Kiều Mỹ Duyên: VUA ĐÁ BANH PELE (23/10/1940- 29/12/2022)

KIỀU MỸ DUYÊN

MỘT CẦU THỦ ĐƯỢC NGƯỠNG MỘ HƠN TỔNG THỐNG:

VUA ĐÁ BANH PELE

(23/10/1940- 29/12/2022)



Vua đá banh Pele (tên thật là Edson Arantes do Nascimento)

      Ông bà mình thường nói: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Thật vậy, nghề nghiệp tạo vinh quang cho cá nhân, cho cả đời người. Mấy hôm trước nghe cầu thủ đá banh bị bệnh, con cháu về đầy nhà kề cận bên ông và người ngưỡng mộ cầu thủ Pele trên thế giới cầu nguyện cho ông. Tôi bỗng nhớ chuyến đi họp phụ nữ thế giới thú vị ở Brasilia với nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi đến Brasilia theo lời mời của bà Jackie Bông Wright, phu nhân của Phó Đại sứ Mỹ, ông Lacy Wright, họp phụ nữ thế giới gồm có nhiều quốc gia Mỹ Châu, Âu Châu, Úc Châu, Á Châu tham dự, với đề tài khác nhau như phụ nữ nhân quyền, tranh đấu cho nữ quyền, và một số vấn đề xã hội, từ thiện, v.v. Ngoài giờ họp hội, trong lúc ăn trưa, hoặc ăn tối nhiều đề tài được đề cập tới, nhất là vấn đề thể thao.
      Brasil, xứ sở của thể thao, của đá banh, trường học nào cũng có sân banh, nơi nào cũng có sân banh, cứ một cây đèn xanh, đèn đỏ là có một sân banh. Cầu thủ Pele là thần tượng dân Brazil, đi đâu cũng nghe người dân nhắc đến ông, chánh khách nhắc đến ông, người làm ở bộ ngoại giao, đại sứ nhắc đến ông. Ông được thương yêu hơn Tổng Thống Brazil, vì Tổng Thống còn có Đảng đối lập, còn có người thua cuộc trong mùa bầu cử không ưa, nhưng với cầu thủ Pele được nhiều người yêu chuộng, ông không có phe đối lập vì ông không làm chính trị, ông chỉ yêu thể thao và ông được mời làm bộ trưởng thể thao trong chính phủ. Về già ông không đá banh nhưng ông là thần tượng của những người yêu chuộng đá banh, mê đá banh.


Pele ra mắt đội tuyển Brazil khi 16 tuổi, chỉ một năm sau khi ông bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp cho CLB Santos năm 1956. Ảnh: AFP

      Tôi nhớ lúc nhỏ tôi mê đá banh lắm. Sau này tôi làm đặc phái viên cho báo Khỏe, ký giả Hoài Điệp Tử cộng tác với báo này, sau này Hoài Điệp Tử làm chủ báo Mai ở Orange County sau khi có người Việt Nam tị nạn sang Hoa Kỳ.
      Cầu thủ Pele làm bộ trưởng thể thao, ông vẫn có đời sống giản dị của một thể thao gia, hiền lành, dễ thương, đi đâu không có tiền hô hậu ủng như các bộ trưởng khác mà chỉ có các cầu thủ vây quanh ông. Ông hay đi trực thăng từ trường học này đến trường học khác khuyến khích học sinh tham gia đá banh. Ngoài giờ học đá banh, ở Brasil, thể thao và âm nhạc là 2 môn được người dân yêu chuộng. Chúng tôi còn nhớ một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi ăn sáng ở nhà ông phó Đại sứ Hoa Kỳ với một số thể thao gia, trong đó có một người đầu tư địa ốc. Ông này rất trẻ, sáng nào ông cũng chạy bộ khoảng 10 cây số theo lời kể của ông, không có Cảnh Sát chạy theo ông nhưng có hơn 30 người cùng chạy, qua cánh rừng này đến cánh rừng khác, mặc cho sương mù gió lạnh, người thể thao đâu có nề hà gió sương. Trong các câu chuyện với những người thể thao vui vô cùng. Người trẻ mê thể thao này có lập trường học dạy tiếng Anh, theo chương trình Anh, đào tạo và chuẩn bị cho sinh viên du học Mỹ. Giấc mơ Mỹ không phải chỉ có ở Việt Nam hay các nước Á Châu sang Mỹ nhưng các quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ cũng muốn sang Bắc Mỹ du học, Brazil cũng vậy.


Pele tung người móc bóng trong trận đấu năm 1956. Huyền thoại Johan Cruyff từng mô tả Pele là người duy nhất có thể phá bỏ ranh giới của các định luật. Ảnh: AFP

      Ông Pele là cầu thủ nổi tiếng khắp thế giới, ông được nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới yêu chuộng muốn cho ông vào quốc tịch để đá banh cho quốc gia của họ nhưng ông từ chối, vì ông là người yêu quốc gia của ông. Ông không vì tiền để bỏ quốc tịch của mình, chính vì thế mà sau này ông được làm bộ trưởng thanh niên của Brasil. Khi chúng tôi tham dự hội thảo ở Brazil khi chúng tôi tham dự hội thảo ở Brazil chúng tôi cũng mơ được gặp cầu thủ Pele để phỏng vấn ông nhưng rất tiếc lúc đó ông đang dự các tỉnh khác không ở Brasilia, thủ đô của Brazil.


