• TRẦN KHẮC KÍNH: TRUYỆN TẢN MẠN CUỐI THÁNG TƯ

• TRẦN KHẮC KÍNH

TRUYỆN TẢN MẠN CUỐI THÁNG TƯ



Ảnh trích từ sách The Vietnam War-Day By Day của John S. Bowman)

1.- HỘP THƠ 97A TĐ63/VQ (VĨNH PHÚ)
Sau ngày sập tiệm, mặc dù khi đó Ủy Ban Quân Quản đã thông báo rằng ngày 14.6.75 mới hết hạn trình diện để đi học tập cải tạo, nhưng trong đêm 13 tháng 6, An ninh Nội chính đã tới bao vây, khám xét, lục soát nhà và còng tay tôi mang đi. Tôi nhớ rất rõ đêm đó là Friday, the Thirteen (Thứ sáu 13) ngày mà mọi người phương Tây đều kiêng cữ, mọi việc đều không nên làm. Ngay đến cả các hãng hàng không cũng nhận thấy số hành khách di chuyển giảm bớt nhiều trong ngày nói trên.
Nhập khám Chí Hòa, tôi liền bị ngay mấy tên Bắc Việt già, sau này nghe nói là Trung Tá của Bộ Nội Vụ - tức là KGB - và tới “xa luân chiến” thay phiên nhau bắt làm việc (tức là hỏi cung tôi) liên tục trong hàng năm trời! Đầu đuôi là vì trước đây có một số anh em Biệt Kích Dù thuộc quyền, không may sa vào tay Địch, đã chẳng đặng đừng được phải cung khai ít nhiều chi tiết liên quan tới tổ chức mật của thời xa xưa.

Tỷ dụ như Chuẩn Úy Nguyễn ngọc Giang Toán Trưởng Toán 5 Lôi Vũ, các y tá Trung sỹ Trần công Diến Toán 1 và Trung sỹ Phạm xuân Hải Toán 5, Hạ sỹ Lưu văn Tăng Toán 4, đều bị bắt tại Hạ Lào, sau khi nhẩy dù thâm nhập đêm xuống vùng Tchépone và Attopeu vào đầu năm 62; nhưng đáng kể nhất là lời cung khai của Hạ sỹ nhất Vàng a Giòng Hiệu thính Viên Toán Tourbillon bị bắt đêm 16.5.62 sau khi nhảy dù đêm xuống Sơn La (chính Giòng sau này cũng đã giải thích lý do phải cung khai chi tiết cho Sedwick Tourison và được tác giả Secret Army Secret War ghi lại trong trang 63 của cuốn sách này).
Trong bất cứ nhà tù nào cũng vậy, việc xáo trộn thêm bớt số can phạm trong các phòng, việc chuyển phòng, chuyển khu, việc kiểm tra bất chợt nội vụ không kể ngày đêm,.. được coi như là xẩy ra thường xuyên, không theo một quy luật nào có thể đoán biết trước được cả! Từ giữa năm 76, tôi được KGB để yên, trên lầu 3 khu AH, luân chuyển trong các phòng 3, 10, rồi 2.

Sau ngày cụ Phạm văn Nhu (cựu Chủ Tịch Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa) cùng bị nhốt chung với tôi được chuyển sang khu ED vào dạo đầu Thu Bính Thìn, thì tôi ở lại phòng 2 trên lầu 3 khu AH khám Chí Hòa chỉ có một mình. Cũng coi như là bị biệt giam.
Đột nhiên - khoảng giữa tháng 11/76 - tôi được lệnh di chuyển sang khu ED, theo học một lớp chính trị ngắn ngày, để rồi - khi còn đang học dở dang - thì ngay trong đêm khuya đầu tháng Chạp 76, bị dựng dậy đeo còng số 8 hai người còng chung làm một, dồn vào xe tải phủ kín bịt bùng. Khi xe ngừng được lùa xuống tầu biển tại bến Tân Cảng (sát cầu xa lộ), rồi vượt trùng dương ra cặp bến Cảng Hải Phòng. Kế tiếp là được chuyển bằng xe ca về Trại Vinh Quang (Vĩnh Phú) vào chiều ngày 5.12.76. Tới Trại mới được biết là ngoại trừ số anh em của khám Chí Hòa ra, còn có những người của các Trại Phú Khánh, Thủ Đức, Long thành, cũng vừa mới được gom về cùng xuống tầu ra Bắc, để Tập Trung Cải tạo (tức là lao động khổ sai với thời hạn không được minh định rõ ràng, dứt khoát).
Tổng số khoảng 500 thuộc chế độ cũ, gồm đủ mọi loại thành phần (tu sĩ, bộ trưởng, dân biểu, quân cán chính, chiêu hồi, thậm chí ngay đến cả binh nhì!). Nhưng gần 2 năm sau, khoảng giữa năm 78, Trại Vinh Quang lại tiếp tục nhận thêm khoảng 1 ngàn Sỹ Quan VNCH nữa vừa được chuyển từ Yên Báy về, chia đều trong 2 phân trại A và B.

Trong tập Nhật ký mà tôi còn lưu giữ được, thì vào ngày 15 tháng 9 năm 79, tổng số trại viên từ miền Nam bị chuyển ra đây tập trung cải tạo là 914 người. Tại Phân Trại B (cách xa khu A chừng vài cây số) nghe nói cũng còn dăm trăm anh em ta, bị giam chung cùng dăm trăm hình sự. Riêng tại khu A, số vài trăm hình sự chiếm cứ vài khu nhà mé trái cổng chính. Một số nhỏ thuộc thành phần tự giác thì trú ngụ tại khu lán nhỏ cạnh xưởng thủ công, ngay phía sau cơ quan tức là Bộ chỉ huy Trại.
Toàn trại có 16 khu nhà chia làm 2 hàng ngay hàng thẳng lối đối diện hai bên sân cờ. Mỗi khu ngang dọc chừng 4 chục thước, trong có 1 dãy nhà kích thước khoảng 6th x 20th, phía trước có sân nhỏ. Mé bên kia sân là một mái hiên được xử dụng làm nhà ăn. Trong cùng là bể nước, vườn cảnh.
Cổng trại mấy năm trước làm bằng gỗ lá, trên có vọng lâu ọp ẹp. Giữa năm 79 được xây mới, có cổng sắt. Ở vọng gác chính (nơi Cán Bộ trực trại ngồi) có quả bom vỡ dùng làm kẻng, để loan báo giờ giấc ăn, ngủ, lao động,... Bốn góc có chòi cao, dọc theo hàng rào kẽm gai. Mé trong lại còn tường cao chừng ba thước bao bọc. Qua cổng, về mé trái có nhà Văn Hóa là nơi khám xét đồ tiếp tế nhận khi thăm nuôi. Bên mé phải là giếng nước và nhà bếp. Nơi này khá tấp nập, nhộn nhịp, vì Quản gia và anh em trực, phải tới quầy lãnh dồ ăn, cơm nước.

