TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ THÁI TUẤN & ĐINH CƯỜNG

TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ
THÁI TUẤN &
ĐINH CƯỜNG
Thơ • Chủ trương & chủ bút: Khế Iêm
• Tháng 03 năm 2023 • Năm thứ 1 • Số 7 Email: tapchitho22@gmail.com
                              
Họa Sĩ Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công, sinh ngày 11 tháng 9 năm 1918 tại Hà Nội, mất ngày 26 tháng 7 năm 2007 tại Sài Gòn vì bệnh phổi lâu năm. Hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1984, định cư tại Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Năm 2006 về sống dưỡng già tại Sài Gòn. Tháng 12–2006, triển lãm cuối cùng 16 bức tranh sơn dầu tại phòng tranh Tự Do, đường Hồ Tùng Mậu – Sài Gòn.
Họa sĩ Đinh Cường tên thật là Đinh văn Cường, sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một.
Sống ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt. từ trần vào đêm Thứ Năm ngày 7 tháng 1–2016 tại một bệnh viện ở tiểu bang Virginia. Nơi cư ngụ thị trấn Burke, Virginia, USA.
1951–1957: Học sinh trường Trung học Pétrus Ký, Sài Gòn.
1963: Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế.
1964: Tốt nghiệp Giáo Khoa Hội Họa Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Tổng thư ký hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, 1969–1971. Giáo sư hội họa Đồng Khánh, Huế. Sống cùng gia đình tại Hoa Kỳ.
Ngoài hội họa, Đinh Cường còn rất thành công trong nhiều bộ môn khác. Thơ, tiểu luận về hội họa, hoặc hồi ký. Bài viết được trích đăng trong tác phẩm: “Đi Vào Cõi Tạo Hình” do Văn Mới xuất bản 2015

Thái Tuấn

THĂM LẠI CĂN NHÀ CŨ


Từ Paris cái lạnh đã theo tôi tới Sài Gòn. Ra khỏi máy bay tôi được ngay sự đón tiếp nồng nhiệt của cái nóng tháng Tư vùng nhiệt đới.

Sau 15 năm xa cách, Sài Gòn vẫn là căn nhà cũ; đồ đạc, ghế bàn đã được kê dọn lại. Nếu nhìn Sài Gòn như một người tình, thì nàng đã xiêm y thay đổi và có thể đã bước lầm vào một cửa hàng sửa sang sắc đẹp chưa rành nghề.

Sự ngỡ ngàng của tôi kèm theo chút ngậm ngùi. Song làm sao mà thay lòng đổi dạ chỉ vì bộ quần áo ngủ của người yêu.

Với hai tháng ngắn ngủi, tôi đã dạo bước trên những đường phố cũ, nhìn lại những xóm nhà xưa.

Từ những cái quán quen thuộc, hình như còn vang vọng tiếng bạn bè cười nói. Mỗi bước chân lại khơi dậy bao kỷ niệm. Những góc phố chứng kiến cuộc hẹn hò gặp gỡ. Những ngã ba, ngã bảy ngậm ngùi buổi chia tay trong thời ly loạn.

Sài Gòn vẫn là tên gọi quen thuộc mà khi gọi khác đi, tôi thấy ai cũng có đôi chút ngượng ngùng.

Những con đường cũng đã từng bao lần thay đổi tên gọi. Pellerin, Pasteur, De Lattre; rồi Hiền Vương, Yên Đổ, Duy Tân; rồi Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi. Nhà thơ và vua chúa, kẻ thực dân, nhà bác học, chính khách lẫn tướng tá. Cuộc thay đổi còn sẽ tiếp nối không ngừng như cuộc sống xã hội. Song vẫn có cái gì vượt ra ngoài mọi danh xưng. Lãng đãng trong tâm tư người dân, không bận tâm đến chuyện đổi thay. Nằm ngoài mọi định nghĩa của những cuốn tự điển và những giải thích quanh co của người làm chính trị.

Tổ quốc, xứ sở, quốc gia, chế độ v.v... vẫn là những gì gắn liền với nền văn hóa không phải tạo nên trong một ngày, mà của hàng ngàn năm lịch sử. Cái lịch sử đã mang dấu ấn của rất nhiều chế độ. Nền văn hóa nếu được hiểu theo ý nghĩa tốt đẹp nhất, chính do sự gạn lọc, kết tinh những gì tốt lành nhất của mọi chế độ mà người dân có thể tự hào về đất nước.

Làm gì có đất nước xấu xa?
Khi tôi tới khu chợ Bến Thành trời đã nhá nhem. Dừng lại trước chiếc xe bán trái cây nơi góc đường Nguyễn Huệ, tôi chợt nhìn thấy một cô bé trạc 15, 16 rất xinh đẹp; cô ta liếc nhìn tôi 
mỉm cười. Ông bán trái cây vội nói khẽ: “Boy, Boy đấy.” Nhớ lại một người bạn cũ nổi tiếng trong vai nữ một vở kịch. Vẻ xinh đẹp mà tôi nhìn thấy ở cậu bé Sài Gòn văn chương gọi là vẻ đẹp bi thảm.

Trời đã về đêm đã bớt nóng nực. Tôi ghé vào một cửa hàng bán tranh gần đấy. Tranh pháo chen chúc nhau phủ gần kín các mảnh tường; đủ các trường phái cổ điển, có hình, trừu tượng, không hình. Ở góc phòng có một người ngồi trước giá vẽ, đang say sưa chép lại bức tranh La Joconde. Bức tranh La Joconde anh ta dùng làm mẫu, cũng chỉ là một bản sao chụp lại. Tôi hỏi giá anh ta nói: “Nếu vẽ bằng sơn tốt, vẽ kỹ 400.000 đồng,”* và nghĩ tôi muốn mua nên nói tiếp: “Bức này tôi đã có người đặt vẽ, tuần sau ông trở lại.”

