Tìm Dấu Chân Xưa
Phố Hàng Hòm (rue des Caisses)
Khi tôi còn thơ dại gia-đình tôi giã từ Hà-Nội, di-cư vào Nam. Chiếc phi cơ quân-sự của quân đội Pháp cất cánh từ phi-trường Gia-Lâm vào một buổi sáng trời trong, tôi ngồi nép giữa bố và chú, loay hoay với mấy hòn bi trong túi quần short. Có tiếng nói ngập ngừng trên hệ thống âm thanh. Tôi ngước đầu hỏi chú:
- ‘Thằng’ Tây nó nói gì thế?
Chú trả lời nhẹ nhàng:
- Phi công nói là sẽ bay qua Hà-Nội cho chúng mình nhìn thành phố thân yêu lần cuối cùng.
Chú nhìn ra cửa sổ, mắt long lanh, hình như có ngấn lệ, và đó là lần cuối cùng chú tôi thấy Hà-Nội. Chú mất mấy năm trước ngày tàn cuộc chiến, và bố tôi cũng qua đời bình yên năm 2000 tại California, nhất định không về thăm quê nhà lấy một lần:
- Còn gì nữa đâu mà về.
50 năm sau chuyến bay di-cư buồn tôi trở về thành phố xưa. Khi phi cơ sắp đáp xuống Nội-Bài tôi tưởng là tôi sẽ khóc, nhưng không, tôi chỉ một chút thẫn thờ. Có lẽ tôi đã chuẩn bị cho ngày về quá lâu, đã đọc và đã biết nhiều về Hà-Nội bây giờ nên không còn cái náo nức của một kẻ đi xa trở về. Hay là tôi đã chai đá, nước mắt đã khô cạn, không còn cái yếu mềm dễ thương của tuổi thanh xuân?
Người anh con ông bác, anh Bính, đón tôi ở phi-trường và đưa tôi về làng để kịp ngày giỗ tổ họ Trần. Thuận-Tốn chỉ cách Hà-Nội hơn 10 cây số mà sao ngày xưa tôi thấy xa vời vợi mỗi lần tôi nghỉ lễ về thăm. Ngày đó …
- Bà ơi cháu mới về.
- Cha con đẻ mẹ cái thằng Ðài về thăm bà đấy hả?
Bà tôi nói nhưng cũng không ngừng tay vớí những việc lặt vặt trong nhà. Tôi lầu bầu:
- Tên ‘ông’ đếch phải là Ðài.
Tên tôi là Duy, nhưng có ông Ðồng Duy ở làng nên bà tôi kiêng, gọi tôi là thằng ‘Ðài’, gần với ‘Ðại’ là tên cúng cơm của bố tôi.
Không bao giờ tôi đứng lâu một chỗ, thoắt một cái là tôi chạy khắp nhà. Nhà bà tôi rộng mênh mông nhưng sân chỉ toàn gạch để phơi thóc, tường cao đầy gai xương-giồng và trơ trọi một cây đu đủ trước ngõ. Chẳng có gì cho tôi nghịch ngợm ngoài cái nhà ‘Tây’ hai từng, nơi bà tôi để cỗ áo quan bằng gỗ vàng tâm dành cho mai sau. Tôi nhẩy lên nhẩy xuống, dùng cỗ áo quan làm ngựa gỗ mãi cũng chán nên có lần đã định cậy nắp quan tài xem thử bên trong có gì nhưng không nổi vì gỗ quá nặng.
Tôi hét vang:
- Cháu sang thăm bà ngoại.
Bà nội tôi chưa kịp trả lời tôi đã chạy vù ra ngõ ngoài, bẻ một cành tre, quất túi bụi những con chó nhỏ đang sủa ầm ĩ, vạch hàng rào dâm bụt bên hàng xóm, đi tắt qua làng bên, làng Ðào-Xuyên, thăm dinh cơ bên ngoại.
Tôi thích bên ngoại hơn và thường thì tôi ngủ luôn bên ngoại, cho đến khi nào bà nội tôi sai người sang gọi về, vì nhà bà ngoại có ao cá, có vuờn cây đầy trái và nhất là có Phượng, có Long và có Hoàng là con cậu mợ Chu cho tôi làm bạn chơi đùa. Phượng lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng là vai em nên tôi vẫn gọi xách mé là ‘cái Phượng’ và xưng ‘tớ’, hoặc xưng ‘ông’. Long và tôi gần tuối nhau và cùng học một lớp ngoài Hà-Nội với tôi nên luôn luôn về quê cùng một lần. Hoàng còn bé nên là đứa cho tôi sai vặt. Tôi không sợ trời, không sợ đất nhưng lại sợ … giun! Mổi lần đi câu Hoàng phải móc mồi giun vào lưỡi câu cho tôi, và khi tôi câu được con cá rô nào Hoàng phải gỡ dùm vì tôi vụng-về, nhiều lần bị nghạnh cá rô đâm chảy máu tay!
Cây thị trong vườn lúc nào cũng đầy quả chín thơm ngào ngạt. Phượng nói là có ông thần giữ cây rất thiêng nhưng tôi không tin, trèo lên nhẩy xuống bất cứ lúc nào. Phượng có lần dọa tôi:
- Coi chừng ‘thần’ vật anh chết đó.
