Trần Bích San, QUAN NIỆM NGHIÊN CỨU VÀ BIÊN SOẠN VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM

Trần Bích San (1942-2021)

QUAN NIỆM NGHIÊN CỨU VÀ BIÊN SOẠN

VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM


Văn học là ngành hoạt động văn hóa bao gồm cả văn chương lẫn học thuật, tư tưởng. Văn học sử là môn chuyên khảo về những tiến hóa cùng những sự thay đổi trong nền văn học của một nước.  Nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học tuy là một ngành rất quan trọng của văn học nhưng hiện chưa được thống nhất và chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên 1940. 

Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ 20.  Trước đó, chúng ta chỉ có những bài nghiên cứu về tác giả, tác phẩm hoặc một số vấn đề thuộc về văn học sử.  Cùng năm 1941 có quyển Đại Việt Văn Học Lịch Sử của Nguyễn Sĩ Đạo (nxb Tân Hoa, Hànội, 1941) và năm sau, 1942 có Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Đổng Chi (nxb Hàn Thuyên, Hànội, 1942), Việt Nam Văn Học Đời LýViệt Nam Văn Học Đời Trần của Ngô Tất Tố (nxb Mai Lĩnh, Hànội, 1942) nhưng những tác phẩm này biên soạn chỉ một phần của lịch sử văn học (Nguyễn Đổng Chi viết từ thượng cổ đến đời nhà Hồ, Ngô Tất Tố chỉ đề cập đến văn học đời Lý và đời Trần). 

Từ đó đến nay mảnh đất lịch sử văn học đã được nhiều học giả, những nhà nghiên cứu của cả 2 miền Nam Bắc không ngừng khai phá và phát triển, đóng góp thêm nhiều tác phẩm giá trị cho văn học sử Việt Nam.  Những công trình đáng kể gồm có: Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949) của Nghiêm Toản, Lược Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1957) của Nhóm Lê Quý Đôn, Văn Học Việt Nam (1960) của Phạm Văn Diêu, Sơ Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1961) của Văn Tân, Hoài Thanh và Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (1961-1965) của Phạm Thế Ngũ, Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (1967) của Thanh Lãng, Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1971) của Lê Trí Viễn, Phan Côn, Đặng Thanh Lê, Phạm Văn Luận và Lê Hoài Nam, Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1971) của Bùi Văn Nguyên và Phan Sĩ Tấn, Văn Học Việt Nam (1999) của Nguyễn Phạm Hùng, bộ Văn Học Việt Nam (1997-2000) gồm 4 quyển: Văn Học Dân Gian (Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn), Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 10 đến nửa đầu thế kỷ 18 (Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương), Văn Học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 đến hết thế kỷ 19 (Nguyễn Lộc), Văn Học Việt Nam 1900-1945 (Phan Cự Đệ, Trần Đình Hựu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp 1858-1945 (1974), Văn Học Sử Việt Nam (2006) của Lê Văn Siêu...Những tác phẩm nêu trên được biên soạn dưới quan điểm và phương pháp dị biệt.  Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có góc nhìn khác nhau nhưng tựu chung có thể phân ra 4 quan niệm chính đã được sử dụng làm nền tảng trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học Việt Nam.
 
Quan niệm nghiên cứu và biên soạn đặt trên nền tảng
sự phát triển của các “khuynh hướng tư tưởng”

Đây là một quan niệm nghiên cứu và biên soạn đặt trên nền tảng của sự phát triển các khuynh hướng tư tưởng trong lịch trình tiến hóa của lịch sử văn học (tư tưởng chính trị, tôn giáo, triết học), chẳng hạn như khuynh hướng văn tải đạo, khuynh hướng hoài cổ, khuynh hướng hưởng nhàn, khuynh hướng yếm thế, khuynh hướng nhập thế tích cực, khuynh hướng chống đối tiêu cực, khuynh hướng hưởng lạc, khuynh hướng ái quốc, v.v.  Quan niệm “khuynh hướng tư tưởng” xuất hiện đầu tiên mà Dương Quảng Hàm là tác giả sử dụng trước nhất tuy còn rất mờ nhạt (1), tiếp theo là Kiều Thanh Quế (2), Nghiêm Toản (3) và các tác giả khác ở Miền Nam sau này như Bùi Hữu Sủng và Nguyễn Tường Phượng, Hà Như Chi, Lê Kim Ngân, Thạch Trung Giả, Phạm Thế Ngũ, Lê Văn Siêu, v.v.  Các sách về văn học sử trước năm 1975 hầu như rập khuôn quan niệm của Dương Quảng Hàm nhưng với mức độ đậm nhạt khác nhau.  Hai quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển được Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH chính thức công nhận dùng làm sách giáo khoa bậc trung học, có lẽ vì thế mà các tác giả khác đã soạn sách theo mẫu mực tương tự như Dương Quảng Hàm để đáp ứng nhu cầu giáo dục của Miền Nam Việt Nam thời đó.  

