Martha Henriques (BBC Future): Vì sao tỷ lệ tử vong do viruscorona mỗi nước mỗi khác?

Martha Henriques (BBC Future)

Vì sao tỷ lệ tử vong do viruscorona
mỗi nước mỗi khác?




(13 tháng 4 2020) Tại Ý, một trong những tâm dịch của đợt bùng phát virus corona mới, tỷ lệ tử vong vào cuối tháng Ba là 11%.
Trong khi đó ở nước láng giềng Đức, tỷ lệ tử vong cũng do chủng viurus này gây ra lại chỉ có 1%.
Ở Trung Cộng, tỷ lệ này là 4%, trong khi Israel có tỷ lệ thấp nhất trên toàn thế giới, chỉ 0,35%.
Thoạt nhìn thấy có vẻ đáng ngạc nhiên sao cùng con virus đó - dường như không có đột biến đáng kể về cung cách lây nhiễm - lại có thể dẫn đến nhiều tỷ lệ tử vong được báo cáo khác nhau đến vậy.
Và ngay cả trong một quốc gia, tỷ lệ này cũng thay đổi theo thời gian. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Một số yếu tố chính gây nên phần lớn sự khác biệt mà chúng ta thấy - và có lẽ điều quan trọng nhất chỉ đơn giản là cách chúng ta ghi nhận số lượng ca tử vong, cũng như tính toán số lượng ca nhiễm.

Những tỷ lệ tử vong hoàn toàn khác biệt

Đầu tiên là sự không rõ ràng về khái niệm "tỷ lệ tử vong". Sự nhập nhằng này khiến cho con số các quốc gia đưa ra trông hoàn toàn khác biệt, ngay cả khi tỷ lệ người chết của các nước là như nhau.
Trên thực tế, có hai loại tỷ lệ tử vong.
Loại thứ nhất là tỷ lệ người chết tính trên số người đã được xét nghiệm và được xác định dương tính với virus corona. Đây được gọi là "tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh".
Loại thứ hai là tỷ lệ người chết sau khi nhiễm virus tính trên số bị lây nhiễm nói chung; vì có rất nhiều người trong số này sẽ không bao giờ được phát hiện (qua xét nghiệm), cho nên con số này chỉ có thể ước tính. Đây được gọi là "tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm".
Nói cách khác, tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh nhằm nói tới tỷ lệ bệnh nhân mà bác sĩ biết chắc chắn rằng họ chết vì dịch bệnh, chứ không phải là toàn bộ số người được cho là tử vong vì virus, Carl Heneghan, nhà dịch tễ học và giám đốc của Trung tâm xét nghiệm y tế của Đại học Oxford nói; ông cũng là một bác sĩ gia đình đang bình phục sau khi bị nghi nhiễm Covid-19.
Để hiểu rõ sự khác biệt của hai khái niệm này, hãy xem xét trường hợp giả định là có 100 người bị nhiễm Covid-19.
Mười người trong số họ bị bệnh nặng đến mức nhập viện, nơi họ được xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19. 90 người khác không được xét nghiệm gì cả. Một trong những bệnh nhân nhập viện sau đó chết vì virus. 99 người còn lại sống sót.
Điều đó sẽ cho "tỷ lệ tử vong trên số ca bệnh" là một trên 10, hay 10%. Nhưng "tỷ lệ tử vong trên số ca lây nhiễm" sẽ chỉ là một trên 100, tức 1%.
Vì vậy, nếu một số quốc gia chỉ xét nghiệm những bệnh nhân nặng nhập viện - và không xét nghiệm bệnh nhân Covid-19 nhẹ (hoặc thậm chí có những bệnh nhân không hề có triệu chứng) không đến bệnh viện (ví dụ như cách Vương quốc Anh hiện đang áp dụng), thì tỷ lệ tử vong có vẻ như cao hơn so với các quốc gia nơi xét nghiệm phổ biến trên diện rộng (như Đức hoặc Hàn Quốc).