Tôi cười:
- Ðếch sợ! Ðêm qua ‘ông’ đái dưới gốc cây mà có sao đâu.
- Ông gì, ông ‘mãnh’ thì có. Tôi mách bà là anh chết đòn.
- Bà hiền khô, có đánh ai bao giờ, mà mai tớ lại về Hà-Nội rồi.
Phượng rủ rê:
- Tết về nhé.
- Về chứ. Tớ khoái xem đánh đu lắm.
Bà ngoại tôi hiền khô nhưng vào năm cải cách ruộng đất cũng bị đuổi ra khỏi nhà, chết với một manh chiếu rách ven đình. Ông anh họ cho biết:
- Cải táng rồi. Bây giờ mộ cụ ở gần chùa Ðào, còn bà nội chú thì chôn ở một thửa ruộng ngập nước nguyên thuộc họ Trần ở gần cầu Vương.
Anh nói thêm:
- May mà có cỗ vàng tâm.
Tôi chợt nhớ đến cái nhà ‘Tây’ 2 từng:
- Mình về qua nhà một chút được không?
Anh lắc đầu:
- Nhà ấy bây giờ có 5 chủ ở. Ðể tôi hỏi lại xem họ có cho mình vào thăm không đã.
- Cây đu đủ còn không? Lúc sinh em, mẹ em chôn nhau ở đó.
- Làm gì còn. Cả cái ao bên cạnh có lần chú ngã xuống gần chết đuối cũng đã lấp mất. Họ xây nhà lên rồi.
Mẹ tôi đánh thức chúng tôi dậy sớm hơn thường ngày:
- Dạy ngay đi về quê.
Tôi dụi mắt cằn nhằn:
- Hôm nay thứ Tư, thế không đi học à?
Mẹ bật khóc:
- Việt Minh về làng giết hết cả nhà mình đêm qua rồi, ối giời ơi, thế có khổ không!
Tôi lúp xúp chạy theo mẹ ra bến xe về thẳng bên ngoại. Bà tôi mắt đã lòa, ngồi dấu mặt trong vòng tay giữa nhà, chốc chốc lại ngẩng lên hỏi:
- Chu đâu, Quỳ đâu?
Mợ tôi khóc ngất:
- Nhà con chết rồi. Cả anh Quỳ và chị Gái cũng bị họ chém chết ở ngoài sân. Ối giời cao đất dày ơi.
Thấy Long đứng dựa tường khóc thút thít, tôi lại gần vỗ vai:
- Ð. M. Việt Minh ác quá, bao giờ lớn mình đi lính về bắn chết cả lò nhà chúng nó!
Long nghiến răng:
- Ừ, Đ. M. cả lò nhà chúng nó!
- Thế còn mộ cậu Long ở đâu?
- Cũng ở gần bên bà ngoại. Cậu ấy mới mất đây thôi. Tưởng là chết trong những năm đói kém sau khi Việt Minh tiếp thu. Giá năm 54 cậu ấy đi Nam với chú thì hay biết bao.
- Em cũng nghĩ thế, nhưng cậu em mất rồi, bà ngọai em không đành xa cháu đích tôn. Cái tội ‘địa-chủ’ gia-đình bên ngoại em phải trả nặng quá. Bên nội mình thì may hơn vì di cư hết vào Nam, trừ bà em, và cũng may bà em mất trước khi cải cách ruộng đất.
Con đường quê bằng gạch đỏ bây giờ đã được trải nhựa nhưng vẫn gồ ghề, nhỏ bé, quanh co và hôi mùi cống rãnh. Tôi cố gắng tìm một hình ảnh quen thuộc thủa nào:
- Có phải chỗ này là cổng làng xưa không? Sao không thấy cây đa và ao sen?
Anh Bính cười:
- Còn được cái đình là may lắm rồi. Mà tôi đố chú tìm thấy lũy tre hay cây tre nữa đấy.
Tôi bàng hoàng:
- Thế thì còn gì là làng!
Anh thở dài:
- Chú đi nhanh lên. Họ hàng đang chờ chú ở nhà thờ tổ họ Trần.
Tôi chỉ nghe biết về nhà thờ tổ họ Trần nhưng tôi chưa bao-giờ lai vãng đến trong thời ấu thơ. Có lẽ tôi không thể nào tìm đến được nếu không có anh Bính dẫn qua những con đường quanh co và những ngõ hẹp. Căn nhà cũ kỹ và khiêm tốn nhưng đầy tiếng cười trong một ngày mà mọi người chờ đợi đã bao nhiêu năm. Có người nắm tay tôi:
- Nhớ anh là ai không?
Tôi cười lắc đầu. Anh vuốt tóc tôi, mái tóc đã ngả màu muối tiêu:
- Ngày xưa tôi cõng chú tản cư tuốt vào đến tận Hưng-Yên, nhớ rồi chứ?
Tôi reo lên:
- À em nhớ rồi! Anh Khiêm!
