Truyện Nguyễn Tiến Lộc, Dòng Sông Cụt  

Truyện Nguyễn Tiến Lộc
Dòng Sông Cụt
 


Mọi người tránh ra cho ông Chắt Thấu len vào. Hôm đó, đám dân Xóm Củi đi rừng tụ cả lại trên eo Láng, ngó lên Truông Bát, dải núi hình cánh cung mà trong những năm chiến tranh bị B.52 đánh tróc từng mảng. Giờ, hàng trăm dân công đang leo lên đó cuốc, xới, vẽ thành một câu khẩu hiệu chạy dài cả cây số THAY – TRỜI – ĐỔI – ĐẤT – SẮP – ĐẶT – LẠI – GIANG – SAN. Dân Xóm Củi chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng thấy thế thì khoái lắm. Lúc đánh Mỹ, cả Xóm Củi, ngày cũng như đêm, xe pháo, thanh niên xung phong, bộ đội, lớp vô Nam, lớp ra Bắc, cứ rầm rầm, rịch rịch. Bom đạn đào lên lộn xuống hàng trăm lần, hàng ngàn lần thế mà cái con đường dưới chân Truông Bát vẫn thông. Thế mới biết sức người khiếp thật! Lũ trẻ suốt ngày nheo nhéo hát theo các chú thanh niên xung phong: Bom nó bằng gang, tay ta bằng sắt, ngẫm cũng đúng!

… Chắt Thấu leo lên, đứng dạng chân trên hai cái xe cút kít. Đám đông đồng loạt quay về phía ông. Chắt Thấu, là chủ tịch xã, lại mới đi họp trên tỉnh về. Trước một sự kiện mới, bàn ra, bàn vào, chán vạn, rốt cục, người ta vẫn thích có một phát ngôn chính thức từ miệng người có trách nhiệm. Lục cục với cái xà cột da Liên Xô một lúc, dường như là để kéo dài sự tò mò của dân Xóm Củi, chứ thực ra trong cái xà cột oai vệ đó, nếu có thứ giấy tờ gì, thì cũng chỉ là để ông chủ tịch gói thuốc lào. Ông Chắt Thấu dặng hắng rõ dài, rồi giơ hai tay lên, trịnh trọng:

- Tôi vừa đi họp tỉnh về – Ông nhấn mạnh hai chữ họp tỉnh – Tình hình phấn khởi lắm, trong tỉnh ta có nơi đang chuẩn bị gặt lúa bằng máy, ruộng thẳng băng.

- Chuyện như ở bên Liên Xô í – Cu Nghệ đế vào.

- Không phải bên Liên Xô! – ông Thấu tiếp – Mà ngay Xóm Củi của ta đây. Nhưng phải “cải tạo” cái đã, phải “sắp xếp lại” cái đã – ông Thấu sử dụng những từ nghe được ở hội nghị – chớ ruộng nương như cái vẹm của ta đây thì có mà đến mục thất!.

Nhiều tiếng người nhao nhao:

- Nói thẳng tuột ra đi, ông chủ tịch, “vòng vo tam quốc” mãi, sốt ruột lắm rồi!

Ông Thấu nhe răng cười:

- Chuyện phải có đầu có đuôi chớ! Tính rồi, bàn rồi, bà con ta cứ rứa mà mần. Sắp tới, trên cho đào một con sông, từ Vĩnh Sơn đi ngang xã ta, đổ ra biển. Sau đó thì gỗ lạt trên rừng xuống, cá mú ngoài bể vô, tha hồ mà thích!

Cu Nghệ lại đế:

- Cha! Chuyện đào sông mà ông nói xếp xếp, sắp sắp tui nghe như mẹ cu tui bỏ sắn vô nồi luộc!

Ông Thấu quắc mắt:

- Cu Nghệ hử! Mi không thấy hồi đánh Mỹ, bom đạn như trấu, mà có bao giờ tụi thanh niên xung phong để cho đường tắc mô? Chả bằng sức người thì bằng cái chi – Ông xuống giọng – Ở trên tỉnh, cũng có một tay kỹ sư mặt non choẹt, đeo kính cận, đứng lên tính bác, bị đồng chí bên tuyên huấn toát cho một trận, ngồi im re. Kỹ sư kỹ siếc gì, ngữ ấy chỉ có diện đồ, chứ biết ruộng nương chi!

Cu Nghệ im. Nắng lên, mọi người giải tán bớt. Ông Thấu nhảy xuống đất làm cho cái xe bị đổ.
Có tiếng kêu:

- Dẹp xe cút kít luôn hả ông Chắt?

