Trần Kiêm Đoàn, TIẾNG MẸ CƯỜI

TIẾNG MẸ CƯỜI

Trần Kiêm Đoàn




Vu Lan về…
Vu Lan cũng như Giáng Sinh, không còn là ngày lễ riêng tôn giáo.  Đó là những dấu son thời gian của nhân văn ghi đậm nét cảm xúc của con người. Nếu Giáng Sinh là ngày lễ của Ân Tình thì Vu Lan là ngày lễ Nhớ Mẹ.
Cũng như mọi năm, Vu Lan là ngày mới hồi sinh của một chuỗi dài dấu ấn tinh thần đã cũ. Các bậc tu hành Phật giáo xuống lại cuộc đời sau mùa An Cư Kiết Hạ. Nhưng năm nay Mùa An Cư Kiết Hạ truyền thống của Phật giáo trùng hợp ngẫu nhiên mà đồng thời vời mùa đại dịch Cô Vy phải cách ly. Có điều khác nhau giữa dòng đời trôi chảy triền miên và biến cố nhất thời là các nhà tu Phật giáo đã “ra Hạ” mà cả nhân loại thì vẫn còn xao xác chuyện cách ly!
Hơn trăm ngày cách ly vì đại dịch Covid-19, bạn đã suy gẫm điều gì hay nhất. Xin đừng nghi ngại. Khái niệm “hay” của con chim sơn ca là tiếng hót cao ngất trời xanh nhưng với con dế mèn là tiếng kêu tỉ tê âm thầm trong bóng tối. Ý nghĩ riêng về cái hay mà tôi đã quán tưởng trong những ngày cách ly là tiếng cười của Mẹ.
Trong thiên nhiên xa vời và nếp sống hiện thực thì tiếng cười là sản phẩm diệu kỳ và quý hiếm nhất của đất trời. Tiếng cười cũng như khí trời và hơi thở, lúc nào và nơi nào chẳng có mà lại liệt vào hàng quý hiếm?! Gần triệu người đã ra đi vì bị Coronavirus ngăn hơi thở và bảy tỷ người đang ưu tư nếu một mai mình… khó thở rồi đi vào hết thở! Nụ cười thì nghiêm trọng hơn vì khi con người hết nụ cười là chết lâm sàng ngay trong cuộc sống.
Mọi sinh vật có sống, biết ăn, biết ngủ mà không biết cười. Ngựa hí có thể là ngựa cười mà biết đâu là đang khóc. Gà gáy, chó sủa, mèo kêu, bò rống… là đang cười chăng? Không đâu. Chỉ có con người bình thường, khỏe mạnh và hiện sinh tự tại mới biết cười.
Thằng Vui Điên ở Huế mấy mươi năm chạy rông, miệng lúc nào cũng ngỡ như cười nhưng chẳng ai biết thật ra là nó đang la khóc hay kêu cứu. Cái mất đầu tiên và lớn nhất của đời người là nụ cười. Chỉ có khi thân an không bệnh tật, tâm lạc không buồn hay vui quá độ người ta mới thật có nụ cười trọn vẹn chân thật, nụ cười tỏa chiếu lòng vui. Nhân gian có muôn vàn cách cười, vô số cảnh cười nhưng chỉ có Tiếng Mẹ Cười là nụ cười Trung Đạo nhất. Tiếng Mẹ Cười không phát xuất từ bờ nầy hay mé nọ; không cần phải được hay thua mà tất cả hội tụ vào lòng thương con không bờ bến. Mẹ cười khi đau để vỗ về, khi buồn để an ủi, khi no để an lòng, khi đói để chịu đựng, khi thành công để chia sẻ, khi thất bại để không bỏ cuộc. Tiếng Mẹ Cười cho con, vì con tự nhiên mà thiêng liêng như hồn Đại Ngã. Cho nên, nghĩ về Mẹ đầu tiên là Tiếng Mẹ Cười.
            Gần 50 năm, tôi chưa bao giờ tách dòng suy nghĩ của mình về Mẹ để nhận diện Tiếng Mẹ Cười. Lớn lên, trưởng thành và tương tác giữa quê hương, làng nước, xóm nghèo qua những cảnh chiến tranh, hòa bình và ly tán, tôi chưa hề nghĩ đến Tiếng Cười của Mẹ vì Mẹ là hiện thân của tiếng cười bồng ẵm đời tôi tự nhiên như hơi thở. Cho đến khi tôi xa Mẹ lúc người 80 và biền biệt 10 năm trở về thăm Mẹ ở tuổi 90 vào năm 1992, tôi mới chững lại khi nhảy chân sáo trở về làng với Mẹ. Mẹ đó. Tóc mẹ bạc đi nhiều với khuôn mặt an tịnh không biểu tỏ vui buồn và đôi mắt ươn ướt tuổi già không khác nhiều lắm như ngày tôi ra đi. Khác chăng là trí nhớ Mẹ như lẫn trong sương mù. Mẹ hỏi tôi và các cháu thản nhiên như người trong nhà không có 10 năm xa cách.  Có một khung trời vắng bóng nơi Mẹ mà tôi chưa tìm ra: Nụ cười.  “Phải rồi, tiếng cười của Mạ mô rồi”. Cái vắng lặng đau nhói hiện ra nhỏ và mơ hồ như sợi tóc lớn dần. Tôi hoảng sợ. Mẹ ngồi đó nhìn tôi đăm đăm. Nhưng cái nhìn nội chiếu của chặng đời quá khứ. Trên khuôn mặt Mẹ đã hoàn toàn vắng bặt nụ cười. Mạ ơi! Con đã về với Mạ nhưng con đã vĩnh viễn xa khuất Tiếng Mạ Cười… Nửa năm sau ngày về thăm Mẹ, lúc nửa đêm về sáng ở Cali, tôi choàng thức giấc nhận tin điện thoại từ anh Thiện báo tin Mẹ tôi đã qua đời.
            Câu mở đầu trong tập sách Về Huế xuất bản sau ngày tôi về thăm Mẹ là: “ Mạ ơi! Nếu có kiếp lai sinh, con chỉ xin được làm con của Mạ.”
            Quê nghèo, chiến tranh, phân ly đã tạo ra những khúc quanh tâm lý và tình cảm khiến đời sống xã hội Việt Nam nhuộm tím trong cảnh hợp tan và thương tiếc. Người Mẹ Việt Nam – nhất là những bà Mẹ Quê – trở thành biểu tượng của hy sinh và tình thương con không bờ bến. Và đối với những người con Việt Nam nhân hậu thì tình thương Mẹ cũng sẽ không bao giờ đổi thay theo hoàn cảnh hay phai nhạt với thời gian.
            Trong nghệ thuật thi ca, âm nhạc, hội họa, sân khấu Việt Nam, cảm xúc về Mẹ cũng trùng trùng khơi nguồn trong diễn xuất và sáng tạo. Trong dòng cảm xúc riêng mình thì Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của Trần Trung Đạo, là bài thơ tiếng Việt mà riêng tôi cảm nhận là hay nhất về Mẹ trong vườn thơ Hải ngoại:

