Trúc Giang MN, Những cuộc tình dang dở của nghệ sĩ sân khấu cải lương Việt Nam

Trúc Giang MN

Những cuộc tình dang dở
của nghệ sĩ sân khấu cải lương Việt Nam

 

Người ta cho rằng nghệ sĩ là những người đa tình, lãng mạn. Trên sân khấu, đào kép cố gắng diễn xuất cho thật nhập vai, lột tả được một cách sống động theo nội dung của cốt chuyện. Tình yêu trên sân khấu rất dễ biến thành hiện thực ngoài đời. Đó là trường hợp của các đào kép như: Thành Được-Út Bạch Lan, Thành Được-Thanh Nga, Bạch Tuyết-Hùng Cường, Hùng Minh-Thanh Hương. Nghệ sĩ đa tình thay vợ đổi chồng như thay áo được thể hiện ở kép Thanh Sang. Ông nầy đã có 6 vợ và đang sống với người vợ thứ bảy. Mỗi bà vợ là một mối tình tan vỡ.

 

Tình yêu và tan vỡ
của Thành Được và Út Bạch Lan

 

  1. “Nửa đời hương phấn”, gạch nối hạnh phúc và chia ly

 

 

Thành Được bắt đầu nổi danh trên sân khấu Kim Chưởng, được phong là “Ông vua không ngai” thì lúc đó, phía nữ cũng xuất hiện một cô đào làm xúc động khán giả, đó là “Sầu nữ” Út Bạch Lan. Họ đóng cặp, ăn ý với nhau đưa cả hai lên đỉnh cao nghệ thuật cải lương.

Khán giả say mê những vai diễn của cặp Thành Được-Út Bạch Lan qua những vở tuồng như: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Nửa bản tình ca, Áo trắng nàng Mộng Trinh…

Cặp đôi tình yêu trên sân khấu trở thành hiện thực ngoài đời. Cuộc hôn nhân của Thành Được-Út Bạch Lan được cô Bảy Phùng Há chủ hôn.

Đám cưới được tổ chức linh đình. Hầu hết ký giả kịch trường, soạn giả, nghệ sĩ tài danh đều được mời tham dự.

Năm 1962, Thành Được-Út Bạch Lan rời gánh Kim Chưởng về Đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Cả hai tiếp tục làm rạng danh sân khấu cải lương qua các vở: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển…

Là kép hát lừng danh, “Vua không ngai”, Thành Được được vô số phụ nữ hâm mộ, trong đó có những mối tình.

Người vợ, Út Bạch Lan, tấm lòng nhân hậu, bao dung và chịu đựng cái tật trăng hoa của chồng.

 

Theo lời kể của soạn giả Nguyễn Phương, năm 1966 Út Bạch Lan có mướn một cô gái trẻ đẹp tên Trinh, phụ giúp làm tuồng cho vợ chồng trước khi ra sân khấu. Một hôm, Út Bạch Lan phát hiện cô Trinh có thai. Cái bụng ngày càng lớn lên. Út Bạch Lan nghi anh tài xế là thủ phạm, nhưng sau khi chất vấn thì mới lòi ra chính Thành Được là tác giả của cái thai.

 

Út Bạch Lan tha thứ việc đã rồi và vì Út Bạch Lan không có khả năng sinh con nên nhận đứa bé làm con nuôi. Chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo.

Tánh nào tật nấy. Cái tật trăng hoa không chừa, sau đó Út Bạch Lan nhận thêm một đứa con rơi của Thành Được đem về nuôi.

Thế rồi, khi bóng dáng Thanh Nga xuất hiện trong cuộc đời Thành Được thì cuộc tình Thành Được-Út Bạch Lan thật sự tan vỡ.

Sau khi chia tay với Thành Được, hai phụ nữ khác ở tỉnh lẻ cũng đem con đến trả cho Thành Được.

