Trúc Giang MN, Bí ẩn “Những mối tình trai” của nhà thơ Xuân Diệu

Bí ẩn “Những mối tình trai”
của nhà thơ Xuân Diệu

Trúc Giang MN


Những năm đầu thập niên 1930, nền văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, đó là phong trào Thơ Mới. Thơ Mới xóa bỏ những khuôn phép của thể thơ cũ, là thất ngôn bát cú Đường luật. Không còn những rào cản về luật bằng trắc, về phép đối, của thơ cũ, các nhà thơ mới được tự do diễn đạt tâm tình và tình cảm của mình một cách phóng khoáng, lưu lại cho đời những kiệt tác trong văn học.
Trên thi đàn Việt Nam xuất hiện những bài thơ bất hủ của các nhà thơ mới như: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Tô Kiều Ngân…
Riêng cặp thi sĩ nổi danh là Xuân Diệu và Huy Cận là hai nhà thơ đồng tính luyến ái đã có những tác phẩm nổi tiếng. Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng của thơ tình”
Yêu nhau thì phải tỏ tình, gián tiếp hay trực tiếp trong thơ. Xuân Diệu là trụ cột của “tình trai”, tình trai là đồng tính luyến ái giữa nam với nam.
Tình trai của Xuân Diệu với nhà thơ Hoàng Cát, nhà văn Tô Hoài, và đậm đà nhất là tình trai giữa Xuân Diệu và Huy Cận.
Ở thời điểm lịch sử đó, tình yêu đồng tính chưa được xã hội công nhận, cho nên mọi thể hiện đồng tính chìm trong vòng bí mật.
 
Người vợ một đêm của Xuân Diệu
        
 
                          Xuân Diệu và bà Bạch Diệp
 

Những cuộc hò hẹn trước khi kết hôn

Bà Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội. Năm 1955, bà là nhà báo của tờ Nhân Dân. Năm 1956, Tổng biên tập tờ Nhân Dân, ông Hoàng Tùng, làm mai bà với nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng là “Ông hoàng thơ tình”.
Bạch Diệp về nhà tìm đọc những bài thơ của Xuân Diệu. Bà ưng ý những câu:
“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững thững chẳng theo gần
Vô tâm. Nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em”

Buổi gặp đầu tiên tẻ nhạt. Những câu chuyện làm quen rời rạc hơn nàng tưởng. Xuân Diệu không phải là người đàn ông biết “nịnh đầm” (Gallant) làm vừa ý người đẹp. Không bày tỏ niềm vui khi gặp nhau lần đầu tiên.
Buổi hẹn hò sau. Hai người đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng ra chơi ngoại thành Hà Nội. Xuân Diệu ngâm thơ, Bạch Diệp ngồi phía sau, lòng lâng lâng vừa lòng, khoan khoái.

Một hôm trời mưa, Bạch Diệp đòi về nhà, Xuân Diệu kéo nàng vào trú dưới mái hiên của một ngôi nhà. Anh rút “mùi soa” nhẹ nhàng lau từng giọt nước mưa lấm tấm trên mặt nàng.
Trước khi chia tay, Xuân Diệu tặng nàng bài thơ:
“Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay đi đến người thương cách trùng
Dạ lan thơm nức lạ lùng
Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”

Xuân Diệu rất yêu hoa hồng và thường tặng hoa hồng cho Bạch Diệp. Xuân Diệu không có sự quyến rũ bề ngoài, cũng không có những câu nói đưa đẩy làm xiêu lòng phụ nữ. Bù lại, sự chu đáo của anh khiến Bạch Diệp chưa hoàn toàn vừa ý, nhưng cũng tạm thời chấp nhận.

Trước ngày cưới vài hôm, một bạn đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại nói: “Tao nghe người ta nói anh Diệu có vấn đề đấy! Mày phải xem lại đi, nếu không thì hại đời con gái”. “Vớ vẩn, người ta ghen ghét nói xấu anh Diệu đấy thôi. Tao không hiểu anh Diệu thì ai hiểu đây?”.

Miệng nói như thế, nhưng trong lòng không khỏi hồ nghi. Bạch Diệp thúc giục Xuân Diệu đi đăng ký kết hôn nhưng anh ậm ờ cho qua, nói là bận sáng tác.

