Truyện Dã Sử của Ngô Viết Trọng: Món Quà của Một Kẻ Hồi Tâm

Truyện Dã Sử Ngô Viết Trọng


Bộ Đại Việt Sử Lược đã được Trần Ích Tắc viết trong trường hợp nào?

       Sau khi đưa được gia quyến sang Tàu, Trần Ích Tắc đã được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cấp một dinh thự tại Ngạc Châu để ở. Nguyên chủ cũng ban cho ông nhiều bổng lộc nên gia đình ông vẫn có mộtcuộc sống sung túc.
Nghe tiếng Ích Tắc là một học giả uyên thâm của nước Nam, các nhân sĩ bản địa ái mộ ông, tìm đến làm quen cũng nhiều. Vốn yêu chuộng giới văn nhân, ông cho dựng phía sau dinh thự một ngôi nhà nhỏ khá xinh xắn để tiếp đón họ. Người ta vẫn quen gọi ngôi nhà ấy là “Văn Hữu Đình”. Lâu lâu ông lại mời các văn nhân tụ họp ở đó một lần để đàm luận văn chương, ngâm thơ vịnh cảnh. Những cuộc họp mặt này đã giúp ông khuây phần nào nỗi nhớ quê nhà và cũng làm dịu bớt những xáo trộn đang diễn ra trong lòng ông.
Với ông, lối sinh hoạt văn nghệ đó cũng không phải mới mẻ gì. Khi còn ở Thăng Long, ông đã từng mở một nhà học ở bên hữu phủ đệ để chiêu tập văn sĩ bốn phương, dạy họ học tập, trau dồi văn chương. Ông còn giúp các phương tiện, chu cấp cơm áo cho những học trò nghèo khó. Việc làm ấy đã khiến ông được từ vua quan tới dân chúng nức lòng ca ngợi. Đó là thời gian sống ý nghĩa nhất trong cuộc đời quí tộc của ông.
Trên bước đường lưu lạc quê người mà tìm lại được ít nhiều hình ảnh thân ái cũ như thế còn gì vui hơn? Vì thế, ông rất trân trọng những buổi họp mặt văn nhân ấy. Ở đó ông đã tìm được những niềm vui hợp với tâm tính của ông. Ông cũng biết những cuộc vui này sẽ không kéo dài được bao lâu nữa. Vui ngày nào hay ngày đó thôi! Ông sắp nhận lãnh một sứ mạng quan trọng, một sứ mạng ai cũng biết rất dễ làm biến đổi tâm hồn con người!

Vua Tàu hứa hẹn phong làm An Nam quốc vương.

Ngay khi mới sang Tàu ông đã được Nguyên chủ cho yết kiến. Sau những lời khen ngợi, vỗ về, Nguyên chủ lập nghiêm phán: “Trẫm đã cho người sắp xếp nơi ăn chốn ở chu đáo cho gia đình khanh. Nếu thấy điều gì không thuận tiện, khanh cứ báo cho viên quan sở tại biết, y sẽ lo đầy đủ theo ý khanh. Sắp tới đây trẫm sẽ phong khanh làm An Nam quốc vương. Khanh sẽ được đưa trở về An Nam để thay tiếm vương. Trách nhiệm đó không phải nhỏ, khanh phải gắng học hỏi thêm để gánh vác. Từ giờ phút này khanh được phép nghỉ ngơi an dưỡng một thời gian để chuẩn bị. Khi cần trẫm sẽ có chiếu triệu”.
Nguyên chủ đã truyền lệnh chứ không phải hỏi ý. Ích Tắc chỉ biết dập đầu lạy tạ ơn. Ông sẽ trở thành An Nam quốc vương! Khi nghe Nguyên chủ nói vậy, tuy vui mừng nhưng ông cũng không khỏi bàng hoàng! Thật tình ông ra đầu hàng chỉ vì quá khiếp sợ quân Nguyên chứ làm gì dám mơ tới chuyện được làm vua!
Với người Nguyên, ông đã mang sẵn một ý niệm không tốt. Từ thuở nhỏ ông đã được nghe chính người trong gia đình kể lại sự tàn bạo ghê gớm của quân Mông Cổ. Như trận chiến cuối năm Đinh Tỵ (đầu 1258), khi chúng chiếm được Thăng Long, thấy một trong 3 viên sứ của chúng vì bị trói mà chết, chúng đã nổi giận tàn sát hàng ngàn dân trong thành để trả thù. Mới đây, khi quân Nguyên thanh toán cứ điểm Nhai Môn (đảo Hải Nam, 1279), họ đã giết hơn mười vạn người, trong đó có cả vua Triệu Bính và hầu hết triều thần nhà Tống. Hình ảnh tàn bạo đó đã khắc sâu vào tâm trí khiến ông mất hết tinh thần. Ông nghĩ các đế quốc lớn mạnh như Đại Kim, Nam Tống còn bị Mông Cổ tiêu diệt thì một nước nhỏ như Đại Việt làm sao khỏi bị xóa sổ? Vì thế, khi thấy quân Nguyên tấn công quân Trần ác liệt quá, ông vội đem cả gia quyến ra hàng.
Ích Tắc là chú ruột của vua Trần Khâm (Nhân Tông). Cùng ra hàng với ông còn có ba vị tôn thất khác là Trần Kiện, Trần Lộng và Trần Tú Viên. Trong bốn gia đình quí tộc ấy, gia đình Ích Tắc được Thoát Hoan ưu đãi hơn hết. Y đã cho một lực lượng đặc biệt bảo vệ khi đưa gia đình Ích Tắc về Tàu. Mãi tới khi được vào yết kiến Nguyên chủ, Ích Tắc mới rõ người Nguyên đặc biệt ưu đãi ông vì họ đã có chủ ý lợi dụng ông.
*

