Truyện Nguyễn Trung Dũng, Người Tình

Nguyễn Trung Dũng

Người Tình


Tranh Khánh Trường, Bìa Tân Văn số 2
“Dù cho mưa, em xin theo anh đến cuối cuộc đời. Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây. Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gày, dù sao, dù sao đi nữa, em cũng yêu anh”.

Âm thanh câm lặng khi năm ngón tay Hoài khựng lại trên những sợi dây đàn. Nhưng trong xóm ngõ vắng vẻ, âm thanh đó hình như còn luẩn quẩn váng vất trong khu sân nhà chật hẹp, dưới tàng lá của cây mít đeo quả như mẹ địu con. Âm thanh muốn tan như khói trên ống khói nhà bếp, muốn bay như chim soải cánh bay đi xa, thì khói vờn lượn trên không trung tan không được, chim cánh cụt cất mình lên không nổi, nên âm hưởng của tiếng đàn thùng do Hoài đánh, vẫn còn vang vang ở đâu ở đó trong xóm ngõ của con hẻm nhà của những người dân nghèo.
Mùa hạ năm đó, Hoài nhớ đã ngồi ôm cây lục huyền cầm, hát bài tình khúc có những lời của bản nhạc đó cho Thư nghe. Mỗi lần đến Quyến chơi, người bạn của chàng và là anh của Thư, chẳng lần nào Thư không nhắc Hoài ngồi đàn bản Niệm Khúc Cuối, nhạc và lời của Ngô Thụy Miên mà Thư rất thích. Tại sao Thư thích bản nhạc đó, Hoài thực ra không mấy bận tâm. Nhưng vì chiều ý Thư, Hoài đã không từ chối nên dưới gốc cây mít trước sân nhà, Hoài đã ôm cây đàn, ngồi đánh. Những lần như thế, Hoài nhận thấy Thư  thường im lặng chăm chú nghe, để hết tâm tư tình cảm nhập vào âm thanh và lời của bản nhạc.
Hoài nhớ có lần ngồi đàn, Hoài nhìn Thư  đã thắc mắc hỏi:
- Ngoài Niệm Khúc Cuối, chẳng lẽ không còn bài nào khác để Thư thích hay sao. Anh thấy mỗi lần anh đến chơi, Thư vẫn chỉ yêu cầu anh đánh mãi bài này là như thế nào vậy. Mà cái bài nhạc này nó nói về tình yêu của một người con gái yêu tha thiết một người con trai, trong âm thầm lặng lẽ, trong đeo đuổi hứa hẹn, nên dù thế nào đi nữa, người con gái đó vẫn cứ xin đi theo cho đến cuối cuộc đời. Sao lại phải mất công tới độ như vậy được nhỉ.
- Nói như anh thì nói làm gì. Chưa yêu hay không yêu ai, chuyện đó dĩ nhiên đơn giản là như vậy. Còn khi đã yêu một người nào đó, thì có đi theo đến cuối cuộc đời cũng chỉ là một chuyện tất nhiên mà thôi.
- Thế cô bé đã yêu ai chưa.
- Yêu ai hả. Anh thử đoán xem em đã yêu ai được không.
- Để coi nào. Điểm mặt mấy ông bạn của anh Thư, anh thấy có Nghĩa, có Thoại, có Khiêm, có Ngạn, không biết cả bốn ông ấy có ông nào Thư đã lọt vào mắt của họ không. Dứt khoát là bốn phải có một.
- Trật tuốt. Tất cả những người anh vừa kể, Thư chỉ mến mà không phải là yêu.
- Vậy thì ai đây nhỉ.
- Ai. Còn ai vào đây nữa. Chẳng lẽ anh lại chờ em phải nói rõ ra thì anh mới có thể hiểu được hay sao. Vô tình và tàn nhẫn đến thế là cùng. Buồn thật.
- Lạ. Có gì đâu mà sao em lại nói là buồn. Nếu biết thế, anh đã chẳng thèm đoán có lẽ lại hay hơn là đoán.
