Vũ Thất, Có Một Vì Sao

Vũ Thất

Có Một Vì Sao

Có một hành tinh mang bốn tên rất đẹp: sao Mai, sao Hôm, sao Kim và Vệ Nữ.


Tranh Starry Night by Van Gogh

Chúng tôi lên đường trên chiếc BMW mới cáu cạnh của Sơn. Sáng sớm mùa hè còn dịu mát nhưng Sơn vẫn mở máy lạnh. Anh lúc nào cũng dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất. Tuần rồi, anh mua xe mới, muốn tôi là người "thưởng thức" đầu tiên. Tôi ngỏ ý muốn đi cho biết miền Tây. Anh nồng nhiệt tán thành. Anh nói miền Tây mênh mông, chủ ý của tôi là muốn đến nơi nào. Tôi đáp làng Hòa Hảo…

Qua khỏi Phú Lâm, Sơn bắt đầu nói về lịch sử và tiểu sử danh nhân từng địa phương. Thoạt đầu tôi rất thán phục nhưng càng nghe tôi càng ấm ức. Ngày sinh của danh nhân hàng trăm năm trước anh vẫn nhớ, nhưng ngày sinh của tôi hôm nay thì không. Không một đóa hoa, một lời chúc mừng! Lơ luôn nét mặt hờn giân của tôi từ sáng đến chiều, dù ngồi đối diện giải lao ở các vườn sinh thái...

Mươi phút từ vườn cò Bằng Lăng đi Long Xuyên, Sơn quẹo xe vào một sân rộng của một ngôi nhà ba tầng bề thế, mặt tiền tân kỳ vươn cao lên nền trời chạng vạng. Một hệ thống ánh sáng phóng chiếu vào những chậu hoa đủ loại đang nở rộ chen lẫn các chậu kiểng cắt tỉa uốn nắn công phu. Một hòn dã sơn nằm ở góc phải, từ đó những cụm cây lè tè chạy dọc theo hàng rào sơn trắng. Tất cả hiển thị ngôi nhà hoàn tất chẳng bao lâu.

Khi chúng tôi bước lên các bậc thềm, cánh cửa chính tự động mở rộng cùng lúc tiếng reo vang “happy birthday, happy birthday to Linh Chi.” Tôi choáng mắt với vô số ánh đèn ngũ sắc trên các giây chăng. Thì ra Sơn muốn dành cho tôi một sinh nhật ngạc nhiên tại nhà ba anh. Tôi khom người cám ơn mà đầu óc hiển hiên một sinh nhật ngạc nhiên khác cũng dành cho tôi ba năm trước …

***

Huyền lớn lên ở Mỹ, tôi một du sinh nhiều bỡ ngỡ. Huyền giúp và hướng dẫn tôi từ ngày đầu nhập học. Chúng tôi trở nên thân thiết sau hai năm. Vài tuần trước kỳ nghỉ hè, Huyền hỏi tôi có muốn về nhà Huyền cho có bạn. Tôi đồng ý ngay vì không muốn qua thêm một kỳ hè buồn chán trong ký túc xá hoang vắng. Huyền cho biết ba Huyền đã ưng thuận nhưng tôi nên đích thân gặp ông cho phải phép.

Ngôi biệt thự được chiếu sáng, lừng lững in nền trời xanh thẳm. Cửa vừa mở, ánh sáng và hơi lạnh ùa tới như xuất phát từ các tấm vách màu trắng, các bức màn màu xanh. Một không gian khoảng khoát làm nổi bật vài pho tượng bằng người thật đặt đó đây…

Tôi theo Huyền ngang qua một thư viện và vào căn phòng bày biện tựa nhà hàng. Một số người hiện diện nồng nhiệt vẫy chào. Huyền giới thiệu ba của Huyền ngồi đầu bàn. Tôi ngỡ ngàng trước khuôn mặt và nụ cười của ông.  Cứ như được gặp tài tử Song Seung Hun của bộ phim Trái Tim Mùa Thu tôi ái mộ mỗi đêm hè năm rồi. Tuy nhiên, mái tóc hoa râm cắt ngắn, những đường nét hằn sâu trên trán, ở đuôi mắt tố cáo  số tuổi gấp đôi của ông.  Huyền giới thiệu ba nhân viên địa ốc trẻ tuổi, hai trai một gái.
Ba Huyền ra dấu tôi ngồi ghế bên tay trái. Huyền ngồi bên mặt, kế hôn phu Thạch mà tôi cũng đã thân như Huyền. Một người gốc "xì", trong trang phục bồi bàn rót rượu và người kia chuẩn bị thức ăn mang đến từ nhà hàng danh tiếng của Mỹ. Ông nâng ly:
– “Nào! Chúng ta uống mừng thành viên mới của gia đình và đồng thời chúc mừng sinh nhật cháu Linh Chi.”

