HỘI VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
TỪ VŨ
Cùng giọng điệu với cái đài phát thanh, các ống loa ở ngoài phường cứ 15 phút một lần ra rả rống lệnh bắt buộc "ngụy quân", "ngụy quyền", "đảng phái" ... kể luôn cả văn nghệ sĩ phải tới các địa điểm ghi tên "đăng ký trình diện Cách-Mạng" .
Phương chẳng thể biết mình thuộc "diện" nào thích hợp với anh để đi đăng ký.
Phương không là công chức, chẳng là công nhân ở một cơ sở nào.
Phương chẳng theo đảng phái nào. Đối với anh có đảng là có phe phái, băng nhóm nên người ta thường nói đảng cướp, băng du đãng.
Anh chỉ là một "thường dân nam bộ" như những người trong xóm thấy anh lúc nào anh cũng ăn mặc quần áo dân sự. Nhưng Phương hiểu rằng ở cái thời buổi "cách mạng" này khó có thể lường trước được một rủi ro nào đó xảy ra . Phương biết được rằng khi ra đăng ký người ta sẽ bảo anh điền một tý "ný-nịch", theo lời em ruột của anh, một trung sĩ pháo binh "ngụy" may mắn được đi phép 7 ngày từ Cần-Thơ về trước cuộc "đại thắng mùa xuân vô cùng bất ngờ" này.
Phương cũng biết rằng sau khi điền vào tờ "ný-nịch" nhất định "cách mạng" sẽ túm anh ngay tại chỗ bởi lẽ anh đã là "ngụy" có cấp bậc, phục vụ tại Biệt-Đội Quân-Báo Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hoà, hợp tác với bọn Sư đoàn "Mỹ Xâm-Lược" ác ôn đã giết hàng ngàn người "cách-mạng" ta ở vùng Tam-Giác Sắt, còn thêm vào đó hai "tội" trước khi đi lính , anh dạy chính trị đào tạo cán bộ Áo Đen Chính-Trị Đặc-Biệt, cán bộ Thượng Vụ, cán bộ Xây Dựng Nông-Thôn nữa . "Cách mạng" có nới tay "khoan hồng" nhẹ cũng phải xếp anh vào "diện" phản động, nặng thì anh sẽ bị liệt vào danh sách "Ngụy" ác ôn tay sai C.I.A có "nợ máu với nhân dân".
Không đăng ký Phương tự biết khó lòng tránh khỏi những cặp mắt cú vọ của lũ "cách mạng" 30 hoặc đám nằm vùng đang nỗ lực tung hoành bên cạnh đám dép râu, nón tai bèo khăn rằn quấn cổ, tích cực truy lùng "bọn phản động ngoan cố", hơn nữa tại khu gia đình anh cư ngụ mọi người trong phố ai cũng biết cha Phương là một sĩ quan khá cao cấp Bót Hàng Keo và Phúc em ruột anh ở pháo binh, nói tóm lại gia đình có 3 người đàn ông thì cả 3 đều từ "ngụy" lớn tới "ngụy" nhỏ.
Trong các "diện" bắt buộc phải trình diện đăng ký được "cách-mạng" nêu ra chỉ có một "diện" mà Phương thấy "nhẹ" nhất đó là diện văn-nghệ sĩ vì đa số văn nghệ sĩ thì chỉ biết gởi gió cho mây ngàn bay như ông Đoàn Chuẩn hay mơ mộng qua mấy vần thơ như ông Nguyễn Bính Gió mưa là bệnh của giời, Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.. .
Đúng!. Phương thấy đúng. Anh phải thuộc vào diện này, dù sao đi nữa trước đây anh cũng có dăm bài phê bình trên tờ báo đối lập Điện Tín của ông Hồng Sơn Đông, vài bài thơ mơ mộng kiểu anh yêu em, anh nhớ em, anh chết vì em ... được đăng "nguyên con" hay trích đăng mấy câu trên các báo Tiếng Chuông, Sống,... vả lại anh cũng có một số người quen biết, bạn bè là nhà văn, nhà thơ thứ thật .
Nghĩ tới đó, Phương quyết định anh phải đi ngay tới nhà Mai, một tay viết văn, làm thư-ký tòa soạn cho một tờ báo có chút tăm tiếng ở Sài-Gòn này. Anh phải hỏi Mai về chuyện đăng ký theo "diện" văn-nghệ-sĩ .
**
Phương quen Mai, từ lúc mấy năm về trước, lúc anh còn ở Biệt-Đội Quân-Báo trong một lần công tác ở Lai-Khê vào một buổi sáng khi anh từ Lai-Khê ra Bến-Cát.
Sau khi đậu chiếc zíp trước một quán nước nhỏ cạnh chợ. Anh và Chúng bước vào quán tìm một chiếc bàn nhỏ ngay mé ngoài cho tiện. Đang nhìn tới, ngó lui thì có tiếng một người quân nhân trạc tuổi Phương đang ngồi một mình nói:
- Ở đây có bàn trống, ngồi trong này đỡ nắng mà cũng quan sát được tất cả. Quả thật như thế, chỗ ngồi của người quân nhân này rất lý tưởng. Phương hướng về phiá người lính cười cười rồi tiến lại chiếc bàn thấp nhỏ kế bên kéo chiếc ghế ngồi xuống.
- Cảm ơn thiếu uý. Phương thân thiện lên tiếng.
- Không có gì. Tôi ngồi chỗ này đã quen. Người lính cởi mở
- Anh đóng ở đây sao?.
- Vâng. Các anh ở Lai-Khê phải không ?. Giọng Bắc rặt người lính hỏi.
- Sao anh biết. Phương ngạc nhiên.
- Tôi ở sư đoàn 5 với phù hiệu số 5 , vừa nói anh vừa chỉ tay vào huy hiệu may trên cánh tay áo, còn các anh thì chỉ đeo có cái phù hiệu Bộ Tổng Tham Mưu, phù hiệu này ở vùng này chỉ có một số người như anh đeo trong Lai-Khê mà thôi.
- À, thì ra là thế, quả là anh có tài nhận xét thật.
- Tôi là Mai, trung đòan 9, người thiếu úy trẻ, cười tự giới thiệu, còn anh ... xin lỗi vì các anh không ai đeo lon lá bảng tên gì cả.
- Tôi là Phương ? Phương cười vì chiếc áo bốn túi kiểu Mỹ anh đang mặc không có bảng tên đúng như lời Mai nói. Hai người bắt tay thân thiện dù chỉ mới vừa gặp nhau.
Từ ngày đó, tình bạn giữa Phương và Mai càng ngày càng khắn khít vì gia đình Mai cũng ở Gia-Định bên cạnh bệnh viện Nguyễn-Văn- Học, mỗi dịp lên Lai-Khê anh ra Bến Cát tìm Mai. Sau này Mai bị thương nên đã được giải ngũ về sống một cuộc sống độc thân khiêm tốn, bằng nghề viết văn, niềm đam mê của anh từ khi đi học theo lời anh nói. Phương biết chắc chắn rằng Mai không tài nào thuộc loại "cách mạng 30" hoặc là việt-cộng nằm vùng được.
Phương ra lấy xe phóng thẳng xuống bệnh viện Nguyễn Văn Học, len lách qua mấy ngõ hẻm hẹp vào nhà Mai, một căn nhà nho nhỏ thanh bạch nếu không muốn nói là nghèo. Khu nhà Mai đang ở chỉ trừ con đường phía ngoài gần đường chính là rậm rật tiếng loa phóng thanh với bóng dáng các anh chị dép rau khăn rằn quấn cổ ngoài ra rất yên tĩnh như không có gì xẩy ra, ở khu này "nhân dân" không đứng dạy mà vẫn còn ngồi xuống . Bà mẹ Mai đi làm trong một phòng thí nghiệm ở bệnh viện Nguyễn Văn Học còn người cha đã về hưu. Mai cũng có một người em trai, bằng tuổi Phúc, em trai của Phương, cũng đi lính Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho. Phúc và em trai Mai lại là bạn nên giữa Phương và Mai mối liên hệ như trong tình gia đình nên nhiều khi Phương đến chơi với Mai anh sẽ bị giữ ở lại để ăn cơm, những bữa cơm thường xuyên bằng món thịt thỏ quay, thịt thỏ chiên và những ly đế cay đắng lưỡi.
