bùi khánh đản, Khóc Bạn Nguyễn Tường Tam

bùi khánh đản

Khóc Bạn Nguyễn Tường Tam

Qua hai cõi, nếu giờ đây tôi còn có thể nói gì với anh thì chỉ là những cảm nghĩ tự đáy lòng: thương anh thì ít, nhưng giận anh lại rất nhiều. Tôi không giải thích được rõ ràng tại sao, nhưng chỉ biết đó là những cảm nghĩ rất chân thật, rất tự nhiên, đã rung động lòng tôi không dứt. Trong cái bàng hoàng lúc nghe tin anh đi, tôi cứ vò đầu bứt tai, dằn vặt mãi với câu nói thốt ra một cách bực tức giữa đôi hàng nước mắt dàn dụa: “Vô lý quá! Thật là vô lý! Sao lại đi? Ừ, sao lại có thể đi thế?”.

Tôi không bao giờ muốn hỏi: “Tại sao anh đã đi?”. Tôi bất cần những lý do “ngoại lai”, vì nếu tôi đặt bất cứ một câu hỏi gì ngoài cái mật thiết giữa anh và tôi, tôi lại sợ nó giảm đi phần nào cái rung động tự nhiên ấy. Tôi cần gì phải tự an ủi: như thế là tròn, là đạt, là cao khiết, để nhẹ bớt nỗi đau, cũng như tôi không cần phải lý luận như: quốc gia thiệt công dân gương mẫu, anh em mất người hướng dẫn cao cả, gia đình thiếu người chồng người cha thân mến v.v... để tạo thêm những nỗi niềm chua xót đắng cay. Những chua xót phát sinh bởi các sự kể lể ấy, tôi thấy nó có phần nào không xứng đáng với chân thành. Tôi giận, vì anh đã tính toán kỹ quá, nhưng chỉ về một mặt bản thân và xã hội còn quên hẳn mặt tình cảm đối với gia đình và bè bạn, trong đó có tôi. Mất anh, tôi giận lây cả đến các công cuộc suy tôn tử hậu, cả đến sự sùng bái anh hùng liệt sĩ mà tôi cảm như những cái gì giả tạo trừu tượng, đâu có thể đánh đổi được sự tha thiết gần gụi một kẻ mến yêu. Sùng bái anh hùng! Dù muốn dù không tôi van phải nghĩ đó là những trò người sống với công dụng mang tính cách câu chuyện mua ngựa chết của kẻ xưa. Người ta đã mua đắt xác một con ngựa để mong có những ngựa quý bốn phương đem lại bán. Kể cả lịch sử nữa thì lịch sử cũng chỉ để cho người sống đọc, anh ơi. Anh có quan niệm chết là gì không? Là cả một cái vực sâu vô cùng tận, là một “sự không” lớn hơn hết các “sự không”, là xoá mình trong vạn cổ để rơi vào một cõi bao la vô tận, mênh mông hơn cả vũ trụ mênh mông. Vậy mà anh đã đi vào đấy! Vợ anh, con anh, bạn anh và tôi không thể tưởng tượng là trên cái ghế nằm từ nay sẽ không thấy anh, cái tẩu thuốc trơ ở đó, những bao thuốc xanh bán đầy dẫy mọi nơi sẽ không có anh mua nữa! Vài bộ sách tàn tạ – ôi mỉa mai, những