Mỹ Anh F-35 – Đỉnh Của Đỉnh!

Mỹ Anh

F-35 – Đỉnh Của Đỉnh!

F-35 của Hoa Kỳ và S-35 của Nga: Chiến đấu cơ nào lợi hại hơn?


 
F-35A

Cuộc chiến Ukraine đang trở thành dịp để giới quân sự thấy rõ hơn về khả năng “thực chiến” của quân đội Nga. Cũng dịp này, người ta càng thấy rõ, xét riêng về kỹ thuật quân sự, Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn tư nhân để giành giật các hợp đồng quốc phòng với Ngũ Giác Đài đã mang lại cho công nghiệp vũ khí Mỹ những cải tiến liên tục và những sáng tạo không ngừng nghỉ. Đó là yếu tố số một khiến không quốc gia nào có công nghiệp quốc phòng kinh khủng như Mỹ. Chỉ cần lấy F-35 làm ví dụ…

Siêu chiến đấu cơ F-35
Nếu so sánh các thông số kỹ thuật thuần túy thì F-22 hơn hẳn F-35: To xác hơn, bay cao hơn, nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn, mang theo nhiều vũ khí hơn… Nói riêng về chiến đấu cơ, F-22 gần như không có đối thủ. Nó có thể đánh giáp lá cà với những cú nhào lượn cắt góc ngoạn mục, tăng tốc lẫn giảm tốc cực nhanh. Nó cũng có thể bay do thám bởi khả năng tàng hình cao đồng thời sử dụng trong các chiến dịch oanh kích chớp nhoáng khi thả một quả bom hành trình 500 kg cách xa mục tiêu hơn 30 km từ độ cao trên dưới 10 km… Nói cách khác, F-22 là “top của top”. Và nếu F-22 Raptor đáp ứng tất cả các tiêu chí của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm thì tại sao quân đội Mỹ vẫn cần F-35 Lightning II (cả hai đều là sản phẩm của Lockheed Martin)?
Trước hết, F-22 là chiến đấu cơ trong khi F-35 là “hệ thống tấn công biết bay”. Lịch sử không quân thế giới chưa từng có hệ thống vũ khí nào tương tự. Có đến ba phiên bản: F-35A (thiết kế như chiến đấu cơ truyền thống, dành cho Không quân); F-35B (cất cánh lên thẳng) dành cho Thủy quân Lục chiến; và F-35C dành cho Hải quân, cánh gập, phóng từ hàng không mẫu hạm bằng lực đẩy hơi nước… F-35A bay thử lần đầu vào Tháng Mười Hai 2006; F-35B vào Tháng Sáu 2008; và F-35C Tháng Ba 2010.


 
Phi đội F-35A tại Căn cứ không quân Hill ở Utah (Ảnh: George Frey/Getty Images)

Chỉ riêng cái mũ phi công F-35 đã là một kiệt tác kỹ thuật quân sự. Giúp nhìn toàn cảnh 350 độ với hệ thống kết nối với các điểm cảm ứng gắn khắp thân máy bay, phi công có thể thấy được bên ngoài khi đưa mắt xuống sàn! Được sản xuất bởi RCESA (liên doanh giữa hãng Cedar Rapids tại tiểu bang Iowa với tập đoàn vũ khí Elbit của Israel), chiếc mũ F-35 trị giá hơn nửa triệu đôla này không chỉ giúp nhìn được không gian phía sau máy bay (không cần quay đầu) mà nó còn hiển thị tất cả thông tin cần thiết ngay trước mặt (trên kính chụp đầu), từ vận tốc, mức độ nhiên liệu, đến định vị…

Một cách chính xác, F-35 là một hệ thống chứ không phải máy bay thuần túy. Khi tác chiến, những chiến đấu cơ thông thường, chẳng hạn F-22, phải đi thành nhóm (2 hoặc 4 chiếc). Trong thực tế, đồng đội họ thường cách xa đến mức không thể thấy nhau bằng mắt thường. Trong khi đó, cỗ máy siêu vi tính F-35 có thể liên kết và truyền dữ liệu thông qua hệ thống máy chủ. Họ vẫn “thấy nhau” dù cách xa đến hàng dặm.