Đêm tân hôn của thi ca

Xuân Diệu 41 tuổi. Bạch Diệp 27 tuổi. Đám cưới diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1958, do báo Nhân Dân tổ chức. Tham dự gồm có nhiều nhà văn, nhà thơ, toàn là nghệ sĩ tên tuổi đến chúc mừng cô dâu, chú rể trăm năm hạnh phúc.
Bạch Diệp lộng lẫy trong trang phục cô dâu, miệng vui cười đón chào khách dự.
Đôi vợ chồng trẻ được thu xếp trong một căn phòng nhỏ nhưng ấm cúng. Phía đầu giường, trên tường có dán chữ Hỉ đó chót.
Chú rể chu đáo đun nước sôi, trút xuống chậu men, nhúng tay vào thử độ ấm, rồi bảo cô dâu đi tắm. Nước ấm, mùi thơm của xà bông làm tan đi mõi mệt, và cảm thấy khoan khoái.
Cô dâu đang nín thở đợi chờ... Một bàn tay mềm mại đặt lên vai. Tim cô dâu đập thình thịch…Xuân Diệu hỏi: “Em có thấy cây viết đâu không?”. Giật mình, cô dâu ngơ ngác hỏi: “Để làm gì hở anh?”. Xuân Diệu không trả lời, lục tung bàn, cúi xuống gầm giường tìm cây viết. Rồi thắp thêm nến, mải mê để tâm hồn nhập vào tay viết.
Bạch Diệp ngỡ ngàng: “Chẳng lẽ anh ấy muốn làm thơ trong lúc nầy?” Sau một hồi, Xuân Diệu hí hửng đọc thơ cho cô dâu nghe. Cô dâu cố nhẫn nhịn. Đọc xong, anh lại hì hục viết. Mắt nhìn ra cửa sổ bâng khuân  như để tìm ý…Bạch Diệp bàng hoàng: “Chẳng lẽ đêm tân hôn là như thế?” Đêm đó, cô dâu lại mất ngủ. Vị ngọt của rượu vang hồi chiều đã nhanh chóng trở thành chua chát.

Đêm đêm chàng vẫn miệt mài làm thơ. Nàng thở dài đắp mền đi ngủ sớm. Một vài người tò mò hỏi chuyện vợ chồng trẻ, Bạch Diệp chỉ mỉm cười, nhưng đôi mắt thoáng nét u buồn. Nàng ngậm bồ hòn làm ngọt.
Một tuần lễ sau, Bạch Diệp về thăm cha mẹ. Bà mẹ kề tai hỏi nhỏ: “Thế mày đã có gì chưa?”. “Có gì là gì hở mẹ, bọn con đã có chuyện gì đâu”. Bà mẹ nói chuyện sinh con đó mà.

Sự thật phô bày.
Tức giận, ông bố gọi chàng rể đến. Mọi người té ngửa. Xuân Diệu bị bất lực, không chữa trị được. Ông bố cho thời hạn 3 tháng, nếu không chữa trị được thì hai đứa phải chia tay. 

Bà mẹ khóc hết nươc mắt. Chạy đôn chạy đáo, xuống Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương xem bói. Nào là thằng nầy bị ma ám, đem lá bùa nầy về đốt, lấy tro hòa với nước lã bắt nó uống. Cũng phải xoay cái giường ngủ qua hướng khác…

Xuân Diệu thương vợ và hối hận vì không thể làm cho gia đình hạnh phúc. Vần thơ tình vẫn tuôn trào, rào rạt:

“Hãy khắn khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh đã bảo em rằng
Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm” (Trong bài Xa Cách).


