• LSNNV, Vương Mộng Long Ngày Xuân ở Biển Hồ, Pleiku

Ngày Xuân ở Biển Hồ, Pleiku

• Vương Mộng Long 



Trung Úy Vương Mộng Long và Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân – 1968

Năm 1968 Ðại đội 1 Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân có hai người tên là Sanh đó là Hạ sĩ Lưu Sanh và Binh nhứt Ngô Sanh.
Lưu Sanh, vốn người xứ Sịa, Thừa -Thiên, là xạ thủ đại liên xuất sắc số một của tiểu đoàn.
Lưu Sanh có dáng dấp một tay anh chị, đô con, tháo vát, nhanh nhẹn, liến thoắng. Anh vác khẩu đại liên 30 trông nhẹ nhàng như người ta vác khẩu carbine M2. Lưu Sanh rất kỷ luật, nhưng cũng rất cứng đầu. Anh này còn có biệt danh là “Sanh Bi Ðông” vì lúc nào bên hông anh cũng kè kè một bi đông rượu đế.
Người tải đạn cho Hạ sĩ Lưu Sanh là Binh nhứt Ngô Sanh. Ngô Sanh quê quán Vĩnh-Ðiện, Quảng Nam.
Ngô Sanh nhỏ con, mặt chuột, răng hô. Thêm vào đó, miệng anh có ba bốn cái răng bịt vàng sáng chóa. Khi cười, miệng anh như có lửa.
Anh em trong đại đội gọi đùa anh là “Kim-Thành Công Tử” ý nói anh là công tử con chủ tiệm vàng Kim-Thành nổi tiếng khắp nước Việt-Nam.
Ngô Sanh cũng đoạt danh hiệu “Người Nhẹ Cân Nhứt” của Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân thời bấy giờ.
Lạ một điều, trọng lượng của “Kim-Thành Công Tử” cân chưa tới bốn chục ký lô, vậy mà “Công Tử” có thể mang theo trên mình đầy đủ, súng đạn cá nhân, đồ ngủ, mười ngày gạo, cùng với hai thùng đạn đại liên, lội rừng hết ngày này qua ngày khác, không than mỏi.
Mặc dù rất xấu trai, nhưng ai cũng thương mến Ngô Sanh. Nếu ai đã sống chung với anh ít lâu, sẽ cảm ra rằng, có lẽ trên đời này, không ai lại hiền lành, tốt bụng như anh.
Chàng “Công Tử” này hiền như cục đất.
Trong doanh trại, ngoài hành quân, hai anh Sanh lúc nào cũng như bóng với hình, sát cánh bên nhau.
Tôi và Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên đại đội phó sẽ mãi mãi không thể quên một kỷ niệm khôi hài giữa hai ông Sanh này.
Một đêm, bên đống lửa, trong rừng Núi Voi, Liên-Khương, Ðà-Lạt, cạnh hố đại liên, Lưu Sanh nói với Ngô Sanh,
 Này Sanh ơi! Tau mắc cỡ vì trùng tên với mi. Mi đần độn quá mi ơi! Tau dạy hoài, mi chẳng khá. Ông già mi đẻ ra mi thiệt uổng công. Nếu ổng ỉa ra một cục cứt, cho chó nó “lủm” chắc còn có ích hơn!
Ngô Sanh ngây thơ nhìn Lưu Sanh,
– Anh nói chi lạ rứa? Nếu tui là cục cứt thì ai tải đạn cho anh? Lấy mô ra đạn cho anh bắn? Anh không cám ơn tui phụ giúp anh, anh còn chê bai này nọ. Ngày nào anh cũng la mắng, chửi bới tui. Tui chịu hết nổi rồi! 
Sau đó, Ngô Sanh quay mặt đi, đưa tay quệt nước mắt, nghẹn ngào,
– Thôi! Sáng mai tui trình với Thái Sơn cho tui ra trung đội. Tui không phụ tải đạn cho anh nữa! Anh kiếm người khác tải đạn cho anh đi…Hu! Hu! Hu!…
Ngô Sanh bật khóc. Tiếng thổn thức càng lúc càng lớn. Tiếng khóc não nuột rừng đêm.
Tôi thấy Lưu Sanh cuống quýt, vứt vội ca cà phê đang uống xuống đất,
– Ấy! Tau xin lỗi mi! Tau giỡn mi đó thôi! Vì hai đứa mình là anh em, tau mới dám giỡn. Nín đi! Ðừng khóc nữa! Mi ở lại tải đạn cho tau, giúp tau tiếp đạn lúc đánh nhau. Mi mà không tải đạn cho tau, tau cũng bỏ cây đại liên này cho đứa khác giữ. Chúng nó sẽ không bắn hay như hai đứa mình. Nếu gặp lúc Việt Cộng xung phong, đại liên không cản được Việt Cộng, Việt Cộng sẽ xông vào vị trí. Tụi nó sẽ bắt Thái Sơn, bắt tau, bắt mi!

Rồi vừa vuốt lưng Ngô Sanh, Lưu Sanh vừa nhẹ giọng dỗ dành,
– Tau xin lỗi mi! Thôi! Nín đi nhé! Cười lên đi! Cười lên … cho ánh …răng vàng…sáng chói…
Ngô Sanh đang thút thít cũng phải phì cười khi bạn nó xuống giọng pha trò.
Nó nhìn bạn, ánh mắt đầy tình mến thương, nó nhoẻn miệng cười (răng vàng sáng chói)
– Ừ! Thì thôi! Nhưng anh phải hứa, từ nay không gọi em là cục cứt nữa nhé!
– Tau hứa mà! Tau hứa từ nay sẽ không gọi mi là cục cứt nữa. Tau sẽ gọi mi là “Cưng của Liên” Chịu chưa?
Ngô Sanh gục gục đầu, tay nó cầm một khúc củi dài, cời cời những cục than hồng trong bếp, than hồng bắn ra những tia sáng “tí tách!”
Trong ánh lửa bập bùng, tôi nhìn thấy đôi mắt nó long lanh, đôi mắt nó đang cười long lanh…Cưng của Liên”  là tên anh em trong đại đội đặt cho Ngô Sanh.
Trong khu gia binh đại đội, khi đi ngang nhà vợ chồng Ngô Sanh, người ta thường nghe vợ anh gọi anh,
– Cưng của Liên ơi! Cưng của Liên đâu rồi? Cưng của Liên xách dùm em thau nước…Cưng của Liên nhóm bếp dùm em chút coi…Cưng của Liên…

Người ta gọi căn gia binh của vợ chồng Ngô Sanh là “Lâu Ðài Tình Ái”
Chị Liên là cư dân Biển Hồ từ lâu. Chị là con gái của ông Thượng sĩ Thường Vụ Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân.
Chị Liên còn có tên là “Liên Mắt Biếc” vì đôi mắt của chị ta lúc nào cũng xanh, và lóng lánh sắc như dao cau.
Mười lăm tuổi, chị đã lấy chồng và chị đã hai lần lãnh tiền tử tuất của chồng.
Người chồng đầu tiên của chị là lính ở Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân và tử trận từ thời Thiếu tá Sách làm tiểu đoàn trưởng. Vài tháng sau, chị tái giá.
Người chồng thứ nhì của chị là anh lính nấu cơm của Ðại úy Ðoàn Ngân Bài, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân. Anh này cũng đền nợ nước trong trận Phù-Củ năm 1965.

Biến cố Phật Giáo Miền Trung năm 1966 đã đưa Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân ra Ðà-Nẵng. Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân từ Ðà-Nẵng chuyển vào Biển Hồ, và Ngô Sanh khù khờ đã tới Pleiku.
Như có duyên có nợ, nhân một ngày dưỡng quân, trong chợ Biển Hồ, “Kim-Thành Công Tử” và “Liên Mắt Biếc” gặp nhau. Người góa phụ trẻ, chưa tiêu hết tiền tử của người chồng thứ nhì, thấy anh tân binh này hiền như cục bột, bèn thương.
Ngày tôi tới Ðại đội 1/11 thì cặp vợ chồng này đã dọn về ở khu gia binh Biển Hồ từ lâu.
Trong thời gian làm đại đội trưởng Ðại đội 1/11, tôi hay ghé trại gia binh, thăm viếng thân nhân binh sĩ dưới quyền, vào những ngày lễ Tết, hay sau những chuyến hành quân có tổn thất.
Tôi cũng nhiều lần tham dự những đám cưới nhà binh. Những đám cưới mà cô dâu chỉ có một bộ bà ba mới, không dây chuyền, không bông tai, không nhẫn vàng. Chú rể gọn gàng trong bộ rằn ri, không nơ, không cà vạt.
Tiệc cưới là một mâm hoa quả, một mâm xôi gấc, xôi đậu xanh, một rổ bún tươi, một chậu rau sống, một mâm thịt heo xắt lát, một đầu heo, một chồng bánh tráng sống, một chồng bánh tráng nướng, một tô mắm nêm rắc mè, một can nhựa hai mươi lít rượu đế, và một tô ớt tươi đỏ ối…

Ờ Biển Hồ, có những đám cưới giản dị nhứt trần gian…
Thuở đó, tôi còn độc thân, vậy mà cũng dám hai lần, đứng ra làm chủ hôn cho hai đứa đàn em, là chú Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và chú Binh 1 Phạm Công Cường.
Có lẽ tôi cũng mát tay. Nhờ có tôi làm chủ hôn, mà hai gia đình này cứ “đầu năm sinh con giai, cuối năm sinh con gái” đều đều … chạy gạo bắt khờ luôn!
Năm tháng trôi qua, khẩu đại liên của hai ông Sanh luôn luôn là linh hồn của đại đội qua các cuộc hành quân.
Sau Tết Mậu-Thân ít lâu, khẩu đại liên 30 bị thu hồi. Hai ông Sanh được trang bị một khẩu M60 nhẹ nhàng hơn. “Con gà cồ” này lúc nào cũng đi bên tôi, để tôi có thể dễ dàng ban khẩu lệnh cho nó.
Trong lần đại đội tôi dừng quân ở Ðức-Trọng, khẩu đội đại liên này được mang cái tên “Thu Bình 1”, Thu Bình là tên cô cháu gái của ông chủ một xưởng cưa, nơi chúng tôi tá túc trong thời gian dài hành quân tăng phái cho Task Force South.