Chiếc nón trị giá hơn nửa triệu đôla của phi công F-35 (Ảnh: Lockheed Martin)

Những ý kiến chỉ trích rằng F-35 mang theo ít vũ khí hơn các loại máy bay chiến đấu đời cũ đã tỏ ra không chính xác, bởi F-35 có thể kích hoạt bắn diệt mục tiêu từ các hệ thống vũ khí trên hàng không mẫu hạm, trên các tàu khu trục (sử dụng hệ thống tên lửa Aegis) hoặc trên F-35 đồng đội! Chưa bao giờ trong lịch sử máy bay quân sự có một chiến đấu cơ có thể sử dụng khu trục hạm Aegis như một “đồng đội bay” (wingman)! Lần đầu tiên, với dữ liệu thông tin được ghi nhận từ F-35, Không quân, Thủy quân Lục chiến và Hải quân Mỹ có thể phối hợp tác chiến chặt chẽ theo cách chưa từng có trước đó.
Cho đến nay, vẫn có lời ra tiếng vào với F-35, đặc biệt chi phí cho dự án (tính đến thời điểm hiện tại đã vọt lên khoảng 1.7 ngàn tỉ đôla!). Viết trên National Interest, Adam Lowther (giáo sư Viện nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ) và Đại tá Không quân Mỹ Chris Wrenn nói rằng, việc chỉ trích F-35 không có gì lạ.
Trước kia, các chương trình F-15, AWAC và C-17 cũng bị lên án tương tự, với những lý do được nêu y hệt trường hợp F-35 (vượt quá ngân sách, trễ hạn, thách thức kỹ thuật “không thể vượt qua”…). Năm 1982, thượng nghị sĩ Carl Levin gọi chương trình F-15 Eagle là một vụ “mua sắm đáng ngờ” và yêu cầu Không quân mua loại chiến đấu cơ F-14 Tomcat rẻ hơn (bây giờ, người ta cũng yêu cầu nâng cấp F-15 thay vì đầu tư F-35!). Mà nếu thượng nghị sĩ Stuart Symington thành công trong chiến dịch phản đối năm 1973 thì chương trình F-14 có thể cũng đã không ra đời để Carl Levin có cơ hội so sánh với “chương trình tốn kém vô ích F-15”!

F-35B hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm (Ảnh: PO Arron Hoare/Ministry of Defence via Getty Images)

Năm 1973, Ủy ban quân vụ Hạ viện từng cắt ngân sách F-15 xuống còn ½ sau loạt sự cố cháy động cơ. Tháng Tư 1974, tờ New Republic viết rằng máy bay cảnh báo sớm E-3 AWAC là một thứ “đồ dỏm hoàn toàn” và nó không thể sống sót trong một trận không chiến. Tháng Năm 1993, trước làn sóng chỉ trích, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo với hãng McDonnell Douglas rằng chương trình vận tải cơ C-17 sẽ bị hủy trừ khi các vấn đề kỹ thuật không được cải thiện kịp thời.
Lúc đó, C-17 cũng bị dư luận “ném đá” bởi ngân sách vượt mức, dự án trễ hạn và các sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, C-17 cuối cùng đã không bị hủy và nó trở thành loại máy bay không thể thiếu cho loạt chiến dịch tấn công Iraq rồi sau này là Afghanistan. Chương trình V-22 Osprey cũng tương tự (thậm chí người ta còn so sánh mức độ tốn kém của nó với chương trình không gian Apollo!). Tuy nhiên, kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2007, V-22 đã chứng minh tính hiệu quả của nó như thế nào trên chiến trường…

F-35 của Hoa Kỳ vs Su-35 của Nga
Cả hai đều mang số “35” nhưng “35”-Nga so với “35”-Mỹ, chiếc nào lợi hại hơn? Được mang ra trình làng lần đầu tiên tại cuộc triển lãm hàng không thế giới Paris Air Show 2013 , Sukhoi Su-35 (Сухой Су-35) đã chinh phục khán giả hoàn toàn. Chúc đầu rồi lao vút cất cánh thẳng đứng, đang bay lướt như tên lửa bỗng “thắng” gấp đứng lơ lửng bất động trong không trung, rồi lại bất thần phóng đi như sao xẹt, tiêm kích cơ Su-35 có khả năng linh hoạt đáng nể mà bất kỳ máy bay chiến đấu nào cũng phải kiêng dè.
Theo trang web của hãng sản xuất (sukhoi.org), các chi tiết kỹ thuật đáng ghi nhận của Su-35 gồm sự nâng cấp bộ khung giúp nó tăng thời gian phục vụ lên 6,000 giờ, tức khoảng 30 năm; ngoài ra, nó không chỉ có động cơ mạnh hơn mà còn được trang bị hệ thống kiểm soát radar Irbis-E giúp phát hiện và theo dõi một mục tiêu 3 m2 trong không trung ở khoảng cách 400 km (có thể nhìn thấy cùng lúc 30 mục tiêu như vậy!). So với Su-27 trước đó, bồn nhiên liệu Su-35 cũng chứa được nhiều hơn 20% (11.5 tấn)…
Su-35 có 12 “chấu” gắn vũ khí với mỗi cánh có bốn chấu. Ngoài tên lửa (Vympel R-27, Molniya Kh-29, Kh-31P…), Su-35 có thể mang theo bom (bom định vị bằng vệ tinh KAB-500S-E, bom định vị bằng laser LGB-250…) và được trang bị các loại vũ khí tấn công chẳng hạn pháo 80 li, 122 li, 266 li hoặc thậm chí 420 li; và súng GSh-30-1 loại 30 li…