Sự việc diễn ra bất ngờ đến độ ly rượu trong tay tôi rung rung. Tôi ấp úng:
– “Cảm ơn bác. Cám ơn các anh chị. Không hạnh phúc nào hơn là được tiệc mừng ngày sinh mà chính bản thân cũng không nhớ!”
***
Đêm nay Sơn tặng tôi tiệc sinh nhật, mà dù nhớ những vẫn bất ngờ. Bất ngờ mà lòng dửng dưng. Có thể vì Sơn đã để cơn giận của tôi âm ỉ suốt ngày.
Như ba của Huyền, ba của Sơn cũng khai mạc bằng lời chào mừng và chúc mừng sinh nhật. Nhưng các món ăn thì hoàn toàn ruộng đồng. Cá lóc nướng trui, rắn xào xả ớt, lẩu lương chua, rùa rang muối. Ba mươi người đủ mọi lứa tuổi ăn uống tận tình. Rượu Martell khui liên tục. Tôi thì bốn món miệt vườn chỉ mạnh miệng món cá! Bữa tiệc ồn ào như vỡ chợ và kéo dài. Không như buổi tiệc ở Mỹ, vui nhộn mà thanh lịch.  Tôi rất chán ngán nhưng cố tươi tỉnh. Bỗng ba Sơn lên tiếng:
– “Bác nghe Sơn nói cháu có bằng đại học kinh tế Huê Kỳ, được Sơn tiến cử một vị trí ngon lành nhưng cháu lại thích mua bán nhà đất! Nghề đó lao động cực nhọc, mà chưa chắc kiếm được nhiều tiền. Cháu hãy nghe Sơn. Làm với nó một thời gian là đủ vốn mở doanh nghiệp. Mặc sức hốt bạc.”
– “Cháu cũng đang hốt bạc với địa ốc!” Tôi mỉm cười, giữ giọng lễ độ.
Ba má tôi cũng có cùng luận điệu với ba má Sơn, đều mê cái bằng thạc sĩ, cái chức phó cục trưởng của anh. Chỉ sau dăm ba ngày tôi về nước, ba má tôi đích thân giới thiệu Sơn với tôi. Một bên thì muốn Sơn trở thành rể hiền. Một bên xem ra đang muốn tôi thành dâu thảo! Cả hai bên đều không biết chúng tôi có thể đi cải tạo bất cứ lúc nào!
Quen nhau 2 năm, Sơn hỏi, qua cái nghề mỗi ngày tiếp xúc nhiều người, tôi có nghe dư luận xầm xì gì không. Tôi nói người mua nhà thì không nhưng dân tình thì than phiền: cán bộ càng ngày càng giàu còn họ càng ngày càng nghèo! Đảng gì mà còn cái lai quần cũng bốc lột. Sơn bảo quá đúng, quá đúng! Anh hỏi liệu có giải pháp nào chấm dứt chuyện bất công này. Tôi nói việc đầu tiên là phó cuc trưởng Sơn phải rời ngay chỗ hái ra bạc! Anh bảo đang muốn làm cái gì có ý nghĩa. Từ đó chúng tôi hợp tác để hy vọng thổi bùng một đám cháy…
Ba Sơn vẫn giữ giọng thuyết phục:
– “Bác không hiểu sao cháu cũng học kinh tế như Sơn mà lại mê mua bán nhà. Thiệt uổng công uổng tiền đi ăn học nước ngoài!”
– “Địa ốc cũng là môn học kinh tế! Mà cháu thì không thích ngồi một chỗ. Cháu thích giao tiếp.”
Sơn chen vào:
– “Ba à, Linh Chi đang rất thành công trong việc mua bán nhà…”
– “Nhưng cái nghề học lóm đó bấp bênh lắm.” Ông gạt ngang. “Làm sao sánh với cái chỗ ngồi dành cho bằng đại học Mỹ. Vinh dự lắm đó con.”
– “Cháu học trường lớp đàng hoàng, chớ không học lóm. Phải có bằng địa ốc mới được chính quyền cho phép hành nghề.” Tôi cải chính.
– “Bác cứ tưởng thằng Sơn chạy bằng cho cháu…”
***
Trong bữa cơm tối hai tuần sau khi tôi dời về nhà ba Huyền, ông hỏi:
– “Cháu hài lòng với căn buồng chứ? Có… khiếu nại gì không?”
– “Như ở thiên đường rồi, bác ơi!” Tôi đáp.
– “Cháu cứ ở đây học chung với Huyền. Không phải về ký túc xá nữa!”
Huyền lên tiếng khích lệ:
– “Đừng lo. Chừng nhập học, mình đi chung xe.”
Tôi buông lời cảm tạ nhưng lòng hơi bất an. Giọng ân cần của ba Huyền càng gây thêm thắc mắc:
– “Bác nghe Huyền nói cháu đang làm hè ở nhà hàng?”
– “Nhà hàng Marriott, gần nhà.”
– “Họ trả bao nhiêu một giờ?
– “Dạ, 12 đô.”
– “Nếu bác trả cháu 15 đô, cháu chịu làm với bác?”
Tôi đã biết ông có văn phòng địa ốc nhưng vẫn nghĩ chắc ông muốn thử lòng. Tôi đáp nhanh:
– “Cháu rất vui được giúp bác bất cứ lúc nào. Bác không phải trả tiền! Chỉ sợ cháu không làm được việc!”
– “Một nhân viên của bác vừa xin thôi.” Ông nghiêm giọng giải thích. “Bác nghĩ là việc làm đó thích hợp với cháu. Nếu cháu OK, cháu sẽ hưởng cùng mức lương và tiền thưởng. Tiền thưởng thì tùy số nhà bán được. Trung bình cũng được bạc trăm đến bạc ngàn.”
Bổng lộc bất ngờ làm tôi ngẩn ngơ. Mà có thật không? Liệu là đằng sau có ẩn ý gì không? Tôi ngập ngừng:
– “Cháu rất cám ơn lòng tốt của bác. Nhưng…xin cho cháu làm thử vài ngày.”
– “Đồng ý. Từ ngày mai, chính cô ấy sẽ hướng dẫn cháu công việc.”
Công việc nhàn hạ hơn nghề bưng thức ăn. Tôi có bàn riêng, điện thoại riêng và chính chủ nhân Văn Phòng Địa Ốc Nguyễn Lâm đưa rước. Ông ghi tên cho tôi dự khóa học và sau hai tháng, tôi chính thức hành nghề có chứng chỉ. Và không ngờ nó lại đắc dụng ở quê nhà còn hơn cả văn bằng đại học…