- Thôi. Anh uống cà phê để em pha cho anh một ly cà phê. Anh đưa cây đàn cho em mang cất vào trong nhà. Em không muốn nghe nữa.
Pha cà phê và lấy cây đàn là cái cớ cho Thư  đứng dậy. Bỏ vào nhà rồi, Thư ở trong đó khá lâu không thấy ra nữa. Lúc mắt Hoài hướng về phía cửa sổ để nhìn, chàng thấy Thư đang ngồi gục đầu xuống mặt bàn. Chỉ đến lúc ấm nước đang sôi réo, Hoài mới thấy Thư đứng dậy để pha cà phê. Chừng cà phê đã pha xong, bấy giờ Hoài mới thấy Thư từ trong nhà bước ra sân, một tay cầm cái ly, tay kia cầm cái hũ thủy tinh đựng đường. Thư đến bên Hoài ngồi, đặt cái ly cà phê và cái hũ đựng đường xuống cái bàn nhỏ bằng gỗ để cạnh Hoài. Chỉ thoáng nhìn, Hoài nhận ra trên má Thư còn hoen ngấn lệ.
- Em chưa bỏ đường vào vì không biết anh thích uống đắng hay ngọt.
- Việc đó để anh lo. Có cà phê như thế này là quá tốt rồi.
Miệng nói, tay Hoài cầm cái muỗng xúc đường, bỏ vào ly rồi quậy. Ngụm đầu, Hoài cảm nhận thấy mùi cà phê đắng có lẫn vị mặn. Có phải vị mặn đó là nước mắt Thư đã thực sự vô ý rớt vào hay đấy chỉ là sự cảm thấy do tưởng tượng bởi khứu giác gây ra.
Từ những ngày đó cho đến sau này, Hoài thỉnh thoảng vẫn ghé nhà Quyến anh của Thư chơi, nhưng Thư đã không còn thích ngồi nghe Hoài gảy đàn nữa. Dù vậy, vẫn tới căn nhà của Quyến ở cuối con đường xóm và mỗi lần như thế, bao giờ Hoài cũng lấy cây đàn “guitar” của bạn ra ngồi ở cái ghế nơi sân trước nhà, dưới cây mít vào mùa mít đang thai nghén quả, để uống cà phê, để chuyện trò với bạn, và để hứng lên thì dạo một vài bài nhạc tình miệng vừa nghêu ngao hát.
Năm Hoài đỗ tú tài, miền Bắc khởi sự xâm nhập người và vũ khí theo ngả đường mòn của những dẫy núi, theo ngả biên giới Lào và Campuchia để đưa quân vào chiến trường miền Nam. Mặt trận đã diễn ra càng ngày càng khốc liệt ở 4 Vùng Chiến Thuật và ngay cả Sàigòn với những đêm pháo kích gây kinh hoàng cho dân chúng sống ở trong thành phố. Vào thời điểm đó, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm xụp đổ, quân đội Mỹ đã ồ ạt đổ vào miền Nam để tham dự các trận đánh. Chiến tranh leo thang và chính thức bước vào giai đoạn quyết liệt cần tăng cường và bổ sung quân số cho các đơn vị ở bốn quân khu, lệnh Tổng Động Viên đã được ban hành để đáp ứng tình hình đang ở mức độ chiến tranh càng ngày càng khốc liệt. Nhập ngũ, từ đó Hoài đã xa thành phố và dĩ nhiên, việc năng lui tới nhà Quyến cũng chẳng còn thường xuyên lui tới được. Sĩ quan đơn vị pháo, Hoài về tiểu đoàn súng lớn bám sát mặt trận. Bên tai Hoài, những ngày hối hả bắn yểm trợ cho quân bạn, chàng quá bận rộn với việc di chuyển những cỗ súng và tai nghe những tiếng nổ rền của những trái đạn bắn ra khỏi nòng. Mũi Hoài ám hơi khói thuốc mỗi lần đầu đạn thoát đi, để lại mùi khét và bụi đất nơi đặt súng ám vào buồng phổi, bám vào áo quần trận và làm ù tai chàng. Không phải chỉ có ban ngày mới nã pháo, về đêm, nếu tình hình nguy ngập ở một nơi nào đó, hễ có đơn vị bạn xin bắn yểm trợ, khẩu đội dưới quyền Hoài điều động ngay lập tức được chàng ra lệnh cho khai hỏa. Những trái đạn nhắm đúng tọa độ đã được chấm chính xác mục tiêu, thì những tay xạ thủ thiện nghệ ở đơn vị của Hoài, bắn đi thường ít khi sai trật.
