Trịnh Khải Hoàng, Xuân Thiền Kyoto
Đại sư Fushigina (Huyền Không 不思議な) du phương đi trên con đường phủ đầy tuyết trắng xóa, khi Sư tới được xóm Miyama thuộc làng Kayabuki còn cách cố đô Kyoto khoảng hơn 30 dặm nữa để về ngôi cổ tự Kinkakuji thì trời đổ cơn bão tuyết và những căn nhà gỗ ven đường Sabakaido đã lên lèn… Sư không còn có thể đạp từng bước chân nặng nề, mệt nhọc trên bãi tuyết cao dày tới gối để tiếp tục cuộc hành trình nữa rồi ! Sư tự nhủ thầm “ trời tối rồi, tuyết nhiều như thế này, ta đành phải xin tá túc mái hiên nhà người thôi…” !
Sư nhìn quanh và bước vào khoảng sân dày tuyết, rồi dừng chân đứng trú dưới mái hiên nhà, chờ cho cơn bão tuyết vơi đi thì Sư sẽ tiếp tục hành trình về chùa. Sư Fushigina nhìn màng đêm dần buông phủ cảnh vật, những mái nhà đội tuyết trắng chìm trong bóng đêm ẩm ướt giá rét… ! Sư nhớ mấy lần trước đã đi qua lối này vào mùa nắng ấm, có rất nhiều khóm hoa dại và nhiều mảnh vườn cải trổ hoa vàng rực rỡ lung linh trước cơn gió thoảng nhẹ tuyệt đẹp và thanh bình như bức tranh thủy mạc cổ tích của Katsushika Hokusai.
Nakashima Okita bật lửa đốt ngọn nến cháy, đặt vào chiếc đèn lồng. Nàng khoát thêm chiếc áo len ấm, rồi lấy cây dù máng lên vai và tay cầm lồng đèn đi tới mở chốt cánh cửa để ra ngoài hiên treo đèn… Nàng thầm nghĩ “còn mấy canh giờ nữa là giao thừa rồi, ta phải thấp ngọn đèn sáng giao cảm với các vị thần linh và những chúng sinh ở các cõi giới thọ hưởng chủng tử lửa ấm thân và thiêu đốt phiền não của năm cũ và chào đón một năm mới an lạc, hạnh phúc…” ! Cánh của gỗ bị đẩy qua một bên. Okita nhìn thấy vị Sư đứng an trú dưới mái hiên. Nàng thoáng ngạc nhiên và cảm thấy có lỗi vì đã không biết và để một vị Chư Tăng bị lạnh giá ngoài hiên nhà mình ! Nàng cúi rạp người hối tiếc và nói:
Tiện nữ Nakashima Okita thành kính đảnh lễ Đại Sư và xin sám hối đã để người cơ hàn giá rét ngoài hiên nhà như vậy, cúi xin Đại Sư xá lỗi ! Tiện nữ sẽ treo lồng đèn trong trụ cột Uzuki ngoài sân, xong xin mời Đại Sư vào trong nhà an tọa.
Lành thay, nữ nhân Nakashima Okita… thảo Tăng tôi chỉ xin được an trú dưới mái hiên nhà gia chủ, chờ cho qua cơn bão tuyết, sẽ đi tiếp về cổ tự, chứ không dám làm phiền tới gia chủ… Xin tỏ lòng biết ơn nữ nhân Okita.
Okita đặt lồng đèn trong trụ đá Uzuki xong, nàng đi tới đứng bên cánh cửa và lễ phép cúi thân mình thưa:
Tiện nữ xin mời Đại Sư vào trong nhà an tọa và để tiện nữ đun nước pha trà Uji Chanoyu tạ lỗi với người ! Ngoài trời rất lạnh, tiện nữ không thể an tâm để Đại Sư chịu giá rét ngoài hiên, gia phụ biết được sẽ trách tội tiện nữ.
