TẠI SAO NGƯỜI NHẬT SỢ MẤT TIẾNG TĂM?


TẠI SAO NGƯỜI NHẬT
SỢ MẤT TIẾNG TĂM?

Một số ví dụ về sự sạch sẽ đến cực đoan của người Nhật đã lan truyền trên mạng, như quy trình dọn dẹp tàu cao tốc Shinkansen dài bảy phút mà tự thân nó đã trở thành một điểm thu hút du khách.
Ngay cả các cổ động viên bóng đá Nhật cũng có ý thức sạch sẽ. Trong các giải World Cup ở Brazil (2014) và Nga (2018), các cổ động viên đội tuyển quốc gia Nhật đã làm ngạc nhiên cả thế giới khi họ ở lại để nhặt rác trên sân vận động. Các cầu thủ cũng giữ cho phòng thay đồ trong tình trạng sạch không một chút vết dơ. "Thật là tấm gương cho tất cả các đội bóng!" tổng điều phối viên chung của FIFA Priscilla Janssens viết trên Tweeter.
"Người Nhật chúng tôi rất nhạy cảm về tiếng tăm của mình trong mắt người khác," Awane nói. "Chúng tôi không muốn người khác nghĩ rằng chúng tôi rất tệ vốn không được giáo dục hoặc dưỡng nuôi đầy đủ để biết quét dọn."
Những cảnh tương tự diễn ra tại các lễ hội âm nhạc Nhật Bản. Tại Lễ hội Rock Fuji, lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất của Nhật Bản, người hâm mộ giữ lại rác cho đến khi họ tìm thấy thùng rác.
Theo trang web của lễ hội, những người hút thuốc được yêu cầu mang theo gạt tàn cầm tay và 'kiềm chế hút thuốc nếu khói có thể ảnh hưởng đến người khác'. Thật là khác với Lễ hội Woodstock năm 1969, nơi Jimi Hendrix biểu diễn cho một số ít người giữa một đống rác rưởi.
Có rất nhiều ví dụ về nhận thức xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như vào khoảng 08:00, nhân viên văn phòng và nhân viên cửa hàng dọn dẹp đường phố xung quanh nơi họ làm việc. Trẻ em tình nguyện quét dọn trong cộng đồng hàng tháng, nhặt rác trên đường phố gần trường học của họ. Các khu phố cũng vậy, họ tổ chức các buổi vệ sinh đường phố thường xuyên. Cũng không phải là có gì nhiều thứ để quét dọn, bởi vì mọi người mang rác về nhà.


Bản quyền hình ảnh Angeles Marin Cabello

Thậm chí tiền giấy được nhả ra từ máy ATM cũng sắc nét và sạch sẽ như chiếc áo mới cứng. Dù sao đi nữa, tiền rất bẩn, đó là lý do tại sao bạn không bao giờ để tiền trực tiếp vào tay ai đó. Tại các cửa hàng, khách sạn và thậm chí trên taxi, bạn sẽ thấy một khay nhỏ để bỏ tiền. Sau đó nó sẽ được người khác nhặt lên.
Bụi bẩn vô hình - vi trùng và vi khuẩn - là một mối quan ngại khác. Khi mọi người bị cảm lạnh hoặc cúm, họ đeo khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm cho người khác. Hành động đơn giản thể hiện sự quan tâm đến người khác này làm giảm sự lây lan của virus, nhờ đó tiết kiệm được khoản tiền lớn do bị mất ngày công và chi phí y tế.
 

Phật giáo và Thần đạo

Vậy làm sao người Nhật có ý thức sạch sẽ như vậy?
Đó chắc chắn không phải là điều gì mới mẻ, như thủy thủ Will Adams đã nhìn thấy khi ông neo đậu ở đất nước này vào năm 1600, nhờ đó trở thành người Anh đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản.
Trong tiểu sử về Adams có tựa là 'Samurai William', Giles Milton lưu ý rằng 'giới quý tộc sạch sẽ một cách tỉ mẩn', họ có được 'cống rãnh và nhà vệ sinh sạch bóng' và phòng tắm hơi bằng gỗ thơm vào thời điểm đường phố nước Anh 'thường là tràn ngập phân'. Người Nhật lúc đó 'đã kinh hoàng' trước sự coi thường sự sạch sẽ cá nhân của người châu u.
Một phần, sự bận tâm đến sự sạch sẽ ở đây xuất phát từ những quan tâm thực tế. Ở môi trường nóng ẩm như Nhật Bản, thức ăn sẽ ôi thiu nhanh chóng. Vi khuẩn sinh sôi. Giòi bọ nhung nhúc. Vì vậy, vệ sinh tốt có nghĩa là sức khỏe tốt.
Nhưng nó có nguồn gốc còn sâu xa hơn thế. Sạch sẽ là một nguyên lý trung tâm của Phật giáo, vốn được truyền từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào khoảng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8. Thật vậy, trong chi phái Thiền tông của Phật giáo, vốn truyền đến Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ 12 và 13, các công việc hàng ngày như dọn dẹp và nấu nướng được coi là cách luyện tâm, không khác gì thiền định.
"Trong Thiền tông, tất cả các sinh hoạt hàng ngày, bao gồm thọ thực và dọn dẹp, phải được coi là cơ hội để tu tập. Rửa sạch bụi bẩn ở cả thân và tâm đóng một vai trò quan trọng trong tu tập hàng ngày," Hòa thượng Eriko Kuwagaki ở chùa Shinshoji ở thành phố Fukuyama, tỉnh Hiroshima, cho biết.
Trong Trà Luận của Okakura Kakuro, tác phẩm kinh điển của ông về trà đạo và triết lý Thiền của nó, ông viết: "Trong Thiền tông, ở căn phòng cử hành trà đạo, tất cả mọi thứ đều sạch sẽ tuyệt đối. Không có một hạt bụi nào ở góc tối nhất, vì nếu có thì chủ nhà không phải là trà đạo sư."
Okakura viết những dòng này vào năm 1906, nhưng ngày nay nó vẫn còn đúng. Trước một buổi trà đạo tại trà quán Seifukan trong Vườn Shukkeien ở thành phố Hiroshima, bạn sẽ thấy người phụ giúp trà đạo sư trong trang phục kimono với tay và đầu gối tỳ vào sàn và dùng một cuộn băng dính màu cọ sàn, nhặt từng đốm bụi bặm.


