• Biên Khảo Nguyễn Văn Nghệ BƯỚC QUA THẬP TỰ


• Biên Khảo Nguyễn Văn Nghệ


BƯỚC QUA THẬP TỰ



Đạo Công giáo dưới thời vua Gia Long và những năm đầu thời vua Minh Mạng tương đối bình yên. Lệnh bắt đạo được manh nha bắt đầu từ vụ tranh nhau đất làng giữa hai làng Dương Sơn và Cổ Lão (1):

“Dương Sơn, Cổ Lão cơ cầu
Kiện nhau giới hạn, tranh nhau đất làng
Dương Sơn có đạo vẹn toàn
Cổ Lão không đạo quyết toan gây thù
Bởi lòng giận ghét phao vu
Trước vô phủ huyện, sau vô pháp đường
Rằng: “Đạo ỷ thế Tây dương
Phan Kinh đạo trưởng(2) mối giường đôi co
Cao minh chậu úp khôn dò
Việc đầu thời nhỏ sau to bằng trời”(3).

Theo linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) sau vụ “Kiện nhau giới hạn, tranh nhau đất làng” đã dẫn đến việc vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm đạo trên toàn quốc:

“Chỉ truyền cấm đạo mọi nơi
Minh Mạng trị đời năm thứ mười ba
Bắc Nam khắp chốn gần xa
Đạo đường triệt hạ các cha tử hình
Giáo nhơn ai chẳng thuận tình
Trảm giảo lập tức lôi đình oan gia
Ai mà thập tự bước qua
Ấy là thiên thiện chỉ tha về nhà”.

Trong bản điều trần của Linh mục Đặng Đức Tuấn dâng lên vua Tự Đức (nguyên bản điều trần không có đề tựa, người đời sau đặt cho bản điều trần đó tên “Minh đạo bình Tây sách” có đoạn nhắc đến việc vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo: “Chí Minh Mạng thập tam niên, nhân hữu thù tật đạo giáo trung nhân, kỳ thủy giả đồ mưu vụ hại, dĩ khoái kỷ tư thù, kỳ chung dã toại trí la hình nhi nhương thành đại họa. Tự thị, thủy hữu cấm chỉ chi lịnh. Ty âm nhứt giáng, thiên hạ chi nhân đô mục chi vi vô quân vô phụ chi đồ, nhi phàm tạ đoan tư sự giả, mỗi mỗi chấp thử lệ dĩ vi sấu nhân phì kỷ chi tư! Sử tuân phụng Thiên Chúa giả, hình ngục tương kế, bị lụy vô cùng, động nhiếp hiệt sưu, vô sở khống tố. Trí an phận thư pháp chi lương dân, thụ hàm oan ư quang thiên hóa nhật chi hạ” (Kịp đến năm Minh Mạng thứ 13, nhân có người thù hiềm với giáo dân, lúc đầu chỉ là việc vu cáo, hãm hại để trả thù riêng mà về sau oan ngục liên miên, gây thành họa lớn. Từ đó, mới bắt đầu có chỉ dụ cấm đạo. Tiếng ty ngôn đưa xuống, sợi tơ vụt lớn như bánh xe, người trong nước đều coi giáo dân là phường không vua không cha rồi những kẻ hiếu sự, bất cứ việc gì cũng cứ vin theo lệ ấy để cho thỏa lòng tham bạo, lấy của người làm giàu cho nhà mình.Thành ra, những người theo đạo Da Tô kế tiếp nhau vào nhà tù, bị lụy vô cùng, xiềng xích gông cùm, không mở miệng kêu oan vào đâu được. Đến nỗi, dưới ánh mặt trời sáng sủa, trong vòng giáo hóa nhân ái của nhà vua mà một lũ dân tuân giữ phép nước, phụng sự hoàng triều lại chịu hàm oan thảm thiết – Giáo sư Lam Giang dịch)
Sự thực là sau vụ Dương Sơn, Cổ Lão, những viên chức làng Công giáo Dương Sơn “bị đóng gông một tháng, khi mãn hạn phải đánh 100 trượng, rồi phân phát đi làm lính ở các nơi Quảng Ngãi, Thanh Hoa(4). Ngoài ra đàn bà đàn ông ở dân ấy bị đánh roi, đánh trượng rồi tha. Đạo trưởng Phan Văn Kinh thì tâu xin xử tội giảo giam hậu, đợi lệnh, nhà thờ đạo thì dỡ đi”. Riêng đạo trưởng Phan Văn Kinh “vì là người ngoại di ở phương xa, chưa thuộc pháp độ, được gia ơn cho làm lính ở phủ Thừa Thiên, nhưng bị quản thúc nghiêm nhặt hơn và không cho ra ngoài để truyền giáo”(5)

