TRỌNG THANH
Cảm Nhận Khi Đọc Đời Thuỷ Thủ (2)
của Vũ Thất
Sau nhiều tháng theo dõi, chờ đợi và thích thú (của tôi), truyện dài Đời Thuỷ Thủ (2) – tác giả Vũ Thất – đã đến đoạn kết, và nay sách đã xuất bản.
Chắc nhiều người viết đồng thuận với tác giả, và chắc nhiều người đọc chưa thoả mãn, muốn có điều gì hơn nữa.
Riêng tôi, thấy ý kiến của Khiêm Cung đăng trên trang VHNT/TTNM khá đầy đủ, có thể nói: chắc là hợp với ý kiến của số đông. Dù vậy, xin nêu ra đây đôi điều cảm nhận, phần nào có liên quan đến bản thân.
Tôi không có thói quen đọc sách để giải trí, mà chỉ tìm đọc những tác phẩm trong đó có những điều phải tìm hiểu, thuận và nghịch, để cho tâm trí được “sáng” hơn một chút, tầm nhìn được “rộng” hơn một chút – có phần “cầu lợi”. Đời thuỷ thủ (2) đáp ứng được điều mong muốn ấy.
Điểm lại từng chương, thấy đó là thì hiện tại, đến cuối sách nhìn lại toàn bộ, tất cả là thì quá khứ.
Người đọc đã yên tâm khi con tàu bình an, người đọc cũng yên tâm về nhân vật mang tên giả Kim Phượng, cô cũng được bình an mới có thể “tường thuật” lại mọi diễn tiến đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên với lá thư viết cho Võ Bằng, Kim Phượng còn nợ bạn đọc. Nói một cách khác là nhà văn Vũ Thất còn nợ bạn đọc. Vậy, bạn đọc hãy chờ đợi Đời Thuỷ Thuỷ (3) chưa biết đến lúc nào!
Thật ra, từ khi bắt đầu vào truyện, do lối xưng danh bằng “ngôi thứ nhất” của nhân vật chính, tôi đã không lo lắng nhiều về số phận chiến hạm, thuỷ thủ đoàn và Kim Phượng, chỉ phân vân không biết tác giả sẽ đưa đến chung cuộc thế nào cho đẹp, nên tự mình nghĩ “nếu ta là nhà văn” thì sao? Cái kết “dự định” của tôi minh bạch quá, không hay, không có được tính cách “tiểu thuyết” – vì tôi chỉ thử nghĩ chứ không phải là nhà văn.
Tôi thích thú đọc Đời Thuỷ Thủ (2) vì… trong không khí chiến tranh (lúc ấy) tác giả đưa vào một câu chuyện tình cảm thật đẹp, thật thơ mộng. Không đắm đuối, nồng nàn, không đau khổ cùng tột nhưng cũng đủ nét ray rứt khi phân vân, lựa chọn để đi đến quyết định, của nữ sinh viên tuổi trẻ một thời.
Tác giả đã thành công khi diễn tả sự chuyển biến trong lý trí và tình cảm của nhân vật nữ duy nhất trong truyện mang tên giả Phan Kim Phượng.
Bên cạnh đó, người đọc còn được biết thêm nhiều điều bổ ích về hải quân, về một phần quan trọng trong lãnh hải Miền Nam, nhất là về chuyện “trên trời dưới biển”, ngày và đêm, các vì sao v.v… Như bản thân tôi, có nghe về “đường sang ngày”, giờ mới hiểu việc chiến hạm vượt qua “nhật đạo”. Tuyệt vời. Lúc học trung học, tôi được vị thầy tận tâm và uyên bác nhiều đêm chỉ rõ các vì sao: nam tào, bắc đẩu, thần nông, ngân hà, bồ cạp v.v… nhưng cũng chỉ hiểu với trình độ một cậu học trò nhỏ nhìn lên hàng hà sa số tinh tú. Và thời niên thiếu ấy chưa có được chút “tình yêu” thơ mộng, nhẹ nhàng trong sáng của chú chăn cừu. Dù có lần đọc ở đâu đó rằng: Hãy thử hỏi người chăn cừu xứ Ecosse, có muốn đổi lấy ngai vàng đế vương bậc nhất hoàn cầu không? Xa đàn cừu, thác nước, vầng mây…chàng sẽ vô cùng đau khổ và chết dần chết mòn trong nỗi đau khổ ấy.