Nước Đại Việt đã không bị xóa sổ như Trần Ích Tắc nghĩ. Nhờ tài dụng binh của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, cuối cuộc chiến quân nhà Trần đã đánh bại được quân Nguyên. Các danh tướng của nhà Nguyên như Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán… đã bị tử trận. Bản thân Thoát Hoan đã phải chui vào ống đồng cho quân sĩ lăn đẩy chạy trốn về nước. Trần Lộng và Trần Tú Viên may mắn chạy thoát sang Tàu an toàn. Riêng Trần Kiện chạy đến ải Chi Lăng thì bị quân Nam bắn chết. Thuộc liêu của Kiện là Lê Trắc đem xác Kiện chôn ở Khâu Ôn rồi cũng trốn sang Tàu.
Đầu năm 1286, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, Trần Tú Viên làm Phụ Nghĩa công, Lê Trắc làm Tòng thị lang, lãnh chức Chỉ huyện Lệnh doãn. Lê Trắc chỉ là thuộc liêu của Trần Kiện nhưng được bổ chức lớn ngay vì y vốn là người học rộng, trước kia đã từng được vua Trần Cảnh cho hầu cận để giảng sách và phong tới chức Thị Lang. Các quan An Nam đã đầu hàng và chạy theo quân Nguyên khác cũng đều được phong chức tước theo thứ bậc khác nhau, chuẩn bị sẵn sàng phò Trần Ích Tắc về nước xây dựng một guồng máy cai trị mới.
Nguyên chủ lại ra lệnh cho thái tử Thoát Hoan cùng các tướng Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ chuẩn bị binh lực, lương thảo để hộ tống Trần Ích Tắc về nước.
Thoát Hoan nhận mệnh nhưng không hăng hái lắm. Có lẽ những cái chết của bọn Toa Đô, Lý Quán, Lý Hằng và nhất là vụ chính bản thân y phải chui ống đồng để tránh tên độc khi rút chạy lần trước còn ám ảnh nên y cứ chùng chình mãi. Đến cuối năm 1287 Thoát Hoan mới chính thức xuất quân.
Trước khi Thoát Hoan xuất quân, Ích Tắc nhận được lệnh đi theo quân Nguyên để về tiếp thu đất An Nam. Lệnh này làm Ích Tắc vừa mừng vừa lo. Mừng vì ông sắp chính thức làm vua nước An Nam. Lo vì phải đi theo trong quân rất dễ gặp chuyện rủi ro. Ông vẫn chưa quên vụ chú ông là Trần Di Ái trước đó 5 năm cũng được người Nguyên đưa về làm An Nam quốc vương (1282) đã bị thất bại. Vừa đến biên giới đội quân hộ tống đã bị quân nhà Trần đánh tan tác, Di Ái bị bắt rồi bị xử đày ra làm lính suốt đời! Nhưng với lệnh quan trọng này ông không cách nào thoái thác. Dù sao lần này ông cũng được vững tâm hơn vì có Trấn Nam vương Thoát Hoan đưa đại quân trấn áp quân Nam trước chứ không như Trần Di Ái chỉ có một nghìn quân bảo vệ. Ông cho mở một bữa tiệc tại tư dinh để tạm chia tay với thân quyến. Khi mọi người đã tập trung đầy đủ, ông tuyên bố:
-Hoàng thiên có mắt, ngài không bao giờ phụ kẻ có đức, có lòng! Từ năm ngoái, thiên tử đã phong cho ta tước vị An Nam quốc vương. Nhưng lúc đó tình hình An Nam còn nhiễu nhương sóng gió do tiếm vương và lũ ngụy quan cản trở nên ta chưa thể về nước nhậm vị được. Bây giờ tình thế đã khác, binh trời đã sẵn sàng tiếp tay ta. Ngày mai ta sẽ chính thức trở về An Nam! Mục đích chuyến hồihương của ta là kịp thời cứu vớt dân An Nam thoát khỏi tai ách binh lửa! Nếu tiếm vương và bọn ngụy quan vẫn ngoan cố chống lại mệnh trời, nhất định chúng sẽ bị binh trời tiêu diệt! Vậy, tất cả hãy cùng ta nâng chén rượu để mừng ngày ta đứng ra gánh vác trách nhiệm do thiên tử giao phó! Ta nhất định sẽ đưa nước An Nam đến chỗ hòa bình, thịnh vượng! Dân An Nam từ đây sẽ có một cuộc sống an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc lâu dài.
Mọi người đều vui vẻ nâng chén hô vang:
  • An Nam quốc vương thiên tuế! An Nam quốc vương thiên tuế!
Cạn chén xong, Ích Tắc tự rót một chén khác nâng lên rồi tiếp:
-Ta nghĩ chén rượu chia tay cũng là chén rượu mừng ta dấn thân gánh vác một sứ mạng trọng đại! Chỉ nay mai tất cả chúng ta sẽ được quần tụ ở nơi chôn nhau cắt rốn của chúng ta! Đó là một điều đáng mừng phải không các ngươi?
Mọi người lại đồng loạt hô vang:
-Đáng mừng lắm! Đáng mừng lắm! Đáng mừng lắm!
Trần Ích Tắc lại tiếp tục dõng dạc:
-Ngày mai ta sẽ theo quân thiên triều đi trước! Các ngươi hãy tạm ở lại Ngạc Châu với vương phi. Mọi sinh hoạt ở đây vẫn bình thường dưới sự điều hành của vương phi. Khi nào sắp đặt xong mọi việc ta sẽ cho người về đón rước vương phi cùng các ngươi!
Vương phi dâng chồng một chén rượu:
-Xin chúc mừng vương gia! Nhân tiện, thiếp cũng xin dặn dò đôi lời: Đất An Nam vốn lắm nhân tài, vương gia không nên coi thường! Xin phải hết sức cẩn thận mới được! Thiếp buộc lòng phải nói thẳng: Các danh tướng Toa Đô, Lý Hằng vẫn không giữ mình nổi thì đủ biết! Một lần nữa, thiếp xin nhắc vương gia phải hết sức cẩn thận!
Ích Tắc hơi bực mình vì những lời dặn dò chân chất ấy. Ông cau mặt nói cứng:
-Biết rồi, vương phi khỏi phải lo xa! Đã có 50 vạn quân của Thái tử Trấn Nam vương đi trước san bằng mọi trở lực mình còn lo cái nỗi gì?
-Vậy thì thiếp an tâm. Vương gia định đem ai theo hầu hạ?
-Cho Bùi Đây, Bùi Đó theo để ta sai bảo là đủ. Chúng lanh lẹ, lại rất hiểu ý ta. Ta chỉ hơi lo việc Bá Ý đang bệnh, vương phi phải gắng săn sóc cho con sớm lành. Còn Dục nhi được trời cho khỏe mạnh, thông minh, ta muốn đem nó theo cho vui và tiện thể kềm cặp chữ nghĩa cho nó luôn. Chỉ ngại nó còn quá nhỏ. Vương phi thấy thế nào?
Trần Dục là con thứ của Ích Tắc, em của Bá Ý, lúc đó mới lên 9 nhưng thông minh khác thường. Nghe cha nói với mẹ như thế, Dục vội bước ra xá hai người mà thưa:
-Hài nhi muốn được đi với phụ vương! Xin mẫu phi bằng lòng!
Nghe Dục nói vậy Ích Tắc vui mừng lắm:
-Thế thì quá hay! Vương phi nên cho Dục nhi theo ta. Bất quá là nửa năm nữa mẹ con sẽ gặp nhau ở Thăng Long chứ có gì mà lo!
Vương phi trìu mến nhìn Trần Dục:
-Được, con hãy chuẩn bị đi với phụ vương. Phải luôn ngoan ngoản nghe phụ vương dạy bảo con nhé!
-Đa tạ mẫu phi. Hài nhi xin hứa!
Bữa tiệc gia đình của Ích Tắc hôm đó tuy để chia tay nhưng vẫn trọn vui.

*
Khi Trần Ích Tắc đến quân doanh thì gặp Lê Trắc và một số quan chức An Nam đã đợi sẵn. Họ đồng loạt vái chào Ích Tắc:
-Chúng thần xin bái kiến vương gia!
-Miễn lễ! – Trần Ích Tắc xua tay.
Lúc bấy giờ Lê Trắc đã làm quan với nhà Nguyên nhưng cũng tự nguyện xin theo Ích Tắc về nước. Lê Trắc tới gần Ích Tắc khấu đầu thưa:
-Kính chúc vương gia sớm thành nghiệp cả! Thần xin theo đỡ đần một tay, mong được vương gia thu dụng.
Trần Ích Tắc vui mừng nói:
-Tốt lắm! Ta cứ ngại thiên tử không cho ông theo ta thôi. Ông làm tham mưu cho ta thì còn gì hay hơn!
-Đa tạ vương gia. Thần sẽ hết lòng phò tá!

*

Thoát Hoan đã chia quân thành nhiều đạo cùng tiến vào đất Việt. Một đạo tiến thẳng qua ải Nam Quan, một đạo tiến qua ải Khả Lợi, một đạo từ Vân Nam tiến thẳng xuống Tam Đái… Đạo quân thủy củaÔ Mã Nhi gồm 500 chiến thuyền theo đường biển đi tắt vào cửa Vạn Ninh. Tướng Trương Văn Hổ chỉ huy một đạo quân thủy khác chở 70 vạn thạch lương thực và khí giới cũng theo đường biển theo sau tiếp ứng. Tất cả các đạo hẹn nhau cùng hội tụ ở Thăng Long.
Riêng Trần Ích Tắc được Thoát Hoan phái 3 tướng Sảnh Đô Sự, Đạt Vạn Hộ và Tiều Thiên Hộ chỉ huy 5.000 quân hộ tống lục tục đi sau.
Trên đường tiến quân, mấy lời dặn dò của vương phi cứ ám ảnh Ích Tắc mãi. Bà đã lấy cái chết của Toa Đô và Lý Hằng để nhắc ông phải cẩn thận. Toa Đô là một viên tướng rất kiêu dũng, thiện chiến. Y đã lập được nhiều chiến công lừng lẫy khi triệt hạ các thành Tương Dương, Phàn Thành của nhà Tống. Chiến công của y càng vang dội hơn trong các chiến dịch ở Giang Nam. Thế mà tới đất Việt y đã phải bỏ xác! Lý Hằng cũng lập rất nhiều chiến công trong việc triệt hạ các thành Tương Dương, Phàn Thành. Y cũng là một trong những vị tướng đã đánh tan đạo binh dũng liệt của Văn Thiên Tường nhà Tống và cũng tham gia triệt hạ căn cứ Nhai Môn. Thế mà đến Đại Việt y cũng phải gục ngã! Nghĩ đến đó Ích Tắc cảm thấy rùng mình, trong lòng không yên.
Khi qua huyện Tư Minh, ông nói với Lê Trắc:
-Không hiểu sao mấy hôm nay ta thấy trong người mệt mỏi khó chịu quá. Vừa ra quân đã gặp tình trạng này ta biết tính sao đây?
Lê Trắc biết tỏng tâm trạng của Ích Tắc nên thưa:
-Chắc vương gia nhuốm bệnh rồi, ra trận sẽ không tiện. Vương gia cứ tạm ở lại Tư Minh chữa cho khỏe đã. Thần sẽ phò vương tử Dục đi thay vương gia cũng được!
Ích Tắc sáng mắt lên, nói:
-Ý kiến của ông rất hay! Ông chịu khó phò vương tử Dục đi trước. Lành bệnh ta sẽ nối gót sang An Nam ngay. Cố gắng lên nhé! Nếu chuyến đi này thành tựu, công đầu sẽ thuộc về ông!
-Vương gia cứ yên tâm. Thần xin nguyện hết lòng lo mọi việc!
Thế là Trần Ích Tắc cùng một số quan chức và hai tên nô bộc Bùi Đây, Bùi Đó thuê chỗ ở một tửu lâu tại huyện Tư Minh để tạm nghỉ.

