Phạm Đức Thân,  CÓ CHĂNG MỘT VĂN HÓA ĂN THỊT NGƯỜI?

 
Phạm Đức Thân

 CÓ CHĂNG MỘT VĂN HÓA ĂN THỊT NGƯỜI?

 
 Gold Rush 1925
 
Ăn thịt người là một đại cấm kỵ của nhân loại. Thỉnh thoảng cũng có những ghi nhận của nhà thám hiểm hay du lịch về hiện tượng này tại một vài dân tộc thiểu số, bán khai...Ví dụ dân Wari (Ba Tây) ăn thịt người thân chết để bớt đau buồn; dân Fore (Papua New Guinea) ăn thịt thân quyến vừa mất để giữ lại linh hồn; dân Nabutautau (đảo Fiji) kiêng xoa đầu trẻ em, người lạ vi phạm bị xử tử và ăn thịt.

Ngoài tục lệ, tín ngưỡng như trên, cũng thường có chuyện ăn thịt kẻ thù hoặc nô lệ, ngoại nhân. Thế kỷ XVII một giáo sĩ Pháp dòng Dominico đã nhận xét rằng dân Carib có xếp loại thịt kẻ thù: Pháp thơm ngon nhất, sau tới Anh; thịt Đức nhạt nhẽo và khó tiêu, Tây Ban Nha dai, có luộc chín vẫn hạng bét. Dân Carib, nay thuộc vùng Guadeloupe, Carribbean, đọc theo tiếng Arawak là Cariba mà Columbus nghe lầm thành Caniba; từ đó phát xuất chữ "cannibal" (dân ăn thịt người).

Nhiều tài liệu kể lại rõ ràng cả cách chặt xẻ, nấu nướng thịt cho thấy ăn thịt người trước kia có dân Aztec, Chichimeca, Tupinamba, Ethitopia, Da Đỏ Bắc Mỹ, Maoris, Melasenian... Và sau này xuất hiện vài kẻ ăn thịt người nổi tiếng như Alfred Packer, Johnson Ăn Gan, Issie Sagawa, Jeffrey Dhadmer ...trước khi Thomas Harris hư cấu nhân vật nổi tiếng Bá Tước BS Hannibal Lecter trên truyền thông.

Trên thực tế, ăn thịt người quả có xẩy ra, nhất là trong thiên tai, mất mùa, ngục tù... Ví dụ như nạn đói ở Ukraine 1932-33 (chết 5 triệu), trại tập trung Do Thái của Đức Quốc Xã Thế Chiến II (chết 6 triệu), trại lao cải và đại nạn sai lầm của Bước Nhẩy Vọt tại Trung Quốc 1958-61 (chết phỏng đoán trên 50 triệu), trại tù Soviet (chết 20 triệu). Riêng tại VN nạn đói năm Ất Dậu 1945 làm chết 2 triệu, do mất mùa cộng với chính sách thu gom lúa gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Sở dĩ có chuyện ăn thịt người là vì khi đói hành hạ, người ta mất khôn. Lãnh sự quán Ý Đại Lợi ở Trung Quốc báo cáo rằng cơn đói phát sinh hoang tưởng do thiếu vitamin, khiến nhìn con cái thành chỉ là con vật, cho nên giết và ăn thịt con. Một số sống sót sau nạn đói, không nhớ và chối chưa bao giờ nghĩ vậy. Phim hài The Gold Rush (Cơn Sốt Vàng) diễn tả rất đúng trạng thái bị đói hành hạ: Big Jim nhìn Charlot thành con gà, và Charlot nhìn đôi giầy thành thực phẩm, ăn uống ngon lành cả dây giầy, làm khán giả cười nghiêng ngửa.

Trung Quốc là nước đông dân, thường bị lũ lụt, hạn hán làm mất mùa (từ 108 BC đến AD 1911 có 1828 đại nạn) bị đói đe dọa triền miên. Lại thêm kiến thức y khoa hạn chế, cho thịt người là bổ. Ăn thịt người diễn ra trên suốt chiều dài lịch sử tới tận ngày nay, và còn thấy ghi trong sách vở, sử liệu cũng như văn học. Phát sinh một loại "văn hóa nạn đói", truyền từ đời này qua đời kia. Dân chúng biết rõ loại cây cỏ dại nào có thể ăn được, loại nào nên bán để đuợc tiền, và cả thứ tự ai phải bị hy sinh trước, khi cần thiết. Dân An Huy còn có kinh nghiệm nhận ra kẻ ăn thịt người: thân thể có mùi khác lạ và mắt cũng như da đỏ au.