Cho tới cuối năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua chỉ mới ban hành những biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế hoạt động của các vị Thừa sai nước ngoài (gom các Thừa sai về Kinh đô gọi là để dịch sách) chứ chưa ban hành một biện pháp chung nào chống lại đạo Công giáo.
Tháng 11 năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng dụ bộ Hình rằng:

Đạo Da Tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ: cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi…

Tiếp đến vua Minh Mạng:

truyền dụ Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh bá cáo khắp quan, quân, dân, thứ trong hạt. Có ai trước đã trót theo đạo Da Tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối, thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ: bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng, thì ra lệnh cho hủy triệt đi. Bao nhiêu việc mê tín sai lầm trước đó đều không xét nữa. Sau phen răn bảo thiết tha này, nếu kẻ nào không chừa thói cũ còn dám lén lút tụ tập nhau, cam tâm vi phạm lệnh cấm, một khi phát giác ra thì liền trị tội nặng. Lại nghiêm cấm lũ võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tạ sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiễu dân. Kẻ nào vi phạm sẽ phải tội”(6).

Như vậy vào tháng 11 năm Nhâm Thân (cuối năm 1832, đầu năm 1833) lệnh bắt đạo được chính thức ban hành. Khi người Công giáo bị bắt tới công đường, biện pháp đầu tiên là “quá khóa” (nhảy qua thập tự).

Bước qua ( nhảy qua) thập tự gọi là “quá khóa” (quá khóa là âm Hán Việt. Trong chữ Hán, Quá thuộc bộ “sước” 9 nét có nghĩa là qua, vượt qua; Khóa thuộc bộ “túc” 6 nét có nghĩa là vượt qua, nhảy qua. Quá khóa có nghĩa là vượt qua, nhảy qua).

Triều đình đã “Truyền dụ cho các quan trực tỉnh thông sức cho quân dân trong hạt biết, ai trót theo đạo Da Tô, đã từng được quan cho nhảy qua thập ác xin bỏ đạo thì nay nên hối cải, hẳn không được mặt thuận lòng trái, lại theo tà giáo; ai chưa bỏ đạo thì đều đến tỉnh thành trình bày thú thật, liền cho nhảy qua thập ác, giày đạp lên 2, 3 lần, xét là do ở chân thành thì lập tức cho về”(7).

Khi bị bắt tới quan mà không chịu quá khóa:

Tới quan truyền bảo một khi
Hễ bay xuất giáo tao thì tha cho
Đứa nào cứng cổ cượng co
Dây roi có đó, nọc vồ có đây
Bây đừng quen thói dại ngây
Đạo Ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ
Khá tua cải quá bây giờ
Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha
Chẳng nghe tao cũng xẻ da
Phước đâu chưa thấy tội ra hằng hà”.

Bản thân Linh mục Đặng Đức Tuấn đã từng bị quan tỉnh Quảng Ngãi bắt quá khóa, nhưng do Linh mục ứng đối có tình có lý nên thoát khỏi “tấn tra” và được quan trên khen:

“Sáng ngày Bố, Án(8) ngồi cao
Đòi Tuấn vào đó, lẽ nào phải khai
Dạy đem sách lễ ra ngoài
Giở nơi có ảnh hình hài Chúa ta
Quan rằng: “Tuấn phải bước qua
Chẳng làm thì phải tấn tra bây giờ”
“Bẩm ông xuống phước tôi nhờ
Ảnh này hình Chúa tôi thờ xưa nay
Thờ vua còn phải hết ngay
Thờ Chúa đâu dám đạp giày thế ni?
Ngày xưa lòng đã kính vì
Ngày nay trở mặt đạp đi sao đành?
Ông lớn rộng lượng thẩm tình
Vốn tôi chẳng dám mạn khinh Triều đình”
Bố rằng: “Hắn nói cũng minh”
Dạy đem sách lễ ngoài dinh trở vào”.