Hành quân bám sát mặt trận, Hoài chẳng còn bao nhiêu thì giờ rảnh rỗi để nhìn lại quá khứ. Quá khứ của những đêm thả bộ trên đường phố dưới vầng trăng khuya, của những ngày cùng bạn bè ngả nghiêng ngồi uống rượu trong những quán rượu, của những chiều ngồi trên tầu nổi Mỹ Cảnh ở sông Sàigòn buông thả con mắt nhìn sang bên kia vùng đất  Thủ Thiêm khi trời đất đang từ từ nhá nhem tối. Cả Thư, cả bạn bè, cả bố mẹ, cả Sàigòn, trực diện với quân thù, thay vì nhớ, Hoài đã chẳng còn nhớ, mà Hoài để hết thì giờ bận tậm với những cỗ pháo và những người lính xạ thủ để theo dõi nghe khẩu lệnh từ máy phát tuyến và để khai hỏa kịp thời theo yêu cầu cấp kỳ của các đơn vị bạn.
Trong một lần bị địch phản pháo, đùi bị một mảnh đạn cứa rách thịt bắp chân, Hoài được trực thăng cấp cứu đưa ngay về quân y viện  điều trị. Vết thương không nguy hiểm đến tính mệnh. Mảnh miễng của viên đạn chỉ chạm xương chưa đến nỗi gẫy. Dù vậy, Hoài vẫn bị giữ lại ở viện để chờ rút chỉ khâu và để tập đi đứng bình thường. Nằm như thế, đêm nếu nghe tiếng súng lớn ở đâu đó bắn đi, Hoài lại nôn nóng muốn xin xuất viện để tái trở về đơn vị. Nhưng xuất viện mà chân Hoài đi lại chưa được bình thường, Hoài dù có năn nỉ đến mấy cũng bị các vị y sĩ từ chối.
Người sĩ quan nằm cùng phòng Hoài có một cây “guitar”. Bị đạn bắn gẫy hai ống xương cẳng, chân bị bó bột, nằm ở giường, anh ta ôm cây đàn lặng lẽ gảy. Lại vẫn là Niệm Khúc Cuối với những lời của những câu: “Dù cho mưa, em theo anh đến cuối cuộc đời. Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây. Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gày, dù sao, dù sao đi nữa, em cũng yêu anh”.