gì còn sót lại của một cuộc đời văn chương soi sáng cho nền quốc học – rồi ai sẽ đọc đây? Không! Không thể thế được! Không ai dám nghĩ là anh đã mất hẳn. Tất cả những cái gì ràng buộc giữa người thân đâu phải là sự nghiệp cao cả là danh tiếng huy hoàng..., mà chỉ là những cái vặt vãnh trong cuộc sống, những cái gì tuy vô nghĩa nhỏ nhoi nhưng lại mang những giá trị tâm tình rất lớn. Tôi nhất định quên anh ở địa vị cách mạng, chính trị và văn chương, mà chỉ nhớ tới một con người mang những nét phong sương dầu dãi, cặp mắt thường chìm giữa muôn vạn ưu tư, đôi lông mày rậm với bộ râu mép ít khi cắt sửa... Nụ cười dịu dàng hiền hậu không-bao-giờ và cũng không-thể-bao-giờ tắt được. Trong cái thời kỳ đen tối của thế sự, sống với nhau những thời gian đau buồn ngắn ngủi, anh và tôi đã hết sức tránh không muốn đề cập tới những thắc mắc ưu ái xa xôi mà chúng ta coi như những vết thương lòng ghê gớm không nên động tới. Thảng hoặc lúc đàm đạo có vô tình đưa tới vấn đề ấy, tức thì cả anh lẫn tôi như chợt tỉnh và tìm ngay những chuyện khác để che đi. Cái lần ngẩng lên thấy đôi cuốn sách trinh thám bỏ góc nhà, tôi đã vội hỏi một cách vu vơ: “Anh thích Simenon hay Peter Cheyney?”. Và anh cũng trả lời vu vơ không kém: “Agatha Christie hơn cả”. Những câu chuyện “bình phong” đó thấm cảm lòng hai người nhiều lắm. Tôi bỏ về phòng để phục xuống rấm rứt, lát sau nghe tiếng chân anh nhè nhẹ tiến vào, nhìn rồi khẽ khép cửa đi ra. Chuyện ấy mới xảy ra hôm qua, không, ngay hôm nay, ngay trước mắt tôi hiện giờ, tôi quên sao được. Cũng như tôi không quên một đêm trừ tịch năm nào ở cao nguyên, sau hàng giờ ngồi với nhau không nói, tôi cùng anh đánh xe vào rừng chơi, giữa cái giá buốt của ngoại cảnh và nội tâm. Vẫn những nỗi ưu tư đồng tính làm hai ta không thốt nên lời, mãi sau khi qua bốn quãng đường đèo anh mới nói: “Có loại lan rừng chỉ về đêm mới toa hương thơm”. Thế là xe tìm lối nhỏ để thâm nhập ngàn sâu. Chúng ta bỏ xe, và do anh dẫn đạo, vạch lá tìm đến những “vườn” lan thiên nhiên của anh trong rừng thẳm. Sau một thôi đường dài vất vả, tôi với anh dừng chân giữa một mùi hương kỳ ảo, vật vờ nhè nhẹ, phảng phất xa gần. Tất cả những gì quanh tôi bấy giờ đều thành linh vật, từ lá cây ngọn cỏ, mô đá vòm sao, và trong đám ấy có những “nàng lan” vô hình, đã chung họp với chúng ta để chia dòng thông cảm...

