Những ngày cuối cùng của Tổng Thống
NGUYỄN VĂN THIỆU
ở Việt Nam
• Trúc Giang MN
Vì Hoa Kỳ cúp viện trợ. QLVNCH lâm vào thế nguy kịch trước quân số và vũ khí vượt trội của CSBV. Quân Khu 1 và QK 2 đã bị mất vào tay Cộng Sản. Tình hình quân sự và chính trị miền Nam rơi vào cảnh hỗn loạn.
Xin ghi lại những sự việc đã xảy ra trong những ngày tháng cuối cùng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ở Việt Nam.
Kế hoạch bán 16 tấn vàng để mua vũ khí thất bại
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng kể lại: "Lúc bấy giờ hết rồi. Viện trợ coi như là cạn kiệt, có 700 triệu. Thế thì sau cùng, ông Thiệu bảo là "Thôi, bây giờ còn bao nhiêu vàng, bao nhiêu đô la thì mang ra "xả láng”!
Đầu tiên, bàn với Thống đốc Ngân Hàng Lê Quang Uyễn, rồi bàn với Đại sứ Martin. Ông Martin cố vấn là phải mang vàng sang Thuỵ Sĩ để bán và mua tiếp liệu bên đó dễ hơn bên Mỹ vì bên Mỹ có nhiều luật lệ ràng buộc. Thế rồi có lịnh cho ông Uyễn và ông cũng đã contact làm việc với hãng máy bay TWA để chở 16 tấn vàng.
1. Từ đó tin tức bị lộ ra ngoài.
Khi chở một số vàng lớn như thế thì phải có bảo hiểm, mà hãng bảo hiểm lớn là Lloyd's of London thì đã co vòi, rút lại, không bán bảo hiểm. Thế là số vàng bị khựng lai.
Lúc đó có dư luận cho rằng ông Thiệu chở vàng ra đi.
Lúc ấy ai cũng phủi tay hết nhưng ông Thiệu cứ kiên quyết thực hiện việc bán vàng. Thống đốc Uyễn vẫn cứ liên lạc với đại sứ Martin và sau cùng, ông Martin cũng đã liên lạc với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ”.
TS Nguyễn Tiến Hưng nói tiếp: “Mới đây, tôi được biết báo Tuổi Trẻ ở Sàigon có một bài rõ ràng của anh Huỳnh Bữu Sơn, người phụ trách coi kho vàng của Ngân Hàng Quốc Gia trước 1975. Anh Sơn viết rõ ràng từng li, từng lượng đầy đủ 16 tấn vàng đã ăn khớp với sổ sách". (Nguyễn Tiến Hưng trả lời phỏng vấn của Cô Hà Giang-Thông tín Viên RFA ngày 14-5-2010) Hết trích.
Vụ 16 tấn vàng nay đã được sáng tỏ và nổi oan của TT Thiệu cũng đã được giải.
2. Nhà báo Bùi Tín nói về vụ 16 tấn vàng.
Trích từ Bản Tuyên Bố của nhà báo Bùi Tín nhân ngày 30-4-2010- Bùi Tín viết riêng cho VOA- Thứ năm 29-4-2010.
"Tôi đến Dinh Độc Lập cùng Trung tá Nguyễn Trần Thiết, phóng viên Ban Biên Tập Quân Sự của báo QĐND, vào lúc 12 giờ rưởi trưa ngày 30-4-1975, sau khi đoàn cơ giới của Lữ Đoàn xe tăng 202 của Quân Đoàn 2 đột nhập vào trong dinh...
Ông Minh bước tới trước, chậm rãi: "Thưa quý ông, chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền”.
Tôi đáp ngay: "Các ông còn có gì mà bàn giao. Không thể bàn giao khi trong tay không có gì!" (Bùi Tín)
Một lát sau, ông Nguyễn Văn Hảo yêu cầu gặp riêng tôi. Tôi cùng ông ngồi cạnh chiếc bàn con bên cửa sổ lối nhìn xuống sân trước . Ông nói: "Tôi là Nguyễn Văn Hảo, giáo sư, Phó Thủ Tướng Đặc trách Kinh tế, xin báo riêng với ông một tin quan trọng: “bọn nầy đã giữ trong kho Ngân Hàng Quốc Gia hơn 16 tấn vàng, không cho họ mang ra khỏi nước, mong quý ông báo với Hà Nội cho người vô nhận".
Ngày 2-5-1975 Hà Nội cho một chuyên cơ IL118 vào Sài Gòn nhận đủ hơn 16 tấn vàng. (Hết trích)
Thật là một lịch sử tâng công hiếm có của một Phó Thủ Tướng VNCH.