2.- “TRUYỆN KỂ NĂM 2.000”
Khu trại Vinh quang này có đã lâu, chắc cũng phải từ trước thập niên 60, căn cứ ở khu Hội trường xập xệ, vá víu, cũ kỹ, dột nát tứ tung, nằm trên một nền đất cao ở sâu phía trong, giữa 2 dãy nhà giam tù. Đây là chỗ học tập, sinh hoạt toàn trại, trình diễn Văn nghệ. Đầu năm 79, một trận bão thổi qua đã làm sập căn nhà lá này và Trại không có khả năng để tạo dựng lại. Lò gạch chỉ có thể cung cấp được cho các công trình nhỏ; còn việc xây lại Hội trường chứa hàng ngàn người, có thể đã vượt quá khả năng của trại. Cái nền Hội trường bây giờ trống trơn. Phía trong cùng là Bệnh xá. Anh Chôm (tù hình sự) làm y sỹ ở đây từ đầu thập niên 70. Có chừng vài chục tù đau nặng thường xuyên trú ngụ tại nơi đây.

Bệnh xá cũng là nhà xác. Trong năm 78, tôi đã chứng kiến cái chết của anh Cung thúc Công, chết vì suy dinh dưỡng, tức là chết đói! Thời cuối năm 55, anh là Sỹ quan An ninh của Tiểu đoàn 4 VN trú quân tại Tam Quan, do tôi chỉ huy. Nhưng có trường hợp vừa được thăm nuôi như Lê đình Ngân, cũng lăn ra chết. Anh thuộc nhóm Sỹ quan từ Yên bái chuyển trại về vào giữa năm 78 và trú ngụ tại dãy nhà phía bên kia sân cờ, vận đồng phục trại tù do Quân Đội quản chế (tức là một băng mầu lam xen kẽ một băng mầu trắng). Riêng chúng tôi là tù do Công An quản chế thì được phát bà ba mầu xanh lơ. Ngân từng là Trưởng phòng 65 (tức là An ninh) của Sở Liên lạc Phủ Tổng thống từ ngày thành lập vào năm 57. Vào cuối thu Mậu Ngọ, anh Báu trước đây là Trưởng Ty Thông Tin Trà Vinh, thuộc đội 1A và anh Phong thuộc đội 3A, cũng theo chân anh Ngân. Anh Phong chỉ là Trung sỹ, Trưởng lưới Tình báo của Phòng Nhì Tiểu khu Cà Mâu, lẽ ra chỉ bị học tập vài tháng tại địa phương, không hiểu sao lại bị lùa ra trại Vinh quang rồi bỏ thây ngoài này? Tất cả được mang chôn trên đồi cao, trong nghĩa địa của tù. Vài năm trước, tôi có tưởng nhớ tới những cái chết tức tưởi tủi nhục này, mượn bài thơ “Mồ anh hoa nở” của thi sĩ Thanh Hải, làm tựa đề cho bài viết đăng trên Nhật báo Người Việt số 4522 bữa Thứ Bảy ngày 25 tháng 4 năm 98:
Mồ anh trên đồi cao
Cành hoa này em hái
Vòng hoa này chị đơm
Cây bông hồng em ươm
Em trồng vào trước cửa.

Còn một người tù già khá nổi tiếng là Cụ Đàm trung Mộc, thời ở trại Vinh quang cũng thuộc đội 3A, nhưng đã ra đi mà không phải chôn cất ở trên đồi cao trên đây. Câu truyện sẽ được kể trong phần dưới đây.
Toàn khu Trại nằm lọt vào giữa một thung lũng hẹp, dài chừng non cây số và bề ngang chừng vài trăm thước, ở dưới chân triền Tây Nam của dãy Tam Đảo. Đứng trên nền cũ của Hội trường, những bữa trời quang mây tạnh, có thể trông thấy khá rõ cây cột ăng ten tiếp sóng Truyền hình ở gần đỉnh Tam Đảo, cách xa ước chừng vài chục cây số. Phía Đông Bắc là những dãy núi cao, trông rõ mồn một những dòng suối nước đổ như thác trắng xóa trong mùa mưa, những dải đường mòn, những vạt nương canh tác của Dân tộc ít người Vân Kiều. Khoảng cách ước chừng dăm cây số. Lẽ dĩ nhiên trước khi tới chân núi, còn có nhiều thung lũng, ruộng nương nữa, mà từ trại không thể nhìn thấy được, vì các đồi bao quanh đã che khuất. Năm trước đây có lần được lên đỉnh đồi chè để hái búp, tôi để ý quan sát thấy chung quanh đây không có khu làng xóm đông đúc nào cả. Mãi tít xa cách chừng vài cây số, mới thấy lác đác vài căn nhà nhỏ, trơ trọi, hiu quạnh. Bốn chung quanh trại là ruộng, vườn (rau muống, chuối, đu đủ, dứa,...). Xa chút nữa là sườn đồi thoai thoải, toàn ruộng bậc thang trồng rau muống. Cao chút nữa là chè và sắn. Kể từ cuối năm 78, nhiều đồi hoang đã được khai phá thêm và nay thấy phủ kín những rừng sắn sắp tới thời kỳ thu hoạch. Từ Phà Trang (nằm sát quốc lộ quãng giữa đường từ Vĩnh yên đi Việt Trì), theo con đường đất đỏ băng rừng chừng gần chục cây số thì tới trại. Nằm ngoài cùng là căn nhà Hạnh phúc (khu thăm nuôi). Cách xa chừng trăm thước là cổng chính với các Văn phòng, nhà ăn, chốn ở của mọi tầng lớp Cán Bộ. Phía sau có ga ra xe hơi, nhà kho với sân phơi lát gạch rộng rãi, tương tự như sân phơi ở Hợp tác xã vậy. Kế bên có trại thủ công (làm mộc, rèn, may, gò sắt,...). Xa hơn chút nữa là lò gạch, các chuồng heo, chuồng trâu, chuồng bò. Có một con suối chảy uốn khúc băng ngang khu này, lòng suối thay đổi hàng năm theo các đợt lũ lụt. Có nơi cạn săm sắp nước, đầy đá sỏi. Có nơi sâu, nước xoáy vào sườn đồi đất đỏ, dựng thành vách. Đội 2 Rau xanh chúng tôi đã đặt tên từng khúc suối, như là Suối Ổi (vì bên bờ suối có vài cây ổi), hoặc Suối Cát (sau trận bão số 10 năm trước, cát đã phủ phần lớn diện tích trồng trọt tại khu này). Rải rắc khắp nơi là những chòi cao, mái vuông, mà bọn Quản chế võ trang có thể theo rõi mọi hoạt động của người tù khổ sai trong lúc lao động. Về phía Nam Trại, còn có một xóm nhỏ của bọn Cán Bộ có gia đình. Chúng ở trong những nhà giống nhau, xây dựng từ đầu năm 78. Nhà nào cũng trồng thêm chuối, dàn mướp, thêm chuồng gà, chó, heo, chạy tung tăng.

