Trần Thị Diệu Tâm, CHỐN CŨ

 

Trần Thị Diệu Tâm

CHỐN CŨ


 

Tôi nhận lời đến giúp việc nhà cho bà Chantal De Bry mỗi ngày. Công việc không vất vả lắm, thu dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, lau sạch bụi bặm và dọn thức ăn ra bàn. Khi vợ chồng người con trai, ông Jean trở về nhà vào 8 giờ tối, tôi mới nghỉ.


 Cô bạn tôi chê công việc này nên giới thiệu tôi đến làm, lý do của cô: Gặp người già mỗi ngày chán lắm.
 
          Sau khi hỏi han tôi vài câu về gia đình, ông Jean bằng lòng và dặn dò “Mẹ tôi lúc này đi đứng hơi khó khăn, mắt cũng kém nhìn, không trông rõ lắm, cô là người Việt Nam, tôi hy vọng cô sẽ săn sóc chu đáo mẹ tôi”. Câu nói tuy là một lời khen ngợi kín đáo, nhưng làm chạnh lòng tôi đôi chút, tôi chẳng được chút tự hào kiêu hãnh nào về nguồn gốc dân tộc của mình. Bao giờ cũng cảm thấy mặc cảm chịu đựng với mọi nỗi khó khăn. Tôi nuốt ực xuống điều gì đó vào lòng và trả lời “ Tôi sẽ cố gắng ”.

 
          Căn nhà của gia đình bà Chantal tọa lạc trên một khu phố sang trọng của Paris, ở tầng lầu thứ hai. Mặc dù tôi có thể leo nhẹ nhàng lên những bậc thang có trải thảm nhung đỏ, nhưng tôi vẫn thích chui vào trong chiếc thang máy kiểu cổ có cánh cửa sắt nặng nề từ từ nhấc bỗng mình đưa lên cao, như một chiếc khinh khí cầu của thế kỷ trước, bay vào một vùng trời mới lạ để tìm thấy những điều chưa biết ở bên trên trái đất vũ trụ này.


          Tôi không có đầu óc phiêu lưu của nhà thám hiểm luôn muốn tìm kiếm miền đất mới, nhưng đôi khi tôi không muốn chạm trán với đời hiện tại, nơi đây với bao nỗi buồn chán không vơi đi mệt mỏi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng không có tận cùng. Tôi không thể xin thời gian ngừng lại để bắt kịp hạnh phúc tình yêu. Tôi luôn là kẻ chậm chạp, là người đi sau, chưa bao giờ bắt đúng nhịp với cuộc sống này, do đó hạnh phúc và may mắn thường có những bước chân dài luôn vượt qua mình. Tôi chưa hề gặp gỡ điều mà mọi người cho rằng đẹp đẽ nhất, cho nên với tôi tình yêu có thể là ảo tưởng chưa chắc có thật.


          Tôi tìm sức sống mỗi ngày qua ngoại vật thiên nhiên mỗi sáng mỗi chiều, thích thú nhìn một cánh hoa nở dại bên đường, một tiếng chim non kêu chim chíp trên cành, hay một mùi hương hoa thoang thoảng đâu đó trong gió sớm, đều đem cho tôi những cảm xúc hạnh phúc. Có khi muốn mình biến thành mây rong chơi, hay bất động như cây đèn điện vàng trong đường đêm Paris, lặng lẽ nhìn những đôi tình nhân qua lại tay trong tay, thật là tuyệt vời. Miễn sao không còn là kiếp đời, kiếp người. Bởi vì xã hội càng văn minh, con người càng bị ép khô hết sinh lực và mất hết cảm tính với thiên nhiên.
 