Dù đã ly hôn, Út Bạch Lan vẫn mở rộng lòng nhân, nhận thêm hai đứa nữa. Đứa con nuôi thứ ba tên Sơn của bà mẹ Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu.

Sau nầy, Sơn được mẹ bảo lãnh qua định cư ở Mỹ.

Về hôn nhân, người chồng đầu tiên của Út Bạch Lan là Ba Hóa, chủ tiệm may lớn ở Sài Gòn. Sau khi chia tay với Ba Hóa, Út Bạch Lan kết hôn với Thành Được. Sau khi tan vỡ với Thành Được, Út Bạch Lan về sống với Trung tá Đầy. Một thời gian sau, Trung tá Đầy đưa đơn kiện Út Bạch Lan đã sang đoạt tài sản của ông.

 

2. Vài nét về Út Bạch Lan

                        

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An. Bà sinh ra trong gia đình nghèo khó. Cha mất sớm nên mẹ con đi làm thuê làm mướn chung quanh chợ Bình Tây.

Mẹ của Út Bạch Lan và mẹ của Văn Vĩ làm thuê chung nhau, kết nghĩa chị em cho nên Út Bạch Lan và Văn Vĩ khởi nghiệp đờn ca cùng một lúc. Bé Út 11 tuổi, Văn Vĩ 15 tuổi. Bé Út học ca bằng nghe máy hát dĩa của hàng xóm rồi ca theo. Học thuộc lòng nhiều bản vọng cổ.

Văn Vĩ bị mù từ nhỏ, học đàn guitar cổ nhạc và đàn rất giỏi. Một hôm Văn Vĩ và bé Út lén mẹ đi hát dạo chung quanh chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới). Thấy có người mù đi hát dạo người ta cho tiền. Vậy là hai anh em đi hát dạo quanh Chợ Lớn Mới, qua phố phường Chợ Lớn Cũ rồi tới chợ Bến Thành.

Khi nghe tiếng đồn giọng hát làm mê lòng người của cô bé hát dạo, cô Năm Cần Thơ tò mò tới nghe bé Út ca. Và cũng từ đó cuộc đời bé Út bước sang một khúc quanh mới. Bé Út đứng trên sân khấu với nghệ danh là Út Bạch Lan.

Năm 1958, Út Bạch Lan về hát cho đoàn Kim Chưởng, đóng cặp với Thành Được.

Vì sao có tên là “Sầu nữ”?  Út Bạch Lan nói: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình”.

Út Bạch Lan qua đời vào lúc 22h55 ngày 4-4-2016 do ung thư gan. Hưởng thọ 82 tuổi.

 

3. Út Bạch Lan nuôi con rơi của Thành Được

Cô với Thành Được có một đám cưới huy hoàng nhưng tất cả chỉ có thế rồi chấm dứt, để lại cho cô một nổi đau buồn suốt đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, mẹ chồng trong một chung cư, còn Thành Được thì tiếp tục xông pha trên trận tuyến ái tình như một người chưa vợ.

Đám cưới chưa được bao lâu thì một thiếu phụ dẫn đứa con gái 3 tuổi đến giao cho cô nói rằng đó là con của Thành Được. Cô vừa thương đứa bé vô tội, vừa sợ mất chồng nên nhận nuôi.

Hai năm sau, khi người thiếu phụ đến xin đưa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện với cái bào thai, vừa khóc vừa kể: “Em là Thu Hà, nữ sinh Huế. Hôm ấy đoàn ra hát ở Huế, em tìm đến xin anh tấm hình. Ảnh hẹn em ở khách sạn. Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng”.

Một lần nữa, vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Thu Hà. Hàng ngày thuê xích lô mang cơm đến cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Thu Hà lại van xin: “Em còn quá trẻ không thể sống như thế nầy được, em lạy chị, xin chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời”. Không chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sanh theo họ chồng đặt tên là Châu Văn Dũng, và thương yêu Dũng như con ruột của mình.