Trong những buổu phát thanh cuối tháng 3 vừa qua, đài BBC có đọc lại “Truyện kể năm 2000”. Nhật báo Người Việt, Tạp chí Văn Hóa cũng có trích đăng truyện trên đây. Toàn bộ tác phẩm này đã được nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành vào cuối tháng Tư năm 2000. Năm trước đây, khi cuốn tiểu thuyết này vừa được in xong tại Việt Nam thì liền bị tịch thu ngay để tiêu hủy vì đã dám công khai kết án Đảng Cộng sản VN một cách hết sức nặng nề. Tác giả Bùi ngọc Tấn sinh năm 1934, từng tham gia kháng chiến và bị bắt năm 67 vì tội “Xét lại chống Đảng”. Xử dụng lối hành văn độc đáo, ngắn gọn, nhiều câu chỉ rút lại vẻn vẹn còn có độc nhất một tiếng lóng, danh từ, động từ hay tĩnh từ, Bùi ngọc Tấn đã phản ảnh những chi tiết của địa ngục lao tù dưới chế độ Cộng Sản, con người bị kìm kẹp, đầy ải triền miên trong đói khát, thiếu thốn cùng cực, tinh thần liên tục bị dằn vặt, khủng bố hết ngày này qua ngày khác.

Tác giả “Truyện kể năm 2000” bị giam giữ tại Trại Vinh Quang từ năm 68 và được phóng thích ra về năm 73, thì ba năm sau vào dạo cuối năm 76, chúng tôi bị lùa từ miền Nam ra giam giữ cũng chính tại nơi này. Cần nhấn mạnh là vào thời gian 76, hai miền Nam Bắc tuy rằng mang danh thống nhất nhưng vẫn còn đầy rẫy những dị biệt, những mâu thuẫn. Không khí đấu tranh còn hừng hực. Quân cán chính của Miền Nam bị dồn ra đầy đọa trong các trại tù khổ sai - mệnh danh là Trại Cải Tạo - ngoài Bắc, coi như là bị phát vãng tới một nơi hoàn toàn xa lạ, một xứ sở khác chứ không phải là đất nước quê hương giữa lòng đồng bào ruột thịt của mình! Ngoài những nỗi thống khổ giống y như Bùi ngọc Tấn đã trải qua trong thời gian 5 năm (từ 68 đến 73), chúng tôi còn phải hứng chịu đớn đau nhục nhã hơn gấp mười, vì liên tục bị bọn Xã Nghĩa phát động căm thù trong quần chúng, kết tội là Ngụy, mang nợ máu với Nhân Dân, để rồi đa số bị giam giữ hàng con Giáp (12, 13 năm) cho mãi tới cuối 87, đầu 88 mới được tha khỏi trại.
Hộp thơ 97A TĐ63/ VQ (Vĩnh Phú) là địa chỉ của Trại Vinh Quang này. Mỗi quý (tức là tam cá nguyệt) 3 tháng - nếu không vi phạm nội quy - thì chúng tôi được Quản giáo Đội phát cho 1 phiếu gửi quà để gửi theo thư về cho gia đình tại miền Nam. Gia đình sẽ mang phiếu này tới Bưu Điện Saigon để làm thủ tục gửi 1 gói quà không quá 5 ký cho thân nhân. Phải hàng tháng sau quà mới được chuyển tới Ty Bưu Điện Vĩnh Phú và Trại sẽ ra lãnh nhận.

3.- “Sau cơn bĩ cực, tới tuần thái lai!”

Tuần báo PEOPLE ấn hành ngày mồng 1 tháng 5 năm trước đây (2000), từ trang 105 đến trang 110 có đăng một bài viết của Julie K.L. Dam khá cảm động. Julie và 2 người chị ruột - Janie và Larkie - may mắn di tản được cùng bố mẹ trong cuối tháng 4.75. Lúc đó Julie mới có 4 tuổi. Ngày nay cả 3 chị em đều tốt nghiệp từ trường Đại học Harvard. Hai người chị hành nghề Luật tai Los Angeles, riêng Julie làm biên tập viên cho tạp chí nổi tiếng PEOPLE. Cuối năm 1999 Julie được Bố Mẹ ủy nhiệm để về thăm lại Saigon và nhất là sinh quán Bắc Ninh - nơi “chôn rau cắt rốn!” của 2 người tại miền Bắc. Julie tả lại cảnh Bà chị thúc bá Thu Phi giơ cao tấm biển ghi “Kiều Linh” - tên VN của Julie - để 2 chị em dễ bề nhận ra nhau trong đám hành khách đông đảo tại phi cảng Tân sơn Nhứt. Ngôi nhà lầu cũ của gia đình tại đường Duy Tân, cũng như ngôi trường tiểu học - mà Julie dự định theo học - của thời 25 năm trước đều trở thành xa lạ.
Julie đi tiếp ra Làng Me, một miền quê ở phía Đông Bắc Hà Nội, hỏi thăm kiếm được Cô Hương - em của mẹ, nay đã 57 tuổi (đúng ra phải kêu là Dì mới chỉnh vì là em mẹ, không phải là Cô!). Julie được Cô Hương dẫn đi thăm ngôi nhà mà mẹ đã sinh ra. Căn phòng ngày xưa mẹ chào đời nay là một Văn phòng Đảng bộ và người lạ không được vào. Ao cá trước nhà đã bị lấp. Nhiều cây ăn trái của thời xa xưa nay cũng không còn.