Với quan niệm “khuynh hướng tư tưởng”, bộ mặt của lịch sử văn học mang tính khuynh hướng (một bộ mặt có khuynh hướng tư tưởng, không phải khuynh hướng nghệ thuật).  Việc nghiên cứu căn cứ trên khuynh hướng tư tưởng khiến cho lịch sử văn học mất tính cách toàn vẹn, văn học sử có thể bị coi như lịch sử các khuynh hướng tư tưởng trong văn học.  Quan niệm này tự nó đã gán cho những khuynh hướng tư tưởng một giá trị vĩnh cửu và xuyên suốt, nhưng thực tế cho thấy trên đường tiến hóa và thay đổi của lịch sử văn học một số khuynh hướng chỉ có giá trị giai đoạn, xuất hiện do nhu cầu và chỉ tồn tại trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Thí dụ cụ thể: khuynh hướng bất cộng tác chỉ xuất hiện trong giai đoạn Pháp mới chiếm Việt Nam, khuynh hướng phục hưng (trở lại các giá trị cũ) chỉ có vào giai đoạn tàn tạ của Hán học.

Ngoài ra, quan niệm nghiên cứu căn cứ vào các khuynh hướng tư tưởng còn chi phối việc soạn thảo các bộ thi văn hợp tuyển, một phần quan trọng của văn học sử.  Sự xuất hiện của các hợp tuyển như tuyển tập thi văn ái quốc, tuyển tập văn chương đối kháng, v.v. là kết quả của quan niệm này.  Như thế, các bộ hợp tuyển sẽ mang bộ mặt của các khuynh hướng tư tưởng mà hậu quả tất yếu là làm mất tính chất toàn vẹn và toàn diện của vóc dáng lịch sử văn học.
     
Quan niệm nghiên cứu và biên soạn đặt trên nền tảng “văn tự” 

Quan niệm đặt trên nền tảng văn tự cho rằng lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử của các tác phẩm bằng tiếng Việt. Văn chương Việt phải được viết bằng chữ Việt.  Các nhà nghiên cứu văn học chỉ chấp nhận các tác phẩm viết bằng chữ Nôm trong văn chương lịch triều và sau đó, các tác phẩm viết bằng chữ Quốc Ngữ.  Hán tự là chữ ta vay mượn của Trung Hoa trong một giai đoạn lịch sử.  Chữ Hán, hay bất cứ một thứ ngoại ngữ nào khác, đều không thể chấp nhận cho vào văn học Việt Nam.  Toàn bộ các tác phẩm bằng chữ Hán hay bằng chữ ngoại quốc đều bị gạt ra khỏi lịch sử văn học Việt Nam dù tác phẩm đó do người Việt sáng tác về nước Việt, phản ảnh tâm tình, tư tưởng Việt.
 