Ngôi vị An Nam quốc vương trở ngại ngay từ bước đầu

Khi đội quân hộ tống Trần Dục và Lê Trắc tiến vào ải Nội Bàng không may lại lọt phải một ổ phục kích của quân Nam. Một trận mưa tên tẩm độc đã xối xả trút lên đầu họ. Tướng Sảnh Đô Sự tử trận ngay phút đầu. Rất nhiều quân sĩ bị giết, bị thương hoặc bỏ chạy tán loạn. Hai tướng Đạt Vạn Hộ, Tiều Thiên Hộ chỉ huy số kỵ binh còn lại liều chết phá vòng vây, bảo vệ Trần Dục và Lê Trắc chạy thoát về biên giới.
Hôm ấy Trần Ích Tắc đang nóng ruột đợi tin tức chiến sự thì Bùi Đây dẫn Lê Trắc và Trần Dục vào ra mắt. Thấy cả hai đều áo quần tơi tả, Ích Tắc hoảng hốt:
-Sao các ngươi ra nông nỗi này? Việc gì đã xảy ra?
Trần Dục nhào đến ôm cha khóc òa:
-Khiếp quá phụ vương ơi! Chết hết cả rồi!
Trần Ích Tắc tái mặt lắp bắp hỏi dồn:
-Chuyện gì? Chuyện gì? Sao chưa chịu nói cho ta nghe?
Lê Trắc thưa:
-Xin vương gia hãy bình tĩnh! Cuộc thất bại này do lỗi lầm của tướng Sảnh Đô Sự gây ra. Khi tiến vào ải Nội Bàng, bởi ỷ rằng đại quân đi trước đã quét sạch quân giặc nên ông ta không đề phòng. Chính ông ta làm tiên phong dẫn quân ta vào nhằm chỗ hiểm quân giặc đã mai phục. Quân Nam bắn tên độc như mưa khiến tướng Sảnh Đô Sự cùng rất nhiều quân sĩ bị tử trận. Hai tướng kia cùng hạ thần phải cố sức lắm mới bảo vệ được vương tử Dục thoát khỏi vòng vây. Đội quân ra đi 5.000 người giờ còn không tới một trăm mạng!
-Thế Thái tử Trấn Nam vương và các đạo quân khác ra sao?
-Thần chưa nghe được tin tức gì cả.
Ích Tắc xúc động sa nước mắt:
-Thôi rồi, mộng ước ta ôm ấp bao lâu nay đã thành mây khói! Giờ ta làm sao ngẩng mặt nhìn thiên hạ đây?
Lê Trắc miễn cưỡng trấn an:
-Vương gia chớ vội thất vọng. Nhà binh thắng bại là chuyện thường. Dù sao trận vừa rồi cũng chỉ là một trận nhỏ. Đạo quân hùng hậu của Trấn Nam vương đã tiến sâu vào lãnh thổ An Nam, lẽ nào không thành công? Biết đâu bây giờ Thái tử đã bắt được tiếm vương hay Hưng Đạo vương rồi? Vương gia hãy giữ sức khỏe để đợi tin lành!
Nghe có lý, Trần Ích Tắc lau nước mắt:
-Ừ, thì ta cũng chỉ cầu mong có thế! Vậy, theo ông nghĩ ta giờ đây nên làm gì?
-Việc thất trận này đã có người chịu trách nhiệm. Thần đã lạm thu xếp mọi chuyện với hai tướng Đạt Vạn Hộ và Tiều Thiên Hộ rồi. Không cần suy nghĩ gì thêm nhức óc. Vương gia cứ trở về Ngạc Châu nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Khi nhận được tin tức về cuộc Nam chinh, thế nào thiên tử cũng sẽ ban chỉ thị mới!
-Ông nói có lý. Ta xin nghe theo. Còn ông?
-Thần xin trở về nhiệm sở cũ.

Trần Ích Tắc đã trở về Ngạc Châu với bao nỗi ray rứt. Mới xuất hành đã thất bại, phải chăng đây là một điềm báo không tốt? Đạo quân chinh Nam của Thoát Hoan cực kỳ hùng mạnh, được chuẩn bị kỹ càng hơn lần trước nhiều chẳng lẽ lại thất bại nữa? Ngày ngày ông cứ sốt ruột đợi tin. Nhưng một tháng, hai tháng rồi ba tháng lần lượt trôi qua… Nguyên triều vẫn lặng lẽ chẳng nhắc nhở gì đến ông. Biết đâu thiên tử không cần tới ông nữa? Rồi đây ngôi vị An Nam quốc vương sẽ đi về đâu? Những câu hỏi mông lung ấy cứ hành hạ ông mãi khiến chẳng bao lâu cơn bệnh giả của ông đã trở thành bệnh thật! Ông phải nằm liệt giường suốt hai tháng.

Biết được giá trị con người không phải ở chỗ thua hay được, mất hay còn mà chính là ở tư cách sống đạo lý thì đã muộn!

Thấm thoắt đã nửa năm trôi qua. Suốt thời gian này Ích Tắc chẳng có lần nào rảnh tâm để săn sóc việc học hành của con cái. Từ khi được Nguyên chủ cấp nhà cửa và lương ăn cho gia đình ông ở Ngạc Châu, ông đã cho ba cậu con trai Trần Bá Ý, Trần Dục và Trần Thanh theo học ba thầy đồ khác nhau. Trần Bá Ý 14 tuổi, ông đã gởi du học xa nhà. Hôm ấy nhằm ngày các con ông nghỉ học. Thấy người đã hơi khỏe, trong lòng vui vui, ông cao hứng đi thẳng vào nhà học của các con. Hai cậu con trai hớn hở đứng dậy chào:
-Chúc mừng sức khỏe phụ vương bình phục!
-Được rồi, các con cứ ngồi tại chỗ!
Thế rồi ông đến chỗ của Trần Dục biểu lấy sách vở lật các bài học, bài tập ra cho ông xem. Ông cũng hỏi kiểm tra Dục một số đề tài đã học. Thấy Dục trả lời thông suốt cả ông rất hài lòng.
Kiểm tra Dục xong ông lại đến kiểm tra Trần Thanh – em của Dục – mới 8 tuổi. Thanh cũng tỏ ra xuất sắc chẳng kém gì Dục khiến ông hết sức hả dạ. Ông tươi cười nói:
-Ta rất tự hào về các con. Các con thật xứng đáng là con giòng cháu giống! Chắc hẳn bạn bè nể phục các con lắm. Các con có thấy hãnh diện không?
Trần Dục nhanh chóng đáp:
-Hài nhi thấy hãnh diện lắm chứ!
Nhưng Trần Thanh lại lộ vẻ tiu nghỉu không đáp khiến Ích Tắc ngạc nhiên hỏi:
-Tại sao con không trả lời? Hay có điều gì đã làm con buồn?
Trần Thanh sợ sệt run run nói:
-Bẩm phụ vương, hài nhi…, hài nhi…
Thấy Thanh ngập ngừng ông sốt ruột hỏi gắt:
-Tại sao không nói? Có chuyện gì xảy ra?
-Bẩm… có một số bạn học không chơi với hài nhi, chúng khinh miệt hài nhi…
-Tại sao thế? Chúng nó nói thế nào?
-Bẩm phụ vương, chúng nói “cha trò xứng đáng gì mà đem khoe”!
Ích Tắc tái mặt, giận run lên. Nhưng ông cố giữ giọng bình tĩnh nhỏ nhẹ hỏi con:
-Con nói sao mà chúng lại nói như vậy? Phải thuật rõ đầu đuôi cho ta nghe!
-Bẩm, trước đó nhiều bạn học cũng tỏ ra nể phục hài nhi lắm. Hôm ấy, vào lúc ra chơi, có một đứa khen hài nhi “sao trò là người An Nam mới sang mà học quá giỏi vậy”? Hài nhi cảm thấy sung sướng nên nói “tôi giỏi cũng không có gì lạ vì thân phụ tôi là người thông kim bác cổ nhất nước An Nam”. Không ngờ một đứa khác nghe thế liền mắng “cha trò xứng đáng gì mà đem khoe, cha trò có viết nổi bài “Chính Khí Ca” như ngài Văn Thiên Tường không”? Một đứa khác nữa lại hỏi “cha trò có dám sống chết với vua như ngài Lục Tú Phu không”? Thế là cả bọn cười vang lên. Từ đó nhiều đứa trước đây chơi thân với hài nhi giờ cũng xa lánh hài nhi…
Ích Tắc nghe đến đây bỗng kêu lên:
-Trời ơi, lại có chuyện thế này nữa sao?
Trong cơn xúc động, ông sùi bọt mép, ngã lăn ra… Trần Dục, Trần Thanh hoảng hốt kêu khóc ầm lên. Người nhà vội xúm nhau đưa ông lên giường để săn sóc.
Câu chuyện vừa xảy ra đã làm ông mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày. Trời ơi, thế là hỏng hết cả rồi! Văn Thiên Tường là một vị Tể tướng của nước Nam Tống. Khi quân Nguyên xâm lăng Nam Tống, ông đã cương quyết chống cự đến cùng. Vì yếu thế, ông bị quân Nguyên bắt sống. Nguyên chủ quí trọng tài đức của ông nên đã hết lòng chiêu dụ ông, muốn trao chức Thừa tướng cho ông. Nhưng ông đã quyết liệt từ chối, quyết lấy cái chết để đền ơn nước. Trong thời gian bị quân Nguyên giam giữ ông đã viết một danh tác bất hủ là “Chính Khí Ca” để tỏ chí mình. Lục Tú Phu cũng là một danh thần củanhà Nam Tống, giữ chức Tả Thừa tướng. Khi kinh đô Lâm An thất thủ, ông phò vua bôn ba nhiều nơi, cuối cùng về cố thủ ở căn cứ Nhai Môn. Khi Nhai Môn bị vây hãm tuyệt vọng, ông cõng vua nhảy xuống biển tử tiết chứ không chịu đầu hàng. Đem hai nhân vật anh hùng tiết liệt ấy ra đối chiếu với ông tức là đã “chôn sống” ông rồi! Ai đã dạy cho những thằng nhỏ ấy nói thế? Chắc hẳn là bọn nhà nho yêu nước rồi!
Từ đó Ích Tắc đâm ra mặc cảm luôn với giới nho học. Ông tự thấy hổ thẹn cho mình. Khi gặp hạng người này dường như ông mất hết cả phong thái tự nhiên. Ý định mở lại các cuộc sinh hoạt tại “Văn Hữu Đình” để tìm niềm vui của ông do đó cũng tiêu tan.
Chắc hẳn hai cái tên Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu đã in sâu vào trí óc đứa con lên 8 của ông! Hiện tại nó có thể chưa biết những nhân vật ấy là ai nhưng rồi trước sau nó cũng sẽ biết! Khi đó nó sẽ nghĩ về ông thế nào? Ông biết biện minh làm sao đây? Làm sao tẩy xóa được cái vết tích mọc mầm và sẽ lớn dần theo tuổi tác trong lòng đứa trẻ?
Còn vụ Trần Dục nữa! Nghĩ tới Dục ông cũng hết sức hổ thẹn. Chỉ vì quá sợ hãi cảnh chết chóc, ông đã giả bệnh để đẩy Dục đi thay mình sang đất Việt trong tình trạng chiến tranh! Rất may, Dục đã thoát được sự hiểm nguy. Nếu Dục có mệnh hệ nào chắc ông phải ân hận suốt đời. Nghĩ đến đây ông bất giác trào nước mắt…