Phương dựng xe xong thì Mai cũng vừa từ trong nhà tiến ra. Từ trên bậc nền cao anh hỏi xuống:
- Bên mày ra sao?.
Hiểu ý hai chữ "ra sao" của Mai.
- Thì tụi nó cũng inh ỏi điếc cả tai, đám "cách mạng" đủ loại cũng diễu tới diễu lui, Phương vừa trả lời vừa nhẩy lên thềm nhà chỗ Mai đang đứng nói tiếp : ở đây yên qúa.
- Ừ. Suốt đêm tao chỉ nghe tiếng máy bay, tiếng súng vọng lại rồi từ sáng đến giờ loáng thoáng tiếng loa.
Hai người cùng bước vào nhà. Cha mẹ Mai đang ngồi ở mé trong trước chiếc bàn duy nhất vừa là bàn ăn lại vừa là bàn tiếp khách kê giữa nhà. Cả hai yên lặng nếu không quen ngay với cái chập choạng tranh tối tranh sáng thì Phương cũng không thể nhận ra được sự hiện diện của họ.
Phương nhanh nhẹn lên tiếng cùng lúc khi hai người đang ngồi ngẩng lên nhìn:
- Cháu chào hai bác.
- Tưởng là ai, hoá ra anh Phương. Súng ống loạn xạ thế này mà anh đến được sao?. Người đàn ông già nói.
- Dạ, loạn thì có loạn nhưng xe cộ vẫn chạy tới chạy lui bác ạ.
- Chắc hai anh em có chuyện bàn với nhau phải không?. Ông cụ hỏi tiếp.
- Cháu cũng có một tý việc muốn bàn với Mai.
- Thì hãy ngồi xuống, uống một chút trà với tôi rồi bàn gì thì bàn... mai này không biết sẽ như thế nào.
- Dạ. Cháu cũng vừa uống. Bác gái không ra ngoài bệnh viện sao?.
- Tôi cũng vừa ra, tất cả còn loạn xà ngầu, người vắng mặt thì nhiều nên vài người đến như tôi lại bỏ về hết, mai tôi lại vào. Mẹ Mai trả lời bằng một giọng buồn buồn.
Mai kéo Phương trở ra hè rồi ngồi bệt xuống nền xi-măng cao vỗ vỗ:
- Mày ngồi xuống đây cái đã.
Phương nghe lời, ngồi bệt xuống như Mai, hai chân đong đưa, đưa tay lên rút gói thuốc từ túi áo , đưa cho Mai, rồi nghiêng người lục túi tìm chiếc hộp quyẹt.
Làn khói thuốc lan toả trong một thoáng yên lặng.
Phương lên tiếng:
- Mày có biết về vụ đăng ký, đăng kiếc gì không?.
- Có. Tao sẽ "đăng ký" ở hội Văn Nghệ Giải Phóng. Tao cũng vừa đi qua bên thằng Thư về. Nó bảo là nó sẽ ra hội đó để "đăng ký".
- Hội đó ở đâu?.
- Ở ngoài Nguyễn Du ...toà Đại Sứ Đại Hàn. Còn mày ?.
- Tao sẽ theo mày ra đó đăng ký luôn vì như mày cũng biết... Phương ngừng lại, kéo thêm một hơi thuốc như chờ phản ứng của Mai.
- Ừ, ừ ... Mai trả lời Phương bằng hai chữ ừ, ừ rồi ngừng lại cầm điếu thuốc từ miệng xuống.
Phương nói tiếp để Mai hiểu được rõ hơn:
- Như mày cũng biết, nếu tao "đăng ký" ở mấy chỗ khác như diện "ngụy quân" thì lúc phải khai lý lịch tao phải ghi tao làm việc ở đâu, làm cái gì, làm lúc nào, làm bao lâu...
Mai không đợi Phương nói dứt câu, ngắt lời:
- À, tao hiểu rồi. Mày khai ra thì mày sẽ đi đong với tụi nó ngay. Tao thì tuy là sĩ quan nhưng sĩ quan đã từ lâu rồi nên cái "diện" đó không còn có tao!.
- Mày nghĩ sao nếu tao "đăng ký" ở cái hội Văn Nghệ "Giải Phóng" này.
- Tao thấy cũng mạo hiểm đấy nhưng chuyện mạo hiểm thì mày cũng đã quen rồi, nghề của mày mà... Ừ, cứ tới xem sao, được thì đăng còn không thì rút lui.
- Nhưng tao đâu có biết người nào mà cũng không ai biết tao.
- Thì tao với mày cùng đi. Tao vào trước ... rồi mày vào, tuỳ cơ định liệu.
Phương thở phào, nhẹ hẳn người.
Phương đến đón Mai, hai người chở nhau ra hội Văn Nghệ "Giải Phóng".
Trên đường đi rải rác đó đây những chiếc quần chiếc áo trây-i, những đôi bốt-đờ-sô một thời trên khắp nẻo đường đất nước giờ nằm chỏng chơ bên lề đường. Đám "Cách Mạng" 30 ở Sài Gòn chưa tài nào hiểu nổi được đó chính là những món "chiến-lợi-phẩm" sẽ cho họ sống được trong những ngày "vinh quang" sắp tới.
Chợt nhớ đến Hạnh, Phương nói với Mai :
- Mình tạt qua chợ Tân-Định rồi cứ thẳng đường xuống.
- Mày lái xe mày đi đường nào cũng được. Mà qua chợ Tân Định làm gì?.
- Tao ghé nhà một thằng bạn .
- Ghé thì ghé nhưng bây giờ chưa biết ai còn ai mất. Mai thản nhiên lên tiếng.
Đến Hai Bà Trưng trước lối vào chợ Tân-Định Phương cẩn thận chạy chậm lại rồi rẽ vào một đường hẻm khá lớn tráng xi măng. Vào trong hẻm Phương chạy chậm hơn để liếc mắt quan sát một cách kín đáo dù rằng con hẻm thật vắng vẻ. Đúng như Mai nói, nhà của người bạn thân làm việc ở quận 4 cửa đóng kín mít. Phương vẫn thản nhiên tiếp tục cho xe chạy, một lát sau Phương vòng xe quay đầu lại để đi trở ra, anh cũng không quên dõi mắt nhìn lại căn nhà của thiếu uý Hạnh "ông điạ". Người chủ nhà chắc đã đi, đi như bác Hà, chú Vương, anh Hùng... của Phương hay chìm lẫn vào đám đông tại Sài-Gòn hoăc một tỉnh nào đó ở Hậu Giang.
Suốt hai bên đường phố Hai Bà Trưng, mọi nhà, ngoan ngoãn thi hành đúng “thông cáo số 1” của những người thắng cuộc mới từ rừng rú, hầm hố chui ra ngày hôm qua. Nhà nào cũng "tự nguyện, tự giác, tự may, tự khâu" một lá cờ .
Cờ lớn, cờ nhỏ , màu xanh đỏ đầu xuôi đầu ngược sao vàng ỡm ờ cái có cái không.
Cờ đủ loại vải, vải sồ vải bố cho tới vải lấy ở những chiếc quần áo cũ đang chờ làm rẻ lau được xé ra chấp vá .
Cờ lố nhố thụt vào, lòi ra.
Cờ phất phới tốc bay vì gió xe vừa chạy qua.
Cờ cúi rũ chẳng hồ hởi phấn khởi một tý nào.
May mắn Sài Gòn thiếu mưa nhờ vậy tránh được cảnh tượng trong bài thơ của ông thi sĩ miền Bắc Trần Dần , tôi bước đi không thấy phố thấy nhà ...
Rẽ qua khu Tháp Rùa trước trường Luật rồi những khu nhà nằm trên các đường chung quanh dinh Độc Lập, Phương chẳng nhìn thấy một lá cờ xanh đỏ vàng nào mà cũng chẳng thấy bóng dáng một người từ rừng núi "tiến về Sài-Gòn giải phóng thủ-đô" hay người dép râu khăn rằn từ dưới hầm chui lên .
Trên đường đi Phương cẩn thận căn dặn Mai:
- Bút hiệu của tao là Phương ... Ly , ừ Phương Ly, thi sĩ Phương Ly , cái tên tao ký dưới mấy bài thơ gởi cho ông Trần Dạ Từ ở Sống đó nghe.
