Võ Kỳ Điền, TỪ CHUYỆN HOA TỚI CHUYỆN CÁ

TỪ CHUYỆN HOA TỚI CHUYỆN CÁ

Võ Kỳ Điền   




Mùa hè năm nay chợt đến hồi nào không hay. Thi sĩ Hoàng Xuân Sơn ở Laval Saint-Dorothée nhìn ra sân thấy hoa vàng mấy độ, trải dài bãi nọ bờ kia, làm bài thơ vịnh hoa bồ công anh vừa mới nở đầy vườn nhà, tuy ở Québec nhưng thi sĩ dùng tiếng Anh để gọi hoa nầy. Đó là Hoa Nanh Sư Tử (Dandelion -dịch theo âm Pháp -dent de lion). Bồ công anh có rất nhiều công dụng, vừa là hoa, vừa là thức ăn vừa là vị thuốc quí. Có nhiều xứ, người ta trồng nó thành những đồn điền lớn, khai thác trong các kỹ nghệ thực phẩm, dược phẩm...(làm rau, làm trà, làm thuốc chữa bệnh.)
Tôi cũng vừa đọc xong Chuyện Con Cá Cháy * của bạn Lưu Khâm Hưng trên facebook, thích thú lắm. Từ chuyện hoa nhảy sang chuyện cá, tưởng là không ăn nhập gì với nhau, nào ngờ cả hai có một gắn bó kỳ lạ. Cứ tới mùa hè mỗi lần đi dọc bờ cỏ là tôi nhớ tới nó, nhớ hoài không bao giờ quên. Tôi muốn góp một câu chuyện nhỏ về cánh hoa nọ, về con cá kia, hầu mong bạn đọc cho vui những ngày phải trốn lánh virus ác ôn kẹt cứng trong nhà.

Lúc đi dạy ở Sóc Trăng tôi thường được nghe người địa phương ca tụng con cá cháy vừa quí vừa hiếm có nầy. Loại cá nầy chỉ xuất hiện theo mùa ở các vùng ven biển Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Bốn năm ở đó, tôi chỉ may mắn được mời ăn có một lần. Và một lần đó đã khiến tôi nhớ mãi trên nửa thế kỷ nay. (ở Québec cũng có một loại cá ngon lắm là con cá Tầm (esturgeon), loại cá cho trứng nổi tiếng caviar mắc tiền bên Nga, thịt rất thơm ngon, dài từ 1 đến 1,5 m, nặng từ 10 đến 15 kí nhưng không thuộc phạm vi bài nầy).

Cá cháy là tên gọi một giống cá mòi biển lớn, nặng khoảng từ 2, 3 đến 5 kí lô một con. Hình dáng thon dài, vảy trắng bạc lóng lánh, thuộc giống cá đẹp. Tôi vốn thích câu cá, mùa hè nào cũng vậy đều vác cần ra các bờ nước thả câu, cá có đủ loại, lớn nhỏ khác nhau, lần hồi khám phá ra con cá cháy nầy. Mừng quá, đâu ngờ con cá cháy mơ ước nầy lại có ở xứ Quebec, mà lại có rất nhiều.

Làm sao biết lúc nào cá từ biển vào sông để đẻ. Dễ lắm, cứ căn cứ vào mùa hoa bồ công anh (dandelion, pissenlit) từ vàng biến sang trắng xóa cả cánh đồng thì biết là cá đã vô tới sông. Chúng chỉ kéo nhau vô đúng một tuần, đẻ xong là quay ngay về biển, lúc đó kiếm mòn con mắt không còn một con. Vui nhất là nhìn hoa pissenlit nở mà cũng buồn nhất là sợ giống hoa nầy. Pháp đặt tên hoa nầy là pissenlit thú vị thiệt. Nếu dịch ra tiếng Viêt Nam mình thì là Hoa Đái Dầm. Nhìn kỹ các bạn sẽ thấy ngay, nếu tách ra từng chữ thì là -đái trên giường, piss-en-lit, rõ ràng. Mùa hè hoa nở rộ, vàng lốm đốm trên các bãi cỏ xanh, đẹp thì cũng có đẹp nhưng nó là loài hoa dại, thảm cỏ xanh không còn xanh mướt nữa mà lại lốm đốm vàng, càng nhìn càng ứa gan, chịu sao cho nổi. Nếu không chịu khó nhổ cho sạch, hàng xóm cho rằng mình làm biếng thì phiền, cuối mùa hoa phai tàn trở nên trắng nõn như bông gòn, mỗi cơn gió thổi lên chúng sẽ bay tứ tung. Tự Điển Larousse của Pháp lấy nó làm biểu tượng - Je sème à tout vent. (Tôi gieo ra mọi hướng)...

May mắn lúc tôi ở Laval-des-Rapides, cách nhà chừng độ ba bốn cây số cạnh sông Rivière-des-Mille-Iles, có một vùng tên là Bờ Sông Cá Cháy (La Berge de L'alose). Alose là tên của con cá cháy nầy (tiếng Anh là Alosa, tiếng Bangladesh là Hilsa).