Xét nghiệm diện rộng

Ngay cả khi cẩn thận so sánh cùng một loại tỷ lệ tử vong giữa các quốc gia, thì ta cũng dễ dàng thấy việc xét nghiệm nhiều hoặc ít sẽ làm thay đổi kết quả.
Trên thực tế, việc thiếu xét nghiệm có hệ thống trên diện rộng ở hầu hết các quốc gia chính là nguồn gốc dẫn đến sự khác biệt căn bản về tỷ lệ tử vong tại các khu vực trên thế giới, Dietrich Rothenbacher, giám đốc Viện Dịch tễ học và Sinh trắc học Y khoa tại Đại học Ulm, Đức, cho biết.
Kết quả là việc so sánh trực tiếp số liệu hiện tại của các quốc gia với nhau là hoàn toàn khập khiễng, ông nói.
Điều này là do để có được một con số chính xác trong toàn dân thì cần phải xét nghiệm không chỉ các trường hợp có triệu chứng mà cả những người không có triệu chứng. Có dữ liệu đó thì mới đưa ra được một bức tranh chính xác về cách thức đại dịch ảnh hưởng đến toàn bộ dân số chứ không chỉ với những ca nhiễm bệnh đã được xét nghiệm.
"Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với các số liệu cực kỳ thiếu khách quan từ các quốc gia - do đó không thể so sánh trực tiếp những số liệu này với nhau được," ông nói.
"Những gì chúng ta thực sự cần là có những con số chính xác và có thể so sánh với nhau được, là những con số được thu thập theo cùng cách thức và có hệ thống, qua đó thể hiện chính xác mức độ bệnh dịch ở từng nước.
Làng Vò, một vùng quê ở miền bắc nước Ý là một ví dụ về lý do tại sao xét nghiệm không chỉ quan trọng để có được dữ liệu chính xác mà còn giúp khống chế dịch Covid-19.
Khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở đây được xác nhận, toàn bộ cư dân gồm 3.300 người đã được làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy tại thời điểm xảy ra ca nhiễm đầu tiên này, có 3% dân số tại đây đã bị nhiễm virus nhưng lại không hề có triệu chứng bệnh hoặc chỉ có một vài triệu chứng nhẹ.
Tỷ lệ tử vong trên các ca bệnh Covid-19 ở Ý cao hơn rõ rệt so với các nơi khác trên thế giới, phần lớn là do biện pháp xét nghiệm để phát hiện ra các ca nhiễm

 

Tỷ lệ tử vong trên các ca bệnh Covid-19 ở Ý cao hơn rõ rệt so với các nơi khác trên thế giới, phần lớn là do biện pháp xét nghiệm để phát hiện ra các ca nhiễm (WORLDOMETER / BBC)
Một chương trình xét nghiệm diện rộng triển khai ở Iceland cho thấy bức tranh tương tự.
Iceland đã xét nghiệm hơn 3% trong tổng dân số khoảng 365.000 người của nước này, gồm cả những người có triệu chứng bệnh và những người không có triệu chứng gì.
Bằng cách ngoại suy kết quả, chương trình xét nghiệm ước tính rằng 0,5% dân số Iceland có khả năng đã nhiễm Covid-19.
Nhưng ngay cả con số này có thể vẫn hơi thấp hơn thực tế bởi vì những người không có triệu chứng thường ít có khả năng được làm xét nghiệm, Heneghan lưu ý.
Người ta cho rằng con số thực tế có thể gần hơn với 1% dân số Iceland, điều đó có nghĩa là khoảng 3.650 ca nhiễm virus.
Một khó khăn khác là dữ liệu này không phải là được lấy từ một nghiên cứu đã được các khoa học gia khác xem xét, bình duyệt, mà là dữ liệu y tế lâm sàng tức thời - vốn có thể có nhiều lộn xộn trùng lặp và gồm cả những dữ liệu không phù hợp với nhau.
Tuy vậy, những số liệu như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm diện rộng, qua đó giúp hỗ trợ cảnh báo các biện pháp y tế cộng đồng, theo Sheila Bird từ bộ phân phân tích thống kê sinh học MRC Biostatistic thuộc Đại học Cambridge.