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi


Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về


Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương


Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau


Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ


Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.


                           Trần Trung Đạo

Tiếng Mẹ Cười là biểu tượng của tình yêu, che chở, gieo neo, hy sinh vô bờ bến nghìn thu vĩnh cửu đối với con. Biểu tượng tình cảm cao vời và sâu thẳm của Mẹ dành cho con mà sau mười năm xa Mẹ khi trở về tôi không còn hạnh phúc có được. Tiếng Mẹ Cười ngỡ như tầm thường vì ở đâu, ngày nào và ai ai cũng có như ánh nắng, như hơi thở. Chỉ đến khi mặt trời đã lặn; thở ra mà không còn thở vào thì đã trễ tràng cho ai về muộn hay mất dấu đời đời giữa dòng sinh diệt.
Thương Mẹ, chăm sóc Mẹ, có hiếu với Mẹ để thấy được Tiếng Mẹ Cười là tìm được một bầu trời tươi mát yêu thương và từ đó, tìm được nguồn suối yêu thương mà nương tựa cho mình.
Mùa Vu Lan đang về. Năm nay có thể không có bông hồng đỏ, bông hồng trắng, bông hồng vàng (tu sĩ) gắn lên áo để nhớ Mẹ. Ai còn Mẹ, xa Mẹ, hay mồ côi Mẹ đều có thể nhắm mắt hình dung hình tượng giữa cuộc đời hay trong tâm tưởng đẹp hơn cả đóa hoa hồng: Tiếng Mẹ Cười.

Sacramento, Cali Mùa Vu Lan 20
Trần Kiêm Đoàn


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top