Trần Kiêm Đoàn, ĐẾ VIỆT TOÀN CẦU

Trần Kiêm Đoàn

ĐẾ VIỆT TOÀN CẦU

 

 

Xin có đôi lời phi lộ: đây không phải là màn nói về vua xứ Việt sang công du hay chinh phục thế giới như vó ngựa Thành Cát Tư Hãn mà chỉ xin nói về sự nghiệp của Lưu Linh, Đế Thích… là làng tri âm trên xứ Cờ Hoa!

 Đế Việt Toàn Cầu là rượu đế – Quốc Tửu Việt Nam – được giới thiệu là một loại rượu Ngon trong khi uống, Hiền sau khi uống xong và Khỏe khi uống điều độ và lâu dài!

 Người Việt dùng chữ RƯỢU để chỉ chung các thức uống có độ cồn từ thấp đến cao, từ bia (beer, bierre) khoảng 5 nồng độ cồn, cơm rượu 10 độ cồn cho đến các loại rượu từ nhẹ đến mạnh như rượu nho wine, sake, whisky, brandy, gin, vodka, tequila... tới cả nồng độ cháy cổ 90%. Người Việt thường làm rượu bằng gạo, nếp, ngũ cốc và trái cây trái cây. Bên cạnh rượu mơ, rượu đào, rượu mận, rượu dừa… thì loại rượu trắng trong đặc trưng nhất được coi như “quốc tửu Việt Nam” là RƯỢU ĐẾ.

 Giờ chúng ta thử dắt tay nhau đi vào cõi tiêu dao mênh mông của men rượu Việt mà có khi tửu cảm dâng trào thì còn được gọi là “nước mắt quê hương”!

 Với một người du lịch lang thang, không sang chẳng hèn, có dịp đi nhiều nơi trên thế giới từ Á sang Âu, tới Phi, qua Mỹ… thì hai xứ mua rượu và nhắm bia rượu thoải mái nhất là Việt Nam và Hoa Kỳ: Rẻ nhất, dễ tìm quán bán rượu nhất và chẳng ai quan tâm nhất; trừ phi lái xe ô tô, cưỡi xe máy trong trạng thái sương sương thì lại là chuyện khác!

 Trên chốn thương trường đầy sóng gió ngày nay, Mỹ thường được xem như là chốn “máy chém và đăng quang” cho một sản phẩm mới ra lò hay muôn năm truyền thống muốn ra mặt thấp cao và thi thố tài năng trên thị trường kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ là vùng đất duy nhất trên thế giới có “một quốc gia mang trong mình 50 quốc gia”. Với dân số khoảng 350 triệu người mà có tới 1500 nhóm chủng tộc khác nhau và dùng từ 350 đến 420 ngôn ngữ nói ở nhà nên Mỹ là cái loa phường toàn cầu. Bởi thế, bất cứ sản phẩm từ đâu tới và của bất cứ nước nào được đại chúng xứ Mỹ đa chủng tộc nầy ưa chuộng thì thường có cơ hội “đăng quang” lên ngôi thế giới; hoặc ngược lại thì bị dập vùi quên lãng hay là  sẽ… chìm xuồng. Xe điện Vinfast, bia 33, cà phê, trà, hải sản… “made in Vietnam” là những ví dụ điển hình!

 Từ 10 năm trở lại, người Việt ở Mỹ phần đông vui mừng vì nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam “Made in Vietnam” thay thế hàng Trung Hoa “Made in China” với nhiều mặt hàng may mặc và nông sản phẩm. Riêng về thức uống có độ cồn từ 5% trở lên như Bia, rượu Thuốc, rượu Trắng quê Việt… thì chợt hiện, chợt biến trên thị trường tiêu thụ tại Mỹ. Mấy năm về trước, bia 33, bia Saigon, rượu đế, rượu thuốc dầm các loại… đã xuất hiện trên thị trường Hoa Kỳ nhưng không hiểu sao mà càng ngày càng vắng bóng. Riêng rượu trắng, rượu gạo, rượu quả hạt thì chỉ còn rượu Vodka của Nga, Sake của Nhật, rượu gạo nếp của Trung Hoa, Thái Lan và Đài Loan là còn bày bán trên thị trường siêu thị Á Châu trong lúc rượu đế quốc hồn, quốc túy của Việt Nam vắng bóng.

 Người Việt Nam rời quê hương vẫn mang theo chất men dân tộc trong mình. Chất men đó có thể là men nước tương, nước mắm, men mắm muối tương cà, men canh chua lẩu mắm và men… rượu đế! Tìm trên diễn đàn quốc tế về… nhậu, tới mục “quốc tửu” (national liquor) của Việt Nam thì bắt gặp ngay RƯỢU ĐẾ, trong lúc Mỹ là Bourbon Whisky, Nga là Vodka, Nhật là Sake, Trung Hoa là Cao Lương (Kaoliang)… Lịch sử “quốc tửu” của Việt Nam ta thật là mờ mờ ảo ảo về phần lai lịch danh xưng “rượu đế”. Vì sao gọi là rượu “đế” thì vẫn còn mơ hồ như một câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng bằng sử liệu, thông tin và dữ kiện. Các nguồn lý giải, phân tích thuộc về các trường phái phỏng đoán và suy diễn về chữ “đế” khá mơ hồ. Mơ hồ bởi rượu thì có mặt một lần với lịch sử dân tộc mà “đế” thì xuất hiện từ triều Nguyễn và từ thời Pháp thuộc (1802-1954).