Di cư vào Nam sau Genève 54, mẹ Julie sau này được du học tại Mỹ, gặp Bố Julie, rồi hai người kết hôn cùng mang nhau về VN. Tại miền Bắc cô Hương học tiếng Nga và cũng từng xuất ngoại sinh sống một thời gian tại Ba Lan rồi Liên Xô. Cả hai từng kinh qua những tổn thất vì cuộc chiến tương tàn: Người em rể VC của cô Hương đã nằm xuống tại cổ thành Quảng Trị, cũng như là mẹ Julie từng có một đứa cháu trong QĐQG bị chết trận. Buổi tối tại Làng Me Julie ngồi đánh máy vi tính laptop kể lại mọi chi tiết quan sát được cho bố mẹ rõ. Bố trả lời e - mail chỉ đường cho Julie về thăm lại ngôi nhà ông nội, nơi Bố đã ra chào đời vào năm 1940. Ông Tiêm thuộc họ nội, nay đã 65 tuổi, hướng dẫn Julie đi thăm từ đường của họ Đàm cũng như phần mộ tổ tiên.

Julie kể tiếp trong bài báo: Trong những ngày sôi động náo loạn cuối tháng Tư 75, khi gia đình Julie đã rời Saigon di tản tới Guam, thì Bác Mộc (anh của ông Pháp, bố Julie) vẫn dùng dằng không chịu đi, vì không nỡ bỏ ông nội già nua, yếu đuối, bệnh hoạn ở lại một mình. Bác Mộc khi đó là Đại Tá Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Huấn luyện của Cảnh Sát. Bác đã thề là sẽ ở lại cùng ông nội cho tròn chữ hiếu! Không ngờ là Chú Thăng (em trai của Bố) - một Bác sỹ - đã chích thuốc an thần cho ông nội và mang ông di tản thoát, trước khi miền Nam mất hẳn vào tay CS. Khi Bác Mộc hay được tin trên thì đã quá trễ không thể kiếm cách nào bỏ nước ra đi được nữa. Thành thử sự hy sinh của Bác để ở lại cùng ông nội - như Bác tưởng - đã trở thành vô nghĩa, phí công! Bác thất vọng não nề! Gia đình khi đó đã phải lén dấu khẩu súng lục của Bác đi, e rằng Bác quá tuyệt vọng sẽ tự hủy hoại thay vì để sa vào tay Địch. Cuối cùng Bác Mộc bị kẹt ở lại Saigon, phải đi tập trung cải tạo và chết trong trại năm 82 ở tuổi 65.

Một buổi sáng cuối tuần trước Tết Tân Tỵ, Trần văn Lễ đưa Bà Xã lại giới thiệu, chào tôi, trong quán Phở 79 đông nghẹt tại đường Hazard. Thấy cặp vợ chồng xứng đôi, ung dung tự tại, thoải mái, đầy vẻ lạc quan, khó có thể ngờ được là anh cũng đã từng trải qua hàng con Giáp cải tạo trong khi chị đã phải vất vả bươn chải hàng mấy chục năm trường chờ chồng nuôi con. Trước ngày sập tiệm, anh là Bò Ngũ, thuộc khóa 13 Dalat biệt phái sang bên Cảnh Sát Dã chiến. Đầu tháng 12 năm 76 khi đáo nhậm trại Vinh Quang, anh là Đội trưởng Đội 3A. Ngày đó tay tôi chưa run rẩy, viết lách nhanh và rõ ràng, nên anh nhờ tôi làm thư ký, điền bản lý lịch trích ngang, để nạp cho Quản giáo Đội. Có mục “Học vấn”, bề ngang hẹp vừa đủ để kê khai: tiểu học, trung - hoặc Đại học. Đến lượt cụ Đàm trung Mộc, cụ yêu cầu ghi rõ là:
Tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa Pháp quốc!
Tôi bối rối không biết phải nhét dòng chữ dài lê thê này vào chỗ nào? Đội trưởng Lễ thì cằn nhằn:
“Thôi Cụ ơi! Ghi là Cử nhân Luật không thôi cũng đủ hết ý rồi, cần gì phải dông dài như vậy?”
Nhưng Cụ Mộc - với tác phong Luật gia cứng nhắc - cố nài phải được kê khai đúng như trên.

Mùa Đông Bính Thìn năm đó, chúng tôi nằm cạnh nhau ở sát vách khu nhà cuối dãy trong Trại Vinh Quang, kề với khu bệnh xá. Đội 3A và đội 1A nhà bếp chen chúc ở chung, mỗi người được chia 75 phân bề ngang trên sạp: tôi nằm giữa Cụ Mộc và ông Đốc phủ sứ Đăng của miệt Tiền giang. Đêm đêm chúng tôi trò truyện, cố tránh tranh cãi đề cập tới những điều liên quan đến tình hình thời sự, đến chính trị cận đại (e rằng “tai vách mạch rừng!”), nhưng luận bàn - theo kiểu Mao tôn Cương - về những sự kiện hấp dẫn của thời xa xưa, về những bài phóng sự đăng trên báo Paris Match, về Truyện ba người ngự lâm pháo thủ, về thằng gù nhà thờ Đức Bà, hoặc về Hồng y Giáo chủ Richelieu, nhất là về Văng Dăng, v.v...