Chắt Thấu hả hê:

- Dẹp! Dẹp hết! Nhưng mà hượm đã, mai mốt có cái mà đi đào sông, mí lại, cũng phải giữ vài cái đem vô Viện bảo tàng chớ!

Dân Xóm Củi nom câu khẩu hiệu, lại nghe ông chủ tịch nói, ai cũng khoái cái lỗ nhĩ, nhảy tưng tưng reo hò. Nhưng cũng có người thận trọng hơn vẫn không bỏ chuyến củi thường nhật, xe cút kít, cắm cúi đi. Dù sao, trong lòng họ cũng thấy bừng lên ngọn lửa. Ai ở đâu nghe tin đó, phấn khởi thế nào không biết, chứ dân Xóm Củi thì coi đó là một sự kiện trọng đại.
Quanh năm, sống bằng nghề đốn củi, vì ruộng đất, nói theo cách ví von của ông Thấu là như cái vẹm. Mùa nắng, bên trên cát đốt cháy chân mạ, bên dưới đất sét quánh như mật cô. Cắm cây lúa xuống, gió Lào thổi qua một lượt, là ngắc ngư, rũ rượi. Nghề nông không đủ sống, nên vừa xếp liềm hái vô nhà, là vợ chồng con cái lại kéo nhau lên rừng. Với cái xe cút kít bánh gỗ, người gò lưng phía sau nắm hai càng xe đẩy, kẻ đổ rạp người phía trước, ngoắc sợi thừng vào vai, kéo. Củi đem về chẻ ra, đóng bó, sáng hôm sau, đem ra chợ Gát bán, được tiền, không dám đong gạo, mà chỉ đong thóc. Tối về, tranh thủ xay, giã, lấy cám nuôi lợn. Bây giờ nghe nói “thay-trời-đổi… đất” thật đúng vo cái bụng dân. Chẳng hám chi tàu to tàu nhỏ, trên bến dưới thuyền, nhưng có hột thóc ém bồ, dứt được cái nghề “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” này là thỏa rồi.
*
Những ngày sau đó, bỗng dưng Xóm Củi đông nghẹt người. Người từ đầu tỉnh, cuối tỉnh, kéo đến, toàn là mấy cô cậu thanh niên phây phây. Ông Thấu lo đi mượn nhà cho dân công ngủ, y như hồi kháng chiến mỗi bận có bộ đội hành quân qua. Nhà ông cũng có tới chục người ở, nằm choán hết cả mấy cái chõng tre ở nhà ngoài. Trong buồng là chỗ của bà Thấu và con Loan.

Tối thui ông Thấu mới lò dò về, lên, xuống ngó đám dân công từ xa đến thấm mệt, lăn ra ngủ.
Ông tặc lưỡi, ngả cái nong phơi thóc ra, gối đầu lên xà cột…

Từ đời cụ kị ông Chắt Thấu đã ở trên cái Xóm Củi này. Nghề đi củi không biết có từ bao giờ, nhưng cái nghèo thì đeo bám quanh năm suốt tháng. Như những người láng giềng khác, ông Thấu cũng biết đẩy xe cút kít, biết cày ruộng và biết nồi cơm độn toàn sắn lát khô. Ông vốn là một nông dân hiền lành, thật như đất và ít học. Cả Xóm Củi này, trước kia quen gọi ông với một cái tên thân mật như bao người nông dân khác là “Ông Chắt”. Còn cái tên “ông Chủ tịch” là mới sau này, người ta gọi theo chức vụ của ông. Thời trước lúc lão Cháu Li và Bảy Pheo làm chủ tịch, trẻ trong Xóm Củi thường hát: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ tịch mua đài, mua xe. Ông Thấu làm chủ tịch cũng có một cái đài bán dẫn hiệu Sony, nhưng dứt khoát không phải là ông sắm bằng tiền tham ô! Ai cũng biết, cái đài đó ông đổi bằng bộ ván gõ gụ lên nước rất bóng, nằm mát tê cái lưng cho thằng cháu, con ông anh cả, đem ở trong Sài Gòn ra. Bà Thấu tiếc của xuýt xoa. Ông cười hề hề:

- Thống nhất rồi, ăn nên làm ra mấy hồi, sau này, người ta nằm giường nệm lò xo, chứ ai còn thiết chi ván gõ nữa. Cái danh từ “Giường nệm lò xo” ông nghe đâu được ở một cuộc họp trên huyện. Khi về, gặp ai cũng tuyên truyền, rồi cười tít mắt. Bà mắng:

- Gàn! Ăn không không đủ mà cứ nói chuyện trên trời dưới đất!