Chính căn nhà của bà Chantal với công việc không lấy gì tự hào đã đem tôi vào một khung cảnh mới lạ, như tách rời với sự sống mặt đất.
 Sáng nào cũng thế, khi cánh cửa gỗ nặng nề hé mở, bước vào tôi thấy bà Chantal ngồi trên chiếc ghế mây có chân vành cung đưa qua đưa lại. Đôi chân bà yếu nên ít đi đứng trong nhà, đôi mắt bà cũng kém nên bà thường nhờ tôi đọc vài trang sách truyện cũ. Tuyệt đối tôi không đọc những gì trên báo hằng ngày, hay cho biết những biến cố đau buồn trên thế giới. Trái hẳn với những người già luôn đối diện với máy truyền hình cho bớt cô độc và cuốn thời gian, bà Chantal không bao giờ mở máy nhìn. Bà sống thật lặng lẽ cách biệt, nhờ vậy tôi tìm thấy thực sự một khung cảnh yên tĩnh tách biệt để sống, công việc trở nên nhẹ nhàng.
 
          Căn nhà gồm đến sáu phòng rộng, trần nhà cao màu trắng, phòng nào cũng thấy treo đầy các bức họa chân dung tổ tiên dòng họ gia đình. Mỗi lần lau chùi bụi bặm, tôi đứng lặng mỉm cười nhìn họ, mong sao một lần có người hiện ra như trong câu chuyện ở các lâu đài bên Anh quốc. Tuy là những bức chân dung, tôi vẫn tôn trọng và xem họ là chủ nhân của ngôi nhà rộng lớn này, họ tỏ ra vẻ uy quyền ngự trị, không muốn một ai vào phá rối sự uy nghiêm ấy, và dĩ nhiên chấp nhận tôi như một kẻ bảo tồn giá trị ấy. Thỉnh thoảng tôi thấy họ mỉm cười.
 
          Những bàn ghế đồ vật nơi đây mang dáng kiểu của một thời xa xưa nào đó, nặng nề và kiểu cách. Mỗi ngày tôi mỗi tìm thêm đôi điều kỳ lạ trong thế giới này. Tôi cho rằng khi các đồ vật được người sử dụng lâu đời, truyền qua sự sống, hơi thở vào những đồ vật ấy. Tuy rằng là những vật thể vô tri, nhưng nhờ sự động chạm, sờ mó vào của người, những vật thể trở thành có tri giác và có cảm xúc. Khi chủ nhân của chúng chết đi, các đồ dùng ấy còn lại, tồn tại với sự sống của người chủ, giữ lại cái tinh thần bất diệt, chất chứa những kỷ niệm hạnh phúc cũng như đau buồn.
 
          Như thế mỗi thứ vật dụng lâu đời đều như có một linh hồn riêng, và trong không gian này, chúng hiện ra như những con người với những thì thầm to nhỏ, nhân ái và không giả dối. Chúng là quá khứ, đầy hiểu biết về cuộc đời, chắc hẳn là hoàn toàn khác biệt với cuộc sống ngoài kia, nơi đầy ánh nắng mặt trời và đầy tiếng động ồn ào.
Tôi đem suy nghĩ ấy nói với bà Chantal, rằng tôi yêu mến mọi thứ trong căn nhà này. Bà mỉm cười, nụ cười xa vắng làm sao.


 Bà nói :

 – “ Chưa có người giúp việc nào tận tụy như cô, cô đúng là người của thời đại trước. ”


 Bà thường hay chê trách những gì xã hội hiện nay, cho rằng mọi thứ không còn tốt lành như xưa, ngày xưa trong đó mọi người đối đãi với nhau chân tình tôn kính và lễ nghĩa, và xã hội mỗi ngày mỗi sa đọa và bớt nhân tính. Tôi cảm nhận được điều ấy, nghĩ rằng xã hội càng văn minh máy móc chừng nào thì sự sống con người bị ức chế chừng đó. Hình như bà Chantal và tôi cả hai đều như bị đời sống ngoài kia tước đoạt đi nhiều thứ của riêng mình. Vì thế cả hai cảm thấy gần gủi hơn, tôi không còn là một người giúp việc khác chủng tộc, nhưng chính là một thân nhân của gia đình này.
 