 “Đế” trong tên gọi “Rượu Đế” có nghĩa là gì?

 Nếu cố lục lọi bằng kiến thức phổ thông và sự suy diễn hay lời đồn không có căn cứ sử liệu hoặc chuyện truyền khẩu bình dân thì sẽ nhận được ý nghĩa về chữ “đế” kèm theo rượu như vầy:

 ĐẾ là cây cỏ đế, lau đế.

 Sự phỏng đoán mang tính đại chúng vô danh nầy lại được ghi trong Bách Khoa từ điển tiếng Việt Wikipedia rằng: Sau thời quân Pháp chiếm Việt Nam từ năm 1858, việc nấu rượu của dân chúng bị đóng thuế, cấm đoán, bắt bớ gây khó khăn đủ điều. Mỗi lần bị rà soát, người dân phải ôm các hũ rượu, vò rượu, bình rượu chạy vào nơi hoang vắng, cây cỏ rậm rạp để thu dấu. Những vùng lau lách như ở đồng bằng Nam Bộ có cây cỏ Đế, lau Đế mọc cao là nơi thu dấu rượu khá tốt. Vì vậy, rượu trắng Việt Nam còn được gọi là rượu Đế. Rượu đế miền Nam đồng cảnh ngộ với rượu quốc lủi hay cuốc lủi miền Bắc với cảnh trốn chui, trốn lủi thu dấu rượu tránh tai mắt nhà đoan, mật thám Tây được ví như chim cuốc lủi vào bụi rậm để trốn tránh nên rượu trắng còn được gọi là rượu Cuốc Lủi. Khi nỗi buồn vong quốc dâng trào thì gọi là “Quốc Lủi”. Cùng cảnh ngộ nên gọi chung là Rượu Ngang (?!)

 ĐẾ: là Đế vương. Rượu tiến Vua

 Đây cũng chỉ là thông qua sự tương truyền rằng, từ khi triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô (1802), có hai loại ẩm thực trực tiếp như ăn và uống thường dành cho Vua là gạo De An Cựu và rượu trắng làng Chuồn. Bởi vậy rượu trắng còn được tôn xưng là “Rượu Đế”. Thời Pháp xâm lăng, dân nấu rượu bị cấm cản và đánh thuế cao nên rượu trắng nhiều nơi phải mạo xưng là rượu nấu tiến dâng lên Hoàng Đế để được lưu hành và miễn thuế nên thành “rượu đế”.

 Tên gọi cũng là một hình thức văn chương đại chúng mà “văn chương tự cổ vô bằng cớ”, nên đến bây giờ cái danh xưng Rượu Đế là ngự tửu hay cỏ dại thì cũng ví như nàng Công Chúa và cô bé Lọ Lem trong cổ tích, cả hai đều là dư ảnh của giấc mơ!

 Đế Việt Ông Già xuất hiện đầu tiên tại Mỹ năm 2016

Theo dòng lịch sử… nhậu USA, rượu Đế đầu tiên “Đế made in USA” là lò rượu “SUTI CRAFT DISTILLERY” xây dựng tại vùng Dallas-Fort Worth, tiểu bang Texas. Cái tên nghe không phải âm tiếng Việt nhưng đó là tiếng Việt danh từ riêng. Hai ông chủ của lò rượu đế này tên Đinh Trọng Súy và Ngô Thời Tiến. Họ cắt hai cái tên Súy và Tiến thành “Su Ty” cho Mỹ dễ đọc. Hai anh em cột chèo quyết định hùn vốn xây lò rượu tại Forth Worth vào năm 2016. Bước đầu họ gặp khó khăn vì luật lệ khắt khe của liên bang, tiểu bang và thành phố. Họ kiên nhẫn từng bước và cuối cùng lò rượu ra đời với hai thứ rượu Đế Việt là “Ông Già” và “Lion 45” nhưng chưa được phép gửi các hãng chuyên chở mang đi bán được. Theo cảm nhận của khách đã từng nhâm nhi rượu đế Ông Già thì được biết rằng, rượu nầy được làm từ một loại gạo thơm đặc biệt là Jazzmen của miền Nam Louisiana. Nhờ loại gạo này mà rượu có một hương vị đọng lại rất thơm. Muốn mua rượu chỉ có cách quá bộ tới lò rượu, tiền trao rượu lấy với giá từ 35 đô tới 45 đô một chai tùy theo vụ. Khách trải nghiệm cho là giá khá mềm.

 Đã hơn 8 năm qua, tuy nghe tiếng nhưng tôi chưa từng được nếm rượu đế Su Ti vì nơi tôi ở cách nơi bán rượu khoảng chừng 3000 km!