- Ừ, nếu được thì tao sẽ điền tên thay mày. Phương Ly ơi. Mai còn đùa.
- Mày đúng là bạn tao. Cảm ơn mày trước.
Sau khi đã lướt xe qua trước dinh Độc-Lập nhìn cánh cổng không chịu nổi sức húc nên bị sập và sân cỏ xanh in hằn những vết xe tăng, trên cao ở gần nóc dinh một lá cờ xanh, đỏ, sao vàng vừa được khẩn cấp buộc lên.
Phương rẽ tay phải lấy xuống hướng Viện Quốc Gia Âm Nhạc để tới toà Đại Sứ Đại Hàn vừa tiếp thu bây giờ biến thành trụ sở hội Văn Nghệ "Giải Phóng" miền Nam.
Từ ngoài cổng nhìn vào , Phương trông thấy một số xe hai bánh đủ loại đậu trong sân, một hai người đang lấy xe ra mà Phương nghĩ họ trong giới văn nghệ sĩ nhưng anh không biết mặt.
Phiá trong, dưới tấm đan xi măng nặng che hiên nhà, một đám khoảng hơn 3,4 chục người đang bu lại. Người thì ăn mặc chững chạc áo bỏ trong quần cũng có người ăn mặc theo kiểu người vừa từ trong bưng ra với bộ quần áo màu xanh lá cây héo và đôi dép bằng vỏ xe... Phương nghĩ ôi chao văn nghệ sĩ sao mà nhiều thế. Hơi ngần ngại, anh ngần ngại một phần sợ phải gặp người "quen" nào đó , anh lẩm bẩm tự nhủ:
- Rủi gặp một "thằng" nào biết mặt mình thì ... !.
Bỏ Mai xuống, dựng xe lên anh đứng trong sân nắng lừng chừng . Mai quay nhìn Phương dục :
- Mày vào với tao chứ!.
Nhìn Mai, nhìn đám người ở trong, Phương tắc lưỡi:
- Vào thì vào!.
Lúc cả hai cặp kè cùng tiến vào trong, Phương nói nhỏ:
- Tao chẳng biết ai là ai.
- Mày yên tâm, nói sẽ nói cho mày biết. Tao chỉ biết mặt đám "Sài Gòn" còn đám "giải phóng" thì tao cũng như mày.
Hai người cùng chen vào đám đông nhập "tiệc".
Đăng ký đăng kiếc đâu không thấy mà Phương chỉ thấy đám người trong nhà hết người này tới người kia tranh nhau ca tụng "cách mạng, giải-phóng Sài-Gòn", đánh đuổi "Mỹ Ngụy". Họ kể thành tích đóng góp của họ với "Cách Mạng" rồi ha hả cười, thích chí tự khen nhau. Họ nói tới "thằng" này, "thằng" kia ...Tiếng người này lấp tiếng kẻ khác vui như ... có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Một vài người nhìn thấy Mai và Phương nhưng họ cũng chẳng thèm để ý làm gì vì ... tất cả đều là văn nghệ sĩ mà. Phương đoán được một chút ý nghĩ trong đầu họ. Về phiá văn nghệ sĩ "thật" của Sài Gòn, họ nghĩ Phương là phe "giải phóng". Phe "giải phóng" sẽ nghĩ ngược lại. Phương vững dạ , tự tin hơn vì trong đám đông không một ai Phương đã gặp, để nghe Mai rỉ tai giới thiệu vị này là nhà văn Vũ Hạnh người huênh hoang múa tay múa chân nhiều nhất trong đám với bộ mặt cực kỳ phấn khởi, ông kia là nhà văn T.N., vị cao lớn với mái tóc trắng kia là nhà thơ C.T.T ... Phương nghe loáng thoáng một số người nói về ngày Lễ Lao Đông 1 tháng 5.
Chen chúc trong đám văn nghệ sĩ một lát Mai cũng chán còn Phương cũng ngán cả hai lại kéo nhau đi ra.
Trên đường ra sân, một người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc giản dị nhưng không thiếu nét "tư sản" một chút nào , nét mặt đăm chiêu khác hẳn những người hồ hởi thật hay hồ hởi giả ở phía trong, Mai lên tiếng:
- Chào bác.
Nghe Mai gọi bằng bác Phương cũng gật đầu chào.
- À , anh Mai, anh về hả. Chào anh, người đàn bà nhìn Phương nói rồi tiếp : Có gì lạ không hai anh?.
- Dạ thưa cũng chỉ vẩn vơ, tán tỉnh nhau thôi bác ạ. Mai đáp lại.
- Tôi vào xem sao rồi cũng về. Thôi hai anh về. Dứt câu, người đàn bà phong cách, thư thả đi vào.
Khi ba người cách nhau một khoảng xa, Phương hỏi nhỏ Mai:
- Ai đó, mày?.
- Bà Vinh, Nguyễn thị Vinh.
- A !. Bà Vinh Tự Lực Văn Đoàn à.
- Thôi mình về !.
- Chuyện đăng ký không có sao?. Phương thắc mắc thấp giọng hỏi Mai.
- Cứ coi như đã đăng ký xong. Mai trả lời tỉnh bơ.
- Còn giấy chứng nhận đăng ký ở đâu?. Phương vẫn hỏi .
- Làm gì có giấy chứng nhận. Mai đáp lại. Thôi về .
Hai người ra chỗ đậu xe, Phương nổ máy rời trụ sở hội văn nghệ "giải phóng". Người ta vẫn lẻ tẻ vào, rồi hối hả ra một cách rất văn nghệ sĩ Sài-Gòn.
Trên xe Mai hỏi Phương:
- Nghe đâu ngày mai người ta sẽ tổ chức lễ lao-động 1 tháng 5 ở dinh Độc-Lập mày có đi không?
- Mày đi thì tao đi!.
- Vậy thì sáng mai mày xuống tao , để xe ở nhà tao rồi cùng đi.
- Tội vạ gì mà đi bộ, tao với mày cứ chở nhau xuống cái hội đó rồi bỏ xe đi bộ mấy bước là sang tới. Phương nói với Mai.
- Ừ, mày nói đúng.
Phương hơi tạm yên tâm vì từ nay cứ xem như nhà thơ Phương Ly đã đăng ký "diện" văn nghệ sĩ của hội Văn Nghệ Sài Gòn "Giải Phóng" rồi.
**
Sáng hôm sau Phương tới nhà Mai sớm , hai người cùng xuống hội Văn Nghệ "Giải Phóng" bỏ xe cẩn thận khóa lại, rồi đi bộ qua dinh Độc-Lập xem trình diễn lễ Nao-Động do Cách Mạng nàm, xem có gì đổi mới hơn lễ Lao-Động của chính quyền Sài Gòn hai bữa trước không .
Trên đường phố, người Sài Gòn bắt đầu lại ồn ào xuất hiện. Phương luẩn quẩn nghĩ tới một câu mà cha anh thường nói : Bạc là dân, bất nhân là lính. Sau cơn hoang mang sợ sệt bây giờ người Sài Gòn tò mò . Họ cũng như Phương, tò mò muốn biết một chút nào về những người vừa từ trong rừng đi ra với đôi dép râu và bộ quần áo màu xanh, một màu xanh nhợt nhạt như giọng nói của họ. Cả hai phiá đều cùng nghi ngại, cùng thăm dò nhau trong tiếng loa bắt đầu inh ỏi Bác Vẫn Hành Quân – hoặc Như Có Bác Trong Ngày Đại Thắng hay Tiến Về Sài Gòn ... Trong cái đầu của Phương loay hoay những ý nghĩ "phản động một tý" , chết rồi mà bác vẫn cứ phải hành quân hoài hay sao ? .
Người ta lôi ra ở đâu được những đám học sinh, sinh viên (?), cách mạng 30 . Biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng trộn với cờ hai màu xanh đỏ không quên cái sao vàng mập mờ. Mãi sau này Phương mới biết là những lá cờ đó đã được một chuyến bay đặc biệt khẩn cấp chuyển từ Hà Nội vào. Tất cả tụ tập trên sân cỏ trước dinh. Không xa đám biểu tình "trăm nghìn triệu tỷ người" (theo lời đài phát thanh Sài Gòn giải phóng loan báo) những anh lính bộ đội mệt mỏi, vục mắt xuống bồn phun nước uống cho đỡ khát để còn có sức âu yếm làm nhiệm vụ bảo vệ ngăn chận bọn phá hoại cách mạng trà trộn.
