Trúc Giang MN, Ông Đạo Dừa với những giải pháp hòa bình cho Việt Nam

Trúc Giang MN


Ông Đạo Dừa với những giải pháp hòa bình cho Việt Nam



Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam tạo ra tại Cồn Phụng, tỉnh Bến Tre. Chủ trương Hòa đồng tôn giáo, mục đích chấm dứt chiến tranh, tạo hòa bình cho Việt Nam và thế giới. Ông Nam chỉ ăn trái cây, dừa và chỉ uống nước dừa nên được gọi là ông Đạo Dừa.
Đạo Dừa không gõ mõ tụng kinh mà chỉ ngồi thiền cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam.
Theo nhà báo Wilbur E. Garrett, là một tín đồ của Đạo Dừa, thì đạo nầy có khoảng 40,000 người, đa số là ít học.
Sau năm 1975, ông Đạo Dừa vượt biên bị bắt, bỏ tù gần 10 năm, đến năm 1985 mới được thả.
Cuối cùng ông Đạo Dừa bị Việt Cộng giết chết vào ngày13-5-1990 khi đang trốn tại Mỹ Tho.
 
Vài nét tổng quát về ông Đạo Dừa

1. Tiểu Sử
Ông Nguyễn Thành Nam sinh ngày 25-12-1910 tại làng Phước Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Bến Tre. Ông là con của một gia đình giàu có, cha tên Nguyễn Thành Trúc, làm cai tổng từ năm 1940 đến năm 1944. Mẹ là bà Nguyễn Thị Sen.

Ông qua Mỹ Tho học, rồi lên Sài Gòn học trung học Pétrus Ký. Năm 1928, Nguyễn Thành Nam sang Pháp du học và tốt nghiệp kỹ sư hóa học. Năm 1932 về nước. Cuối năm 1935, cưới vợ là bà Lộ Thị Nga, người Gò Công. Ông có một con gái tên Nguyễn Thị Khiêm.

Ông để lại di chúc là sau khi chết được chôn đứng.



Mộ ông đạo Dừa được chôn đứng trong hộp. Ảnh TG
 
2. Đến Thất Sơn cầu đạo

Năm 1945, ông đến Thất Sơn, Châu Đốc, quy y với Hòa thượng Thích Hồng Tôi tại chùa An Sơn. Khổ hạnh. Ngồi suốt 3 năm trên một bệ đá cả ngày lẫn đêm, tịnh khẩu. Bất chấp gió sương, mưa nắng. Chỉ còn da bọc xương.
 
3. Đạo Dừa
3.1. Chủ trương của Đạo Dừa




Năm 1963, ông Nguyễn Thành Nam đến Cồn Phụng, thuộc xã Tân Thạch, quận Trúc Giang, Bến Tre. Xây chùa Nam Quốc Phật, và tại đây ông lập ra Đạo Dừa.

Đạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam sáng lập tại Bến Tre. Vì ông Nam chỉ ăn trái cây, dừa và uống nước dừa nên được gọi ông là ông Đạo Dừa.

Chủ trương hòa đồng tôn giáo. Tổng hợp nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Đạo Dừa không được chính phủ công nhận là một tôn giáo.

Đạo Dừa không tụng kinh, gõ mõ, mà chỉ ngồi thiền, ăn chay tưởng niệm, khuyến khích con người tôn trọng lễ nghĩa, yêu thương nhau, cư xử ôn hòa với nhau. Ông Đạo Dừa khuyên nên ăn dừa và uống nước dừa. Bến Tre là xứ dừa.

Ông nuôi con mèo và con chuột sống chung với nhau, chỉ ra, hai kẻ đối nghịch nhau, có thể sống chung hòa bình, và mong muốn Việt Nam không còn chiến tranh.

  

Ở Cồn Phụng, ông mua một chiếc xà lan rất to, chở hàng trăm tấn, neo đậu sát bờ đảo. Thiết kế 3 tầng. Dựng Sân Chín Rồng, Thuyền Bát Nhã, Tháp Hòa Bình gồm có hai phần, Tháp Hà Nội và Tháp Sài Gòn. Màu sắc rực rỡ, cờ phướn lòe loẹt.

  
Sân chín rồng.