Tổng Thống Thiệu nghi ngờ về âm mưu đảo chánh
Rút Sư Đoàn Dù về Saigon
Nhiều người nhận xét rằng Tổng thống Thiệu đa nghi như Tào Tháo. Tướng Vĩnh Lộc viết: "Tổng Thống Thiệu là người đa nghi hết cái bóng tới cái hình của mình". (Lá thư gởi người bạn Mỹ, trang 82)
Tướng Cao Văn Viên viết: "Tổng thống Diệm dễ tin người xu nịnh nên dễ bị phản trắc. Ông Thiệu đa nghi Tào Tháo và không ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẻ đối phương". (Hết trích)
Từ những ngày đầu tháng 3 năm 1975, tình hình quân sự suy sụp và bất ổn chính trị làm cho Tổng Thống Thiệu càng nghi ngờ có âm mưu đảo chánh ông. Vì thế, ngày 13-3-1975, trong tình hình chiến sự bị đe doạ nặng nề ở Quân khu 1, thì Trung tướng Ngô Quang Trưởng được gọi về Saigon, và TT Thiệu kêu gọi bỏ phần lớn QK 1, rút quân về phòng thủ duyên hải miền Trung.
Riêng Sư Đoàn Dù phải được rút ngay về Saigon để bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. Sư đoàn Dù là cái nôi trưởng thành của tướng Trưởng. Việc rút quân nầy tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đưa đến việc mất Quân khu 1 và QK 2, khiến cho tướng Trưởng vô cùng uất ức, đắng cay. Các tướng tá cho rằng việc rút SĐ Dù là để bảo vệ ông chống lại đảo chánh.
Những âm mưu ám sát Tổng Thống Thiệu.
Trước những thất bại về quân sự và những bất mãn của một số tướng lãnh, tình hình chính trị miền Nam phức tạp chẳng khác gì ngoài mặt trận.
Đã có ít nhất 2 âm mưu ám sát Tổng Thống Thiệu.
-Ngày 23-1-1975, một sĩ quan QLVNCH đã ám sát hụt TT Thiệu bằng súng ngắn. Anh nầy lập tức bị đưa ra tòa án quân sự.
-Ngày 4-4-1975, phe đối lập dự định đặt bom ở Dinh Độc Lập, nhưng bị lộ.
-Ngày 8-4-1975, phi công Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Thành Trung đã dùng máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập.
Những sự việc đó làm cho TT Thiệu càng nghi ngờ thêm là các tướng lãnh đảo chánh mình, cho nên đã ra tay trước.
Bắt nhốt các tướng lãnh.
Ngày 3-4-1975, Tổng thống Thiệu ra lịnh cho Trung tướng Trần Văn Đôn, mới ở Pháp về nhận chức Tổng trưởng Quốc Phòng, bắt Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, TL SĐ 1 Không Quân và Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, 2 người phải làm bản tự khai, tự kiểm điểm về việc để mất quân khu 1.
Đồng thời, quản thúc Thiếu tướng Phạm Văn Phú, TL/QĐ2, Trung tướng Lâm Quang Thi, TLP/QĐ1, Trung tướng Phạm Quốc Thuần, CHT/TTHL Đồng Đế, Nha Trang, và Trung tướng Dư Quốc Đống.
Trung tướng Ngô Quang Trưởng đang nằm bịnh viện cho nên được bỏ qua.
Việc trừng phạt vô lối đã bị tướng Trưởng, và Lê Nguyên Khang phản ứng. Tướng Trưởng nói: "Những vị tướng nầy bị phạt quá oan uổng, họ xứng đáng gấp mấy trăm lần những ông tướng phè phởn ở Sài Gòn. Cái lẩm cẩm của Trung Ương là không cho các thuộc cấp biết được ý định của mình. Nghĩa là, tư lệnh các quân, binh chủng, các Tổng Bộ trưởng, các Tư Lệnh Sư Đoàn đều không biết gì về việc rút quân của QĐ1 và QĐ2 cả. Do đó, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa tham mưu và các cấp dưới. Không có kế hoạch rút quân đàng hoàng, lịnh ra đột ngột nên không có đủ thì giờ để sắp xếp." (Ngô Quang Trưởng) Hết trích
Tổng Thống Thiệu đã có 3, 4 quyết định trái ngược nhau, thay đổi như chong chóng chỉ trong vài ngày. Nhà báo phái hữu, Paul Dreyfrus đã đánh giá: "Ông Thiệu đã tỏ ra những hạn chế về tầm chiến lược; ngồi ở vị trí cao nhất - Tướng lãnh - Tổng thống - Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, nhưng ông ta đã hành động như một viên hạ sĩ quan thiển cận". (Hết trích)
Giải tán chánh phủ Trần Thiện Khiêm.
Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Do tâm lý sợ bị đảo chánh, cho nên TT Thiệu mới "Đạo Diễn" cho Thượng Viện VNCH bỏ phiếu bất tín nhiệm chánh phủ Trần Thiện Khiêm vào ngày 2-4-1975. Liền sau đó trong ngày, Trần Thiện Khiêm từ chức Thủ Tướng và cũng trong ngày 2-4-1975, Thượng Viện ra Quyết định giao cho ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Nghị Viện kiêm nhiệm chức Thủ Tướng.
Và ngày 14-4-1975, ông Nguyễn Bá Cẩn trình diện Tân Chánh Phủ lên TT Thiệu.
Bắt giam 7 người âm mưu đảo chánh
Ngày 2-4-1975, TT Thiệu cho bắt 7 người đã từng cộng tác với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, 6 người được cho là chủ mưu, trong đó có Dân Biểu Nguyễn Tấn Đời (Tín Nghĩa Ngân Hàng) và GS Châu Tâm Luân. Ngay cả ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ tá Đặc biệt của TT Thiệu, Chủ tịch đảng Dân Chủ của TT Thiệu đang cầm quyền, cũng bị bắt.
Nghi ngờ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu âm mưu đảo chánh và ra lịnh giết tướng Hiếu.
- 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Trung uý Việt Cộng nằm vùng, phi công Nguyễn Thành Trung lái phi cơ F-5E ném bom Dinh Độc Lập.
- Chiều ngày 8-4-1975, Bộ Tư Lệnh QĐ3 loan tin tướng Nguyễn Văn Hiếu chết tại văn phòng của BTL/QĐ bởi một vết thương ở miệng. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn đang làm Tư Lệnh QĐ3.
Vì cái chết có nhiều nghi vấn cho nên ông Nguyễn Văn Tín, là em của Tướng Hiếu mới ra sức tìm hiểu và điều tra, ông Tín viết như sau:
“Vào lúc 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Dinh Độc Lập bị dội bom, TT Thiệu hốt hoảng lo sợ một cuộc đảo chánh phát khởi, ông ra lịnh xác định vị trí của các tướng tá trên khắp 4 quân khu, thì được cơ quan tình báo của Tướng Đặng Văn Quang, Phụ tá An Ninh Phủ Tổng Thống, cho biết là ai nấy đều ở vị trí bình thường, chỉ duy có tướng Hiếu là đang ở Gò Dầu Hạ, họp bàn với Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích QĐ3.
TT Thiệu nghi ngay tướng Hiếu âm mưu đảo chánh. Ông nhớ là 4 năm trước, vào tháng 6 năm 1971, Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh QĐ3, báo cáo là Tướng Hiếu toa rập với Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, đưa Lực Lượng Xung Kích QĐ3 về Lộc Ninh, lấy cớ là để giải vây cho quân lính bị nguy khốn ở Snoul (Campuchia), nhưng thật ra là để đưa chiến xa về Saigon làm đảo chánh".
TT Thiệu thấy lần nầy cần phải ra tay trừ khử Tướng Hiếu để tránh hậu nạn. Lịnh được truyền xuống cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, TL/QĐ3 thi hành.
Như vậy, Thiệu là người chủ mưu ra lịnh giết. Toàn là kết tụ nhóm, lập mưu thi hành lịnh. Dưỡng, Đàm và Chuẩn tướng Lê Trung Tường, TMT/QĐ3, là những tay sai thừa hành" (Hết trích) (Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu- Nguyễn Văn Tín-Ngày 28-9-2004)
Sau nầy, Chuẩn tướng Trần Quang Khôi tiết lộ, khi ở Gò Dầu Hạ, có người đề nghị ông đảo chánh.
Sáu nhóm muốn loại ông Thiệu ra khỏi
chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Sau khi bị mất Quân khu 1 và Quân khu 2, thì CSBV trước sau vẫn một mực muốn loại TT Thiệu ra khỏi chính quyền. Các phe nhóm miền Nam cũng nhận thấy đã đến lúc TT Thiệu phải ra đi để có hy vọng thương lượng với CSBV. Đó là những lý do đưa đến việc đảo chánh và ám sát TT Thiệu.
Có sáu nhóm muốn loại ông Thiệu ra khỏi chức vụ Tổng Thống VNCH.
