TRỊNH KHẢI HOÀNG
ÁNH MẮT NGƯỜI TU SĨ
Trái tim tôi tòa lâu đài cổ kính
Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh
Năm 1966, tôi là đoàn viên Thiếu Niên Thần Phong, vốn là đoàn thể thiếu sinh bán quân sự do Trung Tá Lưu Kim Cương - Chỉ Huy Trưởng Không Đoàn 33 Chiến Thuật - Căn Cứ Phi Trường Tân Sơn Nhứt sáng lập. Ngoài giờ học Văn Hóa phổ thông ở trường trung học dân sự, chúng tôi được theo học các lớp huấn luyện Võ Thuật tại Võ Đường Thần Phong với những bộ môn: Thái Cực Đạo (Taekwondo), Aikido (Hiệp Khí Đạo), Judo (Như Đạo) và Thiếu Lâm Bắc Phái. Những ngày cuối tuần phải sinh hoạt đoàn thể, học tập Cơ Bản Quân Sự và tham gia công tác xã hội với phái đoàn Xã Hội Dân Sự Vụ Việt - Mỹ với Bác Sĩ, Nha Sĩ , Y Tá và quân nhân Không Quân phụ trách khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc và phân phát nhu yếu phẩm như: gạo, dầu ăn, đường, sữa, thức ăn đóng hộp và vật liệu xây dựng nhà ở như: ván ép, tone, xi măng, bạt nylon, lều ở cho những cư dân sinh sống ở các quận hạt lân cận quanh vòng đai Phi Trường Tân Sơn Nhứt.
Trong lớp Võ Thuật thì tôi là võ sinh siêng năng tập luyện… Do vậy, tôi được xem là một trong những võ sinh có “hạng bậc” và cùng với Trần Văn Lạc, Hoàng Thụy Thông làm trưởng lớp, rồi trở thành những Võ Sư huấn luyện trẻ tuổi của Võ Đường Thần Phong Không Quân. Từ những ngày đầu thụ huấn tại Võ Đường, tôi được Võ Sư Nguyễn Văn Lợi vốn trước 1965 là nhân viên Phi Hành Tháp Tùng Tử được biệt phái bay tuần thám với Pilot Mỹ trên không phận miền Nam, sau về Biệt Đoàn 83 Thần Phong và được chính huynh trưởng Lưu Kim Cương tuyển về để học Khóa Đào Tạo Võ Sư Thần Phong. Năm 1968, Võ Sư Nguyễn Văn Lợi làm Phụ Tá Giám Đốc Võ Đường Thần Phong và hợp cùng với các Thầy Đại Hàn huấn luyện các lớp Quân Nhân và Thiếu Niên Thần Phong cho tới khi tàn cuộc chiến năm 1975. Sau trận Tết Mậu Thân 1968, tôi vào ở luôn trong Võ Đường Thần Phong với sự cưu mang thương mến của anh Lợi trong suốt quảng đời niên thiếu với biết bao ơn sâu, nghĩa nặng huynh đệ thâm tình cho tới nay đã trải qua 57 năm như dòng sông định mệnh đã chuyên chở biết bao tình…!
Tháng 5 – 1975, khi còn trong trại tạm cư, tôi đã sớm đăng tin tìm anh Lợi, đến mùa Hè 1976 thì liên lạc được với Anh đang định cư tại California và sau đó tôi rời Houston,Texas lên đường về sum họp với anh Lợi trong “Gia Đình Giao Chỉ”. Anh Nguyễn Văn Lợi là “gia Trưởng” của “gia đình con bà phước” này là tụ điểm của những “nhơn vật”: Nguyễn Đình Hải (Hải gà tồ), Nguyễn Trọng Tài (Tài cận), Trần Quốc Sĩ, Thái Trí Minh (Minh Nguyệt), Trịnh Văn Tuyển (Tuyển Hố Nai), Lê Văn Xuân (Xuân hí), Phan Văn Thành (Thành Uyên), Hòa (Hòa ông Tạ), Nguyễn Văn Lập (Lập Nga), Trần Kim Bảo, Phạm Hoàng Dũng (Dũng Dino) và tôi. Phía nữ có: Vũ Thị Nhàn (Nhàn Ceta), Tứ Cô Nương (Nguyệt, Hằng, Phượng, Chính) và lớp “sóng sau”: Phan Văn Tốt, Trịnh Thanh Tùng, Phạm Đức Hinh, Công – Thành, Albert Thạch Sóng Nhạc, Hùng con, Hùng ruồi, Phong gà, Hùng Tuệ, Đức con,… tổ chức và sinh hoạt xã hội với những chương trình giúp đỡ đồng bào sinh sống quanh vùng, Trình Diễn Văn Nghệ , Lớp Võ Thuật, Đội Tuyển Túc Cầu, Ca Đoàn Nhà Thờ, Trại Hè Thanh Thiếu Niên… Đặc biệt Linh Mục Vincent Nguyễn An Ninh, mà anh em Giao Chỉ rất thân tình với Cha nên thường gọi “Cha Ninh”, nhưng không phải tính cách “gần chùa gọi Phật là anh” và ngài là nhân tố có nhiều ảnh hưởng tới những sinh hoạt có tính cách giữ gìn, gây dựng và phát triển “cái” gia tài Tình Quê Hương Việt Nam trên đất nước Mỹ mới định cư với đoàn Giao Chỉ chúng tôi.