Giờ thì ông đã thấy rõ giá trị con người không phải ở chỗ thua hay được, mất hay còn mà chính là ở tư cách sống hợp đạo lý hay không! Ông Văn Thiên Tường, ông Lục Tú Phu tuy không còn trên cõi đời nhưng họ vẫn được dân chúng ngưỡng mộ nhắc nhở! Còn ông dù được thiên tử quí chuộng, có chức tước, sống sờ sờ mà vẫn bị mấy đứa học trò nhỏ miệt thị! Điều khốn nạn nhất là nỗi khổ này ông lại không thể hé môi chia sẻ với cả những người thân yêu, gần gũi nhất với ông!
Trong lúc ông đang đau khổ tột cùng thì Lê Trắc đến thăm. Gặp được người đồng cảnh ông hết sức vui mừng. Ông liền mời Lê Trắc vào phòng riêng để giãi bày tâm sự. Khi nghe xong câu chuyện đã xảy ra cho Trần Thanh, Lê Trắc than:
-Khổ quá, điều tệ hại này trước đây thần chưa hề nghĩ tới! Giờ chỉ còn biết trông sao cho cuộc Nam chinh của Trấn Nam vương thành công. Chỉ có con đường trở về An Nam chúng ta mới có cơ hội thực hiện những việc tốt để xóa nhòa những vết tích này!
-Ta cũng chỉ mong có thế. Nhưng sao chưa thấy triều đình động tĩnh gì cả. Ông có nghe được tin tức gì không?
-Thần tìm tới vương gia hôm nay cũng vì nỗi thắc mắc đó. Nghe phong phanh hình như tướng Trương Văn Hổ đã bị đánh cướp hết lương thực khí giới, chỉ còn trơ trọi một thân trốn về nước. Có thể triều đình giấu kín tin này vì sợ tiết lộ sẽ làm dân chúng hoang mang. Nếu tin này mà đúng thì quả là tai họa lớn cho đại quân và cũng là tai họa cho chúng ta nữa! Cầu mong sao đây chỉ là một tin thất thiệt.
Trần Ích Tắc thở dài:
-Không ngờ đời ta lại long đong đến mức này!
Lê Trắc động lòng khuyên đỡ:
-Xin vương gia cứ bình tĩnh. Đã lỡ sa lưới nhện càng vùng vẫy lại càng vướng mắc thêm thôi. Phải hết sức bình tĩnh mới hi vọng từ từ gỡ ra được!
-Ông có thể ở lại cùng ta ít ngày không?
-Rất tiếc, thần đang có việc cần làm nên không chiều ý vương gia. Mong lần tái ngộ sẽ vui vẻ hơn. Xin vương gia bảo trọng.
Khi tiễn chân Lê Trắc, ông bùi ngùi nói:
-Chưa bao giờ ta thấy cần ông ở bên cạnh bằng lúc này, mong ông lo công việc xong sớm rồi trở lại thăm ta!

Nhà Nguyên đại bại trên sông Bạch Đằng

Trở lại cuộc tiến quân vào đất Việt của Thoát Hoan. Lần này quân Nguyên được tuyển chọn rặt những đơn vị thiện chiến trong đạo quân chuẩn bị đi chinh phạt Nhật Bản nên khí thế rất mạnh. Nhưng quân Nam nhờ kinh nghiệm lần trước, lần này cũng bố trí phòng thủ vững chắc hơn nhiều. Do vậy, dù dũng mãnh, quân Nguyên vẫn bị cầm chân nhiều nơi, không tiến nhanh được. Vì lương thực chưa vận chuyển tới kịp, Thoát Hoan phải cho quân đi cướp lương thực của dân để ăn tạm. Sau đó, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đưa quân ra biển đón đội thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nhưng Ô Mã Nhi vốn tánh nóng nảy khinh địch nên y đã mắc một lỗi lầm lớn. Toàn bộ số lương thực và khí giới do Trương Văn Hổ chuyển theo đã bị Trần Khánh Dư phá hủy sạch trong trận Vân Đồn. Thiếu lương thực, quân Nguyên bị lâm vào cảnh đói khổ mất hết tinh thần chiến đấu. Vì vậy, cuộc chiến đã kết thúc bằng trận đại bại của quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Các danh tướng Ô Mã Nhi, Áo Lỗ Xích, Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc… cùng hàng vạn quân Nguyên đã bị quân nhà Trần bắt sống. Thoát Hoan lại thêm một phen hồn bay phách tán dẫn đám tàn quân chạy trốn về Tàu.
Bị thua đau một lần nữa, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt giận điên lên! Nhưng thấy quân sĩ đã rúng động, mất tinh thần, Nguyên chủ biết chưa thể bình định An Nam một cách gấp gáp được! Ông lại ra lệnh cho các tướng tuyển mộ thêm quân, thao luyện thật tinh nhuệ, chuẩn bị lương thực, khí giới đầy đủ để chờ dịp trả hận!
Nguyên chủ cũng hạ chiếu cử Trần Ích Tắc giữ chức Hồ Quảng bình chương chính sự ở Ngạc Châu trong thời gian chờ ngày về nước.

