lê Nguyên danh giá ở Sơn Tây Bắc Việt.

Ông từng là cựu học sinh Trường Nguyễn Trãi (1956 – 1960) và Trường Chu Văn An (1960 – 1963). Trong khi đang là sinh viên Trường Luật thì ông tình nguyện nhập ngũ. Ông theo học Khóa 14 Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang (SQHQ) và là sinh viên sĩ quan xuất sắc của khóa này.
Sau khi ra trường ông từng phục vụ ở nhiều chiến hạm của hạm đội thuộc Duyên Đoàn 27, Duyên Đoàn 23, Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Tuy bận rộn về quân vụ nhưng ông cũng vẫn tiếp tục theo học ngành luật và tính đến năm 1975 thì ông đang học năm thứ 3.

Năm 1974 ông tình nguyện ra tác chiến và về phục vụ tại Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 do Hải Quân Thiếu Tá Đoàn Quang Vũ chỉ huy (Khóa 12 SQHQ), đóng tại Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn. Liên Đoàn này gồm Giang Đoàn 64 Tuần Thám và Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn do ông chỉ huy.

Biết ông là người có tư cách, lại tài giỏi về nhiều mặt và rất hào hùng, ông không bao giờ nhờ cậy hay dựa hơi Trung tướng Lê Nguyên Khang anh của ông, nên Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn IV rất quý mến ông và nhiều lần muốn đưa ông về nắm một chức Quận trưởng tại miền Tây, nhưng ông khéo léo hứa hẹn. Ông chỉ muốn qua làm hành chánh sau khi đã hoàn tất ngành Luật để mọi người không dị nghị cho là chỉ vì cấp bậc và gia thế mà ông được làm Quận trưởng ! Đồng thời ông tin rằng sau khi hoàn tất Cữ nhân Luật ông sẽ làm Quận trưởng tốt hơn…

Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn đóng kế bên Chi Khu Tuyên Nhơn, nằm ở bờ Nam Kinh Đồng Tiến cách Chợ Tuyên Nhơn khoảng 3 km. Đây là vị trí chiến lược trên sông Vàm Cỏ Tây, là cửa ngõ để cộng sản Bắc Việt chuyển quân và khí tài từ bên Campuchia qua vùng Mỏ Vẹt về Long An bằng thủy lộ. Bắc quân đã giao cho Đoàn 232 thuộc Công Trường 7 (tức SĐ 7 Bắc Việt) phụ trách chiếm vùng này nhưng chúng đã bị chặn đứng tại đây.

Từ cuối năm 1974, Quận Tuyên Nhơn liên tiếp chịu nhiều áp lực, bị pháo kích vô tội vạ và bị tấn công nhưng không làm gì được và chịu nhiều tổn thất cao vì đây là thế phòng thủ liên hoàn thủy - bộ giữa Chi Khu và Căn cứ Hải Quân Tuyên Nhơn, nhưng quan trọng hơn hết là lòng quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của toàn thể quân nhân các cấp tại đây.

Khoảng nữa đêm 26 tháng 3 năm 1975, giặc cộng quyết san bằng Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn (Lúc này do ông nắm quyền chỉ huy vì Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm đi họp) với cấp số cả trung đoàn, nhưng bọn chúng một lần nữa chuốc lấy thảm bại nặng nề. Ông được đề nghị đặc cách tại mặt trận lên Trung tá nhưng vì hoàn cảnh rối ren lúc bấy giờ nên chậm trễ… 
Khi được hỏi tại sao ông lại phát hiện Bắc quân tấn công vào căn cứ lúc đêm khuya mà ra lệnh khai hỏa trước vậy ? Ông khiêm tốn trả lời là vì lúc đó ông đang học bài khuya nên ra ngoài đi tiểu và phát hiện… 
Thật ra ở đời cũng có những cái may mắn nhưng bản thân ông là một sĩ quân có tinh thần trách nhiệm cao và là một cấp chỉ huy chiến thuật tài giỏi ! Nếu mất Tuyên Nhơn thì Sài Gòn sẽ bị uy hiếp nặng nề ở mặt Nam và giao thông về Vùng IV sẽ bị cắt đứt.

29 tháng 4 năm 1975, ông được lệnh rời Tuyên Nhơn về Bến Lức và ngày hôm sau thì Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông đã chỉ huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 gồm khoảng 250 người bao gồm cả vợ và con của lính rút bỏ Căn Cứ Tuyên Nhơn.

Đêm 30 tháng 4 năm 1975 tại một khúc sông hẹp, đoàn giang thuyền của ông bị Bắc quân ở trên bờ dùng đèn pha và xe tăng chận lại, chúng bắt loa ra lệnh cho cả đoàn thuyền phải ủi bãi đầu hàng. Ông vẫn bình tĩnh cho đoàn thuyền xuôi giòng mà không khai hỏa. Thấy vậy cộng quân bắn cháy 2 chiếc dẫn đầu. Lúc này phụ nữ và trẻ em kêu khóc khắp nơi trong đoàn thuyền nên ông đành cho ủi bãi vì không muốn gây chết chóc vô ích cho vợ con của lính. Trước khi soái đĩnh của ông ủi bãi, ông đã hiên ngang tuẫn tiết bằng khẩu súng rulo của ông luôn đeo bên mình ngay trên đài chỉ huy, vì quyết không để rơi vào tay giặc vào giữa đêm 30 tháng 4 rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Giờ thứ 25 của cuộc chiến !

Đồng đội vội vàng chôn xác ông bên bờ sông Vàm Cỏ Tây. Người dân địa phương kính cẩn gọi là mộ Ông Trưởng. Năm 1996, người nhà và những đồng đội cùng khóa 14 SQHQ đã đưa hài cốt của ông qua Mỹ. Hậu thế và lịch sử mãi mãi khắc ghi chiến tích anh hùng của ông.
Bồi hồi nhớ lại chiến công xưa
Lệ rơi, thương tiếc đã vơi chưa ?
Vận nước, anh hùng đành thúc thủ,
 Tổ Quốc Ghi Ơn mấy cho vừa?

         Cương Nguyễn

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top