BUỒN CHO LỜI CUỐI CỦA
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Bùi Anh Trinh
Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân hay không?
Năm 1981 ông Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phỏng vấn trong phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” rằng ông có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân. Ông kể rõ từng chi tiết tàn sát đẫm máu của Mỹ ngụy đối với nhân dân Huế đã xảy ra trước mắt ông.Phim do đài truyền hình của Anh Quốc phát hình năm 1982 cho nên người Việt không có ai được xem và vì vậy dư luận cũng không được biết ông HPNT nói những gì.
16 năm sau, năm 1998, ông HPNT trả lời phỏng vấn trên đài RFI của Pháp rằng ông không có mặt tại Huế trong dịp tết Mậu Thân. Ông dẫn lời chứng của Tiến sĩ Lê Văn Hảo, nhà thơ Đặng Tiến, và nhà văn Trần Thị Nhã Ca.
Đến năm 2010, Thiếu tá Liên Thành, Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên Huế, phát động phong trào dựng lại vụ “Thảm sát Mậu Thân Huế”. Ông cho biết có nhiều nhân chứng đã khai với ông rằng họ thấy chính ông Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi xử án “tòa nhân dân” tại Tiểu chủng viện Huế, Nguyễn Đắc Xuân ngồi tòa án Gia Hội, Nguyễn Đọc và Nguyễn Thị Đoan Trinh ngồi tòa án Thành Nội.
Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường bác bỏ cáo buộc của ông Liên Thành. Ngoài ra một nhân vật cầm đầu vụ thảm sát là ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, em ruột của HPNT, cũng đã đưa ra lời giải thích như sau :
“Lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Huế nổi dậy là do anh Tường viết đã được thu băng và được phát đi khắp các nẻo đường, phố phường của Huế. Có lẽ do sự kiện này mà về sau nhiều người nhầm rằng anh Tường có mặt ở Huế trong những ngày Tết Mậu Thân”.
Trong khi Hoàng Phủ Ngọc Phan là một hung thần ác sát trong vụ Mậu Thân Huế nhưng không nghe ai nói Phan ngồi “tòa án nhân dân” nào.
Như vậy, có thể giải đoán rằng những nhân chứng của ông Liên Thành không biết mặt Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng nghe người này người kia xầm xì rằng chánh án tại Tiểu chủng viện là HPNT cho nên tin như vậy.
Sở dĩ có chuyện xầm xì như vậy là vì người dân Huế đã quen giọng của HPNT trên đài phát thanh Huế trong thời Phật giáo Miền Trung cướp chính quyền Huế năm 1966. Cho nên giờ đây nghe lời hiệu triệu của HPNT vang lên khắp các phố phường thì người ta nghĩ rằng HPNT đã về Huế để thanh toán ân oán của vụ “biến động Miền Trung 1966”; *( Cũng vì vụ này mà HPNT và HPNP và nhều nhân vật khác đã nhảy núi theo Cọng sản ).
Riêng tại buổi xử án rùng rợn tại Tiểu chủng viện thì những người chưa biết mặt HPNT nghe giọng rổn rảng của ông chánh án Hoàng Phủ Ngọc Phan thì tưởng rằng ông chánh án đang nói đó là HPNT, mà không ngờ giọng nói của HPNP y hệt giọng HPNT.
Và rồi đến Tết năm 2011 có một người nào đó đã đưa lên mạng nguyên đoạn phát biểu của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong phim “Việt Nam, thiên sử truyền hình” mà trong đó HPNT xác nhận mình có mặt tại Huế thời đó và chứng kiến toàn bộ sự việc.
Dư luận nổi lên nguyền rủa Hoàng Phủ Ngọc Tường không tiếc lời. Còn những người lớn lên sau này thì sửng sờ, không ngờ nhà văn HPNT lại điêu ngoa đến thế : “Có nói thành không, không nói thành có”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đành phải ngọng.