 

4. Tổng quát về Thành Được

Thành Được tên thật là Châu Văn Được, sanh năm 1934 tại Kế Sách, Sóc Trăng trong một gia đình nông dân khá giả. Ông thành danh cùng thời với Năm Châu, Út Trà Ôn, Phùng Há, Thanh Nga. Được mệnh danh là “Ông vua không ngai” hoặc “Kép hát thượng thặng”. Thành Được mê đá banh và thích sưu tầm xe hơi.

Ông theo người cậu là ông bầu gánh Thanh Cần để học hát. Lần đầu tiên lên sân khấu vào năm 1954. Hai năm sau Thành Được nổi bật trong vai Tô Điền Sơn của tuồng “Khi hoa anh đào nở”

Năm 1968 Thành Được vào đoàn Kim Chưởng. Sau đó về hát cho đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, rồi lại trở về Kim Chưởng.

Năm 1961, kết hôn với nghệ sĩ Út Bạch Lan. Hai người trở thành một cặp đôi nổi tiếng qua các tuồng: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, đặc biệt nhất là vở “Nửa đời hương phấn”. Năm 1966, Thành Được nhận huy chương vàng của giải Thanh Tâm với vai Tướng cướp Thi Đằng trong vở “Tiếng hạc trong trăng”.

Năm 1984, trong khi lưu diễn tại Đức ông xin tỵ nạn chính trị ở đó. Năm 1995 ông đến Mỹ và mở nhà hàng Thành Được ở Milpitas, San Jose, California.

 

2. Cuộc tình dang dở của
Bạch Tuyết và cầu thủ Tam Lang

 

1. Tiếng sét ái tình và tan vỡ

Năm 1966, trong buổi lễ mừng chiến thắng của đội bóng tròn Việt Nam mang về nước huy chương vàng của giải vô địch túc cầu Đông Nam Á ở Merdeka, Malaysia.

Bạch Tuyết là một trong 24 nữ diễn viên trao vòng hoa chiến thắng cho đội bóng tròn Việt Nam.

Bạch Tuyết choàng vòng hoa cho cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Bốn mắt nhìn nhau, tiếng sét ái tình nổ ra từ đó. Cặp trai tài gái sắt đèo nhau trên chiếc vespa lượn quanh các phố phường Sài Gòn, Chợ Lớn.

“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết và danh thủ Tam Lang quyết định đến hôn nhân. Trong thời gian chờ đến ngày cưới, bổng dưng người điều chỉnh áng sáng của đoàn Dạ Lý Hương tức tốc phóng xe về Mỹ Tho mật báo cho gia đình Tam Lang như sau: “Bạch Tuyết có một thời gian dài cặp kè với Hoàng Đức Ninh”. Chuẩn tướng Hoàng Đức Ninh, chỉ huy trưởng Đặc khu 44 (4 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Kiến Phong). Bà vợ của Hoàng Đức Ninh có xuống tận Châu Đốc đánh ghen. Bà đập nát kiếng xe của chồng ở nơi công cộng. Hoàng Đức Ninh là anh của Hoàng Đức Nhã, em họ của Tổng thống Thiệu.

Người anh của Tam Lang là Phạm Huỳnh Long Nhi (Đại úy Không Quân) cũng ra sức ngăn cản.

Đám cưới trì hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng được tổ chức vào tháng 2 năm 1967. Sau ba năm chung sống, bà mẹ Tam Lang hối thúc sanh cho bà đứa cháu nội để  nối dõi tông đường, nhưng Bạch Tuyết không thể sanh con. Đó là lý do chánh của việc chia tay, sau 7 năm chung sống. (1974)

Tuy nhiên thực tế thì khác. Cuộc sống của hai người hoàn toàn khác biệt nhau mà không thể thay đổi. Bạch Tuyết tâm sự: “Mỗi sáng sớm khoảng 4, 5 giờ, em đang ngủ vì thức khuya, thì ảnh đánh thức em, đưa vào rạp hát rồi ảnh đến sân Cộng Hòa tập dợt đá banh hoặc huấn luyện, rồi sau đó về trại. Khi có trận đấu lớn thì ảnh bị cấm trại suốt cả tuần lễ. Khi em trình diễn ở miền Trung thì ảnh đá banh ở Sài Gòn. Khi em hát ở Sài Gòn thì ảnh đi nước ngoài.