Sư Huyền Không (Fushigina) đành phải cởi bỏ đôi giày cỏ bện ướt sũng, bước vào trong căn nhà gỗ có lò lửa Kotasu nhỏ sưởi ấm ở giữa nền. Xuyên Đảo Yên Tử (Nakashima Okita) lấy tọa cụ mời Sư an tọa. Trong khi nàng đi lấy khay trà… Sư Huyền Không đưa mắt nhìn lên bộ Võ Phục Bushido Samurai với 3 thanh gươm Katana, Wakizashi, Tantou là bộ Daishou với danh hiệu dòng Bushido Nakashima tôn trí trên bàn thờ cổ mộc, phía trên cao an vị một tượng Phật ngà với bình hoa sứ. Bất giác sư Huyền Không nói thầm “ Ồ… thì ra đây là hậu duệ của gia tộc Võ Sĩ Đạo Liễu Sinh Nakashima của cố đô Kyoto xa xưa này” ! Sư cảm thấy lâng lâng niềm hỷ lạc với duyên hạnh ngộ đời thường hằng này, nhưng dòng nghiệp cứ trôi lăn miên viễn, nào ai có biết được mảnh đời như bông hoa trôi theo dòng nước biết đâu bến bờ… Ở đây, ngay bây giờ là hiện tiền chút nhân duyên nào báo ứng đạo pháp chăng mà “Ta” đang ngồi trong ngôi nhà của dòng phái Kiếm Sư Liễu Sinh Nakashima cố đô xa xưa này chứ ?
Trong khi Xuyên Đảo Yên Tử treo chiếc ấm nước trên giá lò than đang cháy đỏ tí tách và đôi bàn tay bày biện bộ đồ trà… Huyền Không đại sư cất tiếng hỏi nàng:
Chẳng hay Yên Tử tiểu thư liên hệ như thế nào với tướng quân Nakashima ?
Dạ bạch Đại Sư, tiện nữ là con gái của người. Gia phụ đang tham sự quân chính ở kinh đô Edo cho tới hết mùa Xuân sẽ trở về nhà như mọi năm.
Đại sư Huyền Không nhìn cô thiếu nữ trong bộ Kimono lụa trắng vẽ hoa văn bạch cúc rất đẹp trang nhã hài hòa với khuôn trăng đẹp dịu hiền và nhân dáng thanh lịch đài các đang độ xuân thì … Ôi, quả thật là cô thiếu nữ này có tích phước báu cúng dường hoa tươi cho người, dâng chư Phật đời trước chăng mà nay cô đẹp phúc hậu như thế này ? Sư thầm tụng câu kệ ngôn tán thán phước báu Balamật (Pāramitā)từ nhiều kiếp đã phát sinh vầng hào quang vi diệu trên khuôn mặt rạng rỡ của đức Phật “ Tiasene Patvik Kasa Ameu – Tiasene Patkui Kasa Ameu” và phúc chúc cho cô thiếu nữ có tấm lòng từ bi lương thiện này.
Xuyên Đảo Yên Tử với thái độ thong thả ung dung châm nước pha trà, dáng điệu quí cách gia phong lễ giáo nhưng tự tại nội tâm không nét gượng ép cổ tục… Nàng dịu dàng hai tay dâng chén trà xanh Uji bốc làn khói nhẹ tỏa hương thơm dìu dịu và cất tiếng mời sư Huyền Không. Ông mỉm cười tỏ lộ tâm hoan hỉ hài lòng đưa hai tay định nhận lấy chén trà, nhưng rồi Ông hơi khựng lại và ánh mắt nhìn chén trà như không rời… Huyền Không Đại Sư gần như không thể tin ở đôi mắt của mình và buột miệng nói:
Ồ,… mặt nước trong chén trà không một gợn sóng sánh, nó tĩnh lặng như mặt gương thủy tinh … đây là trạng thái của Tâm Satna Định là thành quả của Thiền Tuệ (Vipassana) là định tâm an tĩnh từng thời khắc mỗi satna và liên tiếp như một dòng chuỗi hiện tại như “nó” đang là, không quá khứ, không vị lai … Bàn tay ngà của Tiểu thư bợ đở chén trà an trụ không một chút lay động làm cho chén trà cũng an trụ như nhất và mặt nước trà trong chén phẳng lặng không một gợn sóng sánh … Thật là tuyệt diệu ! Ngay chính ta dụng công phu hành Thiền bao năm dài đăng đẳng mà chưa nhập được vào tầng Định tâm này.
Nói xong, Sư vội đưa tay đón nhận chén trà và cười rạng rỡ rồi nói tiếp trước khi đưa vạt áo che tay thưởng ẩm:
Dã thảo Sư ta tu hành nhiều năm mà nội tâm chưa được tĩnh lặng như Xuyên Đảo Yên Tử tiểu thư, Tâm ta còn nhiều xao động, nên Thân chưa an lạc, tự tại, hành động còn lắm nhiễu sự không yên, tay chân nắm bắt, cầm giữ vật gì cũng chao đảo, động loạn như Tâm … Chứ làm sao Thân – Tâm an tĩnh như nhất giống như tiểu thư đây được ! Ta thành tâm hoan hỷ nhận lấy chén Trà Đạo này và cám ơn tiểu thư tặng cho ta một Tâm Pháp đáng lãnh hội và trân trọng.