Sân chín rồng. Chín: chữ Hán là Cửu, Rồng chữ Hán là Long. Ráp lại thành Cửu Long. Cửu Long là chín con rồng. Đó là Sông Mekong, từ Phnom Penh ( Campuchia) chảy vào đồng bằng Nam Bộ, rồi chảy ra Biển Đông bằng 9 cửa: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu, Cửa Bassac, Cửa Định An, Cửa Tranh Đề. Cửa Tranh Đề bị đất bồi lấp, còn lại 8 cửa.
Ông tự xưng là “Quyền thiên nhơn lãnh đạo Thích Hòa bình, tuyên bố theo 3 đạo: Phật, Nho và Lão giáo”.

3.2. Tín đồ của Đạo Dừa
        


Theo nhà báo Wilbur E. Garrett của tờ Life, thì có khoảng 40,000 tín đồ. Không phải tất cả ở Cồn Phụng, mà họ sinh hoạt các ngành nghề để sinh sống. Họ luôn luôn mặc áo nâu.
Các đệ tử người Mỹ của Đạo Dừa có hai người nổi tiếng trong giới truyển thông Mỹ, là John Steinbeck IV, con của nhà văn nổi tiếng thế giới là John Steinbeck. Người thứ hai là Sean Flynn, con của Errol Flynn, tài tử điện ảnh Hollywood. Ngoài ra còn có vài người Mỹ và Pháp không được để ý như Barry Abrams…
Trong cuốn sách The other Side of Eden, John Steinbeck IV có chương viết về “The Coconut Monk”, ông ghi lại về ông Đạo Dừa như sau: “Tôi dùng ghe máy để đến Cồn Phụng.
Cảm nghĩ đầu tiên khi đến gần, như một ảo ảnh, trôi nổi giữa sông, giống như một Vườn Giải trí Phật Giáo dựng trên những cọc đóng trên sông (like a hallucination floating in the middle of the river, was what resembles a Pure Land Buddhist Amusement Park built on pilings).




Do ảnh hưởng của John Steinbeck IV, nhiều nhà báo ngoại quốc đã đến Cồn Phụng, ở lại vài ngày, viết bài…Các phóng viên AP (Associated Press), UPI (United Press International) Time và Newsweek, các đài truyền hình CBS (Columbia Broadcasting System), BBC (British Broadcasting Corporation), Télévision Française và National Geographic đều có bài về ông Đạo Dừa.

 
4. Ông Đạo Dừa với những giải pháp hòa bình cho Việt Nam.

Năm 1960. Ông gởi thơ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, yêu cầu chính quyền công nhận “Hòa bình tôn giáo” của ông là quốc giáo, để ông bàn về việc “thực hiện giải pháp hòa bình cho Việt Nam”



Năm 1962. Ông Đạo Dừa dùng ghe, theo dòng sông Mekong sang Angkor Wat (Campuchia) để cầu nguyện hòa bình. Chính quyền Campuchia chận lại, rồi đuổi về Việt Nam. Nhưng sau đó, ông cùng đệ tử đi đường bộ, bị Campuchia bắt tại Nam Vang (Phnom Penh). Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải thương thuyết để nhận ông về Việt Nam.

Ngày 12-3-1964. Nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, McNamara sang Việt Nam, ông Đạo Dừa cùng hai đệ tử, xách hai cái lồng, một lồng có con mèo, và một lồng có con chuột, đến tòa Đại sứ Mỹ yêu cầu cho gặp Bộ trưởng Quốc phòng, để bàn về kế hoạch hòa bình cho Việt Nam. Khi nghe quân nhân TQLC bảo vệ tòa đại sứ báo cáo, có một người ăn mặc dị hợm cùng hai người khác muốn gặp bộ trưởng, thì nhà báo Wilbur E. Garrett đang ở tòa đại sứ, biết ngay đó là ông Đạo Dừa, nên khi ông bước ra, thì ông Đạo Dừa mừng quá, cho biết ông muốn gặp bộ trưởng để thực hiện kế hoạch “Bất chiến tự nhiên thành”. Ông nói, nếu ông McNamara nghe theo lời ông thì Việt Nam hết đánh nhau. Người Mỹ không cần có cố vấn và viện trợ súng đạn nữa làm gì.
Nhà báo Wilbur E. Garrett khuyên ông nên về.

Ông Đạo Dừa gởi thơ cho Tổng thống Lyndon B. Johnson mượn máy bay.