Đa số những người còn lại , một phần đứng ở trên bãi cỏ như Phương và Mai hay đứng ngoài đường, ngồi trên yên xe đạp, xe honda, lambretta ... để coi lễ "Nao-Động" của "Cánh Mạng" như thế nào.
Lễ "Nao Động" khai diễn. Hết bài diễn dăn của phái đoàn gọi là sinh viên này, tới bài nói chuiện của tập thể thanh nữ , nhi đồng kíu cuốc khác, mà Phương chưa từng nghe nói bao giờ, sau đó tới màn lốp đốp vỗ tay tự sướng. Cờ phất cái thì dơ cao cái thì vẫn còn thấp chưa kịp đưa dưới trời nắng chang chang nhưng thiếu gió của Sài Gòn, tiếp đến là màn hoan hô theo dấu hiệu vừa học trước 30 phút, lẽ tự nhiên phải có màn kịch chính Đả đảo "Mỹ Ngụy"... Ngoài mấy chữ Đảng Nao Động Búa Liềm ra thì chẳng có cái gì dính dáng tới Lao Động, thợ thuyền.
Một lúc sau Phương chán với màn kịch diễu dở gọi là Lễ Nao-Động nói với Mai:
- Thôi đi về mày ơi!.
- Ừ, về!. Mai đồng ý.
Hai người lại thả bộ về toà đại sứ Đại Hàn, lấy xe. Trong khi Phương len lách chiếc xe honda ra khỏi đám xe thì Mai vào trong hội, lát sau quay ra, nhẩy lên sau lưng Phương, trong tiếng máy nổ Mai nói:
- Hội sẽ dọn về Trương Minh Giảng.
Phương quay đầu lại hỏi :
- Bao giờ dọn ?.
- Vài ngày nữa. Villa của chị bà Thiệu ở Trương Minh Giảng bị tịch thu nên hội sẽ lấy làm trụ sở.
Về tới nhà, Mai bảo Phương:
- Vào chơi, lát nữa về !.
- Thôi, trưa rồi. Tao phải tạt qua nhà ông chú một cái xem ra sao, chẳng hiểu là ông ấy có đi được không ?. Sáng mai tao lại tới. Cẩn thận lời ăn tiếng nói một tý nghe mày.
- Ôi, ở đây chẳng có đứa nào nghe đâu, nhưng khi ra đường thì tao cũng cẩn thận ... Mai đáp.
- Thôi tao đi.
Từ nhà Mai qua nhà người chú Vương, nhà mới của Phương bây giờ, cũng không xa , chỉ 5 phút sau là anh đã tới trước nhà. Đường trong ngõ không một người qua lại. Cổng hàng rào đóng, Phương không thấy chiếc xe honda của chú Vượng dựng trong sân như thường lệ. Cửa chính vào nhà đóng, yêu ắng không một tiếng động. Phương yên tâm vì chú anh và gia đình đã rời khỏi nhà như chú đã nói.
Nghe tiếng máy xe nổ, chú Hai hàng xóm lúc này đang ở ngoài sân, ngóc đầu nhìn qua rào nhìn thấy Phương giơ cao tay ngoắc ngoắc rồi nói:
- Chú qua đây tui nói chú nghe!.
- Dạ. Phương hiểu ý. Với tay vặn khóa cổng, cổng không khoá. Phương tắt máy, đẩy xe vào sân nhà, dựng lên rồi đi ra đường bước qua mé nhà chú Hai, mở cửa rào bước vô trong.
- Không có ai ở nhà hay sao hở chú Hai?. Phương cẩn thận thấp giọng hỏi.
- Mọi người vội vã đi trưa bữa 28. Trung tá có nói với tôi khi nào chú tới ở giữ nhà. Thím Hai cũng vừa từ trong nhà đi ra. Chú nói vừa đủ nghe:
- Chú đưa vợ con về đây ở ngay đi.
- Phải đó chú à. Thím Hai phụ hoạ.
- Dạ. Cháu sẽ rồi dọn về !.
- Ở đây chỉ có Trung Tá và ông Đảo là làm lớn thôi để lâu sẽ có người dòm ngó đó. Bọn 30 sẽ lợi dụng để mần chuyện tầm bạy.
- Dạ. Thôi như thế, cháu đi về .
- Ờ. Tới liền nghe !.
- Dạ!.
Dạ xong, Phương vội vã quay về sân nhà chú, dẫn xe ra, khoá lại cửa cổng nhà cẩn thận , nổ máy chạy .
Trên đường về Phương nghĩ: Đúng, mình về nhà chú Vương ở, lối xóm chỉ có vợ chồng chú Hai dễ thương này biết mình còn ngoài ra chẳng một con ma nào biết tung tích lý lịch gì của mình hơn nữa khu phố êm không có cảnh nhi nhô của bầy cách mạng 30 mà cũng chẳng thấy bóng dáng một anh tai bèo tai biếc hay bộ đội nào.
Dựng xe trong sân, Phương bước nhanh vào nhà đúng lúc cả gia đình sắp sửa ăn trưa. Phương nói ngay với cha mẹ anh:
- Con đưa nhà con và hai cháu lên ở trên chú Vương , chú thím và các em đã đi chiều hôm 29 rồi.
- Ừ, con tính vậy cũng phải. Mẹ nói trong lúc cha anh yên lặng.
Ông rất ít nói từ đêm 30 khi tiếng máy bay cất cánh ầm ì bên phi trường Tân-Sơn-Nhất. Ông im lặng, cố giữ vẻ bình thường, ít cười hơn , làm như không còn chuyện gì quan trọng đối với ông nữa.
Phương hiểu cha mẹ anh bề ngoài giữ thái độ bình tĩnh nhưng trong lòng sôi sục với trăm ngàn câu hỏi, trăm ngàn hình ảnh của miền Bắc sau năm 54 với Cải-Cách Ruộng-Đất mà cha con, chồng vợ, cháu chắt của ông Cả Mưu không còn lấy một cái chiếu dù là chiếu rách để trải nằm dưới đất , một lối chu-di tam-tộc vô cùng khoa-học của Lénine Staline-Mao Trạch Đông mà ông Hồ Chí Minh học được đem về triệt để áp dụng tại miền Bắc.
Dầu rằng nhờ có ông Cả Mưu mà đám du kích Việt-Minh của ông Hồ ban ngày ẩn dưới bụi tre quanh dãy nhà gạch của ông Cả Mưu đã còn toàn thây mỗi lần lũ pạc-ti-săng, Tây gạch mặt từ Vồi đổ về lùng soát, đêm đêm rất "thần thánh" chui lên múa may hát hò những câu mà Phương còn nhớ : "Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Ðây bao la ánh sáng vui chan hòa..." .... Hát mệt thì đã có cơm, có nước của nhà ông Cả Mưu tọng vào mõm, chưa tính đến việc các cô, các chú con cháu, họ hàng nhà ông Cả cong đít, khòng lưng đi dân công tải đạn, tải gạo cho chiến thắng Điện Biên.
Mà ông Cả Mưu có tội nợ gì, tài sản của ông đã tích tụ từ đời cha, đời ông của ông, suốt đời ông chỉ biết có nghề đi bán hàng thêu. Khăn đóng áo dài, ông nhai trầu đè nén cơn đói lặn lội đi tầu hoả suốt từ Hà Nội vào Sài-Gòn để bán. Ruộng nương ở nhà ai muốn cấy rẽ thì cứ cấy , cả làng không ai than vãn một tý nào về ông nên người trong làng chẳng ai chịu đứng ra đấu tố ông, thế là "cách mạng" phải đưa một lũ đầu trâu mặt ngựa chuyên môn phụ trách về món "đấu tố" từ trung ương về để hành hạ ông rồi tịch biên tất cả tài sản. "Cách mạng" thu hoạch từ chiếc chổi cùn lẫn cái ấm đất sứt vòi của nhà ông Cả Mưu.