Sinh hoạt của “Gia Đình Giao Chỉ” chúng tôi thường tất bật suốt ngày tháng với biết bao việc thiện nguyện giúp đỡ đồng bào trong những cộng đồng người Việt định cư vùng Lawndale, Hawthone, Gardena và phụ cận. Nam phụ lão ấu trong vùng, có cảm tình quí mến “Anh Em Giao Chỉ” như người thân thuộc trong gia đình! Cuối tuần, “ban thánh ca” chúng tôi vác đàn guitar, bass, Organ cùng với “ban hợp xướng Tứ Cô Nương và cô Nhàn” tới nhà thờ Saint Catherine đàn hát Thánh Ca giúp lễ. Chúng tôi khởi xướng lối đệm đàn “cách tân” với điệu Ball Room Bolero cho Tứ Cô Nương cất tiếng hát trầm bổng vang vang giáo đường “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận…Bà là ai…” chách bum chách bùm chách bum chách…Ôi Maria con vâng lời chào mẹ, Ôi Maria con vâng lời chào mẹ…ballad slow bùm chách chách chách…”… Jamin Nguyễn Trọng Tài xuất thân tu học trong nhà dòng Công Giáo làm nhạc trưởng, thủ cây organ trố mắt kinh hãi qua cặp kính cận dầy cộm như đít chay rượu lễ, nhìn anh em “nhạc công” đồng bọn mà lắc đầu ngao ngán, nhưng rồi “hắn ta” cũng phải bấm phím đàn ò e như chuông rè đệm theo mấy tay “cầm thủ”nếu không muốn “tài hoa” mai một vào thinh không tắt volume… Ôi, …Chúa nhân từ, nếu không thì ngài đã bức đinh nhảy xuống khỏi thánh giá vì “cuộc cách mạng thánh ca” của chúng tôi trong thánh đường Saint Catherine mỗi buổi lễ chủ nhật hằng tuần. Những khi xong công tác “vác ngà voi” thì anh em chúng tôi “họp chợ” bàn tán, hội luận đủ thứ chuyện: bà già mất gà nhìn chòng chọc vào nhà thằng cha hàng xóm chửi bung hàng dậu thưa mà ngày thường rất ư là tình nghĩa xóm làng… Tuyển Hố Nai cất tiếng khấm ngày Lễ Phục Sinh: “Chúa Jesu cầm đèn cho thánh Phêrô bắt dế ơ …ơ… Xin cho tớ vài con…”! Anh Lợi nhìn chúng tôi với nụ cười “tha mạng” bọn nhỏ.
