Bố vợ tỷ phú nổi tiếng giản dị của tân Thủ tướng Anh 

Bố vợ t phú nổi tiếng giản dị của tân Thủ tướng Anh 

Nguồn Internet

Dù nắm trong tay khối tài sản khổng lồ trị giá tới 4,5 tỷ USD, nhưng tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy, bố vợ của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak có lối sống vô cùng giản dị.
Vợ chồng ông Narayana Murthy hiện vẫn sống trong một căn hộ tại Bengaluru, Ấn Độ như cách đây hàng chục năm. Vị tỷ phú này đang sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ, vẫn rửa bát và tự cọ bồn cầu trong nhà.


Tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy, người đồng sáng lập công ty phần mềm Infosys. Ảnh: Forbes

Lối sống giản dị
Theo báo Guardian, ông Murthy, 76 tuổi là doanh nhân tiếng tăm ở Ấn Độ vì đồng sáng lập công ty phần mềm Infosys vào năm 1981. Infosys hiện đã trở thành công ty đa quốc gia, được định giá 11,1 tỷ USD, với hơn 345.000 nhân viên.
Điểm khác biệt duy nhất so với thời ông Murthy và vợ - bà Sudha - còn là một cặp đôi bình thường, vô danh, là căn hộ của họ hiện chất đầy sách đến tận xà nhà.
Cuộc sống của họ không có sự hào nhoáng, không có thời trang cao cấp, không có những kỳ nghỉ xa hoa hay phi cơ riêng, không có dinh thự sang trọng hay các thương hiệu xa xỉ. Mọi thứ về họ đều bình dân và khiêm nhường.
Ông Murthy được đánh giá là một người hướng nội, không yêu thích gì hơn việc đọc sách.
Trong cuốn “3.000 mũi khâu” năm 2017 của mình, bà Sudha đã kể về cách chồng tự dọn dẹp nhà vệ sinh, một công việc nhiều người Ấn Độ thường giao cho những nhân viên thuộc tầng lớp thấp hơn, và việc ông tự rửa bát đĩa sau bữa ăn.
Các nhân viên tại Infosys đã nói về niềm tin của ông Murthy vào giá trị của lao động cũng như chứng kiến vị tỷ phú này tự mình sửa chữa các trục trặc điện nhỏ trong căng-tin. Ông cũng nổi tiếng về tính chính trực và tuyên bố bản thân chưa bao giờ đưa hối lộ.


Ông Murthy và vợ cùng chia sẻ thú vui đọc sách. Ảnh: Punjab News Express

Sau thú vui đọc sách, ông Murthy cũng cống hiến nhiều cho các hoạt động từ thiện. “Sức mạnh thực sự của đồng tiền nằm ở việc cho đi” là một trong những câu nói nổi tiếng của ông.

Nỗ lực khởi nghiệp
Ông Murthy và 6 người bạn kỹ sư đã thành lập Infosys sau một cuộc tranh luận tại căn hộ của ông về cách thức họ có thể tạo ra một công ty viết mã phần mềm cách đây 41 năm. Thời điểm đó, họ không có máy tính và phải vay 10.000 rupee (hơn 120 USD) từ bà Sudha để thành lập công ty, đồng thời sử dụng phòng trước của nhà ông Murthy làm văn phòng.
Infosys đã phát triển trong hơn 4 thập kỷ để cung cấp cơ sở hạ tầng phần mềm, các dịch vụ tư vấn, công nghệ và gia công phần mềm. Công ty đã được thúc đẩy nhảy vọt vào những năm 2000 khi các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu chuyển dịch vụ phát triển phần mềm và công việc hỗ trợ sang Ấn Độ vì chi phí rẻ hơn.
Trong giai đoạn 1999 – 2004, doanh thu của Infosys đã tăng gấp 10 lần, đạt 1 tỷ USD. Ngày nay, công ty được định giá hơn 11 tỷ USD.
Trước khi ông Murthy thôi giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty vào năm 2011, sự đúng giờ của ông dường như cũng gây ấn tượng như triết gia Đức lừng danh Immanuel Kant, người có lịch trình chính xác đến mức các bà nội trợ Đức cùng thời từng đặt đồng hồ của họ dựa trên số lần đi bộ hàng ngày của ông.
“Tôi có mặt tại văn phòng lúc 6h20 mỗi sáng cho đến khi tôi nghỉ hưu. Điều đó đã gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn đến những người trẻ tuổi về việc đến văn phòng đúng giờ”, ông Murthy nói trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế hồi tháng 7.