Cụ Mộc còn kể nhiều về vùng quê hương của Cụ - Nội Duệ, Cầu Lim - thuộc Phủ Từ Sơn Tỉnh Bắc Ninh. “Trai Cầu Vồng, Yên Thế. Gái Nội Duệ, Cầu Lim.”. Đây cũng là vùng quê hương Quan họ. Vào những năm 40 trước Thế chiến 2, ngày hội Lim rất đông vui tấp nập. Người ta trẩy hội để nghe hát đối đáp Quan họ. Thời đó các tiểu thơ Hà thành còn vận áo dài Lemur và công tử Hà Nội thì diện pa-đờ suy vai độn cong lên, kêu là vai long đình. Thôn nữ miệt Quan họ thì áo tứ thân, váy sồi, tóc bỏ đuôi gà, nón quai thao e ấp che nửa mặt hoa! Tiếc thay vào những năm sau 40, số công tử càn, bạt (tức là du côn, du đãng) túa về - chẳng màng tới nghe hát Quan họ - nhưng chỉ nhằm phá phách trêu chọc đàn bà con gái là chính, nên ngày hội Lim dần dần trở nên thưa vắng.
Tôi nhớ là cụ Mộc người gầy gò, khảnh ăn nên không bị cái đói quá dầy vò như đa số anh em trẻ. Tứ thời Cụ vận bộ quần áo nâu nhuộm mầu vỏ già, mà ít khi thấy vận quần áo Trại phát. Khoảng giữa năm 79, có một xe “Oắt” (loại xe con tương tự như xe Jeep) tới Trại chở Cụ đi. Cụ chuyển Trại lần này chỉ có một mình. Mãi lâu lắm sau này mới hay tin là ngày đó Cụ bị chuyển về giam giữ tại Nhà Pha Hỏa Lò Hà nội và đã qua đời trong năm 82 tại đó.
Bà mẹ đẻ ra Thu-Phi - tức là Cụ Bà Đàm trung Mộc nay đã đúng thất tuần. Cụ vẫn còn bàng hoàng khi kể lại cho Julie nghe những ngày đen tối của cuối thập niên 70 và 80, khi lũ con phải vất vả lao động chân tay để mưu sinh. Nhưng rất may cuộc sống đã đổi thay nhiều trong thập niên qua. Thu Phi đã mua được căn nhà mới tại Saigon để cùng sinh sống với mẹ và các em. Ngay khi VN vừa mở cửa kinh tế thị trường, Thu Phi đã nhạy bén nắm bắt ngay lấy thời cơ. Giờ đây bận bịu suốt ngày để liên lạc đi khắp nơi bằng điện thoại di động, Thu Phi hiện hành nghề phối trí viên cho một hãng chuyên chở hàng hải nước ngoài, lo vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ.

4. “XÃ NGHĨA ƯU VIỆT” NGÔ NGHÊ, NGỐC NGHẾCH!

Sáng hôm mồng Một Tết Đinh Tỵ (77) Trung Tá Mô Giám thị Trại Vinh Quang có tới các phòng thăm hỏi số tù cải tạo vừa từ miền Nam ra. Trong thời gian Bùi ngọc Tấn còn bị giam giữ, thì ông Mô mới chỉ là Đại úy. Trong 3 ngày Tết, Trại có tổ chức những cuộc vui chơi, như là đấu vật, cờ tướng, đấu giao hữu bóng truyền giữa Cải tạo và Hình sự. Ngày mới đến, những chức vụ Trật tự và Văn hóa đều do số tù hình sự đảm trách, nhưng từ giữa năm 78 thì Bò Ngũ Ngọc (trước ở Dù?) làm Trật tự và Huỳnh văn Bớt (Đại úy Cảnh sát Dã chiến?) làm Văn Hóa. Những nhân vật nổi tiếng như Già Đô cũng không còn thấy ở Trại, có thể là đã được tha hoặc chuyển trại. Vào cuối tập niên 70, trong bọn hình sự chỉ còn thấy một tên rất nổi tiếng là thằng Long Udon. Nghe đâu nó sinh đẻ ở bên Udon (miền Đông Bắc Thái Lan), từng là một du đãng bậc sư, phạm tội sát nhân(?). Suốt dọc 2 bên đùi nó xâm hình 2 con rồng uốn khúc, đuôi trải dài xuống tận bắp vế của nó. Trên các nóc đình miếu người ta thường thấy hình “Lưỡng long chầu nguyệt” thì nay thành Long Udon bổ báng là “Lưỡng long chầu cu”! Đầu năm 82 nó trốn trại và đi thoát. Đây là vụ đào thoát độc nhất thành công. Trước đó từng có nhiều vụ trốn trại, nhưng chỉ vài tuần sau là thân nhân lại dẫn giải kẻ đào thoát mang lên trả lại trại, vì - khi về tới địa phương - không có cách nào xin được hộ khẩu để có phiếu lương thực. Trong năm đầu ở Vinh Quang cũng có 2 Sỹ quan từ miền Nam ra - Thiếu Tá Trình (Truyền Tin) và Đại úy HQ Phước cùng rủ nhau trốn trại. Sau vài ngày lang thang trong rừng các anh bị bắt lại ngay. Ngay sau đó, viện Kiểm sát Nhân Dân Vĩnh Phú đã cho thiết lập một phiên tòa tại hội trường để xử án 2 người, nhằm cảnh cáo dằn mặt chúng tôi, trước khi chuyển họ đi giam giữ tại một trại khác.
Phước là người đã từng lái chiếc tầu Thương Tín an toàn từ Guam lộn trở lại Nha Trang dạo cuối năm 75. Ngày đó Trung Tá Thạch (khóa 13 Dalat) chỉ huy con tầu nhưng Phước mới là người lái tầu.

Bùi ngọc Tấn có đề cập nhiều tới Thanh Vân Quản giáo Đội, dốt nát mà lai làm ra vẻ trí thức, lúc nào cũng cặp kè cuốn sách giáo khoa lớp Mười! Tôi ngờ là CB Vấn làm Văn Hóa Trại hồi đầu 80 chăng? Còn nhớ có một bữa Bò Tam Tuấn - tục gọi Tuấn Tây - vì có gia đình ở Pháp, nhận được một gói quà. CB Vấn tra hỏi tên người gửi? Tuấn kể tên Bố. Ông  Vấn nói không phải. Tuấn lại kể tên bà chị. Cũng không phải nốt! Ong Vấn bực mình quát lớn:’ Vậy Papa A-vi-on không là tên Bố anh thì là ai?” Huỳnh văn Bớt vội ghé vào tai ông Thanh Vân giải thích: “Par Avion có nghĩa là gói quà được gửi theo đường hàng không, chứ không phải là gửi bằng tầu biển”. Không phải là Papa. Ông Vấn ngượng, trả thù bằng cách bắt xé tung, lột vỏ tuốt luột các món quà để khám xét. Báo hại Tuấn Tây mang về đành mang chiêu đãi anh em ăn cho kỳ hết, vì làm sao mà bảo quản để dành ăn dần được?

Linh mục Đinh nam Hưng ở đội trồng chè một bữa bị CB Vấn hoạnh họe: “Ở miền Nam các anh hết tên đặt rồi hay sao? Mà lại gọi là Đường Côn trùng, sâu bọ?” Địa chỉ của Cha Hưng là Dương công Trừng, nhưng CB Vấn đọc thành Đường Côn Trùng!