Xét nghiệm kháng thể

"Nếu bạn đã từng nhiễm virus nhưng lại chưa bao giờ phát sinh các triệu chứng bệnh thì có nghĩa bạn là một ca lây nhiễm nhưng thuộc loại 'không được tính' - ca nhiễm này sẽ không được tính cho đến khi chúng ta có xét nghiệm kháng thể với virus," Bird nói.
Các xét nghiệm kháng thể giúp lần ra dấu vết của phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus và cho biết những ai đã bị lây nhiễm.
Các xét nghiệm này có thể làm thay đổi tình thế trong việc tìm ra cá nhân nào đã phát triển được khả năng miễn nhiễm đối với virus này và có thể trở lại với cuộc sống thường ngày một cách an toàn mà không có nguy cơ tái nhiễm hoặc làm lây lan virus cho người khác.
"Điều này cho thấy tại sao cần triển khai xét nghiệm và việc thực hiện xét nghiệm là vô cùng quan trọng," Bird cho biết.
Ở làng Vò, sự lây lan của Covid-19 đã được ngăn chặn sau hai tuần, vì cả hai yếu tố xét nghiệm diện rộng và các biện pháp theo dõi nghiêm ngặt đều cho phép ngăn chặn lây nhiễm có mục tiêu rõ ràng và đạt hiệu quả.
Cho đến ngày 12/4, Iceland chỉ có tám ca tử vong do Covid-19.

Khi nào thì tính là tử vong do Covid-19?

Ngoài ra còn có những yếu tố khác nữa làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong.
Một trong yếu tố đó là việc bác sỹ coi các trường hợp nào là tử vong là do Covid-19.
Thoạt tiên, điều đó có vẻ cực đơn giản: nếu một bệnh nhân chết khi đã bị nhiễm Covid-19 thì mặc nhiên họ được tính là chết vì Covid-19.
 

Khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở làng Vò nước Ý, xét nghiệm đã được triển khai cho toàn bộ cư dân nơi đây (GETTY IMAGES)
Nhưng sẽ thế nào nếu họ đã có sẵn bệnh nền trước khi nhiễm Covid-19, chẳng hạn như hen suyễn, rồi bị nhiễm Covid-19 khiến cho bệnh tình trầm trọng thêm?
Hoặc sẽ tính như thế nào nếu bệnh nhân chết vì bệnh gì đó dường như ít liên quan đến Covid-19 (là virus gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính) như chứng phình động mạch não? Những trường hợp cụ thể nào thì được coi là chết do Covid-19?
Ngay cả trong cùng một quốc gia, số liệu thống kê chính thức có thể thay đổi tùy thuộc vào việc tính dựa trên cái gì.
Ví dụ, ở Anh, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội phát hành thông tin cập nhật hàng ngày về việc có bao nhiêu người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã tử vong vào ngày hôm đó.
Như vậy, số liệu của Anh bao gồm tất cả các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 cho dù họ có thể tử vong vì bệnh khác (ví dụ, ung thư giai đoạn cuối).
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) thì lại tính toàn bộ các ca tử vong mà trong giấy chứng tử có nhắc đến Covid-19 là các ca chết vì Covid-19, bất kể là các ca đó đã được xét nghiệm chưa hay mới chỉ đơn thuần là nghi nhiễm Covid-19.
Vấn đề càng thêm phức tạp ở chỗ hai cách tính tỷ lệ tử vong lại không được thục hiện đồng bộ với nhau, bởi ONS thì tính dựa trên giấy chứng tử, tức là sẽ mất nhiều thời gian hơn mới có kết quả thống kê.
"Vấn đề không phải là đúng hay sai, mà là mỗi nguồn dữ liệu đều có những ưu, khuyết riêng," Sarah Caul, người đứng đầu bộ phận phân tích số liệu tử vong tại ONS, viết trên blog cá nhân về các cách khác nhau để tính số người chết vì Covid-19.
Tuy nhiên, đây không nhất thiết là lý do dẫn đến sự khác biệt giữa hầu hết các quốc gia, vì nhiều nước cũng đang tính số người chết theo cùng cách này.
Ý tính các ca tử vong do Covid-19 là bao gồm mọi bệnh nhân có nhiễm Covid-19 lúc qua đời; Đức và Hong Kong cũng vậy.
Ở Mỹ, các bác sĩ có nhiều quyền hơn: họ được yêu cầu ghi lại xem liệu bệnh nhân có chết vì Covid-19 hay không và báo cáo về tình hình dịch bệnh cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Có thể dễ nhận thấy là một bác sỹ sẽ coi việc một bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng tử vong do một bệnh nào đó, như do đau tim hoặc do bị phình động mạch não, là người tử vong không phải do Covid-19, và do vậy họ sẽ không đưa ca đó vào số liệu tường trình về diễn biến Covid-19.
Tuy nhiên, điều quan trọng là tuy điều này có thể sẽ tạo ra sự khác biệt khi dữ liệu được phân tích trong vài tháng hay vài năm nữa, nhưng nó không giải thích được những khác biệt trong các số liệu thống kê vào thời điểm hiện tại.
Vào lúc này, ở Mỹ bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm Covid-19 khi tử vong sẽ đều được tính trong báo cáo công khai là chết vì Covid-19, bất kể bác sĩ có tin rằng Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong hay không.
Cécile Viboud, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Quốc tế Fogarty thuộc Viện Y tế Quốc gia, nói: "Tôi hy vọng rằng giấy chứng tử cuối cùng sẽ ghi Covid cùng với các bệnh nền khác, nếu như bệnh nhân có các bệnh đó."
"Nhưng vào lúc này, bất kỳ bệnh nhân nào dương tính với Covid-19 mà chết thì đều được tính vào số liệu tử vong do Covid-19 của Hoa Kỳ."
Như vậy, cách tính các ca tử vong như thế nào sẽ ảnh hưởng tới cách ta hiểu về mức độ chết người nghiêm trọng tới đâu của căn bệnh này, nhưng điều này không phải là yếu tố khác biệt ghê gớm giữa các nước.

Các nguyên nhân phức tạp

Tình hình càng thêm mù mờ khi có các trường hợp chưa được xét nghiệm Covid-19 nhưng đã bị nghi nhiễm.
Bởi có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 tử vong là những người đã có sẵn bệnh nền, các bác sĩ vẫn phải tìm hiểu về nguyên nhân thực sự gây ra tử vong.

 

Tình hình càng trở nên phức tạp khi có những trường hợp chưa được xét nghiệm Covid-19 nhưng bị nghi là đã lây nhiễm (GETTY IMAGES)
Trong thời gian có dịch bệnh, các bác sĩ nhiều khả năng sẽ coi các trường hợp tử vong do nhiều nguyên nhân phức tạp là các ca tử vong do dịch bệnh đó - điều được biết đến như một thành kiến định sẵn.
"Chúng ta biết rằng trong thời gian có dịch bệnh, mọi người sẽ mặc nhiên coi mọi cái chết đều liên quan đến Covid-19. Nhưng mà không phải lúc nào cũng đúng vậy," Heneghan nói.
"Khi nhìn lại các ghi chú bệnh án và chẩn đoán nguyên nhân, họ nhận ra rằng họ sẽ đánh giá quá mức số các ca tử vong liên quan đến dịch bệnh."
Lý do dẫn đến thành kiến này là vì "có xu hướng muốn tập trung vào kịch bản xấu nhất", Heneghan nói. "Đó là thông điệp duy nhất được đưa ra từ đó."
Một ví dụ là đại dịch cúm heo H1N1 năm 2009.
Ước tính tỷ lệ tử vong trong thời gian đầu đã bị phóng đại lên đến con số hơn 10 lần.
Thậm chí ngay cả sau 10 tuần xảy ra dịch bệnh, các ước tính giữa các nước khác nhau là rất khác nhau, nằm trong khoảng từ 0,1% đến 5,1%.
Sau này, khi các chuyên viên y tế có cơ hội xem xét các bệnh án và đánh giá lại các ca bệnh, kết quả tỷ lệ tử vong do mắc bệnh cúm H1N1 thực tế thấp hơn rất nhiều, chỉ ở mức 0,02%.
Đây không phải là lý do để chúng ta chủ quan, Heneghan nói. Nhưng điều này có thể là một phép hoá giải lời báo động về tỷ lệ tử vong rất cao được báo cáo ở một số quốc gia.