Thật ra thực tế cho thấy có hai hậu quả đối với kẻ ăn thịt người. Một mặt, hắn trở nên tham ăn khủng khiếp, gần như biến thành man rợ. Mặt khác, hắn nghĩ mình đã được bồi dưỡng bởi một loại thực phẩm đặc biệt có ma lực huyền bí, cho nên cảm thấy tự tin, cường tráng hẳn lên

Ăn thịt người có một chỗ đứng thật độc đáo trong văn hóa Trung Quốc và được dân chúng tôn trọng. Phải chăng có một nền văn hóa ăn thịt người ở Trung Quốc bao gồm ăn thịt người chết, giết người ăn thịt để khỏi chết đói, ăn thịt người để trả thù, để bồi bổ, để chữa bệnh, cũng như buôn bán thịt người để làm thực phẩm, dược phẩm...?

Cách đây hơn 2000 năm, triều đại Hán được thiết lập giữa đổ nát hoang tàn của chiến tranh và đói kém, chết gần nửa số dân, khiến năm 205 BC Hán Cao Tổ phải ra chiếu chỉ, cho phép dân bán hoặc ăn thịt con. Tháng Năm 549 BC quân nhà Chu phong tỏa thủ đô của nhà Tống. Dân Tống ghi lại: "Trong thành, chúng tôi hoán đổi con của nhau để ăn thịt, và chẻ xương làm củi". Thời Đại Nhẩy Vọt nông dân An Huy cũng như nhiều địa phương khác đã lập lại hành động trên để khỏi chết đói và khỏi mang tiếng, vì đây là ăn con người khác chứ không phải ăn con mình. Cho thấy cái văn hóa ăn thịt người này xuất phát từ 2500 năm trước và tiếp tục tới nay.

Ăn thịt người để khỏi chết đói hoặc do bị điên không còn biết đúng sai, là chuyện có thể hiểu được và diễn ra khắp nơi. Bài này chỉ bàn về Trung Hoa vì hiện tượng ăn thịt người phổ thông hơn, cũng như có thêm các nguyên ủy khác ngoài khỏi chết đói. Ray Kay Chong (trong sách Cannibalism in China) đã phân ra hai loại: Một là ăn thịt người để sống còn, do hoàn cảnh bức bách (nạn đói, trong tù, lênh đênh trên biển, hay lạc trong rừng...) phải chọn giải pháp cuối cùng này. Hai là ăn thịt người do những nguyên ủy khác (bồi bổ, chữa bệnh, trả thù, tập tục, tín ngưỡng...) sẽ được đề cập chính trong bài.

1/ Ăn thịt người để bồi bổ hoặc chữa bệnh.

Từ cổ đại, theo Jitsuro Kubawata, người ta đã biết ăn thịt người, và ghi ra những cách nấu nướng, sử dụng: Phủ (cắt và sấy thịt), Canh (đun sôi trong món canh), Hài (xay nhỏ thịt), và Luyến (cắt thịt)

Thịt người được cho là thơm ngon.. Nhiều món đặc biệt dành cho phú hộ, quan chức giầu có. Nhiều cách bảo trì, muối thịt để giữ được lâu. Dao Qingyi, đời Nguyên, trong sách Chuo Geng Lu, khuyên ăn thịt trẻ em vì thơm ngon nhất, và đề nghị ăn nguyên con, ăn cả xương. Ông gọi người lớn là "cừu hai chân" và cho rằng thịt phụ nữ ngon hơn thịt cừu.

Lý Thời Trân, đời Minh, cho rằng thịt người tốt cho bệnh lao. Năm 1578, ông ra sách tham khảo y khoa (Ben Cao Gang Mu - Materia Medica) liệt kê 35 bộ phận hoặc phần thịt khác nhau của người có thể chữa được một số bệnh. Một vài bộ phận được cho là gia tăng khả năng mây mưa. Thái giám đời Minh cố tìm lại sinh lực bằng cách kiếm ăn óc của thanh thiếu nam hoặc thịt trai tân. Đời Thanh, thiên hạ tin rằng máu tươi tốt cho sinh dục. Khi có hành hình công khai, các bà có chồng bất lực, thường mua máu tươi của tội nhân để hấp hoặc dúng bánh cho chồng ăn, khôi phục dương cương. Máu tươi phụ nữ được coi như có công dụng trẻ hóa.