Ông Đạo Dừa đến tòa Đại sứ, đưa thơ gởi cho tổng thống Mỹ, xin mượn 20 chiếc máy bay vận tải để đưa ông và 600 tín đồ đến sông Bến Hải, ở vỹ tuyến 17, để cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam. Mỗi bên bờ sông có 300 tín đồ, cùng ông sẽ cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam, suốt 7 ngày đêm. Không ăn, không uống. Thơ của ông không được trả lời.
Ông Đạo Dừa ứng cử tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

   

Ông Đạo Dừa ứng cử tổng thống.

Ngày 1-8-1971. Ông Đạo Dừa nộp đơn ứng cử Tổng thống VNCH. Từ Cồn Phụng, ông dùng ghe máy lên Sài Gòn để nộp đơn ứng cử. Ông mang theo nhiều cần xé đựng bạc cắt (kim loại) đủ 1 triệu đồng để ký quỹ ứng cử. Vì theo luật mới của cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai, mỗi ứng cử viên phải theo đúng những điều kiện ghi trong luật. Đó là ứng cử viên phải có 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hoặc nghị sĩ. Hoặc phải có 100 chữ ký của các thành viên trong hội đồng tỉnh. Phải nộp số tiền là 1 triệu đồng. Luật mới là do Tổng thống Thiệu đưa ra để loại tướng Nguyễn Cao Kỳ trong việc ứng cử.

Đó là lý do mà ông Đạo Dừa mang 1 triệu đồng lên Sài Gòn.

Ngày 1-8-1971, đơn vị an ninh đường sông chận lại, vì thấy chiếc ghe mang nhiều cờ xí, và trên mui ghe có tấm biểu ngữ nền vàng chữ đỏ “Tôn giáo Hòa đồng”. Trước mũi ghe có một người khoảng 40 tuổi, choàng một tấm vải màu vàng. Trước bụng có một cái chìa khóa to, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực. Sau lưng ông có 6, 7 người, quần áo nâu, đầu bịt khăn, đứng hai hàng, như đang hộ giá ông áo vàng. Trên ghe có hàng chục cái cần xé đầy những đồng tiền kim loại.

        

Cái cần xé

Đó là ông Đạo Dừa mang tiền lên Sài Gòn ký quỹ 1 triệu đồng, để ra ứng cử cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 năm 1971.

Sau khi thẩm vấn, an ninh hải cảnh kết luận ông bị bịnh tâm thần, vì ông khẳng định, nếu trở thành tổng thống thì chỉ 7 ngày sau, Việt Nam sẽ hòa bình.

Nhân viên an ninh hỏi: “Bằng cách nào ông sẽ tạo hòa bình trong một tuần lễ?”. Ông Đạo Dừa điềm nhiên trả lời: “Tôi sẽ mời mấy anh em ngoài bắc vô, trao chính quyền cho họ là xong”. Thế là hết chiến tranh. Hỏi: “Làm sao có 40 chữ ký của dân biểu hoặc nghị sĩ?”. Ông Đạo Dừa cười, trả lời: “Tôi nói thì họ phải nghe thôi”.
Nhân viên an ninh đường sông phì cười và nói: “ thôi về nhà đi cha nội!”

Không chịu thua.
Lần nầy ông lặng lẽ thuê hai chiếc xe đò, khởi hành lúc 3 giờ sáng. Chiếc thứ nhất chở ông và những tín đồ lớn tuổi, ngoài tuổi quân dịch. Chiếc thứ hai chở tiền giấy 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi xe đò đến trạm kiểm soát Phú Lâm thì bị chận lại, tịch thu tiền rồi đuổi về. Xe đò quay đầu trở lại, đi được một khoảng đường, ông Đạo Dừa bảo xe đò ngừng lại, rồi ông và hai tùy tùng lên xe lam ngồi chung với hành khách đến chợ Bến Thành, rồi ông thuyết giảng về Hòa Đồng tôn giáo và hòa bình cho Việt Nam.
Ông kêu gọi mọi người ủng hộ ông làm tổng thống. Ông nói, nếu đắc cử tổng thống, ông chỉ làm việc chỉ có 7 ngày thôi. Có người hỏi: “Nếu là tổng thống thì vì sao mà không ngồi hết nhiệm kỳ 4 năm?” Ông trả lời “Đất nước hòa bình rồi, thì đi tu cho khỏe”. Tửng tửng!