Nhìn số lượng và phẩm lượng những bức tranh bày bán. Biết bao người đã vẽ để sinh sống? Bao nhiêu người đã nói vẽ để làm nghệ thuật? Có thể những người vẽ để nuôi thân, như anh chàng sao chép tranh, cũng không nghĩ ra đã phục vụ nghệ thuật một cách rộng rãi hơn.

Trải qua cơn bệnh cúm hơn hai tuần. Khỏi bịnh nhờ sự săn sóc chữa trị tận tâm của vị bác sĩ ở một bệnh xá của phường nhà. Bác sĩ Việt Nam không có được dụng cụ y khoa hiện đại, họ không có máy điện toán để dò hỏi căn bịnh. Họ chỉ có thể hỏi ở kinh nghiệm của chính họ, do đó có rất nhiều trách nhiệm.

Tôi đã tập thích nghi với cuộc sống ở ngay đất nước mình; với bụi bặm, với tiếng còi xe liên hồi, với cái nóng, với nhiều thứ khác nữa. Thật là điều trớ trêu.

Người ta thường nói thích nghi, là thích nghi với cuộc sống ở nơi đất lạ. Có khi còn mở rộng sự thích nghi cả với nền văn hóa khác, như trong lúc người phương Tây nói về đa văn hóa. Ở phương Tây, có những quốc gia sống cùng một nếp sống văn minh, song vẫn cố giữ nền văn hóa của đất nước mình. Ít ai muốn chối bỏ nền văn hóa của nước mình và dù có muốn cũng không thể rũ bỏ như trút bỏ bộ áo quần. Văn hóa lắng đọng nơi con tim, luân lưu trong mạch máu, khắc sâu trong xương thịt.

Dù tấm lòng mình có ưu ái với một nền văn hóa nào khác, thì câu chuyện “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã nói rõ về chuyện thích nghi ngược đời, nghịch lý.

Giấc mơ đại đồng cũng đã có từ lâu. Song Liên Hiệp Cộng Đồng Châu Âu cũng chẳng ai chịu từ bỏ nền văn hóa và ngôn ngữ của xứ sở mình. Thứ ngôn ngữ gọi là Espéranto cũng chết yểu từ lâu. Và cũng chỉ là một ước vọng, như cái tên của nó. Và người ta vẫn phải nói đến chuyện đa văn hóa ...

Thành phố Sài Gòn có nhiều cái mới. Những công viên, những tòa cao ốc, những khách sạn với đầy đủ tiện nghi hiện đại, với đủ loại xe gắn máy tối tân với những bộ y phục thời trang đúng mốt Tây phương. Song cũng vẫn còn những căn nhà ổ chuột, những loại xe đạp xe hơi thời thuộc địa. Cái mới cái cũ sống chung đề huề. Sài Gòn thứ gì cũng có, thượng vàng hạ cám, như một cửa hàng bán đấu giá.

Thứ nhất là không còn phải xếp hàng, lấy hẹn. Đau yếu chỉ một cú điện thoại, có bác sĩ tới ngay. Cần sửa chữa căn nhà, máy thu thanh, truyền hình, có thợ đến ngay trong chốc lát, việc làm chu đáo.
 

Tôi gặp lại anh bạn người Pháp, bạn đồng hành trên chuyến bay, khi anh ta đang lang thang ở một con đường hẻm gần khu Bàn Cờ. Tôi hỏi anh đi đâu mà lạc vào đây. Anh ta nói: “Tôi đi ăn phở, ở đây có tiệm phở ngon lắm.” Tôi nhìn cái sắc anh đeo theo trên lưng mỉm cười bảo: “Anh có biết ở đây có tiệm phở nổi tiếng không?” Anh cười ngất: “Biết chứ, chỉ có tây ba lô mới thưởng thức được món súp tuyệt vời của xứ sở anh.” Tôi thầm nghĩ: mình trên đất Pháp đã hơn 15 năm, mà chưa biết ở nơi nào có món súp ngon. Quả thật đã thua anh chàng này. Song chắc chắn một điều tôi rành hơn anh về vị ngon của phở. Ai mà có thể biết được điều đó?

Rất nhiều người Tây phương đã ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, song để diễn đạt vẻ đẹp ấy họ đã “dành” cho các cây cọ Việt Nam. Nhớ lại ngày tôi rời khỏi đất nước, có anh bạn đến tiễn chân, nhớ lại bài hát anh đã hát cho tôi nghe. Tôi nhận ra một điều: khi lời ca đã trút bỏ được vai trò kí hiệu, chỉ còn lại những âm thanh, tựa bó đuốc đã nhờ sự thiêu hủy để trở thành sức nóng và ánh sáng, sưởi ấm và soi sáng cho con người.

Khi trí óc non nớt của đứa bé chưa thể nhận ra những kí hiệu thì lời ru của mẹ chỉ là những âm thanh, chuyên chở cả một nền văn hóa của dân tộc.


Đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi thao thức nằm nghe những âm thanh, tiếng rao của hàng quà bánh trong con hẻm tối tăm. Những âm thanh ấy đã nói với tôi về sự hi sinh và quyền lợi. Một chọn lựa khó khăn và cũng khó hiểu đối với những nền văn hóa có cuộc sống văn minh tân tiến nhất

Thái Tuấn
Sài Gòn mùa nóng 99
Bài viết do chị Nguyễn Thu Trang, em họa sĩ Thái Tuấn gửi tới.