Phần em thì sáng tập tuồng, chiều thu dĩa, tối hát. Có khi mãi tới khuya còn đóng phim. Thời gian bên nhau rất ít.

Người thứ ba chen vào làm cho cuộc tình nhanh chóng tan vỡ. Đó là kép Hùng Cường.

 

  1. Vài nét về Bạch Tuyết

Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sanh ngày 24-12-1945 tại xã Khánh Bình, Châu Đốc, An Giang. Mồ côi mẹ lúc 9 tuổi. Khiếu âm nhạc thể hiện lúc còn bé.

Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền nhận làm con nuôi và cho gia nhập đoàn Kiên Giang. Năm 1961, cô đào chánh đến trễ và Bạch Tuyết được cho thay thế.

Diễn xuất của Bạch Tuyết khiến cho khán giả kinh ngạc về tài năng của cô. Bạch Tuyết phất lên từ đó. Được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất. Năm 1963, cô nhận giải Thanh Tâm về diễn viên có triển vọng.

Năm 1964, Bạch Tuyết về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, đóng cặp với Hùng Cường,  được trao huy chương vàng của giải Thanh Tâm về nữ diễn viên xuất sắc. Được đặt cho danh hiệu “Cải lương chi bảo”.

Năm 1965, Bạch Tuyết Hùng Cường ra lập gánh Hùng Cường Bạch Tuyết.

Theo bách khoa tự điển Wikipedia, thì năm 1966, Bạch Tuyết nghỉ hát nửa năm để ôn bài thi tú tài. Sau đó đỗ cử nhân văn khoa (1985). Tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn ở Sofia, Bulgaria (1988). Bảo vệ luận án tiến sĩ về nghệ thuật sân khấu cổ truyền (1995)

 

Những Cuộc Tình của Nghệ sĩ Bạch Tuyết

Năm 1967, kết hôn với cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Năm 1974 hôn nhân tan vỡ. Lý do là không sanh con. Cũng ngay trong năm nầy, Bạch Tuyết lập gia đình lần thứ hai với ông Charles Đức. Có một con trai tên Bảo Giang Valery Bauduin hiện sống ở Hoa Kỳ.

Ngày 2-6-2014, Tam Lang qua đời tại bịnh viện Chợ Rẫy. (69 tuổi)

 

 Văn Chung: Cười cho quên cay đắng

 

1. Văn Chung ca vọng cổ mùi

Cuộc hôn nhân của Văn Chung với “Đệ nhất đào thương Thanh Hương” đổ vỡ khi cô đào diễn cặp với kép Hùng Minh. Văn Chung bèn chuyển sang diễn hài, mượn tiếng cười để vượt qua nổi đau.

Năm 1952, Văn Chung và Thanh Hương, con gái của Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) và danh ca Tư Sạng, cả hai cùng hát chung trên đài Pháp Á. Hai người yêu nhau rồi kết hôn.

Sau đó, Văn Chung được cha vợ là Năm Châu thu nhận vào Đoàn Việt Kịch Năm Châu. Thoạt tiên Văn Chung chỉ giữ những vai phụ. Năm 1955, Văn Chung và Thanh Hương về Đoàn Thanh Minh. Thời gian nầy được báo chí khen ngợi. Năm 1957, Văn Chung và Thanh Hương về Đoàn Kim Chưởng. Cả hai đều được nổi tiếng.

Thanh Hương sanh đứa con đầu lòng. Năm 1960 vợ chồng ra lập gánh hát riêng Thanh Hương-Văn Chung. Năm 1961 khi hát ở Hậu Giang, kép Hùng Minh diễn cặp với Thanh Hương mùi mẫn quá dẫn đến việc hôn nhân đổ vỡ. Gánh hát tan đàn xẻ nghé.