Pele nhận một danh hiệu từ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, sau một trận đấu ở Rio de Janeiro năm 1968. Ảnh: AP

      Có 3 điều làm cho du khách nhớ nhất khi đến thăm Brazil là thể thao, âm nhạc và đá quý. Ở bất cứ nơi nào trong thành phố hay ở đồng quê đều có sân banh, trường tiểu học, trung học, đại học đều có sân banh, thành phố nào cũng có sân banh, ngày nào cũng có người già, người trẻ ra sân banh, dù mưa hay nắng vẫn có người đá banh. Nơi nào cũng có âm nhạc, biểu diễn âm nhạc ngoài trời. Ông Phó Đại sứ Lacy Wright và phu nhân đưa chúng tôi đến một nông trại ở gần bờ sông, nông trại này rất lớn có rừng thông để cưỡi ngựa. Một ông già trên 90 tuổi, thân phụ của ông chủ nông trại, vừa bưng mâm thịt nướng vừa ca hát và nhảy múa theo điệu nhạc dân dã, nhưng có con gái thân hình khỏe mạnh xuống ngựa nhẹ nhàng theo điệu nhạc đồng quê. Người dân Brazil mê âm nhạc, hát trong lúc cưỡi ngựa, đá banh suốt ngày. Tôi hỏi một sinh viên vừa tốt nghiệp ở New York trở về nước:
      - Khi em du học ở New York, em nhớ gì ở quê em?
      - Em nhớ con ngựa của em, em nhớ sân banh, em nhớ những điệu vũ.
      - Nghĩa là thứ gì em cũng nhớ?
      Cô bé cười thật tươi gật đầu.


Tổng thống Mỹ Richard Nixon và phu nhân xin chữ ký của Pele, trong một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng năm 1973. Ảnh: Everett

      Có người du học ở Mỹ về làm Tổng Thống như Tổng Thống Mễ Tây Cơ mà tôi đã gặp ở Santa Ana dạo nào, hay nhiều Tổng Thống khác sinh ra và lớn lên ở Trung Mỹ, Nam Mỹ mà tôi có duyên đã gặp.


Đội tuyển Brazil Qatar 2022 gửi lời chúc may mắn đến Pele khi ông nằm viện


      Ông Pele vừa qua đời, Brazil sẽ làm lễ quốc tang ông trong 3 ngày và những người ngưỡng mộ ông trên thế giới làm lễ cầu nguyện cho ông. Ông sống xứng là con người yêu quốc gia của ông, ông không vì tiền mà rời bỏ quốc tịch của mình. Hy vọng ông lên trời, ông sẽ phù hộ cho đồng bào của ông vẫn yêu đá banh, yêu thể thao, yêu âm nhạc và Brazil vẫn mãi là quốc gia yêu chuộng thể thao, yêu chuộng âm nhạc, vừa cưỡi ngựa vừa nghe nhạc.


Pele hôn lên chiếc Cup Jules Rimet - Cup cho nhà vô địch World Cup 1970. Ảnh: FIFA
      Trong 21 năm sự nghiệp từ 1956 đến 1977, Pele lập vô số kỷ lục:
      - Cầu thủ duy nhất ba lần vô địch World Cup vào năm 1958, 1962 và 1970
      - Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử Santos và tuyển Brazil
     - Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong cả sự nghiệp: Pele được cả kỷ lục Thế giới Guinness và FIFA công nhận là cầu thủ đá banh ghi nhiều bàn nhất trong sự nghiệp: 1,279 bàn sau 1,363 trận, gồm cả những bàn trong các trận giao hữu, cấp nghiệp dư, đội dự bị và các trận đấu cấp quốc gia dành cho lứa tuổi thiếu niên.
     - Danh hiệu và giải thưởng cá nhân:
      Năm 1999, Pele được bầu chọn là cầu thủ hay nhất thế kỷ 20 bởi liên đoàn thống kê và lịch sử đá banh Quốc Tế (IFFHS). Ông cũng được vinh danh với huân chương Olympic - vinh dự cao nhất do ủy ban thế vận hội Quốc tế (IOC) trao tặng vào năm 2016 tại bảo tàng Pele ở Santos.
      Pele nhận giải thưởng Hòa Bình Quốc Tế năm 1978, huân chương Hiệp sĩ danh dự của Anh năm 1997, vì công việc của ông với tư cách là đại sứ thiện chí của UNICEF. Pele còn được FIFA vinh danh cầu thủ của thế kỷ vào năm 2000.
      Năm 2013, Pele được FIFA trao tặng giải thưởng Quả Bóng Vàng danh dự (Ballon d'Or Prix d'Honneur).
      Pele cũng nhận được giải thưởng Thành Tựu Trọn Đời Laureus đầu tiên vào năm 2000, và là một trong ba vận động viên thể thao - cùng võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali và cầu thủ bóng chày Jackie Robinson - góp mặt trong danh sách 'Những người quan trọng nhất của thế kỷ' của tạp chí TIME vào năm 1999.



Pele xúc động và khóc khi nhận Quả Banh Vàng Danh Dự trong lễ trao giải Quả Banh Vàng FIFA ngày 13/1/2014 tại Zurich, Thụy Sỹ. Ảnh: FIFA
      Ông Pele đã trải qua 3 cuộc hôn nhân: gắn bó với người vợ đầu Rosemeri Cholbi 12 năm và có 3 người con, cuộc hôn nhân thứ hai của ông với ca sỹ Assiria Nascimento kéo dài 14 năm và có 2 người con, năm 2016 ông kết hôn với Marcia Cibele Aoki, người vợ thứ ba kém 25 tuổi và sống hạnh phúc với bà đến khi qua đời.
      Quý vị hãy một lần thăm viếng Brazil, quý vị sẽ có cảm tình với quốc gia này. Người có tinh thần thể thao sẽ không tham lam, người yêu âm nhạc thích sống với yêu thiên, sống bình yên trong tâm hồn của mình.

Orange County, 30/12/2022
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)


 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top