Làm quan cho nhà Nguyên

Được cử giữ chức Hồ Quảng bình chương chính sự ở Ngạc Châu, Trần Ích Tắc hơi mừng. Ông nghĩ công việc bận rộn sẽ giúp ông nguôi ngoai bớt những phiền muội trong lòng. Nhưng mới nhận chức được vài ngày ông đã phải chứng kiến một chuyện khó quên.
Hôm ấy, sau buổi làm việc ở sảnh đường, nhiều quan viên kéo nhau ra hồ cảnh xem cá giải trí như thường lệ. Ích Tắc cũng đi cùng họ. Xem cá được một lát ông nghe ai đó lớn tiếng cãi nhau. Quay lại nhìn, ông thấy đó là hai vị đồng liêu của ông: một Mông một Hán. Chưa rõ ất giáp gì ông đã thấy viên bình chương người Mông sừng sộ bước đến chỉ ngón tay vào mặt viên bình chương người Hán quát lớn: “Hán cẩu, ngươi phải biết ngươi chỉ là một tên hàng thần, sao ngươi dám lên mặt dạy đời ta chứ? Cút ngay cho rảnh mắt ta!”. Ông hồi hộp chờ đợi phản ứng của viên bình chương người Hán. Khi thấy ông này lặng lẽ quay người bỏ đi, ông không hiểu đó là thái độ sợ hãi hay khinh bỉ nữa.
Hai tiếng “Hán cẩu”, “hàng thần” đã như hai mũi dao nhọn thọc mạnh vào lòng ông. Đồng liêu với nhau sao khinh thị nhau đến thế? “Hán cẩu” ư? Ông ta là một vị tiến sĩ cơ mà! Ông bực bội quay người, vô tình lại chạm mặt với một viên bình chương người Hán khác. Dường như hiểu tâm trạng của Ích Tắc, ông này nói:
-Phải nhẫn như thế thôi. Chẳng làm gì khác được.
Ích Tắc thở dài tỏ dấu hiệu đồng cảm. Với người Hán đã như vậy thì với người Việt làm sao khác hơn? Nếu ông không khéo biết đâu chẳng có lúc bị gọi là “Việt cẩu”! Qua vụ này ông càng thấy rõ bảntâm của người Mông. Họ tâng bốc, chiêu dụ tầng lớp trí thức của các nước bị trị chỉ với mục đích lợi dụng uy tín, tài năng của tầng lớp này để củng cố bộ máy cai trị của họ thôi. Thực sự họ chẳng coi tầng lớp này không ra gì cả! Thế là hết! Ích Tắc c
àng ngao ngán trong lòng. Có lẽ Nguyên chủ cũng hiểu sự thất vọng của Ích Tắc nên ngài đã tỏ ra rất rộng lượng với ông. Ngài đã trực tiếp chỉ thị các đồng liêu của ông phải giúp đỡ khi ông gặp những công việc rắc rối.
Cái lệnh ấy đã khiến công việc của Ích Tắc khá nhàn. Nhưng chuyện ấy không phải là sở nguyện của ông. Ít việc, hằng ngày ông đến nhiệm sở gần như chỉ để có mặt. Thỉnh thoảng ông mới phải nhúng tay vào vài việc chung chung, nhỏ nhặt. Những việc lớn lao, khó khăn đã có các vị đồng liêu của ông lo hết. Họ đều cần lập công để tiến thân, để giữ địa vị. Riêng ông, chức bình chương này có mất cũng chẳng sao! Không ai giám sát hoặc theo dõi thành quả công việc của ông hết. Thế mà bất cứ lần về chầu nào ông cũng được thiên tử khen ngợi, an ủi và ban thưởng rất hậu!
Được ưu đãi đến thế nhưng Ích Tắc vẫn không sao nguôi lòng được. Ở hành tỉnh, ông không giao thiệp thân thiết với ai cả. Vốn nổi tiếng là người học cao hiểu rộng, một số nhân sĩ ở đây cũng muốn kết giao với ông. Thế nhưng nỗi tuyệt vọng về miếng đỉnh chung cũng như mặc cảm thân phận hàng thần đã khiến ông làm ngơ hết. Không ngờ thái độ cư xử thiếu tế nhị ấy đã khiến một số hiểu lầm ông. Thấy ông được thiên tử ưu đãi, họ nghĩ ông là kẻ ỷ lại, ngạo mạn. Những kẻ ghét ông đã ngầm khai thác, khuếch đại những thành kiến không đẹp về ông. Cuối cùng ông bị đẩy vào cái thế cô lập đáng sợ.
Tháng 3 năm 1292, sứ giả Đại Việt là Nguyễn Đại Phạp sang Nguyên. Khi qua Ngạc Châu, Đại Phạp đã vào hành tỉnh yết kiến các quan bình chương. Lúc ấy Trần Ích Tắc cũng có mặt ở đó. Đại Phạp đến chào hết các quan bình chương khác nhưng lại không đến chào ông. Ông giận quá hỏi Đại Phạp:
-Anh có phải là người xưa kia làm tên biên chép tại nhà Chiêu Đạo vương không?
Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng là anh ruột của Ích Tắc. Ông nhắc chuyện này để trả đũa sự hỗn láo của Đại Phạp. Nhưng Đại Phạp nghiêm trang đáp:
-Việc đời biến đổi! Vâng, tôi chính là tên biên chép tại nhà Chiêu Đạo vương xưa kia. Nhưng nay tôi là đại sứ của một nước. Cũng như ông xưa kia là hoàng tử nhưng bây giờ ông là kẻ chạy theo giặc.
Ích Tắc tái mặt không còn đối đáp gì được. Chưa lúc nào ông thấy mất mặt với các đồng liêu đến mức này!
Nỗi đau bị Đại Phạp hạ nhục ở sảnh đường của ông chưa nguôi thì Lê Trắc lại đến thăm. Với ông, Lê Trắc là người đồng hội đồng thuyền, người duy nhất để ông có thể giãi bày tâm sự. Sau khi nghe ông thuật chuyện lại, Lê Trắc nói:
-Kể ra hồi đó áp lực của quân Nguyên mạnh quá khiến vương gia và chủ của thần (Trần Kiện) không tự chủ được nên đã quyết định hơi vội vã. Lỡ làng cả rồi, đành phải nhẫn nhục thôi. Lần sau, khi có sứ Nam đến, vương gia nên lánh mặt cho yên!
-Ông có nghe thêm được tin tức gì nữa không?
-Thưa có. Vụ triều đình An Nam xét tội những kẻ đã chạy theo quân thiên triều!
-Họ đã xử đoán như thế nào?
-Thưa, Thượng hoàng kể ra cũng có nhân và sáng suốt. Quân Trần đã tịch thu được cả một hòm lớn đựng toàn thư từ liên lạc, biểu xin hàng của các quan An Nam gởi cho người Nguyên nhưng ông ta không đọc mà cho đốt hết để những kẻ phản bội được yên lòng. Ông ta chỉ cho xét xử những người đã có hành động phản bội cụ thể. Tất cả những người này, dù đã chết hay còn sống đều bị tịch biên gia sản. Những người thuộc hoàng gia thì phải đổi ra họ khác, bá tánh thì bị xử tử hoặc bị lưu đày tùy mức tội nặng nhẹ. Như thần bị kết án xử tử vắng mặt. Chỉ vương gia là người duy nhất được xét xử ngoại lệ.
-Họ đã xử ta ra sao?
-Thưa, vương gia không bị đổi họ mà chỉ bị gọi là “Ả Trần”.
-Ả Trần! Ả Trần! Thế là chúng miệt thị ta như đàn bà rồi còn gì? Ta còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ nữa?
Lê Trắc vội trấn an:
-Xin vương gia chớ buồn. Phải cố nhẫn nhục để chờ đợi. Dù sao chúng ta vẫn còn cơ hội để rửa nhục. Thiên tử đã hạ chỉ cho các tướng ráo riết chuẩn bị một cuộc Nam chinh khác. Ngài không chịu bỏ qua vụ này đâu! Vương gia hãy ráng chờ!
-Thôi, ta không tin tưởng nổi nữa đâu! Ta chán chường lắm rồi. Công hầu khanh tướng bây giờ chẳng còn hấp dẫn với ta nữa. Ông biết không? Hiện giờ ta đã mắc phải một căn bệnh không ai có thể chữa được. Đến công đường ta sợ phải tiếp xúc với các đồng liêu, ngại ngùng khi phải ra lệnh cho thuộc cấp. Về tới nhà ta ngại phải dạy dỗ các con. Trước mặt vợ ta, ta cũng chẳng dám bộc bạch mộtđiều gì. Ta đã trở thành một kẻ cô đơn nhất đời! Bây giờ ta muốn được khuây khỏa một chút cũng không xong. Chắc ta phải buông xuôi tất cả thôi.
Lê Trắc trầm ngâm một lát rồi nói:
-Không buông xuôi được đâu, vương gia sẽ nguy mất. Thần nghĩ, thiên tử trọng đãi vương gia chẳng qua ngài còn muốn lợi dụng danh nghĩa của vương gia để lung lạc, chia rẽ người Việt hầu dễ chinh phục An Nam thôi. Nếu vương gia buông xuôi tất cả thì thiên tử còn dùng vương gia để làm gì? Xưa nay mấy ai đã bị vua ghét mà sống yên? Nếu để xảy ra trường hợp đó, không phải chỉ một mình vương gia lâm nguy mà còn liên lụy đến cả gia quyến nữa. Mong vương gia suy nghĩ kỹ. Đừng bao giờ để lộ sự tuyệt vọng ra mặt. Như vậy may ra nếu cuộc chinh phạt sắp tới thành công, vương gia sẽ thật sự trở thành An Nam quốc vương. Khi đó hai tiếng “Ả Trần” không những được xóa sạch mà vương gia còn thực hiện được cái chí bình sinh của mình! Nếu không may mà thất bại, vương gia cũng sẽ được tiếp tục ưu đãi để lợi dụng. Vương gia chưa thể buông xuôi việc đời được đâu!
Trần Ích Tắc giật mình xá Lê Trắc một xá:
-Đa tạ ông đã vén màn mây giúp ta thấy ánh sáng. Trong lúc bối rối ta đã suy nghĩ quá nông cạn, suýt lại sa chân xuống vực thẳm! Ta xin nghe lời ông khuyên bảo.