Một đêm nọ, Xuân Diệu không làm thơ. Chàng ôm vợ, siết chặt, nhẹ nhàng hôn lên môi, lên mắt và trán nàng. Rồi những nụ hôn cuống quýt, nồng ấm. Nàng lâng lâng, dòng máu bừng lên chạy suốt cơ thể. Nàng sắp bùng nổ…Thì bổng nhiên, chàng dừng lại. Bỏ ra ngoài phòng, để lại sau lưng những giọt nước mắt mặn chát của người vợ trẻ.
Sau khi chia tay, họ vẫn coi nhau như người bạn.
Lần thứ hai, bà Bạch Diệp kết hôn với ông Nguyễn Đức Tường vào năm 1975. Họ sống vơi nhau suốt 15 năm cho đến khi ông mất. (1990)
 
Vài nét về Xuân Diệu

Xuân Diệu là người “Đồng tính luyến ái” (Homosexuality)
Đồng tính luyến ái hay đồng tính, chỉ việc yêu đương hay quan hệ tình dục (Sexual intercourse) giữa người cùng một giới tính với nhau, như giữa nam với nam (Gay) và giữa nữ với nữ. (Lesbian hay "Les". Cũng có nhiều trường hợp chữ Gay chỉ cho cả 2 phái.


Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (2-2-1916 – 18-12-1985), là nhà thơ nổi tiếng trong “Phong Trào Thơ Mới”, được cho là “Ông hoàng thơ tình”. Tốt nghiệp tú tài rồi ra học trường Luật ở Hà Nội lấy bằng cử nhân (1943). Xuân Diệu có chân trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cha tên Ngô Xuân Thọ, mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.

Xuân Diệu có trên 450 bài thơ, một số bút ký, chuyện ngắn, tiểu luận và phê bình văn học.
Câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu mà nhiều người biết đến là “Yêu là chết trong lòng một ít”. Mượn câu của  nhà văn Pháp, Edmond Haraucourt: “Partir, c’est mourir un peu” (Đi là chết một ít).

Xuân Diệu và Huy Cận cùng ở chung một quê hương Hà Tĩnh. Vợ của Huy Cận là em ruột của Xuân Diệu, tên là Ngô Thị Xuân Như.
Xuân Diệu và Huy Cận được cho là hai nhà thơ đồng tính. Hai người cùng ở chung với nhau trong nhiều năm.

Bài thơ “Tình Trai” của Xuân Điệu và bài thơ “Ngủ Chung” của Huy Cận nói về việc nầy. Hồi ký “Cát Bụi Chân Ai” của nhà văn Tô Hoài thì Xuân Diệu đã bị kiểm điểm về việc nầy. Đồng tính luyến ái. Xuân Diệu có bài thơ “Em Đi” để tặng “người yêu” là nhà thơ Hoàng Cát, khi vượt Trường Sơn vào đánh chiếm miền Nam Việt Nam.
Con nuôi của Xuân Diệu là TS Cù Huy Hà Vũ, con trai của Huy Cận.
Câu nói có ý nghĩa của Xuân Diệu là: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn coi như đã chết”.

Bài thơ nổi tiếng của Xuân Diệu là bài Yêu


                

Yêu

Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
– Yêu, là chết trong lòng một ít.

Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu.
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.


“Mối Tình Trai” giữa Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát
Hoàng Cát tường thuật về mối quan hệ với Xuân Diệu