1. Nhóm quân nhân cao cấp do Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu.
2. Nhóm của Dương Văn Minh
3. Nhóm của Thích Trí Quang
4. Nhóm công giáo của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình
5. Nhóm của linh mục Trần Hữu Thanh
6. Nhóm của Vũ Văn Mẫu.
Về việc Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh, phóng viên Denis Warner, trong cuốn “Certain History-How Hanoi won the war” cho biết, một sĩ quan làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, đã gọi điện thoại đến phòng của tôi ở khách sạn Continental, cho tôi hay là “cuộc đảo chánh đang tiến hành và tôi có thể an toàn mà viết phóng sự vì ông Kỳ sẽ lên nắm chính quyền trước sáng ngày hôm sau”.
Bà vợ của Thủ Tướng Khiêm muốn ông Thiệu từ chức. Trong bài viết tựa đề “Giờ phút cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn”, Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận, cận vệ của Thủ Tuớng Khiêm, kể lại như sau: “Mấy lúc sau nầy, bà (vợ của Thủ Tướng Khiêm) đã có vài lần tỏ sự chống đối mạnh mẽ đối với ông Thiệu. Có một hôm, bà bảo tôi (Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận) theo bà vào Dinh Độc Lập để yêu cầu Tổng Thống Thiệu từ chức. Cũng may là chúng tôi chỉ được Tổng Thống phu nhân đón tiếp. Nếu không thì không biết số phận của tôi đi về đâu”.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi
1. Lời tường thuật của Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận
Lời tường thuật của Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận, cận vệ của Đại tướng Trần Thiện Khiêm, như sau:
"Ngay trước bậc thềm dẫn lên Dinh, đã đỗ sẵn một chiếc xe màu xanh đậm mà tài xế là Đại tá Nhan Văn Thiệt. (Người tín cẩn)...Vài giây sau đó, Thiệu quay vào mở tủ lấy khẩu súng lục ngắn hiệu Browning, lên đạn, cài khóa an toàn rồi đút vào túi áo. Thiệu xuống tầng trệt bằng thang máy, đi một mình, trái hẳn với thường lệ là luôn luôn có 2 sĩ quan cận vệ. (Không còn tin tưởng vào cận vệ nữa).
Bước xuống bậc tam cấp, ông Thiệu thoáng giật mình vì sự xuất hiện bất ngờ của 2 người lính trong đơn vị bảo vệ Phủ Tổng Thống khi họ đi đổi gác.
Vì bị ám ảnh bởi cái chết của 2 anh em ông Diệm-Nhu, khiến ông ta lúc nào cũng đề phòng, nhất là trong thời khắc dầu sôi lửa bỏng nầy. Bởi lẽ, suốt những năm cầm quyền đã có ít nhất 5 âm mưu ám sát ông ta.
Thiệu và Đại tá Điền nhanh chóng chui vào ghế sau trong xe. Điền ngồi bên phải là chỗ chính thức của TT Thiệu. Trần Thanh Điền muốn làm Lê Lai cứu chúa. Còn Thiệu thì ngồi ngay phía sau tài xế Nhan Văn Thiệt. Có người ở phía trước đỡ đạn.
Thiệu hỏi giọng hơi khàn:"Có bao nhiêu súng? Điền đáp: "Trình Tổng thống, có 2 cây, một M-16 và một Colt 45" (Hết trích)
Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận kể tiếp: "Lúc xe ra khỏi cổng sân bay, tôi giật mình vì tất cả tối om hình như cả hệ thống điện đã bị cúp".
Sau nầy, khi kể lại việc bố trí cho ông Thiệu rời Saigon, Đại sứ Martin úp mở rằng " Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn" và "Chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết". Nói như thế là có nguyên do của nó. Số là trước đó mấy ngày, một nhóm quân đội Saigon đã dùng vũ khí ngăn chận việc cất cánh của một phi cơ vận tải C.141, yêu cầu phải cho họ di tản, cho nên Đại sứ Martin e ngại rằng việc đó có thể sẽ lập lại.
2. “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn”
Cuộc hội kiến với Tổng Thống Thiệu lần cuối cùng của Đại sứ Martin 20-4-75
3. CIA sắp xếp mọi chi tiết để đưa ông Thiệu rời Việt Nam
Trong một công điện gởi cho Tòa Bạch Ốc, Đại Sứ Graham Martin cho biết nội dung như sau: “Tổng Thống Trần Văn Hương nói với tôi là ông rất lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau nầy, khi kể lại việc tổ chức cho TT Thiệu rời VN, Đại sứ Graham Martin cho biết: “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn. Chúng tôi rất quan tâm và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết”
4. CIA giương đông kích tây
Tin đồn lan truyền rằng chiếc Boeing 727 của Air Vietnam mà trước đó đã đưa TT Thiệu công du ngoại quốc. Chiếc phi cơ nầy hiện đặt trong tình trạng ứng trực 100% để sẵn sàng cho ông Thiệu xử dụng.