Anh cười, hàm răng đã xô lệch:
- Hơn 50 năm rồi. Ngày nào chú còn bé tí.
Vâng ngày nào tôi còn bé tí. Tôi đã bỏ làng, bỏ quê, đã đi xa, rất xa, và bây giờ tôi trở về, ngỡ ngàng như một người xa lạ. Tôi nghe những lời chào hỏi vang dội như từ cõi xa mù … nhớ tôi không … nhớ tôi không … nhưng tôi không còn nhận được một người nào trong đám đông vây quanh. Anh Bính gìới thiệu tôi với người trưởng tộc họ Trần:
- Ðây là anh San, con bác Chánh Hoàn. Anh bây giờ là trưởng chi dòng họ.
Anh đã già, có lẽ hơn 80, và tôi chưa bao giờ gặp anh trong đời. Anh nắm vai tôi và xiết chặt bàn tay:
- Khi chú mới biết nói thì anh đã đi kháng chiến. Chú lớn lên, theo gia-đình vào Nam, thế là anh em mình ở hai chiến tuyến. May mà có ngày nay, anh em gặp nhau dưới mái nhà thờ tổ chứ không phải ở ngoài mặt trận.
Tôi nhìn chiếc áo cán bộ đã bạc màu của anh:
- Em nghe nhiều về cách mạng mùa thu năm 1945, về chiến dịch ‘tây tiến’, về chiến thắng sông Lô, và nhiều huyền thoại khác nữa. Anh ra đi vào những ngày đầu tiên của thời kỳ huyền hoặc đó. Lúc nào anh phải kể cho em nghe.
Anh cười buồn:
- Ðúng là huyền thoại. Anh em mình sẽ còn có nhiều dịp hàn huyên. Bây giờ thì hãy vào lễ tổ với anh.
Tôi nhìn lên bàn thờ, có bài vị của những tiền nhân tôi không bao giờ biết mặt, có cả hình của bà nội và hình bố tôi. Cầm bó nhang cúi lạy bàn thờ nước mắt tôi trào ra và lòng bao bâng khuâng xót xa. Cuối cùng thì tôi cũng đã khóc! Tôi nói thầm:
- Bà ơi, thằng Ðài đã về.
Vài tháng trước ngày bố tôi qua đời, sáng nào ông cũng cuốn bộ quần áo bằng tờ báo cũ, cắp dưới nách, ra cửa đứng ngoài cửa:
- Gọi cho bố cái xích-lô ra bến xe về Thuận-Tốn.
Khi được chúng tôi nhắc nhở đây là California chứ không phải Hà-Nội, bố tôi có vẻ thẫn-thờ, như không tin. Tôi ước gì bố tôi còn sống, về lại làng xưa cùng với tôi lúc này. Tôi nhủ thầm:
- Chiều ra thăm mộ bà nội, rồi về bên ngoại. Vườn cây và ao cá không còn, nhưng còn nền nhà cũ. Cây thị không còn, nhưng biết đâu ông thần cũ còn quanh quất đâu đây. Ngày xưa ông thương tình thằng bé ngỗ nghịch, không vật cho mình ốm, nên biết đâu ông chẳng chờ mình về? Gì thì cũng phải viếng thăm mộ các em Long và Phượng. Tớ về đây này mà các đằng ấy ‘đếch’ chờ. Tại tớ đi lâu quá chứ gì?
- Duy!
Tôi giật mình, lếch thếch cầm tập vở lên trình thầy Khang, khoanh tay đọc bài Việt-Sử học thuộc lòng. Giọng tôi ê a nhát gừng làm thầy bực mình:
- Ðọc nhanh lên. Nếu không thuộc bài thì chìa tay ra đây.
Tôi chìa tay ra. Thày Khang mím môi, quất cái thước kẻ vào lòng bàn tay. Tôi xuýt xoa, rụt tay lại. Thày trừng mắt:
- Tại sao lại không thuộc bài? Ở nhà làm gì mà không học?
Tôi mếu máo nhưng mắt ráo hoảnh:
- Thưa thầy … con quên.
Tường thế là yên, nhưng thầy Khang vẫn chưa tha. Thầy mở tập vở xem bài tôi chép, thấy nét chữ đều đặn thay vì nguyệch ngoạc như tôi thường viết, thầy cau mặt:
- Ðứa nào chép bài hộ thế này?
Tôi cúi đầu không đáp. Thầy hét lớn:
- Ðứa nào? Nói! Muốn chết đòn phải không!
Tôi đành thú nhận:
- Thưa thầy … Long.
- À thằng Long. Ðem cái tay lên đây.
Tôi được trời phú cho bộ óc nhanh nhẹn nhưng lại thiếu cần cù. Toán “vòi nước chảy ra, vòi nước chảy vào” của năm lớp Nhất tôi chỉ ‘ngoáy’ một phát là xong trong lúc Long còn cắn bút. Ngược lại Long rất chăm chỉ, chữ đẹp nên mỗi lần chỉ Long làm toán xong tôi lại được Long đền ơn, chép dùm những bài học thuộc lòng thầy Khang viết trên bảng mà tôi ‘quên’ không chép vào vở vì còn bận với những trò chơi tôi mới nghĩ ra hay vừa thu-thập được.