Thần kinh ông Đạo Dừa không bình thường, ông tuyên bố đã gởi thơ cho Tổng thống Ronald Reagan (Mỹ) và Tổng thống Mikhail Gorbachev (Liên Xô) đề nghị hai người gặp ông để giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới.
 
5*. Truyền thông và dư luận Mỹ rất quan tâm về hòa bình ở Việt Nam của ông Đạo Dừa.
 

Vấn đề hòa bình cho chiến tranh Việt Nam đã được giới truyền thông Mỹ và người Mỹ quan tâm, vì đã có 543,400 chiến sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Ông Đạo Dừa nêu kế hoạch tạo hòa bình cho Việt Nam, nên được chú ý theo dõi như các báo Mỹ tờ Life, và National Geographic.

 Nhà báo Wilbur E. Garrett đã viết trong cuốn sách “Dao Dua-Road to Peace”.

Nhà báo Wilbur E. Garrett giải thích: “Phần lớn dân quê ít học, nên trong những bài giảng của ông rất giản dị, dễ hiểu, dễ đi sâu vào lòng người, bằng cách pha trộn giáo lý Phật giáo, Thiên Chúa giáo, tư tưởng đạo Lão, Nho giáo, khuyên con người làm lành, tránh dữ. Lấy chữ Tâm, chữ Đức làm trọng, cộng thêm những chuyện thần quyền, kỳ bí.

Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, không bắt lính trong giới tăng lữ, tu sĩ, nên rất nhiều thanh niên vào đạo nầy để trốn quân dịch. Kể cả một số tội phạm cũng vào đạo để tránh bị truy nã.

Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1960 trở về sau, bài giảng của ông nặng về mê tín, dị đoan. Ông ta tự xưng là người từ cõi trên xuống, được giao sứ mạng: “Giữ yên vận mạng quốc gia, kiến tạo hòa bình thế giới”.
Ông cho rằng chỉ có một mình ông mới đủ tư cách đại diện cho Việt Nam, để gặp gỡ, ngang hàng với bất cứ một tổng thống nào, một quốc vương hay một thủ tướng nào trên thế giới.
Ông coi Đức Giáo hoàng của Thiên chúa giáo, Đức Tăng thống của Phật giáo đều là những người ngang hàng với ông. “Vì mai mốt hòa bình, Hòa đồng tôn giáo sẽ thống lãnh tất cả”.

Nhà báo Wilbur E. Garrett cho biết.
“.. 2/3 trong số 40 ngàn tín đồ của ông Đạo  là những thanh niên ở tuổi quân dịch. Để trốn lính, họ gia nhập Đạo Dừa, mặc quần áo nâu, bới tốc sau gáy, hàng ngày ngồi trên sân tàu nghe ông đạo thuyết giảng. Nhiều người trong số họ là con nhà giàu, hàng tuần hay hàng tháng gia đình chở gạo.. đến nuôi họ..”  Nhiều lần, lực lượng chính quyền vào Cồn Phụng bắt.. lính. nhưng do cồn biệt lập giữa sông nên khi lính ập vào, họ đủ thời gian lẩn vào dân hay chạy sang Cù lao Thới Sơn..”

       Hàng đầu tiên từ phải sang: John Steinbeck, ông Đạo Dừa và đạo diễn của “Sad Song of Yellow Skin” Michael Rubbo năm 1970. Ảnh: Sad Song of Yellow Skin

Ông Đạo Dừa được dư luận Mỹ chú ý nhờ trong số ‘đệ tử’ có hai người nổi tiếng trong giới truyền thông Mỹ, là John Steinbeck IV và Sean Flynn. Sean Flynn là con trai Tài tử  Errol Flynn của Hollywood và John Steinbeck IV là con văn sĩ nổi tiếng John Steinbeck (trong số người theo Ông Đạo Dừa còn vài người Mỹ (như Barry Abrams), Pháp khác, nhưng không được chú ý…
 
6*. Đạo Dừa sau năm 1975

Sau năm 1975, Việt Cộng cấm ông Đạo Dừa hành đạo. Tài sản bị tịch thu. Ông tìm cách vượt biên, nhưng không thành. Bị bắt bỏ tù gần 10 năm. Sau năm 1985, khi được thả ra, ông tiếp tục hành đạo như trước.