Thanh Hương gởi con gái cho người chị thứ ba của Năm Châu nuôi dưỡng rồi bỏ đi, cùng với Hùng Minh lập ra gánh Hùng Minh-Thanh Hương.

Ngậm đắng nuốt cay, Văn Chung trở về Sài Gòn gia nhập Đoàn Dạ Lý Hương. Lúc đó hai kép trẻ là Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm đang nổi danh chiếm lĩnh sân khấu.

Để giúp cho Văn Chung tìm được một chỗ đứng bên hai kép chánh nầy trên cùng một sân khấu, soạn giả Nguyễn Phương đề nghị Văn Chung diễn một vai hài trong tuồng Tiền Rừng Bạc Biển do ông sáng tác.

 

2. Chuyển sang diễn hài. Cười cho quên cay đắng

Từ đó Văn Chung chuyển từ vọng cổ mùi sang diễn hài. Và rất ăn khách. Văn Chung tâm sự: “Khi chuyển sang diễn hài tôi muốn đời mình lạc quan hơn, xóa đi những niềm đau riêng. Có lúc tôi hận đời đen bạc. Cuộc hôn nhân hạnh phúc bổng chốc như đàn lạc điệu. Mỗi đêm tôi mang tiếng cười cho khán giả để giúp mình thêm trẻ trung, yêu đời”.

Văn Chung nổi tiếng với “giọng cười dê, be he”. Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh năm 1933. Học cổ nhạc với nhạc sĩ Bảy Quới. Có giọng ca vọng cổ rất mùi.

Thanh Hương mất năm 1974 sau một cơn sanh khó. Con gái của Văn Chung- Thanh Hương được nghệ sĩ Kim Chưởng trực tiếp truyền nghề và đặt nghệ danh là Hương Chung Thủy. Hương là tên mẹ, Thanh Hương. Chung là tên cha, và Thủy là tên trong khai sanh.

Cuối năm 1960, Văn Chung kết hôn với con gái của nhà xuất nhập cảng vỏ xe hơi, Hãng Vỏ Bình Tây. Cuộc tình nồng ấm suốt 40 năm qua cho tới sau nầy.

 

Bà Năm Sa Đéc

Ông Vương Hồng Sển và Bà Năm Sa Đéc

 

1. Sơ lược về Bà Năm Sa Đéc

Bà Năm Sa Đéc (1007-1988) tên thật là Nguyễn Kim Chung, con thứ năm của ông Nguyễn Duy Tam, xã Tân Khánh Đông, quận châu thành tỉnh Sa Đéc. Người cha mê hát bội nên đặt tên bà theo tên của một nữ nghệ sĩ hát bội nổi tiếng là Kim Chung ở Mỹ Tho.

Năm 1928 bà gia nhập làng hát bội với nghệ danh là Năm Nhỏ. Với giọng hát thiên phú, cách diễn xuất nhập vai, lột tả được tâm trạng của những nhân vật thủ diễn.

Vì có một nghệ sĩ hát bội tên Năm Nhỏ cho nên bà phải đổi tên thành Năm Sa Đéc và chuyển sang ngành cải lương. Bà nhanh chóng gặt hái được nhiều thành quả ở các gánh Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Song Phụng.

Bà Năm Sa Đéc là nghệ sĩ xuất sắc trong hát bội, cải lương và điện ảnh. Hai món ăn đặc biệt của bà là bánh bao Cả Cần và hủ tiếu Sa Đéc.

2. Hai lần qua đò nhưng không có một lần mặc áo cô dâu.

* Người chồng đầu tiên

Người chồng đầu tiên của bà Năm Sa Đéc là ông đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn. Hai người có một con trai tên Nguyễn Ngọc Đặng (1939).