Nguyễn Sĩ Đạo là người khởi xướng quan niệm “văn tự” này từ 1941 và được phát triển thêm tới 1975 bởi các tác giả ở Miền Nam như Phạm Văn Diêu (4), Thanh Lãng (5), Phạm Thế Ngũ (6), Thạch Trung Giả (7), Hà Như Chi (8), Nguyễn Văn Trung (9), Vũ Tiến Phúc (10), v.v. và ở Miền Bắc, nhóm Lê Quý Đôn (11).  Phạm Thế Ngũ chưa gạt bỏ phần văn học chữ Hán (tuy chỉ là phần phụ so với phần văn Nôm trong sách) vì theo ông, văn học của ta có 20 thế kỷ, 19 thế kỷ rưỡi bị Hán học chi phối nặng nề.  Khi nào văn học Việt Nam có một chiều dài đáng kể, thực hiện được năm bảy giai đoạn sáng tác rực rỡ, lúc đó phần Hán văn sẽ bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ được coi như dấu vết một thời xa xưa mà văn học Việt Nam phải dựa vào cái học ngoại lai để đi những bước chập chững đầu tiên, cũng tựa như văn học sử Pháp khi đã có 3, 4 thế kỷ phong phú, huy hoàng họ không còn công sức đi diễn giải những tác phẩm viết bằng chữ La Tinh từ thời trung cổ (12).  Nguyễn Văn Trung cho rằng tuy không thể gạt bỏ văn chương chữ Hán ra khỏi lịch sử văn học Việt Nam, nhưng không thể coi văn chương đó là thuần túy Việt Nam được (13).

Quan niệm nghiên cứu văn học này thật hạn hẹp.  Với quan niệm cực đoan như thế lịch sử văn học Việt Nam, ngoài văn chương bình dân, chỉ bắt đầu một cách rất mơ hồ từ hậu bán thế kỷ 13 với một vài bài thơ chữ Nôm không có gì tiêu biểu củaTrần Ích Tắc, và sau đó, bài thơ nàng Điểm Bích làm vào đầu thế kỷ 14 nhằm đổ tiếng oan cho nhà sư Huyền Quang không có giá trị nghệ thuật bao nhiêu (14). Vả lại, những áng văn quan trọng trong lịch sử như Hịch Tướng Sĩ (1284) của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi tuy viết bằng Hán văn nhưng dạt dào cả một linh hồn dân tộc, những tác phẩm giá trị như Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, các tác phẩm của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, các sách sử ký của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú cũng bị loại bỏ chỉ vì viết bằng chữ Hán hay sao?  Hơn nữa, nếu chỉ xét một tác giả qua văn chương chữ Nôm của nhà ấy thì thật phiến diện bởi phần văn nghiệp chữ Hán của họ không phải là nhỏ, trường hợp Nguyễn Du, Cao Bá Quát là những thí dụ điển hình.     
 
Quan niệm nghiên cứu và biên soạn đặt trên nền tảng “mốc văn học”   

Quan niệm dùng mốc văn học làm nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử văn học đã được sử dụng ở các nước tây phương từ nhiều năm.  Trọng điểm của việc biên soạn văn học sử chính là viết và khảo sát về các mốc quan trọng trong lịch sử văn học. Mỗi thời đại có những tác gia lớn được chọn làm mốc chính cho thời kỳ văn học, những mốc này được xác định bằng tác gia và tác phẩm có ảnh hưởng sâu xa và mạnh mẽ vào sự tiến hóa của nền văn học. 

Quan niệm “mốc văn học” có ưu điểm là không làm sai lệch bộ mặt, vóc dáng của lịch sử văn học và còn biểu lộ sự quan tâm bình đẳng đối với các tác phẩm văn học.  Tuy nhiên, quan niệm này gặp một số trở ngại trực tiếp đến chính nền tảng của nó, trước tiên là vấn đề tiêu chuẩn áp dụng để chọn mốc văn học.  Điều kiện ắt có và đủ để xác định việc lựa chọn hợp lý và chuẩn xác giữa những tác gia, tác phẩm lớn có ảnh hưởng quan trọng khác nhau trong cùng một thời đại là vấn đề còn trong vòng tranh luận.  Tất nhiên không thể có tới 2 hay 3 mốc văn học trong cùng một thời kỳ được. 

Trường hợp trong một thời kỳ văn học lâu dài không có tác gia hay tác phẩm lớn, và nếu mốc văn học thời kỳ này lại nhỏ hơn mốc thời kỳ trước vì tác gia được lựa chọn có ảnh hưởng nhỏ hơn, kém hơn tác gia của mốc văn học trước là những nghịch lý nghiêm trọng của quan niệm “mốc văn học”.  Trong trường hợp trên: văn học ngưng lại (15), trường hợp dưới: văn học lùi lại.  Cả hai đi ngược lại nguyên tắc thay đổi và tiến hóa vốn là bản chất căn bản tạo nên lịch sử văn học.        
 