          Nhưng bà Chantal có hơn tôi nửa cuộc đời, trong đó nhiều kỷ niệm đáng quý để ôm ấp. Còn tôi không có quá khứ để trở về hằng đêm, cũng không có tương lai tiến tới ban ngày. Tuy mang nặng một thân xác người, nhưng cảm thấy mình thua sút và kém may mắn hơn bất cứ một đồ vật gì trong ngôi nhà này. Mọi thứ dù nhỏ bé nơi này đều được cất giữ bảo tồn rất cẩn thận, không một ai dám phá bỏ sự an cư của chúng.
 
          Nhưng lạ thay, dạo sau này tôi thường thấy căn phòng chứa sách bị xáo trộn, mấy bộ an-bum hình ảnh của gia đình bị đảo lộn không nằm theo thứ tự mọi ngày. Tôi lẩn thẩn cho rằng đồ vật nằm yên mãi một chỗ chắc cũng chán, nên muốn xê dịch, hay là linh hồn của ông De Bry về lại đây thăm vợ thăm nhà mình.. Nghe nói ông cụ mất cũng hơn mười năm rồi.


 Một hôm, bà Chantal nói:

 – ” Tôi nhờ cô tìm giúp tôi một cái hộp gỗ, lớn bằng bàn tay, tìm mãi không thấy ”.


 Tôi chợt hiểu, sự chuyển dịch mấy cuốn hình ảnh là do chính bà, không ai khác.

 – ” Thưa bà hộp ấy đựng gì trong đó? ”


 Bà Chantal không trả lời, tôi chợt thấy mình lỡ lời tò mò.


 Bà nói : – ” Cô gắng tìm xem, có thể ở trong nhà kho, tôi không thể nhớ cất ở dâu, cũng không thể vào đó để tìm. ”
 
          Bà chỉ cho tôi xâu chìa khoá của tầng nhà kho này. Tôi đi xuống tầng dưới. Đó là một tầng nhà rộng chứa đầy vật dụng của gia đình qua nhiều năm tháng, nhiều thứ tôi chưa bao giờ thấy ở quê nhà mình. Tôi có dịp ngắm nghía nhiều thứ như ngắm những sinh vật lạ, hình như chúng cảm động lắm khi tôi đưa khăn lau sạch lớp bụi phủ mờ. Mỗi thứ hình như được hồi sinh dưới mắt tôi sau khi đã ngủ yên một giấc dài qua nhiều năm tháng. Mỗi thứ đua nhau kể lể với tôi về quá khứ, tôi thấy mình nhận xét không sai, khi người ta chết đi rời khỏi thể xác, họ vẫn còn lưu lại thế gian qua những món vật dụng hằng ngày yêu quý.
 
          Tôi cầm cái chân đèn bằng đồng dùng cắm nến trong các buổi tiệc trong các phim xưa. Nó than thở “ Ngày nay người ta chỉ thích dùng áng sáng đèn điện, trông rực rỡ chói chang để soi rọi mọi góc cạnh mặt người, kể cả những góc cạnh không đẹp, con người trở nên trần truị, trái lại, ngày trước tôi thường đem lại ánh sáng ấp áp, ánh sáng lung linh thơ mộng cho không khí buổi tiệc, người ngồi cạnh nhau có thêm những ý nghĩ tốt đẹp và tôn kính nhau ”.
 
          Cái chân đèn bằng đồng kia quên rằng ngày nay với tiến bộ của khoa học, mọi thứ mất hết vẻ huyền ảo của nó, ngay cả những giấc mơ, khoa học cũng muốn phân giải rạch ròi, con người không còn giữ riêng cho mình một bí ẩn đẹp đẽ nào.


          Tôi chợt thì thầm với nó hay với chính mình “ Chỉ riêng mình tôi hôm nay còn muốn phủ lên những lớp áo nhung cho những người trần tục, vì muốn mãi mãi được nhìn thấy vẻ óng ả cuộc đời này ”.