Sau đó đường ai nấy đi. Lý do của sự chia tay phát xuất từ quan niệm “Xướng ca vô loài”.

Năm 1947, bà đưa con lên Sài Gòn và bước thêm một bước nữa với nhà khảo cổ nổi tiếng là Vương Hồng Sển.

* Người chồng thứ hai

 

Bà Năm Sa Đéc và Vương Hồng Sển* Mộ của bà Năm nằm đơn lẻ tại ấp Đông, Sa Đéc.

 

Cũng như lần trước, lần nầy cũng không xe hoa, không áo cưới cô dâu. Chưa được ông Vương Hồng Sển công nhận là vợ hợp pháp vì không lập hôn thú. Đến ngày chết bà cũng không được nằm gần chồng.

Năm 1984, bà Năm Sa Đéc hỏi ý chồng: “Mình già rồi cũng nên bàn với gia tộc lo phần mộ của tôi với ông”. Ông Vương trả lời: “Thôi thì sau nầy quê tôi, tôi về còn bà thì về quê bà”.

Bà Năm Sa Đéc mất ngày 12-9-1988. Ông Vương Hồng Sển đưa vợ về an táng ở xã Tân Khánh Đông, Sa Đéc.

Những người trong gia đình cho biết, sinh thời bà Năm mang nhiều nổi khổ tâm. Sau khi sanh Vương Hồng Bảo, ông Vương bắt đầu có thái độ “phân biệt đối xử” với con riêng của bà là Nguyễn Ngọc Đặng.

Ông Vương Hồng Sển sinh ngày 27-9-1902 tại Sóc Trăng. Ông mang ba dòng máu Việt, Hoa và Khmer. Mất ngày 9-12-1996.

* Quan Niệm Xướng ca vô loài

Dưới thời phong kiến, “xướng ca vô loài” là một nhóm chữ chỉ những người làm nghề ca hát với nghĩa khinh bỉ, miệt thị.

Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Phong tục Việt Nam cho rằng “vô loài” liên quan tới quan niệm “vô luân” của người xưa như sau:

Xã hội ta ngày xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính cuộc sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bầy tôi, cha quỳ lạy con, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con (Vợ làm mẹ, chồng làm con) hoặc cha con... Tất cả cái “vô luân” là ở đấy, luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn trên sân khấu”.

 

Tác giả Thanh Thủy, trong bài viết Nguồn gốc của định kiến “xướng ca vô loài” thì cho thành ngữ này có xuất xứ từ Trung Hoa qua câu chuyện dưới đây:

Nhà Thương (1401 - 1123 TCN) với vị vua cuối cùng là Trụ Vương, bị một bộ tộc chư hầu là nhà Châu lật đổ. Dĩ nhiên, con dân Nhà Thương phải ôm một mối hận nhà tan và mối nhục mất nước, trong khi đó thì nhóm đàn bà con gái trong làng ca nhi của Nhà Thương, vì miếng cơm manh áo, cùng nhau tụ tập ở các tửu điếm bên sông Tần Hoài, dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ cho quan quân và người của chế độ mới là Nhà Châu, mà quên đi nỗi nhục nước mất nhà tan của mình.

Làng ca nhi nầy của Nhà Thương bị lên án là làm ô nhục cho đất nước, một mối nhục muôn đời không gội rửa được. Vì thế mà người của Nhà Thương đã loại bỏ những người hành nghề xướng ca nầy ra ngoài sinh hoạt xã hội của họ. Sĩ nông công thương.

Đến đời Nhà Đường, thi hào Đỗ Mục (803-852) đã viết lên bài thơ Bạc Tần Hoài hay Tần Hoài Dạ Bạc, được Lệ Thần Trần Trọng Kim dịch như sau:

Khói lồng nước bóng trăng lồng cát
Bến Tần Hoài thuyền sát tửu gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

 

Trong đó, nguyên văn chữ Hán của hai câu sau đã được người đời nhắc nhở: “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình hoa”.