Cả tôi và Long đều bị quỳ sau bảng đen. Quỳ thì tôi ‘cóc’ sợ, nhất là lại có một đứa khác bị quỳ chung với tôi để cho tôi chọc ghẹo. Tôi chỉ sợ nhất là bị thầy Khang bắt lên ngồi bàn nhất, chung với đám con gái, để cho thầy dễ thấy và tôi hết nghịch. Long thì khác hẳn, mắt đỏ hoe, cúi đầu không dám nhìn lên. Tôi thì thầm:
- Ðau không?
Long xoa tay, gật đầu không nói. Tôi thò tay vào túi quần, móc hòn bi xanh biếc mà tôi vừa mua trong giờ ra chơi dúi vào tay Long:
- ’Chiến’ lắm. Cầm lấy đi.
Tôi cắm nén nhang trên đầu mộ Long, khấn thầm, và cũng như nhắn nhủ chính mình:
- Không có hòn bi nào cho Long lần này. Nhưng không hòn bi nào đẹp bằng hòn bi năm xưa đó đâu. Mai về Hà-Nội mình phải đi lại con đường cũ, con đường từ phố Phan Bội Châu, qua Trần Hưng Ðạo, tới Quang Trung và trường tiểu-học mà chúng mình đã đi suốt một thời niên thiếu. Còn Cổ-Ngư, Nghi Tàm và Quảng Bá nữa chứ. Chúng mình đã để lại bao dấu chân. Ðường xưa đã mất tên và dấu chân xưa không còn nhưng hồn xưa vẫn lãng đãng. Ừ mai mình về, dù ‘lối cũ ta về hình như nhỏ lại’ …
o0o
Bao nhiêu năm qua tôi khắc khoải muốn trở về, ít ra thì cũng một lần, để thăm lại thành phố cũ, căn nhà xưa nơi mà anh em tôi trải qua thời ấu thơ. Khi tôi về Hà-Nội đã thay đổi nhiều, quá nhiều. Hà-Nội không còn là Hà-Nội của tôi trong tâm tưởng. Thế nhưng còn căn nhà xưa? Tôi đứng tần ngần trước biệt thự số 32 phố Phan Bội Châu. Vẫn căn nhà đó, vẫn màu vôi vàng cũ kỹ, nhưng không còn cây ngọc-lan trước ngõ, không còn vườn cỏ xanh và hàng sấu già vang tiếng ve sầu mùa hạ.
Người đàn-bà trung niên bước ra. Tôi ngập ngừng
- Chị cho hỏi thăm …
Chị nhìn tôi, như dò xét:
- Anh tìm ai?
- Không. Ngày xưa tôi ở căn nhà này. Lâu lắm rồi. Nếu chị cho phép, tôi chỉ muốn nhìn lại chốn cũ.
- Thế anh là …
- Tên tôi là là Duy, còn đây là chú Thành, em tôi. Chúng tôi đã sang Hoa-Kỳ cư ngụ mấy chục năm nay, và bây giờ mới có dịp về thăm lại quê nhà.
Người đàn bà nói như reo:
- Thế anh là con bác Ðức-Khánh trước năm 54 ở căn nhà này. Chúng em vẫn nghe nói về bác luôn.
Rồi như để trả lời cho vẻ ngạc nhiên của chúng tôi chị giải thích:
- Em là Phụng, con dâu ông Mậu. Khi hai bác di cư vào Nam đã nhường lại căn nhà này cho bố chồng em.
Tôi như chút được một gánh nặng trên vai và một chút vui thích khi bắt được giọng nói Hà-Nội cũ, Hà-Nội trước năm 1954, thay vì giọng nói có pha chút âm hưởng vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh như bây giờ:
- May quá, không ngờ gập được người quen.
Phụng cười thân thiện, mở rộng cánh cửa:
- Vâng, thật là có duyên gặp được các anh. Mời hai anh vào chơi, mình ơi, anh Ðạo ơi. Nhà có khách.
Tôi bàng hoàng bước vào căn nhà cũ. Ðạo tiếp chúng tôi niềm nở, tươi cười dẫn chúng tôi đi lang thang khắp nhà. Chỗ này ngày xưa mẹ hay nằm hát ru các em tôi. Phòng kia kê bộ phản chân quỳ bác Chánh tôi nằm hút thuốc phiện mỗi lần từ quê ra thăm. Cái tủ áo ở góc này, tôi trốn trong đó cho Long, cho Sĩ đi tìm hàng nửa ngày. Cầu thang bằng đá lên tầng trên vẫn nhẵn bóng và trơn trượt.
Tôi bước ra hành lang. Hành lang có mái che ngày xưa kê chiếc bàn dài cho anh em chúng tôi ngồi học. Họ hàng từ quê ra trọ học tại nhà tôi rất đông. Ngày đó anh Thế học trung-học Nguyễn-Trãi, anh Dân học Albert Sarraut, chị Lành học Trương Vương … ngày đó tôi nghe ‘This is Jack. Jack is a boy …’ anh Lương đọc từ cuốn sách bìa cứng màu xanh nước biển với tấm lòng khâm phục. Cũng ở nơi đó tôi nghe cô Minh dạy chú Quán phát âm ‘Ông Lý có cái lọ treo lủng lẳng lưng chừng nhà’, chả là vì dân miền quê tôi nói ngọng, không phân biệt được ‘en nờ’ với ‘e lờ’.