Vào buổi sáng cuối tuần, mùa Hè năm 1976, tôi đang huấn luyện lớp Võ Thái Cực Đạo cho võ sinh tại sân cỏ trước nhà. Cha Ninh tới thăm chúng tôi, Cha không vội vào nhà, ngài đứng yên ngoài sân chăm chú nhìn thầy trò chúng tôi tập luyện võ thuật hì hục vai u thịt bắp mồ hôi dầu với ánh mắt thích thú lẫn ẩn chứa niềm tin yêu thế hệ thanh niên chúng tôi đang sinh hoạt lành mạnh với học thuật văn hóa phương đông. Tôi biết nguyên quán Cha Ninh ở Bắc Ninh và tự dưng tôi hình dung trong ánh mắt của Cha như có bóng dáng quê hương thâm tình với thôn làng đơn sơ mộc mạc, hay là nơi phố thị phồn hoa đô hội ngựa xe như nước áo quần như niêm… Có lẽ Cha đã sống qua từ thời thơ ấu đến trưởng thành, quen thuộc từ con đường cái quan rộng lớn có hai bờ ven lề cỏ xanh hoa dại, đến cổng đình làng lợp mái ngói rêu phong tuế nguyệt và gốc cây đa già che bóng mát quanh năm, rẽ vào những lối nhỏ, con đường mòn quanh co ẩn khuất sau luỹ tre xanh, hào dậu, liếp cà xanh lá, hàng cây cau già in bóng đỗ dài trong sân vườn, giàn hoa thiên lý trổ bông tim tím đong đưa trước gió nhà ai? Ôi,…trong cái không gian của buổi trưa hè nóng nực có tiếng võng đu đưa kẻo kẹt, đứa bé thơ ôm bầu sữa mẹ an giấc với tiếng mẹ hiền hát ru con ngủ “à…ơi…con ơi, con ngủ cho say, để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về…”… biết bao tình mẫu tử thiêng liêng như khí hạo nhiên dung chứa thâm tình bàng bạc đất trời và đấy chính là khởi điểm của nguyên nguồn, bản vị tình quê hương… Đứa bé lớn lên quen thuộc từng gốc tre già, khóm mạ non, con sông sâu, bờ bãi cạn, tiếng con trâu nghé ngọ gọi mẹ ở bờ đê… Bắc Ninh cũng là quê hương của nòi tình, của người dân tự có tâm hồn trữ tình, lãng mạn biểu lộ tình cảm qua thi ca là cái nôi của điệu hát Quan Họ, là nét cổ nhạc thi ca dân gian ví như dòng chảy Sông Cầu qua địa phận Kinh Bắc với số bài hát truyền thống được yêu thích cho tới tận ngày nay như: Cây Trúc Xinh, Ngồi Tựa Sông Đào, Xe Chỉ Luồn Kim… mà trai gái hát hò trêu ghẹo bâng quơ, bóng gió nhắn gởi tâm tình của mình hứa hẹn chuyện yêu đương mai sau. Hát Quan Họ khá “lễ nghi gia huấn ca” khác với điệu dân ca mách qué của anh em chúng tôi kháo mõm hát hò nhái điệu Quan Họ Bắc Ninh:
“Cây trúc xinh tang tình cây trúc mọc bên đình,
Em xinh tang tình em vén váy một mình nom rất xinh là xinh”!
Và:
“Trèo lên cây mít ối a, tôi thấy cô em ối a,
Cô không mặc quần, hai tay bịt lồng ư ứ ối a ứ ư…”!
“Nói” thế chứ, tôi nhìn thấy trong ánh mắt của Cha Ninh như dung chứa tất cả khoảng trời quê hương Bắc Ninh, và hình như tố chất quê nhà đã thấm nhuần vào tâm hồn nơi chốn chôn nhau cắt rốn này, nơi đất gò nổi kia là mộ phần tổ tiên chôn cất hình hài ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã quá vãng mà mối dây liên hệ tinh thần đạo đức, nhân luân, cương thường… vẫn còn được tiếp nối truyền thừa đến thế hệ con cháu tôn thờ, kính trọng là Hồn Nước nhà thiêng liêng thẩm thấu làm nẩy sinh tình yêu nước. Yêu nước là một tiến trình từ tiềm thức lên ý thức, từ trừu tượng sang cụ thể, từ tư tưởng bước sang hành động. Do đó, yêu nước không thể chỉ để ngấm ngầm trong lòng, cũng không chỉ phô bày bằng miệng lưỡi. Yêu nước phải được thể hiện bằng hành động cụ thể bởi vì, chỉ có lửa mới thử được vàng, lấy gian nan mới thử được sức người và hành động mới tỏ lộ được mức độ tinh thần. Bản chất của