Nơi ở của ông biến thành nơi tu đạo, cũng thờ tượng Phật và Thiên Chúa, gọi là “Hòa đồng tôn giáo”.

Ông Đạo Dừa xuất quỹ tu sửa cầu đường ở hai xã Phú An Hòa và An Phước. Ông đòi chính quyền địa phương đặt tên con đường mang tên ông là “Đường Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam”. Chính quyền không đồng ý. Chỉ cấp giấy khen ông Nguyễn Thành Nam, có thiện chí đóng góp xây dựng nông thôn ở quê nhà.
 
7*. “Đạo bất tạo con”

Báo Công an thành phố Bến Tre đăng tải, ông Đạo Dừa thành lập một “đài phát thanh” trên ghe nơi ông cư trú. Mục đích truyền bá nội dung “Đạo bất tạo con” do ông sáng chế.

Phương pháp hành đạo là một nam, một nữ trần truồng, sống chung với ông. Ai phạm tội “giao cấu” thì bị phạt tù từ 10 năm đến tử hình.

Câu chuyện tào lao nầy của mấy anh cán ngố thật tức cười. Có hai sự việc vô lý.

Dưới chế độ Cộng Sản, người dân bị kềm kẹp rất chặt chẽ. Từ xã ấp đến quận huyện, từ tổ dân phố đến công an phường. Công an khu vực kiểm tra hộ khẩu bất cứ lúc nào. Chế độ tạm trú, tạm vắng được thi hành triệt để.
Bản thân ông Đạo Dừa là “đối tượng” phải kiểm soát chặt chẽ hơn mọi người. Bị kiểm soát chặt chẽ nên không có cơ hội để thực hiện đài phát thanh. Hơn nữa, Đạo bất tạo con chả có ăn nhậu gì tới lợi ích của bất cứ ai cả.
Có hai điều đáng chú ý của báo Công An Việt Cộng là, “Đạo bất tạo con”, và “lập đài phát thanh” trên ghe.
Mấy cha nội cán ngố phịa chuyện tào lao để chạy tội, đã giết ông Đạo Dừa. Nhất là đối với hàng chục ngàn tín đồ của ông.
Trước năm 1975 và sau năm 1975, không có ai nghe nói về “Đạo bất tạo con” cả. Các nhà báo Mỹ và những người Mỹ đến làm đệ tử của ông, cũng không có ai nói về cái đạo quái gở nầy.

Về đài phát thanh, thì không có thể thành lập được, và cũng “không có thể đặt trên ghe”.

Một đài phát thanh cần phải có những bộ máy phức tạp như máy thu âm thanh, máy khuếch đại âm thanh, máy phát tín hiệu, tháp ăn ten phát. Tần số phát. Những loại máy nầy cần phải có một chuyên viên thực hiện để điều chỉnh sự phối hợp của các máy. Những người nghe cần phải có một cái radio có những tần số của máy phát thanh riêng biệt, không trùng hợp với hàng chục, hàng trăm tần số của các đài khác. Nút điều chỉnh tần số của cái radio chỉ nhích một chút xíu thôi, cũng lọt vào các đài khác.

Ông Đạo Dừa đã quái dị mà Việt Cộng con quái đản hơn ông nữa. Bịa chuyện vô lý.
 
8*. Ông Đạo Dừa bị công an Việt Cộng giết chết

Theo báo Công an.
“Bị công an Sài Gòn trục xuất, ông không về Cồn Phụng, Bến Tre, mà bí mật đến cư trú tại nhà một tín đồ ở Mỹ Tho.
Chiều ngày 13-5-1990, công an Bến Tre phối hợp với công an Mỹ Tho đến thực hiện lịnh bắt. Hai tín đồ của ông quá khích, chống lại công an. Hai bên xô xát, ông bị té chấn thương sọ não.
Từ trần ngày 13-5-1990. Thọ 81 tuổi.”
 
Kết luận

Không thể tưởng tượng được, một người trí thức, có ăn có học như ông Nguyễn Thành Nam, mà lại có tư tưởng và hành động quái dị. Đúng là thần kinh không được bình thường.

Đối với người dân ít học, ai có tài ăn nói, thì thuyết phục được họ.

Thật tội nghiệp cho con chuột Đạo Dừa bị con mèo Việt Cộng xơi tái.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 8-4-2024

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top