Đinh Cường

THÁI TUẤN CỘI NGUỒN


Tiểu sử Họa sĩ Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công, sinh ngày 11 tháng 9 năm 1918 tại Hà Nội, mất ngày 26 tháng 7 năm 2007 tại Sài Gòn vì bệnh phổi lâu năm. Hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1984, định cư tại Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Năm 2006 về sống dưỡng già tại Sài Gòn. Tháng 12–2006, triển lãm cuối cùng 16 bức tranh sơn dầu tại phòng tranh Tự Do, đường Hồ Tùng Mậu – Sài Gòn.


Có lần Lê Thiệp hỏi tôi, ở Sài Gòn ông thích họa sĩ nào nhất, tôi đã trả lời là tôi thích Thái Tuấn trong Nam và Bùi Xuân Phái ngoài Bắc. Hai họa sĩ mà tôi yêu thích lại có cái vóc dáng giống nhau: người cao gầy, hiền hậu và sâu sắc, tinh anh.

Hai người là bạn, là thế hệ cuối cùng của Trường Mỹ Thuật Đông Dương do người Pháp thành lập ở Hà Nội (1925–1945). Victor Tardieu (Giám đốc) và Inguimberty là hai người thầy đầy nhiệt tâm và có ảnh hưởng rất lớn về kỹ thuật hội họa Tây phương. Trước các anh là những họa sĩ đã nổi tiếng của các khóa đầu tiên: Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí ...

Khi các anh bắt đầu đưa ra những sáng tác mới ở Việt Nam thì hội họa thế giới đang bước vào thời kỳ hậu thế chiến và phân hóa ghê gớm. Trường phái Paris đã mờ nhạt dần. Matisse, Picasso, Braque, Fernand Léger đã được xếp hạng vào dòng họa cổ điển. Để cho những tên tuổi mới như Hartung, Soulages, Mathieu, Bernard Buffet, Poliakoff tung ra những tác phẩm dữ dội hơn với những tâm trạng đầy nghịch lý trước chủ nghĩa hiện sinh đang hình thành. Có thể nói lúc bấy giờ hội họa Châu Âu cuốn hút theo xu hướng Trừu Tượng Trữ Tình và Mỹ thì xu hướng Biểu Hiện Trừu Tượng.

Tất cả những dòng thác, xu hướng hội họa, chắc chắn Thái Tuấn đã chiêm nghiệm, nhìn thấy, và anh đã đập bằng nhịp tim của mình. “Tôi nghĩ rằng từ đầu nền nghệ thuật Tây phương đã xây dựng trên tinh thần lý luận, phân tích. Dù đôi thời kỳ có những cá nhân cố gắng thoát ra, nhưng rồi dưới hình thức nào thì tinh thần đó cũng còn nhiều ảnh hưởng ... Tôi nghĩ người danh họa duy nhất tách khỏi tinh thần lý luận trong nền nghệ thuật Tây phương là Chagall. Tôi tin Chagall đã kết tụ được những gì đẹp đẽ nhất của nền nghệ thuật Tây phương”.

Và anh đã viết, viết rất nhiều bài về hội họa trước khi vẽ. Anh luôn nghĩ đến thân phận của một họa sĩ Việt Nam, trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ít được coi trọng, nếu chưa nói là bị xem thường, nhất là về mặt tri thức. “Ở nước ta, trước tôi, ít có người thích viết về những vấn đề nghệ thuật, nhất là hội họa. Tôi nghĩ rằng những bài viết của tôi đã làm cho một số người lưu ý đến vấn đề hội họa hơn.” Sau này anh đã gom lại in thành tập sách, dưới tựa đề “Câu Chuyện Hội Họa” do nhà xuất bản Cảo Thơm ấn hành. Đến nay, anh vẫn tiếp tực viết các bài ngắn và rất sâu sắc về hội họa in trên các tạp chí ở hải ngoại.

Nhận định về tranh Thái Tuấn, có lẽ Huỳnh Hữu Ủy là người theo dõi anh kỹ nhất.. Từ “Thái Tuấn, Nghệ Thuật của Bi Thảm và Thơ Mộng” trên Văn số đặc biệt Hội Họa năm 1972 đến “Bóng Dáng Thái Tuấn Giữa Nền Nghệ Thuật Hiện Đại”, Thế Kỷ 21, xuân Bính Tý, 1996, California. Tôi muốn ghi thêm ở đây một ít mẫu chuyện anh kể nhân những ngày ngồi với nhau bên quầy rượu dưới basement nhà Lê Thiệp. Để biết qua về cái bút hiệu Thái Tuấn, nơi chốn sinh ra và lớn lên, những ngày đầu di cư vào Nam ... Còn chuyện nghệ thuật anh ít thích nói.

Bút hiệu Thái Tuấn là do anh lấy từ người con trai út Nguyễn Thái Tuấn (sau cũng ở Pháp và có vợ đầm) để ký dưới những bài viết và những bức tranh. Chị Trâm, vợ anh, đã sinh ra Thái Tuấn sau khi vào Nam 1954. Anh nói muốn cắt đứt một dĩ vãng thân yêu, vừa đau đớn bỏ đi: “Phượng nhìn xuống vực thẳm , Hà Nội ở dưới ấy” (Mai Thảo).