tình yêu là quên mình và tận hiến, là phục vụ và hy sinh. Do đó, là phải dám hy sinh cho nước. Hy sinh không phải vì xung động nhất thời như lửa với rơm bùng lên rồi tắt ngúm, trái lại phải hy sinh với một ý thức cao độ như một kẻ tu đạo tận hiến cuộc đời phụng vụ cho lý tưởng. Cha Ninh đã có đức tin và tận hiến đời ngài cho Thiên Chúa, ngài làm một mục tử chăn chiên với lý tưởng cao thượng và bản thân sống khắc kỷ mà lại đại lượng với thế nhân cuộc đời. Tôi tự vấn bản thân mình và cảm thấy bản ngã “cái ta” của sự ươn hèn, ỷ lại, của sự cầu an hưởng thụ, của sự sợ khó, sợ khổ. Từ xưa đến nay tự thắng mình không phải là chuyện dễ làm và mới thấy cái khó khăn của sự tự thắng, khi phải cắn chặt răng để chịu thiệt, đứng vững gót để làm người mới thấy được cái giá trị của sự hy sinh: Hy sinh hạnh phúc riêng của đời mình như Cha Ninh để vác thập giá đi trên quảng đường dài chông gai và nhân thế vốn dĩ bạc bẽo vô tình thì thật là không phải phàm nhân nào cũng làm được? Đất linh Bắc Ninh sinh nhân tài kiệt xuất Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, bà đã chiếm địa vị tôn kính trong Văn Học Sử Việt Nam và đặc biệt tuy dưới thời Quân Chủ phong kiến, bà là một nữ sĩ tài danh đã vượt trội đã góp tinh hoa cho nền văn học nước nhà với nhiều tác phẩm phong phú tài tình, đã kinh qua thời gian dài nhiều thế kỷ chưa bị phai mờ theo tính cách đào thải vô thường của vạn pháp biến thiên và tính vô tình của thế thái nhân tình. Ngày nay chúng ta nhìn lại địa vị xã hội của người phụ nữ Việt qua chân dung Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm gốc Bắc Ninh để thấy và minh chứng rằng trong dòng lịch sử của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã có địa vị xứng đáng tôn kính với giá trị mà họ đã thật sự đóng góp tài hoa trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam. Linh mục Vincent Nguyễn An Ninh xứng đáng là một nhân phẩm của dòng nhà đất Bắc Ninh.
Vào buổi sáng mùa hè năm 1979 tại sân cỏ của Elcamino College. Cha Ninh đến thăm đội tuyển túc cầu Giao Chỉ đang đá tranh với đội tuyển bạn trong giải Túc Cầu Liên Trường, vẫn dáng đi bước nhanh và nụ cười thân thiện ẩn chứa niềm vui rạng rỡ…Tôi nhìn thấy miếng bông băng bịt một bên mắt sau cặp kiếng mát của Cha. Hỏi thăm tôi mới biết ngài đang trong chương trình điều trị bệnh mắt cườm. Tôi thoáng ái ngại và lo cho Cha với thâm tâm cầu nguyện ơn trên ban ơn chửa lành cho Cha bình phục. Tuy vậy, tôi vẫn thấy thoáng hiện ánh mắt của Cha qua lớp kính màu, niềm tin vào tương lai tốt đẹp của “phong trào” Tình Quê Trên Đất Mới đang phát triển khả quan lân lan tới những cộng đoàn người Việt phụ cận, và một số tiểu bang khác ngoài California. Anh em Giao Chỉ chúng tôi là những huynh trưởng của phong trào Giới Trẻ Miền Tây Hoa Kỳ và nhiều anh em huynh trưởng thân tình với Cha, cùng họp lực với nhau tổ chức những Trại Hè Tình Quê Trên Đất Mới từ những năm khởi đầu 1977-1978- 1979…với số trại viên lên tới gần cả ngàn cho mỗi lần họp trại. Cũng trong thời gian này, Cha Ninh giảng dạy giáo lý Công Giáo cho tôi và chính Cha tổ chức thánh lễ đồng tế do đức Hồng Y Roger Mahony tổng giáo phận Los Angeles chủ lễ cùng với quí Cha Chu Quang Minh, Đỗ Quang Biên, Hà Thụ Tôn và đương nhiên có Cha Ninh linh hướng làm lễ rửa tội cho tôi. Thật là vinh dự cho một con chiên tân tòng như tôi.