          http://static.cand.com.vn/Uploaded_ANTGCT/thuydt1/thuydt1/11_nhatho155.jpg

                           Xuân Diệu và Hoàng Cát

Người thương phế binh Việt Cộng tên Hoàng Cát, bị ăn bom B-52 của Hoa Kỳ khi vượt Trường Sơn vào đánh chiếm miền Nam Việt Nam, ông viết trong hồi ức về mối tình trai của ông và Xuân Diệu như sau: “Lần đầu tiên tôi gặp anh Xuân Diệu hồi năm 1958, trong lúc tôi đi tìm trâu đi lạc thì gặp anh Xuân Diệu đang ngồi nghỉ dưới bóng cây giữa đồng làng trong khi anh đi thực tế ở Nghệ An.
Cuộc gặp gỡ như một số phận, một định mệnh. Và sau đó, khi tôi đi học Trường Viết Văn ở Quảng Bá, tôi được anh Xuân Diệu nâng đỡ, cho về nhà ở chung với anh. Anh dạy tôi về việc viết văn, làm thơ, từ vỡ lòng đến những câu, những chữ, cách đọc sách…
Kể từ khi ở chung với anh, tôi nhận thấy rằng cuộc đời của tôi đã thuộc về anh Xuân Diệu rồi.
Nhiều người cứ né tránh, nhưng tôi là người trong cuộc, có thể khẳng định rằng anh Xuân Diệu luôn luôn hướng về cái đẹp và anh có cảm xúc yêu đương mãnh liệt với người đồng giới tính.
Anh Xuân Diệu yêu tôi, một tình yêu cao cả, thiêng liêng và bao bọc tôi. Thương yêu anh và chiều chuộng anh để anh không thấy bị lẻ loi, vì trái tim anh đã quá cô đơn rồi.
Hồi đi học, anh cho tiền tôi cho đến khi tôi ra trường mới thôi. Bài thơ đầu tiên được đăng báo, tôi lãnh nhuận bút một đồng. Tôi mua thịt chó về cho anh. Tôi biết anh rất thích thịt chó.
Xuân Diệu có bài "Tình Trai" nói về mối tình đồng tính của 2 nhà thơ Pháp là Rimbaud và Verlaine.
Bài "Em Đi",  Xuân Diệu đề tặng nhà thơ Hoàng Cát, với lời lẻ tha thiết khi chia tay để Hoàng Cát vượt Trường Sơn vào xâm chiếm miền Nam.
Bài "Biển" mô tả tình yêu nồng nàn giữa 2 người, và Hoàng Cát đã từng xác nhận "Tôi và anh Xuân Diệu có nhiều điều "Sống để dạ, chết mang theo", nhưng tôi muốn nói với bạn rằng đàn ông yêu nhau là do cấu tạo thể chất chớ bản thân họ không có tội tình gì".

Hai bài thơ xác định tình đồng tính của Xuân Diệu và Hoàng Cát

“Ngày tôi đi B (Khu 3, Tây Nguyên), anh Xuân Diệu làm bài thơ tiễn biệt “Em Đi”, vào lúc 23h30 ngày 11-7-1965.
Em đi
Em đi, để tấm lòng son mãi
Như ánh đèn chong, như ngôi sao
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa
Nụ cười em nở, tay em vẫy
Ôi mặt em thương như đoá hoa
Em hỡi! Đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi
Em ơi, anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê
Áo chăn em gửi cho anh giữ
Xin gửi cùng em cả hẹn thề
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh thương mãi, biết làm sao
Em đi xa cách, em ơi Cát
Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...”.

Những câu thơ trên thể hiện tình yêu vô cùng thắm thiết của hai người con trai nầy:
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào…
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi”.
“Em hẹn sau đây sẽ trở về. Sống cùng anh lại những say mê”.
“Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu...”.

Bài thơ Em Đi xác định tình trai của Xuân Diệu. Tình trai là đồng tính luyến ái nam.

Tình trai

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen

Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương

Kể chi truyện trước với người sau
Quên ngó môi son với áo mầu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau!

(Thơ thơ in lần thứ hai)

Nói thêm về mối tình của Rimbaud và Verlaine.
Paul Verlaine (1844) và Athur Rimbaud (1854) là hai nhà thơ lớn, nổi tiếng của Pháp.
Verlaine, tình dục song tính, tức là đã có vợ con, và đồng tính luyến ái với Rimbaud. Cặp đồng tính nầy của hai nhà thơ danh tiếng đã bị dư luận và xã hội chỉ trích, lên án.
Họ rời Paris để sang London xây tổ uyên ương, sống như hai du khách. Cặp đôi nầy đồng tính tronhg tình yêu nhưng tánh tình mâu thuẩn nhau. Hết tranh cãi tới đánh đá nhau, và trong một lần, Verlaine rút súng bắn trúng cổ tay của Rimbaud. Verlaine bị tù 2 năm và tình trai của họ cũng chấm dứt, vì tánh tình không hợp nhau.