Những người đạo đức “linh chinh” thấy quan trên hù dọa liền bước qua thập giá xin bỏ đạo:

“Những người đạo đức linh chinh
Lo sợ xác đất, u minh phước trời
Vào quan chưa hỏi một lời
Đã lo xuất giáo ở đời cho an
Nghĩ rằng: liều mạng bước ngang
Mai sau thỉnh thoảng sẽ toan lo liều”.

Ngoài những người “đạo đức linh chinh” quá khóa, cũng có vài đạo trưởng (linh mục) cũng quá khóa. Đại Nam thực lục cho biết: “Còn như Phạm Văn Duyệt, Mai Văn Hiền là người nước nhà học đạo trở thành đạo trưởng, một khi chịu đạp phá thập giá mà bỏ tà đạo về chính giáo thì triều đình lập tức tha tội, nay chúng hiện ở nhà an dưỡng, hưởng trọn tuổi trời, sung sướng biết dường nào”(9).
Gioan Phạm Văn Duyệt(10) thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài, Vincente Mai Văn Hiền(11) thuộc địa phận Đông Đàng Ngoài. Theo báo cáo của các Thừa sai là hai vị này đã được hòa giải nhưng không cho thi hành chức vụ. Theo Louvet: “Đó là hai linh mục bản xứ duy nhất chối đạo”(12).
Nhưng theo Đại Nam thực lục còn có linh mục Nguyễn Văn Thiều tuy bước qua thập tự nhưng vẫn bị xử chém: “Tỉnh Nam Định bắt được các tên đạo trưởng Da Tô là Đinh Viết Dụ, Nguyễn Văn Xuyên (đều người bản quốc)(13), sai nhảy qua thập tự, chúng đều không chịu. Quan tỉnh đem việc ấy tâu lên. Vua sai giết chết và thưởng cho kẻ tố giác 600 quan tiền. Lại có tên đạo trưởng là Nguyễn Văn Thiều lẩn trốn ở nhà dân, đào hầm ẩn thân, làm vách hai lần để giấu kinh đạo, lại làm bài “Thán đạo ngâm” (Thở than cho đạo Da Tô) dụ dỗ những kẻ theo đạo kiên tâm giữ đạo. Tỉnh phái thám bắt được. Thiều xin nhảy qua thập tự cầu tha cho tội chết. Quan tỉnh cho là tình tội của y tương đối nặng, điều mà y thỉnh cầu không phải xuất phát tự chân tâm, xin khép tội trảm quyết. Vua theo lời”(14).
Có những người sau khi nhảy qua Thập tự, xin bỏ đạo, sau đó hồi tâm ăn năn và đến trước quan tuyên xưng đức tin. Tháng 8 năm Mậu Tuất (1838)Tổng đốc Định- Yên (Nam Định và Hưng Yên) là Trịnh Quang Khanh tâu nói: “Biền binh các cơ thuộc tỉnh ấy phần nhiều theo đạo Da Tô, đã sức cho bước qua thập tự, trong đó có bọn Phạm Viết Huy, Đinh Đạt, Bùi Đức Thể 2, 3 lần dụ bảo, đều xin chết theo Thiên Chúa, vẫn không chịu bước qua, xin nên xử tội chém”.

Vua Minh Mạng bảo:

Bọn chúng chỉ ngu xuẩn chấp mê nhất thời, so với người cưỡng hiếp tội nặng, tình tội có khác, gươm búa đã chém, muốn hối sao được, lòng trẫm thương xót hiếu sinh, không nỡ thế, chuẩn cho đem đến bãi biển, sai bước qua chữ thập, bảo cho bọn chúng tính mệnh ở giây phút, nếu không bước qua, tức thì chém đầu quăng xuống biển, rất không có lý lại thấy giáo chủ Da Tô, nếu chúng bước qua ngay thì là còn biết sợ, còn có một điểm lòng người cảm hối, tức cứ thực tâu lên, không thế thì chém cũng chưa muộn”.