Những cái chết âm thầm

Trong khi số lượng tử vong bị tính vống lên khiến tỷ lệ tử vong trong số các ca bệnh Covid-19 được ghi nhận ở mức quá cao, thì đồng thời lại có một yếu tố khác (thêm phần rối rắm) khiến cho tỷ lệ này bị giảm bớt.
Đó là chuyện có những ca tử vong không được tính đến là có liên quan tới Covid-19: những người chết vì căn bệnh này nhưng lại chưa từng được xét nghiệm.
Điều này xảy ra khi dịch vụ y tế bị quá tải, tới mức ngay cả những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng của bệnh dịch cũng không được đưa vào bệnh viện để được xét nghiệm và điều trị, bởi đơn giản là vì ngành y tế không còn khả năng nữa.
Tại thị trấn nhỏ Nembro ở Lombardy, Ý chỉ có 31 người được xác nhận chính thức chết vì Covid-19.
Nhưng một nghiên cứu sơ bộ đã phát hiện ra rằng nơi đó có khả năng nhiều người hơn đã chết vì Covid-19.
Đó là vì mức tử vong chung - không chỉ từ Covid-19 mà tính gộp tất cả các trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân thì số người chết đầu năm nay cao gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông thường, khoảng 35 người chết trong những tháng đầu năm ở Nembro. Năm nay, 158 người đã được xác nhận đã qua đời.
Mức tăng vọt bất thường này được tính là các trường hợp tử vong do Covid-19 nhưng không được chẩn đoán và xét nghiệm.
Số lượng giường bệnh có sẵn cũng có thể đóng một vai trò, vì các quốc gia có năng lực dịch vụ y tế kém hơn có thể phải bắt đầu đưa ra quyết định sớm hơn về ca bệnh Covid-19 nào sẽ được ưu tiên điều trị.
Điều này có thể dẫn đến nhiều cái chết do Covid-19 trong cộng đồng nhưng chưa được xác nhận (và sẽ không được thống kê), bởi có những người có triệu chứng nhưng không được đưa vào viện điều trị.
Mặc dù điều này có thể dẫn đến nhiều cái chết không được thống kê, nhưng nó không nhất thiết cần được diễn giải thành số lượng tử vong lớn hơn.
"Không thể nói rằng được đưa vào khu vực hồi sức cấp cứu (ICU) là sẽ có kết quả hồi phục tốt hơn so với chăm sóc trong cộng đồng," Heneghan nói.
Điều quan trọng hơn số lượng giường có sẵn trong bệnh viện, theo ông, là cách thức tổ chức giường bệnh.
Nếu các bệnh nhân Covid-19 ở gần các bệnh nhân khác - hoặc nếu các bác sĩ di chuyển giữa khoa điều trị bệnh Covid-19 và các khoa điều trị bệnh khác - thì điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
"Đó là lý do tại sao bạn cần các bệnh viện riêng biệt cho các nhóm lây nhiễm riêng biệt," ông nói.

Độ tuổi đóng vai trò gì?

Bên cạnh những khác biệt trong cách định nghĩa lâm sàng để tính số lượng tử vong do Covid-19 và số người chưa được xét nghiệm, có những yếu tố khác khiến cho virus có vẻ như tấn công một số quốc gia dữ dội hơn so với các quốc gia khác.
Một trong các lý do đó đã được các bác sỹ Ý đưa ra, đó là độ tuổi của dân số mỗi quốc gia.
Năm 2019, gần một phần tư dân số Ý có độ tuổi từ 65 trở lên, trong lúc con số này ở Trung Cộng chỉ là 11%.
Tỷ lệ tử vong trên ca bệnh ở Ý tính đến giữa tháng Ba là 7,2% - cao hơn nhiều so với tỷ lệ 2,3% ở Trung Cộng trong giai đoạn tương đương của dịch bệnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm dân số từ độ tuổi từ 0 đến 69 ở hai nước là tương đương nhau, theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu từ trung tâm dịch tễ trung ương Istituto Superiore de Sanità ở Rome.