***
Bữa tiệc sinh nhật kéo dài, tôi thêm mõi mệt, chỉ mong được tắm gội nghỉ ngơi nhưng mục ca hát bắt đầu. Dàn tân cổ xem ra xôm tụ. Tôi cố giữ bộ mặt tươi tỉnh, cố ngăn cơn ngáp. Vào đúng lúc tôi gần ngủ gục, Sơn thông báo hát tặng tôi bản Biết Đến Thuở Nào. Tôi hiểu là anh muốn gửi một thông điệp: “Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng…” Hát xong anh giới thiệu đến lượt tôi. Tôi xua tay mà Sơn cứ nì nằn. Hát bản gì đây? Chọn bản gì để Sơn đừng hiểu lầm là tôi đáp nhận tình anh. Mắt tôi chợt dừng lại dáng điệu ba của Sơn đang nâng tách trà lên môi. Tôi nhớ hình ảnh ba của Huyền nâng tách trà đêm nào nghe tôi hát…
***
Đêm đó nhằm giữa mùa thu. Tôi sang phòng Huyền để học chung nhưng không thấy Huyền. Tưởng là Huyền hóng mát ngoài bao lơn, tôi mở cửa bước ra. Tôi giật mình thấy ba Huyền nhỏm người quay đầu nhìn tôi:
– “À, cháu Linh Chi…”
– “Cháu xin lỗi. Cháu tìm Huyền.” Tôi lúng túng.
– “Huyền và Thạch đi dự sinh nhật bạn! Đến ngồi đây với bác”.
Chẳng đặng đừng, tôi ngồi vào chiếc ghế cạnh ông. Trên chiếc bàn nhỏ có một ấm trà và 3 chiếc tách còn úp trên dĩa. Tôi nói để xua tan nỗi ngượng ngùng:
– “Cháu xin mạn phép được đối ẩm cùng bác!”
– “Còn gì vui hơn.” Ông lật tách trà, rót một nửa và trao cho tôi. Tôi tiếp nhận.
– “Xin mời bác.”
Tôi nâng lên môi và nhấm nháp. Mùi thơm lừng và vị đắng đến ngọt ngào. Tôi kêu lên:
– Trà ngon quá bác ơi!
– Trà Lâm Đồng thứ thiệt đó cháu. Một đứa cháu… như cháu về nước ăn Tết mang qua tặng bác.
Tôi muốn hỏi “như cháu” là như thế nào nhưng ngại ngùng đành chuyển hướng:
– “Quê bác ở Lâm Đồng?”
Ông cười:
– “Bộ bác giống đồng bào Thượng lắm hở? Không, bác ở làng Hòa Hảo, Long Xuyên. Còn cháu?”
– “Quê cha Lái Thiêu, nhưng lớn lên ở Sài Gòn, quê mẹ.” Sợ ông hỏi thêm, tôi tiếp. “Nhà bác đẹp quá. Cháu thấy rõ là bác đã rất thành công trên đất Mỹ.”
– “Chẳng qua nhờ Trời Phật, ông bà, cha mẹ, vợ con phù hộ.”
Tiếng “vợ con” lại gợi thắc mắc. Có lần cùng Huyền vào thư phòng thắp nhang ở bàn thờ Phật có di ảnh hai bên. Hiền cho biết đó là di ảnh ông bà nội và di ảnh mẹ và em trai Huyền. Tôi hỏi Huyền vì sao mẹ và em mất sớm, Huyền bảo không muốn nhắc chuyện cũ. Sợ ba Huyền cũng từ chối, tôi đành tiếp lời khen:
– “Cháu thích màu bác chọn cho nội thất: sáng sủa, hài hòa, mát mắt. Bác có vẻ đặc biệt thích hai màu. Màu xanh và màu trắng.”
– “Màu kỷ niệm! Màu biển, màu trời, màu mây ngày, màu sao đêm!”
“Màu kỷ niệm!” Lại một chuyên cũ không được hỏi han.  Màu sao đêm, nghe lạ. Tôi ngước nhìn bầu trời, vô vàn vì sao quả là đang lung linh sắc trắng. Tôi đã nhiều lần ngắm sao mà có bao giờ để ý đến sắc màu. Tôi chỉ tìm sao Hôm để nghêu ngao bài ca ưa thích. Sao Hôm đây rồi. Nó đang tỏa rực trên ngọn cây. Tôi quay nhìn ba Huyền. Ông đang nhấm nháp hương trà. Tôi e dè hỏi:
– “Bác có biết ca khúc Ngôi Sao Hà Nội?”
– “Cháu Linh Chi định tuyên truyền chế độ mới với bác chăng?” Ông cười nhạo.
– “Ồ không. Cháu chỉ muốn giới thiệu bản nhạc cháu ưa thích. Bản này hoàn toàn tình cảm, về chuyện tình giữa sao Hôm sao Mai.
– “Chuyện tình sao Hôm, sao Mai? Cháu hẳn biết hai ngôi sao chỉ là một. Thì làm sao mà thành chuyện tình!”
– “Vậy mà vẫn có một chuyện tình, và rất thiết tha!” Tôi cao giọng.
– “Chẳng hay cháu có biết chuyện tình sao Kim và Vệ Nữ?” Giọng ông trêu chọc.
Tôi lắc đầu, tỏ vẻ phật lòng:
– “Cháu vẫn nhớ sao Kim là một hành tinh của thái dương hệ, còn Vệ Nữ là tên của vị thần sắc đẹp trong thần thoại. Không thấy sách nào nói về chuyện tình giữa hai ngôi sao này!”
– “Không có chuyện tình là bởi vì hai ngôi sao này chỉ là một, và cũng chính là sao Hôm, sao Mai!”
Tôi kêu “Á” một cách thích thú. Tuy vậy vẫn không chịu thua:
“Bác nghĩ sao nếu một ngày nào đó tác giả Ngôi Sao Hà Nội sáng tác thêm bài Ngôi Sao Sài Gòn, kể chuyên tình sao Kim và Vệ Nữ?”
Ba Huyền gục gặc đầu lặng thinh rít thuốc. Tôi hài lòng vì đã dồn được ông vào chân tường nhưng ông nhởn nhơ cười nói:
“Nào, Ngôi sao Sài Gòn hãy hát Ngôi Sao Hà Nội xem chuyện tình ra sao!”
Lối nói khó ưa của ông chỉ làm tôi thêm hứng thú cất tiếng hát:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ngoi-sao-ha-noi-le-dung-nsnd.G86qgDh204.html
“Những vì sao lấp lánh giữa bầu trời Hà Nội
Những vì sao không nói nhưng biết chờ biết đợi
Là sao Anh, là sao Em
Là sao Anh, là sao Em
Anh không làm sao Hôm
Em chẳng làm sao Mai
Phải tìm nhau mãi mãi.