*

Cuối năm Mậu Thân, tháng 2 năm 1969, Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên thuyên chuyển về giữ chức Trưởng Ban 4 của liên đoàn, Thiếu úy Trần Dân Chủ được đề cử làm tân đại đội phó.
Sau chiến dịch Chư Pa, nhân dịp đơn vị ghé hậu cứ dưỡng quân, tôi xin Trung tá liên đoàn trưởng cho tôi năm ngày phép bằng Sự Vụ Lệnh để về Hội-An thăm mẹ.
Tôi mãn phép, trở về thì đại đội tôi đã hụt mất hai người vì Trung sĩ nhứt Tánh, Hạ sĩ quan thường vụ đại đội, đã bị Hạ sĩ Lưu Sanh bắn chết, sau một vụ cãi lộn. Lưu Sanh lãnh án, đi tù.
Không còn Lưu Sanh, Ngô Sanh trở nên u sầu ủ dột. Anh xin tôi cho anh về làm khinh binh dưới quyền Thiếu úy Vy Trung đội 1.

Trong trận Chư Pa, người mang đồ ngủ, lều võng cho tôi là Binh nhứt Trung đã bị thương nặng phải giải ngũ, tôi bèn giữ Ngô Sanh ở ban chỉ huy đại đội làm công việc của Binh nhứt Trung.
Từ khi về ban chỉ huy đại đội, nhận việc lều võng cho tôi, hình như Ngô Sanh không được vui. Nó thường luẩn quẩn, loanh quanh bên khẩu súng đại liên M60 của Hạ sĩ Trần Ðợi. Trần Ðợi là người thay thế Lưu Sanh, chỉ huy một trong hai khẩu súng chủ lực của đơn vị.

Khi rảnh rỗi, Ngô Sanh hay rã khẩu M60 ra thành nhiều mảnh, ngâm các bộ phận trong một thau dầu, rồi chùi khô, thoa nhớt, khẩu súng bóng loáng như vừa xuất kho.
Có một lần Ngô Sanh trình diện tôi; nó gãi đầu, gãi tai, lí nhí câu gì đó tôi nghe không rõ. Tôi bực mình nên to tiếng,
– Nói lí nhí trong miệng! Nghe không được thì ai biết mi muốn cái gì! Muốn chi thì gặp Thượng sĩ Thống thường vụ, nói với ông ấy, ông ấy giải quyết cho!

Thấy tôi có vẻ bực mình, Ngô Sanh bỗng cuống quýt, vừa run, vừa lắp bắp,
– Dạ! Không có chi! Không có chi Thái Sơn!
Sau đó, nó gãi đầu rồi lủi đi.
Mấy giờ sau Thượng sĩ Thống vừa cười, vừa nói với tôi,
-Thằng Sanh muốn xin Trung úy cho nó ra tải đạn cho thằng Ðợi. Nó sợ Trung úy la nên cứ ấp a ấp úng không dám nói. Nó nhờ tôi giúp nó, xin với Trung úy cho nó đi!
– Ừ! Hôm nào ông kiếm coi có đứa nào thay nó, rồi cho nó ra với thằng Ðợi.
Rồi ông Thống cười tủm tỉm,
– Trung úy có biết tại sao thằng Sanh mê khẩu súng đại liên không?
– Ai mà biết?
– Nó mê súng đại liên chỉ vì tên con vợ nó là “Ðại Liên” đó Trung úy ơi!
– ?????

Tiếp đó ông Thống giải thích,
– Bố vợ nó cùng thời với tôi. Ông ấy có ba đứa con gái đặt tên là Hoàng Thị Ðại Liên, Hoàng Thị Trung Liên và Hoàng Thị Tiểu Liên. Vợ nó là chị lớn trong nhà, tên Ðại Liên. Sau khi bố vợ nó bị thương và giải ngũ thì đưa gia đình về Qui Nhơn, đem theo hai con Trung Liên và Tiểu Liên. Nay chỉ còn mình con Ðại Liên ở Biển Hồ.
Nghe hết chuyện, tôi cũng bật cười,
– À ra thế!

*

Sáng Mồng Năm Tết năm Kỷ Dậu,1969, Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân làm lễ xuất quân.
Nghe đâu người vẽ phóng đồ hành quân của Phòng 3 Quân đoàn đã vẽ cho chúng tôi đi về hướng Tây Pleiku vì lịch chỉ hướng chính Tây là hướng Cát Thần.
Mục tiêu của Ðại đội 1/11 là một buôn Thượng tên là Plei Blo O’dung 3 bỏ hoang, cách Ðồi 37 Pháo Binh, Pleiku chừng bốn cây số.
Tôi đã dùng con lộ chính để làm trục tiến quân. Mười giờ sáng, chúng tôi tới mục tiêu, vô sự.
Tới trưa, cơm nước xong, có lệnh cho chúng tôi thu quân rút ra làng Plei Blang 3 để lên xe về hậu cứ.
Khi đi hành quân, tôi là một người rất cẩn trọng. Sợ bị địch phục kích, tôi cho đơn vị rút ra điểm tập trung bằng con đường khác.
Từ làng Plei Blo O’dung 3 tới làng Plei Blang 3 đường dài gần năm cây số. Vùng này là rừng cây thưa với những đường xe be đan nhau.

Chúng tôi đi theo đội hình hàng dọc hai bên đường. Chỉ nửa giờ sau tôi đã nhìn thấy làng Plei Blang 3 bên kia một thung lũng đầy cỏ dại, chạy dọc theo Tỉnh lộ 509.
Nơi đây chỉ còn cách làng Plei Blang 3 chừng hai cây số.
Bất thình lình“Choác! Choác!” súng nổ ran! Súng bắn từ hướng trước mặt, từ bụi cây ở giữa lòng đường!  Nơi này con đường chẻ làm hai, ở giữa đường có một cụm rừng như hòn đảo nhỏ.
Vì địch nằm ở giữa, nên quân đi bên phải sợ bắn nhầm quân đi bên trái, quân đi bên trái lại sợ bắn nhầm quân đi bên phải, chúng tôi lâm vào thế vô cùng lúng túng!
Ðã có vài người đi trước mặt tôi bị trúng đạn rồi. Trong số này hình như Trung sĩ 1 Nguyễn Khôi, trung đội phó Trung đội 2 bị địch bắn vỡ đầu.
Tôi cùng hai cố vấn Hoa Kỳ đi với hai anh lính truyền tin và một anh lính hộ tống bị kẹt giữa hai lằn đạn phải vội vàng nằm sát mặt lộ tránh đạn.
Tôi la to:
“Một nằm xuống! Hai bắn về bên phải! Xung phong bên phải!”
Lập tức mọi người hô theo:
“Một nằm xuống! Hai xung phong bên phải!”
Cũng may vì đã có nhiều lần quen tập luyện “Phản ứng cấp thời” nên vừa nghe tiếng la của tôi, các trung đội đã phản ứng rất nhanh và ăn khớp.
Ông Chuẩn úy Ðàm Quang Hạ Long, Khóa 27 Thủ Ðức, trung đội trưởng Trung đội 2, là một tân sĩ quan của đơn vị này nhưng cũng tỏ ra là một tay “Can trường khí phách”
Chuẩn úy Hạ Long một tay ôm khẩu M 16, tay kia giơ cao khoát lia lịa, miệng la oang oang:
“Xung phong! Xung phong bên này!’’
Sáu tên Việt-Cộng nằm trong bụi thì bốn tên bị giết, còn lại hai tên đã nhanh chân thoát chạy về bên kia đường rồi biến mất trong bụi rậm.
Bên kia bãi đất trống là rừng cỏ tranh cây thấp. Bãi đất trống này là một nương rẫy cũ, nằm song song với con đường xe be.
Cái nương này có chiều dài cỡ hai trăm mét, chiều ngang chừng một trăm mét.
Tôi lồm cồm ngồi dậy, anh Trung úy Mỹ cũng lồm cồm ngồi dậy. Anh ta là một Trung úy Pháo Binh Hoa-Kỳ, có nhiệm vụ làm tiền sát viên yểm trợ hỏa lực cho đại đội tôi.
Tôi được thông báo rằng, đơn vị Pháo Binh Hoa-Kỳ yểm trợ hỏa lực cho tôi hôm đó là một pháo đội 105 ly dã chiến, nhưng tôi không rõ súng đặt ở đâu.
Anh sĩ quan Mỹ đánh rơi cặp kính cận, hai tay anh ta đang quờ quạng trên mặt đường để tìm cặp kính.
Trung đội 1 nằm bên phải con đường lúc này vừa chuyển thành đội ngũ hàng ngang. Họ cố bắn với theo hướng hai thằng địch vừa thoát chạy.
Bất ngờ từ bên kia trảng trống, những tràng súng liên thanh tới tấp bắn sang.
Chúng tôi lại vội nằm sát mặt lộ để tránh.
Vì xe be chạy qua chạy lại nhiều năm, nên mặt con lộ bị lún xuống thấp hơn lề đường chừng ba tấc, do đó mà bìa đường trở thành bờ đất ngăn đạn, giúp đơn vị tôi không bị thiệt hại.
Thấy hỏa lực địch quá dữ dội, tôi không dám cho quân xung phong. Vì xung phong qua vạt ruộng trống trải này dưới những làn đạn đại liên thì chẳng khác gì tự sát.
Kỳ lạ một điều là, hỏa lực súng cộng đồng của Việt-Cộng rất hùng hậu, nhưng hình như địch không có ý nghênh chiến. Chúng chỉ bắn thị uy chừng mười phút rồi im.
Lợi dụng thời gian tiếng súng vừa ngừng, tôi chuyển toàn quân về bố trí nơi hướng Ðông trảng trống.
Ở vị trí này, nếu thấy địch mạnh quá, không đương cự nổi, tôi còn đường chạy thẳng ra làng Plei Blang 3.