Xuân Diệu và Tô Hoài: Mối Tình Trai

           
Xuân Diệu và Tô Hoài
 

Lời tường thuật của Tô Hoài

Trong cuốn hồi ký Cát Bụi Chân Ai năm 1993, nhà văn Tô Hoài nói về mối tình trai (Đồng tính luyến ái nam) như sau: “Tôi quen Xuân Diệu trước năm 1945. Tôi cũng là người được Xuân Diệu rủ đi nghe và cổ vũ Xuân Diệu, lần đầu tiên diễn thuyết đề tài “Thanh Niên Với Quốc Văn” tại giảng đường trường đại học Hà Nội. Xuân Diệu nói: “Hoài đi ủng hộ Diệu” giọng nói dịu dàng, âu yếm…

Đến bữa ăn, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gấp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ đối với tôi nhưng tôi rất cảm động.
Trước mắt tôi, Xuân Diệu là một người duyên dáng, rõ nét là một người đồng tính”. Tô Hoài kể tiếp: “Thỉnh thoảng Diệu đến nhà tôi chơi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tôi tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi.
Nhớ lại hồi học lớp nhất ở trường Yên Phụ, lúc tôi bể tiếng, giọng ồ ồ, mặt đầy mụn trứng cá, chúng nó bảo tôi là con gái. Nhiều thằng cáp đôi với tôi đòi làm vợ chồng. Có lần, mấy đứa ôm chặt lấy tôi rồi sờ soạn cả đáy quần. Nhiều hôm đi học sớm, không dám đến trường, mà phải ẩn vào ngõ Trúc Lạc, chờ nghe tiếng trống rồi chạy nhanh đến sắp hàng vào lớp.
Như thế, lúc nhỏ Tô Hoài ẻo lã giống như con gái. Tô Hoài xác nhận, Xuân Diệu yêu tôi, đã thường xuyên tay cầm tay, mắt nhìn mắt, đắm đuối bên nhau.

Những đêm “ma quái”
“Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người. Bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt, xuống cổ. Rồi xuống dần, xuống dần… khắp mình trần truồng trong tấm mền. Chẳng còn biết đang ở đâu, mình là ai. Ta là ai. Hai thân thể con người quằn quại, quấn quít. Cánh tay, cặp đùi như có sợi dây thừng trói nhau lại. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia ra. Rồi như chiêm bao, tôi rã rời, thống khoái. Im lặng.
Trời sáng Xuân Diệu trở về giường của anh lúc nào không biết. Tôi nhắm mắt tưởng nhớ lại những hứng thú đã qua.
Đêm sau lại vào cuộc kịch liệt hơn. Trong những đêm quỷ quái lại thấy mình không phải là mình nữa.
Tô Hoài thuật lại những năm tháng công tác ở Yên Dã, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, cứ tối tối là đám thanh niên tìm vào ngủ nhờ trong xóm.
Rồi một ngày, Xuân Diệu bị lôi ra kiểm điểm suốt hai đêm. Xuân Diệu chỉ ngồi khóc.
Chủ trì đặt câu hỏi: “Có ai ngủ với Xuân Diệu nữa không?”. Không ai thú nhận, tôi (Tô Hoài) cũng câm như hến, vì mình cũng là đồng lõa kia mà. Chủ trì cho biết đó là hành vi tư sản, xấu xa, phải chừa.
Xuân Diệu nức nở khóc, nói đây là “tình trai” của tôi, và không hứa phải chừa gì cả.

Vài nét về Tô Hoài

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen (27-9-1920 – 6-7-2014), là nhà văn có rất nhiều tác phẩm. Vợ là Nguyễn Thị Cúc. Có 4 con.
Tô Hoài thuộc “Song tính luyến ái” (Bisexuality)
Là sự luyến ái hay quan hệ tình dục của một người đối với cả 2 phái, cả nam lẫn nữ. Theo nghiên cứu của Alfred Kinsey về tình dục loài người giữa thế kỷ 20 thì, ngoài dị tính và đồng tính, còn có một loại nằm giữa, bao gồm cả hai, đó là Song tính tình dục. "Thế giới thứ ba".