Thái Tuấn thay cho tên thật Nguyễn Xuân Công từ đó. Anh sinh ngày 11 tháng 9 – 1918 ở Hà Nội (Phố Hàng Bông – Thợ Nhuộm). “Cha tôi là một công chức trông coi khu vườn Bách Thảo Hà Nội, sinh tôi được ít lâu thì gia đình tôi dọn vào ở trong đó. Khi tôi lên tám, cha tôi bị đổi lên mạn Thái Nguyên, Tuyên Quang nên gia đình tôi di cư lên theo. Tôi chỉ có dịp trở lại Hà Nội vào năm 1938 đến 1940, để theo học trường Mỹ Thuật Đông Dương ở lớp dự bị. Học hết năm dự bị, tôi bỏ không học vẽ nữa, lại đi học hữ. Cùng lớp với tôi ở Mỹ Thuật có Đặng Thế Phong, Phan Tại, Ngọc Tùng ... Sau này gặp lại, họ đều bỏ vẽ, mỗi người một việc. Đặng Thế Phong làm nhạc, Phan Tại viết kịch, Ngọc Tùng bước sang điện ảnh.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tôi theo kháng chiến và trở về quê mẹ tôi ở Thanh Hóa, hoạt động ở Liên Khu Tư thuộc tướng Nguyễn Bính, cùng với Hữu Loan, Quang Dũng ...Năm 1948 tôi lập gia đình. Khi cuộc chiến tranh chống Pháp chấm dứt, tôi cùng gia đình vào Nam, tháng 8 năm 1954”.

Anh kể về những ngày đầu vào Nam rất ngỡ ngàng, may có cái thư của ông Hồ Dzếnh, là bạn thân của anh, viết giới thiệu với người anh ruột là Hà Bích, có cửa hàng bán tạp hóa ở 63 đường Mayer (nay là Hiền Vương, Tân Định). Bước đầu bỡ ngỡ khó khăn, được ông Hà Bích xem như em, đã giúp Thái Tuấn vốn để mở một phòng vẽ quảng cáo mang tên Đẹp. Ông còn mua sắm sơn, cọ cho Thái Tuấn vẽ tranh. Anh nhắc lại một kỷ niệm khó quên là lần đầu tiên kẻ bảng hiệu cho phòng mạch Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, lúc đó vừa ở Pháp về, mở phòng khám bệnh ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định.

Năm 1956 mới gặp các bạn văn nghệ. Người đầu tiên anh gặp tại nhà người bạn, và thích nhau là Quách Thoại, nhà thơ, bỏ Huế vào sống lang thang ở Sài Gòn. Chính Quách Thoại đã đích thân đem những bài viết về hội họa đến cho Mai Thảo đăng ở những số Sáng Tạo đầu tiên. Sau, gặp Duy Thanh, Ngọc Dũng. Bắt đầu vẽ sơn dầu từ đó. Năm 1957, triển lãm lần đầu một mình tại Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise) ở đường Gia Long, Sài Gòn. Cuộc triển lãm đã gây sự chú ý đặc biệt cho người xem, nhất là những người Pháp sành về nghệ thuật ... Một khách người Pháp từ Paris đã viết một bài rất hay về phòng tranh và ký giả Faucon của tờ Journal d’Extrême Orient, đã có bài hết lòng ca ngợi anh, xem như một họa sĩ avant garde, khác hẳn không khí quen thuộc của hội họa miền Nam trong các bức phong cảnh vẽ bằng couteau của Henri Meige, Nguyễn Trí Minh ... thường trưng bày trước tủ kính nhà sách Albert Portail ở đường Catinat (nay là Tự Do) Sài Gòn.

Năm 1959 anh triển lãm chung ở Phòng Triển Lãm Đô Thành với Duy Thanh, Ngọc Dũng, Vị Ý, Lê Thị Quang, Đào Sĩ Chu, Phạm Thị Khánh. Tham dự cuộc triển lãm Mùa Xuân 1959. 1960, 1961, 1962. Được mời làm giám khảo trong hội đồng chấm giải tranh Triển Lãm Mùa Xuân 1960 và 1962.

Anh đã viết bài phê bình phòng tranh mùa Xuân trên tạp chí Bách Khoa với cái nhìn thật mới mẻ, sắc bén và chính xác cho một lứa họa sĩ trẻ mới lên là chúng tôi: Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai và tôi. Anh hết sức cổ vũ trong việc tặng các giải thưởng: huy chương vàng, bạc, đồng cho chúng tôi, với những tác phẩm mang đầy sinh lực mới. Từ đó, vững niềm tin, hoạt động nghệ thuật cho tới nay.

Chúng tôi quý mến và thân thiết với anh từ đó. Tôi luôn luôn nhớ chiếc pipe có cán xuôi dài hợp với khuôn mặt gầy Thái Tuấn, tay quàng chiếc áo mưa nylon xám đậm xuống phố, dáng đi nhanh, nhẹ. Những sáng ngồi uống café ở La Pagode trên chiếc ghế da thấp, đỏ, nhìn hàng me già bên kia công viên, hay sáu, bẩy giờ chiều uống ly whisky bên quầy rượu Alliance Francaise, có chú Tư cầm chiếc khăn trắng tinh chùi chiếc ly thủy tinh trong bóng rất điệu nghệ. Rồi tạt qua Dolce Vita (một góc nhỏ của nhà hàng Continental, bên hông nhà hát lớn Sài Gòn) của anh Philippe Franchini có cô vợ người Tàu. Franchini làm tượng bằng Fer Forgel và vẽ tranh trừu tượng cỡ lớn. Franchini đã dành cho anh em chúng tôi một nơi bày tranh đẹp và ấm cúng. Nhớ nhất là những bức tượng hàn đồng của Mai Chửng. Sau tháng 4–1975 một số tranh của chúng tôi còn để nguyên ở đó và sau đó bị chở đi đốt (hay đi đâu?) vì là “văn hóa đồi trụy”.