Ngày Xuân ở Biển Hồ, Pleiku (kỳ 2)
Dàn quân xong, chờ cho anh Trung úy Pháo Binh Mỹ đã đeo đôi mắt kính sẵn sàng, tôi mới nhờ anh ta gửi đơn xin không yểm.
Vào lúc hai chiếc máy bay Phantom F4 C bắt đầu oanh kích mục tiêu, tôi dẫn một trung đội, dò dẫm tiến lên.
Chưa tới bìa rừng, chúng tôi lại bị đủ loại súng cộng đồng chận lại.
Tuyến phòng thủ của Cộng quân có lẽ còn kéo dài xa về hướng Tây, dọc theo triền đồi.
Lúc này đã là bốn giờ chiều, tôi quyết định ngừng quân, không tiến thêm.
Ðại úy tiểu đoàn trưởng cho tôi hay, ông đã điều động thêm Ðại Ðội 3/11 tăng cường cho tôi.
Xưa nay đi hành quân nếu tiểu đoàn chia hai cánh thì tôi đương nhiên là người chỉ huy Cánh A gồm hai Ðại Ðội 1 và 3.
Tôi chạm trận thì Ðại Ðội 3/11 sẽ là đơn vị ưu tiên tiếp cứu.
Sau chiến dịch Chư Pa, Ðại Ðội 3/11 đã thiệt mất ông Trung úy đại đội trưởng và ông Thiếu úy đại đội phó tử trận.
Ðại đội này vừa có ông tân đại đội trưởng là một đại úy mới thuyên chuyển từ nơi khác về.
Ông đại úy này là người Bắc, tôi không nhớ họ ông ta, còn tên ông ta thì chỉ nghe qua một lần ai cũng không thể quên: “Ái Tình Nhớ”.
Ðại úy Ái mà hát “Tình Nhớ”của Trịnh Công Sơn thì hay hết chỗ chê! Có lẽ các ca sĩ chuyên nghiệp trình bày nhạc phẩm này đều thua xa “Ái Tình Nhớ” của Biệt Ðộng Quân chúng tôi.
Ngày Mùng Ba Tết tôi đã nghe ông Ái hát ở Câu Lạc Bộ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân trong bữa tiệc đầu năm của đơn vị. Bữa tiệc này có mặt gần hai chục cô em gái hậu phương, nữ sinh Trung Học Pleime.

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2020/01/ngay-xuan-o-bien-ho-pleiku-ky-2.jpg
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân năm 1968
Từ trái: Thiếu úy Lũy, Trung Úy Lạn,Trung Sĩ Attaya, Trung Úy Long, Đại Úy Hester, Đại Úy Đàm, Trung Úy Đa, Thiếu Úy Quý


Trong tiếng nhạc xập xình, dưới ánh đèn mờ ảo, với cái nón nâu giắt vai, vị thế chân sau chân trước, nửa tiến, nửa lùi, cánh tay trái buông xuôi, cánh tay phải giơ về phía trước như cố níu kéo một bóng hồng vừa bay đi mất, tiếng hát của Ái cất lên, nghẹn ngào:
“Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng …” (Nhạc TCS)
Hiện thời ông Ái là đại đội trưởng Ðại Ðội 3, ông ta đeo lon đại úy thì chắc chắn từ nay Liên Ðội Trưởng Liên Ðội A phải là ông Ái.
Một giờ sau, Ðại Ðội 3/11 theo con đường xe be từ ngoài Tỉnh lộ 509 từ từ tiến vào.
Người chỉ huy Ðại Ðội 3/11 là Thiếu úy Thung, tôi không nhớ họ của ông Thung. Thiếu úy Thung là sĩ quan độc nhất của Ðại Ðội 3/11 sống sót sau trận Chư Pa.
Tôi hỏi Thung,
– “Tình Nhớ” đâu Thung?
–  Trình Thái Sơn, Hoàng Mai giữ ông ấy lại bộ chỉ huy tiểu đoàn làm Ban 3 thay Trung úy Bé đi phép.
(Hoàng Mai = Ðại úy Hồ Khắc Ðàm Tiểu Ðoàn Trưởng)
Nghe Thiếu úy Thung nói, tôi biết ngay thâm ý của ông tiểu đoàn trưởng là tôi sẽ giữ vai trò chỉ huy Cánh A trong trận này.
Khi Ðại Ðội 3/11 bắt tay được hậu quân của tôi, tôi yêu cầu anh Thung tiến thật chậm vào vùng bên phải trảng trống để thăm dò địch. Tôi sẽ giữ an ninh bên trái cho đơn vị bạn.
Chỉ vài phút sau đó, súng cộng đồng lại nổ.
Trong máy truyền tin, xen lẫn tiếng đạn bay “Chiu chíu! Ðoàng! Ðoàng! …” là tiếng kêu thất thanh của Thiếu úy Thung:
“Chết hết rồi! Thái Sơn ơi!…”
Thấy phòng tuyến địch đầy vũ khí cộng đồng, tôi không dám mạo hiểm xua quân lên cứu bạn. Tôi ra lệnh cho Ðại Ðội 3/11 rút lui cấp kỳ, sau khi để lại trận địa bốn năm người chết.
Sau đó, lợi dụng lúc trời nhá nhem, Thiếu úy Thung dẫn quân núp theo bìa rừng hướng Bắc của con đường rút về phòng thủ chung tuyến với tôi.
Kịp khi người lính cuối cùng của Ðại Ðội 3/11 nhập vào phòng tuyến của Ðại Ðội 1/11 thì súng địch “Ðùng! Ðùng!” từ bìa rừng bắt đầu bắn như mưa.