Nhà Nguyên không còn thiết tha việc xâm lăng An Nam

Đầu năm 1294, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt băng hà. Thái tử Thiết Mộc Nhỉ lên nối ngôi. Vị tân hoàng đế không còn thiết tha đến việc xâm lăng An Nam nữa. Ông hạ chiếu bãi binh đồng thời cử sứ giả sang An Nam tuyên chiếu xá tội cho vua Trần.

Thế là giấc mộng An Nam quốc vương của Trần Ích Tắc thật sự được khai tử!

Để quên giấc mộng cũ, để quên bớt sự dằn vặt của nội tâm, Ích Tắc chỉ còn biết chúi đầu vào công việc. Tới sảnh đường ông không còn chịu ngồi nhàn như trước nữa mà luôn tự tìm ra việc để làm. Không bao lâu ông đã trở thành viên bình chương làm việc siêng năng nhất ở hành tỉnh. Về mặt tinh thần chưa rõ thế nào nhưng sự siêng năng, chịu khó làm việc của ông cũng vô tình gây được sự lưu ý của thượng cấp. Nhờ thế, ông vẫn được tiếp tục ưu đãi như trước.

Thời gian sau này Ích Tắc ngày càng trở nên ít nói. Vẻ mặt ông lúc nào cũng trầm ngâm, lạnh lùng đã khiến những người chung quanh rất ngại ngùng khi phải tiếp xúc với ông. Mọi việc trong nhà ông giao phó một tay vương phi xếp đặt cả. Khi cần thiết lắm ông mới chịu mở miệng. Với con cái, ông sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho việc học hành của chúng nhưng vẫn rất ít khi có lời dạy dỗ, khuyên nhủ. Kẻ ăn người ở trong nhà làm gì cũng mặc, ông chẳng mấy quan tâm. Ít khi ông sai khiến ai làm việc gì ngoại trừ hai gã nô bộc trung thành Bùi Đây, Bùi Đó.
Từ khi chuyến trở về An Nam của ông bị thất bại, tánh tình ông thay đổi quá nhiều nên khách khứa của ông cứ giảm xuống mãi. Giờ thì gần như chẳng còn mấy ai lui tới với ông. Lâu lâu mới có một hai người hầu hết là đồng hương đem tin tức từ quê nhà đến. Ông ít khi chia sẻ những tin tức ấy với người trong gia đình. Ai cũng thầm đoán đó là những tin không vui. Tinh thần ông có vẻ ngày càng suy sụp trầm trọng.
Thế rồi ngày kia ông bảo Bùi Đây, Bùi Đó xếp đặt lại ngôi Văn Hữu Đình thành nơi để ông tĩnh dưỡng. Trước cửa phòng ông cho treo một tấm biển đề 3 chữ “Cải Hối Thất”. Từ đó, cứ làm việc ở công đường về là ông vào ngay Cải Hối Thất. Ăn uống ngủ nghỉ gì cũng ở đấy cả. Mỗi bữa ăn gia nhân phải lo một mâm giao cho Bùi Đây hoặc Bùi Đó mang vào cho ông. Hằng ngày, chỉ có Bùi Đây, Bùi Đó được phép ra vào phòng ấy để phục vụ ông.
Thấy sự thay đổi kỳ lạ của chồng, vương phi hết sức lo ngại. Nhưng sợ động chạm đến nỗi khổ của chồng, bà phải lặng lẽ chiều ý ông. Bà tin sự thất chí của ông là nguyên nhân gây nên việc đó. Theo bà, chỉ có Lê Trắc mới hi vọng khuyên giải ông được.
Rồi một hôm Ích Tắc bất ngờ lâm bệnh. Vương phi muốn đưa ông vào nhà chính để tiện lo việc thuốc thang cơm cháo nhưng ông nhất định không chịu. Hôm sau bà cho rước một vị thầy thuốc nổi tiếng đến nhà. Sau khi thuật sơ về bệnh trạng, bà thân hành dẫn vị thầy thuốc vào Cải Hối Thất. Xem mạch xong, vị thầy cho phái bốc thuốc rồi dặn:
-Vương gia đang mang căn bệnh trầm uất. Xem ra cũng khá gay go rồi đó. Nếu không chữa trị sớm, lâu ngày nó sẽ trổ ra những biến chứng khó lường. Cơn bệnh hiện giờ chỉ là một biến chứng nhỏ. Cứ dùng thuốc theo toa này trong ba bốn ngày bệnh sẽ khỏi. Nhưng chuyện về lâu về dài thì chưa tính được. Điều quan trọng là phải làm sao cho vương gia được thanh thản trong lòng. Khi nỗi uẩn ức đã được giải trừ, căn bệnh sẽ tự tiêu. Bệnh cơ thể có thể dùng thuốc để chữa nhưng bệnh tinh thần thì rắc rối lắm. Phải cậy vào người thân mới mới hi vọng chữa được. Vương phi nên tìm hiểu xem vương gia đã gặp phải nỗi u uất gì. Phải ngọt ngào an ủi, chia sẻ với vương gia để ngài bớt thấy cô đơn. Sau đó tìm cách giúp ngài khơi thông những nỗi u uất đó. Đó là cách tốt nhất giúp cho bệnh của vương gia chóng hồi phục.
-Xin đa tạ thầy. Tôi sẽ làm theo lời thầy dặn.
Từ hôm đó, ngày nào bà cũng ở bên cạnh săn sóc chồng từ miếng cháo đến giấc ngủ. Bà cũng bảo con cái và người nhà hay ra vào ân cần thăm hỏi cho ông vui. Ba hôm sau thì bệnh của Ích Tắc có vẻ thuyên giảm thật. Buổi trưa ấy, khi ăn xong một bát cháo, ông bảo bà:
-Ta muốn nói chuyện riêng với mình.
Bà hiểu ý, bảo mọi người ra ngoài hết. Như đã chuẩn bị sẵn, ông nói một mạch với giọng xúc động:
-Mới đó mà đôi ta đã sống bên nhau hơn 20 năm rồi. Đôi ta đã có một cuộc tình duyên quá đẹp. Suốt một thời gian dài như vậy mà tình cảm giữa chúng ta không hề có một chút chao chọng. Rất tiếc là cuộc tình duyên này sẽ không thể kéo dài hơn được nữa! Ta tự biết sức ta lắm. Xin cám ơn mình đã hi sinh cả một thời xuân xanh để ban hạnh phúc cho ta. Ta rất ân hận trong nhiều năm gần đây ta đã tỏ ra thiếu sót trong bổn phận vợ chồng. Nguyên do vì đâu rồi đây mình sẽ hiểu. Định mệnh đã an bài, ta không cách nào cưỡng lại nổi. Nghĩ đến nay mai đây mình sẽ trở thành kẻ góa bụa, ta đau lòng lắm…
Vương phi bưng miệng chồng lại:
-Bậy nào! Mình không nên nói gở như thế! Bệnh gì rồi cũng sẽ lành. Mình cứ nghỉ ngơi cho khỏe, đừng nghĩ ngợi lôi thôi nữa!
Ích Tắc cầm tay vợ tha thiết nói:
-Mình hãy để ta nói hết. Nếu không mình sẽ chẳng hiểu được lòng ta đâu! Ta tự biết sức ta lắm, ta phải chết thôi. Thật tình ta cũng đáng chết lắm, ta đã mắc tội lớn với tổ tiên, với giòng họ. Ta không ân hận khi phải chết đâu! Nhưng ta có một nguyện vọng rất khó thực hiện. Biết mình là người trinh thuận nên ta khẩn cầu mình giúp ta.
Vương phi thấy đây là cơ hội để bà tìm hiểu nỗi uẩn ức của chồng nên rưng rưng nước mắt hỏi lại:
-Mình muốn thiếp thực hiện nguyện vọng gì?
-Dặn các con việc gì cũng phải suy nghĩ thật chín chắn trước khi hành động. Đừng bao giờ bắt chước cái tánh nông cạn như cha chúng. Khi ta mất, làm đám tang càng đơn giản càng tốt. Sau này khi tình hình giữa hai nước đã êm ả, phải tìm cách đưa hài cốt ta về cải táng ở An Nam để chứng tỏ một chút lòng hối cải của ta. Mình có hứa với ta không?