“Xướng ca vô loài” cũng có xuất xứ từ Việt Nam, vì người Việt theo luân lý Nho giáo. Có cái nhìn rất khắt khe đối với sự “vô luân”, “vô loài” của các “bọn phường chèo” hay “con hát” ngày xưa.

Việt Nam đã từng có nhiều nhân vật nổi tiếng bị gian truân vì quan điểm khắt khe, cổ hủ đó. Trong đó, nổi tiếng nhất là trường hợp Đào Duy Từ (1572 - 1634) vì có cha làm nghề ca hát, nên ông không được đi thi để ra làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong theo thờ Chúa Nguyễn.

 

Mối tình của Thanh Nga và Đại úy Mẫn

Đại úy Nguyễn Minh Mẫn là chồng cũ của Thanh Nga.  Ông Mẫn thương Thanh Nga khi cô đang sáng chói trên sân khấu cải lương. Người cao lớn, đẹp trai, có tâm hồn nghệ sĩ, là sĩ quan huấn luyện viên môn chiến thuật trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi Chỉ huy phó Yếu Khu Bình Phú (Thủ Đức).
Thanh Nga trong chiếc áo cưới, bước lên xe hoa chính thức cùng người chồng là ông Nguyễn Minh Mẫn. Trong ngày cưới bỗng nhiên một người đàn bà dẫn con đến, mới biết ông Mẫn đã có vợ con ở quê nhà. Người phụ nữ được đưa vào buồng riêng thu xếp để đám cưới không bị bể.

Tiệc cưới được tổ chức linh đình tại nhà hàng, báo chí và nghệ sĩ tham dự rất đông. Rượu Champagne nổ dòn, cuộc vui tưởng chừng như bất tận. Nhưng chưa được bao lâu, thì Đại úy Mẫn phải ra toà lãnh án về tội buôn lậu đồ Mỹ.

Thanh Nga phải sống trong những ngày đoạn trường và phải đối mặt với dư luận, những việc không đâu cứ ùa đến, kể cả những vu oan, tố cáo của người đàn bà trước kia của ông Mẫn. Thanh Nga-Nguyễn Minh Mẫn không có hôn thú nên hôn nhân tự tan vỡ khi ông Mẫn đang ở tù.

 

Thanh Nga là vợ của Thành Được

Trích báo Công An trong nước: “Thành Được sau khi ly dị với vợ là Út Bạch Lan, vì là kép và đào chánh đã đóng chung những vở tuồng nên yêu say đắm Thanh Nga nhưng bị bà Bầu Thơ ngăn cản. Tuy vậy ông vẫn theo đuổi và dùng thế lực bên ngoài để kéo người đẹp trên sân khấu về với mình cho đến khi Thanh Nga ưng chịu. Dẫu cho đã nên vợ nên chồng, nhưng cá tính hai người xung khắc với nhau và cuối cùng phải chia tay”.(Hết trích)

 

Phùng Há kết hôn với thầy đờn Tư Chơi

NS Năm Châu - NS Phùng Há trong vở "Vợ và tình"

 

Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (30-4-1911 – 5-7-2009). Thân phụ là người Hoa gốc ở Sơn Đông, Trung Hoa. Thân mẫu là bà Lê Thị Mai, người Mỹ Tho. Bà Phùng Há là mẹ kế của Tướng Nguyễn Khánh.

Cha mất khi bà 9 tuổi. Năm 13 tuổi phải đi làm công ở lò gạch lấy tiền nuôi mẹ. Giọng ca thiên phú của bà được ông bầu Hai Cu nhận cho vào gánh cải lương Tái Đồng Ban đóng cặp với kép Năm Châu.

Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) là hai người thầy đầu tiên của bà, cũng là hai người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà.

Mối tình giữa Phùng Há và Năm Châu vừa chớm nở thì bất ngờ Tư Chơi tuyên bố kết hôn với Phùng Há năm bà 15 tuổi. Năm Châu thất tình rời gánh ra đi. Nghe đâu ra Hà Nội.