          Qua những đống đồ đạc cũ chen lẫn với những lớp sách vở dày cộm, bụi quá khứ bay ra, cầu xin chiếc hộp gỗ nào đó của bà Chantal hiện ra trước mắt tôi. Tôi nhớ cách đây không lâu, chiếc nhẫn chạm ngọc bích lý thời con gái của mẹ tôi nay mẹ cho làm kỷ niệm, vì bà luôn nói đàn bà phải đeo nữ trang, nữ trang làm tăng thêm duyên. Tôi ít khi dùng, cất nó ở đâu đó. Bẵng đi một thời gian mấy năm, sau khi mẹ mất, chợt nhớ tới nó tìm quay quắt. Tôi ân hận vì đã không tôn kính mẹ. Trong lúc tìm tòi và cầu xin nó hiện ra, bỗng dưng chiếc nhẫn ở ngay tầm mắt mình trong hộc tủ. Tôi cầm lấy, cảm động đeo ngay vào tay từ đó không rời, chiếc nhẫn tăng thêm giá trị từ ngày tưởng là đánh mất đi, tìm lại được.


          Và sự tìm thấy chiếc nhẫn cho tôi tin tưởng rằng, chính nó đi tìm tôi khi biết rằng chủ nhân vẫn còn yêu quý mình, vật đi tìm người thân để trở về. Chính lòng thương yêu tưởng nhớ làm cho hai bên gặp gỡ nhau.


          Trong ý hướng tìm lại hộp gỗ kỷ vật cho bà Chantal, tôi cũng mang một tâm trạng như thế, cầu xin kỷ vật ấy tìm thấy nhanh chóng cho chủ nhân nó, tôi chỉ làm một trung gian tận tuỵ chu đáo.
 
          Qua ngày hôm sau, khi sắp xếp lại đồ đạc trong nhà kho, một chiếc hộp gỗ có khắc cẩn những hoa văn rất đẹp hiện ra, tôi xúc động ôm vào hai tay như chuyền hơi ấm và sự sống của mình. Hộp đã nằm nơi này trong bao nhiêu năm tôi không hề biết, nhưng chắc hẳn đã lâu lắm.


 Với trí tưởng tượng của một người bình dân, của một kẻ đi giúp việc nhà, mới từ một nước cộng sản nghèo đói qua đây, tôi đã thêu dệt rất nhiều về chiếc hộp gỗ kỷ vật này. Có lẽ bên trong, chứa đựng một chiếc nhẫn kim cương vô giá, mà vì tuổi già yếu, bà Chantal đã bỏ quên trong này. Hẳn là thế nên dạo này bà có vẻ không yên tâm. Tôi sẽ đem về nhà làm của riêng và xin nghỉ việc ngay hôm sau. Tôi đem bán có tiền, hết còn mặc cảm và thay đổi thái độ bi quan về thân phận, về đời sống xung quanh. Tôi bớt rụt rè nhút nhát, tôi sẽ có dip may gặp một người đàn ông nào đó yêu thương và nói lời ngọt ngào anh yêu em tới muôn kiếp ! Tôi sẽ không còn là viên đá cuội mệt mỏi lăn hoài trên mặt đất không chốn nghỉ ngơi.
 
          Miên man với suy tưởng mộng mơ ấy, tôi chợt lo sợ, nếu mở ra sẽ bị mất dấu tích, có thể tôi bị đuổi việc, lòng tôi bị tổn thương biết bao nhiêu. Dù sao, lòng tự trọng là lý do cuối cùng để bảo vệ chính mình.
 Đem chiếc hộp đưa cho bà Chantal, bà nhìn tôi xúc động, ôm hai tay như ôm lấy một điều gì đó rất là quý báu. Từ đôi mắt xanh mờ đục ấy như long lanh nước mắt. Bà khóc.
 
          Tôi ngạc nhiên vô cùng, đúng là một món nữ trang vô giá. Tay bà mân mê nắp hộp như kéo dài tận hưởng sự hạnh phúc. Hơi thở bà nặng nề hơn. Chiếc hộp quả thật khó mở, một mũi dao nhọn mới cạy ra. Tôi thấy mình cũng hồi hộp xúc động như chủ nhân chiếc hộp.