Thế kỷ XIX, vua quan hoặc đao phủ thường thích ăn tim, óc của tội nhân để bồi dưỡng. Sang thời hiện đại, vẫn có người tin rằng thịt người bồi bổ hoặc chữa bệnh. Tại Bắc Kinh, một ông lấy cắp xác ở nghĩa trang, xẻo thịt nấu xúp, và nghiền nhỏ xương để bồi bổ sức khỏe cho vợ. Tại Quảng Đông có chuyện buôn bán thai nhi và làm xúp để bán, coi như phương pháp làm đẹp. Nhà báo Arthur tố cáo chính phủ Trung cộng thường lấy cơ quan nội tạng của tội nhân để cấy ghép. Và tin trên báo thỉnh thoảng vẫn có chuyện mua bán nội tạng, hoặc giết người để lấy nội tạng. Gần đây kiểm tra phát hiện tại Đại Hàn và Châu Phi, dược phẩm Trung cộng  có DNA thịt người.

Quan niệm thịt người ngon bổ - ăn không phải vì đói, thù hận, hay được thánh hóa nhờ tính cách thiêng liêng của thịt (vd. thịt Đường Tăng, hoặc người bị tế thần...) - xuất phát từ ý nghĩ coi thịt người cũng giống như thịt các thú khác, nghĩa là người cũng chỉ là một loại động vật ăn thịt. Điều này có thể thấy bao hàm trong Hán tự.

Trung Hoa chỉ có chữ "nhục" để chỉ thịt, không phân biệt thịt người (flesh) hay thú (meat), muốn chỉ rõ phải ghép thêm chữ: "nhân nhục" (thịt người), "trư nhục" (thịt heo), "điểu nhục" (thịt chim).... Sau này Phật Giáo có chữ "nhục thân" để chỉ phần xác tan rã sau khi phần hồn tiêu diêu. Dân gian có chữ "nhục thể" chỉ thân xác, đối nghịch với "tinh thần". Tiếp đó với trào lưu nhân bản thời Khai Sáng (Enlightenment) tính vật chất của duy vật lịch sử, xuất hiện chữ "thân thể" thay cho "nhục thể" để nâng cấp thân xác. Phần không có xác được gọi là "bản thể" (lõi, xương), dẫn đến "nhân bản" chỉ cái gì liên hệ đến con người ("bản" ở đây có nghĩa là gốc).

Chữ "nhục" sau này nặng về tính dục xác thịt, như trong "nhục dục" (ham muốn xác thịt), "Nhục Bồ Đoàn" (Đệm Thịt Người) tác phẩm của Lý Ngư. Chữ dùng chỉ giao hơp gồm chữ "nhập" trên chữ "nhục" tượng trưng dương vật đi vào thịt âm hộ. Để bớt tính xác thịt, người ta thêm chữ "tình", cho nên có "tình dục" "tình dâm". Tóm lại do ý nghĩa phức tạp mơ hồ của "nhục", đa số người bình thường chỉ có "nhục nhãn", nhìn thân xác chỉ như một tảng thịt, cho nên dễ phạm vào ăn thịt người cũng là điều dễ hiểu.
 

2/ Ăn thịt người để báo hiếu, chứng tỏ can đảm, hoặc hiến thịt để trả ơn.


Theo sách cổ, trên lý thuyết, xưa Trung Hoa có tục chôn tùy tòng (có thể là vợ, quản gia, người trung thành....)  theo vua chúa, quý tộc qua đời. Trước khi chôn cất có 3 tháng tang ma thương tiếc, và xác được phân chia cho con cái tiêu thụ để giải trùng cho người chết được thăng thiên. Con cái ăn chứng tỏ hiếu đễ, được thừa hưởng cốt cách của bố, xứng đáng nối dõi tông đường.

Thời Tiên Tần (khoảng 2100 B.C)  Hậu Nghệ Đại Cung Thủ nước Hữu Cùng chết, xác được nấu xúp chia cho các con trai, chúng sợ không dám ăn, liền bị đem chém tại Cùng Môn. Ngược lại, để chứng tỏ đởm lược, Vua sáng lập nhà Chu, bị đối thủ thách đố, đã ăn xúp thịt của con trai, và Hán Cao Tổ , năm 203 B.C., cũng ăn xúp thịt của bố.

Sách đời Tống ghi lại chuyện cắt thịt để nuôi người già . Con dâu thường cắt thịt đùi nấu xúp để mẹ chồng ăn. Việc này phổ biến đến nỗi vua phải ra lệnh cấm. Chuyện kiểu này cũng được dựng thành tuồng, với tích Xuân Đào Cắt Thịt. Chồng nàng là Bạch Trọng Minh lên kinh thành dự thi. Xuân Đào ở nhà nuôi mẹ chồng già yếu bệnh hoạn đã cắt thịt mình để nuôi bà.
 