Quang Khanh bèn đem bọn Viết Huy bảo cho họa phúc, chúng đều bước qua hơn 10 lần, sai tha cho và thưởng cho mỗi người 10 quan tiền, để khuyến khích người trót theo tả đạo hối(15).
Đến tháng 5 năm Kỷ Hợi (1839): Binh tỉnh Nam Định là bọn Phạm Viết Huy, Bùi Đức Thể(16) đến Kinh vượt bậc kêu rằng:
Ông cha chúng tôi đời đời theo đạo Da Tô, năm ngoái chúng tôi nhảy qua giá thập ác là do quan tỉnh bắt ép, không phải chân tâm chúng. Nay xin vẫn theo đạo ấy để giữ tròn đạo hiếu làm con, chết cũng không hối hận”.
Tam pháp ty đem việc ấy tâu lên vua. Vua lấy làm lạ nói:
Bọn chúng bị tà giáo dụ dỗ đã lâu, mê muội không biết hối cải. Trước tỉnh đã làm án, bộ đã phúc thẩm, người người đều nói đáng giết. Nhưng trẫm còn chưa nỡ vội khép vào pháp luật, tìm mọi cách hiểu bảo, mong chúng tỉnh ngộ. Kịp khi tỉnh ấy tâu chúng đã thành tâm bỏ đạo, thì lập tức tha ngay và lại thưởng cho. Nay chúng lại một mực ngoan ngạnh tối tăm, dám bỏ hàng ngũ vào Kinh khiếu khống. Vậy truyền cho vệ Cẩm y áp giải chúng ra bãi biển dùng búa lớn chặt ngang lưng vứt xác xuống biển”.

Riêng Đinh Đạt(17) không vào Kinh khiếu khống:
Ở tỉnh cho đem gạn hỏi lại, cũng một mực không chịu bỏ đạo, cùng đem giết cả”(18)

Vua Tự Đức lên ngôi vua chưa đầy một năm, quần thần là Nguyễn Đăng Giai, Tôn Thất Bật, Nguyễn Văn Chấn bày tâu 13 việc trong đó có việc cấm đạo Da Tô:

Xin từ nay phàm những đạo trưởng ở Tây dương lẻn đến nước ta thì cho quân dân mọi người ai có thể bắt được giải nộp quan, thưởng cho 300 lạng bạc. Còn người đạo trưởng Tây dương ấy do quan sở tại xét hỏi rõ ràng lai lịch, lập tức đem việc dâng tâu, cho đem đích thân tên phạm ấy ném bỏ xuống sông, biển. Còn như những đạo trưởng và bọn theo đạo người nước nhà, xin do các nha xét việc hình 2-3 lần mở cho biết tội, nếu họ biết hối cải bỏ đạo, bước qua cây giá chữ thập, thì thả ra ngay. Người nào không chịu nhảy qua cây giá chữ thập, thì người đạo trưởng cũng xin xử tử; các con chiên theo đạo, thì hãy tạm thích chữ vào mặt, đuổi về sổ dân. Nếu biết hối cải, thì cũng cho đến quan để trừ bỏ chữ thích ấy đi. Lại các người can phạm về theo đạo Da Tô hiện đang giam cấm, xin cũng phân biệt đạo trưởng và con chiên theo đạo, chiểu theo như trên mà làm”.

Những lời tâu ấy: “giao xuống cho đình thần bàn. Xin y lời tâu bày. Vua đều y theo cả, chuẩn cho chép để làm lệ”(19)

Ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp và Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, do nghi ngại người dân theo đạo Công giáo:

“Rằng quân Tả đạo với Tây
Một lòng sinh sự phá rày biên cương”

