Trần Bạch Thu: Đôi Nẻo Có Không

Trần Bạch Thu

Đôi Nẻo Có Không


Hữu dã hồi,
 Vô dã hồi
 Mạc tại giang biên lãnh phong xuy.

 (Kệ cổ của Phật giáo)

        Trời vừa tắt nắng, hai bên đường phố đông đúc xe cộ qua lại, ngược xuôi vì là ngày cuối tuần nên quán xá cũng đầy người. Bãi đậu xe chật cứng không còn chỗ trống. Chạy tới chạy lui, lòng vòng một đỗi cũng có người rời đi. Sau khi đậu xe an toàn, tôi đi bộ lững thững vào dãy phố đàng trước, ngoài mặt tiền. Đèn đường sáng rực hòa cùng với ánh sáng đủ màu trên các bảng hiệu nhà hàng, làm thành một khu ăn uống sầm uất của người Việt trong vùng Little Saigon. Chúng tôi có hẹn gặp nhau ở nhà hàng Gà Bistro. Chỉ độ chừng 10 người thôi, nhưng người bạn “chủ quán” cũng gọi tới, gọi lui, sợ có ít người tới dự sẽ kém vui và làm mất hào hứng của buổi họp bạn rất đặc biệt nầy.

        Anh em có mặt đầy đủ ngồi vào bàn tán dóc chờ người bạn ở phương xa đến. Đúng giờ, một người đàn ông đầu đội mũ len trùm đầu màu vàng nghệ, mặc một bộ đồ tu sĩ màu nâu đậm bước vào quán, trên cổ tay có đeo một vòng chuổi màu gụ đen bóng láng. Tự động như máy, anh em lật đật đứng dậy, ấp a ấp úng, không biết gọi xưng nhau bằng gì. Người đàn ông đến đứng ở đầu bàn dọn sẵn lên tiếng trước:

        - Chào quý huynh.

        - Chào thầy.

        Lâu lắm, có lẽ gần 50 năm sau ngày ra trường ở Sài Gòn, giờ mới gặp lại người bạn nầy, nay đã là tu sĩ hiện cư trú ở tiểu bang Texas. Không ngờ gặp lại bạn sau gần nửa thế kỷ, dáng dấp giờ khác xưa nhiều, mặt mày hồng hào, trắng đẹp với đôi chân mày quắc thước như tiên ông đạo cốt.

        - Thầy trông thật uy nghi giống như một vị cao tăng.

        - Không phải vậy, cũng đủ nhiều thứ bệnh lắm.

        Sau khi yên vị, ngoài thức ăn mặn của nhà hàng, anh bạn chủ quán còn cẩn thận bày ra một số thức ăn không có thịt cá, chỉ toàn là rau cải xào và đậu hủ chiên giòn, chay mặn đều dùng được cả. Thức uống chưng trên bàn có vài chai rượu vang đủ hiệu do anh em mang tới để đãi bạn.

        - Thầy dùng thức uống gì?

        - Xin cho một ly nước lọc.

        - Có bia chay, có mùi bia nhưng không có cồn. Thầy dùng được không?

        - Cám ơn. Đã chay tịnh rồi thì còn giả mặn làm gì.

        Sau khi chào hỏi xong xuôi, chỉ độ chừng mươi phút sau thì ngoài cửa đi vào một gia đình hai vợ chồng còn trẻ với ba đứa con nhỏ, thoáng thấy dáng thầy họ đi thẳng đến bàn ăn, chưa kịp nói câu nào, mấy đứa nhỏ vội chạy đến vây quanh thầy ríu rít:

        - Ông ngoại, ông ngoại …

        Cả bàn còn đang chưa hết ngạc nhiên, thầy giới thiệu ngay với mọi người đây là gia đình của đứa con gái hiện đang sống ở San Jose, cả gia đình xuống đây đi chơi ở khu giải trí Disneyland. Sẵn dịp nầy có mời thầy qua Cali để cho gia đình được gặp nhau. Thầy nói:

        - Một công hai việc, vừa gặp gia đình vừa họp mặt bạn bè đồng môn.