Đọc những đoạn viết về thiên nhiên, mây trời, trăng sao… trong Đời Thuỷ Thủ (2), chắc nhiều bạn đọc sẽ nghĩ: Sao ông Võ Bằng biết rõ và nhớ kỹ vậy? Tài thật! Rồi chắc họ sẽ nghĩ: A, hẳn ông nhà văn Vũ Thất lật sách ra tham khảo mới viết nổi! Có sao đâu? Miễn là nhà văn đã cung cấp cho người đọc những điều hay ho, bổ ích.
Đời Thuỷ Thủ (2) cũng gợi lại những kỷ niệm.
Có lần chúng tôi ra chơi Cù lao Xanh (thuộc tỉnh Bình Định). Nhờ một đơn vị hải quân đóng ở Sông Cầu đưa đi. Con tàu (tuy nhỏ) cũng đủ tiện nghi, tới gần ủi bãi, thả “bửng” cho chúng tôi xuống lội vào. Chúng tôi cắm trại, vui chơi, phát thuốc (xin từ Ty Y tế) cho đồng bào. Đêm ấy tôi được nhìn cảnh trăng lặn nơi biển đảo và hằng bao năm chưa bao giờ gặp lại cảnh này. Con tàu neo lại để chiều hôm sau cho chúng tôi về lại Sông Cầu.
Có lần tôi được ngồi trên máy bay, dọc bờ biển từ Qui Nhơn vào. Nhìn xuống thấy rõ những vũng, vịnh, y hệt bản đồ chúng tôi đã học thời tiểu học, rồi trung học (1952), ngày ấy vị giáo sư Địa lý đã chỉ cho chúng tôi: đây lả những hải cảng tốt của Miền Nam Trung Phần từ mũi San Hô đến mũi Dinh, trong sách (chữ Tây) của P. Gourou. (Lúc chúng tôi học, sách tiếng Việt gần như không có, quý thầy dùng sách tiếng Pháp dịch ra, dạy chúng tôi. Chuyện đời xưa cũng vậy, vị thầy dạy Pháp văn cầm quyển sách “cổ tích” ông Phạm Duy Khiêm viết bằng chữ Tây kể cho chúng tôi nghe!).
Tôi cũng có dịp đi (theo) tàu HQ từ bến Bạch Đằng SG ra Nha Trang. Không nhớ là HQ 4 lẻ mấy, tàu lớn. Buổi sáng đầu tiên thích thú nhìn biển, mơ mộng theo bài Hoa Biển, thấy những con sóng bạc đầu bên dưới lui dần, đẹp quá. Ra khơi không bao lâu bị bão, thời gian kéo dài thêm, chúng tôi hết thức ăn nước uống mang theo, trong cảnh say sóng nhồi dập tôi bị mệt lả. Tới một lúc nào đó, bỗng nhiên nghe yên lặng và nhẹ nhàng. Tàu vào vịnh Nha Trang. Như một phép màu. Tôi tỉnh dậy, nhưng chưa khoẻ hẳn, nên “hành trang” nhờ một bạn trẻ hơn mang vác. Trong khi ấy có mấy người nữ, coi như không sao cả, họ đi lại nhanh nhẹn thoăn thoắt. Chắc là khách quá giang như nhân vật Kim Phượng.
Nói thêm một chút là (qua tác giả) nhân vật Võ Bằng giỏi quá, ngoài nghiệp vụ còn thông thạo cả văn thơ, nhạc, điện ảnh, đọc rất nhiều sách, xem nhiều phim, biết tên tuổi nhiều tác giả xưa và nay, các tài tử xi-nê nữa, còn am hiểu cả văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ, có những câu rất “đời”.
Chỉ có một điều, nhận định của tôi không giống nhân vật Phan Kim Phượng (có phải là nhận định của nhà văn Vũ Thất?) về vua Gia Long.
Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, mỗi vị đều có những ưu điểm và khuyết điểm, nhiều khi do các “sử quan” của mỗi giai đoạn tô hồng hoặc bôi đen để hướng dẫn dư luận. Ta nên xét toàn bộ công nghiệp bằng cái nhìn khách quan, công bằng.
Lâu lâu mới đọc được một tác phẩm hay, nên có mấy điều cảm nhận sơ lược như vậy.
TRỌNG THANH
Sách đã được phát hành và bán:
1) trên mạng Amazon theo link dẫn sau đây:
https://www.amazon.com
2) tại Tự Lực Bookstore
14318 Brookhurst St.
Garden Grove, CA 92843 USA
3) hoặc liên lạc với tác giả: vuthat@yahoo.com