Buổi xế chiều, nhìn ra mé cửa sổ, nắng như vạt áo lụa mầu vàng heo hắt sáng trên những mảng lá cây soan, nghe tiếng đàn người bạn lính khảy, Hoài bỗng thấy nhớ về một điều mà lâu rồi điều đó chàng đã quên đi. Quên có lẽ vì sống trong quân ngũ công việc hối thúc với những quả đạn phải được bắn đi cấp thời để những quả đạn đó theo đườnhg bay rồi cắm đầu rớt xuống những đợt sóng biển người tấn công của địch, quên đi để nhận biết hiện tại mình đang sống ở đâu và phải làm những việc gì. Bắn hối hả suốt những ngày đơn vị Hoài giáp mặt với kẻ thù đã chẳng để một kẽ hở thời gian có được một khoảng trống mà nghĩ về những gì mình muốn nghĩ. Nay thì khác. Nằm bệnh viện, ngày và giờ thả trôi theo cây kim đồng hồ, có lúc Hoài cảm thấy mình không còn là mình nữa. Từ suy nghĩ đến cách sống, con người của Hoài, nhất cử nhất động, bản thân Hoài đã hoàn toàn phải tùy thuộc vào sự quyết định và điều khiển bởi tha nhân. Bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, Hoài cũng cần đến bàn tay của người khác giúp đỡ. Vì thế, chưa lúc nào Hoài lại thấy mình bi quan yếm thế như lúc này. Đấy mới chỉ là cái chân bị thương tật, nếu tứ chi bị tàn phế, có lẽ Hoài chẳng còn tha thiết muốn sống nữa. Nằm nghĩ quẩn quanh, Hoài thường suy tư dù biết rằng, điều tốt nhất chẳng bao giờ nên suy tư như thế để làm gì.
Tiếng đàn của anh bạn nằm bên với những lời “dù sao, dù sao đi nữa, em cũng yêu anh” hóa ra vào lúc này, Hoài mới nhận ra bản nhạc được sáng tác bởi tác giả là Ngô Thụy Miên, lại chính là lời tỏ tình thầm kín của Thư gửi đến cho chàng. Tình yêu của Thư đó, sao Hoài không biết mà trân trọng nhận lấy, sao Hoài lại là kẻ vô tình đứng ngoài vòng của cuộc  chơi. Thực ra, trong thâm tâm, Hoài cũng để ý đến Thư, muốn được yêu Thư như Thư  đã yêu Hoài tha thiết và thầm lặng.
Rồi đến ngày Hoài được xuất viện. Hoài từ giã nơi điều trị của những thương bệnh binh, nơi anh bạn hai chân đã bị cụt, để trở về đơn vị. Với vết thương ở đùi, Hoài hội đủ điều kiện để xin giải ngũ, nhưng Hoài đã không xin giải ngũ trong trường hợp đó. Chiến tranh đã cuốn hút lấy Hoài khi Hoài cảm thấy, Hoài phải chứng tỏ cho chính bản thân mình biết, Hoài không thể tách rời khỏi đời sống quân đội lúc đất nước còn cần đến sự đóng góp và sự hi sinh của Hoài. Với những khẩu pháo bắn tầm xa, Hoài phải tiếp tục sát cánh với những người lính xạ thủ, chỉ huy để ra lệnh cho họ khai hỏa bắn đi những quả đạn rót xuống những tọa độ nơi mà các đơn vị bạn gọi máy xin hỏa lực yểm trợ. Những quả đạn đó rời khỏi nòng súng bay đi, Hoài có thể hình dung ra điểm rớt chính xác của chúng và cũng có thể mường tượng được, ở đó, kẻ thù sẽ không toàn thây với sức ép và mảnh miễng của nó văng ra. Ngược lại, những lần bị phản pháo bởi hỏa tiễn của phe bên kia bắn về đơn vị trú đóng của Hoài, sức công phá cũng ác liệt không thua kém gì những trái đạn từ dàn súng của bọn Hoài bắn tới.
Nếu Mỹ không rút khỏi Việt Nam, nếu Ban Mê Thuật không bị thất thủ, nếu Pleiku không phải triệt thoái, nếu một số Tướng lãnh, Sĩ quan Cao cấp trong quân đội không bỏ đơn vị đào thoát ra nước ngoài, thì tình hình chính trị và quân sự đã không đến nỗi tồi tệ, để từ đó rơi vào cảnh khủng hoảng và dẫn đến hậu quả miền Nam bị mất. Trong những ngày đó, nơi đóng quân của đơn vị trọng pháo của Hoài đã bị địch uy hiếp vào lúc rạng Đông. Những khẩu súng hạ nòng bắn trực xạ vẫn không đủ khả năng chặn đứng vòng lăn của những chiếc T 54 bò từ từ về tuyến phòng thủ. Những người lính còn sống phải tìm cách rút lui để bảo toàn sinh mạng. Những người đã chết đành bỏ lại trong giao thông hào hoặc vắt thây trên những hàng rào dây kẽm gai chung quanh doanh trại. Rút ra hướng sông tìm đường ra biển. Tầu hải quân vớt những người lính trong số đó có Hoài để chạy ra khơi. Từ đó, Hoài đến đảo rồi đặt chân lên đất Mỹ. Cuộc chiến đã tàn, người sĩ quan đơn vị pháo như Hoài bây giờ đã trở thành một kẻ lưu vong.