Em không làm sao Mai
Anh chẳng làm sao Hôm
Chỉ làm ngôi sao không tên
Để gần nhau suốt đời
Để được gần nhau suốt đời.
Ðược gần nhau suốt đời.

Tôi dứt lời ca, hồi hộp chờ ông nhận xét. Ông tỏ vẻ hài lòng:
– “Hay lắm, hay lắm! Rất tình cảm và rất thiết tha! Giọng ca càng tuyệt vời hơn nữa! Cám ơn ngôi sao Sài Gòn nhiều!”
– “Cháu còn thuộc một số bài ca khác cũng tình cảm lắm, nếu bác muốn nghe …”
– “Thời gian năm năm trong tù, có lần loa phóng thanh vang lên bài Nói Chuyện Với Người Trong Tranh. Bác vốn đã quá ngán nhạc cách mạng nhưng lần này nghe cái tựa khá tình tứ, bác thử dỏng tai. Mới chỉ được vài câu, bác nổi sùng. Đêm thật khuya, người nghệ sĩ ngồi ngắm bức tranh tố nữ đang nở nụ cười; tưởng chàng ta sẽ buông lời tán tỉnh lãng mạn nào ngờ lại là lời hết sức vô duyên: chàng than thở với người đẹp về một đồ án cách mạng vẻ mãi không xong! Ba Huyền cười lớn rồi đổi giọng thân tình. “Bác thực sự thích Ngôi sao Hà Nội. Bác sẽ yêu cầu cháu hát vào các dịp khác, kể cả bản Ngôi sao Sài Gòn, nếu đã phát hành!”
– “Dạ. Cháu sẵn sàng bất cứ lúc nào, thưa bác sao Hôm!” Tôi cười dòn. 
***
Không còn lúc nào hơn lúc này. Tôi bước lên nhận micro Sơn trao và giới thiệu bản nhạc được trình bày: Ngôi Sao Hà Nội. Tôi thầm giới thiệu riêng với ba của Huyền: do ngôi sao Sài Gòn trình bày.
Nhạc dạo đã âm vang. Tôi như thấy ba Huyền đang nhã khói capstan và nâng tách trà. Nơi ông ngồi, sao Mai đang mọc. Nơi tôi đứng, sao Hôm đang lên:
Tôi đắm chìm trong lời nhạc. Giọng ca trở nên nồng nàn hơn, tha thiết hơn. Và có phần nghẹn ngào trước khi dứt câu “được gần nhau suốt đời”. Nước mắt tôi ứa ra. Mùi khói thuốc khen khét, nghèn ngẹt. Tôi nghĩ đến mùi capstan từng rung động mỗi sợi thần kinh của tôi. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Tiếng hô bis liên hồi. Tôi nhìn Sơn. Anh đang ngây ngất ngắm tôi, khuyến khích tôi hát tiếp. Tôi không còn hơi sức. Tôi xin lỗi rồi cắm chiếc micro vào giá, trở lại chỗ ngồi. Sơn nắm tay tôi tỏ ý cám ơn. Tôi để yên, thấy dễ chịu dần. Tôi tự hỏi nếu như năm năm trước tôi nghe lời ba má tôi rời nhà ba của Huyền thì hẳn giờ này tôi con đùm con đề với Sơn? Và cũng đã thành người cộng sản?
***
Vào tuần đầu năm học thứ ba, tôi được thư ba má tôi. Ông bà khuyên tôi nên về lại ký túc xá với lý do là đừng quá tin người chế độ cũ. Họ giúp du sinh hẳn là có mục đích.”
Đọc thư, tôi đau buồn mất mấy ngày. Ba má tôi có thể còn mang nhiều thiên kiến, tuy vậy tôi vẫn muốn đặt thẳng vấn đề với ba của Huyền cho rõ trắng đen.
Vào ngày cuối tuần mát mẻ đầu thu, ông hỏi tôi có rãnh cùng ông đưa khách hàng đi xem nhà, khu townhouse mới xây cách nửa giờ đường. Khi xe đã vào xa lộ, tôi mở lời:
– “Cháu được thư ba má cháu mấy hôm nay và cháu mất ăn mất ngủ.”
– “Gì mà dữ vậy?” Bộ mặt ba của Huyền lộ nét ưu tư của Song Seung Hun khi người yêu bị bênh nặng.
– “Ba má cháu khuyên cháu trở về ký túc xá.”
– “Lý do?” Ông nhìn tôi, đổi nét ngạc nhiên.
– “Ba má cháu bảo bác là người chế độ cũ …”
Ông hướng về xa lộ, lặng lẽ lái xe. Rồi đột ngột hỏi:
– “Chừng nào cháu về lại ký túc xá?”
Không thể trả lời, tôi hỏi ngược:
– “Ở chế độ cũ, bác làm gì?”
– “Người chế độ cũ…” Ông mỉm cười, giọng chế diễu. “ Bởi bác có nói ‘làm gì’ thĩ cũng là người chế độ cũ!”
– “Bác nói đúng. Câu hỏi có lẽ từ tiềm thức. Cháu vẫn thắc mắc không biết bác từng làm nghề gì!”
Ba Huyền móc gói thuốc từ túi áo đưa cho tôi, nhờ tôi rút ra một điếu. Ông  gắn lên môi và châm từ mồi điện của chiếc xe. Sau vài hơi thuốc, ông nói:
– “Cháu đọc hiệu thuốc.”
– “Capstan.”
– “Gần âm Captain phải không?”
– “Bác là Đại úy?”
– “Không! Hạm trưởng.”
– “À, bác là Hải quân?”
– “Hải Quân chế độ cũ!”
– “Cháu vô tội, xin bác tha cho những lời chua cay! Điều cháu đang cần là bác giúp cháu hiểu hơn về ý nghĩa lời khuyên của ba má cháu.”
Nắng buổi sáng soi rọi nét trầm tư của ông. Tôi ước mình là vai chánh của Trái Tim Mùa Thu để được an ủi cảm thông. 
 “Cháu qua Mỹ năm nào?”
– “Dạ, năm 2000.”
– “Năm 2000 vào đại học, tức cháu cùng tuổi con bác. Mười tám năm sinh trưởng ở Sài Gòn với người dân chế độ cũ, hai năm cháu học ở Mỹ với con của những người tỵ nạn cộng sản, và ba tháng sống chung với bác và Huyền, cháu thấy người chế độ cũ thế nào?”