Tiếp đó là tiếng “Xung phong!”
Thì ra địch tưởng Ðại Ðội 3/11 còn nằm trên mặt đường, chúng tác xạ ào ào rồi ôm súng tràn qua trảng trống, xung phong chiếm con đường!
Tới khi thấy mặt đường không có ai, địch bèn quay đầu chạy ngược trở lại.
Tôi cho hai khẩu đại liên bắn chéo nhau, cản đường quân địch đang hối hả rút.
Ðâu ngờ súng của ta vừa bắn chưa được nửa dâyđạn, thì nghe “Ðùng! Ðùng! Toác! Toác!”
Ðịch đáp trả đòn rất nhanh. Lần này là phòng không 12.7 ly.
Ðạn địch như mưa bão, tới tấp trút trên khu rừng quân bạn đang bố phòng.
Xưa nay đi hành quân tùng thiết, chúng tôi chỉ nghe quen tiếng 12.7 ly và Ðại liên 30 trên xe tank của ta tưới đạn trên đầu địch. Nghe tiếng súng 12.7 ly của quân mình bắn đi mà không thấy cảm giác gì lạ, cứ như nghe M 16 thôi!
Nay bị hai khẩu phòng không của Việt-Cộng bắn với khoảng cách rất gần, quét tới tấp trên đầu mình, tôi mới thấy ớn da gà.
Những tiếng “Toác! Toác!’ nổ chát chúa chói tai. Cây, cành đua nhau đổ gãy, liên tiếp đè lên đầu, lên lưng. Chỉ cần ngửng đầu cao cách mặt đất cỡ hai gang tay là vỡ óc ngay!
Biết mình không phải là địch thủ của lực lượng địch trước mặt, tôi đành phải tìm đường lui.
Trời đã tối, nếu đem quân ra Tỉnh lộ 509 thì thế nào cũng chạm mìn bẫy hay các toán phục kích của Dân Vệ Xã Plei Blang 3, mà nằm tại chỗ càng nguy hiểm hơn.
Nhân lúc địch ngưng bắn, tôi cho tất cả anh em mau mau theo nhau trườn về hướng Bắc con đường.
Tới triền dốc, chúng tôi chui vào rừng, lập một vòng tròn, đào hầm hố phòng thủ.
Tôi gọi Pháo binh Hoa-Kỳ liên tục bắn phủ trùm một diện tích rộng gần hai cây số vuông trên khu rừng thưa lá thấp kéo dài về Tây Bắc.
Ðúng 9 giờ tối, tuyến phòng thủ ngoài cùng, sát mặt lộ của Trung đội 3 phát giác địch từng toán nhỏ đi tuần tra mặt đường.
Rồi, bất ngờ, vài tên địch đâm sầm vào tuyến phòng thủ của ta, súng nổ.
Ta có hố chiến đấu để ẩn nấp, địch thì đi ngời ngời, địch trở thành những cái bia.
Hình như toán tuần tra của địch đã bị quân ta tiêu diệt hết, tiếng súng im…
Tiếng súng đã im, nhưng vị trí bố quân của ta lại bị lộ!
Không lâu sau, quân ta phải ngồi thu mình dưới hố để tránh đạn 12.7 ly.
Ðại liên địch dứt vài phút thì Việt-Cộng lại xông lên,
“Xung phong! Xung phong!”
Ta và địch lại bắn nhau, hai bên đánh nhau được chừng mười phút thì Hạ sĩ Trần Ðợi bị thương vào tay, Thiếu úy Ðinh Quang Biện trung đội trưởng Trung đội 3 xin tôi cho người thay.
Tôi chưa biết sẽ chỉ định ai đảm đương vai trò xạ thủ đại liên, thì Ngô Sanh nắm áo tôi,
– Thái Sơn cho em thay thằng Ðợi!
Tôi đồng ý,
– Ừ! Nhớ cẩn thận!
Tôi chưa dứt lời thì Ngô Sanh đã phóng đi rồi.
Ngay lập tức, khẩu M60 nổ giòn hơn, nhanh hơn.
Tôi vừa nhận ra, Ngô Sanh quả là một xạ thủ đại liên vô cùng xuất sắc! Vậy mà bao lâu nay tôi không biết!
Khẩu M60 của Ngô Sanh thật là lợi hại. Ðịch hết còn hô “Xung phong!” được nữa!
Mặt trận tạm yên, chúng tôi ngồi trong hố cá nhân, phập phồng chờ đợi…
Chừng nửa đêm, tôi nghe liên tiếp hai tiếng “Oành! Oành!” của B 40 pha lẫn nhiều tràng AK 47.
Sau đó, trên máy truyền tin, Thiếu úy Biện hốt hoảng gọi,
– Thái Sơn ơi! Nguy rồi! Thằng Ngô Sanh bị thương rồi!
Tôi vội kéo tay Binh 1 Nguyễn Thiên, hiệu thính viên PRC 25 cùng chạy ra tuyến ngoài, miệng tôi la,
– Thằng Bổng đem Thu Bình 2 sang tăng cường cho Thiếu úy Biện! Mau lên!
Khẩu M 60 của Ngô Sanh đã gãy làm đôi. Ngô Sanh nằm sõng soài trên miệng hố, bên cạnh đó, người tải đạn cho Ngô Sanh là Binh nhì Trần Vở cũng đang ôm cánh tay, miệng rên hừ hừ vì đau.
Ðợi cho khẩu M 60 (Thu Bình 2) của Hạ sĩ Bổng vào vị trí, tôi và chú Thiên hè nhau đỡ Ngô Sanh lên rồi chạy về ban chỉ huy dưới bờ suối.

Ngô Sanh yếu lắm rồi. Ngô Sanh bị cả chục viên AK xuyên vào ngực.
Dưới ánh đèn pin, tôi thấy môi Ngô Sanh mấp máy.
Ghé sát tai vào miệng Ngô Sanh, tôi nghe tiếng Ngô Sanh thì thào,
– Trung úy ơi! Em đi!
Vừa nghe xong lời vĩnh biệt của thằng em, tôi lại vội vàng nhào xuống hố vì đạn 12.7 ly bắt đầu giòn giã đốn gãy cây cành.
Ðạn địch ào ào như mưa đá vãi trên lá. Ðầu đạn khi ghim vào thân cây thì phát nổ lần thứ hai, những thân gỗ rừng to như bắp đùi người ta mà trúng một viên 12.7 ly thì lập tức bị đốn gục xuống liền.
Trước cảnh này, muốn ngăn địch, tôi phải gọi pháo binh đánh tiếp cận vì ta và địch cách nhau chừng hơn hai trăm mét thôi.
Sau hai hỏa tập tưới gần một trăm trái đạn nổ trên mục tiêu thì anh Trung úy Mỹ cho tôi hay, Pháo binh Hoa Kỳ đòi tôi phải thám sát trận địa, báo cáo kết quả đánh phá cho họ, sau đó họ mới thỏa mãn những nhu cầu kế đó.
Tôi nhờ anh cố vấn Mỹ giải thích với đơn vị yểm trợ rằng địch quá mạnh, tôi không thể tiến lên được. Tôi yêu cầu họ phải yểm trợ thêm nữa, rồi tôi sẽ cho quân tiến lên.
Thế là pháo yểm lại tiếp tục. Sau khi bắn vài tràng nữa thì pháo binh Mỹ ngừng luôn. Tôi cố nài nỉ, nhưng họ không chịu cho thêm.
Tôi nghĩ lại thì thấy, mình tiêu thụ hàng trăm viên đại bác mà không thông báo cho họ biết kết quả thì họ ngưng yểm trợ là phải rồi.
Tôi đành gọi về bộ chỉ huy tiểu đoàn, xin Pháo Binh Việt-Nam.
Lập tức, tôi có ngay hai mươi tràng 155 ly trên tọa độ yêu cầu. Nhưng sau đó Tiểu Ðoàn 37 Pháo Binh cũng ngưng bắn.
Lý do họ ngưng bắn là vì chúng tôi không ở trong tình trạng đang giao tranh, chúng tôi cũng không kiểm soát được mục tiêu, nếu họ bắn tiếp, hóa ra chỉ bắn vu vơ phí đạn!
Không còn pháo yểm, tôi quay qua xin Hỏa Long.
Máy bay lên vùng nhưng thấy khoảng cách giữa tôi và địch quá gần, địch lại nằm giữa tôi và hàng rào của xã Plei Bang 3 nên phi cơ AC 47 không dám tác xạ, lý do là không an toàn cho đơn vị bạn và cho dân chúng cư ngụ trong làng Plei Bang 3.
Chiếc Hỏa Long chỉ bay vòng vòng trên trời, thả vài trái hỏa châu, rồi bay đi yểm trợ cho mặt trận khác đang nóng bỏng hơn.
Sáng nay xuất quân, chúng tôi nhận lệnh đi, về trong ngày, do đó tôi chỉ cho anh em đem theo một ngày cơm vắt với hai cấp số đạn. Chúng tôi không đem theo đồ ngủ.
Sau một ngày giao chiến, đạn dược đã hao hụt, nếu phải đánh nhau tiếp, chúng tôi sẽ bị thiếu đạn.
Mới chạm địch, bắn nhau vài ba lần mà tôi đã bị thiệt mất hai người chết và sáu bị thương. Ðại Ðội 3/11 cũng đã có năm người chết và gần chục người bị thương.
Biết chắc chắn rằng nếu chấp nhận ra mặt đánh nhau tiếp thì thế nào mình cũng thua, nên tôi quyết định tránh đụng độ và tìm đường lánh xa vùng nguy hiểm.
Tôi phải để lại cái xác của Ngô Sanh nằm trên mặt cỏ, dự trù hôm sau tình hình thay đổi, sẽ lo tiếp.
Tôi sang vị trí đóng quân của Thiếu úy Thung, cho lệnh anh em cấp tốc rời vị trí.
Chúng tôi theo đuôi nhau đi thẳng về hướng Bắc.
Qua cái triền dốc, hai đại đội tụt xuống một con suối khá ớn.
Ðến bờ suối, tôi cho Ðại Ðội 3/11 vượt sang bờ bên kia, làm đầu cầu, quân tôi theo sau.
Qua hết cái thung lũng hẹp và dốc của suối Ia Thong chúng tôi leo lên một ngọn đồi trọc.
Từ đây tôi có thể nhìn thấy ánh đèn rực lên từ Phi Trường Cù-Hanh và từ phố xá Pleiku.
Tôi cho quân dừng lại, quây thành một vòng tròn.
Tôi báo cáo tổng kết tình hình cho đại úy tiểu đoàn trưởng. Ông tiểu đoàn trưởng cho tôi toàn quyền quyết định đánh hay lui tùy theo tình hình.