Một đêm, từ quán ăn ở khu phố gần nhà, Hoài thả bước đi trên con đường đại lộ rộng thênh thang và vắng vẻ. Chính lúc đó, Hoài mới cảm thấy và nhìn ra nỗi buồn và nỗi cô đơn của một người tha phương sống trên đất nước người. Bầu trời đen thẫm đầy những chấm sao. Đêm khuya khoắt nên xe cộ ít qua lại. Nhưng ở mỗi ngã tư trục lộ, hệ thống đèn lưu thông vẫn tự động chớp tắt qua máy điện tử điều khiển. Vỉa hè, Hoài chợt  thấy một cái vỏ lon bằng nhôm đang bị gió đùa quét. Nó lăn qua lăn lại hay bị quăng ném đầu đuôi lộn ngược. Còn có một tờ báo cũng được gió tha đi bò dọc theo con đường phố. Khi có cơn gió lớn, tờ báo bị hất tung lên cao rồi lại tự mình đáp xuống và trườn mình trên mặt lộ. Ngoài những cái đó ra, tiếng động do đế giầy của đôi giầy Hoài đi, nó quệt trên đất phát ra những âm thanh mà có lúc, Hoài cảm tưởng như tiếng động đó là của một người lạ đang bám gót đuổi theo sau chàng. Đi như thế, Hoài thường mang ý nghĩ để nhớ đến Sàigòn. Thành phố đó với những con đường và nhà cửa san sát hai bên, với những hàng cây trồng dọc theo vỉa hè, vào những đêm có trăng sáng rực rỡ, Hoài đã lững thững đi bộ để trở về nhà khi rời bạn bè ở một quán cà phê nằm trong một con hẻm. Sàigòn về khuya nhà phố đều đóng cửa. Đèn ở các tư gia đã tắt không chừa một ngọn. Trừ những cột điện còn có ánh sáng của những ngọn đèn đường.
Vẫn chỉ là hồi tưởng về một quá khứ không thể có trong hiện tại. Khi biết chắc chắn đây là một thành phố ở trên đất Mỹ, thì cái hồi tưởng về một quá khứ không thể có trong hiện tại đó đã vỡ như một quả bong bóng bằng sà phòng vừa bay lên cao đã bị không khí bóp. Tìm lại thời gian đã mất, tìm lại hình ảnh nơi chốn xưa đã lùi vào quá khứ, Hoài đã có lần thực hiện một chuyến đi bằng phi cơ để đáp xuống  Sàigòn.
Gặp Thư, Thư cho biết Quyến đã tìm đường vượt biên bằng đường biển rồi mất xác ngoài biển khơi. Bây giờ hơn ba mươi năm, Thư đã lập gia đình và có ba đứa con. Vẫn ngôi nhà cũ ở con hẻm cuối ngõ, vẫn cây mít cành xum xuê lá đùm đề, cây mít thân đứng thẳng, nhánh quằn xuống bởi sức nặng của những quả mít đeo lủng lẳng. Cây mít có những con kiến vàng bụng ỏng và những cái chân lỏng khỏng và dài. Kiến làm tổ ở lá. Tổ đó như tổ sâu kèn.