Có lần 1 tên Cán Bộ thuộc Cục Trại giam xuống bắt tôi viết kiểm điểm. Khi kết thúc, tôi ghi: “Thản hoặc còn những khuyết điểm nào khác, xin cho biết để tôi khắc phục.” Đọc tới đó nó đập bàn hét: “Cái gì mà Thảm họa? Tôi biết là trong các thư từ gửi về miền Nam trước đây, các anh thường nói xấu chế độ.” Tôi ôn tồn giải thích: “Thản hoặc có nghĩa là Ngoài ra. Không phải thảm họa!” Nó bực mình quát: “Sao làm kiểm điểm lại dám viết chữ nghĩa văn chương?”
Bọn Xã Nghĩa cấm không cho dùng ngoại ngữ, ngay cả những chữ Hán thông dụng. Phi công phải gọi là giặc lái. Hàng không mẫu hạm là tầu sân bay. Trực thăng là máy bay lên thẳng. Thủy quân lục chiến là lính thủy đánh bộ. Nữ chiến sỹ là chiến sỹ gái! Chúng tôi chọc quê, kêu luôn Thủ Tướng gái Gandhi, Tổng Thống gái Băng-đa-na-rai-cơ! Nhưng có những danh từ nước ngoài dễ phản ảnh bằng tiếng Việt thuần túy, thì chúng lại cố duy trì. Tiếng thông dụng nhất là quầy hàng, thì lại kêu là căng tin. Tổ hợp công nghệ, công ty,... chúng kêu là tờ-rớt, công-xoóc-xi-on!

Có lần tôi đọc cuốn sách mượn trên Văn hóa kể về những vụ biểu tình phản chiến ở Mỹ: “Những cựu chiến binh mặc áo sơ-mi hình chữ T”. Thì ra bọn bồi bút dốt nát đã dịch từ chữ T-Shirt tức là áo lót mình. Chắc chúng nghĩ là nước Mỹ giầu có, nên có nhiều loại áo sơ mi: hình chữ T, chữ A, chữ B,...đủ 24 kiểu theo như 24 chữ cái? Một cuốn sách khác kể về một tù binh Mỹ: “Nó là Sỹ quan bảo đảm, nên rất quan trọng, lúc nào cũng đi cùng các Tướng lãnh...” Warrant Officer là cấp bậc Chuẩn Úy, không phải là Sỹ quan Bảo đảm. Nếu thấy một WO đi theo cấp Tướng, có nghĩa anh ta là Sỹ quan Tùy viên, cắp cặp, loại “cầm c...cho Thầy đái!” nên phải bám sát ông Thầy, không phải là Bảo đảm, quan trọng!

Trong trang hai báo Nhân Dân thường đăng tên các bộ phim đang được chiếu tại các rạp chiếu bóng của Thủ Đô Hà Nội. Tôi đọc: “Anh hùng Cô-xét-Cu tay không phá xe tăng Địch!” Mầu - Ru! (có nghĩa bộ phim này không phải đen trắng, mà là phim mầu của nước Ru-ma-ni anh em, nhưng bọn Xã Nghĩa lại đặt ra kiểu viết tắt như trên cho tiện việc sổ sách). Không rõ khi bộ phim xuất xứ từ Mông Cổ hay Cu Ba, chúng có viết tắt theo kiểu đó không?

“Bác” xưa kia còn dở hơi, dở dói, dẹp luôn cả chữ Y (i dài). Ngu-í, lí-luận. Tên THÚY đẹp đẽ là vậy, bây giờ viết theo kiểu Bác sẽ trở thành THÚI  tức là thối, thúi um! O Phan thúy Thanh - phát ngôn viên - mà bị viết tên theo kiểu của Bác chắc phải khóc thét lên!
Thúi om, ở đâu không biết chứ ở miền Xã Nghĩa là của quý, vàng ròng. Đầu năm 83 ở Trại Ba-sao Nam Hà, mỗi sáng phải đi khiêng sọt phân, Hoàng thọ Nhu thường ngâm vang câu thơ của Tố Hữu: “Hoan hô anh Đỗ văn Thanh. Anh về phân Bắc, phân xanh đầy đồng!” Bài thơ trên Tố Hữu làm để tuyên dương “Anh hùng làm phân xanh” mang tên Đỗ văn Thanh.

Cuối năm 90, sau khi lấy hộ chiếu, chỉ cỏn chờ đăng ký chuyến bay xuất cảnh theo diện HO, tôi làm thủ tục xin về thăm lại mồ mả tiền nhân một lần chót, tại một làng quê miền Bắc. Đến Hà Nội tôi tạm trú tại nhà anh X. người cùng quê, nay là Cán Bộ Đối Ngoại, viết báo Tin VN. Nhưng căn nhà tại khu Chợ Mơ không có Rest Room! Mỗi khi cần giải quyết thì vô buồng tắm, trải vài tờ báo cũ ra, phóng uế vô giữa rồi gói lại, bỏ trong thùng rác đặt trên vỉa hè. Sáng sớm sẽ không thiếu gì người đến thu lượm sạch sẽ. Nhiều khi còn tranh dành, cãi nhau chí chóe ồn ào cả phố!

Cuối 75 có dạo tôi cùng bị giam chung với một số anh em hồi chánh tại phòng số 10 lầu 3 khu AH khám Chí Hòa. Căn phòng số 10 này rộng gấp 3 lần các phòng khác, có thể nhốt được tới hàng chục người. Lê tùng Minh - một Sử gia - kể là ngày còn ở ngoài Bắc, nhà nào cũng có hố xí 2 ngăn. Nhưng nếu anh trú ngụ, ăn ngủ ở nhà này, nhưng lại qua chơi các nhà hàng xóm rồi xử dụng Rest Room ở bển là không được. Coi như vi phạm luật giang hồ. Sẽ có vấn đề ngay.
Không cứ gì đại tiện, mà tiểu tiện cũng phải lo gom góp. Trong tác phẩm Bão Biển, tác giả Chu Văn có kể về một nông dân của làng Sa châu, khi đi xa khỏi nhà rồi mới thấy mót đái. Không thể nào cố nhịn để chạy về đái vào chiếc nồi bộng chứa nước tiểu để sẵn ở cổng nhà, nên anh nghĩ cách lượm một hòn đất ải, đái vô cho thấm ướt, rồi mang về nhà bỏ vào hố phân chuồng! Mấy đứa con anh ta chạy chơi quanh làng xóm mà chót đái phí phạm ở ngoài đồng, nếu anh ta mà hay được thể nào cũng bị đòn, roi quất nát mông!