3/ Ăn thịt vì thù oán, trả thù


Ăn thịt trả thù có thể diễn ra giũa cá nhân cũng như tập thể, và thường là trong thời chiến. Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, về sau thua, bị cắt lưỡi làm món cho bên thắng cuộc sơi. Sách Cựu Đường Thư chép chuyện Wang Juncao giết Li Junze để trả thù cho cha và moi tim gan của địch nhân ra ăn. Sách Tùy Thư ghi lại chuyện Wang Bang thù Trần Võ Đế đến độ đập lăng, đào mả ông này, xác đốt thành tro rồi hòa nước uống.

Thịt người là một loại thưc phẩm đăc biệt nên gặp dịp chính đáng nhiều người không ngần ngại xuống tay. Sách Zizhitongjian thuật vài vụ xẩy ra thời Đường. Năm 739 một viên quan nhận hối lộ để che chở tội của đồng liêu, bị phát giác. Vua sai đánh đòn phạt, và viên chức thi hành moi tim nạn nhân và ăn một miếng thịt. Năm 767, có người giết đối thủ vì đã bị y tố cáo làm bậy, sau đó xẻ thịt thành những miếng nhỏ để ăn. Năm 803 một sĩ quan cầm đầu toán nổi loạn, giết chỉ huy và làm thịt ông này.

Trong chiến tranh, không những dân trong thành hay đồn bị chiếm, mà cả tù nhân và xác kẻ thù cũng có thể thành nguồn thực phẩm. Dưới thời vua Wu Di ( AD 502-549) tù nhân trong cũi bị đem bán, và khi thiếu thịt, có thể bị giết, đem nấu ăn. Thời giặc Khăn Vàng nhà Đường, cả hàng ngản người bị làm thịt để ăn mỗi ngày. Thế kỷ sau, Wang Yancheng xứ Min, nghe nói đã ướp muối và phơi khô xác địch quân để làm lương thực dự trữ cho binh lính.

Trong cuộc Khởi Nghĩa Thái Bình (1850 - 64)  hai bên đều có người ăn tim tù nhân để được gan dạ. Thịt và bộ phận người bầy bán công khai ngoài chợ. Cũng còn có người bị bắt cóc để làm thịt. Lính Trung Hoa đóng tại Đài Loan trước chiến tranh Trung - Nhật (1894-95) cũng mua ăn thịt dân bản xứ bán ngoài chợ.

Khổng Tử không chê trách trả thù. Ông bảo than khóc, để tang bố mẹ chết một cách ám muội nghi ngờ thì không đủ mà phải tìm cách trả thù. Trời còn khen kẻ trả thù. Không những giết mà còn ăn cả tim gan xương thịt kẻ thù. Sử Trung Hoa nhan nhản chuyện vua chúa ăn thịt nhau. Có khi dùng thịt người bắt ăn để thử dạ trung thành, không ăn là phản bội thì bị thái nhỏ đem ướp muối. Có khi người thắng buộc kẻ thua phải ăn thịt vợ, con hoặc bố mình. Nhiều khi chết rồi vẫn chưa yên, có thể bị đào xác lên, đốt thành tro...

Thời chiến tranh Quốc- Cộng thập niên 40 vẫn xẩy ra thỉnh thoảng quân hai bên ăn thịt nhau. Thời Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976) tại Quảng Tây, học sinh giết hiệu trưởng ngay tại sân trường, rồi đem nấu ăn, mừng thắng lợi bọn phản cách mạng. Có trường hợp học trò là bồ cũ của con trai hiệu trưởng, giết hiệu trưởng rồi xẻ thịt ăn để chứng tỏ dứt khoát theo Cách Mạng Văn Hóa. Cafeteria của nhà nước treo lủng lẳng xác người trên móc, và phục vụ thịt người cho nhân viên. Harry Wu, trong sách Laogai:The Chinese Gulag (Lao Cải: Hệ Thống Trại Tù Trung Quốc) ghi lại chứng kiến tù nhân Yang Baoyin ở Sơn Tây bị hành quyết vì viết "Đả Đảo Mao Chủ Tịch", và óc được cán bộ Công An tiêu thụ.
 

4/ Ăn thịt người trong văn học


Ăn thịt người là một thực thể trong xã hội Trung Hoa cho nên không thể không xuất hiện trong văn học dân gian cũng như bác học. Ở đây chỉ xin liệt kê một số điển hình trong các tác phẩm nổi tiếng.