Thời gian đãlàm nhan sắc Thư hao mòn tàn tạ. Da hơi nhăn. Mắt hơi quầng. Hai má hóp. Vẻ đẹp tươi tắn trẻ trung của một người con gái thuở xa xưa đã phôi pha theo năm tháng làm lụng cực khổ. Cảnh sống khó khăn sau cuộc đổi đời, phần nào đó đã đầy ải thân xác Thư, không hơn gì một con ngựa thồ chỉ biết thồ hàng cho chủ qua những đoạn đường gồ ghề khúc khửu gập ghềnh.
Im lặng ngồi nhìn nhau mãi rồi đến lúc Hoài cũng phải lên tiếng:
- Nom Thư gày quá. Em có bệnh tật gì không.
- Bệnh thì không. Gày có lẽ do lao lực đấy thôi anh ạ. Hoàn cảnh của cuộc sống đẩy đưa mà ra cả.
Không phải là lời nói để than vãn, Thư đáp lửng lơ như thế rồi lại cười. Cái cười héo hắt trên đôi môi khô của Thư chắc chắn không thể coi cái cười đó nó thể hiện một nỗi vui nào đó như một điều Hoài mong đợi.
- Anh hiểu. Nếu phải an ủi, anh biết không có lời nào đủ để an ủi nổi những gì Thư đã mất. Cái chết của người anh, cái chết đó khó có gì để khỏa lấp nỗi buồn mà mình phải gánh chịu. Anh thực tình không biết nói gì hơn.
Một con kiến vàng bỗng xẩy chân rớt xuống vai áo Thư. Hoài nói để Thư biết trên vai áo Thư có con kiến đó thay vì chàng đưa bàn tay ra để gạt.
- Coi chừng con kiến trên vai áo em.
Chưa kịp bắt con kiến thì con kiến đã nhanh chân bò vào lớp vải ở cổ cái áo Thư mặc. Bây giờ chẳng còn làm gì hơn được là cách để Hoài giúp Thư dùng ngón tay tóm nó. Vạch mép cổ áo của Thư, Hoài đã thấy con kiến ở ngực của Thư. Bóp bẹp dí con kiến xong, Hoài ngồi trở lại chỗ ngồi của mình. Thư bỗng hỏi:
- Anh bỏ đánh đàn lâu rồi còn đánh nổi nữa không.
- Đàn nổi. Nhưng bây giờ còn đàn để làm gì.
- Sao anh lại nói vậy.
- Anh cũng không hiểu nữa.
- Nếu em thích, em muốn nghe anh đánh anh có đánh không?
Chẳng cần đợi câu trả lời của Hoài, Thư lại tiếp:
- Bài “Niệm Khúc Cuối”, đã lâu rồi em vẫn muốn được nghe.  
- Nghe làm gì nữa hả Thư. Thời gian đã mất có bao giờ người ta tìm lại được. Thực tế bây giờ, em là người đàn bà đã có chồng và có con rồi.
- Ra là vậy. Anh trước và sau vẫn là kẻ cố tình bỏ chạy.
- Thì đúng là bỏ chạy. Lúc cần bỏ chạy thì phải bỏ chạy.
- Còn em, em không bỏ chạy. Lá thư ngày đó anh viết cho em, anh tưởng em đã bỏ đi và quên được rồi sao.
- Lá thư nào vậy.
- Còn lá thư nào nữa. Chính anh tự tay viết nay lại có thể dễ dàng quên nó nhanh đến thế được hay sao.
Thủ trong túi từ bao giờ, Thư cầm cái phong bì trong đó có lá thư của Hoài viết đưa cho Hoài. Cầm lấy, mở đọc, đọc xong, Hoài đưa trả cho Thư. Câu nói không được tự nhiên nhưng rõ ràng dứt khoát, Hoài bảo:
- Em còn giữ nó để làm gì. Giữ nó cũng chẳng thể níu kéo được những cái đã có mà thời gian chỉ là quá khứ. Mọi chuyện kể như đều ngoài tầm tay và mất cả rồi.