Tôi chỉ cho chú Thành:
- Góc này là chỗ bố bắt tôi quỳ mỗi lần tôi ‘lỡ tay’ bắn súng cao-su làm vỡ kính nhà ‘thằng’ Tây hàng xóm. Ngày đó chú còn bé lắm nên không bao giờ bị đòn, nhưng chú hay khóc nhè nên có biệt danh là ‘Cò Nhăn’.
Chú Thành cười, chỉ một bức tường:
- Nhưng em cũng còn nhớ chỗ này có cánh cửa cầu thang riêng dẫn xuống phòng mẹ. Sao bây giờ không còn?
Anh Ðạo giải thích:
- Căn nhà rộng. Bố mẹ em đã qua đời, nhưng tất cả các anh em chúng em vẫn còn sống chung nơi đây. Từ ngày lập gia-đình chúng em đã ngăn chia căn nhà ra làm nhiều phần và xây cất thêm cho có chút ít riêng tư. Những cây sấu già cũng đã được cưa đi, sân cỏ ngày xưa như các anh thấy bây giờ là những quán hàng để kiếm sống. Biệt thự ngày đó bây giờ chỉ là một đám nhà hỗn tạp. Chắc các anh không còn tìm thấy nhiều dấu vết cũ?
Tôi nắm tay Ðạo:
- Cám ơn anh đã cho chúng tôi thăm lại căn nhà xưa. Lẽ dĩ nhiên là ‘vật đổi sao dời’ nhưng chúng tôi thấy như sống lại ngày tháng cũ và những kỷ niệm xa xưa thật êm đềm. Xin anh cho phép chúng tôi chụp mấy tấm hình để cho mẹ tôi thấy lại căn nhà này, và cho các con tôi thấy được một phần thời thơ ấu của chúng tôi.
Giã-từ Ðạo chúng tôi chậm chạp đi lại con đường trước đây dẫn chúng tôi tới trường. 50 năm là một khoảng đời nhưng những góc phố vẫn không quên. Tôi chỉ cho chú Thành căn nhà ở góc đường Trần Hưng Ðạo và Phan Bội Châu:
- Chỗ này là trường mẫu-giáo của chú. Ngày đầu tiên chú tới trường tôi phải đứng ngoài cửa sổ cho tới khi chú thôi khóc. Trường học không còn nữa, nhưng chiếc cổng sắt hình như vẫn là chiếc này.
Tiếp tục đi trên con đường Trần Hưng Ðạo, tôi nói như là đang trong giấc mơ:
- Góc này là ‘Ðấu Xảo’ chứ không phải là ‘Cung Thiếu Nhi’ như bây giờ đâu, phía trái là chùa Quán Sứ, phía trước là ngã tư Quang-Trung - Trần Hưng Ðạo. Chỗ này có cây muỗm, nhưng nay không còn. Chú biết cây muỗm là cây gì không? Quả nó giống quả xoài nhưng cây cao lớn hơn nhiều. Những hôm trời nắng tôi vẫn ngồi nghỉ dưới gốc cây trước khi vào lớp. Mà đường phố ngày xưa vắng lắm, ít xe hơi và không có xe gắn máy, nhiều lúc tôi cứ đi giữa đường.
Chú Thành nhắc tôi:
- Anh đi lên vỉa hè không xe Honda cán gẫy giò bây giờ!
Tôi hình như ra khỏi cơn mê. Tiếng còi xe ‘tin .. tin ..’ thúc giục không ngừng, thay thế tiếng ve sầu trên những cây sấu già. Tôi lại như chìm vào dĩ vãng:
- Sấu chín ngọt lắm. Sấu xanh dầm nước mắm đường cũng ‘tuyệt cú mèo’. Hồi đó chú còn bé nên không được ăn, bây giờ đi gần hết Hà-Nội mà vẫn chưa thấy cây sấu nào.
Tôi đứng nép vào cổng trường, cố nhìn rõ bên trong. Nhiều tòa nhà hai từng mới xây, bề thế hơn dãy nhà ngói cũ nơi tôi mài đũng quần suốt 5 năm tiểu-học. Sân trường không còn nữa và lẽ dĩ nhiên những cây bàng với những chiếc lá to đỏ ối vào mùa thu cũng đã không còn. Như trong hơi sương tôi thấy thầy Huệ mặc áo dài đen, cô Hạnh quàng khăn san, và thầy Khang mang kính trắng đang đi lại trong hành lang. Tôi dụi mắt, hỏi thầm không biết thầy cô cũ bây giờ ở đâu. Tôi nhớ cô Hạnh hiền, không đánh tôi vì tôi vật nhau với thằng Vinh ngoài sân trường mà còn dẫn tôi ra vòi nước rửa tay. Tôi cũng nhớ thầy Khang. Tôi nghĩ thầy ghét tôi vì tôi hay nghịch thế nhưng ngày cuối niên học năm đó lần đầu tiên thầy gọi tôi bằng con và xoa đầu tôi:
- Con chịu khó học, đừng lêu lổng nữa nhé.