 Nắp hộp bị gãy, mở ra. Bên trong chẳng có chiếc nhẫn kim cương lóng lánh nào như tôi tưởng tượng vẽ vời ra khi nãy. Không gì cả ngoài mấy tờ giấy gấp lại khô vàng vì thời gian.


          Tôi bị tê liệt vì nỗi thất vọng chợt ào đến. Mấy ngày trời lăn lóc tìm kiếm, cầu xin thì thầm, thu dọn đống vật dụng trong nhà kho, rốt cuộc, đây chỉ là mấy tờ giấy cũ chẳng có gì đặc biệt. Không kim cương ngọc ngà châu báu gì cả. Chính tôi là kẻ quê mùa mang nhiều ảo tưởng. Phải chăng, người nghèo, người thiếu may mắn, người chịu nhiều đau khổ thường mang nhiều ảo tưởng hơn cả. Vì ảo ảnh cho thấy những tia sáng thần tiên muôn sắc, vẽ lên hy vọng rực rỡ cho bất hạnh lẫn tuyệt vọng âm u. Nước mắt tôi bỗng trào qua khóe mắt, bà Chantal cũng long lanh nước mắt. Bà cụ khóc vì lý do nào tôi không rõ, tôi khóc cho tôi, vì thấy mình quá dại khờ, bị lừa gạt bởi chính mình.


 Bà Chantal đưa chiếc hộp cho tôi và nói:

 – “ Cô tìm xem trong xấp giấy này có tấm ảnh nào không? ”


Tôi giở ra từng mảnh giấy, và thấy dưới đáy hộp một tấm hình chụp từ thuở nào đó, nay nước màu đen trắng đã phai mờ. Trong bức ảnh, một thiếu nữ tươi cười đứng cạnh một thanh niên còn trẻ, phía sau lưng họ là bãi biển vắng người, hình như gió đang thổi tung chiếc áo đầm rộng của thiếu nữ. Tấm hình mờ quá, tôi không trông rõ lắm nét mặt. Có thể tấm hình chụp vào một buổi chiều hay bãi biển đang có mưa. Bà Chantal đưa bức ảnh lên tận mắt, thở dài:


 – ” Mắt tôi lúc này yếu quá, không thấy gì rõ nữa, cô nhìn kỹ xem… ”


 – “ Thưa bà, một cô gái và một chàng trai, trông họ thật đẹp đôi ”. Nói thế chứ tôi nào có trông rõ họ ra sao.


 – ” Cô thấy họ xứng đôi lắm phải không? ”


 Tiện lời tôi nói theo:

 – ” Thật đúng như thế ạ, chắc họ là hai người bạn thân ”.


 – ” Cô thật là thông minh, họ là hai người yêu nhau! ”


 – ” Thưa bà ai đấy? ”


 Bà Chantal nở nụ cười:

 – ” Tôi đấy mà ”


 – “ Thế còn chàng thanh niên kia? ”


 Bà Chantal đáp nhanh:

 – “ Người tôi yêu, không phải ông De Bry ”.


Tôi thật sự ngạc nhiên, cảm động. Tưởng rằng với khoảng thời gian sống gần tám mươi năm kia, người già hết còn cảm xúc, kể cả hạnh phúc lẫn đau khổ, cuộc đời trải qua quá đỗi tầm thường trước mắt họ.


 Bà Chantal nói:

 – ” Cô đọc lại giùm tôi mấy bức thư.. ”


Những trang thư viết ở một miền nào đó phía bắc nước Pháp, khi cô thiếu nữ Chantal về nghỉ hè ở bãi biển nơi ấy, và gặp chàng Guy. Trong mấy tháng hè mối tình chớm nở nhanh chóng tha thiết vì cả hai cảm thấy không thể tách rời nhau. Nhưng sau đó, hết mùa hè, nàng trở về Paris và hứa hẹn sẽ cùng phối hợp khi cha mẹ nàng bằng lòng. Thế nhưng chuyện tình không kết thúc tốt đẹp và đơn giản như lòng họ mơ ước. Bố mẹ của Chantal bắt nàng lấy một người đàn ông góa vợ lớn tuổi nhưng rất giàu có tại Paris, đó là ông De Bry. Một bức thư của cô Chantal viết cho người yêu trước ngày đám cưới nhưng không được gửi đi, cất giấu trong chiếc hộp gỗ, có lẽ mãi cho đến hôm nay mới được xem lại.