Ông vặc lại:
- Bà thì cả năm không đi khỏi đụn thóc, biết mô tê chi! Giàu có như thằng Mỹ mình cũng đánh nó chạy re được nữa là ba cái chuyện làm giàu. Dân mình, nước mình góp sức vô, mấy hồi!

Nói có vẻ cứng lý vậy, chứ ông cũng chẳng biết cách cớ ra sao để làm cho dân Xóm Củi này giàu. Cả xóm, chỉ có mỗi con mẹ Tam Pha buôn thịt lợn là có nhà gạch, nhưng nhà ấy, thuộc diện con buôn, chả nhẽ lại đi học nó.

Bà Thấu ít lời, như xưa nay bà vẫn ít lời vậy.
Nhớ cái dạo anh Thấu đến nhà, ngập ngừng bảo: “Tị lấy tui nhá!”
Tị là tên của bà hồi con gái, bà cũng không cãi chỉ mắng:

- Gàn!

Cái độ người ta bầu ông làm chủ tịch, chưa kịp mừng, thì một mối lo đã manh nha trong lòng bà. Tính ông cả tin, cục mịch, ôm chức, ôm việc vào không khéo để cho người ta lợi dụng làm bậy, rồi chuốc vạ vào thân, đổ như lão Cháu Ly với tay Bảy Pheo rồi nhục cái tiếng. Chứ nhà có hai vợ chồng, con Loan thì cũng đã lớn, từ khi nghỉ học, nó đã là lao động chính trong nhà, kiếm cái ăn có khó gì mà “ôm rơm cho nặng bụng”. Loan năm nay mười bảy, vai tròn căng, ngực đầy ú ụ, hơi thô, nhưng lại là mẫu con dâu lý tưởng của khối bà mẹ chồng Xóm Củi. Tuy là con một nhưng đã là dân Xóm Củi, Loan cũng biết đẩy xe cút kít, biết đi kiếm củi về bán. Những hôm trời mưa, không lên rừng được, ngồi buồn, Loan lại lân la sang nhà ông bác, học may nhờ cái máy Sinco của bà chị vợ ông anh họ. Bà Thấu thương con, cứ tặc lưỡi với chồng:

- Giá bộ ván ấy, ông đổi cái máy khâu thì con nó đã đỡ cực.

Ông bổ bã:
- Tui cần, là cần cái đài nghe tin tức chủ trương, chứ máy khâu, nay mai, khối!

Bà bực lắm, nhưng chỉ biết thở dài.
Sáng sớm, bà Thấu trở dậy, thấy chồng nằm co ro trong cái nong phơi thóc. Những đốt sống lưng ông gù lên, nom rất tội. Bà thầm trách lũ trẻ vô tâm để ông già ngủ như vậy. Ngồi xuống bên ông, đập tay vào miệng nong, bà khẽ gọi:
- Ông ơi!

- Chết! Sáng rồi a bà? – Ông Thấu ngồi bật dậy, nhìn bà trân trân. Bà phát ngượng mắng:
- Ngó chi ghê rứa!

Ông nắm tay bà kéo lại:
- Ngồi xuống đây, tui kể cái ni cho nghe!

- Nói đại đi, mần khó coi.

Ông thầm thì:
- Đêm qua tui với bà được ngủ trên cái giường lò xo.
- Ông ni mớ!
- Thì tui nói là tui nằm mơ mà, bà biết không, tui thấy tàu ngoại quốc ghé vô xóm mình mua củi.
- Gàn! Ông chả nói là khi đó người ta đun bếp điện, mua củi mần chi?
- Ờ hé! – Ông cười xí xoá – Con Loan mô rồi bà?
- Hắn đang ngủ.
- Con gái chi chừ còn ngủ, bữa ni, bà nói hắn ở nhà đi dân công nhá!
- Nó đang học may!
- Bỏ đó! Cả đời mới có một lần làm cái công trình ý nghĩa lịch sử như rứa! Với lại… con mình không đi, tui khó nói người ta.
Bà chưa kịp mắng: “Gàn!” thì ông đã vác cái nong chạy ra dựng sau hè.