Không biết tại sao lúc đó tôi bỗng ứa nước mắt. Có bao giờ tôi khóc đâu dù thầy đã từng đánh tôi hàng trăm thước kẻ mỗi lần tôi chọc phá bạn bè trong lớp hay không thuộc bài! Ngày đó là ngày chia tay và năm đó cũng là năm cuối cùng ở Hà-Nội, trước khi gia-đình tôi theo đoàn người di-cư vào Nam mùa thu năm 54. Chắc thầy Khang ở lại miền Bắc và nghĩ rằng chẳng bao giờ gặp lại đám học trò nhỏ của mình.
Chú Thành nhắc tôi:
- Thôi, đi anh.
Tôi lặng lẽ rời cổng trường. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nhìn lại mái trường xưa. Buổi chiều đã nhạt nắng, chúng tôi trở về khách sạn rủ mọi người đi ăn bánh tôm Cổ Ngư. Anh em tôi gồm 8 người từ Mỹ trở về, và vài đứa cháu từ Ðà Lạt ra, chỉ có tôi và chị Cúc là biết nhiều về Hà-Nội, hay đúng hơn, Hà-Nội ngày xưa của chúng tôi.
Ðứa cháu hỏi:
- Cổ Ngư là đường nào?
Bình là ‘dân’ Ðà-Lạt, quê hương thứ hai của tôi sau khi chúng tôi di-cư vào Nam, nên chưa bao giờ nghe tên con đường thơ mộng đó. Tôi cười:
- Là con đường giữa hồ Trúc-Bạch và hồ Tây. Con đường đó dân Hà-Nôi ai cũng biết. Nổi tiếng như ‘Con Ðường Mang Tên Em’ từ hồ Xuân-Hương lên viện đại-học Ðà-Lạt của cháu đó.
Bình dò ngón tay trên bản đồ:
- Ứ ừ … Ðó là đường ‘Thanh Niên’.
Tôi thở dài:
- Lại một con đường nữa mất tên. Cháu biết không, hôm qua cậu bị một ông lái taxi mắng là “mấy bố Việt-Kiều cứ hỏi tên đường cũ thì đến ông nội con cũng không biết”. Biết vậy, nhưng tên những con đường cũ khó quên.
Tôi ngừng một chút trước khi nói tiếp:
- Kể cháu nghe, có lần cậu nhờ taxi chở đi ‘Văn Quân’ may quần áo , người lái xe cho biết nhà may đó ở đường ‘Trần-Phú’. Cậu buột miệng: “Trần Phú là thằng nào”? Anh ta dằn giọng: “May cho ông tôi không phải là công an”.
Bình cười nghiêng ngả:
- Tổng Bí Thư đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930 mà cậu dám gọi bằng ‘thằng’ thì ‘láo’ quá. Cậu phải cẩn thận không là bị công-an gọi lên ‘làm việc’ rất phiền. Thôi chiều nay mình đi xích-lô vui hơn vì Cổ-Ngư cũng gần khách sạn.
Tôi ngần-ngại:- Ngồi xích-lô coi không tiện. Trông có vẻ thiếu văn minh như ‘người bóc lột người’.
Ðứa cháu bỗng trở nên hùng biện:
- Nếu ai cũng nghĩ như cậu thì có nhiều người chết đói. Bạn bè cậu ngày xưa khi đi ‘cải-tạo’ về có người cũng phải đạp xích-lô nuôi gia-đình. Họ không thể làm gì hơn nếu muốn sống một đời lương-thiện. Cậu biết không, mỗi ngày họ kiếm được khoảng 2 dollars là nhiều!
Tôi ngạc nhiên về những suy nghĩ của tuổi trẻ bây giờ. Họ thực tế, và kiến thức hầu như rộng rãi hơn lớp người của thế-hệ tôi, khi chúng tôi ở vào lứa tuổi đó. Tôi thực sự hài lòng:
- Ừ, chúng mình đi xích-lô.
Người gác cửa khách-sạn gọi dùm 5 chiếc xe. Trinh và tôi trèo lên một chiếc. Người phu xe buột mồm:
- Vớ phải cặp béo!
Trinh đỏ mặt trong lúc tôi cười gập người, an-ủi:
- Em nên biết là người ta nói ‘béo tốt’ chứ có ai nói ‘béo xấu’ đâu.
Vợ tôi không vừa:
- Ông ấy nói là ‘cặp béo’ chứ có phải ‘người béo’ đâu. Có nghĩa là anh cũng chẳng nhẹ nhàng gì!
Chiếc xích lô bên cạnh, chở hai mẹ con bà chị gầy còm, bỗng qua mặt chúng tôi cái vù. Người phu xe luôn tay bóp chuông ‘kính koong’ và quay lại nhe răng cười. Tôi nói với theo:
- Ê, đổi bớt một người không?