Bản quyền hình ảnh Angeles Marin Cabello

Vậy thì tại sao tất cả các quốc gia Phật giáo không sạch sẽ đến mức ám ảnh như Nhật Bản? À, rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện, Nhật Bản đã có tôn giáo bản địa của mình: Thần đạo (có nghĩa là 'Con đường của Thần'), vốn được cho là kết tinh linh hồn của bản sắc Nhật Bản. Và sự sạch sẽ nằm ở trung tâm của Thần đạo.
Ở phương Tây, chúng ta được dạy rằng sạch sẽ nằm ngay bên thần linh. Trong Thần đạo, sự sạch sẽ chính là thần linh. Do đó, sự nhấn mạnh trong Phật giáo về sự sạch sẽ đơn thuần chỉ củng cố những gì người Nhật đã thực hành.

Thanh tẩy thường xuyên

Một quan niệm then chốt trong Thần đạo là kegare (tạp chất hoặc bụi bẩn), trái ngược với sự thuần khiết. Những biểu hiện về kegare bao gồm từ cái chết, bệnh tật cho đến hầu như mọi thứ khó chịu. Các nghi thức thanh tẩy thường xuyên là cần thiết để đẩy lùi kegare.
"Nếu một cá nhân bị kegare gây tổn thương, toàn xã hội có thể bị gây hại," ông Noriaki Ikeda, phụ tá giáo sỹ Thần đạo tại Đền Kanda ở Hiroshima, giải thích. "Do đó, điều quan trọng là phải thực hành sự sạch sẽ. Điều này giúp bạn thanh lọc bản thân và tránh những thảm họa cho xã hội. Đó là lý do tại sao Nhật Bản là một đất nước vô cùng sạch sẽ."
Sự quan tâm đối với người khác là dễ hiểu trong trường hợp bệnh truyền nhiễm chẳng hạn. Nhưng nó cũng hoạt động ở mức độ phổ thông hơn, như nhặt rác của chính mình. Như Awane đã nói: "Người Nhật chúng tôi tin rằng chúng tôi không nên làm phiền người khác bằng cách làm biếng và phớt lờ rác rến chúng tôi thải ra."


Bản quyền hình ảnh Angeles Marin Cabello

Ví dụ về nghi thức thanh lọc có rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Trước khi bước vào một ngôi đền Thần đạo, các tín đồ rửa tay và súc miệng trong một bể nước bằng đá ở lối vào.
Nhiều người Nhật mang xe hơi mới của họ đến đền thờ để được giáo sỹ thanh tẩy. Giáo sỹ sẽ sử dụng một cây đũa phép giống như phất trần có tên gọi là onusa mà ông dùng để vẫy quanh xe. Sau đó, ông mở cửa xe, nắp ca-pô và nắp khoang sau để thanh lọc bên trong xe.
Giáo sỹ cũng thanh lọc mọi người bằng cách vẫy onusa từ bên này sang bên kia. Ông thậm chí còn dùng nó để thanh lọc nền đất mà trên đó sắp sửa bắt đầu xây tòa nhà.
Nếu bạn sống ở Nhật Bản, chẳng mấy chốc bạn sẽ học theo lối sống sạch sẽ. Bạn ngừng hỉ mũi nơi công cộng, sử dụng nước rửa tay có sẵn để sử dụng tại các cửa hàng và văn phòng, và học cách phân loại rác gia đình của bạn thành 10 loại khác nhau để tiện cho tái chế.
Và, cũng giống như Will Adams và phi hành đoàn bị bỏ rơi vào năm 1600, bạn sẽ thấy chất lượng cuộc sống của mình được cải thiện.
Sau đó, khi trở về cố quốc, bạn sẽ sốc khi chứng kiến những 'kẻ mọi rợ' hắt hơi và ho vào mặt bạn. Hoặc dậm chân vào nhà bạn trong đôi giày bẩn. Điều này không thể tưởng tượng được ở Nhật Bản.
Nhưng vẫn còn hy vọng. Suy cho cùng, phải mất một khoảng thời gian để Pokémon, sushi và điện thoại có máy ảnh càn quét thế giới.

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top