"Cách-Mạng" ở Miền Bắc là thế còn "Cách-Mạng" ở Miền Nam sẽ ra sao? "Cách mạng" có dở lại trò đấu tố hay không. "Cách mạng" có tịch thu tài sản hay không?. Phương tưởng tượng trong tâm trí của cha mẹ anh hiện lên những hình ảnh cuộn phim "Chúng Tôi Muốn Sống" của ông Vĩnh Noãn.
Phương đáp lời mẹ:
- Dạ. Chú Hai hàng xóm bảo con phải đến ở ngay.
- Ừ, thì vợ chồng con cứ về dưới đó. Tới đâu hay đó!. Mợ cũng không biết thế nào nữa. Ăn một hai chén cơm rồi hẵng đi.
- Dạ, Phương kéo ghế, ngồi vào bàn ăn. Thủy nhìn chồng, hiểu ý nên cũng vội vã và chén cơm đang cầm trên tay trong lúc hai đứa con, Cơ và Mỹ, thơ ngây đùa dỡn dưới gầm bàn quanh chân các cô chú.
Và vội vàng hai chén cơm, Phương cần phải tắm rửa , thay bộ quần áo khác vì cũng đã vài ngày rồi anh không nghĩ đến chuyện tắm rửa. Trước khi bước vào nhà tắm anh dục vợ thu xếp vài bộ quần áo đồ đạc cần thiết của hai con bỏ vào một cái đãy vải không lớn lắm, tiện việc chuyên chở tránh sự tò mò của người khác, còn những món khác nếu cần anh sẽ trở về lấy sau .
Trước khi vợ chồng Phương ra khỏi nhà, mẹ anh bảo con trai lớn của bà :
- Một, hai ngày anh cũng phải về cho tôi biết tin đấy!.
- Dạ. Mà nhà có mấy cái xe, thằng Phúc có thể xuống con lúc nào chẳng được. Mẹ đừng lo. Dứt câu Phương quay sang dặn em trai :
- Sáng ngày mai mày phải đi bộ xuống lấy chiếc xe honda đàn ông của chú .
- Dạ, anh yên tâm. Sáng mai em xuống.
Đường xá cũng chưa thay đổi bao nhiêu chỉ trừ vài tấm biểu ngữ, vài tấm "quảng cáo mới" được treo vội vàng "không có gì qúy hơn độc lập tự do" buộc đè lên che lấp cái "chiến khu tam giác sắt" của người con gái làm mẫu.
Bây giờ những loa ở ngoài đường rống thêm một bài hát nghe sửng tóc gáy " đêm qua em mơ gặp bác Hồ "...
Ối giời ơi là giời!. Đêm hôm qua Phương mơ toàn thấy súng ống, thấy bộ đội , thấy dép râu, khăn rằn còn bác Hồ thì Phương không thấy mà Phương cũng chả dám "hôn đôi má bác" vì ... bác đang thẳng cẳng yên nghỉ ở Công trường Hai, Ba Đình Hà Nội, Phương tôn trọng người già lão nên không thể đánh thức bác dạy được. Đã thế hôn người sống thì còn được chứ hôn một cái thây ma thì Phương chịu thua các ông Việt Cộng, các nhi đồng ở Hà Nội.
Vợ chồng Phương đến nhà chú Vương. Phương tắt máy xe cho vợ con xuống rồi rút túi đưa chùm chìa khoá nhà cho vợ để Thúy mở cổng cho anh đẩy xe với bọc quần áo đồ đạc cần thiết của vợ và hai đứa con vào sân nhà.
Sau khi làm một lượt từ nhà trước ra sân sau, tất cả đều không có gì suy suyển từ tủ ỷ, giường chiếu, nệm gối đến bát đĩa nồi niêu song chảo và một thùng gạo khá lớn còn đầy . Thúy và hai đứa con Phương khởi sự cuộc "khám phá" cơ sở mới, nhà của anh. Công sức của chú thím Vương.
Chiếc mũ nhà binh của chú vẫn còn máng trên tường với hai mai trắng bóng loáng. Trong mấy tủ quần áo nhà binh của chú được thím sắp xếp thật cẩn thận. Dàn nhạc với những đĩa nhạc cổ điển mà chú rất ưa thích vẫn nguyên vẹn .
Ngôi nhà chú Vương phải nói là lớn cho vợ chồng Phương lại có thêm sân sau tha hồ cho hai đứa con anh nô đùa.
Phương thầm nghĩ :
- Về đây sẽ không một ai biết mình nữa, ngay cả chú thím Hai hàng xóm cũng chỉ biết mình là cháu ruột của ông Trung Tá thôi. Ở đây cũng không xa nhà Mai, chỉ cần đi bộ 5 phút là đã ra tới bệnh viện Nguyễn Văn Học rồi. Nhưng điều cấp bách là phải thu dọn, hủy bỏ tất cả những dấu tích của một trung tá . Phương cởi áo, quần đang mặc treo lên rồi cùng với vợ thu dọn lon lá, mũ lính, quần áo của chú Vương rồi ôm ra sân sau chất gọn một bên trên thềm xi măng. Ban đầu anh định đốt nhưng suy nghĩ ban ngày ban mặt nếu đốt khói sẽ un lên như kiểu "lạy ông tôi ở bụi này" .
Loay hoay cuối cùng hai vợ chồng bàn với nhau tìm cái hầm nhà cầu để tuồn xuống vừa nhanh vừa gọn.
Cả hai cùng lục lọi ở vườn sau trên khu là đất trồng cây mận và mấy khóm hoa ... cuối cùng
Phương và vợ anh cũng tìm được nắp hầm cầu tròn bằng xi-măng đúc khá mỏng che bằng mấy chậu hoa. Phương tìm được một chiếc sà-beng bật nắp hầm rồi cứ thế tuôn đám quân trang của chú Vương xuống. Anh đạy lại nắp hầm, kê lại mấy chậu hoa ở trên , quét dọn dấu vết .
Làm xong việc đã gần hết buổi chiều, người Phương đẫm mồ hôi nhưng anh yên tâm hơn.
Thúy lục tìm trong tủ một chiếc khăn tắm đưa cho chồng và nói:
- Bây giờ anh đi dội người một chút cho mát còn em qua chị Ba Tải.
- À, anh cũng quên tuốt luốt. Nhà anh chị Ba ở mé đối diện chỉ cách nhà mình có năm sáu căn .
- Em biết. Em qua bên đó coi chị có gì để đem về nấu ăn cơm tối.
- Em có dẫn hai con đi không ?
- Có, em sẽ khóa kỹ chốt cổng ngoài.
- Đi lẹ lẹ nghe. Tránh làm cho người ta để ý!. Khi nào về nhớ gõ cửa để anh ra mở vì anh sẽ gài chốt trong. Phương dặn vợ.
- Dạ, em biết.
Chờ cho vợ dẫn hai con ra khỏi cửa, Phương gài chốt trong rồi quay vào nhà tắm.
Ba Tải là anh cùng cha khác mẹ của Thúy. Anh ta là một họa sĩ có tài, không gặp thời nhất là ở vào tuổi lính tráng , nhờ làm việc cho một công ty đồ gốm ở Tân-Vạn Biên-Hoà nên cũng được yên thân. Theo lời Thúy thuật lại lúc trở về thì anh Ba của Thúy cũng đã có mặt ở nhà ngay từ chiều 29.
Tối hôm đó, gia đình Phương có được một bữa ăn khá đầy đủ cũng nhờ sự tiếp trợ của chị Ba Tải.
Cơm nước xong, Phương và Thúy dẫn hai con sang chơi bên chú thím Hai để giới thiệu Thúy và hai con anh và cũng nối kết tình nghĩa lối xóm.
Y hẹn, Phúc từ Gò Vấp xuống để lấy chiếc xe đàn ông chú Vương để lại và cũng đem xuống cho vợ chồng Phương một chiếc gà men thịt kho mặn ngọt, món bé Cơ, con gái lớn của Phương ưa thích. Mọi việc trong gia đình Phương ở Gò Vấp cũng bình thường, điều này làm Phương yên tâm hơn. Sau khi Phúc về Phương qua nhà Mai.
**
- Tao định rủ mày đi Đà Lạt một chuyến. Mai đang ngồi thòng chân trên nền nhà và nói ngay khi Phương vừa tắt máy xe.
- Đi Đà Lạt ?. Đi làm gì ở trên đó?.
- Đi tìm đường "an cư" , về ở ẩn !. Mai thản nhiên.