Huy Cận và Xuân Diệu là hai nhà thơ đồng tính

Vài nét về nhà thơ Huy Cận


             

Nhà thơ Huy Cận

Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31-5-1919 tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mất ngày 19-2-2005. Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất trong phong trào Thơ Mới Việt Nam. Huy Cận đã từng giữ chức vụ thứ trưởng, bộ trưởng trong chính phủ Việt Cộng.
Huy Cận có hai đời vợ. Người vợ đầu tên Ngô Thị Xuân Như, em của Xuân Diệu. Người vợ thứ hai tên Trần Lệ Thu. Ông có 4 người con, 2 trai, hai gái. Con trưởng là TS Cù Huy Hà Vũ.
Huy Cận và Xuân Diệu là hai nhà thơ đồng tính. Xuân Diệu sống chung với gia đình Huy Cận đến hết cuộc đời ở ngôi nhà số 24 đường Cột Cờ (Điện Biên Phủ), Hà Nội.
Huy Cận đã từng mô tả ngôi nhà chung của hai nhà thơ như sau:

“Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ.
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời.”



Lúc nhà thơ Huy Cận còn là học trò, chưa lập gia đình, chưa có vợ con. Người nằm chung chăn, chung chiếu với ông chính là nhà thơ Xuân Diệu. Điều này được thể hiện trong bài “Ngủ chung” của Huy Cận, in trong tập Lửa thiêng, xuất bản năm 1940, có đoạn:


Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương.
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

       

“Tay choàng làm gối ấm” cho biết hai cơ thể nằm sát nhau mới có thể dùng tay thay thế cho gối.
“Da: chăn ấm”, là hai cơ thể không quần áo, da liền da do thân nhiệt hòa vào nhau làm ấm hai cơ thể. Đó là ái ân xưa.

Xuân Diệu-Huy Cận - Một đứa con chung: Cù Huy Hà Vũ

Cù Huy Hà Vũ kể lại: “Với tôi, bác Xuân Diệu là một người cha. Bố mẹ tôi ở tầng trên, tôi và bác Diệu ở tầng dưới, lý do đơn giản là tôi được bác nuôi dưỡng như con và bác không có gia đình riêng”.
Trên thực tế, Xuân Diệu còn là cha pháp lý của Hà Vũ vì vợ chồng Huy Cận lập ra giấy cho Xuân Diệu có quyền làm cha kể từ khi Hà Vũ ra đời.
Trong di chúc của Xuân Diệu thì Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế di sản duy nhất.
 
Những bài thơ hay nhất của Huy Cận

Những bài thơ hay nhất của Huy Cận: Tràng Giang, Ngậm Ngùi, Đoàn Thuyền Đánh Cá, Các Vị La Hán Chùa Tây Phương, Con Chim Chiền Chiện, Áo Trắng, Sớm Mai Gà Gáy, Đi Giữa Đường Thơm, Ta Viết Bài Thơ Gọi Biển Về, Chiều Thu Quê Hương…

Những sáng tác được phổ nhạc: Ngậm ngùi, Áo Trắng (Phạm Duy). Buồn Đêm Mưa, Tự Tình, do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc.
 

Ngủ chung


Ôi rét! đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ.
- Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.

Lạnh lùng biết mấy tấm thân xương!
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm;
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương...

Ai đắp mền cho, trải nệm là?
Đêm dày ướt rượi khí tha ma.
Coi chừng cửa mộ quên không khép,
Địa phủ hàn phong lọt cả mà.

Trốn tránh Bơ Vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

(Nguồn: Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940)
 

Ngậm Ngùi


Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

 

Áo Trắng (Huy Cận)


Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.

 

Bài thơ Tràng Giang

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.


Kết luận
Xuân Diệu và Huy Cận là hai nhà thơ lớn trong phong trào Thơ Mới Việt Nam. Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”, đã để lại cho nền văn học Việt Nam những bài thơ trữ tình được gọi là tuyệt tác.
Nhà thơ đa tình, Xuân Diệu, đã có những mối “tình trai” với các nhà văn, nhà thơ như: nhà thơ Hoàng Cát, nhà văn Tô Hoài và nhất là nhà thơ Huy Cận. Trong thời sinh tiền của các nhà thơ trứ danh nầy, việc đồng tính luyến ái chưa được xã hội chấp nhận, nên những mối tình trai của họ chìm trong vòng bí ẩn.
Câu thơ “Yêu là chết trong lòng một ít” đã được nhiều người nhắc đến khi đề cập đến tình yêu.

Trúc Giang

Minnesota ngày 11-11-2020










 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top