Quan niệm nghiên cứu và biên soạn đặt trên nền tảng “thể loại văn học”

Có thể nói Nguyễn Đổng Chi (16) là tác giả đầu tiên sử dụng quan niệm “thể loại văn học” (tuy ông chưa có lý thuyết rõ ràng) làm nền tảng cho việc nghiên cứu và biên soạn văn học sử.  Quan niệm này chỉ thực sự gây chú ý trong giới nghiên cứu văn học kể từ khi công trình lý luận về thi pháp thể loại của M. Bakhtin được giới thiệu ở miền Bắc Việt Nam vào thập niên 1980.  Sau đó quan niệm này được khai triển bởi các nhà nghiên cứu văn học miền Bắc như Bùi Duy Tân (17), Nguyễn Huệ Chi (18), Nguyễn Phạm Hùng (19)... Quan niệm thể loại cho rằng lịch sử văn học là lịch sử hình thành và phát triển của các thể loại văn học.  Các tuyển tập có tính cách chuyên biệt tập hợp nhiều tác giả xưa và nay như các tuyển tập về thơ, phú, ca trù, khúc ngâm, kịch, truyện ngắn, v.v. vô hình chung đã dùng quan niệm thể loại văn học trong việc biên soạn. 

Quan niệm “thể loại văn học” sau hơn hai thập niên du nhập vào Việt Nam đến nay vẫn còn là một quan niệm mới, bị coi nhẹ, chưa có địa vị vững chắc trong lãnh vực nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học.  Một số các nhà nghiên cứu văn học, nghi ngờ giá trị của quan niệm này, Họ cho rằng lịch sử văn học được qui định, không phải bởi thể loại văn học, mà bởi tính hữu biến của lịch sử xã hội.  Trong lịch sử văn học sự phát triển và thay đổi của thể loại rất chậm chạp, gần như ở thể tĩnh.  Thể loại mang tính cách bền vững, tĩnh tại và lâu dài không có khả năng làm hiện rõ dòng chảy của lịch sử văn học.  Với đặc tính ổn định và ít diễn biến, thể loại văn học không thể dùng làm nền tảng tạo thành lịch sử văn học bởi một lẽ giản dị, tính đột biến mới là yếu tố tạo nên lịch sử. Vì thế, thay vì được qui định bằng yếu tố trong văn học (là yếu tố thể loại), lịch sử văn học lại bị qui định bởi yếu tố ngoài văn học (tức yếu tố thuộc lịch sử xã hội mang tính hữu biến).