Nhưng rồi đoạn đường “vác thánh giá” mục vụ với khuynh hướng cố giữ gìn văn hóa truyền thống Việt ít nhiều không bị cơn bão đời sống thực dụng vị lợi mới mẻ muốn cuốn hút theo thời… Cha lo lắng tính chất “cây quít trồng ở Giang Nam vị ngọt, đem trồng ở Giang Bắc thì chua” đã là “vấn đề” cần phải đề xướng những sinh hoạt lành mạnh, lý tưởng tốt đẹp hướng thượng cho giới trẻ qui tụ về nguồn…Nhưng hình như có “va chạm” và các “quan tôn giáo” không hài lòng, cuối cùng Cha Ninh phải khăn gói quả mướp tới tạm cư ở nhà dòng này, mai lại ở nhà dòng khác, thân bất định hà phương…? Tuy vậy, cho dù ở đâu Cha cũng gọi phone báo tin cho tôi, và tôi lại tới thăm và học hỏi thêm giáo lý với Cha từ loby này tới căn phòng khác dành cho Cha ở tạm. Ánh mắt của Cha cũng vẫn sáng ngời với niềm tin lý tưởng kỳ vọng ở tương lai. Với tôi quê hương Việt Nam là một quê hương ân sâu nghĩa nặng, đúng hơn là một dân tộc biết yêu, biết ghét. Ý thức được sự yêu, sự ghét với những đối tượng rõ rệt, có lý do biện chứng rõ ràng. Yêu cái nên yêu và ghét cái đáng ghét làm hai nhân tính rõ nét có tính cách nhất quán không khoan nhượng a tòng. Tôi nhìn và ái ngại cho Cha cô thân vạn lý du trên quảng trường đồ có gai đâm và đá sỏi trên đường có vẻ như thiên lý xa xôi…Nhưng tôi cũng cố suy nghĩ và tự nhủ thầm biết đâu trong những đêm hôm tăm tối, có vì sao khuya còn le lói ánh sáng trên trời, những ngày mưa mù mịt, sẽ có chút ráng nắng chờ lên. Tôi cầu nguyện cho Cha bình an trên đường tới quản nhiệm cộng đồng công giáo Detroit có nhiều tuyết lạnh phủ kín mà Cha sẽ được sưởi ấm bởi tình người trong ơn phúc của đức Mẹ Maria và Chúa Jesu an lành.
Khi còn là một thiếu niên sống với ân tình cưu mang nuôi dưỡng của Anh Lợi trong Võ Đường Thần Phong, mỗi ngày chủ nhật cuối tuần, tôi vẫn thường cùng với Anh đi lễ tại nhà thờ trong căn cứ phi trường Tân Sơn Nhứt, mặc dù tôi không phải là giáo dân Công Giáo. Bây giờ tại Mỹ và Cha Ninh đã không còn ở California nữa, tôi không còn đến nhà thờ để “xem và rước lễ” như một tân tòng để nghe “này là mình ta, nầy là máu ta, các con hãy nhận lãnh ăn thịt, uống máu ta mà sống đời đời…”…Nhưng trong âm thầm “bế am diện bích” tôi lần tìm Đọc để Học như góp nhặt những hạt ngọc trí tuệ trong quyển Kinh Thánh cựu ước, tân ước và thích thú tâm đắc với tư tưởng:” Trí thông minh của vua Solomon có khác gì với hoa huệ ngoài đồng…” vốn thật là pháp tánh bình đẳng của vạn vật như nhiên là tự nhiên, và trong Cựu Ước:”Thánh Moses xuống núi sấp mình quỳ lạy và hôn mặt đất rồi xuất thần thảng thốt nên lời: “ Ôi… Mặt đất thật mầu nhiệm… ” ? Ngay tại thời khắc bấy giờ thân tâm của Moses trực ngộ với đất, Moses là đất mà đất cũng là Moses, hai thực thể đã hoà nhập thành một đồng nhất, Moses cảm nhận đất như thế nào thì đất đồng cảm nhận Moses như y như vậy…! Đến nay đã qua đi hơn 3.000 năm… Có ai trong số hàng triệu Kytô hữu thấu hiểu và chứng nghiệm được trạng thái “xuất thần” của thánh Moses? Còn gì tuyệt vời hơn “ Khi ấy Chúa Jesu dẫn các đồ đệ đi trên đường thì John (thánh Gioan trẻ tuổi) nhận được tin mẹ vừa mất, John xin phép Chúa cho mình về lo tang ma chôn cất mẹ xong rồi sẽ tiếp tục theo Thầy. Chuá Jésu đã dạy bảo: ” Hãy để kẻ chết chôn người chết, còn ngươi hãy theo ta để được đường sáng sống đời đời …”. Ôi…với trí óc phàm phu của chúng