Khoa học dùng
CHUỘT BẠCH
trong thí nghiệm từ khi nào?
Ngày nay, ước tính có đến hơn 90% các nghiên cứu trên động vật ở Mỹ được thực hiện với chuột bạch hay những họ hàng của nó.
Ngược dòng lịch sử, cách đây gần 200 năm, chuột bạch lần đầu được sử dụng trong thí nghiệm vì mục đích nghiên cứu.
Theo thống kê của tạp chí Science, các động vật thuộc bộ gặm nhấm là đối tượng thí nghiệm được giới chuyên gia sử dụng nhiều nhất trong hơn trăm năm qua.
Ngày nay, ước tính có đến hơn 90% các nghiên cứu trên động vật ở Mỹ được thực hiện với chuột bạch hay những họ hàng của nó.
Từ năm 1965 đến những năm đầu của thế kỷ 21, số lượng các trích dẫn khoa học liên quan đến chuột tăng gấp bốn lần, trong khi những thí nghiệm trên chó, mèo, thỏ nhìn chung không tăng.
Theo New York Times, khởi đầu của sự phổ biến này bắt đầu từ câu chuyện vào thế kỷ 18 ở châu Âu. Lúc đó, nhiều nơi ở “lục địa già” bị chuột hoành hành và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Từ đó, một loạt nghề nghiệp và nếp sinh hoạt mới ra đời.
Các tay bắt chuột bắt đầu xuất hiện ở Anh, chuyên “săn” chuột và bán cho các cơ sở thu mua làm thức ăn cho động vật hoặc những vùng có thói quen ăn thịt chuột.
Trò tiêu khiển dùng chuột mua vui cũng nổi lên. Các “đấu trường” chuột được dựng lên, trong đó chuột và chó hoặc mèo được thả vào bên trong.
Nhà cái sẽ đứng ra tạo nhiều “kèo” cho giới mê cá độ như một con chó sẽ diệt được tất cả chuột trong một đấu trường trong bao lâu, hoặc con mèo nào sẽ diệt được chuột nhanh nhất.
Trò chơi này phổ biến đến nỗi chỉ trong khu trung tâm thành phố London lúc đó đã có đến 30 trường đấu.
Nhu cầu có chuột nhiều màu để dễ phân biệt trong các cuộc cá cược tăng lên. Jack Black – một tay huấn luyện chó bắt chuột có tiếng – bắt đầu để ý đến các con chuột khác màu, đặc biệt là những con lông trắng do bệnh bạch tạng.
Từ đó, Jack Black tìm cách nhân giống và thuần hóa loài chuột lông trắng.
Đầu thế kỷ 19 cũng là giai đoạn bùng nổ các nghiên cứu về sinh học và y khoa, dẫn đến nhu cầu có một vật mẫu thí nghiệm rất lớn.
Nhận thấy chuột bạch kích thước nhỏ, dễ sinh sản, vòng đời ngắn giúp thuận tiện nghiên cứu qua nhiều thế hệ, và còn có hệ gen giống của người đến hơn 90%, các nhà khoa học quyết định lấy chuột bạch làm động vật thí nghiệm.
Một trong những lý do quan trọng nhất là chuột dễ biến đổi gen, giúp các nhà khoa học dễ dàng thực hiện các nghiên cứu về di truyền bằng các cách bất hoạt hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai.
Năm 1828, chuột bạch lần đầu được sử dụng vào việc nghiên cứu về hàm lượng protein trong cơ thể người. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học dùng động vật làm vật thí nghiệm.
Đến năm 1906, Viện Wistar ở Philadelphia (Mỹ) bắt đầu đưa ra chuẩn chuột thí nghiệm. Bằng việc cho giao phối có lựa chọn, giới khoa học dần tạo được thể tạo ra những chú chuột với nhiều đặc tính phục vụ cho nghiên cứu.
Chuột bạch thí nghiệm với các tiêu chí như ít cắn phá hơn, thích nghi với lối sống “tù túng” hơn, sinh sản nhanh hơn, và các cơ quan trong cơ thể nhỏ nhưng phân bố rõ ràng hơn.
Đến nay, dù còn nhiều tranh cãi về quyền của động vật, tuy nhiên đa số giới chuyên gia vẫn thừa nhận rằng nếu không có chuột bạch thí nghiệm, ngành y sinh sẽ khó có thể đạt những bước tiến vượt bậc như hiện tại.
--