Phía Tây Hà Nội có làng Kẻ Noi, tên chữ là Cổ Nhuế, gồm 3 thôn: Cổ Nhuế Viên, Cổ Nhuế Trù, Cổ Nhuế Đống chạy dài theo hướng Bắc Nam, từ đê sông Hồng xuống gần đường Cầu Giấy đi Canh Diễn. Làng này - từ sau 75 - được tiếng là “Địa linh nhân kiệt” vì là quê hương của Văn tiến Dũng. Có nơi kêu là “Địa linh anh kiệt”(đất thiêng sinh anh hùng hào kiệt). Nhưng qua cuốn hồi ký chót của Võ nguyên Giáp mang tên “Mùa Xuân toàn thắng”, mọi người mới hay là Dũng - dựa thế Lê đức Thọ - muốn “tô son đánh bóng” để tranh công hất cẳng Giáp. Cuộc tranh dành, đấu đá trong nội bộ Quân ủy gay cấn đến độ Trần văn Trà phải lên lớp Dũng là “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”. Từ cổ chí kim, đã là “anh hùng hào kiệt” thì đâu có bao giờ lại “ăn cháo đá bát”? Do đó huyền thoại về làng Kẻ Noi trên đây chắc cũng chỉ là một sản phẩm bịa đặt mà thôi.

Kẻ Noi từ thời xa xưa được cả nước biết tới vì có truyền thống gắp phân! Một ông “Về nguồn” mới sang, sau khi ăn Tết tại quê hương, đã kể lại một truyện khá giật gân như sau: Ông có dịp ghé Kẻ Noi thăm một ông bạn vong niên. Mỗi buổi sáng ông thường ra ngoài đồng trống, hưởng cái sướng thứ nhì, chỉ chịu xếp sau quận công mà thôi! Trong khi chờ dứt diểm, ông tỷ mẩn đọc mảnh báo xử dụng làm giấy chùi, mê mải theo rõi một vụ phá án. Bỗng ông giật nẩy mình muốn nhẩy dựng lên, vì có vật gì cứng vừa cào vào mông. Ngoảnh lại ông thấy một cô gái “mặt hoa da phấn”, một tay xách dành, một tay cầm đôi gắp lớn tương tự như đôi đũa cả để quấy cám heo. Cô nhanh tay nạo vào chỗ hiểm dưới bàn tọa ông để hớt ngang lấy thỏi xúc xích, vì mé sau cũng có một cô nữa - trang bị y hệt - vừa chạy vội lại, săm soi, mắt ngó lom lom. Ông “Về nguồn” ngượng chín người, vội vàng chùi qua quít rồi kéo quần lên dông thẳng. Ngó thấy mấy cô ăn vận lành lặn, thắt lưng xanh mầu hoa thiên lý, hoa sen hoa cà, mớ ba mớ bẩy, ông thấy đây không phải là hạng nghèo hèn, mà thuộc diện có của ăn của để. Sau mới được bạn giải thích là con gái tới tuần cập kê phải hành nghề gắp phân mới đắt chồng, vì đấng Thành hoàng của làng xưa kia hành nghề cao quý này! Trên bàn thờ trong đình làng có thờ cái dành và đôi gắp, sơn son thếp vàng. Mỗi kỳ lễ tết, phân giả được luyện từng thỏi bằng đậu nành, bột nghệ, xếp đầy sọt.

Trong cuốn “Phác thảo cho một nền Văn hóa VN”, tác giả Hữu Ngọc cũng từng kể lại một hoạt cảnh tắt đèn cố ý trong một ngôi đình làng tại miệt Hà Tây: Trong khi đàn ông đàn bà, con trai con gái đang chen chúc nhau lẫn lộn, thì đèn đột nhiên tắt hết, tối thui! Thôi thì tha hồ mà gỡ gạc, đủ trò đủ kiểu, la oai-oái, thật là ngàn năm một thuở! Được biết là làng này thờ Ông Thần Dòm làm Thành hoàng. Ông xưa kia từng là hành khất, ăn mày ăn xin, dân homeless không nhà không cửa. Tối đến ông thường ngủ vạ ngủ vật trong các xó xỉnh sau đình làng. Một đêm về khuya, ông chợt tỉnh giấc vì tiếng cười đùa ríu rít của một bầy đàn bà con gái. Các cô lợi dụng cảnh vắng vẻ trong đêm hôm khuya khoắt, lần xuống bến đá ao đình, đùa nghịch thoát y tắm truồng. Ông cái bang thấy nội vụ quá hấp dẫn, nên lén leo lên cành đa cao, núp trong tàn lá rậm để chiêm ngưỡng cảnh “dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên” dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Đến chỗ quá gay cấn ông rú lên cười, tuột tay rớt xuống đất, đầu đập vào tảng đá, chết! Bữa sáng hôm sau mối đùn lên phủ kín xác ông. Làng thấy vậy bèn đặt bài vị thờ ông làm Thành Hoàng. Nghe đâu Xã Nghĩa dự định khuếch trương hội làng này để thu hút du lịch, vồ tiền đô của các ông Về Nguồn. Đến ngày hội, làng sẽ đi thu gom thêm một số thợ bổ, phỉnh,... từ mọi nơi về, cho cải trang thành gái quê nhằm tăng cường cho đội ngũ gái làng.

Ông Hữu Ngọc không phải là một nhà văn tầm thường, viết nhăng viết cuội. Ông từng là chủ bút của tờ Etincelle, một tờ báo Địch vận ấn hành bằng tiếng Pháp ngay từ đầu năm 47. Cuốn “Sketch for a Portrait of a Vietnamese Culture” nói trên được ấn hành bằng ngoại ngữ Anh-Pháp và ông từng được Đại sứ Pháp tại Việt Nam Blanche Maison trao tặng huy chương “Cành cọ Hàn Lâm” trong năm 92 tại Hà Nội. Vì vậy truyện kể trên có thật trăm phần trăm, không phải là bịa đặt.
Miệt Hà Tây cũng còn có Chùa Bà Banh (không phải là Bà Đanh - “Vắng như chùa Bà Đanh!” đâu). Tiếc thay tượng đã hết thiêng, nếu không sẽ còn là núi của cho Xã Nghĩa để khai thác đầu tư cho kỹ nghệ du lịch! Nhưng tuyên truyền làm cho Bà Banh trở thành thiêng lại đâu có khó khăn gì đối với Xã Nghĩa? Đến ngay như địa đạo Củ Chi nay cũng còn được tạo dựng thêm nhiều cơ ngơi trong lòng đất (chỉ huy sở, bệnh xá,...), đường hầm cũng đã được khoét rộng thêm ra, để cho vừa lọt vóc dáng dềnh dàng quá khổ của chú Sam đó thôi!