 

Gần một phần tư dân số Ý có độ tuổi từ 65 trở lên, trong khi Trung Cộng chỉ là 11%- (GETTY IMAGES)

Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân lớn tuổi nhất, Ý và Trung Cộng lại được chia thành các nhóm:
​​​​​Nhóm tuổi 70-79 ở Ý có tỷ lệ tử vong trên ca bệnh là 12,8%, trong khi Trung Cộng là 8%.
Đối với nhóm người trên 80 tuổi, sự khác biệt còn rõ rệt hơn: Ý là 20,2% và Trung Cộng 14,8%.
 
Lý do cho sự khác biệt này vẫn còn chưa có lời giải đáp, các nhà nghiên cứu ghi nhận.
Heneghan nghi ngờ rằng có một yếu tố đặc thù đang diễn ra ở Ý, những con số tử vong cao có thể không liên quan đến virus, mà là với vi khuẩn.
Đất nước này có số người chết do kháng kháng sinh cao nhất châu u - trên thực tế, một phần ba số trường hợp tử vong do kháng kháng sinh ở châu u là xảy ra ở Ý.
Mặc dù kháng sinh không diệt được virus, song nhiễm virus thường mở đường cho nhiễm trùng thứ cấp hoặc biến chứng như viêm phổi do vi khuẩn. Nếu vi khuẩn không bị tiêu diệt khi áp dụng đúng phác đồ điều trị vì bệnh nhân đã kháng thuốc, thì đây có thể mới là nguyên nhân giết chết bệnh nhân chứ không phải virus.
"Đây là một phần cực kỳ quan trọng trong toàn bộ câu chuyện này," Heneghan nói. "Và nó đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi."
Cùng với vấn đề tuổi tác, sức khỏe tổng quát của dân chúng được nhấn mạnh là một yếu tố liên quan - đặc biệt là với những người có sẵn bệnh nền dễ bị tổn thương.
Mặc dù điều đó có thể đóng một vai trò quan trọng, nhưng điều này không giải thích được tại sao một số quốc gia báo cáo số ca tử vong do Covid-19 cao hơn các nước khác: chẳng hạn, Ý luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia lành mạnh nhất thế giới và có tuổi thọ cao hơn Trung Cộng .



Bản quyền hình ảnhONDER ET AL./JAMA/BBCImage captionĐối với nhóm tuổi trẻ hơn, tỷ lệ tử vong trên ca dương tính ở Ý và Trung Cộng là tương đương, nhưng đối với các nhóm người cao tuổi nhất, tỷ lệ tử vong của Ý cao hơn
Việc cố gắng đánh giá chính xác mức độ gây chết người của bệnh dịch Covid-19 là điều khó khăn và cần có đủ thời gian.
Có thể chúng ta không bao giờ tính được số người chết do Covid-19 một cách xác thực, đáng tin cậy nữa, vì công tác xét nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới đã được triển khai quá chậm trễ.
Thời gian trôi qua, ước tính tỷ lệ tử vong Covid-19 có thể sẽ được cải thiện, vì các bác sĩ cuối cùng đã có thể thông qua ghi chú bệnh án và phân tách ra các yếu tố rối rắm góp phần gây ra từng cái chết của các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Vào lúc này, trong lúc các bệnh viện đều đang tràn ngập các bệnh nhân ốm nặng còn các bác sỹ, y tá đang phải làm việc suốt đêm ngày để chăm sóc họ, thì công tác phân tích kỹ lưỡng đó sẽ phải tạm thời xếp lại.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top