Tiện nữ xin đa tạ và không dám nhận lãnh lời khen tặng của Đại Sư. Nhân tiện đây xin Đại Sư cho tiện nữ hỏi người vài lời ?
Đại sư Huyền Không vui vẻ nhận lời và khuyến khích cô cứ hỏi để cùng luận đàm. Xuyên Đảo Yên Tử lễ phép nhỏ nhẹ hỏi sư Huyền Không:
Bạch Đại Sư, ngài xuất gia tu hành để cầu đạt điều gì ?
Ồ ,… Ta cầu giải thoát.
Bạch Đại Sư, ngài xuất gia lìa bỏ thân nhân làm thân tu sĩ Phật Giáo thấu đáo lý vạn vật , vạn pháp đều Vô Ngã (Anatta) không có tự tánh vốn mượn nhân duyên mà thành, không ngoài lý Vô Thường (Anicca) luôn thay đổi, không bền vững và nếu bám vào đó lấy làm hạnh phúc thật là mê lầm ảo tưởng chỉ chuốc lấy bản chất thật là Đau Khổ (Dudkha) … Vậy thì có ai trói buột, cầm giữ, giam hãm Đại Sư chăng ?
Đại sư Huyền Không nghe câu hỏi của thiếu nữ, khiến Ông không khỏi giật mình, “nó” như tảng đá nặng ngàn cân đặt trên đầu ngọn sợi tóc, như một công án nghi tình, đánh động tâm thức ngủ yên của Ông bao năm qua chưa đại ngộ. Ôi,… cái giá rét ban nãy, cái lửa ấm bây giờ chạm vào lớp da mặt của Ta đây, nó đâu có ý hướng gì muốn cho Ta nhiễm lạnh hay ấm nóng đâu, làn da của Ta cũng đâu có ý muốn làm cho Ta khổ vì lạnh, vui sướng vì ấm nóng đâu ? Chỉ là hai thành phần riêng biệt mà Thân và Tâm ta duyên theo rồi sinh chuyện động loạn phiền não mà thôi …! Sư thầm cám ơn cô gái và vui vẻ nói:
Ta rất hoan hỷ muốn nghe tiểu thư hỏi như giải khúc mắc cho sở học của Ta. Cô hãy giúp ta chứ, rất thú vị ?
Thưa Đại Sư, Ngài còn cầu gì khác với Tam Bảo ?
Ta cầu Phật khai thị trong Phật pháp.
Ý của Đại Sư là muốn lấy Tâm tín thành, lấy Tinh Tấn siêng năng tu hành để báo ân đức Phật, lấy óc ghi nhớ là Niệm để quán tưởng hình tướng Phật, cố lấy Tâm không vọng động là Định để an trụ thân Phật, lấy Trí thức làm Tuệ để quán tánh Phật chăng ...?
Tiểu thư, Ta vốn dụng công phu như thế đó, tức là lấy Tín - Tấn - Niệm – Định – Tuệ mà tu hành bấy lâu nay.
Bạch Đại Sư… Nhưng Phật ở đâu mà Ngài cầu ? Phật đã tịch diệt từ lâu rồi !
Đại Sư Huyền Không nghe qua không khỏi xao động tâm thức kinh ngạc, bèn hỏi:
Ý tiểu thư muốn nói với Ta là: Lìa Thân để cầu Đạo là vọng, chấp vào Thân để cầu Đạo là mê ư ? Phật không ngoài Tâm. Vậy lấy hình tướng Phật mà cầu Phật thật là ảo tưởng, chẳng bao giờ thấy được Phật phải không ? Vậy theo tiểu thư như thế nào mới thật là Phật ?
Bạch Đại Sư,… Tâm giác ngộ là Phật, cái “Thấy” vạn pháp chân đế vận hành như “nó” đang là, chính là Tuệ giác vi tế giải thoát khỏi phiền não, là tâm Phật.
Tiểu thư muốn nói các bậc giải thoát mới có Tâm đó, chứ phàm phu làm sao có được Tâm như thế ?
Họ có thể hành Thiền mà.
Ồ như Ta và tiểu thư thì không khó. Nhưng với phàm nhân thì chắc không dễ đâu phải không ?
Bạch Đại Sư,… Phàm nhân cũng có Thân và Tâm như bao người, hành Thiền đâu có phải chỉ ngồi bất động như tượng gỗ, đi đứng nằm ngồi đều có thể lấy Thân Tâm làm sở dụng mà công phu tu tập để trực nhận trong Thân - Thọ - Tâm – Pháp, biết, thấy từng hành vi, từng thời khắc satna đối tượng nội thân và ngoại giới là chánh niệm, trạch pháp nhận thức chánh niệm, trạng thái hỷ lạc sinh khởi, khinh an sinh khởi, Tâm an trú Thiền Định tịch tĩnh chỉ còn không gian và sattna hiện tại chân như, tri chứng Tuệ giác xã hành buông bỏ … Họ có thể làm được.