Vợ chồng ông Murthy hiện vẫn sống trong căn hộ ở Bengaluru, Ấn Độ như lúc mới khởi nghiệp. Ảnh: Punjab News Express

Hình mẫu truyền cảm hứng
Vợ chồng ông Murthy, hiện tuổi đều ngoài 70, được xem như một cặp vợ chồng “trung lưu, cổ điển” ở miền nam Ấn Độ, ám chỉ sự giản dị của họ về ăn uống, quần áo và đồ đạc, sống theo các giá trị gia đình mạnh mẽ, chú trọng học hành và làm việc chăm chỉ, trung thực và cư xử nhẹ nhàng. Các chủ cho thuê nhà ở Delhi cho đến nay thường đề cập “ưu tiên người miền nam Ấn Độ" trong các quảng cáo khi cho thuê căn hộ, nhờ vào danh tiếng này.
Trong những năm đầu của Infosys, khi còn thiếu tiền, ông Murthy đã đi hạng phổ thông ngay cả trên các chuyến bay quốc tế. Ông chỉ ngừng làm việc đó khi công ty đạt doanh thu 1 tỷ USD.
“Ông ấy là một hình mẫu nổi bật và đầy cảm hứng. Ông ấy độc nhất vô nhị trong việc thể hiện cho người Ấn Độ trung lưu thấy họ có thể thành công trong khi vẫn sống có đạo đức. Ông ấy là hình ảnh thu nhỏ của người đàn ông tự lập và khiêm tốn một cách chân thật”, Suhel Seth, một chuyên gia tiếp thị và đối tác quản lý của Counselage, người biết rõ tỷ phú Murthy nhận xét.
Ông Murthy nghỉ hưu khi bước sang tuổi 65 vào năm 2011, theo chính sách của công ty, nhưng hội đồng quản trị đã kéo ông trở lại vào năm 2013 để vực dậy vận may đang sa sút của công ty. Chính trong năm này, với tư cách là chủ tịch điều hành, ông đã đưa con trai mình - Rohan, người có bằng tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ) vào Infosys.
Đó là lần đầu tiên ông Murthy bị chỉ trích. Việc đưa con trai vào làm đã đi ngược lại nguyên tắc lâu đời của công ty, do chính vị tỷ phú này đề ra, là không thuê bất kỳ người thân nào, đặc biệt là trẻ em, để tránh chế độ gia đình trị.
Khi ông Murthy nghỉ hưu lần nữa một năm sau đó, vào năm 2014, Rohan cũng rời công ty. “Công bằng mà nói, ông ấy hiểu tại sao điều đó không ổn, mặc dù hội đồng quản trị đã muốn giữ Rohan vì anh ấy xuất sắc. Rốt cuộc Rohan đã ra đi”, Shriram Subramanian, một cựu nhân viên của Infosys bình luận.

Vợ chồng ông Murthy (trái) tham gia một sự kiện cùng con gái – Akshata và con rể - Rishi Sunak (bìa phải). Ảnh: The Times

Tỷ phú Murthy có xu hướng không bàn luận công khai về những vấn đề thời sự. Một phát biểu bày tỏ quan điểm hiếm hoi của ông là chỉ trích việc phong tỏa quá hà khắc của Ấn Độ vào năm 2020, với lí do biện pháp đó sẽ giết nhiều người hơn Covid-19.
Vợ chồng ông Murthy chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn trước vì người con rể quyền lực. Song, bạn bè đều nói, họ khó có khả năng trở nên thân thiện với truyền thông hoặc để sự nổi tiếng của con rể làm xáo trộn cuộc sống nghỉ hưu yên bình của họ.

Tuấn Anh


Thân thế người vợ 'đại gia' của tân Thủ tướng AnhAkshata Murthy, người vợ Ấn Độ của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak, giàu có nhờ người cha vợ là tỷ phú được mệnh danh là "Bill Gates của Ấn Độ".

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top