Trong số những người chủ trương dùng thể loại làm nền tảng cho việc nghiên cứu văn học, nhà biên khảo Nguyễn Phạm Hùng tích cực hơn cả.  Ông không đồng ý tính hữu biến của lịch sử xã hội qui định trực tiếp lịch sử văn học.  Lịch sử xã hội chỉ qui định gián tiếp, thể loại văn học mới qui định trực tiếp lịch sử văn học.  Ông chứng minh bản chất của thể loại không mang tính cách ổn định, bền vững, chậm phát triển, ít đột biến:  
“Nó (thể loại văn học) là ổn định tương đối trong những không gian và thời gian nhất định, nhưng lại biến đổi tuyệt đối trong mọi thời gian và không gian.  Nó xuất hiện, phát triển và tiêu vong, nó có vị trí khác nhau trong văn học ở những thời điểm khác nhau, nó có sắc thái khác nhau ở các tác giả khác nhau trong cùng một thời kỳ lịch sử, nó có diện mạo khác nhau ở ngay trong cùng một tác giả khi sáng tác các tác phẩm khác nhau...
Thể loại văn học không bao giờ đứng im. Những nhà văn lớn không bao giờ chịu dừng lại ở những hình thức phản ánh đã có.  Những tác phẩm có giá trị bao giờ cũng thể hiện những tìm tòi phát hiện mới về nghệ thuật phản ánh.
Khảo sát một cách nghiêm túc sẽ không tìm thấy sự đứng im nào của thể loại trong cả tiến trình lịch sử, trong từng thời gian, trong từng tác gia văn học.  Các nhà văn luôn luôn tồn tại trong tình trạng, một mặt, lặp lại những hình thức nghệ thuật cũ quen thuộc, mặt khác, luôn luôn sáng tạo tìm kiếm những hình thức nghệ thuật mới, phá vỡ những hình thức nghệ thuật cũ.  Chính những mâu thuẫn, những xung đột này là hạt nhân cho sự phát triển của các phương thức phản ánh nghệ thuật, của việc biểu đạt những tư tưởng nghệ thuật mới trong văn học, và là hạt nhân của sự phát triển lịch sử văn học.
Lịch sử văn học bao gồm tất cả các thể loại văn học hiện có tại nước Việt nam.  Mỗi thời đại có những thể loại lớn tiêu biểu. Và mỗi thời đại có những nhà văn lớn tiêu biểu cho những thể loại lớn. Nó đặc biệt chú ý tới các khuynh hướng văn học (không phải là các khuynh hướng tư tưởng trong văn học), là các “khuynh hướng của các biện pháp nghệ thuật”, ở đó nhà văn được tự do lựa chọn cho mình những phương pháp và công cụ nghệ thuật (ở đây là thể loại văn học) thích hợp để sáng tạo. Nó không tách rời nội dung ra khỏi hình thức văn học.  Nội dung văn học phải được thể hiện bằng hình thức của chính nó.  Một nội dung văn học phải có hình thức cho riêng mình.  Sự đóng góp của nhà văn vào sự phát triển của lịch sử văn họclà ở chỗ họ tìm được những cách thức biểu hiện riêng biệt phù hợp với tư tưởng nghệ thuật của mình, cái tư tưởng nghệ thuật có thể đại diện cho một thời đại lịch sử, trong một hình thức nghệ thuật (thể loại văn học) có thể đại diện cho một thời đại.  Không có cái mốc văn học nào lại không gần với một thể loại văn học lớn” (20).

Với quan niệm sử dụng “thể loại văn học” làm nền tảng nghiên cứu như chủ trương của nhóm nghiên cứu và nhà biên khảo Nguyễn Phạm Hùng, nền văn học Việt Nam sẽ được liên kết thành một khối thống nhất và chặt chẽ, không phải do khuynh hướng tư tưởng, văn tự, hay các mốc văn học, mà do các thể loại văn học.  Nghiên cứu lịch sử văn học chính là nghiên cứu lịch sử phát triển của các thể loại văn học.  Quan niệm “thể loại văn học” khắc phục được các nhược điểm của 3 quan niệm nghiên cứu lịch sử văn học kia, bảo đảm được tính toàn vẹn và toàn diện của bộ mặt lịch sử văn học.  Trong tương lai, nếu các nhà nghiên cứu văn học nước ta đồng nhất sử dụng quan niệm “thể loại văn học” để soạn thảo văn học sử thì Việt Nam sẽ có một bộ lịch sử văn học thống nhất, điều mà mọi người mong muốn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đuợc.

Trần Bích San

Chú Thích
Việt Nam Văn Học Sử Yếu (nxb Nha Học Chính Đông Pháp, Hànội, 1941) gồm phần 1, Việt Nam Văn Học Sử Yếu: khảo về lịch sử văn học Việt Nam,
phần 2, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển: trích lục thơ văn kim cổ.
Dương Quảng Hàm (1898-1946): nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu (nay là huyện Châu Giang), tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm năm 1920, giáo sư trường Bưởi nhiều năm. Mất năm 1946 tại Hànội. Tác phẩm: Quốc Văn Trích Diễm (Hànội, 1926), Những Bài Lịch Sử An Nam (Hànội, 1927), Văn Học Việt Nam (Hànội, 1939), Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Hànội, 1941), Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (Hànội, 1942), Việt Văn Giáo Khoa Thư (Hànội, 1942), Lục Vân Tiên (Hànội, 1943), Lý Văn Phức, Tiểu Sử –Văn Chương (Sàigòn, 1957).

Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam (nxb Đời Mới, Hànội, 1943)
Kiều Thanh Quế (1914-1947): Nhà nghiên cứu văn học, người huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Giao du thân với nhóm trí thức trong hội Khuyến Học Cần Thơ trong thời gian bị Pháp quản thúc ở đây từ 1940. Được miễn quản thúc năm 1942, về sống ở Sàigòn. Năm 1945 tham gia Nam Bộ Kháng Chiến và hy sinh vào cuối năm 1947. Tác phẩm: Ba Mươi Năm Văn Học (1941), Phê Bình Văn Học (1942), Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam (1943), Vũ Trọng Phụng và Chủ Nghĩa Tả Thiệt Xã Hội (1945).

Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (nxb Vĩnh Bảo, Sàigòn, 1949).
Nghiêm Toản (1907-1975): Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, sinh tại Nam Định, học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương. Năm 1929 tham gia VNQDĐ bị bắt giam ở Hỏa Lò, rồi đày đi Côn Đảo, sau được phóng thích trở về Hànội dạy học tư.  Sau 1945 dạy Đại Học Văn Khoa Hànội, từ 1954 dạy chuyên ngành Việt Hán ở Đại Học Sư Phạm, trưởng ban Hán văn Đại Học Văn Khoa Sàigòn.  Mất ở Sàigòn năm 1975. Tác phẩm: Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949), Luận Văn Thị Phạm (1951), Việt Luận (1952), Lão Tử và Đạo Đức Kinh (1970)...Soạn chung với Hoàng Xuân Hãn: Mai Đình Mộng Ký (1951), Thi Văn Việt Nam (1951).                

Văn Học Việt Nam (nxb Tân Việt, Sàigòn, 1960).
Phạm Văn Diêu (1928-1982): Nhà Nghiên Cứu Văn Học, Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Sàigòn, Đại Học Tổng Hợp TP/HCM, sinh quán làng Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, mất tại Sàigòn năm 1982. Tác phẩm: Việt Nam Văn Học Giảng Bình (1958), Văn Học Việt Nam (1960).

Khởi Thảo Văn Học Sử Việt Nam: Văn Chương Chữ Nôm (nxb Văn Hợi, Sàigòn, 1957).
Thanh Lãng (1924-1990): Tên thật: Đinh Xuân Nguyên, Linh Mục, Tiến Sĩ Văn Chương Pháp, Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Sàigòn, Viện Khoa Học Xã Hội TP/HCM, nhà Nghiên Cứu Văn Học. Tác phẩm: Khởi Thảo Văn Học Sử Việt Nam: Văn Chương Chữ Nôm (1947), Văn Chương Bình Dân (1953), Biểu Nhất Lãm Văn Học Hiện Đại (1957), Lịch Sử Phê Bình Văn Học (1965), Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (1966-1967)...

Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (nxb Quốc Học Tùng Thư, Sàigòn, 1961-1965).

Thạch Trung Giả, Văn Học Phân Tích Toàn Thư (nxb La Bối, Sàigòn, 1973).

Hà Như Chi, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận 2 quyển (nxb Tân Việt, Sàigòn, 1952-1953).

Lược Khảo Văn Học 3 quyển (nxb Nam Sơn, Sàigòn, 1963-1965-1968)
Nguyễn Văn Trung (1930-   ): Sinh quán tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Du học Âu Châu, về Miền Nam sau 1954, dạy Đại Học Văn Khoa Sàigòn, chủ trương tạp chí Đại Học, Đất Nước. Tác phẩm: Biện Chứng Giải Thoát trong Phật Giáo (1958), Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp ở Việt Nam (1963), Lược Khảo Văn Học (1963-1968), Chủ Đích Nam Phong (1972), Vụ Án Truyện Kiều (1973), Chữ Văn Quốc Ngữ (1975)...

(10)          Vũ Tiến Phúc, Việt Nam Văn Học Giảng Minh (nxb An Pha, Sàigòn, 1974).

(11)          Nhóm Lê Quý Đôn, Lược Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam (nxb Xây Dựng, Hànội, 1957).

Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên Quyển 1, trang 51.

Nguyễn Văn Trung, Lược Khảo Văn Học quyển 1, trang 30-31.