“Những tin đồn đó” khiến cho mọi người quan sát và theo dõi mọi động tĩnh của chiếc phi cơ nầy.
Trong khi đó, ĐS Martin cho gọi chiếc phi cơ riêng của ông là chiếc C-118 từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất, để đưa hai ông Thiệu và Khiêm rời Việt Nam.
Đó là kế giương đông kích tây.
5. Một âm mưu cho Tổng Thống Thiệu nát thây
Một phần tử của Không Quân VNCH đã hết sức chống đối hai ông Thiệu và Khiêm, họ nói rằng hai ông nầy sẽ không rời khỏi VN mà còn sống nguyên vẹn.
Theo lời của Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, lúc đó là Phó Trưởng Phòng đặc trách máy bay khu trục, thuộc Phòng Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Không Quân, cho biết giữa tháng 4/1975, một nhóm sĩ quan không quân đã theo dõi sát chiếc Boeing 727.
Lúc ấy tại sân bay Cần Thơ có loại khu trục A-37 và phản lực F-5.
Theo kế hoạch, nếu thấy ông Thiệu lên chiếc phi cơ nầy (Boeing 727) thì những người của họ ở Tân Sơn Nhất sẽ báo về Cần Thơ để phản lực F-5 cất cánh bay thẳng ra khơi và bắn hạ phi cơ chở ông Thiệu ở một địa điểm cách bờ biển 100km.
Nếu ông Thiệu rời VN bằng chiếc 727 thì bị nát thây.
Quả thật, đó là sự may mắn cho Thiệu, nếu không có sự sắp xếp của Martin thì cả Thiệu-Khiêm và những người trên máy bay phải chịu chung một số phận. Gồm 4 nhân viên phi hành đoàn và 9 người của Thiệu Khiêm.
Người của Tổng Thống Thiệu:
1. Đại tá Võ Văn Cẩm, chánh văn phòng.
2. Đ/t Nguyễn Văn Đức, chánh tùy viên.
3. Đ/t Nhan Văn Thiệt, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Vùng 4 Chiến thuật.
4. Đ/t Trần Thanh Điền, Trưởng khối cận vệ.
5. Trung tá Tôn Thất Ái Chiêu.
6. Bác sĩ thiếu tá Hồ Vương Minh.
Người của Tướng Khiêm.
1. Trung tá Đặng Văn Chiêu
2. Thiếu tá Đinh Sơn Thông.
3. Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận, bảo vệ an ninh.
Kết luận
Những ngày sau cùng của Tổng Thống Thiệu ở Việt Nam là những ngày hỗn loạn về quân sự và cả chính trị nữa. Cộng Sản Bắc Việt cho biết họ chỉ thương lượng với chính quyền không có Tổng Thống Thiệu. Đó là lý do khiến cho nhiều nhóm, nhiều tổ chức muốn ông Thiệu từ bỏ chức vụ tổng thống của ông, hy vọng tìm ra một giải pháp cho VNCH.
Thật là oan uổng cho những vị tướng bị nhốt.
Tướng Trưởng nói: "Những vị tướng nầy bị phạt quá oan uổng, họ xứng đáng gấp mấy trăm lần những ông tướng phè phởn ở Sài Gòn. Cái lẩm cẩm của Trung Ương là không cho các thuộc cấp biết được ý định của mình. Nghĩa là, tư lệnh các quân, binh
chủng, các Tổng Bộ trưởng, các Tư Lệnh Sư Đoàn đều không biết gì về việc rút quân của QĐ1 và QĐ2 cả.”
Mặc dù ông Thiệu đã chửi Mỹ “xả láng” nhưng cuối cùng ông cũng được Mỹ đưa ra khỏi nước một cách an toàn, mà không bị nát thây do nhóm Không Quân VNCH chủ trương.
Đêm 25-4-1975, ông Thiệu rời Việt Nam đến Đài Loan, với lý do là để phúng điếu Tưởng Giới Thạch, mặc dù ông Thạch chết trước đó 3 tuần lễ.
Sau khi ở Đài Bắc một thời gian, ông đến Anh định cư và sống ở Anh 15 năm. Đầu những năm 1990, ông chuyển sang Foxborough, bang Massachusetts, Mỹ và sống một cuộc sống thầm lặng trong quãng đời còn lại ở đây.
Ngày 29 tháng 9 năm 2001, ông Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, sau khi đột quỵ tại nhà, thọ 78 tuổi. Ông được an táng tại Boston.
Trúc Giang