Trong Thủy Hử (tác giả Thị Nại Am) luôn có nhắc đến hắc điếm, quán trọ dọc đường có thể là nơi không an toàn. Chủ điếm có thể là đạo tặc bất lương, giết người cướp của và lấy thịt làm nhân bánh. Trước khi lên Lương Sơn Bạc, Tôn Nhị Nương cùng chồng là Trương Thanh đã từng mở tửu điếm như vậy và Võ Tòng suýt chết ở đây. Các đại vương, hảo hán trên núi cũng thích moi gan nạn nhân để nhắm rươụ. Hảo hán Lý Quỳ giết Lý Quý rồi ăn thịt. Tống Giang suýt bị giết để lấy gan làm thuốc giải rượu cho đầu lĩnh Trương Anh.

Trong Tam Quốc Chí (tác giả La Quán Trung) Lưu An giết vợ, cắt thịt ở cánh tay làm thức ăn dâng lên Lưu Huyền Đức. Trong Tây Du Ký (tác giả Ngô Thừa Ân) Đường Tăng là một món thịt quý giá, luôn luôn bị săn đuổi ráo riết để làm thịt.

Kim Dung cũng không quên điểm xuyết trong truyện của mình những đoạn liên quan đến ăn thịt người. Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Quách Tĩnh hút máu rắn của Lương Tử Ông được tăng công lực và bị Lương Tử Ông truy sát để hút máu sống. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Vi Nhất Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma, khi thi triển nội công phải hút máu người sống, nếu không toàn thân sẽ bị cóng lạnh chết. Trương Vô Kỵ suýt bị bọn Tiết Viễn Công, Giản Tiếp giết ăn thịt. Lời Giản Tiếp "Bụng đói nổ đom đóm thế này, dù ngươi có là em ruột, con ruột thì ta cũng ăn cả xương lẫn da" mô tả rất đúng tâm trạng kẻ sắp chết đói. Trong Liên Thành Quyết, Hoa Thiết Cán ăn thịt hai anh em kết nghĩa là Lục Thiên Trữ và Lưu Thừa Phong. Hoa Thiết Cán nói với Thủy Sinh: "Thịt người sống ngon hơn thịt người chết".

Lỗ Tấn trong Nhật Ký Người Điên mô tả một người điên bị ám ảnh ai cũng muốn ăn thịt mình. Trong truyện có đoạn: "Hãy nhìn vào lịch sử: nó không phải ghi lại thời gian, mà mỗi trang đều viết khó hiểu những chữ 'rộng lượng, chính trực, đạo đức'. Thao thức không ngủ được tôi xem kỹ tới lui mãi suốt nửa đêm, và sau cùng nhận ra rằng, giữa các hàng chữ, đều là cùng một chữ - 'ăn thịt người' ". Ngoại nhân có thể nghĩ đây chỉ là ẩn dụ, nhưng nhân dân Trung Hoa do kinh nghiệm thực tiễn chắc chắn hiểu rõ đó là một sự thật không thay đổi trong xã hội Trung Hoa.

Từ xưa Khổng Tử đã đề cao phong hóa, nếp sống văn minh, coi chuyện ăn thịt thú cũng là bất đắc dĩ nếu không ăn được toàn rau quả củ. Thế mà ăn thịt người có một chỗ đứng xuyên suốt độc đáo trong xã hội Trung Hoa.

Vậy đạo đức, luân lý để đâu? Phải chăng trong một ý nghĩa nào đó, có thể coi như đây là một nền văn hóa đặc biệt?

Văn hóa là tác phong tập tục của xã hội và phải được đánh giá trong bối cảnh xã hội, lịch sử. Xã hội khác nhau nẩy sinh những giá trị và tiêu chuẩn khác nhau, không thể đánh giá lẫn lộn. Thuyết tương đối văn hóa, mà Clifford Geertz là một đại diện, cho rằng luân lý, đạo đức không có tính tuyệt đối, toàn cầu mà tùy theo bối cảnh, địa phương. Con người đã tiến hóa để sống văn minh. Bình thường thì như vậy, nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, để sinh tồn, có khi phải từ bỏ tác phong đã được cấy vào đầu óc. Nghĩa là không có cái gọi là "nhân tính tự nhiên", bản tính con người có khi lệ thuộc điều kiện văn hóa.

Thành thử, nếu bảo Trung Hoa có một nền văn hóa ăn thịt người, thì đó chỉ là nêu lên một thực tiễn, không hề có bao hàm ý nghĩa đánh giá, phê phán.

Phạm Đức Thân

(tham khảo chính M.Granet, K.C.Chang, G.Yue, J. Becker)


 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top