 Đào Việt Tửu – Lò Rượu Đế đầu tiên của người Việt tại Cali.

Sáng nay, một ngày mùa Thu cuối tuần – 21 tháng 9 năm 2024 – tôi được mời tham dự lễ khai trương cơ sở chế Rượu Đế Việt Nam lần đầu tại Sacramento là thủ phủ của California, tiểu bang có đông người Việt nhất trên toàn thế giới. Với quy mô khiêm tốn buổi đầu khởi nghiệp người ta có thể gọi đây là một cơ sở chế biến, nhà chế tạo, lò rượu hay một danh xưng nào tương tự cũng được để chuyển Việt Ngữ danh xưng có cầu chứng pháp lý sản xuất từ gạo Lài thơm Jasmine California thành Rượu Đế Việt hay Rượu Đế Cali. Với biển hiệu tiếng Anh là “ĐÀO DISTILLERY. Art - Science - Tradition” (XƯỞNG RƯỢU ĐÀO. Nghệ thuật - Khoa học - Truyền thống)

 

Người sáng lập cơ sở chế biến Rượu Đế Đào Distillery là Đào Bình. Thân phụ anh là ông Đào Quyết, từng là Hội trưởng hội Thừa Thiên Huế tại Sacramento. Anh xuất thân từ Thừa Thiên Huế, là thuyền nhân theo gia đình định cư tại Hoa Kỳ từ lúc còn trẻ, Sang Mỹ, lớn lên trong một môi trường giáo dục thuận lợi, anh tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa học tại đại học UC Davis và dạy tại trường Đại học SCC. Kiến thức khoa học, cộng với tinh thần khai phá của tuổi trẻ và niềm đam mê phát huy nghệ thuật ẩm thực truyền thống của quê hương Huế nổi tiếng với những món ăn ngon, thức uống độc đáo có sự tương tác qua lại từ cung đình lan ra đại chúng. Những thức uống có men từ rượu nếp, rượu gạo biến thiên qua rượu thuốc Thiên Tường, rượu Đào Nguyên “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” Minh Mạng tửu… của xứ Việt vang bóng một thời đã khiến những người Việt, người Huế xa quê thường nghĩ về tìm cách giới thiệu món ăn thức uống được ưa chuộng của quê hương mình nơi xứ người.

 Trong đám khách mời Việt Mỹ đề huề, khách Mỹ có luôn cả các thành phần chức sắc như Thị trưởng và các trưởng cơ quan địa phương; khách Việt thì có các thân hào nhân sĩ cộng đồng… kể cả quý phu quân và phu nhân, ai nấy đều vui khi nếm rượu Đế Việt và Đế Cali. Rượu Đế Việt có độ nồng 40 độ, 45 độ và 50 độ.  Giá rượu tương đối vẫn mềm trong thời buổi lạm phát là:

                Đế Cali 40%: $45

                Đế Cali 50%: $60

               Đế Việt 45%: $50

               Đế Cherry 50%: $100

 Nếu so với rượu Vodka loại “cháy cổ” có nồng độ 94 tại Mỹ thì Đế Việt vẫn còn “rất hiền”, sự nồng nàn chỉ ở mức độ từ 40% đến 50% như nàng cung nữ Hoàng Thành đam mê mà không bão liệt!

 Chúc mừng xưởng rượu Đế Việt ĐÀO DISTILLERY và mong sẽ thành Đế Toàn Cầu để đem nguồn vui tự nhiên, không đòn phép hay ẩn dấu điều kiện đến với mọi người. Dẫu là nghi lễ nghiêm cẩn hay chén tạc chén thù đồng điệu thì cũng ngang tầm nhân bản trên trái đất nầy. Rồi đây có chăng rượu đế Việt Nam chinh phục bao anh hùng hảo hớn thì hãy đến với nhau bằng nụ cười hóa giải qua đêm, không mảy may gieo oán, chuốc thù hay bon chen giữa vòng danh lợi.

 Kể từ khi đàn chim Việt bay khắp bốn phương trời, hương vị ẩm thực Việt Nam đã chen vai, góp mặt với toàn thế giới. Ngày nay, Phở, Bún bò Huế, bánh mì sandwich, chả giò, nem chả, cơm các loại Việt Nam… đã xuất hiện khắp nơi. Món ăn đã từng bước chinh phục sự khoái khẩu toàn cầu nhưng thức uống vẫn chưa thực sự góp mặt thành món quốc ẩm hay quốc tửu nào nổi bật với tính độc đáo hay độc sáng Việt Nam. Trong niềm vui đầy sảng khoái mang tính buông thư, cận ảnh Đế Việt chinh phục tửu vị toàn cầu sao lại không là một giấc mơ đang có khả năng biến thành hiện thực.

 Napa Valley ngày đầu mùa Thu 22-9-2024

Trần Kiêm Đoàn

 --------------------------------------------------------

 https://www.facebook.com/TranKiemDoan/posts/pfbid037fNtuU5va3sw4Fb1zWhDZpZSAkbSWVNPSzHjYTCyp1E3WWeQ2dnknyAmvADayPvcl?mibextid=cr9u03

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top