Một chuyên gia vận động chính trị cho Việt Nam là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã liệt Hoàng Phủ Ngọc Tường vào danh sách cấm nhập cảnh Mỹ vì thành tích chống lại nhân loại. Điều này khiến ông HPNT không được đoàn tụ với hai con gái tại Mỹ vào lúc cuối đời.
Giờ đây ông HPNT đã 81 tuổi, có lẽ nghĩ rằng tuổi đời của mình không được bao lâu cho nên ông viết một bức thư trần tình cuối cùng rồi nhờ nhà báo Nguyễn Quang Lập đưa lên net với tựa đề là “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn”
Nhận lỗi hay chạy tội ?
“Tôi đọc cho con gái chép một bài viết nhỏ này xin gửi tới bà con bạn bè thương mến, những ai yêu mến, quen biết và quan tâm đến tôi”.*( Những ai muốn tấn công ông Tường qua bức thư này đều phải dội lại trước hình ảnh người con gái ngồi viết lời trần tình cho cha già gần đến ngày ra đi ).
“Còn những kẻ luôn đem tôi ra làm mồi nhậu cho dã tâm của họ như ông Liên Thành và bè đảng của ông ta, tôi không muốn mất thời giờ đối đáp với họ”.
Người viết bài này không thuộc thành phần băng đảng của ông Liên Thành và cũng không có ý muốn đem ông HPNT ra làm mồi nhậu. Nhưng người viết cũng không thuộc thành phần những người yêu mến hay quen biết ông HPNT, cho nên có nhiều lúc tự hỏi mình có nên lên tiếng hay không khi mà chính HPNT đã từ chối mình ngay từ đầu.
Tuy nhiên còn có một tiêu chuẩn mà người viết có thể được ông HPNT chấp nhận, đó là người viết thuộc loại “quan tâm đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường”.
Tôi đã chú ý tới ông HPNT bắt đầu từ khi ông lên tiếng về nạn nhân Mậu Thân trên số báo Sông Hương 24. Kể từ số báo này Tạp chí Sông Hương bị tạm đình bản và sau đó đình bản vĩnh viễn. Sở dĩ nó bị đình bản vĩnh viễn vì ban biên tập có ý khơi lại để giải oan cho những nạn nhân trong vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, mà trong đó ở cuối tạp chí, trong phần “Trả lời bạn đọc” có đăng lời kêu gọi “gải oan, xóa án cho những nạn nhân bị chôn sống” của cựu Bí thư Bình Trị Thiên Lê Minh.
Sau đó tôi đã tiếp tục theo dõi 4 số báo Tạp chí Cửa Việt của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, và sau 4,5 số thì Cửa Việt bị đóng cửa. Từ đó tôi không còn có dịp “quan tâm” tới ông HPNT. Tuy nhiên trong đầu của tôi luôn luôn giữ hình ảnh đẹp của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Vậy hôm nay tôi tự nghĩ mình may mắn hội đủ điều kiện để nói với ông HPNT :
Trước tiên, ông đã đưa con gái của ông ra che đạn và đưa ông Liên Thành ra để bịt họng người nào muốn tấn công ông thì vô tình ông để lộ là ông tấn công người ta trước trong khi ông đứng đằng sau con gái của ông. Những điều này khiến tôi buộc phải quan tâm ông kỹ hơn nữa, nhưng với chiều hướng ngược với trước.
Ông nói : “Duy nhất có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu thân 1968. Vậy xin thưa:
- Mậu Thân 1968 tôi không về Huế… … Chuyện là thế. Tôi đã trả lời ở RFI, Hợp Lưu, Báo Tiền Phong chủ nhật… khá đầy đủ. Xin không nói thêm gì nữa”.
Ông nói tiếp :
- Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.
Vấn đề là ông đã làm chứng gian những gì trước lịch sử ? Đó mới là điều mà người ta quan tâm chứ không phải là chuyện ông đã lỡ nói láo một chuyện gì với ai đó. Hậu quả của những lời chứng gian của ông đã khiến cho cả thế giới kết án oan đối với người Mỹ, chính phủ Mỹ và chính phủ VNCH.