- Tao không quen biết ai trên đó.
- Cứ yên tâm, tao biết nhiều người.
Suy nghĩ một lúc, Phương trả lời:
- Ừ, đi thì đi. Nhưng tao phải nói với vợ tao cái đã. Bao giờ đi?.
- Sáng mai. Mà mày có chịu đi không?, Mình đi lên đó xem sao nếu được thì sẽ về thu xếp lên trên đó sống.
Nói chuyện đi nơi nào thì khó khăn nhưng nói chuyện đi Đà Lạt là Phương thích vì đã từ lâu anh muốn được sống trong sự êm ả của thành phố sương mù với cái lạnh nhẹ nhàng này, biết đâu đây cũng là một cơ hội để anh tìm được một sự bình an nào đó.
- Tao sẽ đi với mày. Phương trả lời.
- Nếu thế mày về nói chuyện với bà xã mày rồi sáng mai đi. Chỉ cần một bộ quần áo là được rồi, đừng lôi đồ đạc lỉnh kỉnh gì.
- Ừ, thôi tao về. Mai tao đợi mày ở bển nhà mới của tao.
- Nhà mới nào ?.
- Cái nhà của ông chú tao đi Mỹ để lại. Mày chỉ đi bộ năm phút là tới . Con hẻm thật lớn nằm ngay bên kia đường Chi Lăng phía trước Ty Cảnh sát Gia Định. Từ đầu hẻm vào khoảng 10 căn, nhà có cái cổng sắt hai cánh sơn màu xanh đậm, nhìn vào sân mày sẽ thấy cái xe Honda của tao.
- Sáng mai khoảng 9 giờ tao đến.
Thúy rất dễ thương, chưa bao giờ biết cãi lại Phương bất cứ một điều gì. Nói ngay ra thì Thúy cũng chỉ biết lớn lên đi học rồi gặp Phương, yêu Phương, lấy Phương. Thúy chỉ ra đời một chút khi tiếp tay với anh lúc anh mở vũ trường rồi sau đó đi làm cho R.M.K ở Long Bình nhưng dù có tiếp tay chồng trong việc điều hành ở vũ trường hay đi làm sở Mỹ bất kỳ một chuyện lớn nhỏ nào Thúy cũng đều được Phương hướng dẫn, chỉ bảo , em phải làm như thế này, em phải nói như thế kia... tất cả những gì Phương hướng dẫn Thúy đều thực hành y chang vì như Thúy nói : Em là học trò của anh mà!.
Nghe chồng nói là anh sẽ đi Đà Lạt với anh Mai, Thúy chỉ biết "đồng ý" và hỏi lúc nào thì anh về.
- Nhiều lắm là 3 ngày, anh và anh Mai sẽ trở về. Nếu có chuyện gì cần thiết em cứ qua nhờ chú thím Hai .
- Ôi, anh đừng lo, có gì em sẽ qua bên anh chị Ba Tải. Anh phải cẩn thận nghe.
***
Chuyến xe nhỏ khá chật chội Phương và Mai đi Đà Lạt buổi sáng hôm đó. Xe rời khỏi xa lộ Biên Hoà, vượt ngã ba Dầu Giây. Cảnh vật bên ngoài lớp kính xe thật êm ả khác biệt hẳn với cảnh trí tất bật, âu lo, vội vã ở Sài Gòn.
Hầu như tất cả những người trong xe đều yên lặng , ngoảnh mặt nhìn cảnh vật bên ngoài với những cặp mắt đăm chiêu, tư lự.
Cũng đã trưa, xe dừng lại ở Định Quán trong bãi đậu để nghỉ bên cạnh vài xe khác từ Đà Lạt xuống hay ngược lại. Mọi người lục tục xuống xe tìm món gì ăn cho đỡ đói. Phương và Mai tìm vào một quán hơi thưa khách rồi ngồi xuống chiếc bàn thấp chưa có khách ngồi bên cạnh những người tới trước đang ăn rồi gọi hai đĩa cơm tấm. Tình cờ, Phương quan sát chiếc bàn ngay bên cạnh anh, trong số những người đang ngồi là một người đàn bà, Phương tự nhủ : hình như anh có biết người này , lục lọi trí nhớ, anh đã nhận ra. Phương nhổm dạy lên tiếng :
- Chào thím, thím Khang !.
Người đàn bà quay qua nhìn Phương chốc lát rồi :
- À, anh Phương phải không?.
- Dạ thím. Thím đi đâu đấy?.
- Thím xuống Sài Gòn tìm em, thằng Thục. Nó theo bạn bè chạy xuống Phan Rang từ hôm 25 tháng 3 đến nay chú thím không biết tin tức ra sao. Anh lên hay xuống ?.
- Dạ, cháu và một người bạn, anh Mai đây, Mai nhìn thím cúi chào, lên Đà Lạt.
- À ... Thím đi chắc hai ba bữa nữa cũng về? Này, cháu nhớ tạt vào nhà chú thím đấy nhá. Cháu đến, chắc chú sẽ vui lắm. Nhà dễ tìm lắm, chỉ cần đi qua nhà thờ Con Gà, đừng lên đường vào Dinh, mà lấy đường ở dưới thấp hơi sình lấy một tý, cứ thế thẳng vào, căn nhà đầu tiên là nhà chú thím.
- Dạ. Chú sẽ ghé thăm chú.
Tới đây thì một người tài xế lên tiếng dục :
- Mời những khách đi Sài Gòn ra xe.
Người đàn bà cùng mấy người khác đứng lên rời bàn , ra xe. Phương nhìn theo, nghĩ :
- Đúng là may. Anh gặp lại thím Khang sau hơn 4,5 năm . Phương chỉ biết rằng thím ở Đà Lạt, có thế thôi.
Thím là vợ hai của chú Khang. Họ gặp nhau vào thời gian ông chú họ của Phương từ Hà Nội vào bán hàng thêu ở Sài-Gòn vào những năm 50,51 . Sau hiệp định Genève chú Khang trở lại Hà-Nội với bà vợ cả bỏ lại sau lưng thím và một đứa con trai, thằng Khánh năm nay đã 17 tuổi đã đi với gia đình bác Hà trong chuyến bay trước ngày 30 tháng 4. Trướckhi chú Khang về Hà Nội, chú để lại một số tiền, ủy thác cho bác Hà việc giúp đỡ vợ hai mình và nuôi dạy thằng con. Sau đó không biết lẽ gì mà thím phải ra đi để lại đứa con cho bác Hà.
***
Trời xế chiều, xe tới Bảo Lộc. Mai bảo Phương xuống xe:
- Mình vào tìm thằng Cư.
- Cư nào ?.
- Một thằng thi sĩ, nó là bạn thân của tao.
Phương nghe lời Mai. Hai người rời bến xe, tìm vào nhà người bạn của Mai nhưng cửa đóng then cài. Mai hỏi người hàng xóm cạnh nhà Cư thì biết rằng thi sĩ đang ở ngoài Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng.
Hai người lò mò quay ra tỉnh tìm vào Ủy Ban Nhân Dân để hỏi thì người ta cho biết: Ông phó chủ tịch vừa đi công tác , không biết bao giờ về.
Cả hai chán nản, mệt mỏi quay trở lại bến xe lên Đà Lạt.
Trên đường đi ngang qua ngã ba Liên Khương Mai bảo Phương:
- Tao muốn vào Tùng Nghĩa . Ở đó tao có bà con.
- Không, mình đi thẳng lên Đà Lạt, trời đã tối mò rồi, nhỡ ra ... Nghĩ tới chuyện vừa diễn ar ở Bảo Lộc Phương ngăn .
Mai ậm ừ , xe tiếp tục chạy.
Trời Đà Lạt tối mò , đường phố vắng vẻ, trong bóng tối cả hai chập choạng rời khỏi bến xe, trong tiếng chó sủa. Phương vừa sợ vừa mệt vừa ngao ngán , tự bảo mình:
- Sao mình lại nhẹ dạ, nghe lời thằng Mai đi lên đây, nếu bị bọn Việt Cộng nhà quê ở đây xét hỏi thì biết trả lời chúng nó ra sao đây !.
- Nhất định là vợ chồng thằng Lộc phải ở nhà.
- Nhưng nếu tụi nó cũng đã chạy rồi thì sao?.