ta làm sao có thể với cao tới triều thiên mà luận bàn thiên tính của Chúa, Ngôi Lời của Đấng Tối Cao, nhưng chỉ dám thành khẩn, mạo muội nói đến chỉ phần cách riêng nhân tính thôi, lời dạy bảo trên đã kinh lịch rốt ráo cả tiến trình của nhân sinh và vũ trụ vì theo Ta là đường sáng, đường sống, không như kẻ thường nhân mãi lo toan tìm thủ đắc của cải, tiền bạc, tận hưởng thú vui vật chất xa hoa, huân tập thói hư tật xấu chất chứa đầy tấm thân có khác gì con thú người mãi mê, miệt mài chìm đắm trong biển đọa lạc phù hoa, điên đảo mộng tưởng rồi trở thành phế vật có khác gì cái xác sống, tức đã chết thì hãy để kẻ chết chôn người chết…! Để trực chỉ Tâm con người Chúa đã nói với đám người hung nộ kết tội người đàn bà ngoại tình:” Ai trong các người là người không có tội, hãy cầm đá và ném người đàn bà kia”? Với người đàn bà phạm tội ngoại tình: ”Ta không bắt tội bà đâu, hãy đi đi và đừng làm tội nữa” và từ bi thay :” Xin Cha tha tội cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm…”! Vì thế, đã qua hơn 2000 năm Chúa vẫn ngự trên trên bàn thờ của từng tâm hồn, từng gia đình con chiên thiện lành thờ phượng Chúa và theo Chúa là tối hậu của hành trình đến Nước Trời. Dòng sông Nil đã bồi thiên khí cho toàn thể vùng đất Trung Á để có một xóm làng nhỏ bé Nazareth thời bấy giờ chỉ vỏn vẹn không quá 50 nóc gia đơn sơ mộc mạc với một hài nhi Jésu đã làm nên một Thiên Triều vô tiền khoáng hậu trên trái đất và là kết tinh của hơn 2000 năm Văn Minh Tây Phương. Tôi cám ơn Cha Ninh đã giúp cho sự tầm học được tư tưởng cao đẹp trong Thánh Kinh là chí thiết trên đường tu học cố hoàn thiện bản thân trên đường đời. Thật là Cha đã không uổng phí làm người “Đạp Tuyết Tầm Mai” góp nhặt những mảnh trúc lụa gấm hoa là giá trị văn hóa tinh thần dân Việt, và biết đâu trong số những bông hoa mai sẽ nở màu tươi thắm trên quê hương Việt Nam buổi rạng đông.
Năm vừa qua, gặp lại Cha tại buổi họp mặt thân tình với anh chị em cô Yến con Bà Cố. Cha vẫn với giọng nói tràn đầy niềm tin trong ân sủng thánh linh, không hề có một chút ưu tư tiêu cực bản thân, tuy đôi mắt của Cha đã gần như mù mờ và nhạt nhòa lung linh bóng sắc hình thể đối tượng trước mặt . Có cô Nhan cháu gái của Cha đã an nhiên bỏ đi mảnh đời phàm nhân luyến ái, hôn sự, gia đình…để được cận kề săn sóc cho Cha suốt cuộc đời. Ôi,…quả thật trên đời này còn có thánh nhân trong đời thường và dễ gì có mấy ai cam chịu thiệt thòi và kham nỗi khó khăn cơ cực cho riêng mình? Cha kể cho tôi nghe hành trình về Việt Nam để học tập kỷ năng xử dụng Computer cho người khiếm thị như Cha…Và thật là xúc động lần trở lại chủng viện tại miền Bắc và Nam là nơi mà Cha đã từng là chủng sinh ở tu học cho tới ngày thụ phong Linh Mục. Tôi lắng nghe Cha nói với âm thanh tỏ bày nỗi niềm vương vấn cố hương ngày tháng cũ, và cố hình dung trong đôi mắt mù mờ nhân ảnh của Cha sau tròng kính sẫm màu, có nhân dáng người tu sĩ đứng trầm ngâm ngoài khuôn viên chủng viện, nhìn mái ngói rêu phong lung linh dưới ánh nắng của ráng chiều chênh chếch và khoảng tường loang lỗ vôi vữa cũ kỹ…bùi ngùi kỷ niệm dậy lên như tiếng sóng ở trong lòng…
Nắng chiều in bóng tu viện quê nhà
Trong ánh mắt chưa nhạt nhòa quên lãng
Con chúc Cha luôn được an lạc, hạnh phúc trong ân sủng của Chúa Jesu, Mẹ Maria nhân từ.
Trịnh Khải Hoàng
mùa Thu 2023.