Vương phi rất ngạc nhiên, bà nói:
-Thiếp xin hứa. Nhưng nguyện vọng đó sao mình không gọi các con lại để dặn thẳng với chúng cho tiện?
Ích Tắc lộ vẻ đau khổ đáp:
-Đó chính là một trong những nỗi khổ của ta. Nói thật, ta không đủ can đảm để nói chuyện đó với chúng đâu!
Vương phi càng ngạc nhiên hơn, bà hỏi:
-Thiếp thật không thể nào hiểu nổi! Tại sao người cha lại không thể trăng trối nguyện vọng cuối đời của mình với con cái chứ?
Ích Tắc lắc đầu rồi nói:
-Tại sao ư? Giờ ta cũng chẳng cần giấu mình nữa…
Thế rồi ông lần lượt thuật hết những chuyện đã xảy ra: Vụ ông sai Trần Dục thay ông theo quân Nguyên về tiếp thu đất An Nam; vụ Trần Thanh bị các bạn học khinh thị, đem Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu đối chiếu để phỉ báng ông; vụ viên bình chương người Mông mắng nhiếc viên bình chương người Hán; vụ Nam sứ Nguyễn Đại Phạp mỉa mai ông ngay tại sảnh đường; vụ người trong nước cải danh ông thành “Ả Trần”…
Nghe đến đây vương phi khóc tức tưởi:
-Không ngờ mình lại khốn khổ đến nước này! Thế mà lâu nay thiếp chỉ tưởng….
Vẻ mặt Ích Tắc như tối sầm lại:
-Mình thử nghĩ, bây giờ ta còn xứng đáng để dạy đạo lý cho con cái không? Khi chúng đã nghĩ tới Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu chúng sẽ nghĩ sao về ta? Đằng khác, đối với các đồng liêu lẫn các thuộc cấp của ta, trước mặt ta họ có thể khen ta, tâng bốc ta, nhưng chắc chắn sau lưng ta, họ chỉ coi ta là một viên hàng thần lơ láo. Ta làm sao quên được lời của viên bình chương người Mông mắng nhiếc viên bình chương người Hán? Về phía người An Nam lại càng rõ nét hơn qua lời buộc tội ta của viên sứ giả Đại Phạp cùng cái danh “Ả Trần” mà người trong nước đã đặt cho ta…
Vương phi úp mặt vào ngực chồng khóc một hồi rồi hỏi:
-Trong nước đã cải danh mình là “Ả Trần” sao vương gia còn lưu luyến gì nữa mà đòi đưa hài cốt về chôn bên ấy?
Ích Tắc trầm ngâm giây lát rồi nói:
-Chắc vương phi còn nhớ, thuở nhỏ ta đã nổi tiếng là một bậc thần đồng. Mới mười bốn tuổi ta đã thông làu kinh sử. Trong rừng bách gia chư tử chẳng ngõ ngách nào ta bỏ qua. Nhờ thế mà kiến thứccủa ta rộng mênh mông ai cũng phải nể vì. Chính phụ vương và các đại thần đều xác nhận ta là kẻ thông thái vượt trội hết thảy các anh em trong nhà và luôn cả trong hoàng tộc. Khi ta mở học xá bên hữu phủ đệ để tập hợp văn sĩ bốn phương cho ăn học, thiên hạ đều nức lòng hoan nghênh, ca tụng ta. Ôi, đời ta thuở đó huy hoàng biết bao nhiêu…
Nói đến đây ông bỗng hét lên:
-Trời ơi! Thế mà chỉ vì một phút suy nghĩ nông nỗi ta đã tự hủy hoại hết tất cả những gì cao đẹp nhất của ta! Tại sao? Tại sao thế?
-Thôi, vương gia đừng nói nữa, nghỉ một lát cho khỏe đi!
Vương phi vừa quạt vừa vỗ về cố tìm cách đưa chồng vào giấc ngủ. Quá mệt nên ông cũng thiếp đi được một chốc. Khi ông mở mắt, vương phi lại cho ông uống một muỗng sâm. Ông nói với giọng rền rĩ:
-Nhà Trần đã sinh ta, nuôi dưỡng ta, vun bồi kiến thức cho ta, ta đâu đã làm được gì để đền đáp tấm ơn sâu nặng ấy? Thế mà ta nỡ phụ ơn, phản bội nhà Trần! Tội lỗi ấy nặng biết chừng nào? Tội lớn như thế mà họ chỉ coi ta là “Ả Trần” thật đã quá nương tay! Chính sự nương tay ấy đã làm ta càng ân hận, càng thấy xấu hổ. Xét cho cùng, ta thật đáng chết lắm! Ta là kẻ vong ân bội nghĩa! Nhục nhã lắm rồi! Giờ ta sống thêm ngày nào chỉ tủi nhục thêm ngày ấy thôi, ta không chịu nổi! Vì thế nên ta muốn sau này nắm xương tàn của ta được đưa về cố quốc, may ra hồn ta sẽ được nương theo về để tạ tội với tổ tiên, với đất nước vậy!
Đã rõ ngọn ngành mọi nỗi u uất của chồng, vương phi rất mừng. Bà nói:
-Thiếp đã hiểu mọi chuyện rồi! Thiếp cũng biết chắc vận số vương gia còn dài! Theo thiếp nghĩ, đã thành tâm hối hận về chuyện cũ thì vương gia cần phải sống để tìm cách chuộc bớt tội với cố quốc hơn là buông xuôi để phải mang tiếng xấu muôn đời!
Ích Tắc buồn rầu nói:
-Mình nói có lý. Nhưng ta còn cách nào để bày tỏ lòng ân hận đối với cố quốc đâu?
-Khi nào Lê Trắc đến thăm, vương gia thử hỏi ý kiến ông ấy xem sao? Không hiểu sao thời gian này Lê Trắc lại ít lui tới nhà mình nhỉ?
-Y bận rộn lắm, y có gởi thư cho ta biết. Hiện y đang bỏ công nghiên cứu để soạn bộ An Nam Chí Lược. Chưa hiểu công việc của y đã đến đâu rồi.

Một ý nghĩ vụt trỗi lên trong đầu vương phi, bà nói:
-Đó cũng là một điều hay, sao vương gia không bắt chước? Kiến thức về lịch sử, văn học của vương gia đâu kém ai? Sao không thử viết một cái gì? Vương gia không trang trải nỗi lòng với cố quốc được thì cũng nên trang trải nỗi lòng với chính con cháu mình biết chứ! Không lẽ cứ để chúng hiểu lầm và phải ôm lòng tủi nhục vì vương gia? Thiếp nghĩ vương gia nên bắt chước ông Lê Trắc đi! Trước là khỏi bỏ phí cái sở học bình sinh, sau là để giết bớt khoảng thời giờ trống trải? Cả một kho kiến thức mà vương gia đã bỏ ra suốt thời trai trẻ để thu thập chưa thi thố giữa đời được bao nhiêu giờ nỡ đem chôn theo dĩ vãng không thấy tiếc sao? Biết đâu khi cầm bút rồi vương gia nẩy sinh những tư tưởng mới, sẽ mở ra những nẻo đường tươi sáng hơn?
Ích Tắc nằm im suy nghĩ một chốc rồi bỗng nhiên tung mình ngồi bật dậy:
-Ý kiến của vương phi thật tuyệt vời! Đa tạ lòng tri kỷ! Nếu ta còn sống thật, ta sẽ làm theo ý nàng!
Vương phi vội đưa tay đỡ chồng nằm trở lại, mỉm cười nói:
-Vậy thì vương gia hãy vui lên đi! Thầy thuốc đã quả quyết bệnh của vương gia chỉ nay mai sẽ lành thôi. Vương gia đừng bi quan nữa. Giờ hãy nằm nghỉ cho khỏe. Gắng uống thuốc, tĩnh dưỡng. Vài ba ngày nữa bệnh lành hẳn hãy hay.