Dân Xóm Củi nhà nào cũng bớt lực lượng đi củi, để ra đào sông. Nhà ít thì một người, nhà nhiều thì hai, ba người. Ở phía Nam Xóm Củi, chỗ khúc sông đào chạy qua bỗng nhiên rộn rịp hẳn. Mấy cái loa to như cái nơm, cái treo ngọn phi lao, cái ngoắc trên đầu thang, dựng tồng ngồng ngay giữa công trường, tối ngày ra rả hát. Mỗi chiều, khi tiếng loa ngoài công trường đọc tên con gái mình trong danh sách những người được biểu dương, ông Thấu phỡn ra mặt.
Bà Thấu thì cẩn thận đe con:
- Con gái, con lứa, mi phải biết dè sức, rồi còn đẻ đái con ạ!

Ông cười hề hề:
-Bà hay lo xa, hắn lớn khắc biết lượng sức mà làm. Tụi hắn còn trẻ, phải có “thi đua”, có “phong trào” nữa chứ. Bà không nhớ cái hồi tui với bà đi tải gạo lên Tây Bắc đó à! Mình cũng không kém chi hắn bi giờ, “con ông không giống lông cũng giống cánh”.

Thế mà ở Xóm Củi vẫn có người trốn không chịu đi đào sông, đó là mụ Tam Pha buôn thịt. Con mụ có một sạp bán thịt ở chợ Gát, nổi tiếng cân điêu. Giàu nứt đố, đổ vách mà keo từng hào. Ông Thấu ức lắm, cho đám dân công phục bắt, nhưng thằng Trơng con mụ cũng khôn như ranh. Chỉ có một bữa bí quá, mẹ con mụ phải vứt lại cái đùi lợn, chạy lấy người. Đuổi bắt không được, ông Thấu chửi với theo:
- Mấy con mẹ buôn, đố có đứa nào lên được chủ nghĩa xã hội!

Rồi ông chỉ miếng thịt, ra lệnh:
- Đem về bồi dưỡng cho dân công!

Về sau này, mỗi khi nhắc lại câu nói ấy của ông Thấu, mẹ con mụ Tam Pha lại chửi xéo:
- Nhà tôi đúng là không theo kịp ông anh, bà chị lên chủ nghĩa xã hội, vì không thừa con gái đi tế cho cái lũ khùng!

Tức nghẹn cổ, xót xa với cái chết của con bị người ta đem ra bêu rếu, ông Thấu chửi với theo cái “mô kích” của thằng Trơng đang nhả khói:
- Đồ đểu! Cái loại chúng mày chỉ đáng vo viên để xuống đít cho ông ngồi.

Nói rồi, ông ném phịch người xuống bãi cỏ.

Đúng là không ai lại có thể nhẫn tâm như mụ Tam Pha. Đụng đến người chết là điều ít ai nỡ làm, tệ hơn, đây là cái chết đau thương của đứa con gái độc nhất của ông chủ tịch.
*
Hôm đó, ngồi họp ở Uỷ ban, ông Thấu cứ ngóng tiếng loa vọng choang choảng từ ngoài công trường vào. Giọng tay phát thanh viên ở bên văn hoá thông tin cứ réo rắt: Xét thể lực của hai đội thì đội An hoà có thế mạnh hơn vì có tới ba trong sáu thành viên của đội là nam. Nhưng qua mấy lần hội thao trước, An Hoà chưa bao giờ vượt được Sơn Thọ. Sơn Thọ có bốn nữ, nhưng giống như bốn cây trụ sắt. Đó là: Hồng, Kim, Loan, Sen, bằng sức khoẻ “bẻ gãy sừng trâu” của mình, các cô đã vượt An Hoà 0,25 thước khối…

Ông Thấu móc một cái đóm trên phên cửa, châm điếu thuốc lào. Sơn Thọ là xã ông làm chủ tịch “con gái ông chủ tịch phải thế chứ”. Ông khoan khoái nhả khói thuốc và theo dõi tiếp.

…Hiện nay, theo dự đoán của chúng tôi, giải thưởng hội thao này cũng sẽ thuộc về Sơn Thọ. Đồng chí tổng chỉ huy công trường đã xuống tận nơi để động viên cả hai đội, và… thưa các bạn, các nữ tướng của Sơn Thọ đã bỏ quang gánh. Vì có lẽ, theo chúng tôi, gánh chỉ được hai rổ đất, trong lúc đó đội có thể được ba mà lại giảm được rất nhiều thao tác”… ông Thấu tự nhủ:
- Thắng thế nào được dân Xóm Củi. Ông gãi mép đắc chí. Trong đội Sơn Thọ, ông biết có tới năm đứa là con cháu Xóm Củi của ông.