Ta hiểu thâm ý của tiểu thư. Đa tạ.
Ngoài trời cơn bão tuyết đã như đã thổi qua, không còn nghe tiếng gió lớn và những bông tuyết nhỏ rơi nhẹ ngoài khung cửa kính… Xuyên Đảo Yên Tử xoay trở những thanh củi trong lò sưởi và rót thêm cho Đại Sư thêm chén trà. Ông nhìn mọi cử động, phong cách ung dung, tự tại của thiếu nữ biểu lộ trạng thái nội tâm là một Thiền gia chứ không phải là cô gái đời thường trong thế gian hiếu động này. Ông cất tiếng hỏi:
Tiểu thư Yên Tử,… Thảo dã Tăng ta có thể nào được biết hành trạng công phu Thiền và Thiền Pháp của tiểu thư ?
Kính bạch Đại Sư, tiểu nữ theo Phụ thân thọ giáo phái Nhật Liên Hoa Tông (Nichiren Daishonin) một thời gian và chỉ mãi tụng Kinh ngày qua ngày, Kinh “thấy” tiểu nữ mà tiểu nữ chẳng hề “thấy” Kinh ! Mãi sau, Phụ thân từ kinh đô Edo của Sứ Quân Mạc Phủ (Tokugawa shogunate (徳川幕府 江戸幕府) trở về nhà, Người ban tặng cho tiểu nữ một quyển Kinh thư Giáo Lý Phật Đà từ xứ Tây Trúc. Tiểu nữ rất khó khăn để hiểu ý nghĩa Kinh vì Dịch Giả không chuyển dịch thông suốt ngôn ngữ Tây Trúc ! May mắn thay, riêng đoạn Đức Từ Phụ chỉ dạy pháp hành Thiền lấy đối tượng hơi thể làm đề mục. Tiểu nữ đối chiếu với Pháp Quán Niệm Sổ Tức trong Hoa Ngữ Kinh thì thấy ý nghĩa tương đồng, nhưng Kinh văn Phật Đà Tây Trúc sáng tỏ hơn … Tiểu nữ thành tâm tầm trong Kinh mà hành Thiền …
Đại sư Huyền Không lộ vẻ ngạc nhiên và chăm chú hỏi:
Nhưng làm sao Tiểu thư biết mình hành Thiền đúng hay sai ?
Xuyên Đảo Yên Tử nhìn Sư Huyền Không ý nhị, nàng mỉm cười từ tốn trả lời:
Kính bạch Đại Sư, cho tiểu nữ hỏi ngài. Nếu ngài không biết con đường ngài sẽ đi đúng hay sai, thì có người chỉ ngài đi lối này là đúng và ngài cất bước theo, nhưng làm sao ngài biết chắc là họ chỉ là đúng hay sai ? Nếu ngài biết chắc là đúng rồi thì cần gì ai chỉ dẫn ?
Tiểu thư, cô khiến ta cảm thấy rắc rối rồi …!
Xuyên Đảo Yên Tử mỉm cười hài hòa nói:
Bạch Đại Sư, tiểu nữ sám hối đã có chút lý luận với ngài cho có chút hỷ lạc đạo vị …! Chứ thật ra theo tiểu nữ phần lớn do phước duyên, nghiệp báo đời trước và phước báu Paramita (Ba la mật) tiền duyên “đưa lối dẫn đường”, chứ tấm thân như túi thịt đầy tham sân si, thói hư tật xấu huân tập từ nhiều kiếp sống trôi lăn … Nan tao ngộ chánh pháp. Tiểu nữ có thể nào được nghe hành trạng tu học của Đại Sư ?
Đại sư Huyền Không đặt chén trà xuống khay và từ tốn thuật lại hành trình tu học của ngài:
Ta cũng giống như Tiểu thư… xuất thân tu học từ phái Nhật Liên Hoa Tông cho tới tuổi ngoài đôi mươi, lấy việc tụng Pháp Hoa Kinh làm chính yếu và tọa Thiền (Zen) gốc từ Sư Đạo Nguyên thuộc dòng Thiền Tào Động và Lâm Tế từ Trung Hoa truyền qua Nhật … Cho tới một hôm Ta hạnh ngộ vị du Tăng người xứ Tây Trúc, pháp hiệu là Paramahansa Naga Nuci, ngài theo thương thuyền cặp bến và tới cố đô Kyoto. Ta được lọt trong mắt xanh của ngài và ngài nhận ta làm đệ tử truyền thừa của dòng phái Kama Paramahansa Du Già Mật Tông Phật Giáo truyền thừa không đứt đoạn từ khi Đức Từ Phụ Gautama Shakyamuni tới nay…
Xuyên Đảo Yên Tử buột miệng nói “quả thật là một phúc duyên” !