Khoảng 2 giờ sáng tôi đang ngồi dựa lưng một gốc cây thiu thiu ngủ thì giật mình bởi một loạt tiếng nổ xé màng tai, “Chang! Chang! Chang!…”
Thì ra đó là tiếng hỏa tiễn 122 ly vừa khởi động. Vị trí địch đặt giàn phóng nằm ngay bên kia suối, hướng chính Bắc của ngọn đồi mà tôi đang đóng quân.
Không lâu sau đó là sáu tiếng nổ vọng lại. Tôi không rõ hỏa tiễn rơi trên phi trường Cù Hanh hay trên Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn.
Trên máy truyền tin của anh tiền sát viên có tiếng nói léo nhéo. Tiếp đó, anh Trung úy Mỹ mở ba lô lấy cái đèn phát tín hiệu chớp chớp lóa lóa lên trời đánh dấu vị trí quân bạn.
Rồi có tiếng trực thăng võ trang “Bạch! Bạch! Bạch!” tiến lại gần.
Mấy phút sau thì, “Oành! Oành! Oành! Ồ! Ồ! Ồ!…” Hai chiếc trực thăng võ trang Cobras lượn vòng vòng, chiếu đèn pha sáng rực, rồi chúc xuống, ngóc lên, ào ào tưới đạn đại liên và rocket lên ngọn đồi bên kia.
Tôi nghĩ máy bay Mỹ bắn phá chỉ phí đạn thôi! Lâu nay địch thường dùng những giàn phóng tự động, đúng giờ thì hỏa tiễn bay đi, còn những tên Việt-Cộng gài hỏa tiễn đã chạy mất dạng từ lâu rồi.
Chừng 4 giờ sáng, súng địch lại nổ ran. Lần này Việt-Cộng sử dụng tất cả mọi loại vũ khí bắn thẳng, có cả tiếng không giựt 75 ly! Khu rừng mà tôi mới rời bỏ đêm qua là mục tiêu.
Cũng có nhiều tràng 12.7 ly bắn cao, đạn bay sát ngọn cây bông gòn đơn độc mọc giữa đỉnh đồi mà chúng tôi đang phòng thủ.
Tôi nghĩ, có lẽ Việt-Cộng sắp khai triển một cuộc tấn công rạng đông trên vị trí đóng quân cũ của tôi?
Nhưng không phải vậy! Cỡ nửa giờ sau thì địch không bắn nữa.Tôi chờ mãi vẫn không nghe thấy tiếng hô “Xung phong!” của địch.
Từ lúc đó tôi ngồi hút thuốc chờ đêm qua.
Trời mờ mờ hừng đông, tôi xin Pháo Binh Hoa-Kỳ và Pháo Binh Việt-Nam đánh T.O.T trên mục tiêu để mở đường. (TOT = Time on Target = Bắn từ nhiều vị trí súng cho đạn nổ cùng lúc trên một mục tiêu định trước)
Cùng lúc, tôi cũng xin phòng hờ bốn chiếc Cobras sẵn sàng cất cánh từ Căn cứ Oasis và từ Phi Trường Holloway.
Sương mù tan, quân của tôi vượt suối, dàn hàng ngang, thận trọng tiến lên.
Ðại đội 3/11 nằm lại bên bờ Nam của Ia Thong để làm thành phần trừ bị, sẵn sàng tiếp cứu chúng tôi khi cần.
Vào tới bìa rừng, tôi sợ toát mồ hôi. Ðịch đã rút đi rồi nhưng dấu vết còn để lại.
Cả một vùng rộng lớn nằm dưới rừng cây um tùm là một vị trí đóng quân của một đại đơn vị, cỡ hai tiểu đoàn.
Có ít nhất bốn vị trí phòng không 12.7 ly và hai vị trí DKZ 75 ly!
Mặt đất phủ đầy vỏ đạn đại liên 12.7 ly và 75 ly.
Thì ra trước lúc rút, địch đã giải tỏa gánh nặng đạn súng cộng đồng bằng cách bắn tự do gần nửa giờ đồng hồ!
Vậy mà tôi cứ tưởng, địch bắn để dọn đường cho một cuộc tấn công!
Rõ ràng là địch rất đông, nhưng chúng không cố ý giao tranh.
Chúng chỉ phản ứng khi chúng tôi bén mảng vào khu rừng mà chúng trú ẩn.
Nếu trưa hôm qua địch cố tình chạm mặt, thì đại đội tôi khó tránh một tổn thất nặng nề.
Bao quanh vòng đai phòng thủ là một hệ thống dẫn nước, chứng tỏ rằng đơn vị Cộng-Sản này đã đóng quân ở đây ít nhứt là một tuần lễ.
Giữa khu rừng có một mái tranh nhà bếp với bốn cái lò và bốn cái chảo gang thật lớn. Ðịch rút lui gấp gáp quá nên đã bỏ lại tất cả dụng cụ nhà bếp.
Sát nách nhà bếp là bốn năm ụ đất mới cao nghệu, đó là mồ chôn tập thể các cán binh Cộng-Sản vừa tử trận.
Trên mặt đất loang lổ vết đạn đại bác và hố bom, đầy máu và bông băng cứu thương. Có nhiều mảnh da thịt, cùng nhiều đoạn xương tay, chân người chết văng vãi trên nền đất và trên bờ, bụi.
Trong số những đồ đạc địch còn bỏ lại có một bàn tiếp hậu súng cối 82 ly, một chân ba càng súng 12.7 ly, gần chục quả đạn cối 82 ly chưa gỡ chốt an toàn, vài cái nón cối vỡ nát, vài cái ba lô rách bươm.
Tôi đọc được trong một quyển nhật ký những tin tức liên quan tới xuất xứ địch: Thì ra đây là vị trí phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn E 24 /Mặt Trận B3 Cộng-Sản.
Tháng trước chúng tôi đã đánh nhau với E 24 một trận rất dữ dội ở Chư Pa. Ngày đó Trung Ðoàn E 24 đã bị tổn thất nặng; nhưng tôi không ngờ họ đã được bổ sung và phục hồi nhanh quá!
Tài liệu cho tôi biết Bộ Chỉ Huy E 24 nằm ở đây cùng các đơn vị bảo vệ, nhưng không rõ những tiểu đoàn tác chiến của E 24 nằm chỗ nào?
Chắc chắn Trung Ðoàn E 24 này đã về bí mật ém quân cả tuần lễ trong khu rừng này.  Nơi đây chỉ cách làng Plei Blang 3 một cánh đồng cỏ và một thung lũng cạn. Phi cơ trinh sát của quân Ðồng Minh đâu ngờ địch dám cả gan về nằm sát nách đồn Dân Vệ Plei Blang 3 chưa tới hai cây số, và chỉ cách Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ không đầy một tầm hỏa tiễn 122 ly và 107 ly!
Tôi báo cáo tường tận những gì chứng kiến cho tiểu đoàn trưởng rồi đề nghị với ông ta cho tôi rút quân ra Plei Blang 3.
Ðại úy tiểu đoàn trưởng chấp thụận lời tôi ngay, nên chỉ một giờ sau hai đại đội của tôi đã có mặt trên Tỉnh lộ 509 chờ xe về Biển Hồ.
Chúng tôi ra tới mặt Tỉnh lộ 509 thì anh Trung úy Mỹ tiến tới chìa tay ra nói lời tạm biệt.
Anh ta chào tôi để trở về nhiệm sở, vì toán đề lô của anh ấy chỉ có nhiệm vụ đi theo tôi một ngày thôi.
Vài phút sau, một chiếc trực thăng đáp xuống, đón hai người lính Mỹ.
Ðúng mười giờ sáng Mùng Sáu Tết, từ hướng Pleiku, một đoàn xe Quân Vận chạy tới. Tôi cho hai đại đội chuẩn bị sẵn sàng.
Thấy chỉ có bốn chiếc xe GMC, nên tôi nhường cho Ðại Ðội 3/11 về trước, cùng những thương binh và tử sĩ. Ðại đội tôi sẽ di chuyển sau.
Nào ngờ ngay lúc đó, có tiếng trực thăng “Bạch! Bạch! Bạch!”
– Thái Sơn! Ðây Hoàng Mai!
– Hoàng Mai! Thái Sơn nghe!
– Thái Sơn cho thằng 3 về đi! Còn đơn vị của Thái Sơn có nhiệm vụ mới.
Trực thăng đáp, Ðại úy Ðàm chạy vội lại ôm tôi một cái rồi thấp giọng,
– Long chịu khó! Anh không muốn Long vất vả thêm. Nhưng đây là lệnh của quân đoàn!