Điểm Bích: hiệu Tam Nương, sinh quán làng Đường An, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, con nhà nghèo, không biết cha là ai, mẹ đi ăn xin khổ quá phải bán nàng cho phú ông làm con nuôi lấy một quan tiền.  Điểm Bích được cha nuôi cho theo đòi bút nghiên, thông hiểu tam giáo, cửu lưu. Lớn lên rất xinh đẹp, được tuyển làm cung nữ dưới triều vua Trần Anh Tông (1293-1314).  Năm 1313, nhà vua sai nàng lên núi Yên Tử dùng nữ sắc thử sư Huyền Quang.  Không lung lạc được, Điểm Bích ngụy tạo 4 câu thơ chữ Nôm đổ tiếng oan cho vị chân tu.  Chuyện vỡ lở, nàng bị đày làm thị tì quét tước cho chùa Cảnh Linh trong nội điện.  Nguyên văn bài thơ như sau:
Vằng vặc giăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ
Mầu Thích Ca nào thử hữu tình
Điều này rất quan trọng, như văn hào Saltykov Schedrin đã viết: “Nếu văn học chỉ ngừng lại trong một phút thì chẳng khác chi cái chết của cả một dân tộc!”
(16)          Việt Nam Cổ Văn Học Sử (nxb Hàn Thuyên, Hànội, 1942)
Nguyễn Đổng Chi (1915-1984): Nhà nghiên cứu văn học, sinh tại xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chủ tịch hội Văn Hóa Cứu Quốc Nghệ An, viện trưởng Viện Hán Nôm, ủy viên chấp hành Viện Văn Hóa Dân Gian.  Tác phẩm: Việt Nam Cổ Văn Học Sử (1941), Hát Giặm Nghệ Tĩnh (1944), Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, 5 quyển (1959), Lược Khảo về Thần Thoại Việt Nam, hợp soạn (1960).
Bùi Duy Tân, Vấn Đề Thể Loại trong Văn Học Việt Nam thời cổ, Tạp Chí văn Học, số 3/1976.
(18)          Nguyễn Huệ Chi, Khảo Luận Văn Bản: Thơ Văn Lý Trần, nxb Khoa Học Xã Hội, Hànội, 1977. 
(19)          Nguyễn Phạm Hùng, Văn Học Cổ, cách nhìn mới, nxb ĐHSP Thái Nguyên, 1995.
Nguyễn Phạm Hùng, Trên Hành Trình Văn Học Trung Đại, nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Hànội, 2001.

Tài Liệu Tham Khảo
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Nha Học Chính Đông Pháp, 1941. Bộ Giáo Dục tái bản, Sàigòn, 1968.
- Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn Học Dân Gian Việt Nam, Giáo Dục, Hànội, 2000.
- Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Cương, Văn Học Việt Nam thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII, Giáo Dục, Hànội, 1997.
- Hà Như Chi, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận 2 quyển, Tân Việt, Sàigòn, 1952-1953.
- Lê Kim Ngân, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tường Minh, Văn Học Việt Nam thế kỷ thứ XIX, Văn Hiệp, Sàigòn, 1961.
- Nghiêm Toản, Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu, Vĩnh Bảo, Sàigòn, 1949.  Sống Mới tái bản ở Hoa Kỳ. 
- Nguyễn Lộc, Văn Học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII-hết thế kỷ XIX, Giáo Dục, Hànội, 1999.
- Nguyễn Phạm Hùng, Trên Hành Trình Văn Học Trung Đại, Đại Học Quốc Gia Hànội, 2001.
- Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, Văn Hóa, Hànội, 1999.
- Nguyễn Văn Trung, Lược Khảo Văn Học 3 quyển, Nam Sơn, Sàigòn, 1963, 1965, 1968.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên 3 quyển, Quốc Học Tùng Thư, Sàigòn, 1961, 1962, 1965.
- Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam 2 quyển, Tân Việt, Sàigòn, 1960.
- Phan Cự Đệ, Trần Đình Hựu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức, Văn Học Việt Nam 1900-1945, Giáo Dục, Hànội, 1999.
- Thạch Trung Giả, Văn Học Phân Tích Toàn Thư, La Bối, Sàigòn, 1973.


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top