Vì sao nhạc đồng quê Hoa Kỳ
ít thịnh hành tại Pháp
ít thịnh hành tại Pháp
Dòng nhạc đồng quê Hoa Kỳ với thời gian trở nên phổ biến tại Canada và Úc hay tại các quốc gia châu Âu như Ireland, Anh, Đức, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nhưng lại không được ưa chuộng ở Pháp!
Tại tâm lý dân chúng Pháp đồng hóa nhạc Country với những hình ảnh như cao bồi ngồi trên lưng ngựa, đàn bò chăn thả trên những cánh đồng bao la, hay những vùng sâu vùng xa cõi trời mênh mông đất rộng người thưa không thích hợp với văn hóa của dân Pháp khi nghĩ về âm nhạc?
Ca sĩ Pháp Eddy Mitchell có sở trường hát nhạc đồng quê
Cho dù có được phối theo điệu gì đi chăng nữa, bài hát Take Me Home Country Roads vẫn là một ca khúc cực kỳ tiêu biểu của dòng nhạc đồng quê Mỹ. Bản nhạc này từng được phối với đàn hạ uy cầm hoặc là được hoà âm chuyển thể sang điệu reggae. Dĩ nhiên là trong cả hai trường hợp, ca từ đã được chỉnh sửa lại sao cho hợp với đảo Hawaii cũng như Jamaica.
Bản nhạc Take Me Home Country Roads cũng từng được phối lại một cách hoành tráng, tựa như một khúc hành quân hay một bài ca ly biệt của điệp viên Merlin trong bộ phim Mật vụ Kingsman tập nhì (Tổ chức Hoàng Kim). Bài hát nhiều lần được sử dụng làm nhạc phim. Chỉ riêng trong ănm 2017, có tới ba bộ phim dùng ca khúc này làm nhạc nền (Alien Covenant, Lucky Logan, Kíngsman II).
Nguyên tác Take Me Home Country Roads là một ca khúc kinh điển, ăn khách vào năm 1971 qua giọng ca của John Denver. Bản nhạc này từng được dịch nhiều lần sang tiếng Pháp, có ít nhất hai lời khác nhau, thế nhưng một điều rất lạ là các phiên bản tiếng Pháp lại không ăn khách. Bắt nguồn từ bang Tennessee (thị trấn Bristol), dòng nhạc country kết hợp nhiều luồng ảnh hưởng để rồi hình thành cách đây khoảng một thế kỷ (vào những năm 1920).
Sau Hoa Kỳ, dòng nhạc đồng quê với thời gian trở nên phổ biến tại Canada và Úc hay tại các quốc gia châu Âu như Ireland, Anh, Đức, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy. Tuy vậy, dòng nhạc country vẫn chưa chinh phục được thị trường Pháp, như thể có những rào cản vô hình nào đó hạn chế sự phát triển của nhạc đồng quê Mỹ.
Điều đó không có nghĩa là các nghệ sĩ Pháp ghét nhạc country. Ngược lại từ cuối những năm 1940, nhiều bản nhạc đồng quê đã được đặt thêm lời Pháp. Đó là trường hợp của bản Tennessee Waltz của tác giả Pee Wee King, từng được Jean Sablon ghi âm lại vào năm 1949 (bài Tennessee Waltz trong tiếng Việt từng được tác giả Y Vân chuyển thành Tình Mỏng Manh, còn Trường Kỳ đặt thêm lời Việt thành bài Điệu Buồn).
Richard Anthony chuyển nhạc phẩm Five Hundred Miles (Away From Home) của Bobby Fare thành J’entends siffler le train. Hugues Aufray đặt lời tiếng Pháp cho Jambalaya (On the Bayou). Joe Dassin trước khi hát tình ca Pháp gợi hứng khá nhiều từ dòng nhạc country, do gia đình anh là người Mỹ. Còn trong số các rocker của Pháp, Johnny Hallyday và nhất là Eddy Mitchell đã ghi âm lại khá nhiều bài hát đồng quê Mỹ, thậm chí họ sáng tác nhạc Pháp theo phong cách country.