Thư chưa kịp lên tiếng, thì ngay lúc đó, trước cái cổng ra vào, có tiếng thắng kêu ken két và cái xe đạp của Ngạn trờ tới trước mặt tiền nhà. Giắt xe vào sân, Ngạn khựng lại khi nhận ra sự hiện diện của Hoài. Cả hai chìa bàn tay ra bắt tay nhau, Hoài lên tiếng hỏi trước:
- Cậu khỏe chứ.
Mặt vẫn lạnh như có băng đóng, Ngạn không một cử chỉ vồn vã nào và chỉ gật đầu khẽ đáp:
- Khỏe.
Một chữ cộc lốc cho là đã đủ, để rồi sau đó không cần thêm gì nữa. Thư tự đông đứng dậy nhường cái ghế của mình đang ngồi cho chồng ngồi. Nhưng thay vì ngồi, Ngạn vẫn đứng với cái lưng tựa vào thân cây mít. Đứng như thế mãi mới có một câu nói:
- Cậu ở Mỹ về hả.
- Ừ. Mình ở Mỹ về. Mấy chục năm rồi nay mới có dịp thấy lại Sàigòn.
Nghe giọng và cách nói của Ngạn vẫn có vẻ gượng gạo, Hoài biết trong đầu óc Ngạn đang nghĩ về điều gì. Hình như Thư không thoải mái mấy về không khí tẻ nhạt đang có giữa hai người. Nhưng phải làm gì bây giờ để xua tan đám mây đen đang u ám bầu trời, thì, Thư biết chẳng có cách nào làm cho tan cơn mây đen được cả. Chính vì sự bất lực của chính mình, Thư không thể làm khác nên đâm ra lúng túng và cử chỉ đầy ngượng ngập sượng sùng. Hoài tự biết mình phải làm sao để chấm dứt trường hợp này càng sớm càng tốt, hơn là cứ để sự việc kéo dài thêm, nên cách tốt nhất không gì bằng là quyết định đứng dậy để cáo từ ra về. Vẫn chỉ là cái bắt tay lỏng lẻo của Ngạn lúc gặp, và cái bắt tay lần này cũng không khác là bao nhiêu, Hoài cố giữ thái độ lịch sự nên vừa bước ra phía cửa, vừa cười vừa nói:
- Mình về.
Ngạn làm ra vẻ ngạc nhiên với đôi mắt nheo lại vừa hỏi:
- Sao lại về. Vội thế.
- À. Mình phải đến quầy vé đổi vé về lại Mỹ cho chuyến bay ngày mai.
Rời căn nhà của Thư và Ngạn, Hoài vừa đi trên đường ngõ vừa cảm thấy ân hận. Vụng tính và thiếu suy nghĩ, Hoài đã dối Ngạn nói là để đi đổi vé, thực sự, Hoài không đi đổi vé mà đây chỉ là một cái cớ để tránh mọi chuyện hiểu lầm và làm phiền phức cho Thư, dĩ nhiên là cho cả Ngạn. Nhưng chính vì sự hấp tấp vội vàng đó, Hoài nghĩ biết đâu lại là sự hiểu lầm và ngộ nhận rất có thể có đối với Ngạn.  
Cái quán cóc ngoài vỉa hè đường, ngồi với ly cà phê và một điếu thuốc gắn trên môi, Hoài có đủ thời gian suy nghĩ về điều đó và để lần bước chân của thời gian tìm về một thời xa lơ xa lắc. 
Lại đúng cái băng nhạc chủ quán vừa mở, vẫn là bài “Niệm Khúc Cuối” được hát với tiếng hát của một cô ca sĩ, lại chỉ là những câu
“Dù mai đây, anh đưa ai đi đến cuối cuộc đời. Dù cho anh, anh đang tâm xé nát, xé nát tim em. Dù có ước, có ước ngàn đời, có trách một đời, cũng đã muộn rồi. Tình ơi, dù sao đi nữa, em cũng yêu anh”. 

NGUYỄN TRUNG DŨNG


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top