Nhưng hậu quả của án oan đó không chấm dứt trong năm 1968, mà nó kéo dài trong lịch sử, tức là kéo dài tới muôn đời…!! Cho dù ông chết đi thì những lời chứng gian của ông vẫn sống mãi trong lịch sử, trong tâm trí của thế giới và riêng dân tộc Việt Nam..!!
Ông nói : “Đó là những chuyện anh em tham gia chiến dịch kể lại cho tôi, tôi đã vơ vào làm như là chuyện do tôi chứng kiến. Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viên nhỏ ở Đông Ba chết 200 người,….”
Đó là anh em đã kể lại cho ông. Nhưng đó là những lời thật hay là lời gian dối ? Tự lương tâm ông, và tự lương tâm người đời khi nghe chuyện này đều biết là không thật. Riêng những người đã từng ở Huế như ông thì lại càng rõ hơn nữa, bởi vì ở khu vực Đông Ba không có một bệnh viện nào hết…!!
Người ngoại quốc không biết, người Việt Nam ở Sài Gòn, Hà Nội, … không biết, nhưng người Huế phải biết. Bây giờ đến khi gần chết ông vẫn cho rằng đó là chuyện có thật “do anh em kể lại…(!?)” thì có ai tin ông được không ?.
Ông nói : “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu …” ( Máu của dân lành bị Mỹ ngụy giết hại ).
“Chi tiết đó không sai, ( chỉ ) sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại….”
Tự lương tâm ông biết, tự lương tâm người đời biết !!…Không hề có chuyện Mỹ ngụy giết hại dân lành đã đành, mà càng không hề có chuyện máu chảy như bùn trong những con hẽm…!! Giờ đây đã 81 tuổi ông vẫn nói rằng đó là chuyện có thật..!! Có ai tin ông được không ?
Nhưng vấn đề không phải là không tin ông là xong, là mọi chuyện trở thành quên lãng… Bởi vì “thiên lịch sử truyền hình” còn đó; nó còn tới đời đời…!!
Ông nói : “khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. …. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình…. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968”.
Sai lầm ở Mậu Thân là sai lầm của ai và về chuyện gì thì không thấy ông nói..?? Ở đây ông cũng không nói đã đổ cho Mỹ tội gì ? Nhưng trong phim truyền hình thì ông nói những người chết ở Huế là do Mỹ giết rồi đổ cho Việt Cọng.
Lương tâm ông biết, lương tâm người đời biết…!! Mỹ có giết dân lành hay không ? Mỹ có đổ tội giết dân lành cho ông hay không ? Nếu họ có nói thì là nói thật hay nói gian ?
Ông nói tiếp :
- Từ hai sai lầm nói trên tôi đã tự rước hoạ cho mình, … tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và qui kết tôi như một tội phạm chiến tranh.
Thong dong đi về cõi Phật
Ông nói : “Dầu có nói thêm bao nhiêu cũng không đủ. Tốt nhất là im lặng bằng tâm về cõi Phật”.Nhưng ông đâu có dễ đi về cõi Phật như vậy được !? Bởi vì dọc đường đến cõi Phật ông sẽ nghe muôn vạn tiếng than khóc của gia đình những người bị giết ; ông sẽ nghe muôn vạn tiếng oán hờn của những cháu bé không được vào đại học, không xin được việc làm chỉ vì lý lịch có ghi là cha bị “cách mạng trừng trị”, là “gia đình có tội với cách mạng”…
Cho tới nay đã 50 năm mà những tiếng khóc than oán hờn đó chưa vơi, bởi vì không có ai lên tiếng giải oan cho họ cả. Suốt 50 năm cả gia đình phải tha phương cầu thực, sống khổ chết nhục trên khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam chỉ vì ngày xưa cha mình bị “cách mạng” giết oan…!!!
BÙI ANH TRINH