Cách đây đúng 40 năm, vào năm 1977, Eddy Mitchell phát hành tập nhạc La Denière Séance (Suất chiếu phim cuối cùng), ca khúc chủ đề trích từ tập nhạc cùng tên vay mượn lại tựa đề của bộ phim Mỹ The Last Picture Show (công chiếu vào năm 1971). Bản nhạc này trở thành một trong những ca khúc ăn khách nhất trong sự nghiệp của Eddy Mitchell. Do nội dung bài hát nói về các bộ phim cao bồi của Mỹ cho nên nhiều người tưởng lầm rằng bản nhạc nguyên gốc là một ca khúc đồng quê Hoa Kỳ.
Phim cao bồi miền Viễn Tây với các ngôi sao màn bạc như Gary Cooper, Burt Lancaster, Robert Mitchum hay John Wayne, các bức tranh gia đình hay phong cảnh thôn quê của danh họa Norman Rockwell, các quán bar nồng mùi whisky tại Nashville, những hình ảnh đó tràn ngập thế giới âm nhạc của Eddy Mitchell. Trên tuyển tập được phát hành gần đây mang tựa đề La Même Tribu, Eddy Mitchell đã triệu mời khoảng 20 nghệ sĩ cùng ghi âm với ông các bản nhạc ăn khách trong đó có khá nhiều bài country, nổi tiếng nhất là bài Trên đường tới Memphis (Sur la route de Memphis, nguyên tác của ca sĩ kiêm tác giả Tom T. Hall)
Về phía các nghệ sĩ Canada hát tiếng Pháp, vùng Acadie nổi tiếng là nơi có truyền thống nhạc đồng quê với phong cách riêng (cajun) tiêu biểu với Zachary Richard, còn các nghệ sĩ vùng Québec xuất thân từ làng nhạc nhẹ như Carole Laure (Western Shadows), Isabelle Boulay (Les Grands Espaces) hay Roch Voisine (Americana) đều có ghi âm nhiều bài hát country.
Nhắc tới nhạc đồng quê, công chúng Pháp thường hay nghĩ tới những hình ảnh hơi rập khuôn như cao bồi ngồi trên lưng ngựa, đàn bò chăn thả trên những cánh đồng bao la, hay những vùng sâu vùng xa cõi trời mênh mông đất rộng người thưa, chỉ có những chiếc xe tải khổng lồ chạy xuyên đất liền, từ bang này sang bang nọ. Đó là những hình ảnh mà người ta thường thấy qua phim ảnh nhưng đối với người Pháp lại ít gắn liền với thực tế, trong khi tại Mỹ dòng nhạc country có hẳn những kênh truyền thông đại chúng, các liên hoan hay các giải thưởng âm nhạc thường niên.
Gần đây hàng chục nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng nhất làng nhạc đồng quê đã cùng nhau ghi âm liên khúc bao gồm ba ca khúc để đời là Take Me Home Country Roads của John Denver, On The Road Again của Willie Nelson và I Will Always Love You của Dolly Parton để đánh dấu 50 năm thành lập lễ trao giải Country Music Awards.
Còn tại Pháp, nếu như hiện giờ có khoảng 50 liên hoan địa phương gồm ca nhạc và điệu nhảy country (theo dạng nhảy đồng bộ line dance) đa phần các liên hoan ở các tỉnh phía Bắc, cũng như ở hai vùng Bretagne và Alsace, dòng nhạc county tại Pháp vẫn chưa được có một liên hoan cấp quốc gia hay quốc tế (tương tự như liên hoan các dòng nhạc celtique tại thành phố Lorient, vùng Bretagne).
Đa số các bản nhạc country tiếng Pháp được hoà âm phối khí theo kiểu nhạc nhẹ, còn các nghệ sĩ Mỹ ăn khách trên thị trường Pháp như Taylor Swift, Shania Twain hay Carrie Underwood được biết đến chủ yếu nhờ các tập nhạc crosoverr kết hợp country với pop, chứ ít còn thuần chất đồng quê.