- Thì...à, tao nhớ ra ... thì về nhà ông chú mày.
Mai nói phải, cùng lắm là tới nhà ông chú, chồng thím Khang , người chưa bao giờ Phương biết mặt.
Cả hai leo dốc, lò mò tìm được tới nhà người bạn Mai. Trong nhà có đèn sáng. Phương theo Mai bước vào sân. Mai gõ cửa, một lát sau có tiếng người hỏi, Mai trả lời, cửa mở hé .
Một người đàn ông từ trong nhìn ra ánh đèn nhà sáng rực:
- Mai, mày lên đây làm gì?. Vô đi. Giọng miền Trung người đàn ông vội vã mời.
Khi cả hai đã vào bên trong, sau khi người đàn ông đã đóng cửa nhà quay lại. Mai giới thiệu :
- Đây là Phương bạn tao, còn đây là Lộc. Phương và Lộc bắt tay nhau.
- Hai người đã ăn uống gì chưa. Nếu chưa thì tiện thể cùng ăn chung với vợ chồng tao.
- Thú thiệt hai đứa tao vừa mệt lại vừa đói vì từ trưa tới giờ chưa ăn gì hết. Mai trả lời Lộc.
Nghe Mai trả lời, người đàn bà trẻ đang ngồi trước chiếc bàn ăn, kê ngay giữa nhà, bầy biện mấy thức ăn mà vợ chồng chủ nhà đang ăn, đứng lên cùng lúc với tiếng người chồng nói:
- Em vô lấy thêm hai cái chén và hai đôi đũa.
Dứt lời, Lộc quay qua nói với Phương và Mai:
- Ngồi xuống đi, hai người lên đây làm gì ?
- Bọn tao kiếm đất sống!. Mai đáp.
- Trời!. Lộc sửng sốt rồi tiếp : Ở đây, cái thành phố nhỏ này lộn xộn lắm, tụi nó lùng bắt lung tung.
Cùng lúc với tiếng Lộc nói, tiếng chó sủa vọng lại từ xa trong đêm thanh vắng nghe rõ mồn một.
Đêm đó, vợ Lộc sau khi dọn dẹp bàn ăn đã xin phép được đi nghỉ còn lại ba người đàn ông ngồi chuyện trò trên bộ sa lông cạnh chiếc bàn ăn.
Sau khi nghe Mai thuật lại chuyện vào tìm thi sĩ Cư, Lộc nẩy mình :
- Thật hên cho hai đứa mày, gặp nó thì chắc sẽ bị nó bắt giam rồi vì nó là Cách Mạng 30 rất tích cực trong việc truy bắt bọn ngụy quân, ngụy quyền phản động ở Bảo Lộc.
Nghe Lộc nói Mai và Phương tái xanh mặt vì cả hai vừa tình cờ , may mắn thoát khỏi một cơn hoạn nạn mà họ đã tự đưa thân tìm đến.
Sáng hôm sau, Phương không ghé vào thăm ông chú vì sợ gặp chuyện không lành. Anh và Mai từ giã vợ chồng Lộc để ra bến xe quay trở về Sài Gòn. Phương vô cùng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của hai vợ chồng người thầy giáo thi sĩ xứ Huế này.
***
Bây giờ thì hội Văn Nghệ Giải Phóng đã dời về trụ sở mới ở Trương Minh Giảng. Ở đây, Phương tình nguyện làm nhiệm vụ một nhân viên kỹ thuật âm thanh vì dàn máy magnétophone Akai mà hội "tiếp thu" được ở ngôi biệt thự của chị bà Nguyễn Văn Thiệu không một người nào trong đám "đỉnh cao trí tuệ" biết xử dụng. Phương loáy hoáy mở vài cuộn băng nhạc cổ điển cho các "đồng chí" nghe sau đó lục lọi khắp nhà để tìm ra được một chiếc micro để nói, thu thử. Mọi việc rất tốt đẹp và các "đồng chí" văn nghệ sĩ dép râu áo xanh lá cây chết rất hồ hởi. Họ không e ngại gì khi Phương nhẩy tót lên chiếc xe zíp bỏ mui của cảnh sát ngụy, trên kính xe một lá cờ giải phóng miền Nam phất phới để lái về nhà, theo lời yêu cầu khẩn khoản của Phương, lấy thêm hai cuộn băng để chuẩn bị thu âm cho buổi lễ chính thức ra mắt của ủy ban quân quản thành phố trong ngày 07 sắp tới.
Lợi dụng chiếc xe zíp có cờ "phe ta" Phương đảo một vòng về nhà cha mẹ anh ở Gò Vấp , gọi là thị oai với đám cách mạng 30 và cũng là để "phe dép râu" ở đây biết Phương là một người quan trọng của "cách mạng ta" mà đừng nên "dòm ngó" gì tới gia đình cha mẹ anh. Phương đậu xe trước cổng nhà, tắt máy, thản nhiên bước xuống.
Trong nhà, mọi người nghe tiếng xe ngưng trước của nhà , mẹ anh và Phúc cùng đi ra. Khi trông thấy Phương từ trên xe bưóc xuống, mẹ anh ngạc nhiên hỏi:
- Xe zíp ở đâu mà anh lấy lái?.
- Xe của hội. Bây giờ con làm việc cho hội văn nghệ giải phóng ở dưới Trương Minh Giảng.
Mẹ anh nguýt dài trong lúc Phúc khoan khoái cười :
- Đúng là anh lắm chuyện!.
- Cho em lái thử một vòng!. Phúc vừa hỏi anh mình vừa mở cửa cổng đi ra nhẩy lên ngồi trên ghế lái.
- Không, mày đừng lắm chuyện, lái lái nhỡ cán người ta thì sao!.
Vài người qua đường , mấy người hàng xóm lấp ló nhìn qua tường rào ... Như thế đã đủ cho màn "biểu dương lực lượng" của Phương.
Phương vào nhà một lát rồi đề máy xe lái về "nhà mới" của anh ở Chi Lăng, vào lấy 2 cuộn băng máy magnéto rồi quay về trụ sở hội.
Nói cho ngay mặc dù các "đồng chí" rất "đề cao cảnh giác" theo chỉ thị của trung ương nhưng lạ thay không một ai quan tâm tới cái anh chàng thanh niên Bắc kỳ với giọng nói trại trại kiểu Quảng Bình của Phương.
Mai cũng lớ ngớ như mấy văn nghệ sĩ vừa từ trong rừng, dưới hầm chui ra không biết gì về chiếc magnéto Akai của "Mỹ Ngụy" để lại này nên không thể phụ giúp cho Phương. Mai loay hoay ra sân hút thuốc hoặc tụ tập với hai ba người bạn khác để tán gẫu .
Vợ con Phương cũng đã thích ứng với nơi ở mới. Cơ và Mỹ quanh quẩn bên mẹ , tìm ra được những đồ chơi mới của các chú , con chú Vương, để lại. Phần Thúy cũng có anh chị ở gần và vợ chồng chú Hai ngay bên cạnh. Rồi cái Ủy Ban Quân Quản chính thức ra mắt để "chỉ đạo triển khai công tác tiếp nhận trình diện và cải huấn sĩ quan, binh lính, nhân viên trong bộ máy ngụy quyền. Nhưng vẫn còn không ít phần tử ngoan cố không ra trình diện, sống lẩn lút, móc nối tìm cách chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai. Ủy ban Quân quản thành phố chỉ đạo các lực lượng vũ trang tổ chức truy quét, trấn áp, những vụ chống phá cách mạng của các phe nhóm phản động ... chỉ đạo tổ chức các đoàn, các đội xuống từng phường khóm làm nhiệm vụ tổ chức đưa đồng bào chạy nạn về quê cũ sinh sống" và Phương không phải làm nhiệm vụ thu thanh việc "ra mắt" của uỷ ban này.
Sau màn ra mắt ra mũi của Ủy Ban Quân Quản thì ở ngoài phường những tiếng loa bắt đầu đều đặn và inh ỏi hơn bằng những bài hát bắt người ta nghe riết rồi cũng đi vào đầu đúng như kỹ thuật tuyên truyền của Pavlov cùng với sự xuất hiện của những anh chị "dép râu, khăn rằn" trong ngõ. Họ nhìn, họ chỉ trỏ, họ gật gù.