 Bà cụ nói chậm rãi như vẫn còn xúc cảm:

 – “ Từ ngày ấy, tôi không còn tin tức gì của Guy, nay không biết còn sống hay đã chết, chỉ còn lại những tờ thư này, tuy thế tôi vẫn luôn tưởng nhớ ”.


 Những tờ thư cũ đã im lìm trong đáy thời gian, nay bỗng dưng được sống lại kể lể chuyện ngày xưa. Thời gian ấy tưởng chừng quá đủ cho người ta quên nhau. Thế mà một lúc nào đó, khi tóc đã bạc trắng, mắt đã mờ, tay run rẩy, thể xác còm cõi sắp lìa bỏ linh hồn, thì từ rất xa, có tiếng gọi văng vẳng, vọng âm của một nỗi niềm. Âm vang ấy năng động như một chủ thể đầy uy quyền làm sống lại những gì đã mục nát cùng thời gian. Tình yêu làm tái sinh hạnh phúc mà định mệnh đã quyết tâm hủy diệt.


 Bà Chantal cầm lấy tay tôi thân mật dặn dò:

 – “ Tôi nhờ cô một chuyện, nhờ cô vào dịp nghỉ hè này về nơi ấy tìm thăm Guy giùm tôi, có lẽ anh ấy còn sống đấy. ”


 – “ Nhưng thưa bà, con làm sao biết được ông ấy ở đâu? ”


 Tức thời bà cụ nói ngay rõ ràng tên họ và địa chỉ của người đàn ông ở tỉnh Quimper, miền Bretagne.


Tôi quá đổi ngạc nhiên về trí nhớ của bà, làm sao bà còn nhớ được số nhà, con đường phố, ở một địa chỉ không liên lạc tin tức đã hơn nửa thế kỷ nay. Trong khi đó bà vẫn thường quên những điều xảy ra mỗi ngày mới đây.


          Phải chăng địa chỉ ấy là nơi gợi lại trong lòng bà một hạnh phúc êm đềm ấm áp, một thứ hạnh phúc không dám biểu lộ cùng ai, không hề xuất hiện bên ngoài cuộc sống của bà. Cho tới mãi bây giờ, mọi thứ ràng buộc với đời sống này được cởi bỏ, cảm xúc ấy mới được bùng lên tìm về.


          Bỗng dưng tôi cúi xuống hôn vào gò má nhăn nheo ấy, nụ hôn âu yếm gợi lên một cảm xúc khó tả trong lòng tôi, như chính mình đang chia xẻ nỗi nhớ thương của bà. Tôi là một nửa trái tim của cô Chantal ngày xưa.


Tôi hứa với bà chắc chắn hè này sẽ về chốn ấy.


Một thời gian ngắn sau vào mùa đông lạnh lẽo của Paris, bà trở bệnh nặng được đưa vào bệnh viện. Tuần sau tôi đang ở nhà, nghe điện thoại reo, giọng của ông Jean báo tin:

 – “ Mẹ tôi sắp mất rồi, bà nhắn cô vào thăm gấp. ”


Tôi vội vã gọi taxi đến ngay. Trong phòng bệnh viện con cháu tề tựu đông đủ, bà cụ nằm trên giường thấp thỏm với ông nước xêrum trợ lực. Thấy tôi vào, đôi mắt bà trông sáng hơn, môi bà mấp máy thều thào, tôi cúi xuống nghe:

 – “ Cô nhớ nhé, về thăm Guy giùm tôi. ”


 Tôi gật đầu cầm tay bà hứa chắc sẽ làm theo lời. Bà cụ còn nói với ông Jean thêm vài lời trối trăn gì đó, thấy ông gật đầu.


 Đôi mắt ấy chợt mở rộng hơn, đôi môi ấy chợt mỉm cười như bằng lòng mãn nguyện, trước khi vĩnh viễn khép kín.