Cho nên vào ngày 24/9 năm Tự Đức thứ 11 (tức 30/10/1858) bộ Binh đã mật tư cho tỉnh Quảng Bình và phủ Thừa Thiên:
Lâu nay dương di gây sự ở tấn Đà Nẵng, gian dân tả đạo ở các nơi không khỏi ngóng trông ngầm thông tin tức, cần phải xét hỏi nghiêm ngặt để dứt tuyệt mầm mống. Xét ra ở quý hạt có hai cửa quan là Quảng Bình và Hoành Sơn(20) là hai nơi quan yếu và xa cách, vậy xin chuyển sức cho các viên biền trấn thủ hai cửa quan ấy hãy chế tạo ảnh tượng Da tô và thập tự giá đặt tại cửa quan, tất cả những ai ra vào, dù nam phụ lão ấu, đều bắt bước qua lại hai, ba lần, rồi mới cho đi. Nếu ai tránh né, có vẻ không bằng lòng, không chịu bước qua, tức đúng là người gian, cho phép cứ vặn hỏi do lai, lục soát khắp thân thể, nếu gặp có sách Tây dương, đồ vật Tây dương thì giải tỉnh cứu xét trị tội không để cho bọn gian qua lại mưu đồ gây chuyện mới được(…). Nay tư cho quan tỉnh Quảng Bình tuân hành. Lại nữa (châu điểm) tư di cho phủ Thừa Thiên chuyển sức cho cửa quan Hải Vân đồng thấu” (Châu bản triều Tự Đức, Q. 94, Binh bộ, tr.33-34)(21)

Sau khi Liên quân Pháp và Y Pha Nho quay vào đánh chiếm Gia Định, vua Tự Đức đã ban dụ ra lệnh dùng các biện pháp để ngăn ngừa đạo Công giáo ở Nam Kỳ, làm cho họ đừng đi theo, đừng buôn bán và liên lạc với giặc Pháp: Ra lệnh làm hình Chúa Giê su và cây thập tự đặt trên đường đi đến đồn giặc, để giáo dân không dám đi qua(22).

Hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862) được ký kết , triều đình bãi bỏ lệnh bắt đạo vào ngày 17/6 năm Nhâm Tuất (dương lịch: Chúa nhật 13/7/1862):
Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi”. Đại Nam thực lục ghi: “Lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong, nên bỏ lệ cấm đó. (Trừ ra những người thực có đích tình thông đồng với giặc do quan địa phương xét rõ trị tội thì không kể, còn các người bị giam hay an trí, thì những người đầu sỏ và trai tráng đều cho tha hết, ruộng vườn, gia sản, ra lính, tạp dịch các khoản đều tuân theo Dụ trước mà làm. Vì lệnh giam giữ năm trước, ở Nam Định rất nghiêm ngặt, đem chém hơn 4800 người, Nguyễn Đình Tân sợ bọn dân đạo để lòng thù oán theo giặc, xin một hạt Nam Định, hãy cứ giam giữ như cũ. Vua không cho) (23)

Thánh giá là gì mà tổ tiên chúng ta một mực hết lòng yêu mến và cung kính, thà chết chớ không bao giờ dám nhảy qua thánh giá?

Chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Thánh Cha Gioan-Phao lô II giải thích trong ngày Quốc tế Giới Trẻ năm 2002:

Hỡi các bạn trẻ yêu quý, qua việc tham dự chăm chỉ và nhiệt tình của các con vào việc cử hành trọng thể này, các con chứng tỏ các con không hổ thẹn vì thánh giá. Các con không sợ thánh giá Chúa Ki tô. Ngược lại các con yêu mến thánh giá và các con cung kính thánh giá, bởi vì thánh giá là dấu chỉ Đấng Cứu thế chết và sống lại vì chúng ta. Kẻ nào tin vào Chúa Giê su chịu đóng đinh và phục sinh thì ca tụng thánh giá, như bằng chứng chắc chắn Chúa là tình yêu

Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

*
Chú thich:
1- Dương Sơn, Cổ Lão: nay hai làng đều thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà. Trên đường từ Huế ra ra Văn Xá nhìn về bên tay phải, xa xa thấy tháp chuông nhà thờ Dương Sơn.
2- Phan Kinh đạo trưởng là linh mục Francois Jaccard, sinh ngày 6/9/1799 tại Pháp, tên Việt là Phan. Bị xử giảo ngày 21/9/1838 tại pháp trường Nhan Biều (bờ bắc sông Thạch Hãn, nay thuộc thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong).
3- Thơ trích từ tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” của Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ và Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã hợp trứ, In lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970.
4- Thanh Hoa: Thời Minh Mạng gọi là tỉnh Thanh Hoa, sang thời Thiệu Trị do kỵ húy tên mẹ mình là Hồ Thị Hoa, nên phải đổi thành Thanh Hóa vào tháng 7 năm Quý Mão (1843) (x. Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.515)
5- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 317.
6- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, tr.415-416
7- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 502.
8- Bố, Án: là quan Bố chánh sứ và Án sát sứ tỉnh Quảng Ngãi. Tự Đức năm thứ 13(1860) Bố chánh sứ và Án sát sứ Quảng Ngãi là Nguyễn Tăng Tín và Nguyễn Đăng Hành (x. Châu bản triều Tự Đức[1848-1883], Nxb Văn học, tr.105). Vào trước tháng 3 năm Nhâm Tuất (1862) Nguyễn Đăng Hành đã đổi vào giữ chức Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa (x.Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 763). Tháng 7 năm Quý Hợi (1863) Nguyễn Tăng Tín vẫn còn giữ chức Bố chánh sứ Quảng Ngãi. Riêng viên Án sát sứ cùng ngồi xử với Nguyễn Tăng Tín chưa tìm được danh tánh.
9- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.554
10- “ Phạm Văn Duyệt là linh mục thuộc Địa phận Tây Đàng Ngoài- Thừa sai Retord trong thư viết tháng 12/1838 (APF 12 [Annales de la Propagation de la Foi], tr.514), nói đến Gioan Duyệt đã bị bề trên cấm thi hành chức vụ: “ Tên khốn nạn này, bê tha trước khi phản đạo, đã giậm lên thánh giá nhiều lần, mặc dầu giáo hữu la ó, bạn bè khuyên nhủ…Tất cả đều vô ích”. Nhưng trong phúc trình 4/3/1842, Giám mục Retord cho biết là Linh mục Duyệt đã được hòa giải và được lãnh nhận các bí tích (SOCP[ Scripture Original delle Cogregatione Particolari delle Indie Orienali] 1841-1845 fd. 463v”. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89
11-“ Mai Đạo Hiền ( Đại Nam thực lục ghi Mai Văn Hiền- TG) là linh mục thuộc Đông Đàng Ngoài- Thừa sai Hermosilla, trong thư 22/4/1839 (APF tập 12, trang 397) viết: “ Vincent Sien (có lẽ in lầm), linh mục triều 87 tuổi”. Vị linh mục này sau khi giẫm chân lên Thánh giá đã hối hận, viết thư cho linh mục Hermosilla xin tha thứ. Linh mục Hermosilla tha tội, nhưng không cho thi hành chức vụ”. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89)
12-Eugène Louvet, La Cochinchine Religieuse, tome II, p. 110 – Paris, 1883-1885. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89.
13-Linh mục Đinh Viết Dụ, OP, bị bắt ngày 20/5/1839 tại Liễu Đề, trảm quyết ngày 26/11/1839. Linh mục Nguyễn Văn Xuyên, OP, bị bắt ngày 18/8/1839, trảm quyết ngày 26/11/1839.
14- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.583.
15- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 376.
16- Theo Trương Bá Cần thì tại địa phương họ Hạ Linh (nay là Giáo xứ Liên Thượng, Giáo phận Bùi Chu) quê hương của thánh Huy ghi là Phan Viết Huy chứ không phải Phạm Viết Huy như sổ sách triều đình ghi. Thánh Huy chết vì đạo ngày 13/6/1839 “nhà vua đích thân ra lệnh chém đầu vứt xuống biển ở cửa Thuận An”. Thánh Bùi Đức Thể chết vì đạo cùng ngày, cùng địa điểm như thánh Huy (X. Trương Bá Cần[Chủ biên], Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 776, 777. Theo Đại Nam thực lục thì hai vị thánh này bị “dùng búa lớn chặt ngang lung vứt xác xuống biển”.
17- Thánh Đinh Đạt chết vì đạo và đã chịu xử giảo ngày 18/7/1839 tại Nam Định (X. Trương Bá Cần[Chủ biên], Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.777.
18- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 503
19-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 83
20- Ở tỉnh Quảng Bình có hai cửa quan là Hoành Sơn quan trên Đèo Ngang và Quảng Bình quan ở Đồng Hới.
21- Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Namtập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 220
22- Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Châu bản triều Tự Đức[1848-1883],Nxb Văn học, tr. 67
23- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.780


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top