Tháng 12 – 1971, Thái Tuấn bày tranh chung với hai họa sĩ tài tử Trịnh Hữu Định (ở Pháp về) và Phan Lương Quang ở Dolce Vita. Huỳnh Hữu Ủy có một bài phỏng vấn anh trên báo Văn. Cũng như thập niên trước đó, Nguyễn Ngu Í trong loạt bài “Cuộc phỏng vấn về Quan niệm Hội họa trên Bách Khoa, anh đã trả lời một quan niệm nhất quán từ đó đến nay của nghệ thuật hội họa Thái Tuấn: “Về lối vẽ của tôi, tôi chú trọng đến tinh thần đơn giản, thanh đạm, muốn dùng rất ít đường nét, rất ít màu sắc và ưa để những khoảng trống lớn trong tranh.”

Anh là một họa sĩ định hình, không cần thay đổi, đã in đậm nét huyền hoặc một không gian Thái Tuấn từ lâu. Cũng như những họa sĩ bậc thầy thế giới mà chúng ta hằng chiêm ngưỡng: Matisse, Chagall, Van Gogh, Modigliana ... cũng chỉ là thế giới riêng của màu sắc, đường nét đậm dấu ấn của họ, không cần thay đổi, không nhầm lẫn với ai được.

Tôi quý nhất anh Thái Tuấn cũng như các anh Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng ... chơi với nhau vì cái tình trên hết, ít bao giờ nói chuyện văn chương, nghệ thuật. Đã chơi với nhau là hết lòng với nhau. Như trong gia đình, trong mọi hoàn cảnh. Những tháng sau năm 1975, anh em tứ tán, còn lại mấy người ở Sài Gòn, chúng tôi thường lui tới với nhau hơn. Chỗ anh Thái Tuấn gần nhà tôi ở Tân Định nhất. Mỗi lần anh đi bộ ra chợ Tân Định mua trà café, thường ghé tạt qua tôi, lang thang một chút rồi chia tay. Luôn luôn nhớ con hẻm nhỏ 141 Yên Đỗ vào nhà anh, nhiều hàng quán lao xao buổi sáng. Xóm anh Thái Tuấn ở cũ là xóm lâu đời nhất còn gọi là Bến Tắm Ngựa. Ngoằn ngoèo nhiều ngả. Có chùa Miên nằm trên con hẻm ra đường Trương Minh Giảng.

Năm nào đến dịp lễ Giáng Sinh anh cũng mời chúng tôi đến uống rượu nửa khuya. Anh là người ngoan đạo nhưng không thấy anh đi nhà thờ. Căn phòng khách nhỏ, nằm sau hai cánh cửa song gỗ thấp, chiếc divan hẹp chỗ anh nằm với mấy quyển truyện trinh thám Pháp. Anh thích đọc truyện trinh thám của Simenon. Tấm toile chưa vẽ, anh luôn quét lên một lớp fond màu lục sậm (gan màu mà anh thích dùng) rồi để đó. Ở căn phòng nhỏ này tôi đã gặp cụ Nguyễn Gia Trí, trong bộ đồ lụa trắng, tay hơi run, anh đã vẽ chân dung người họa sĩ bậc thầy này ngồi dưới sàn hoa rất thanh thoát.
 
Gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái, bạn, rất quý anh, từ Hà Nội vào ghé thăm. Phái vẽ anh và sau này anh cũng có vẽ bức chân dung sơn dầu Bùi Xuân Phái tuyệt đẹp. Nhớ nhất là đêm sinh nhật anh, có thi sĩ Quang Dũng, bạn thân học cùng lớp với anh ở Hà Nội, các anh Doãn Quốc Sy, Thanh Tâm Tuyền, Trần Lê Nguyễn ngồi uống rượu với nhau đến khuya. Năm sau (1984) anh cùng gia đình đi Pháp. Tiễn anh có Trịnh Công Sơn đến uống rượu và hát thâu vào cassete tặng anh nhiều bài mới mà Sơn thích. Thỉnh thoảng anh vẫn đem ra nghe lại, anh nói: “Trịnh Công Sơn là một người làm nhạc mà tôi rất thích. “Có lẽ cũng trong cái không khí lãng đãng của nhạc Sơn mà anh vẽ “Xin Mưa Đầy” với tiếng hát Khánh Ly. Nhìn tranh là nhận ra ngay hình dáng, khuôn mặt Khánh Ly. Anh rất nhạy cảm với thi ca và âm nhạc. Tạo cho tính chất hội họa sự phong phú của cuộc sống nội tâm, biến bức tranh thành tiếng vang của một cấu trúc tiềm ẩn. Phảng phất trên những tranh thiếu nữ anh vẽ ta còn nhìn ra: Lê Uyên (Phương), Ý Lan ... Anh thích những tiếng hát tha thiết đó, đầy say đắm đó? Anh chỉ vẽ tiếng hát chứ không vẽ người mẫu mà vẫn nhìn ra. Cũng như ở bức “Cơn Gió Bụi” vẫn thấy một hình dáng Phạm Duy của thời Bà Mẹ Gio Linh ... Anh thường tâm sự “vẽ người mà không vẽ người” là vậy. Anh chỉ vẽ những tình cảm đã nhập vào anh, ẩn sâu trong tiềm thức. Khi vẽ tự động ra.