Vài ngày sau, tôi được tin ông Jean cho biết ngày đưa tang bà cụ, và ông cho biết sẽ gửi thêm cho tôi một số tiền đền đáp lòng tận tụy theo lời của mẹ dặn dò.


 Tôi mủi lòng và bật khóc, nói thầm với bà, sao bà không sống thêm một ít lâu nữa, chờ đợi tin tức của ông bạn, biết đâu còn sống về đây thăm bà lần cuối.


          Sau đám tang tôi đi xe lửa về tỉnh Quimper vùng bờ biển phía tây bắc nước Pháp, tìm đến địa chỉ ấy. Dù bà Chantal đã mất, nhưng tôi vẫn giữ lời hứa như một bổn phận, hơn thế nữa muốn giữ gìn tình cảm đối với linh hồn một người thân yêu.


          Địa chỉ còn đó, nhưng thay đổi chủ, không còn ai biết tên họ của một ông Guy xa lạ. Tôi buồn rầu cảm thấy như chính mình là cô Chantal ngày xưa, đang đi tìm lại dấu vết của một thời yêu đương.


          Tôi lưu trú trong một khách sạn gần bãi biển, mùa này đang vào thu, biển vắng người, đúng là một khung cảnh mà tôi hằng mơ ước ngắm nhìn. Không có gì tuyệt đẹp bằng, vả lại trong tấm hình xa xưa của bà Chantal chụp với người yêu thuở ấy, có gió lộng làm bay tà áo, chẳng phải là mùa thu sao. Buổi sáng rồi buổi chiều, tôi dạo chơi lang thang khắp phố phường, mong tìm thấy một chàng thanh niên giống như trong tấm ảnh bụi mờ. Người ấy bất chợt nhìn thấy tôi và sẽ nói “ Ô hay ! em Chantal đấy phải không ? ” rồi ôm tôi trong vòng tay ấm áp, chính là Guy.


          Với ý tưởng mơ ước ấy, tôi hạnh phúc đi dưới trời mưa bụi bay từ phố này sang phố nọ, tôi nhập đồng vào vai cô Chantal ngày xưa để đi tìm một người yêu cho chính mình, một người cho riêng tôi, chưa hề có và chưa hề mất. Tôi bước những bước chân của một người mộng du, nhưng rồi nước mưa thấm lạnh vào vai vào tóc, tôi tỉnh lại cơn ảo giác. Chỉ có những cái nhìn của kẻ bên đường với một cô gái á đông lạc lõng xa lạ.
 
          Mấy ngày liền chẳng biết hỏi han ai, tôi quyết định ngày mai trở về Paris để kiếm việc làm sớm. Buổi chiều cuối cùng nơi này, tôi vào một quán ăn trông ra bãi biển. Tôi gọi một chiếc bánh crêpe và một ly rượu cydre nhỏ, thứ nước trái cây đặc sản của vùng này. Có lẽ ngày xưa hai người ấy đã từng ngồi nơi quán này, đã từng ăn thứ bánh này và cùng nhau uống rượu này. Đó là một tưởng tượng của tôi có thể xảy ra trong quá khứ, như trong một kịch bản.


          Tôi ăn từng miếng bánh nhỏ có nhân ngọt lịm với hớp rượu chua chua ngọt ngọt, nhìn ra biển xa, biển rộng bao la, những đợt sóng trắng xóa vội vã tìm nhau đuổi bắt nhau, nhưng chẳng bao giờ bắt kịp, như một đời người rong ruổi kiếm tìm. Chất rượu làm tôi hoa mắt hay chính đó là sự thật.


 Từ ngoài cửa, một chiếc xe lăn được đẩy vào, một cụ già tề chỉnh trong bộ đồ dạ đen, trên đầu chiếc mũ nỉ, người đàn bà cẩn thận đẩy xe đến gần chiếc bàn nhỏ, nói với ông chủ quán:

 – “ Xin một chai rượu cydre cho ông tôi, chốc nữa tôi trở lại. ”


 Ly rượu đưa ra để trước mặt ông cụ, nhưng ông không uống, ông đưa mắt nhìn ra xa, hình như lắng nghe tiếng kêu lạ lùng của những con hải âu não lòng ai oán và triền miên.