…Thưa các bạn! An Hoà cũng đã bỏ quang gánh để đội, cho đến giờ phút này, chúng tôi cũng chưa biết phần thưởng sẽ về tay ai, trong cuộc đọ sức, đọ tài này, đội nào cũng nỗ lực vượt bậc để chứng tỏ sức dời non lấp bể của mình… Kìa… Cố lên. Cố lên. Tiếng loa bỗng khìn khịt rồi im bặt. Ông Thấu đứng lên:
- Mẹ khỉ, đứa mô ra coi cái loa, răng mà tự dưng câm tịt rứa bây!

Phòng họp cũng nhốn nháo cả lên. Té ra, nãy giờ, người ta chỉ chú ý vào mấy cái loa ở ngoài công trường. Mọi người đang nóng ruột, thắc mắc, thì bà Thấu sấp ngửa chạy vào:
- Ông giết con tôi rồi! Bà hét lên rồi ngã ngất trước bậc thềm.

Cả đám người trong phòng họp lao ra ngoài công trường. Người ta rẽ lối cho ông Thấu vào. Có lẽ suốt cuộc đời, không bao giờ ông quên được cảnh ấy! Loan, cô con gái duy nhất của ông được đặt nằm trên một cái chiếu manh, đầu ngoẹo sang một bên. Ở bên mép rỉ ra một dòng máu đỏ hồng. Loan bị chết bởi một tai nạn mà ai cũng cảm thấy, nhưng không ai ngăn cản cả. Do đội ba thúng đất quá nặng, chạy trên một bờ đất chông chênh giữa hai thùng đấu sâu hoắm, cô đã trật chân rơi xuống…

Cô chết một cách tức tưởi, mới thấy đó bỗng mất đó… Ông Chắt Thấu ngồi xuống bên con một hồi lâu, rồi lảo đảo đứng dậy. Cả đám đông sụt sịt khóc. Họ thương Loan và cả chính ông…

Đám tang của Loan hôm ấy, cả công trường đi đưa. Đồng chí chỉ huy công trường đứng ra đọc một bài điếu văn dài, làm cho cả vạn nam nữ thanh niên đang từ không khí bi thương chợt thấy trong lòng hừng hực bốc lên ý chí dời non, lấp bể. Ông Thấu nhận ra cái vinh quang mà con gái ông sớm nhận được ở tuổi mười bảy. Đó là cả một điều an ủi rất lớn đối với ông. Cả đời ông, ngoài cái đám ma của địa chủ Cố Lơn năm 1939 mà ông được chứng kiến hàng ngàn tá điền khắp sáu xã đi đưa, thì chưa có đám ma nào trọng thể như đám ma con gái ông hiện nay. Cho dù ông là chủ tịch cái xã này, khi chết, may lắm được mấy chục ông bạn già đưa tiễn đã là an ủi lắm rồi. Ông đưa cái điều suy nghĩ đó ra nói với vợ vào một buổi chiều, sau đám tang một tuần lễ:
- Nó chết nhưng còn danh, còn tánh, chết vì bát gạo trắng của mọi người. Xóm Củi này biết, huyện này biết, tỉnh này biết. Rứa, coi như cũng đỡ tủi.

Bà Thấu trừng mắt ngó chồng, khóc nấc lên:
- Tôi không cần! Trả con gái tôi đây. Ba thúng đất đập lên đầu còn chi là con tôi, Loan ơi là Loan ơi!

Ông Thấu như bị hẫng đi sau câu nói của vợ. Ông nhớ lại hai con mắt rực lên như dại của bà nhìn ông hôm Loan chết.

Có lẽ, nếu con sông cứ được đào tiếp đủ sâu đủ rộng, bề thế, như một con sông thực thụ, đừng nghẹn lại giữa chừng mà chảy ra tới biển, thì có thể người ta đã suy tôn ông Thấu như một người anh hùng của Xóm Củi, thậm chí người ta đã tạc bia đá để tưởng nhớ con ông. Và điều quan trọng, là bi kịch trong lòng ông không trở nên trầm trọng. Thế mà, đất trên mộ con gái ông chưa kịp se lại, thì có lệnh trên ban xuống đình chỉ đào sông. Mọi người thu “cờ, đèn, kèn, trống” rút đi. Xóm Củi trở lại lặng tờ, cô tịch. Đất nham nhở và những phương tiện đào đất vứt chơ chỏng trên công trường, nom tiêu điều như thể vừa qua khỏi một biến động dữ dội của đất trời. Ông Thấu theo đoàn người Xóm Củi chạy ra bờ sông, nơi mà đám dân công đổ đất lên thành hai cái bờ cao như con đê khổng lồ, lòng ngẩn ngơ, đau xót.