– “Cháu không thấy thế nào hết, bằng chứng là cháu về ở nhà bác. Nhưng ba má cháu đã lên tiếng, cháu không biết phải xử lý thế nào…”
– “Cháu hãy tự suy xét. Bác không muốn ảnh hưởng đến quyết định của cháu.”
– “Cháu đã suy xét nhưng không thể quyết định!”
– “Nhưng ở lại, ba má cháu không an tâm!”
– “Vấn đề không phải là ba má cháu an tâm hay không an tâm. Vấn đề là lời cảnh giác làm cháu … suy nghĩ!”
– “Vậy thì để bác đưa ra vài gợi ý cho cháu suy nghĩ. Cháu có biết Tổng thống Bill Clinton vừa ký Dự luật xây dựng ‘Đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng Sản’ ngay tại Thủ đô nước Mỹ?” Tôi lắc đầu. “Cháu có biết mục đích của việc xây dựng tượng đài?” Tôi lại lắc đầu. “Là để thế hệ tương lai xa lánh chế độ cộng sản tàn bạo!” Ông rít hơi thuốc, thư thả nhả khói, hỏi tiếp. “Cháu có biết dựa vào đâu người ta tố cáo cộng sản tàn bạo?” Tôi lại lắc đầu. “Dựa vào con số nạn nhân: Một trăm triệu! Một trăm triệu, trong đó có 5 triệu người Việt.”
– “Thật vậy sao bác?” Tôi ngơ ngẩn hỏi.
– “Nếu không thật thì đã không có dự luật xây đài tưởng niệm!”
– “Một trăm triệu! Ôi! Tàn bạo quá đỗi!”
– “Cháu có biết vì sao người chế độ cũ đua nhau bỏ xứ vượt biên?” Tôi lặng thinh. “Hãy nhìn lại 18 năm cháu sống với chế độ mới. Nếu cháu chịu suy xét, sẽ thấy người miền Bắc cai trị mọi nơi ở miền Nam. Cái từ ‘thống nhất đất nước’ chỉ là từ bịp bợm! Gọi cho đúng phải là miền Bắc đô hộ miền Nam! Đô hộ bằng sát hại và nhốt tù người chế độ cũ. Đô hộ bằng tịch thu mọi thứ tài sản dân miền Nam, ngược đãi và đưa đi kinh tế mới. Dưới chế độ mới bạo tàn, con đường hy vọng được sống là bỏ xứ, vượt biên!”
Tôi đăm đăm nhìn ông. Những nhận xét của ông quá hiển nhiên mà sao lâu nay tôi không nghĩ tới? Những đăc quyền đặc lợi nhỏ nhoi được kẻ đô hộ ban phát thưởng công người miền Nam tham gia giải phóng đã che mờ tình đồng bào? Gợi ý của ba Huyền còn giúp tôi vỡ lẽ nhiều tồi tệ khác từ những kẻ đô hộ. Gợi ý cũng đưa tôi đến thăc mắc: phải chăng ông giúp tôi và những người… như tôi là để chứng minh người chế độ cũ không phải là người xấu? Không! Không thể…  tầm thường như vậy! Mục đích hẳn là phải thật thiết yếu, như mục đích xây dựng Đài Tưởng Niệm nạn nhân cộng sản: tiêu diệt chế độ cộng sản bạo tàn!
 Ba Huyền đang lái dần vào làn xe bên phải, rồi quẹo vô lối nhỏ rời xa lộ. Khi thấy ông đã thư thả trên đường phố, tôi vươn tay bóp mạnh vào cánh tay của ông:
– “Cháu không về ký túc xá!”
***
Ba của Sơn chưa chịu buông tha. Lợi dụng vài phút ban nhạc giải lao, ông tính trước tương lai cho tôi và con ông. Ông nói:
– “Khi cháu lấy chồng, cháu để ngôi nhà lai cho bác. Bác còn hai đứa con lần lượt năm tới vào đại học.”
– “Ba!” Sơn kêu lên nhưng không ngăn được ông. “Tất nhiện bác sẽ trả theo giá thị trường. Cao hơn cũng được, thì coi như cho con cháu.”
Tôi nhìn Sơn như gửi trách phiền: ba anh xem tôi là hạng người nào! Tuy vậy tôi vẫn nhẹ lời:
– “Cháu mới ở được hai năm, còn mê nó lắm. Xin trả lời bác sau.”
– “Hôm nào bác lên Sài Gòn cháu cho bác xem qua. Sơn nói nhà cháu cất theo kiểu Mỹ, nhỏ mà khoảng khoát. Lại trang trí mát mắt chỉ với hai màu xanh trắng!”
Tôi thấy khó mà từ chối. Thôi thì coi ba Sơn như người đi xem nhà, muốn mua mà chủ nhân giờ chót đổi ý không bán! Lòng dạ nào đi bán kỷ niệm trân quý của bốn năm ở Mỹ. Nó còn là tài sản vào đời của tôi. Và nó phải luôn luôn còn đó để đón tiếp người góp phần xây dựng nó.
***
Mùa đông thường vắng khách nhất là những ngày tuyết rơi lất phất như hôm nay. Ba Huyền buồn tình, hay rời phòng riêng gặp người này người nọ nói chuyện trên trời dưới biển! Ông hiếm khi vào phòng tiếp tân của tôi vì biết tôi bận học bài, làm bài. Nhưng hôm nay ông bước vào chào tôi theo kiểu khách muốn đi xem nhà:
– “Chào cô! Tôi muốn đi xem căn nhà có giá bạc triệu trở lên.”
– “Chào bác, mời bác ngồi.” Tôi tỉnh bơ nói.
Ba Huyền thả người lên chiếc ghế. Tôi hỏi như thiệt:
– “Thưa, bác muốn mua ngôi nhà kiểu nào?”
– “Kiểu ngôi nhà cháu Linh Chi ưa thích!” Ông cười, đáp trả.
– “Cháu thích kiểu nhà của realtor Nguyễn Lâm!”
– “Kiểu nhà đó cháu có thể tậu dễ dàng khi về nước! Bác sẽ tặng cháu bản thiết kế kiến trúc. Vấn đề chỉ còn là… tiền xây cất. Bác cũng sẵn sàng hùn vốn một nửa với điều kiện…”