Từ trên đường nhựa, len lỏi giữa các hàng cây phong già, đi xuống đường mòn dọc theo bờ sông, ta sẽ thấy người câu đứng chen nhau dầy đặc trên bờ dọc một khúc sông, sát bên là một đập thủy điện nhỏ chắn ngang dòng chảy đang mở các miệng cống, mặt nước sôi réo lên, nổi sóng cuồn cuộn... Tôi hiểu rồi, loại cá alose nầy thích tìm đến những nơi nổi sóng như vầy, y như sóng biển lớn của chúng vậy. Chúng không bao giờ có mặt ở các vùng nước lặng, êm ả, phẳng lỳ....


 https://ci4.googleusercontent.com/proxy/ZY6ExTvYUGoXRAjJb2Oux-2ONv26vITFZIlKSEeb796pJ35skzqx841QKjFdZ9owo9S8ynN5YxQr0zwUGqym_TZB64ctnEU=s0-d-e1-ft#http://www.art2all.net/tho/vokydien/alosa_cachay.gif
 
Tôi chen vào một chỗ trống, chuẩn bị dây câu, gắn một cục chì to bằng ngón chân cái ở cuối đầu dây. Phải chì to mới được, nếu nhỏ quá, nước xoáy mạnh, dây không chìm sâu tới đáy. Phía trên cục chì đó chừng thước rưỡi, gắn một sợi dây cước cột theo một mồi giả. Mồi giả làm bằng một tấm nhôm hình cong gồ lên như chiếc muỗng, một bên sơn trắng một bên vàng lấp lánh gắn thêm vài chùm dây ny lông xanh đỏ, cuối miếng mồi nhôm đó có ba lưỡi câu bén ngót treo lủng lẳng. Cũng có khi có hinh dáng giống con tôm, con nhái, con cá, bằng plastic, cao su...
Vì số người câu khá đông, người nầy cách người kia không tới một thước, thành ra khi quăng câu phải thiệt khéo léo, nếu không sẽ va chạm vào nhau. Đường câu rối nùi, khó gở cho ra lắm. Khi quăng câu rồi thì không để yên. Chờ cho cục chì chìm sâu dưới nước thì ta kéo lê chiếc cần nguợc lại hướng dòng nuớc chảy. Lúc đó chiếc mồi giả sẽ lăng quăng chấp chới giữa dòng nước như con ếch con nhái, sáng lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Từ dưới nước sâu một con cá trắng sáng bạc sẽ hăm hở rượt theo, lao vút đớp lấy con mồi lướt đi trước mặt. Ôi, còn gì hồi hộp hơn nữa, còn gì vui sướng hơn nữa, đời bây giờ chỉ còn gom trọn trong chiếc cần cong vòng, nặng trĩu dưới sức nặng của con cá. Người cầm cần cố sức ghì chặt con mồi, dây câu khi dùn khi thẳng, các người xung quanh reo hò tở mở “-alose” “-alose” Tiếng reo vui vang động cả khúc sông....

Cá cháy có nhiều vảy và nhiều xương hom. Chắc là có nhiều cách để nấu cho ngon. Tôi chỉ biết có mỗi một cách. Chỉ cần móc ruột cá cho sạch thôi, không cần cắt các kỳ vi, cùng đánh vảy. Cứ để nguyên con như vậy, nếu cần thì cắt đôi ra để vào nồi cho gọn. Cần cái nồi to cho đủ con cá. Dưới đáy nồi, lót mía cây cho nhiều, thêm nước mắm, tiêu, đường, hành lá, hành tím... mỗi thứ vừa phải, in ít thôi. Đó là cách nấu mẵn. Đổ nước ngập mặt cá, để lửa nhỏ riu riu, nấu trong 8 tiếng đòng hồ. Xong rồi mở nắp nồi ra, mùi cá thơm nức mũi. Lúc đó thì xương cá, đầu cá, vảy cá, kỳ vi, xương sống, xương hom đâu mất hết, tất cả đều mềm rục. Gắp một miếng cá ngon ngọt để vào miệng chưa kịp nhai, thì nó đã xuống bao tử hồi nào, làm sao biết được. Cá cháy, ôi cá cháy, làm sao quên được món ngon nầy.
Một kỷ niệm nhỏ, nhớ hoài. Năm đó hoa bồ công anh đã trắng xóa. Tôi lại bị cảm nặng, không cách gì đi câu cho được. Làm sao bây giờ, tiếc lắm niềm vui mùa hè. Cũng tiếc lắm những con cá thơm ngon. Nếu không câu kỳ nầy thì phải chờ sang năm tới, lâu quá. Thằng Bi năm đó vừa độ 16, 17 tuổi. Nó thấy tôi bức rức, nên giành đi thế và đành phải đi bằng xe bus. Thằng nhỏ ôm xách đồ nghề lỉnh ca lỉnh kỉnh, tôi còn cố dặn vói theo -con câu được bao nhiêu đem về bấy nhiêu, đừng bỏ lại uổng lắm...
Buổi trưa đó, thằng nhỏ bước vô nhà đi đứng xiểng niểng, mặt mày đỏ lơ đỏ lưởng, mồ hôi đầy người ướt đẩm. Ngoài dụng cụ câu kéo, nó vác trên vai một bao rác đen hai lớp chứa đầy nhóc cá, đâu chừng trên dưới 10 con. Bỏ bao cá xuống sàn nhà, nó hầu như lảo đảo muốn xỉu. Tôi sợ quá la lên -cá nhiều quá, tại sao con không bỏ bớt?
Thằng nhỏ ngó sững tôi, chỉ trả lời gọn lỏn có một câu -”ba dặn kỹ con đem về hết mà.”

 VÕ KỲ ĐIỀN




 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top