Sống với Tư Chơi có một con gái tên Bửu Chánh, rồi chia tay năm 1929, vì bà chịu không nổi ông chồng suốt ngày ngồi nhậu trong quán rượu, ghen tương và đánh đập bà. Nhất là Tư Chơi bắt đầu theo đuổi đào Kim Thoa, vừa hát hây vừa đẹp nên bỏ mặc người vợ trẻ Phùng Há. Bửu Chánh được gởi về bà ngoại ở Mỹ Tho nuôi dưỡng.

Được tin Phùng Há thôi chồng và chuyển sang đoàn Trần Đắc, Năm Châu trở về hy vọng nối lại tình xưa nhưng một lần nữa thuyền tình lỡ chuyến vì Phùng Há đã trở thành vợ của Bạch Công Tử, và làm bầu gánh Huỳnh Kỳ năm 18 tuổi.

Phùng Há vẫn còn yêu Năm Châu. Cô Bảy Phùng Há tâm sự: "Ngày đó khi tôi lấy chồng, ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh hát, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy thì cũng bằng thừa thôi. Số phần đã như vậy rồi”

Soạn giả Nguyễn Phương thuật lại. “Ngày anh Năm Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này... tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".
Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu.

 

Cuộc hôn nhân bi thảm
của Phùng Há và Bạch Công Tử

Phước George được gọi là Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, đối với Hắc Công Tử hay Công Tử Bạc Liêu tên Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu. Phước George là con của Đốc phủ sứ Lê Công Sủng, làm quận trưởng quận châu thành tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1909, sang Pháp du học. Ông mê cải lương nên học về ngành sân khấu. Năm 1932 về nước, lập đoàn cải lương Huỳnh Kỳ cho Phùng Há làm chủ và bầu gánh. Phước George cưới Phùng Há khi đó. Gánh Huỳnh Kỳ là một đại bang, bề thế rất lớn không thua gì gánh hát của Thầy Năm Tú đang nổi tiếng ở Nam Kỳ Lục tỉnh thời đó. Huỳnh Kỳ gồm những đào kép trứ danh như Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélène…

Phước George xây một rạp hát bên cạnh nhà để trình diễn thường xuyên, đó là rạp Huỳnh Kỳ nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, con đường chạy xuống Chợ Gạo, Gò Công.

Cuộc tình hạnh phúc kéo dài 7 năm. Hai đứa con ra đời. Con trai tên Paul Lộc, con gái Suzane.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch công tử vung tiền qua cửa sổ cho nên gánh Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ gánh ra đi. Cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm hai đứa con bịnh nặng đi tìm chồng và bắt gặp Phước George đang sống với một phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng là Marie Anne Nhị (Tư Nhị) tại khách sạn Minh Tân, Mỹ Tho.

Bạch Công tử trách mắng vợ và xua đuổi ba mẹ con Phùng Há. Trở về, không tiền chạy thuốc men cho con nên hai đứa con lần lượt chết trên tay của bà.

Kết luận

Cảnh yêu đương mùi mẫn của những cặp tình nhân cứ diễn đi diễn lại cả chục lần trên sân khấu khiến cho những cặp đào kép trong vai của vở tuồng rất dễ biến cảnh giả trên sân khấu thành cảnh thật ngoài đời. Tình mới chớm nở sẽ tạo ra tan vỡ. Chia tay, đường ai nấy đi, mỗi thuyền tình tìm bến đậu. Cứ thế mà sống không ai buồn hơn ai.

Trong những mối tình tan vỡ, Út Bạch Lan là người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Năm 2005, Út Bạch Lan gặp lại Thành Được trên sân khấu của nhà hàng Thành Được tại San Jose (California), Thành Được tỏ ra rất hối hận và Út Bạch Lan sẵn sàng tha thứ với cái tâm vị tha của nhà Phật.

 

Trúc Giang MN

 

 

 

 

 

 

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top