Bà Banh nguyên là một tượng đá lớn ở ngay cổng làng, gần tấm bia có khắc 2 chữ nho :“Hạ Mã” (có nghĩa là ai đi ngựa tới đây thì phải xuống ngựa, dắt lội bộ ngang qua chỗ linh thiêng này). Pho tượng đá khỏa thân có thế đứng gợi cảm tương tự như những kiểu gồng mình, ưỡn người, dạng chân của các nữ lực sĩ trong các cuộc thi khỏe đẹp ngày nay vậy. Dưới chân tượng có một bệ thờ, trên khay có để sẵn một cái chầy kình bằng đá! Bất cứ ai đi ngang qua cũng phải cầm cái chầy đá này gõ vào mặt Fidel Castro một phát! Cấm không được cười! Nếu báng bổ không hành lễ “gõ chầy” theo như quy định, hoặc cười nói nhả nhớt, sẽ bị Bà phạt, làm kinh phong giật xùi bọt mép, trợn mắt, méo miệng ngay! Một danh nhân trong vùng thấy cảnh hớ hênh trên ngứa mắt quá, nên đã sáng tác 1 bài thơ đem đặt trên khay thờ, lấy cái chầy kình chặn lên. Tôi chỉ còn nhớ có 2 câu cuối:

“Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi của thế gian này!”


Lạ lùng thay chỉ ít lâu sau đó, pho tượng đá “Bà Banh” đột nhiên hết thiêng! Không còn nghe nói thấy ai bị kinh phong giật và cũng khỏi phải “gõ chầy ” nữa.

5.- ĐÊM HAY NGÀY?
Cuối năm nay dân khóa 1 Sỹ quan Trừ bị Nam Định dự định tổ chức một cuộc gặp mặt đông đủ, quy tụ những người từ Pháp, Gia nã Đại, cùng mọi nơi trên đất Mỹ, quy tụ tất cả về Quận Cam. Để hội ngộ, mừng mừng tủi tủi được hàn huyên tâm sự dối già một chuyến, sau khi đã phải trải qua biết bao biến cố đổi đời, lang bạt kỳ hồ vì vận mệnh nổi trôi của đất nước.

Anh em sẽ cùng nhau thực hiện một cuốn kỷ yếu đặc san để đánh dấu ngày nhập trường đúng nửa thế kỷ trước. Đã qua thời “Thất thập cổ lai hy” rồi, chỉ còn bình tĩnh chờ ngày nối gót theo những người ra đi phía trước: Lê nguyên Khang, Vũ đức Nhuận, Lại như Sơn, Ngô mạnh Tòng, Nguyễn đức Vân,... Hết còn phải bận tâm đến lợi danh, công hầu, khanh tướng. Duy độc nhất chỉ còn muốn hồi tưởng lại kỷ niệm êm đềm xa xưa mà thôi.

Anh Nguyễn bảo Trị - một trong số các anh sốt sắng nhất - đã nhờ Trần đình Vỵ vào lục Văn khố Quân đội Pháp, sao chép lại những Văn kiện căn bản, những ảnh chụp buổi lễ mãn khóa bữa mồng Một tháng sáu năm 1952 tại sân Vận Động Cotonkin và nhất là tấm bản đồ thị xã Nam Định, tỷ lệ xích 1/4000 lớn bằng chiếc chiếu manh con.

Tôi chú mục nhìn những tên đường phố bằng tiếng Pháp, thấy lại cả một mảng đời quá khứ từ sáu chục năm trước trở về, từ lúc còn mài đũng quần tại trường Thành Chung, từ những ngày đầu Kháng chiến, rồi lại nhập học Khóa 1 SQTB. Căn nhà lầu góc phố Hải Phòng và Jules Morel, nơi gia đình tôi hồi cư năm 50 trú ngụ. Những ngày cuối tuần cuối năm 51, đôi khi tôi được phép rời Camp Carreau về nghỉ đêm tai nhà. Những lúc bình minh, tôi ưa dậy sớm ra đứng ngoài balcon, ngắm cảnh thành phố trở mình lúc rạng đông, nhìn thấy rất rõ dòng sông phản chiếu dáng trời mầu hồng của buổi hừng đông, phía bên kia Nhà Máy Chai, sát khu Bến Đò Quan. Ngay bên kia đường Jules Morel là Nhà Máy Chai, chỗ giam giữ tù binh, Việt Minh và mọi thành phần tình nghi bị bắt trong các cuộc càn quét. Nhìn rõ mồn một những nhóm nhỏ tù nhân tụ tập lúi húi đốt lửa sưởi trên sân cỏ, chằng chịt những hàng rào kẽm gai ngang dọc.

Tôi liên tưởng ngay tới câu truyện mà Vũ thư Hiên đã kể trong “Đêm giữa ban ngày”: Hiên có một ông chú ngang tàng, khí phách, có tư tưởng chống Pháp, bị bắt giam tại Nhà máy Chai. Không được săn sóc lại mắc chứng điên khùng, ông đã chết đuối, chết chìm trong một bãi cỏ sát mé nước của trại giam.
Làm sao truyện này có thể xẩy ra được? Khi - ngoại trừ phố Hải Phòng và đường Jules Morel - 2 cạnh kia của Nhà Máy Chai là phố Paul Bert và đường Bờ sông (mang tên Tây ngày đó là Quai Lamothe de Carrier). Nhà Máy Chai có tường cao bao bọc. Ngoài bờ tường là đường Bờ sông bề ngang khá rộng. Rồi tới một bờ thành thấp chừng 1 thước, dùng để ngăn nước cho khỏi tràn vào phố xá, khi mực nước sông quá cao, đã dâng lên tràn bờ. Cuối cùng mới là bờ sông chạy xuống Bến Đò Quan. Hàng rào vây quanh Nhà Máy Chai đâu có nằm kề bãi sông? Mà làm gì có hàng rào? Chỉ có tường cao. Trên mặt tường mới có thêm vòng kẽm gai ở giữa các chòi gác.Đên tên sách cũng vậy. Đêm là đêm, mà ngày là ngày.
Sao lại đêm giữa ban ngày, u-u minh-minh, tranh tối tranh sáng, mập mờ đánh lận con đen?
Nghe như câu ca dao dân dã:
“Sáng trăng em tưởng tối trời,
Em ngồi em để sự đời em ra!”


TRẦN KHẮC KÍNH



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top