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2020/01/ngay-xuan-o-bien-ho-pleiku-ky3.jpg

Trong thời gian này, quân đội Ðồng Minh đang thực hành chiến thuật “Seek and Destroy” (Seek and Destroy= Lùng và diệt địch) nên thượng cấp đã chỉ định đích danh tôi, Trung úy Vương Mộng Long và Ðại Ðội 1/11 Biệt Ðộng Quân tiếp tay với Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ cấp tốc truy lùng và tiêu diệt Trung Ðoàn E 24 Cộng-Sản.
Chúng tôi được lệnh khởi hành ngay sau khi nhận tiếp tế hai cấp số đạn và năm ngày lương khô loại C của Hoa-Kỳ.
Biết rằng,“Quân lệnh như sơn” tôi không có quyền cãi lại.
Chuyến đi này trang bị càng nhẹ càng tốt.
Tôi đành gửi khẩu cối 60 ly cùng hai anh xạ thủ khẩu súng này theo máy bay của anh Ðàm về hậu cứ.
Tôi báo cho anh Ðàm biết hiện thời tôi không còn tiền sát viên pháo binh đi theo. Lúc đó anh Ðàm mới ớ ra.
Anh hứa liều,
– Ðể mình về trình lại. Long cứ đi trước, mình sẽ thả đề lô xuống sau!
Nhận lệnh, mà trong lòng tôi cứ băn khoăn.
Tôi chẳng hiểu vì ý gì mà cấp trên lại bắt đại đội tôi làm công tác “lùng và diệt địch” này.
Muốn “lùng địch” thì cứ tung ra vài ba toán Trinh Sát hay Viễn Thám làm công tác này chắc chắn sẽ có kết quả ngay.
Còn đem một đoàn quân hơn tám chục người kéo nhau “Rồng rắn lên mây” đi tìm dấu địch thì chẳng thích hợp chút nào!
Còn bảo rằng nhiệm vụ của tôi là “diệt địch”  thì thật là vô lý! Một đại đội Biệt Ðộng Quân đơn độc giữa rừng thì làm sao mà “diệt” được một trung đoàn Việt-Cộng?
Cuộc săn lùng địch của tôi bắt đầu từ nơi bốn cái chảo gang địch còn bỏ lại.
Tình trạng của đơn vị tôi lúc này thật là nguy hiểm vì không có ai theo giữ hông, giữ lưng. Nếu bất ngờ bị địch phát giác, chúng tôi có thể bị bao vây ngay.

Chiến thuật của tôi là dò đường theo kỹ thuật “sâu đo”. Trung đội đi đầu sẽ cử ba khinh binh một đi giữa, một bên trái, một bên phải theo đường địch rút. Số người còn lại đi theo đội hình hàng dọc.
Ban chỉ huy đại đội với khẩu đại liên của Hạ sĩ Bổng cùng một trung đội sẽ đi cách trung đội đầu một khoảng cách chừng vài chục thước.
Trung đội đoạn hậu lúc nào cũng có một toán phục kích chống theo dõi.
Khi có lệnh của tôi thì đơn vị đoạn hậu này sẽ chuyển lên thay thế trung đội tiên phong, và trung đội đang đi với tôi sẽ làm công tác đoạn hậu. Cứ như thế chúng tôi theo dấu địch mà tiến.
Chúng tôi tiến vào một khu rừng cách đấy không xa và phát hiện một vị trí hầm hào chằng chịt. Quân trú đóng ở đây cũng cỡ một tiểu đoàn trang bị nhẹ. Ngoài những cái bếp cá nhân còn nghi ngút khói, không có dấu tích gì để lại. Nơi này coi như hậu quân của đơn vị phía trước, như vậy đây là tiểu đoàn trừ bị của Trung Ðoàn E 24.
Chiều Mùng Sáu Tết chúng tôi đổ xuống một cái dốc đứng nơi đầu nguồn một con suối lớn.
Tôi thấy đem cả đại đội chui xuống cái khe này thì chết như chơi! Nếu địch phát giác ta đang ở dưới khe, chúng sẽ bố quân hai bên bờ bắn xuống là ta tiêu đời!
Với địa thế này, bắt buộc tôi phải thay đổi đội hình.
Tôi cho Trung đội 3 tiếp tục đi theo dấu địch nhưng tự lo liệu an ninh đằng sau.
Tôi cùng hai trung đội còn lại dàn hàng ngang chiếm lĩnh đỉnh đồi hướng Nam con suối.
Ðỉnh ngọn đồi này là một khu đất rộng như một bình nguyên đầy cỏ hôi và cây thấp.
Tin tưởng rằng bây giờ đang còn là cuối mùa khô Cao Nguyên, chắc chắn đêm sẽ không mưa, và dấu địch sẽ còn đó, nên tôi cho anh em hạ trại đóng quân, sáng ngày sau sẽ tiếp tục lên đường.
Sáng sớm ngày Mùng Bảy Tết Kỷ Dậu tôi tới chân thác Ia Kha.
Trung đội 3 của Thiếu úy Biện đi dưới khe theo chân địch, đã báo cáo rằng, cách Thác Ia Kha hai trăm thước là nơi tụ hội của những con đường xe be đầy dấu giày vải đi rừng và dấu dép râu Trường Sơn do địch vừa để lại.
Tôi báo cáo chi tiết tin tức thu lượm được cho tiểu đoàn, đồng thời đề nghị hai hỏa tập tiên liệu phòng khi tôi chạm địch.
Tôi không có tiền sát viên pháo binh đi theo, muốn xin pháo yểm, tôi phải gọi qua tiểu đoàn, tiền sát viên của tiểu đoàn sẽ chuyển tiếp. Nếu phải đánh nhau, cần yểm trợ mà phải đi qua hai chặng đường liên lạc thì quả là rắc rối quá, tâm trí đâu mà lo điều quân, chỉnh pháo?
Tới trưa, Ðại úy tiểu đoàn trưởng thông báo cho tôi,“Quân đoàn ra lệnh cho Thái Sơn cấp tốc bám sát vết chân địch quân!”
Tôi bỏ ngoài tai cái lệnh thúc quân của quân đoàn, rồi án binh bên bờ Ðông của Ia Kha chờ đợi.
Sương chiều phủ kín, tôi cho quân lặng lẽ vượt thác Ia Kha tiến về hướng Tây. Ði được chừng một cây số, tôi dừng quân hạ trại.
Sáng Mùng Tám Tết Kỷ Dậu chúng tôi tiếp tục theo dấu địch. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã vào vùng của dân khai thác lâm sản.
Hiện thời tôi đã ở một nơi xa làng Plei Blang 3 gần mười cây số. Tôi cũng đã cách xa bộ chỉ huy tiểu đoàn bảy, tám cây số rồi.
Mặc dù bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng quân trên núi Chư Xang có cao độ 812 mét, nhưng liên lạc vô tuyến của tôi và bộ chỉ huy tiểu đoàn đã yếu dần, bởi vì máy truyền tin của tôi chỉ có ăng ten lá lúa, xung quanh tôi lại là rừng già, núi đá âm u.
Ðứng trên đỉnh đồi mà tôi nghe tiếng quân bạn còn rất khó khăn, nếu tôi tụt xuống lòng suối hay đi trong thung lũng sâu thì coi như vô phương.
Thế rồi sau khi đi lẩn quẩn, loanh quanh một hồi, chúng tôi đặt chân lên một con đường voi thồ nằm dưới tàn lá cao ngút, rừng núi hoang vu. Con đường thồ này theo hướng Tây Nam, dẫn tới một buôn làng cũ.