Anh không bao giờ vẽ người mẫu thật. Và không thấy anh vẽ khỏa thân. Anh vẫn thích một bài viết của Nguyễn Đồng trên báo Tiền Tuyến năm xưa, phê bình rất đúng về anh; vẽ “nu” không đạt. Và anh nhận ra điểm yếu đó. Anh rất thích trao đổi và phê bình thẳng thắn.

Đặc điểm trong những tranh thiếu nữ trưng bày lần này, anh chỉ cho biết là anh không vẽ cái mũi. Anh rất ghét cái mũi. Và không có khuôn mặt nào anh vẽ mũi. Nhưng cái giỏi là ta vẫn nhìn ra khuôn mặt mang đầy biểu trượng. Cái nào cần giản lược là anh giản lược. Vẽ như vẽ không mới đã. Nhưng anh lại rất ghét chữ Thiền trong văn chương, nghệ thuật, anh nói làm gì có Thiền trên trần gian. Thiền là Trời.

Anh còn thích vẽ ngựa và bố cục bao giờ cũng ba, bốn hoặc chín con. Những hình vật hoa của anh cũng nhìn ra ngay là “hoa Thái Tuấn”. Gần đây nhất mới thấy “Thiếu nữ và hoa sen” của anh. Một khuôn mặt nhìn nghiêng, thật quý phái, trữ tình. Tôi đặc biệt thích những bức phong cảnh miền núi của anh. Những xóm nhà, những phiên chợ dưới núi, hàng cây, có khi là bóng một cây đa lớn, ngôi miễu trắng, dòng sông là một vệt cọ chạy dài thanh thoát lạ kỳ. Những đốm lóe sáng ở chân trời, vệt ửng hồng của màu mây. Tranh anh chú ý những độ ửng của màu. Rất giàu (riche) và rất tế nhị. Đem ra ánh sáng ban ngày sẽ nhìn rõ hơn những độ màu reo ca như vàng kim dưới lớp fond tranh, tưởng như đơn giản ... Từ trước đến nay, tranh của anh vẫn luôn mang một vẻ buồn man mác, một sự nuối tiếc cái đã mất, một sự nhớ nhung về nơi chốn cũ nào đó. Lúc nào cũng một màu xám ngọc thạch, biêng biếc, một chút cánh sen, một chút tím nhạt, một chút da người.

Bức “Nhớ nhà mà vẽ” cho thấy nỗi nhớ nhung sâu nặng gia đình hiện ra ở vùng Saint–Pryve1 – Saint–Mesmin, nơi có dòng sông Loiret, chi nhánh sông Loire chảy qua. Đó là một làng mới xây dựng, khang trang, tiện nghi. Phong cảnh ven bờ sông rất đẹp, thơ mộng. Tôi đã cùng Nguyễn Trung, Nguyễn Cầm, Lê Tài Điển về đó thăm anh và nhớ một kỷ niệm là anh đã dẫn tôi đi “metro” lạc đường khi từ Sartrouville đi Paris ...

Anh chơi với bạn bè, phần đông trẻ hơn anh một hế hệ, mà chí tình. Giúp đỡ bạn bè khốn khó ở xa. Những ngày ở trại Battan, khi đêm đã “chong đèn đọc thư người họa sĩ gửi từ Orleans”

“Vuốt một chòm mây ngoài ngày người nghệ sĩ nghe thánh thót giấc mơ quá khứ.
Giẫm lên tuyết bạc, quẩn quanh người, quẩn quanh ta vệt mờ núi cũ.
Con chim sâu gọi mùa xương rồng
Lời ca buốt
Gió run tím
Ngậm cành gai cổ tích thỏang hoài thời thơ ấu qua ...”
(Khế Iêm – “Đêm chong đèn đọc thư người họa sĩ gửi từ Orleans”)

Mới đây, anh đưa xem ảnh chụp Sơn Núi (Nguyễn Đức Sơn) gửi qua nói: bao tử lép, cần ít thuốc” anh lại gửi quà về.

Nhà văn Hà Thúc Sinh chơi với em trai út của anh hồi ở Thanh Hóa, có lẽ là người bạn trẻ hiểu rõ nhiều về gia đình anh nhất.

Chừng đó bạn bè, chừng đó người. Đi đâu anh cũng nhắc đến. Ở xa, thỉnh thoảng anh gửi thư thăm hỏi. Những lần Nguyễn Trung qua Pháp đều đến chơi với anh. Trung đã đặt biệt danh cho anh là “Họa sĩ ở Orleans”: “Trước khi tôi về Việt Nam được nửa tháng, anh có hẹn gặp để chia tay. Trông tướng anh cao, mảnh, đầu tóc trắng, đi ngơ ngơ như một con sói già lạc bầy đang dáo dác, đánh hơi tìm kiếm một cái gì. Một con sói phải đến sống ở nơi chốn không đích thực là nơi chốn của mình, rất nhạy với mùi quen thuộc - một phần từ quê hương là tôi cũng đã sắp giã biệt anh”.