Ngôi nhà của chú Vương không nằm ngoài việc chỉ trỏ bàn tán đó ... Sáng sớm ngày 10 tháng 5 . Phương mới vừa rửa mặt. Vợ anh và hai đứa con còn nằm trên giường thì ngoài cổng có tiếng gõ rồi tiếng đập trên những song sắt. Phương nhìn qua cửa sổ : Hai người đầu đội mũ tai bèo, khăn rằn quấn cổ, tay cầm AK.
Ban đầu thì Phương sợ , sợ vì không biết bọn này tìm anh về chuyện gì, chuyện đăng ký hay chuyện nào khác nhưng anh tự nghĩ
- Trước hay sau gì thì mình cũng phải chạm mặt bọn chúng!.
Anh bình tĩnh hơn, với tay lấy chìa khoá cổng, mở cửa nhà bình tĩnh đi ra cổng hỏi vọng ra bằng một giọng rất Bắc kỳ Hà Nội:
- Hai anh tìm tôi có việc gì.
- Chúng tôi đến đây tiếp thu nhà này. Anh mở cổng cho chúng tôi vào. Một trong hai tên, người khá cao, nói bằng giọng Bắc.
À, thì ra tụi nó đến lấy nhà. Lấy thì lấy tao cũng đếch cần, nhà cũng không phải là nhà của tao, bọn mày muốn chiếm thì cứ vào. Phương tặc lưỡi, nghĩ.
- Để tôi mở khoá cho hai anh vào.
Phương đút chìa khoá vào ổ khoá, vặn trái , rồi mở cổng toang hẳn ra .
Hai tên "cán bộ" vào trong sân đứng ngần ngừ như đợi Phương, có thể cả hai không nghĩ đến phản ứng không phản ứng chút nào của Phương.
Thế là cuộc "sống chung" tạm bợ giữa 4 người lớn và hai đứa bé bằng sự chia cắt căn nhà được diễn ra rất "hòa bình" mặc dù không ký kết một hiệp định kiểu Genève năm 54: Hai chàng "giải phóng" giải phóng phần trước căn nhà , sa-lông phòng khách và một phòng ngủ. Phương cùng vợ và hai con lui quân vào phía trong với hai phòng ngũ, nhà bếp. Nhà tắm và nhà cầu là của cả hai phe. Phương và vợ con anh vẫn có thể đi tới đi lui vì thiếu chiếc cầu Hiền Lương, lẽ tất nhiên anh không nhìn ngó phần của hai "giải phóng quân". Bữa ăn trưa vợ chồng anh ăn ở dưới nhà bếp nhưng Thúy không một lời mời hai "cán bộ" ở nhà trên một tiếng dù chỉ là một lời mời xã giao.
Sáng ngày 10 tháng đó khi nghe tiếng loa từ ngoài phường rống lên kêu gọi các sĩ quan trong quân đội và viên chức chính quyền Sài Gòn phải đi trình diện. Mỗi người mang theo giấy tờ cá nhân, áo quần đồ dùng và lương thực trong vòng 15 ngày. Phương vội vã phóng xe lên nhà cha mẹ anh. Cha anh đã sửa soạn sẵn đồ đạc để ra trình diện ở ngoài điểm tập trung . Cha bình thản nhìn Phương rồi căn dặn : Ở nhà anh phải cẩn thận. Đừng để lọt vào tay bọn chúng.
Mẹ tiếp tay mang bọc quần áo của cha rồi đưa chân cha ra tận ngoài điểm tập trung.
Phương vẫn tiếp tục đón Mai xuống "công tác" ở hội. Phương được chỉ định phải hoàn thành cuộc thu âm cho ngày "mừng hòa bình, thống nhất đất nước" .
Ngày 15 tháng 5, người ta làm một cuộc diễn binh "hoành tráng", trước Dinh Độc Lập. Họ cũng dẫn được ở đâu ra được những nhóm người gọi là "đồng bào Thành phố Sài Gòn - Gia Định" đến tham dự lễ mít tinh nào là Đoàn phụ nữ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nào là chi hội Trưng Vương, khu Sài Gòn – Gia Định nào là hội Liên Hiệp, hội Công Nhân Điện, đủ thứ Công Nhân, đủ loại chi hội chỉ thiếu chi hội Ấu nhi mà thôi ... những tổ chức, hội hè thật, giả đố người Sài Gòn nào biết mà biết thì cũng phải im họng. Một số hình bác Hồ to tổ bố, to gấp bác 4,5 lần cũng được lôi ở đâu ra trộn lẫn lộn trong mấy cái cờ xanh đỏ, và đỏ thật sự. Dân Sài Gòn tham dự đến nỗi toát cả mồ hôi hột mà cũng vẫn phải tham dự không dám hé răng vì sợ ... hai chữ "phản động" . Họ biết là các đơn vị quân đội, công an triển khai thật chặt chẽ, chu đáo để làm công tác "bảo vệ an toàn" cho họ .
Nhiệm vụ của Phương là thu âm. Anh phải thu tất cả từ “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!” cho tới diễn văn của Nguyễn Hữu Thọ ...
Hỡi ôi!. Khi về lại trụ sở hội Phương mở máy magnéto nghe lại ... chỉ có tiếng ù ù , rè rè của chiếc băng quay. Cái Akai phản động của "Mỹ Nguỵ" không thèm thu bất cứ một tiếng nào. Phương biết rằng anh sẽ gặp chuyện rắc rối nên lẩn ra ngoài, lên xe phóng một mạch về nhà mà cũng không cho Mai hay bất kỳ một ai trong hội biết kết quả cuộc thu âm "hoàng tráng" này.
Kể từ trưa ngày hôm đó, Phương giã từ hội Văn Nghệ Giải Phóng Miền Nam.
Phương nằm nhà một ngày chờ tin Mai nhưng anh không tới. Nóng ruột, Chiều hôm đó, Phương tìm tới nhà Mai, vừa gặp mặt anh Mai đã nói:
- Tụi nó họp rồi nói với nhau là mày phá hoại cuộc thu thanh. Đừng bao giờ trở lại nơi đó nữa.
Phương chẳng bao giờ có ý định trở lại nơi đó nhưng anh phải tìm đường bay thật xa hơn nữa cái cảnh sống chung đụng " hoà bình" với hai chiến sĩ "giải phóng" này về lâu về dài rất có thể sẽ làm anh phỏng giái. Tối hôm đón lợi dụng lúc hai chiến sĩ ta trở ra phường, Phương bàn với vợ về việc ra đăng ký trở về quê cũ .... ở Đà Lạt. Thúy nghe chồng nói rõ lý do nên chẳng ngần ngại gật đầu nhưng hỏi chồng:
- Lên Đà Lạt mình sẽ ở đâu ?
- Ở nhà chú thím Khang.
Sáng hôm sau, Phương bảo vợ thu xếp đồ đạc cần thiết , anh về nhà cha mẹ ở Gò Vấp để nói chuyện với mẹ, bỏ lại chiếc xe honda rồi đi bộ trở lại.
Mẹ mở tủ, lấy một ít tiền đưa cho Phương căn dặn phải cẩn thận nhất là phải chăm sóc kỹ lưỡng hai đứa cháu nội của bà.
Trước khi đi, Phương anh nói với mẹ và các em:
- Mợ yên tâm, rồi vợ chồng con sẽ về với cậu mợ và các em.
- Mợ cũng tin vậy. Mẹ nhỏ nhẹ nói.
Quay lại nhà chú Vương, Phương muốn mọi sự rõ ràng rành mạch về chuyện ra đi của vợ chồng anh với hai anh bộ đội nên anh gặp anh chàng Bắc kỳ rồi nhìn thẳng vào mắt anh ta nói:
- Vợ chồng tôi giao nguyên nhà này cho hai anh.
- Anh chị và hai cháu sẽ ở đâu ?.
- Chúng tôi sẽ về trên cha mẹ tôi ở nhà quê.
- Bao giờ thì anh chị đi?.
- Sáng mai. Tôi sẽ để lại chìa khoá trên bàn anh. Phương kết thúc.
Anh bộ đội không hỏi thêm gì nữa. Từ ngày mai trở đi anh đã hoàn thành công tác tiếp thu nhà của một sĩ quan cao cấp ngụy rồi .. ./.
Troyes, Pháp - 21003.2021 – 23.36