Sư Phụ giảng cho ta:”Chân Lý hiện tiền và giản dị ví như nước chảy đá mòn… Mật Pháp vốn là Pháp Chân Đế Vi Tế mà ngôn ngữ của loài người giới hạn, không đủ ý nghĩa để diển tả “cái biết” của uyên nguyên vũ trụ… Do vậy, càng lắm lời huê dạng, khoa ngôn lại làm thêm rắc rối và phiền não động loạn cho đời… Nay ta làm lễ Quán Đảnh Mật Pháp Chuẩn Đề Vương Bồ Tát (Chandhe Bodhisattva) và chân truyền cho con Dharani (Chân Ngôn) – Mudra (Ấn) – Kundalini (Phép luyện nội nhiệt) … Riêng bộ Pháp Kundalini với 5 thao tác bí mật để luyện tập hội tụ thân nhiệt, dẫn tới 7 Cakra (đại huyệt) vốn là 7 trung tâm năng lượng trong thân thể, mỗi một Cakra có công năng phát sinh năng lượng tử hàm dưỡng và phát huy, điều phối thân thể vật chất từ thô tới vi tế mà khoa học hiện đại chưa có ai hiểu biết gì về những cấu trúc vi tế này. Con chỉ luyện tập ở tầng thứ nhất là dẫn luồng nhiệt năng nội thân tới kích hoạt Cakra trung tâm phát sinh dục tính là bản năng làm nên tất cả sự sống của sinh vật bản thể Người. Chỉ cần luyện tập 360 thao tác trong một thời, luồng nội nhiệt có sức làm thân thể khỏe mạnh, sung mãn bằng phàm nhân luyện tập các bộ môn vận động nhiều năm dài, “nó” có mục đích bảo dưỡng thân thể, hấp thụ trực tiếp khí lực mà tim và phổi không cần phải hoạt động như bình thường. Nhưng tất cả chỉ là phần vật chất để trợ giúp cho thân thể người tu khổ hạnh được khang kiện mà ẩn cư nơi chốn thâm sơn hoang vu hành Thiền “đắc” Tuệ giải thoát. Riêng tại xứ Thổ Phồn (Tây Tạng བོད་ཆེན་པོ། ) không có pháp môn Chuẩn Đề này”.
Thiếu nữ tán thán nhà Sư :” Ôi,… thật vi diệu…” ! Nhưng Sư Huyền Không vội thoái thác:
Ô,… Nhưng ta chỉ ham tập luyện luồng chân hỏa Kundalini để khỏe mạnh mà du phương thong dung tự tại và chưa dám tập luyện tầng thứ nhì của pháp Kundalini, vì Sư Phụ tuy có truyền pháp dạy ta với lời cảnh giác “ Nếu con chưa có đại chí, đại bi, đại dũng tu cầu giải thoát và cứu giúp chúng sinh…” thì chớ luyện tập luồng thân nhiệt tầng thứ nhì, vì khi tâm tham, sân, si còn nhiều trong Tâm thì luồng chân hỏa này sẽ có hiệu ứng nóng bức xung phá kinh mạch và thần kinh, nhẹ là điên loạn, nặng là mất mạng. Theo lời Sư Phụ hiện thời những bậc đạo sư thành đạt pháp Kundalini này chỉ có vài người và họ ẩn tu trong dãy Himalaya không màng danh lợi và thế sự đầy vơi… Do vậy, nếu bị bệnh lý luồng chân hỏa này thì chỉ có mất mạng.
Huyền Không đại sư và Xuyên Đảo Yên Tử đàm đạo tương đắc và lý thú… Ngoài hiên những bông tuyết trắng đã ngừng rơi, trời sáng dần… Sư Huyền Không cám ơn gia chủ và xin cáo từ. Thiếu nữ lấy mấy chiếc bánh bột hấp, vài thỏi kẹo vừng gói vào chiếc giỏ tre cung kính cúng dường nhà Sư với nụ cười an lạc phúc chúc nhà Sư thượng lộ bình an.
(Trịnh Khải Hoàng – Thiền Đạo Đầu Xuân Nhâm Dần 2022).
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404