Ông nuối tiếc không khí ngày hội diễn ra hàng tháng ròng trên cái xóm nghèo lẻ loi của ông.
Không ai bảo ai, từng người một bỏ ra về. Ông Thấu càng lẻ loi, chới với. Ông muốn mình có một sức mạnh như cái dạo ông đứng trên xe cút kít diễn thuyết cho từng ấy con người há hốc mồm ra nghe. Ông muốn dang hai tay ra giữ họ lại, trao cho họ cái cuốc, cái rổ, hô hào họ ra đào tiếp. Nhưng miệng ông cứng lại… Lệnh trên đã ban xuống.
*
Ông Chắt Thấu rời ghế chủ tịch xã giống như việc thay đổi vị trí của một bó củi từ bên này sang bên kia chiếc xe cút kít cho nó cân bằng. Những ngày cuối cùng ngồi ở trụ sở, ông như một ông từ giữ đền. Một mình với chiếc điếu thuốc lào, ông bỗng nghiệm ra cái cụm từ “Ông Chắt Thấu” vẫn yên ổn hơn nhiều cụm từ “Ông chủ tịch”. Nhưng đã quá muộn. Dân Xóm Củi cũng bắt đầu tỉnh ra, nhận thấy cái dạ dày lép kẹp cần được tống vào đó một cái gì cho nó co bóp. Người ta đã thôi nói chuyện đào sông, “cơ khí hoá”… Dân Xóm Củi lại đi kiếm củi như xưa, chỉ có cái khác là bây giờ sang chợ Gát bán củi, họ không còn đẩy được xe cút kít nữa..
Con sông đào cắt ngang chưa làm trọn cuộc hiện đại hoá, nhưng đã kịp buộc dân Xóm Củi đoạn tuyệt với cái phương tiện vẫn được coi là tân tiến của họ. Người đi chợ, gánh củi trên vai, lội qua con sông đào nước ngập đến bụng, lại leo qua hai bờ đất cao, mồ hôi chảy ròng ròng. Họ nhớ cái thời chở bằng xe cút kít, mà tiếc.

Những biến cố sau này ở Xóm Củi cứ như những nhát dao đâm vào lòng ông Thấu. Tuy đã thôi làm chức chủ tịch từ lâu, nhưng ông vẫn không dứt bỏ được quá khứ. Nhiều lúc ông ngồi ngẩn ngơ ngó đôi bờ sông nham nhở, rồi trút tiếng thở dài. Ông cứ khao khát, mong mỏi một cái giấy mời đi họp tỉnh như dạo nọ. Tất nhiên là không phải để nghe chuyện đào sông một lần nữa, mà để nghe những người ngày xưa đã chỉ đạo ông hô hào dân Xóm Củi đi đào sông, nay con sông không chảy được ra tới biển, thì họ cũng phải cho ông biết nguyên cớ tại sao. Để về, ông còn nói lại với dân Xóm Củi chứ… Không, tuyệt nhiên không có ai gọi ông lên để giải thích chuyện đó. Tất cả đều vụt lặn đi. “A! Ông chủ tịch!” Đang đi, Chắt Thấu nghe cái giọng xỏ lá của mụ Tam Pha. Con mụ ấy biết đích xác ông đã thôi chức chủ tịch mà vẫn gọi cái tên ấy để xỏ xiên ông. “Gớm, mời ông anh vô nhà em chơi đã! Bấy lâu, nghe ông anh nói, nghiệm, mới thấy trúng: Nhà em không có tinh thần chủ nghĩa xã hội nên cái thành quả mà các ông anh đào đắp, nhà em chẳng được hưởng!”