Su-35S (Ảnh: Russian Defence Ministry / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Có thể bay với vận tốc tối đa 2,390 km/giờ (Mach 2.25), tốc độ cất cánh 18 km/phút, tầm hoạt động 3,500 km-4,500 km, đạt độ cao tối đa 18 km, nặng 18.4 tấn…, Su-35 bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử vào Tháng Hai 2008 (trong một lần thử vào Tháng Tư 2009, một chiếc Su-35 đã bị rơi cháy ở Komsomolsk-on-Armur).
Nếu đụng độ, Su-35 có thể “chơi” lại F-35 Lightning II của Lockheed Martin? Về radar, F-35 sử dụng radar APG-81 AESA với 1,200 modul truyền-nhận tín hiệu, giúp nó có thể phát hiện một mục tiêu 1 m2 ở khoảng cách 150 km (thua hệ thống Irbis-E của Su-35).
Dù vậy, F-35 được trang bị “Hệ thống phát hiện mục tiêu điện quang” (EOTS) giúp nó có thể nhìn thấy Su-35 từ rất xa. Tầm hoạt động của Su-35 rộng hơn – 4,500 km so với vỏn vẹn 2,222 km của F-35. Không chỉ mang theo ít tên lửa hơn (10 tên lửa – 4 bên trong và 6 bên ngoài), F-35 cũng bay chậm hơn, với Mach 1,6 (1,699 km/giờ)… Tổng quát, Su-35 hơn hẳn F-35 ở khả năng linh hoạt, tốc độ, tầm hoạt động và trọng lượng vũ khí.
Tuy nhiên, F-35 hơn Su-35 ở khả năng tàng hình; và đây lại là một ưu thế rất lớn trong tình huống xảy ra không chiến, bởi F-35 hoàn toàn có thể “trốn” khỏi cặp mắt quan sát của radar đối phương. Ngoài ra, tên lửa AIM-120 của F-35 bắn xa hơn tên lửa Su-35. Còn nữa, trong khi Su-35 có thể phát hiện đối thủ ở khoảng cách 40 km, F-35 lại có thể dễ dàng “khóa” radar mục tiêu (Su-35) ở khoảng cách đến 150 km. Cuối cùng, dù mức độ “đâm ngang bổ dọc” kém hơn nhưng F-35 lại có khả năng nhắm bắn ở góc 360 độ quanh mục tiêu!…


F-35C (Ảnh: U.S. Navy photo courtesy Lockheed Martin via Getty Images)

Khó có thể biết nếu xảy ra không chiến mặt đối mặt thì ai diệt ai trước, F-35 hay Su-35; nhưng với những gì diễn ra trên chiến trường Ukraine hơn hai tháng qua đã giúp cho thấy một thực tế chua chát đối với quân Nga rằng, vũ khí của Nga có vẻ thiên về “Sơn Đông mãi võ” hoa lá cành biểu diễn hơn là có khả năng thực chiến đấm cú nào ra cú đó như “võ sĩ” Mỹ. Đã có một “con” Su-35 bị bắn cháy tại Ukraine.


Ngày 3 Tháng Tư 2022, trên mạng xuất hiện video và hình ảnh cho thấy hỏa tiễn Ukraine đã bắn cháy tan tành một chiếc Su-35S. Theo tin Bộ Quốc phòng Ukraine, chiếc Su-35S bị bắn tại một địa điểm gần thành phố Izyum, cách khu vực chiến sự khốc liệt Kharkiv khoảng 75 dặm về phía Đông. Tay phi công Nga kịp nhảy ra và bị bắt.
Trên Yahoo News (29-4-2022), Billie Flynn – một trong những phi công bay thử hàng đầu thế giới, từng lái thử các chiến đấu cơ của Lockheed Martin trong 17 năm (2003-2020), trong đó dĩ nhiên có F-35 – nói rằng nếu F-35 được đưa vào Ukraine thì cục diện được thay đổi tức thì và Ukraine sẽ chiến thắng nhanh chóng. Nhận xét của Billie Flynn được nhiều tờ báo trích lại. Nếu có ai rành F-35 “từ trong ra ngoài” thì người đó là Billie Flynn.
Với Ngũ Giác Đài, F-35 không chỉ là tiêm kích cơ. Nó còn đang được nhắm đến với việc được sử dụng như một oanh tạc cơ ôm bom hạt nhân. Năm 2021, hai chiếc F-35A đã được thử nghiệm mang bom nhiệt hạch B61-12. Quân đội Mỹ đang tậu 152 chiếc F-35 mỗi năm cho Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến và dự kiến 1,115 chiếc F-35 được giao vào năm 2023.
Mỹ Anh

 


 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top