Giờ đây, mỗi khi đọc lại câu thơ:
Nhớ khi ném bút, quên tin tưởng
Lửa đốt rừng hoang, tôi với anh.

tôi lại ngửi thấy mùi hương cũ, lại trông thấy nét mặt suy của anh qua ánh lửa rừng giữa cái cảnh giá lạnh của “nửa đêm đông và nửa đêm xuân”.

Tôi đã nói những ràng buộc tha thiết của tôi với anh chỉ là những cái vặt vãnh nhỏ nhặt không đâu. Kể cả các kỷ niệm khác, các chuyến đi khác, đến nay tôi đều quên hết mục đích và dự định mà chỉ còn lưu lại những hình ảnh nhỏ, những hành động tự nhiên, bất kỳ ở bờ biển sườn non hay trên dòng sông lộng gió. Tôi rất thèm cái tình nặng của những bạn khác đối với anh, dù chỉ trong nghĩa “đạm nhược thuy” mà sau khi anh đi, cũng thấy chứa chan hàng mươi lăm kỳ báo. Tôi cũng thèm cả cái nghĩa lớn cả một số anh em cùng hướng, dù cả đời chỉ đôi lần “đối diện đàm tâm” mà cũng có thể tiễn anh bằng những lời thống thiết rung cả vạn tấm lòng trong những buổi truy điệu uy nghiêm. Còn tôi, với mối tình rất đàn bà, lại thấy thù ghét những cái vòng xích tàn nhẫn của đời nó đã lôi cuốn đến mất anh. Tôi tưởng chừng như con đường quá vãng đã đưa chúng ta vào lầm lạc, vì chúng ta không hiểu được nghĩa “sát-na” của đạo Phật mà đánh giá khác biệt giữa sự nghiệp chỉ huy muôn người của một ông tướng với công việc cày mảnh ruộng nhỏ của một nông phu nuôi cả gia đình. Phải chăng ta không nên quan trọng chuyện đời theo tầm lớn nhỏ mà chỉ nên đo giá trị bằng mức độ thành tâm?
Ngày nay:
Vũ Hán Tô Châu, chuyện cũ rồi
Ván cờ thành bại, thế nhân ôi.
tất cả các việc xưa đều đi vào cõi mộng. Còn cái gì thực, có chăng chỉ là cái ghế không người nằm, cái tẩu thuốc không người hút, vài cuốn sách không người đọc và đôi vòng khăn trắng trên đầu vợ con anh. Còn cái gì thực, có chăng chỉ là sự mất anh. Có lẽ tôi gàn, không truy niệm sự nghiệp anh bằng những danh từ lớn. Nhưng tôi e ngại, cho đó là công việc tạo tác tình cảm, vả lại như trên đã nói, tôi muốn rất chân thật chỉ nói lên những tâm tư phản ứng trực tiếp trước sự mất anh. Nếu được bắc đồng cân đánh giá thì tức khắc tôi thấy ngay sự sống của anh còn cần hơn muôn lần thêm danh tiếng.
Vì đôi ý đó mà tôi giận anh. Bữa đưa anh lần cuối, tôi thầm lặng đi sau, chưa chắc đã phải là tiễn anh, nhưng là theo dõi để bực tức cùng anh. Rồi sau đó, tôi xuống mộ, cũng không phải để viếng mà là để “cãi nhau” với anh. Sao anh lại đi? Sao anh lại có thể đi như thế? Nếu cách mạng là cái nghiệp chung đi nữa, thì sao anh không nghĩ là phải làm vì người sống, cho người sống, và lẽ cốt yếu vẫn là: anh phải sống!
Khóc anh, tôi không muốn làm thơ, vì tự thấy bất tài không tìm được những câu tuyệt bút để nói hết tâm tình bi thiết, và nếu gượng gạo thì nỗi niềm sẽ bị gọt dũa thêm bớt, mất hết chân thành. Nhân chuyện hiển linh của một bồ tát trên ngọn chân hoa, tôi được đọc những bài thơ nhiều đoạn hay, nhưng rất tiếc lại kèm theo những đoạn mà kỹ thuật khắc khổ đã đem vào những tâm tình giả tạo gượng ép làm chết cả thơ. Nếu tôi đã xót xa vì tiếng khóc nàng Kiều:
Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
thì tôi cũng rất khó chịu với những câu gọt dũa giả tạo:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.
hoặc với câu đối khóc vợ:
Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao đặng
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mần răng.
Có lẽ khi làm xong câu này, tác giả đã rung đùi thú vị tự đắc với mấy chữ đối tài tình mà quên hẳn hồn vợ hãy còn phảng phất bên linh vị.
...................................
Một năm qua rồi. Đã bao lần đêm đêm tôi ngồi dậy để thấy lòng nao nao như người bị hối hận vì mang một mặc cảm tội lỗi không thể tha thứ trong sự vĩnh quyết của anh, vì có đôi lần bạn G. cho biết: do một bài thơ thúc giục mà anh đã bỏ vườn lan cao nguyên để trở lại văn đàn, và từ chỗ đó dẫn dần đến sự chia biệt ngàn thu. Anh ơi, tôi không chối cãi cái tội mà tôi coi như một vinh dự ấy, nhưng thật ra tôi đâu có xứng. Tôi tin tấm lòng hoài bão trở lại văn đàn, anh đã đeo nặng từ lâu, đó là lẽ tất nhiên của con người mang một thân thế như anh. Nếu có chút khích động nào để anh cả quyết thực hành ý định thì đôi lời thơ cũng chỉ như giọt cuối cùng làm tràn ly nước đã đầy. Hôm qua đây, nhân ngày giỗ đầu của anh, trước bàn thờ nhỏ trong một ngôi chùa vắng ở ngoại ô, tôi lại được nghe chị bảo: “Tại anh đấy!
Nhà tôi trở lại làm báo chỉ vì câu thơ:
Say sưa chi mấy tình vương giả
Mà để lòng quên nợ bốn phương.
Qua màn nước mắt, tôi lặng nhìn di tượng của anh mập mờ trong cảnh âm u của Phật đài, không đáp thẳng chị, tôi nghẹn ngào thốt được một câu: “Tôi bực lắm! Tôi giận anh lắm, chị ơi!”.

BÙI KHÁNH ĐẢN
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top