Ông Thấu rảo cẳng như bị ma đuổi. Tuy không ngoái lại, nhưng ông biết, cả Xóm Củi bây giờ chỉ có nhà mụ là mưa lụt không bị nước vô nhà. Nhà mụ nền đổ đá xanh cao cả mét, úng ngập ở đâu, mặc! Đời, nghĩ mà tức, khi cả xóm dỡ nhà mình ra, lót hố bom để thông xe vô Nam, đánh Mỹ, thì nó đi gom dù đèn, ống pháo sáng. Khi người ta trằn lưng ra đào sông, thì nó mổ lợn lậu, cất nhà gạch. Vậy mà nó còn dám ăn nói khinh khi ông như vậy đó! Buốt đến tận xương, tận tủy, nhưng cứng họng. Ông Thấu biết, khi con sông chưa chảy ra tới biển, thì người ta không thể phân biệt được đâu là công, đâu là tội. Cái con sông mà khi người ta kêu ông đào, ông tán thành, ông ủng hộ. Rồi về, ông vận động người ta có, ép buộc người ta có, đào đắp chán, cũng chỉ thành con sông cụt. Điều đau đớn hơn, là ông đã hy sinh cả đứa con gái duy nhất của mình vào đó. Giờ, con sông đã không chảy được, lại bỗng dưng, dựng lên hai con đê to chình ình. Trước hết, nó xé cái xã ông ra làm đôi, để bên kia sông, phần đất xưa nay cấy hái nhờ vào hệ thống nông giang dẫn nước từ trạm bơm Đại La về, nay bị con sông cắt ra làm nhiều khúc, gặp nắng, trơ đáy, nằm tênh hênh ngó trời. Cây mạ cắm xuống, bị gió Lào sớm về, thổi thông thốc, cứ rũ gục trên mặt ruộng cứng quàu quạu. Tệ hại hơn, bên này sông, Xóm Củi cứ động mưa kéo cho ít ngày là bị bờ sông ém lại, nước dâng lên xâm xấp nền nhà. Cây mít già, trong vườn ông Thấu chịu được một vụ mưa bỗng đứng đực ra, rũ lá, rụng xuống thối ủng quanh gốc. Cây cam sành, cây bưởi đào cũng không trụ được lâu hơn, lần lượt héo khô rồi chết. Ông Thấu cắn răng, nhờ mấy thằng cháu con ông anh sang chặt đem đi chợ Gát đổi gạo. Một mùa úng, hai mùa úng, cây cối ở Xóm Củi cứ thay nhau trút lá, chết gần hết. Chừng ấy cũng đã đủ để ông Thấu đau khổ, nay lại thêm những lời xỉa xói của mụ Tam Pha nữa. Như người mất trí, ông Thấu hùng hục bước đi mà không biết đêm đã xuống.

Thấy ông Thấu về tới ngõ, lão Thuật nhà bên đang gánh nước rửa chân trước bậc thềm, nói vọng ra:
- Mô về Chắt Thấu?
Người làng cũng đã không gọi hai tiếng “ông Chắt” vừa thân mật, vừa tôn trọng như khi ông còn làm chủ tịch nữa, mà phần đông cứ gọi ông bằng cái tên trần trụi ấy.
Lão Thuật tiếp:
- Có cái con sông cũng hay, Chắt Thấu hỉ, ngồi trên giường thõng chân xuống là rửa được, tiện đáo để!

Ông Thấu tím mặt lại. Đến cả cái lão láng giềng vốn hiền lành này mà còn dở cái giọng xát muối ấy, không trách thằng Cu Nghệ, đáng tuổi con, tuổi cháu ông, dám leo lên cây ổi, tuột quần ỉa, thấy ông còn nhe răng cười:
- Tui thấy từ ngày đào con sông, đến đi ỉa cũng khoái, vừa ngồi vừa nghe nhạc bì bõm cũng vui, ông Thấu hè!

Chắt Thấu băm băm bước vô nhà, gằn giọng với vợ:
- Mai tôi chuyển nhà đó, lên Truông Bát mà ở!

Sáng hôm sau, mặc cho bà Thấu chẳng hiểu mô tê gì cứ tru tréo chửi ông gàn, ông Thấu vẫn lần lượt dỡ nhà trên, nhà dưới, chuyển lên một cái thung đất dưới chân Truông Bát, cất nhà. Dân Xóm Củi thấy vậy, nhìn ông hỏi:
- Chi rứa, Chắt Thấu?
Ông chỉ ừ hử qua chuyện rồi xăm xắm bước đi.
*
Nghe bà Thấu báo tin ông Thấu ngộ bệnh, hai thằng cháu ở Xóm Củi làm vội cái cáng bạt bế ông Thấu đặt vào, khiêng chạy xong xóc lên bệnh viện cấp cứu. Nhưng ở bệnh viện nằm được một tháng thì người ta trả về. Mọi người đến thăm, bàn tán, thầm thì, riêng Cu Nghệ thì nói choang choáng:
- Thời buổi không có tiền lo thì chết!