Ba Huyền ngưng nói và tôi hồi hộp chờ đợi. Lỡ ông nêu… với điều kiện tôi bằng lòng làm vợ ông thì tôi trả lời thế nào! Ông nhởn nhơ phì phà khói như có ý chờ … Tôi mỉm cười:
– “Bác ơi, cháu không muốn mang nợ!”
– “Bác không đòi hỏi làm giấy nợ, cũng không đòi hỏi đứng chung quyền sở hữu. Chỉ cần cháu cho tạm trú ngày nào bác, vợ chồng Huyền về thăm quê hương.”
– “Cho dù bác hùn một nửa, cháu cũng khó mà kiếm đủ nửa kia!”
– “Ai cũng nói, từ ngày cháu là thành viên của Lâm Nguyễn Realty, hảng phát tài; tháng nào cũng bán được nhà. Hôm nay, có ông khách này sộp lắm, muốn xem nhà bạc triệu. Cháu đi với bác nghe. Nhớ mang theo nhiều may mắn.  Nếu ông đó chịu mua, cháu được chia 1% hoa hồng. Được vài nhà cỡ đó là về Việt Nam dư cất nhà!”
Tôi tính nhẩm: 10 ngàn đô. Hay mình tính sai! Tôi nói:
– “Cám ơn nhã ý của bác. Cháu… cháu…”
– “Hãy tự tin!” Ba Huyền khích lệ. “Bác qua Mỹ cũng bắt đầu bằng con số không!”
***
Tôi muốn lên đường sớm nhưng bữa ăn sáng cứ kéo dài vì ba Sơn chưa muốn chúng tôi lên đường. Ông còn đích thân hướng dẫn tôi xem qua nhà ông, kể cả hầm cá vồ với mấy chiếc cầu tiêu lộ thiên… Mãi đến hơn 9 giờ mới rứt đi được. Khi chạy ngang qua ngã ba lộ tẻ Tri Tôn, tôi hỏi Sơn:
– “Còn bao nhiêu cây số nữa thì tới làng Hòa Hảo?”
– “Bây giờ người ta không gọi làng Hòa Hảo nữa. Có lẽ bởi nó quá nổi tiếng nên người ta đặt tên mới là xã Tân Hòa.” Anh liếc sang tôi. “Linh Chi thăm ai ở Hòa Hảo? Thăm… người yêu?”
– “Nếu đúng vậy, thì anh có đưa Linh Chi đi không?” Tôi cười, hỏi.
– “Có chứ vì biết là Linh Chi cà rỡn!”
– “Biết cà rỡn mà cũng hỏi.” Tôi làm bộ giận. “Thì đi Hòa Hảo còn thăm ai ngoài viếng Tổ Đình và An Hòa Tự.” Ngẫm nghĩ, tôi nói thêm. “Và để tìm một ngôi nhà cổ.”
– “Một ngôi nhà cổ? Của ai?”
“Cô bạn ở Mỹ nhờ xem coi có còn đó không!”
– “Ở đường nào?”
– “Lâu rồi, chỉ nhớ mài mại. Tới nơi hãy hay.” Sợ Sơn cật vấn, tôi đổi đề tài. “Từ đây đến làng Hòa Hảo còn bao xa, anh Sơn?”
– “Có hai lối đi, một gần, một xa.” Anh ra vẻ suy tính. “Gần thì chừng 20 cây số, đến Năng Gù qua phà thì tới. Xa thì tiếp tục 20 cây số nữa tới Châu Đốc, nhân đó viếng Miếu Bà Chúa Xứ, thăm Lăng Thoại Ngọc Hầu rồi qua phà Châu Giang đi thêm 30 cây số. Nếu đủ giờ ta thăm Xứ lụa Tân Châu.”
– “Linh Chi chọn đường xa. Mấy thuở mới được ngồi… bên anh!”
Sơn cười lớn, híp cả mi mắt:
– “Vậy thì anh chạy lòng vòng cho đường thêm dài!
Tôi nhìn con đường làng và chiêm nghiệm lòng mình. Sơn dễ thương quá đó chứ, sao mình cứ … lơ mơ!”
***
Rời Đình Châu Phú, vừa kịp chuyến phà Châu Giang. Chúng tôi ra khỏi xe, đến đứng ở đầu phà. Dòng sông khá rộng mang những dề lục bình xanh tươi điểm vài nụ hoa tim tím dễ thương. Về phía ngược dòng, bên trái là những căn phố lầu mái đỏ tường trắng của thành phố Châu Đốc.  Bên phải một trụ tháp xanh đỏ vươn cao trên hàng cây rậm lá dọc ven bờ. Phía xuôi dòng, thưa thớt vài căn nhà sàn ẩn hiện dưới các lùm cây um tùm. Sơn nói:
– “Dòng Hậu giang này chảy ngang qua nhà ba má anh và mang tên một bài hát anh rất mê. Linh Chi biết bản gì không?”
– “Biết! Nhưng không mê!” Tôi ghẹo. “Không mê Dòng An Giang mà mê dòng Potomac của thủ đô Huê Kỳ!”
– “Một kỷ niệm đẹp?”
Tôi gật đầu:
– “Một dạ tiệc trên chiếc du thuyền, vừa mừng tốt nghiệp, vừa buồn chia tay.”
– “Buồn chia tay? Hừm, kỷ niệm đẹp!”
Tôi phớt lờ bộ mặt dò xét của Sơn để sống lại kỷ niệm đẹp…
***
Chiếc du thuyền 3 tầng sơn trắng mang tên Spirit of Washington DC. Chúng tôi đứng trên sân thượng, nhấm nháp rượu khai vị giữa khung trời muôn màu rực rỡ. Dòng sông thênh thang long lanh, chia một bên bờ là các khối cao ốc lộng lẫy với tháp tưởng niệm Washington vút lên như hỏa tiển. Bờ kia là vùng đất lặng lẽ với các lùm cây xanh thẫm. Chiếc cầu Key Bridge bắt ngang dòng Potomac nối khu Rosslyn của Virginia với vùng Georgetown của Thủ đô. Những chiếc máy bay mang đèn xanh đỏ cất cao. Những chiếc nghiêng nghiêng đáp xuống. Chiều mai chiếc nào đưa tôi rời tiểu bang Maryland thân yêu…
Huyền đã dành trọn buổi để chọn mua cho tôi bộ dạ hội. Tôi chỉ muốn bộ “rẻ mà đep” nhưng Huyền nhất định chọn đắt và sang. Và Huyền có lý. Hàng năm mươi du khách ăn diện như đi dự tiệc ở Tòa Bạch Ốc. Huyền và Thạch lăng xăng chụp ảnh. Tôi cũng say sưa thu nhận vào ký ức và vào máy hình những khoảnh khắc tuyệt vời. Nhiều lần chúng tôi nhờ người chụp để có đủ ‘tứ nhân bang’.