Ngay giữa ngôi làng này xuất hiện một đường chuyển quân nữa từ hướng Nam đi lên.
Nơi hai cánh quân gặp nhau, cỏ bị rạp xuống như một sân đá bóng, bao thuốc lá, bao bọc lương khô Trung Cộng vứt đầy. Chắc địch đã tập họp tại nơi này trước khi di chuyển tiếp.
Căn cứ vào những vết giày dép in trên mặt đất còn rất mới, tôi đoán rằng địch vừa rời khỏi chỗ này chừng một giờ thôi.
Tôi cho quân ngừng lại, chui vào bụi, rồi báo cáo sự việc cho tiểu đoàn. Sau đó chúng tôi tiếp tục theo dấu địch.
Ra khỏi vị trí tập trung chừng nửa cây số thì địch chia làm hai. Cánh quân phụ, ít dấu chân, thì rẽ về Bắc, cánh quân chính nhiều dấu chân hơn, tiếp tục đi về Tây Nam.
Tôi báo cáo tọa độ phân tán của địch cho tiểu đoàn rồi ngồi chờ lệnh.
Không lâu sau, tiểu đoàn cho tôi hay, vùng hướng Bắc của tôi hiện thời có một đơn vị Mỹ đang hành quân diều hâu, nhiệm vụ của tôi là cứ tiếp tục bám sát cánh quân chính của Việt-Cộng.
Ði được chừng vài trăm mét nữa thì trời tối, tôi cho dừng quân nghỉ đêm.
Nửa đêm chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng bom chùm theo nhau nổ “Bùng! Bùng! Bùng! …”
Pháo đài bay B 52 vừa đánh một Box cách tôi chừng năm hay sáu cây số về hướng chính Bắc.
Mờ sáng B 52 lại đánh thêm một Box nữa cách tôi chừng năm hay sáu cây số về hướng chính Tây.
Sáng Mùng Chín Tết chúng tôi tiếp tục lên đường, dấu vết địch cho thấy chúng rút về hướng núi Chư Prong.
Tôi đoán chừng, đoàn quân này có nhiều thương binh đi theo, vì lâu lâu lại có những mẩu bông băng dính máu còn vương vãi. Có lẽ vì lý do này mà chúng đã di chuyển hơi chậm.
Chiều Mùng Chín Tết lại có thêm hai Box bom B52 đánh ngay chân núi Chư Prong và triền Tây của núi Chư Grêti.
Tối Mùng Chín Tết đại đội tôi đến bờ Ðông của suối Ia Brông. Lúc này quân của tôi đã cách Chư Prong chừng sáu cây số.
Chúng tôi vượt suối trong đêm, tiến thẳng về hướng Tây chừng nửa cây số.
Tôi giấu quân bằng cách cho anh em hàng một chui vào rừng cỏ hôi và gai mắc cỡ. Cả đại đội yên tâm ngủ, chỉ có một vọng gác đôi đặt ngay chỗ chúng tôi chui vào rừng.
Nửa đêm tôi lại nghe B 52 đánh hai đợt nữa, một ở hướng Tây Bắc, một ở hướng chính Bắc. Tôi có cảm tưởng rằng B 52 đang mở đường cho đơn vị tôi đi theo?
Ðầu tháng Giêng Âm Lịch, khí hậu Cao Nguyên đang còn trong thời gian lạnh nhứt.
Chúng tôi đi trong rừng, rừng âm u, giá buốt thấu xương, thèm thuốc lá lắm.
Trong túi tôi lúc nào cũng có cái bật lửa Zippo có khắc giòng chữ “Ta Là Vua”. Trong ba lô của Binh 1 Phạm Công Cường lúc nào cũng sẵn một cây thuốc lá Lucky không đầu lọc.
Vả lại, ngày Mùng Sáu Tết chúng tôi đã được tiếp tế năm ngày lương khô loại C của Mỹ. Mỗi khẩu phần loại C đều có một bao thuốc lá năm điếu Pall Mall.
Vậy mà từ trưa Mùng Sáu Tết cho tới bây giờ tôi vẫn nhịn thèm, không dám đụng tới cái Zippo và bao Lucky.
Thuộc cấp của tôi cũng vậy, từ ông Thiếu úy Trần Dân Chủ, đại đội phó, tới anh chàng nấu cơm cho tôi là Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng chỉ chờ tôi vẩy cái nắp bật lửa Zippo cho nó kêu một tiếng “Teng!” rồi thấy tôi bắt đầu đốt thuốc, là họ “nhào” theo ngay!
Nhưng tôi biết rõ, mùa này gió thổi từ Ðông sang Tây, một trung đoàn Việt-Cộng đang ở hướng Tây.
Nếu chúng tôi đốt thuốc lên, chắc chắn chỉ vài phút sau địch quân đã biết chúng tôi đang ở chỗ nào. Và chắc chắn không lâu sau, Thần Chết sẽ xuất hiện.
Tôi cứ tự nhắc nhủ rằng “Mình đang đi trong vùng địch. Bên trái, bên phải mình không có ai giữ hông, đằng sau mình không có ai đoạn hậu.”
Chi bằng “Thủ thân vi đại!”  cứ tự mình giữ lấy cái thân cho mình! Vì thế chúng tôi đành bấm bụng nhịn thèm.
Mờ sáng, tôi thức dậy khi nghe không xa về hướng Tây có tiếng máy thu thanh! Tôi lấy làm ngạc nhiên, tưởng mình đang còn ngủ, đang nằm mơ?

Nhưng rõ ràng tai tôi đang nghe ban nhạc The Animals trình bày bài “House of The Rising Sun”
Tôi thấy anh em đại đội đều đã thức và đang ngơ ngác như tôi, đang nghe nhạc giữa rừng già!
Tôi ngoắc tay cho Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và Binh 1 Phạm Công Cường vạch rừng để ba người chui ra tìm nơi phát ra tiếng nhạc.
Ba thầy trò tôi chui ra một cánh đồng cỏ tranh rộng chừng hai trăm mét mỗi chiều. Bên kia bãi cỏ là một vạt rừng cây gai. Ðằng sau vạt cây gai có thêm một rừng cỏ tranh nữa. Quanh bãi tranh này có bờ đất đỏ đã được cơ giới ủi cao. Sau bờ đất là những khẩu súng đại bác 105 ly của Hoa-Kỳ!
Các ông lính pháo binh Mỹ đặt chân tới đâu thì nơi đó thành một cái chợ. Tôi đã nhiều lần đi hành quân chung với pháo binh Hoa-Kỳ nên không lạ gì cảnh này.
Cũng may! Nếu đêm qua tôi mà đi thêm vài trăm mét nữa là đâm đầu vào nơi trú quân của pháo đội Mỹ này rồi!
Ðêm tối không nhận ra nhau, chắc chắn thế nào cũng có người chết!
Không kịp báo cáo sự việc cho thượng cấp, tôi vội vàng, hối hả đem quân rời xa nơi đây càng nhanh càng tốt.
Cứ đội hình hàng một, chúng tôi đi như chạy về hướng Nam, bất kể, lên đồi, xuống dốc, qua suối qua khe!
Chừng hơn một giờ đồng hồ sau, nhìn thấy Tỉnh lộ 509 dưới chân ngọn đồi trước mặt, tôi cho anh em ngừng lại quây thành một vòng tròn, kiểm điểm quân số. May quá! Không có tổn thất!
Trong khi Binh 1 Nguyễn Thiên loay hoay thay cục điện trì mới cho cái máy truyền tin thì tôi lo gióng hướng tìm tọa độ chính xác nơi mình đang đứng.
Thì ra lúc này tôi đang ở một nơi cách Plei Blang 3 mười hai cây số về hướng Tây, và cách Chư Prong hơn bảy cây số về hướng Ðông Nam.
Thấy giờ này đang là ban ngày ban mặt, chắc chắn không có gì đáng sợ, nên tôi cho quân ngồi nghỉ để ăn cơm trưa.
Ðứng trên đỉnh đồi lộng gió, tôi thọc tay vào túi quần, lôi cái bật lửa Zippo ra. Ngón tay cái của tôi ép sát cái nắp Zippo, tay tôi vẩy nhẹ một phát thật điệu nghệ,
“Teng!”
Tôi vừa “Khai hỏa” thì lập tức đàn em của tôi cũng “Ðốt đuốc” theo. Ðỉnh đồi phút chốc nghi ngút khói trắng. Gió Ðông thổi ào ào! Khói thuốc tan nhanh theo gió…
Chúng tôi gân cổ rít khói cho đầy buồng phổi.
Sau khi nghỉ một hồi cho lại sức, tôi gửi một toán tiền sát xuống thăm thú con đường 509, thành phần còn lại chia nhau canh gác và nằm nghỉ ngơi cho khoẻ.
Hôm nay đã là Mùng Mười Tết rồi, ngày mai chúng tôi hết lương khô.
Nếu không được về Pleiku, chắc chúng tôi phải chờ tiếp tế.
Mấy ngày nay bận quá, tôi không có thì giờ rửa mặt, cạo râu, mặt tôi giờ này chắc là xồm xoàm râu tóc rất khó coi.
Chú Hoàng vừa xuống suối xách về một nón sắt nước cho tôi rửa mặt.
Nào ngờ, chưa kịp vục mặt vào nón nước mát, thì bên tai tôi có tiếng,”Xèo! Xèo! Oành! Oành! …”
Ðạn đại bác réo, đạn rơi ngay trên đồi!
Không ai bảo ai, mọi người vội nằm bẹp xuống đất để khỏi mất đầu.
Tôi với cái máy PRC 25 gọi cho tiểu đoàn. Trong máy chỉ nghe tiếng “Ẹc! Ẹc! Ẹc! …”
Ở nơi quá xa, máy của tôi lại không có ăng ten cao, nên không ai nghe được tiếng tôi kêu cứu.
Tôi nằm ngửa, nên thấy một chiếc trinh sát cơ L 19 đang bay vòng vòng trên trời.
Tôi chợt vỡ lẽ, chắc chắn chiếc L 19 kia chính là thủ phạm đang muốn giết tôi!
Tôi vặn cần máy PRC 25 qua tần số không lục rồi la lớn,
– Check Fire! Check Fire! We’re Rangers! (Ngưng pháo! Ngưng pháo! Chúng tôi là Biệt Ðộng Quân!”
Có lẽ người đang bay trên L19 đã thấy chúng tôi không phải là Việt-Cộng nên cho lệnh ngưng bắn.
Anh phi công đảo cánh một vòng sát trên đầu tôi, đưa tay vẫy vẫy chúng tôi vài cái trước khi bay về hướng Bắc.