Tôi chú ý theo dõi tất cả chi tiết, và chợt nghĩ, nếu ông Guy còn sống thì có lẻ cũng già bằng ông cụ này. Tôi hỏi dò người chủ quán, được biết:

 – “ Cô cháu gái thỉnh thoảng đẩy xe cho ông cụ đến đây, sau này ông ít đến vì già yếu, có lẽ lần cuối, nghe cô cháu nói thế, năm ngoái cụ còn uống được rượu nói năng đôi chút, nay hình như mắt đã mờ nhiều. ”


 Tôi xúc động, đến gần:

 – “ Thưa ông…


 Người chủ vội nói: 

– “ Ông ấy không nghe rõ gì nữa đâu tai bị lãng rồi. ”


 Tôi tần ngần lặng yên. Lát sau cô gái trở về trả tiền và đẩy xe lăn, tôi nói nhanh:

 – “ Chào cô, có phải cụ ông là ông Guy, tôi là cháu của bà Chantal ở Paris về đây… ”


 Người đàn bà nhìn tôi ngạc nhiên, rồi như thấy tôi là người Á đông xa lạ không quen biết, sợ mất thì giờ, cô ta nói:

 – “Ông tôi yếu lắm rồi, trời nhiều gió chiều nay, tôi phải đưa ông về ngay.”


          Làm sao giải thích cho cô ấy hiểu, làm sao giải thích chuyện ngày xưa, trong khi ấy ông cụ mà tôi tin chính là ông Guy của bà Chantal đã không hề thấy, không hề biết tôi là ai. Cô cháu dìu ông ấy vào trong xe hơi, và xe chuyển bánh.


          Tôi đứng sững vì một sự việc bất ngờ xảy ra quá nhanh chóng, tôi chỉ biết im lặng thẫn thờ theo dõi chiếc xe mất hút qua một con đường khác. Tôi ngậm ngùi, tấm hình của ông ngày trước đang nằm trong xắc tay, tôi đem theo như một chứng cớ, nhưng nay thật chẳng còn cần đến nữa. Kỷ vật ấy đối với ông chẳng còn nghĩa gì cả, ông không hề biết người yêu Chantal còn sống hay đã chết, ông không còn khả năng quan tâm.


          Nhưng ông đã sống êm đềm với thói quen tìm về đây, hưởng lại những giây phút hạnh phúc ngày xưa chạm khắc sâu vào tiềm thức vào tâm não. Ông nhiều lần về đây sống lại với cô Chantal yêu quý, ngoài ra ông không còn biết gì thêm. Không khí của bãi biển, tiếng chim kêu, gió biển lạnh, hình như ông cảm được trong ấy hơi thở nồng nàn của người yêu dấu.


          Tôi đi bộ chậm rãi về khách sạn dọc theo bờ, gió chiều nay thổi tung chiếc áo tôi đang mặc.


          Trong cõi nhân gian vẫn còn một điều quá đẹp, điều mà lâu nay tôi thường ngờ vực, đó là sự bền vững của tình yêu. Hình như, bà Chantal ở nơi nào đó, đã xui khiến cho tôi thấy ông chiều nay, buổi chiều cuối cùng, cho tôi một niềm tin lóng lánh.


          Tôi thầm cảm ơn cụ bà Chantal đã tặng tôi một chiếc nhẫn kim cương vô giá, tuy không thể đeo vào tay cho người khác ngắm nhìn, nhưng tôi cất vào lòng. Viên kim cương ấy có một linh hồn và một tiếng nói. Nói rằng, hãy nhìn tôi, cô sẽ thấy cuộc đời óng ả hơn, hãy nhìn tôi để cô có thể sống trong suốt chiều dài trăm năm.Tình yêu chắc chắn có thực./.


Trần  Thị Diêu Tâm

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top