Hoàn thành bộ “Đại Việt Sử Lược” để tạ lỗi với tiền nhân nước Việt

Sau khi lành bệnh, Ích Tắc trở lại với công việc ở hành tỉnh. Ông vẫn tỏ ra là một vị quan siêng năng gương mẫu hàng đầu. Những khi rảnh rang, ông dồn hết tâm lực vào việc sưu tầm sách vở. Ông không tiếc công sức, tiền bạc, tự mình tìm đến các nhà bán sách lựa chọn những cuốn cần dùng để mua. Thời bấy giờ các nhà nho, các nhà giàu có vẫn hay sưu tầm những sách quí để đọc hoặc giữ lại cho con cháu. Có nhà dùng một hoặc hai phòng, có nhà dựng luôn cả một ngôi nhà riêng để chứa sách, người ta vẫn quen gọi những nơi chứa sách này là thư viện. Các nhà nghiên cứu hoặc những học trò quen biết với chủ nhân cũng có thể đến đó mượn sách để tham khảo, sao chép. Ích Tắc là một nhà văn học phương Nam được nhiều người biết tiếng nên việc sưu tầm sách của ông cũng ít trở ngại. Gặp những cuốn sách hoặc tài liệu liên can đến nước Việt từ thời thượng cổ đến hiện tại là ông nhất định không chịu bỏ qua. Cuốn nào có thể mua được ông xuất tiền mua ngay. Cuốn nào không thể mua thì ông mượn để tự mình hoặc thuê người sao chép lại. Khi nhận thấy số tài liệu cần thiết đã khá đầy đủ, ông đọc lại tất cả để đối chiếu, gạn lọc, loại bỏ bớt những chi tiết mà ông cho là mơ hồ, phi lý.
Sau mấy năm cần cù chọn lọc, sao chép, phân tích rồi tổng hợp, ông đã hoàn thành được một bộ sử ký viết theo thể loại biên niên. Đó là bộ “Đại Việt Sử Lược”. Bộ sách chia làm 3 cuốn:
Cuốn thứ nhất chép các việc từ thời Thượng Cổ đến đời Lê Ngọa Triều.
Cuốn thứ hai chép các việc từ Lý Thái Tổ đến đời Lý Nhân Tông.
Cuốn thứ ba chép các việc từ đời Lý Thần Tông đến đời Lý Huệ Tông.

Nội dung sách chép khá đầy đủ về các mặt quân sự, kinh tế, xã hội, các mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng. Trong đó cũng thể hiện rõ những nét đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Việt. Cómột điều khác thường là về tác giả Ích Tắc chỉ đề “Khuyết Danh”. Ông cũng không trao cho ai đọc thử hay nhờ ai viết tựa để giới thiệu với giới văn học và quần chúng mà lại đem cất kỹ. Vương phi thấy vậy lấy làm lạ hỏi:
-Ông Lê Trắc soạn xong bộ An Nam Chí Lược đã được hoàng đế khen thưởng, cho ấn hành để phổ biến. Lúc này ông ấy đã được bổ làm Phụng nghị đại phu ở đất Hán Dương. Nay vương gia cũng soạn xong bộ Đại Việt Sử Lược sao không dâng lên hoàng đế để xin ấn hành phổ biến lại đem cất như thế?  
 
Ích Tắc mỉm cười giải thích:
-Đại Việt Sử Lược với An Nam Chí Lược không giống nhau đâu! Đây là một bộ sử ký ta đã dồn hết tâm huyết để soạn ra. Khi soạn nó, ta không có mảy may mưu cầu công danh hay lợi lộc! Ta biết hiện tại ở Đại Việt tài liệu sử sách còn rất ít ỏi. Ta sẽ dùng bộ Đại Việt Sử Lược này như một món quà đặc biệt, món quà của một kẻ hồi tâm muốn hiến dâng cho cố quốc để mong chuộc lại được phần nào tội lỗi y đã gây nên. Dù đang ở trên đất Tàu ta vẫn dùng chữ “Đại Việt” mà không dùng cái tên “An Nam” như Lê Trắc đã dùng cho bộ An Nam Chí Lược là cốt tỏ ý ta không quên Đại Việt, cố quốc của ta. Nếu thiên triều biết được việc này ta có thể bị buộc tội đấy. Vì thế ta phải đề tác giả là Khuyết Danh để tránh bớt sự phiền phức. Bởi thế, ta phải tạm cất giữ nó đã. Sau này, khi tìm được người đáng tin cậy, ta sẽ nhờ họ bí mật mang nó về Đại Việt dâng cho vua Trần. Đây là việc riêng của nhà mình, không được tiết lộ cho ai biết. Đây cũng là lý do tại sao ta không dâng bộ sách này lên hoàng đế để xin ấn hành, phổ biến!

Vương phi rơi nước mắt xúc động:
-Món quà của một kẻ hồi tâm? Tuyệt quá!
-Đúng, đây là món quà của một kẻ hồi tâm muốn hiến dâng cho cố quốc của y để mong chuộc lại phần nào tội lỗi mà y đã gây nên!
 

Mất gần 50 năm Đại Việt Sử Lược mới tới tay vua Trần

Không hiểu việc chuyển bộ Đại Việt Sử Lược về nước gặp trở ngại thế nào mà mãi sau khi Trần Ích Tắc mất gần 50 năm, bộ sách ấy mới tới tay vua Trần. Cuối bộ sách không rõ ai đã đính kèm thêm một phụ bản liệt kê niên hiệu các vị vua Trần từ niên hiệu Kiến Trung (Thái Tông Trần Cảnh) đến niên hiệu Xương Phù (Phế Đế Trần Hiện). Lúc bấy giờ vua Phế Đế đã quá bất lực trước thời cuộc. Đại Việt đang lâm tình trạng bất ổn nặng. Bên ngoài Chiêm Thành đánh phá liên miên, bên trong các thế lực chính trị lục đục tranh quyền đoạt vị lẫn nhau. Do vậy nên việc phổ biến bộ sách này rất giới hạn.
Không lâu sau đó quyền thần Hồ Quí Ly đã cướp ngôi nhà Trần khiến tình hình Đại Việt càng thêm rối rắm. Dân chúng càng hoang mang, chia rẽ.
Lúc bấy giờ bên Tàu nhà Minh vừa đuổi được người Mông Cổ ra khỏi nước. Không bỏ lỡ cơ hội tốt đó, nhà Minh đã xua quân xâm chiếm Đại Việt. Hồ Quí Ly đã bị người Minh đánh bại, bị bắt đưa về Tàu.
Với chủ trương tiêu diệt sạch nền văn hóa dân tộc Việt để dễ đồng hóa, vua Minh hạ lệnh phải hủy hoại tất cả mọi thứ sách vở của người Việt. Họ lựa các sách quí hiếm, hữu dụng chuyển về Tàu, còn bao nhiêu đem đốt hết. Bộ Đại Việt Sử Lược mới được chuyển về nước chưa bao lâu cũng không thoát khỏi số phận đó. Sau khi vua Lê Thái Tổ đuổi được giặc Minh, triều đình có cho tìm lại bộ sách này nhưng nó vẫn biệt tích.
Mãi hơn 300 năm sau, dưới thời Càn Long, một học giả là Tiền Hi Tộ đã tìm thấy lại bộ sách này trong “Tứ Khố Toàn Thư” của nhà Thanh. Ông đem hiệu đính, bỏ bớt chữ “Đại” ở tựa đề rồi cho in lại. Tên bộ sách mới do người Tàu in đã trở thành “Việt Sử Lược”. Tiền Hi Tộ lập luận: “Nước An Nam từ nhà Tống trở về sau, vẫn giữ lệ cống. Vậy mà dám nhân lúc triều trước loạn lạc, không ai chế ngự mới chiếm trộm đế hiệu, lại còn ghi vào sử sách để khoe khoang, càn quấy, thật là trái lẽ… Tuy vậy, các vua Ngô, Sở tiếm hiệu, kinh Xuân Thu đã chê nhưng nhà viết truyện cũng không bỏ mất sự thật của nó. Cho nên dựa vào ngụy sử, theo lệ mà chép là để cho rõ cái tội của nó, và cũng để bổ cứu cho phần ngoại truyện của Tống sử và Nguyên sử hiện chưa đầy đủ”.
Tuy vậy, khi bộ sử này được truyền trở lại đất Việt, dù bản chữ Hán hay bản dịch người Việt đều lấy lại tên nguyên thủy của nó là “Đại Việt Sử Luợc” cả. Đây là một bộ sử rất giá trị trong số những bộ sử cổ nhất của dân tộc Việt.
Ngô Viết Trọng
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top