Anh ta lắc đầu, nhấn mạnh bàn đạp, biến mất hút. Tôi đùa người phu xe:
- Hay là bác lên ngồi với tôi, để … vợ tôi đạp dùm! Cô ấy là lực-sĩ bơi lội đấy!
Bác ta cười khà khà:
- Nói thế chứ ông bà ăn thua gì. Người ‘nước ngoài’ họ còn nặng hơn nhiều.
Tôi mỉm cười nhớ lại một chuyện xưa khi tôi phục vụ trên một chiến hạm tuần dương.
Tàu cặp bến Ðà Nẵng vào lúc gần khuya. Hạm Trưởng Vũ rủ:
- Lên bar bà Hảo nhậu một chầu!
Hạm Phó Quý Mập cười rung chiếc bụng phệ, biểu đồng tình và ra lệnh cho các sĩ-quan:
- Trừ sĩ-quan trực, tất cả ‘đi bờ’. Ðứa nào không đi tao ‘uýnh’ thấy mẹ!
Lẽ dĩ nhiên là không ai từ chối. Một tuần biển động, có những lúc chúng tôi mệt nhoài, nằm lăn trên đài chỉ-huy, mơ tới lúc được lên bờ, hít hơi đất thôi cũng đủ vui cuộc đời. Hơn thế nữa có Vũ làm đầu tầu, dẫn ‘dìa nhà vợ’, chắc chắn là có nhiều chuyện vui. Bar bà Hảo là nơi chúng tôi hay lui tới mỗi khi ghé bến sông Hàn và trở thành quen thân đến độ bà chủ bar bị chúng tôi gán đùa là ‘dợ nhỏ’ của Vũ.
Bar đã đóng cửa. Vũ gọi lớn:
- Cưng ơi, anh mới ‘dìa’.
Cánh cửa sằt được kéo sang một bên, Hảo cười tươi tắn:
- Dữ thần hôn. Tưởng anh đi luôn về Sài-Gòn với ‘bả’ rồi chứ.
Tôi biết hai người đều đùa. Họ như hai người bạn trai thân thiết, lâu ngày gặp-gỡ, uống với nhau vài chai bia, tâm sự với nhau về những chuyện lăng nhăng của cuộc đời. Khi đã ngà ngà say Vũ thường tutoyer với Hảo, gọi Hảo bằng ‘toa’, bằng ‘mày’, thay vì ‘cưng’. Ðôi khi Hảo cũng uống chung, để rồi say, để rồi tỉ tê tâm sự về những trắc trở tình duyên của đời mình, kéo tay áo Vũ lau nước mắt, gục đầu than:
- Buồn quá anh ơi!
Tối đó khi rời bar Vũ đã khá say:
- ‘Moa’ chưa muốn về tàu. Kiếm mấy cái xích-lô, tụi mình đi dạo mát bờ sông Hàn.
Tôi cũng khá say, ngả mình khoan khoái cho người phu-xe cong lưng đạp, quên luôn những bài học của đàn anh trong quân trường là không nên ngồi xích-lô vì trông ‘mất tư cách’. Chợt tôi nghe tiếng chuông ‘kính koong’ vang trong đêm vắng và tiếng hát om sòm từ chiếc xích-lô bên cạnh. Vũ đang ra sức đạp xe còn người phu-xe ngồi khúm núm phía trên. Người Vũ nghiêng ngả, mông vẹo qua vẹo lại trên yên, tay trái cầm càng xe, tay phải đánh nhịp trên trời, hát không thành tiếng, nghe như ‘là la lá …’ vang lừng.
Vũ dẫn đoàn xích-lô đi hết con đường ven sông, ngừng lại trước cầu tàu, trả tiền và thưởng người phu xe hậu hĩnh, cám ơn một cách lễ phép, sốc lại quần áo cho chỉnh tề trước khi bước lên cầu thang chiến-hạm, dơ tay chào lại người thủy thủ đứng gác.
Tôi kể cho Trinh nghe câu chuyện. Vợ tôi cười:
- Thế những người bạn anh ngày đó bây giờ ra sao?
Tôi thở dài:
- Hảo lập gia-đình với một sĩ quan Hoa-Kỳ và theo chồng về nước năm 69. Nếu còn sống bây giờ chắc cũng đã già lắm. Quý mất trong trại ‘cải tạo’ Hoàng Liên Sơn. Vũ cũng bị đưa ra Bắc nhưng sống sót, đã đoàn tụ với gia-đình bên Mỹ. Năm ngoái anh có gặp ở Orange County. Vẫn ‘tếu’ như xưa nhưng tâm sự với bạn bè là có lúc khóc nức nở khi xe lửa chở tù qua ga Hà-Nội được một người đàn bà không quen chạy theo cho một củ khoai. Vũ chỉ nhìn thấy Hà-Nội qua song cửa của toa tầu chở tù, vẫn tiếc là chưa bao giờ được biết phố-phường Hà-Nội.
- Ga Hà-Nội tức là ga Hàng-Cỏ của anh ngày trước?