Rồi tôi bước đến lan can, đứng cạnh ba Huyền. Ông chỉ Tòa Bạch Ốc lộng lẫy, sáng choang hỏi tôi đã thăm viếng chưa, đã viếng các viện bảo tàng nào rồi. Tôi nói mới ba viện bảo tàng vì quá lu bu. Ông nói chỉ riêng trên con đường Constitution ngang qua Bạch Ốc, còn nhiều viện bảo tàng tôi chưa đến. Ông bảo ông sẵn sàng tặng vé máy bay và hướng dẫn đi thăm chừng nào tôi muốn quay lại Hoa Kỳ. Ông cũng sẵn sàng tặng 2 vé nếu tôi đã có chồng. Tôi nhìn ánh đèn long lanh chạy dọc dòng sông. Có lẽ chỉ có tôi là người duy nhất cảm nhận con thuyền lay động trên những gợn sóng lung linh…
Tôi ngẩn nhìn ba Huyền trong dáng vẻ cô đơn, buồn rầu như ngọn đèn chớp tắt trên đỉnh tháp cao. Có lẽ ông và tôi là hai người cô đơn nhất trên du thuyền. Tôi nắm bàn tay ông đang đặt trên lan can, nói như hụt hơi:
– “Thật lòng cháu không muốn rời xa nước Mỹ!”
– “Mục đích bác chọn buổi tiệc trên chiếc du thuyền này là để tạo cơ hội cho cháu lưu niệm hình ảnh thủ đô nước Mỹ về đêm. Mà nào ngờ…” Ông bỏ lửng, nhìn dòng sông.
– “Nào ngờ sao bác?” Tôi nôn nao hỏi.
– “Thôi, cho qua!” Ba Huyền cười gượng gạo.
– “Hai năm chung sống chưa đủ để được nghe bác chia sẻ tâm tư?”
Ba Huyền đứng thẳng người, quay về thành phố thủ đô. Những khối phố sáng choang tiếp những khối phố tăm tối.  Mái vòm khổng lồ của tòa nhà Quốc Hội vươn cao. Ông châm điếu thuốc mới, búng mẫu cũ bay xa… Hương thơm quen thuộc ngọt ngào vây khắp thân tôi. Tôi hít đầy phổi và nghe rùng mình. Tôi đã ghiền mùi capstan rồi sao? Giọng Ba Huyền trầm buồn:
– “Đã hàng chục năm qua rồi hễ thấy sông thấy biển là cảnh tượng xưa hiện về.” Ông hớp ngụm rượu, trầm ngâm. Một lúc lâu, ông tiếp. “Lúc đó ghe bị sóng đánh vỡ, bà ấy ôm đứa con trai một tuổi, bác ôm Huyền ba tuổi. Bác bơi tìm. Hàng trăm cái đầu ngụp lặn. Bác vừa trông thấy hai mẹ con thì một cơn sóng lớn ập đến. Rồi mất tăm …”
Ông nín bặt, mắt nhắm nghiền. Tôi lặng người mường tượng cảnh rừng người lóp ngóp chờ chết trong phim Titanic. Tôi mường tượng nỗi đớn đau ông chịu đựng hàng tháng năm dài. Ông sẽ còn chịu đựng, thương nhớ đến bao giờ? Cả hai có kể là nạn nhân của cộng sản? Là con người cộng sản, tôi có trách nhiệm gì không? Tôi vỗ vỗ bàn tay ba Huyền bày tỏ cảm thông. Ông nhìn tôi, nháy mắt thay lời cám ơn. Tôi muốn ôm ông và thì thầm lời an ủi nhưng Huyền và Thạch đang đứng gần.
Chúng tôi được mời xuống lòng tàu và ngồi vào bàn ăn 4 người. Phòng ăn sang trọng tôi chưa từng đặt chân đến. Người bồi cho biết chúng tôi có thể chọn một trong bốn loại rượu chát.  Ba Huyền chọn chai Napa Black Chicken và tôi thích cách ông thử rượu. Thức ăn thịnh soạn cho từng người mà đến món thứ hai bụng tôi đã đầy . Chúng tôi vui đùa bằng tiếng Việt thoải mái giữa rừng ngôn từ Anh ngữ. Huyền và Thạch đang cười chuyện gì đó; tôi nghiêng sang ông, hỏi nhỏ:
– “Bác nói bác ở làng Hòa Hảo, ở đó có gì đặc biệt hở bác?”
– “Có Tổ Đình, có Chùa An Hòa. Có ngôi nhà xưa của ông nội bác…
– “Về nước, thế nào cháu cũng đến làng Hòa Hảo. Cái tên nghe đã thấy thích rồi!
– “Bác nghĩ là cháu không nên đến!”
– “Tại sao?”
– “Hãy hỏi ba má cháu!”
Tôi thấy bực bội nhưng không hỏi thêm. Kiểu trả lời của ông, có hỏi thêm chỉ thêm bực bội. Tôi sẽ tự tìm hiểu…
Sau bữa ăn, khi Thạch và Huyền rủ nhau ra sàn nhảy, tôi vội lên tiếng:
– “Nghe nói hải quân có những bước nhảy bay bướm lắm …”
– “Khiêu vũ thì cần hai người.” Ông cười.  “Đời vắng bác gái rồi, bác nhảy với ai!”
Tôi tức là mình không biết nhảy nên đành không thế nói ‘bác nhảy với cháu’. Tôi thay bằng câu hỏi:
– “Bác gái thích điệu gì, hả bác?”
– “Rumba.”
Tôi tự hứa, về Sài Gòn nhất định phải học điệu nhảy Rumba…
***
Khi tôi về đến nhà thì trời đã quá nửa đêm mà Sơn thì cần lái thêm nửa tiếng  mới tới nhà anh. Cảm thấy bất nhẫn, tôi mời anh ở lại. Không nói không rằng anh mở cửa xe trước cả tôi. Tôi thấy vui trước cái quyết định của mình, ít nhất cũng thay cho lời cám ơn công sức anh bỏ ra suốt hai ngày vì tôi.
Tôi đưa Sơn lênbuồng ngủ rồi qua buồng dành cho ba má tôi, chọn cho anh bộ đồ và khăn tắm.  Anh nói:
– “Mệt gần đứt hơi, rất cần một nụ hôn lấy lại sức.”