28 bức tranh cùng cỡ (73 cm x 92 cm) lần này của Thái Tuấn triển lãm tại Virginia là một dấu mốc quan trọng (ở Pháp 1985, anh triển lãm chung tại Foyer Interational ở d’Accueil, Paris; gần đây, năm 1994 triển lãm tập thể cùng Nguyễn cầm, Lê Tài Điển, Phillippe Franchini, Hồ Hữu Thủ và Nguyễn lâm dưới tên chung Gốc Rễ (Racines) ở Galerie Bellint, Paris. Ở tuổi 78, anh vẽ như dễ dàng ra, thanh thoát thêm, màu trong sáng hơn, đa số đều ửng một màu cánh sen ấm áp, quý phái. Vẫn là thế giới riêng của anh, và tôi thấy hưng phấn thả mình trong thế giới Thái Tuấn đó, để trầm lắng với một màu trời đầy sương khói, với những bóng dáng thiếu nữ toát ra những cái phần hồn khác nhau, có đau đớn, có hạnh phúc, có hồn nhiên, tất cả đều có một tâm trạng riêng. Tranh anh mở rộng cho người xem một cõi không gian bát ngát mà đậm đặc, bởi cách xử lý tài hoa của anh về sơn dầu, ở lối đắp sơn của anh. Khác tranh của Bùi Xuân Phái, tranh anh không hề có đường viền. Người và không gian là một. Nhiều cái nền tranh của anh lại nói nhiều hơn. Niềm bí ẩn ở đó.
Nhìn ngắm lâu tranh của anh, tôi cảm thấy hồn mình trầm xuống, đó chín là sự đạt đạo trong nghệ thuật. Cái tài hoa và tâm hồn Thái Tuấn bao giờ cũng khiến ta cảm động. Như nhớ về tâm hồn Thái Tuấn bao giờ cũng khiến ta cảm động. Như nhớ về một chốn quê hương xưa, một iếng hát nào đã ru đôi vầng nhật nguyệt. Cội nguồn. Có ai không muốn trở về với Cội Nguồn?

Đinh Cường 1996


Khế Iêm

NHỚ LẠI MỘT THỜI QUÁ KHỨ




“Bức hình chụp ở trang bìa có hình họa sĩ Thái Tuấn. Đây là tấm hình đặc biệt, chụp trong khoảng cuối tháng 2 sang đầu tháng 3 năm 1982, lúc nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được thả không bao lâu (ông về tới nhà ngày 19-01-1982). Anh chị Phạm Kiều Tùng có cái xe bán xôi bắp ở góc đường Nguyễn Du, nhìn sang Nhà Thờ Đức Bà & Bưu Điện thành phố Sàigòn, và họa sĩ Thái Tuấn cùng nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng thường ghé qua đó. Chúng tôi ghi chú chi tiết vì tấm hình chụp lại được một sinh hoạt sống động của người Sàigòn vào thời điểm đó, một quán cóc bên lề đường. Chị Phạm Kiều Tùng khi nhìn lại tấm hình, đã viết xuống cảm xúc như sau:
... Một thời vất vả lam lũ, xem hình cũ, chợt thấy rưng rưng. Tấm hình cũng có giá trị về phần Tư Liệu”. Trích Tư Liệu Thanh Tâm Tuyền từng đăng trên trang website www.thotanhinhthuc. org, nay đã mất.

Vào năm 1972, tôi gửi tập kịch Hột Huyết nhờ họa sỹ Duy Thanh vẽ bìa, sau đó ông hẹn tới vẽ thêm chân dung. Tập kịch tôi tự in với tên Nxb Tuế Nguyệt. Vẽ xong, ông có công việc qua Đài Loan, sau 30 tháng 4 ông qua Mỹ. Tôi còn ở lại, và may mắn được gặp thêm họa sỹ Thái Tuấn. Sau đó là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, cũng tại nhà họa sỹ Thái Tuấn, sau khi ông ở tù về. Nhà họa sỹ Thái Tuấn gần nhà tôi nên tôi thường qua nhà ông mỗi tuần một lần. Cả ba, hai họa sỹ, một nhà thơ, đều là những nhân vật nổi tiếng tại miền Nam.

Theo họa sỹ Đinh Cường, họa sỹ Thái Tuấn là người yêu thơ và nhạc, là bạn thân của hai nhà thơ nổi danh thời ông: Quang Dũng và Quách Thoại, là hai nhà thơ vần điệu. Điều đó, tôi hiểu sao ông lại thích tôi vì một hôm khi lên nhà ông, tôi đưa cho ông xem một bài thơ “Gửi Lão Tử”: Thong dong về non xanh/ Ngày hư hơi gió lành/ Quán không lòng mong tưởng/ Một chòm mây mai danh.

Một tuần sau tôi tới, thấy ông treo trên bàn trong phòng khách. Ít lâu sau ông tặng tôi một bức tranh vẽ sông núi. Đến năm 1984, ông cùng gia đình sang Pháp. Năm 1985, tôi có làm bài thơ “Mưa Phố Kỳ Đồng Nhớ Tranh Thái Tuấn” vì khi đi qua phố Kỳ Đồng, gần nhà ông, tránh mưa bên hè phố, tôi nhớ ông. Bức tranh ông tặng, đến năm 1988, khi vượt biên qua Mỹ, tôi để lại cho anh Phạm Kiều Tùng.

Khi vượt biên, tôi vẫn thường nhận được thư và một số hình ảnh ông gửi. Bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại được 14 lá thư của ông. Nội dung thân thiết hơn cả người trong gia đình, dù rằng tôi chỉ là thế hệ sau ông. Tôi trích một vài điều trong một số lá thư ông gửi:

“Có bức hình chụp lại bức tranh vừa vẽ xong, gửi anh xem. Nếu có thể anh cho nó một cái tên thì hay quá”;

“Ngay màu sắc ở tranh rồi cũng sẽ phai nhạt. Tranh cũng chỉ là cái bóng đã thoát khỏi cái hình.”;

“Thật ra thì đời sống ở nơi nào cũng vậy thôi. Tôi sẽ dành cho anh một bức họa, khi sáng tác sẽ nghĩ về anh, về tình bạn của chúng ta.”;
 

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Người đã mang nỗi buồn (thiên cổ) mà cảnh lại còn buồn hơn. Tôi vô cùng thông cảm vì đã từng trong hoàn cảnh ấy”;

“Cái tựa Thời Thanh Xuân được lắm. Đề nghị anh bỏ chữ Thời đi. Cái tên Thanh Xuân rất tự nhiên như trăng sao, cây cỏ.”
“Vừa rồi đọc tờ Văn, tôi rất khóai bài thơ Phân Ly của anh. Có thể nó gần với tranh tôi đấy (ở đoạn hai)”.