- Ðúng rồi. Ga gần nhà. Anh thường ra đó kiếm nút chai bia về đập thẳng ra thành những đồng ‘xèng’ để đánh đáo. Chỉ có trẻ con Hà-Nội của thế hệ anh biết ‘xèng’ là cái gì.
Chiếc xích-lô dừng lại trước một quán bánh tôm bên bờ hồ Tây. Nhớ tới Vũ, tôi tặng người phu xe một món tiền khá lớn trước con mắt ganh tị của những người phu xe khác. Tôi phân trần:
- Tại bác ấy ‘vớ phải cặp béo’!
Trinh lườm tôi trong lúc anh em tôi lũ lượt vào nhà hàng. Bánh tôm hồ Tây bây giờ không ngon như tôi thường ăn lúc xưa, có lẽ khi còn bé tôi ít có dịp được đi ra ngoài nên khi được đi chơi, ăn gì cũng thấy ngon. Bình hỏi tôi:
- Cậu thấy lại hết ‘Hà-Nội phố’ rồi chứ? Mai mình về lại Sài-Gòn, còn chỗ nào cậu muốn ‘tham-quan’ nữa không?
Tôi trầm ngâm:
- Có lẽ cậu muốn đi lại phố Hàng Ðào thêm một lần.
Trinh nhìn tôi mỉm cười:
- Bộ mê con gái hàng Ðào rồi hả?
Tôi cũng cười:
- Mê từ lúc lên 10. Nhớ anh Dân không? Hồi đó anh ấy đang học năm cuối cùng tại Albert Sarraut. Người yêu của anh là chị Trâm, con gái hàng Ðào. Thỉnh thoảng chị đến chơi, mặc áo dài xanh, má trắng hồng và dịu dàng như một bà tiên trong chuyện cổ tích. Anh chỉ mong chị đến để được chị nắm tay dắt vào nhà, nghe anh Dân chơi tây ban cầm, hát ‘Tà Áo Xanh’ hoặc “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa’. Chưa có mối tình nào êm-đềm và lãng mạn hơn.
- Chị Trâm có phải là chị Dân mình đã gặp?
- Không. Anh Dân bị động viên, hay đúng hơn bị bắt lính, vào cuối năm 1953. Năm 54 đất nước chia đôi, gia-đình chị Trâm ở lại miền Bắc, nên hai người không gặp lại nhau thêm một lần. Anh không bao giờ quên được dòng nước mắt trên khuôn mặt trắng xanh khi chị Trâm đến nhà, và biết tin là anh Dân đã bị bắt. Anh chỉ nhớ loáng thoáng căn nhà phố Hàng Ðào vì có một lần anh đưa thư dùm anh Dân. Chiều qua đi trên phố ấy anh thấy thoáng buồn. Không gập được một tà áo dài chứ đừng nói là áo dài xanh. Không nghe được một giọng nói dịu dàng, và không biết chị Trâm bây giờ ở đâu.
- Bây giờ em mới biết tại sao anh quá buồn khi nghe tin anh Dân qua đời bên Texas.
- Anh Dân, chị Trâm và những người bạn thời thơ ấu, cũng như thành phố này với những đường phố cũ, là một phần đời khó có thể chia lìa. Với các con chúng mình thì căn nhà trên triền dốc và những đồi cỏ xanh của ‘thung lũng hoa vàng’ là những dấu ấn không phai. Bây giờ các con ở xa, chưa nhớ nhung, nhưng có một ngày nào đó các con sẽ tìm về, sẽ thiết tha trìu mến.
Bình pha trò cho không khí bớt u-buồn:
- May cho cậu đó. Nếu cậu đến đúng căn nhà, gặp một bà già da nhăn nheo, tóc cắt ngắn, mặc áo đại-cán, cổ áo đeo vài ngôi sao đỏ, trả lời cấm cẳn ‘Hỏi cái Trâm hả? Tôi đây này …’ thì chắc cậu ù té bỏ chạy về Mỹ liền tức thì.
Ðưòng phố đã lên đèn. Chúng tôi dời tiệm ăn, thả bộ dọc theo đường Cổ Ngư. Hồ Trúc Bạch phản chiếu những ánh đèn màu từ những cao ốc trong thành phố. Hồ Tây mênh mông với những chấm sáng mù mờ. Con đường âm vang tiếng còi xe gắn máy, không còn cái vẻ hoang sơ thủa nào. Cổ Ngư đã không còn. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm lại được con đường với những tà áo dài tung bay chiều lộng gió của những người yêu nhau trên những chiếc xe đạp sóng đôi. Tôi thở dài và chợt nghĩ tới những người tù-binh Mỹ trở lại California sau nhiều năm lưu đày. Họ cũng không còn tìm thấy những vườn cam nặng trĩu trái, những rừng lê nở hoa trắng xóa vào mùa thu hay những đồi cỏ xanh mịt mùng điểm hoa vàng vào mùa xuân. Họ thấy những căn nhà đã mọc lên chen chúc, những dòng xe cộ dài trên xa lộ ồn ào. Họ cũng sẽ buồn như tôi, và cũng như tôi, họ sẽ lặng lẽ bước thêm một quãng đường đời.
Trần Quang Thiệu
April 2004