Tôi lắc đầu mà nghe má nóng bừng. Nghĩ mình thật bất công. Một người tha thiết muốn hôn mình thì mình từ chối, còn với người mình muốn hôn thì không mong đợi mình hôn!
Lên giường, tôi nằm đếm đến con số hàng ngàn mà vẫn không ngủ được. Người mõi mệt mà sao bồn chồn nôn nao. Có thể vì lần đầu tôi cho Sơn ngủ qua đêm. Nghĩ mình cũng thật liều mạng. Lỡ đang ngủ, ông cộng sản này lẻn vào. Dù sao, khóa chốt cho an tâm…
Tôi nhìn đồng hồ trên bàn. Đã gần hai giờ sáng. Ánh huỳnh quang từ chiếc đồng hồ phản ánh màn hình máy vi tính. Tôi chợt nhớ là hai ngày nay chưa đọc điện thư. Tôi ngồi bật dậy, chập choạng bước.
Tôi mở máy. Ba thư đầu là thư rác. Thư kế là bài thơ của nhỏ bạn. Thư tiếp là của “lam.nguyen” với chủ đề “Happy Birthday!!!”. Lam Nguyen nào mà nhớ ngày sinh nhật của tôi? Ô, chính ông, Nguyễn Thanh Lâm. Huyền và tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Nhưng ba Huyền thì chỉ thỉnh thoảng nhờ Huyền chuyển lời chúc tôi vui khỏe. Đây là lần đầu ông đích thân lên máy.
Tôi hồi hộp đọc nội dung: “Cháu Linh Chi. Bác vừa về đến Sài Gòn. Sẽ gặp chúc mừng sinh nhật cháu vào 6 giờ chiều. Có cả quà của vợ chồng Huyền. Bác nôn nóng muốn nhìn tận mắt ngôi nhà xinh xắn của cháu. Bác tiếc là không có thì giờ để tạm trú dăm ba ngày. Sáng mai bác bắt đầu chuyến đi từ nam ra bắc để gặp những người… như cháu. Năm qua, kết quả vận động không mấy khả quan, cần duyệt xét và đôn đốc. Trạm cuối là Hà Nội và từ đó bác về thẳng Mỹ. Happy Birthday to Ngôi Sao Sài Gòn!”
Tôi mỉm cười mà tim như ngừng đập. Ông đã giữ lời hứa. Lúc chia tay ở phi trường ba năm trước, tôi ôm hôn má ông, hỏi nhỏ: “Bao giờ bác về thăm cháu?” “Chừng nào hết cộng sản!” “Bác thừa biết viêc cháu làm thuộc loại Mission Impossible, cần nhiều thời gian.” “Vậy ba năm nữa bác cháu mình gặp nhau!” “Bác nhớ đó. Ba năm mà bác không về, cháu sẽ thăm làng Hòa Hảo.” “Bác đã bảo cháu không nên đến đó!” “Cháu phải đến, chỉ để coi như được gặp lại bác.”
Giờ đây, ‘coi như được gặp’ sắp thành được gặp!  Tôi mừng nhưng không vui. Tôi đã phạm lời tự hứa. Khi xây ngôi nhà, tôi đã thầm hứa rằng, ngoại trừ người thân ruột thịt, chỉ ba Huyền và vợ chồng Huyền là những người đầu tiên được cư trú qua đêm. Vậy mà đêm nay tôi đã mời Sơn ở lại! Càng phiền toái hơn, tôi sẽ giới thiệu Sơn trong tư cách nào đây!
Tôi chợt thấy mình quýnh quáng vô lý. Hiện tại là hai giờ rưởi sáng mà buổi hẹn là 6 giờ chiều, đến lúc đó Sơn đã rời nhà. Chưa kịp vui thì lại ngỡ ngàng khi mắt dán vào hàng chữ số. Email được gửi từ sáng hôm qua, vào lúc tôi đang qua cầu Mỹ Thuận.  Và giờ đây, hiển nhiên là ông đã mòn mõi chờ tôi trả lời.
Ông có đang tự hỏi vì sao tôi im lặng? Ông có nghĩ là tôi cố tình trốn tránh ông? Ông có cho là tôi trở mặt không muốn cho ông tạm trú? Giờ này có mời ông về nhà thì cũng đã quá muộn. Trời ơi! Ông đang ngủ nơi nào?
Hay ông nghĩ rằng ngày nay tôi đã thành người cộng sản, không muốn dây dưa với người chế độ cũ? Nỡ nào ông nghĩ tôi cam tâm tiếp tay nâng cao số năm triệu nạn nhân? Nước mắt tôi rưng rưng. Số phận nào đã đặt tôi vào nông nổi này?  Lẽ ra ngày sinh nhật tôi hôm nay đã được vui trọn vẹn như ngày ông dành cho ba năm trước.
Tôi email cho ông: “Phải chi cháu nghe lời bác không về làng Hòa Hảo. Vào giờ bác hẹn, cháu còn đang ở Tổ Đình, đang tìm hiểu vì sao bác khuyên cháu đừng về đây. Thưa bác, cháu đã hiểu và chính vì hiểu nên cháu sẽ còn về nữa. Cháu muốn thấy làng Hòa Hảo luôn còn đó. Chúc bác thượng lộ bình an, duyệt xét thành công và sớm … bước đi bước nữa.”
Tôi thở hắt một hơi dài rồi đứng lên bước ra bao lơn. Đã ba năm rồi, mỗi khi trằn trọc, tôi thường ra đứng ở đây ngắm khung trời thương nhớ. Tôi nhớ có một vì sao mang bốn tên rất đẹp… Tôi nhớ mỗi lần hát Ngôi sao Hà Nội theo yêu cầu, ông đều cám ơn… ngôi sao Sài Gòn!
Vào giờ này, hành tinh mang bốn tên rất đẹp hẳn mang tên sao Mai. Muôn ngàn vì sao cho thấy sao Mai chưa mọc. Tôi nhớ lần ông bảo sao Hôm, sao Mai chỉ là một, không thể có chuyện tình; rồi ngay sau đó thú nhận rất thích chuyện tình Ngôi sao Hà Nội.
Tôi thì thầm: “Bác Lâm, cho cháu mạn phép đố bác: giả sử cháu là tác giả chuyện tình Ngôi Sao Sài Gòn tự ví mình là sao Vệ Nữ thì ai là người cháu chọn làm… sao Kim?”

Vũ Thất

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top