Thực tế, bệnh ông Thấu cũng đã trầm trọng lắm. Một mình ông vừa san đất, cuốc núi, vừa chuyển nhà. Thỉnh thoảng lại còn phải kiếm một xe củi cho bà Thấu đem đi chợ Gát đổi gạo nữa. Ráng quá sức, bổ bệnh lao, người ông quắt lại, khô đét như que củi.

Mỗi bữa, bà Thấu ráng bón cho chồng vài thìa nước cháo. Đôi mắt của ông Thấu đục lờ như tách biệt với cuộc sống. Cho đến một đêm, bà Thấu trở dậy, linh tính thấy khang khác, bà vội châm đèn, đến ngồi bên ông. Đôi tay già nua của ộng Thấu khẽ đặt lên tay vợ. Toàn bộ sinh lực trong người ông như dồn vào đôi mắt, đẩy cái màng tinh thể đục lờ ra một khoảng vừa đủ xuất hiện một đốm sáng, cháy rực lên, vừa tha thiết với cõi thế, vừa yếu đuối, sợ hãi với người đời. Giọng phều phào, ông cố hỏi:
- Có… ai… nói… chi… chi… tui… không… bà?

Bà Thấu không dám nghĩ đến cái điều đang xảy ra ấy. Bám lấy đôi vai của chồng, như bám lấy một điểm tựa để giải thoát sự sợ hãi, bà không dám rời ánh mắt ông. Ở đó, nơi khoé mắt, hai giọt nước trong vắt đang ứa ra. Miệng ông Thấu lắp bắp. Bà nghe một tiếng gọi như thoát ra từ một nơi nào đó, sâu thẳm trong lòng ông:
- Bà tha tội cho tôi nha!

Rồi ngay thuỗn ra, ông chết!

Bà Thấu sấp ngửa, chạy như điên về Xóm Củi. Cái tin “Ông Chắt đi rồi!” được người ta lặng lẽ báo cho nhau rất nhanh. Bà Thấu cũng không ngờ dân Xóm Củi vẫn đối xử với ông Thấu như thế. Lâu nay vào ra như chiếc bóng với ông. Bỗng dưng bà cũng bị nhiễm cái mặc cảm của ông. Chính bà tuy không hiểu hết những gì xảy ra trong lòng ông, nhưng cuộc sống của bà cũng dần dần khép lại, lẩn tránh như một người phạm tội. Lẽ ra lúc ông nói lời cuối cùng, bà phải bảo: “Không, không ai có quyền nói gì cả, người có tội, không phải là ông!”. Nhưng dầu sao cũng đã muộn. Bà Thấu như người mất hồn, mặc cho Cu Nghệ bàn với ông anh ruột của chồng:
- Bác bảo bà ấy đem bán cái đài Sony đi mà sắm cho ông ấy cỗ áo…

Ngẫm nghĩ lời Cu Nghệ một lúc, ông bác cất cái đài cũ đi rồi về nhà chở bộ ván gụ của cụ Thấu đổi cho hồi nào sang, bảo với bà Thấu:
- Cả đời chú ấy chỉ ước làm cho dân no, dân ấm, không ngờ lại chết trên cái chõng tre ọp ẹp. Thôi, có bộ ván tốt mình nên nhường cho chú ấy, kẻo tội!

Cu Nghệ thêm:
- Bác nói phải! Khi trước nghe ông ấy nói tới cái giường lò xo, tui cũng ước có một cái để nằm thử, ai ngờ, kết cục lại thế này. Nhưng cũng tại bà con mình bác ạ! Ai cũng muốn được yên thân, muốn có một ông chủ tịch hiền lành dễ nói và nhất là không sợ bị ăn bớt, ăn chặn phần thóc của nhà mình!

… Đợi cho những người dân Xóm Củi đi đưa ông Thấu về hết, thằng Trương mới lái xe “Mô kích” chở mụ Tam Pha đến nơi mộ bố con ông Thấu nằm. Mụ đốt một bó hương to, xẻ làm đôi, cắm lên cả hai phần mộ, rồi quỳ xuống khấn:
- Nhà em cũng vì miếng cơm manh áo mà phải bươn bả làm ăn. Sinh thời, đôi lúc có làm bác giận. Nay, xin cầu chúc cho bác “sống khôn, thác thiêng”, “phù hộ độ trì” cho mẹ con em được yên ổn làm ăn.

Chiếc xe Mô kích của thằng Trương chạy vút đi.
Tất cả chìm dần trong màn đêm. Chỉ có hai bó hương cháy trên mộ của bố con ông Thấu là cứ rực lên như hai con mắt.

Nguyễn Tiến Lộc (2009)

 








 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top