Kỳ cuối

Tôi ra lệnh cho Binh 1 Nguyễn Thiên gắn cái ăng ten 7 đoạn vào máy truyền tin để liên lạc với Núi Chư Xang. Vừa nghe tiếng tôi, anh Ðàm đã không giấu nổi nỗi vui mừng,
– Cám ơn Trời Ðất đã che chở cho chú! Tối qua anh mới nhận được lệnh “Stop” chú lại, đừng đi về hướng Tây nữa. Bên trái trục dọc ZA… là vùng hành quân của Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ ở trại Plei Djereng. Anh gọi khan cả cổ mà không nghe được tiếng chú trả lời!
Tôi cười,
– Không sao! Không sao!
Ít phút sau tôi được lệnh gom quân sẵn sàng để trực thăng Hoa-Kỳ tới đón.
Trưa Mùng Mười tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1969 Ðại Ðội 1/11 về tới bãi trực thăng bên hông Chợ Biển Hồ.
Cư dân Biển Hồ còn đang ăn Tết muộn.
Trong sân nhà thờ, lũ con nít chen vai nhau xem cái đầu lân múa may.
Trên sân chợ, nhiều người, lính và vợ lính, xúm quanh những cái chiếu xóc dĩa và bầu cua, cá cọp.
Không có ai đón chúng tôi về.
Sau khi cho anh em lau chùi vũ khí, chia phiên canh gác và xuất trại, năm sĩ quan của đại đội tôi gồm có Trung úy Vương Mộng Long, Thiếu úy Trần Dân Chủ, Thiếu úy Nguyễn Hữu Vy, Thiếu úy Ðinh Quang Biện và Chuẩn úy Ðàm Quang Hạ Long theo chân nhau leo lên chiếc Jeep của đơn vị rồi rồ máy, nhắm hướng Pleiku.
Nơi chúng tôi ghé đầu tiên sẽ là Quán Kim Liên trên đường Hoàng Diệu.
Tôi quen nhà Kim Liên này từ cuối năm 1966, khi mới chân ướt, chân ráo từ Ðà Nẵng thuyên chuyển vào đây.
Ông cụ, bà cụ thân sinh ra chị chủ quán có tám người con, hai trai, sáu gái.
Xem thêm:   Trần Trọng Kim & Một Cơn Gió Bụi
Chị Liên, chủ quán Kim Liên là người con thứ ba. Chồng chị làm nghề Thông dịch viên cho Mỹ.
Vừa thấy mặt tôi, chị Liên đã vội quay mặt vào trong nhà lớn tiếng gọi,
– Bà ngoại ơi! Cậu Long về rồi!
Một cụ bà Bắc Kỳ, đầu quấn khăn vành dây chạy ra nắm tay tôi,
-Thằng này đi đâu mà mất tăm mất tích mấy ngày Tết? Mẹ để dành cho mày hai cái bánh chưng và một cái giò lụa mà mãi không thấy mày về, mẹ lo quá!
Tiếp đó là bé Lân, con gái út của bà cụ bưng ra một mâm bánh chưng, chả lụa, dưa hành.
Lân lí nhí,
 Phần của anh đây!
Ðang lúc đói lòng, không khách sáo, năm anh em chúng tôi cầm đũa mà chẳng chút ngại ngùng.
Khách của quán kem Kim Liên đa phần là lính và công chức. Nhiều người thường xuyên ghé đây nên quen nhau. Một anh bạn giáo viên sà xuống bàn tôi gợi chuyện,
– Nghe nói mấy ngày nay Tiểu Ðoàn 11 chạm nặng trong Plei Blang 3. Yên chưa mà các anh đã về ngồi đây rồi?
Tôi lừ mắt để bốn ông sĩ quan dưới quyền tịnh khẩu, rồi cười,
– Không có chi! Ðánh nhau chưa tới một ngày là tụi Việt-Cộng đã bỏ chạy mất tiêu rồi!

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2020/01/ngay-xuan-o-bien-ho-pleiku-ky-cuoi-442x600.jpg

Mùng Một Tết Mậu Thân năm ngoái, chính tôi là người đã chỉ huy đơn vị Biệt Ðộng Quân xuất phát từ mái hiên của Quán Kim Liên này để tái chiếm cái doanh trại Ðịa Phương Quân bị Việt-Cộng chiếm trên đầu con dốc cách Kim Liên chưa đầy hai trăm thước.
Và sau đó, máu từ vết thương trên ngực tôi đã đọng thành vũng trên đường Hoàng Diệu này.
Mới trải qua một cái Tết Mậu Thân thôi, người dân Pleiku đã sợ lắm rồi! Tôi không muốn đồng bào tôi sợ hãi thêm.

Vì thế, tôi không muốn nói cho người dân Pleiku biết Pleiku vừa thoát một đại họa giống như Tết Mậu Thân vừa rồi.
Vì thế, tôi không muốn kể cho người dân Pleiku biết chuyện một trung đoàn Cộng Sản đã nằm sát nách Pleiku và sẵn sàng ào vào thành phố.
Nếu ngày Mùng Năm Tết năm Kỷ Dậu (1969) mà tôi không tình cờ chạm trán với chúng, khiến cho chúng bị bại lộ tung tích, phải vội vàng tháo chạy, thì có lẽ giờ này Pleiku đã lâm vào cảnh đổ nát điêu tàn, nhà cháy, đạn bay.
Pleiku sẽ lại tái diễn cảnh xác người phơi đầy đầu đường, cuối phố.
Ít bữa sau, nhân dịp đi họp để nhận lệnh tăng phái cho Không Kỵ Hoa-Kỳ, tôi được gặp mặt ông Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II và được biết rằng, sở dĩ quân đoàn ra lệnh cho đại đội tôi đeo theo dấu vết Trung Ðoàn E 24 Cộng-Sản là vì thượng cấp tin tưởng khả năng của đại đội tôi, dù phải đương cự với một trung đoàn Việt-Cộng thì chúng tôi vẫn có thể cầm chân địch ít nhất vài giờ.
Tuy đơn vị tôi đi đơn độc, nhưng lúc nào cũng có một toán tiền sát pháo binh, hai tiểu đoàn bộ chiến và một phi đoàn trực thăng của Sư Ðoàn 4 Mỹ sẵn sàng nhảy xuống nếu tôi chạm địch.
Tới lúc này tôi mới biết, bộ chỉ huy hành quân đã dùng đại đội tôi như một con mồi nhử cho Trung Ðoàn E 24 của Mặt Trận B3 Cộng-Sản lộ diện để quân Mỹ nhảy xuống bao vây và tiêu diệt.
Có điều ngoài dự trù của bộ tham mưu là chúng tôi không đem theo nồi niêu, không khói lửa, không lều võng, mọi người lại bấm bụng nhịn thuốc lá suốt thời gian di hành, nên chúng tôi cứ đeo sát sau lưng mà địch không hay. Ðịch đã không lộ diện, quân Ðồng Minh không cần nhảy xuống đánh nhau, nhưng nhờ có những tin tức chính xác do tôi báo cáo mà Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ đã có những Box bom B52 đánh chận đầu địch thật là hiệu quả.
Sau này tôi được biết trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1969, Trung Ðoàn E 24 của Mặt Trận B3 Cộng-Sản đã bị pháo đài bay B52 Hoa-Kỳ đánh bom trúng đội hình, bị xóa tên và giải thể.
Hai tuần lễ sau ngày Ðại Ðội 1/11 chạm địch tại Plei Blang 3 tôi ghé Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân thăm Thiếu úy Duyên.
Tại Ban Tài-Chánh của liên đoàn, tôi chứng kiến cảnh ông Thượng sĩ Ðăng phát hướng viên, vừa đếm tiền, vừa hằn học với một chị quả phụ,
– Thôi nhé! Tôi mong rằng đây là lần sau cùng, chị Hoàng Thị Ðại Liên gặp tôi để lãnh tiền tử đấy nhé! Tôi làm nghề phát lương từ khi Vùng 2 bắt đầu có Biệt Ðộng Quân tới giờ. Chị lãnh tử tuất lần này là lần thứ ba. Từ nay chị đi đâu thì đi! Chị lấy lính gì thì lấy! Ðừng lấy lính Biệt Ðộng Quân nữa!
Người đàn bà mặc đồ tang, nức nở khóc,
– Tội nghiệp em lắm Thượng sĩ ơi! Em đâu có ngờ. Nếu biết cớ sự này, em đâu dám lấy chồng? Em chỉ thương lính Biệt Ðộng Quân thôi! Em không thương lính gì khác cả! Nếu không cho em thương lính Biệt Ðộng Quân thì em biết thương ai đây?

VƯƠNG MỘNG LONG
(Seattle, Xuân 2020)



 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top