Thanh Xuân là tập thơ vần điệu tôi làm lúc ngoài 20 tuổi. Thật ra, tôi làm thơ từ lúc 15 tuổi, xong một tập, rồi xé đi. Sau đó, tôi làm lại nhưng chỉ khi nào hứng khởi. Làm xong tôi bỏ vào ngăn tủ, không gửi đăng trên báo, lúc đó có 2 tờ Văn, Văn Học, nhưng cũng chẳng đưa cho ai xem. Cuộc đời vốn vô nghĩa, vô nghĩa cũng có nghĩa là vô danh. Bút hiệu Khế Iêm có ý như thế. Nhờ vậy, những nhân vật tài năng, thường không quan tâm tới cái danh. Đến khi vượt biên qua Mỹ, tôi gửi đăng từ từ trên tạp chí Văn của nhà văn & nhà thơ Mai Thảo. Tạp chí Văn sau đó xuất bản tập Thanh Xuân với bìa Thái Tuấn, phụ bản Thái Tuấn & Duy Thanh. Nhà văn Mai Thảo là người thuộc lòng những bài thơ thời Thơ Mới, nên ông không còn là nhà văn nữa, và là nhà thơ, để lại tập “Ta Thấy Hình Ta Giữa Miếu Đền”. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền trong một bài viết cũng cho rằng Mai Thảo là một nhà thơ.

Sống ở Little Sàigòn, khi làm Tạp chí Thơ, tôi quen biết với họa sỹ Đinh Cường & Ngọc Dũng, và nhà thơ Tô Thùy Yên. Họa sỹ Đinh Cường đã vẽ chân dung tôi, rất đẹp, sau này tôi đăng trên tập tiểu luận “Vũ Điệu Không Vần”, còn họa sỹ Ngọc Dũng gửi rất nhiều phụ bản để tôi đăng báo.



Bức tranh họa sĩ Thái Tuấn tặng Khế Iêm, ký tên năm 2000.

Năm 1998, họa sỹ Thái Tuấn triển lãm tranh tại tòa Đại sứ Pháp, Washington. Sau cuộc triển lãm, ông tặng tôi một bức tranh khi ông đến Little Sàigòn. Và nhờ tôi chở ông tới thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Sau đó, ông trở về Pháp. Đến năm 2005, ông về Sàigòn. Tôi không còn gặp ông nữa. Bức tranh ông gửi tặng tôi là bức tranh có chiếc nón lá trôi trên sông, nhìn xa là biển cả, không khác gì tâm trạng tôi lúc đó, phải xa nhà, xa quê hương. Chiếc nón lá tiêu biểu cho người phụ nữ Việt, thể hiện tấm lòng tình tự của con người. Tập Thanh Xuân, ở Sài gòn, tôi giữ kín, nhưng khi qua Mỹ tôi gửi đăng, như thể hoài nhớ đất nước quê hương. Những nhận xét của PGS. TS. Trần Hoài Anh, nhà phê bình Văn Giá, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn ... đều đúng như thế.

Khi nhà văn & nhà thơ Mai Thảo mất, tôi đã đã làm số tưởng niệm qua Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân 1998, với bức tranh màu của họa sỹ Ngọc Dũng. Trong số đó có bài viết của Thanh Tâm Tuyền, “Trong Đất Trời Nhau ...” và bài của Duy Thanh, “Vài Kỷ Niệm Với Mai Thảo”. Trong Báo Giấy số 58, tháng 02 năm 2020, Tưởng niệm họa sỹ Duy Thanh, với bài phỏng vấn của Nguiễn Ngu Í. Báo Thơ số 6, tưởng niệm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhắc tôi nhớ tới họa sỹ Thái Tuấn và Đinh Cường là hai họa sĩ đàn anh thân thiết với tôi.

Như vậy, Mai Thảo, Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Ngọc Dũng & Đinh Cường, bao gồm 4 họa sỹ, 2 nhà thơ. Trong đó có 5 người đầu tiên, nổi tiếng trên báo Sáng tạo vào thập niên 1960s tại Sàigòn.
 

Cuộc đời, tài năng thường rơi vào cô độc, dù ở phương Đông hay phương Tây. Cô độc phải trả giá bằng khổ đau, khổ đau rồi cũng đưa họ tới thế giới hạnh phúc. Họa sỹ Thái Tuấn nói, “Tranh cũng chỉ là cái bóng đã thoát khỏi cái hình.” Người nghệ sỹ, dù có tài năng cũng phải có tình người, mới tạo nên giá trị nghệ thuật. Mỗi người đều có sai và đúng. Nếu tự mình không thấy được cái sai thì làm sao đạt được cái đúng. Nếu có nỗi buồn thì sẽ có niềm vui. Vì vậy, người nghệ sỹ dù khổ đau, nhưng họ luôn sống vì tình người, giúp người, quan tâm tới cái tốt hơn là cái xấu. Cứ coi ai cũng như ai.

Khế Iêm


 





 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top