        Thế rồi trong suốt buổi tiệc ngày hôm ấy, câu chuyện xoay quanh như một đoạn phim quay chậm, lần lượt đường đời trăm ngã hiện về …

* * *

        Hồi ấy khi mới thi đậu vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh, một số sinh viên ở xa, quê quán thuộc các tỉnh miền Trung, nếu có đơn xin sẽ được ưu tiên cho vào cư trú trong Ký Túc Xá của trường, sau đó chừng 4 tháng khi các khóa trước ra trường, trống nhiều chỗ thì mới đến lượt những sinh viên ở miền Nam hay quanh Sài Gòn được vào. Thầy người quê quán ở Long Xuyên, An Giang, nhưng lại được vào ở đợt đầu tiên. Anh em hỏi sao vào sớm vậy, có điều kiện gì đặc biệt không? Thầy cười trả lời “tại số nó vậy.”

        Trong suốt gần 4 năm theo học ở trường, thầy là một sinh viên chăm chỉ học giỏi, ngoài ra còn là người tham gia nhiệt tình vào mọi sinh hoạt của trường, đàn ca hát hay, thường giữ vai diễn trò hay MC trong các buổi họp mặt. Năm thứ tư cuối khóa học, thầy là thành viên trong Ban chấp hành Đoàn sinh viên của một đảng phái chính trị đang phát triển mạnh lúc bấy giờ. Điểm đặc biệt của thầy là việc gì một khi đã quyết tâm làm thì đều làm đến nơi đến chốn và luôn nổi bật.

        Đến khi ra trường, thầy chọn nhiệm sở tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa) cách Sài Gòn khoảng 120 cây số theo đường quốc lộ 4 qua ngã Cai Lậy, Tiền Giang. Thầy được bổ nhiệm về làm việc ở Tòa Hành Chánh tỉnh Kiến Tường.

        Lâu đời nay, Mộc Hóa tuy là tỉnh lỵ nhưng nhỏ và đìu hiu hơn so với ngay cả quận Cai Lậy. Phố xá thưa thớt, đi vòng một lượt theo dọc bờ kênh là hết. Chỉ có khu phố quanh chợ là tương đối nhộn nhịp. Quán ăn cũng ít, quanh đi quẩn lại cũng có bấy nhiêu quán sập xệ, chỉ có quân nhân, công chức xa nhà là thường hay tụ tập ra đây. Buổi tối chỉ có một vài quán cà phê, nghe nhạc. Không cần bật đèn mờ vì cả thị trấn đèn đường đã mờ sẵn từ khi mặt trời lặn. Buồn lắm.

        Ngày hai buổi ở tòa tỉnh ra là hết việc, trừ khi ứng trực ở cơ quan, thầy về cư ngụ trong dãy nhà lợp tôn, nền tráng xi măng thủng vá nhiều nơi, dành cho các viên chức như là cư xá, rồi cùng với mấy anh em độc thân hằng ngày ra ngoài tiệm ăn cơm tháng. Rảnh rỗi vào buổi tối nên đêm nào thầy cũng ra quán gần nhà uống cà phê nghe nhạc cho tới khuya. Lâu dần rồi quen, hơn nữa cô chủ quán lại trẻ và xinh đẹp thuộc dạng nhất, nhì ở chợ Kiến Tường. Riết rồi quen luôn cô chủ quán. Tiếng đồn lan ra cả thị trấn. Thầy vẫn bình thản trước sự thêu dệt của mọi người. Có ai thắc mắc về chuyện trăng hoa, ong bướm, thầy cũng chỉ trả lời “tại số nó vậy.” Năm sau thầy về quê cưới vợ và sanh được một đứa con trai thì cộng sản về thành, chiếm thị trấn tháng 4 năm 1975, họ bắt thầy đi cải tạo. Chia lìa từ đó.

        Năm năm sau, khi cải tạo về, vợ con bặt vô âm tín kể từ ngày đi tù, thầy có về Mộc Hóa tìm kiếm hỏi thăm đủ người, đủ chỗ nhưng không ai biết tung tích hai mẹ con, còn sống hay đã chết. Sau đó thầy vượt biển thành công và đến Mỹ an toàn rồi chính thức lập gia đình mới, định cư ở San Jose có được hai đứa con trai, gái.

        Khi các con trưởng thành lập gia đình ra riêng, cũng ở quanh vùng Bắc Cali, chỉ còn lại hai vợ chồng rảnh việc nên ban đầu cả hai đều tham gia vào các đạo tràng Phật giáo đọc kinh luân phiên tại nhà của các đạo hữu. Sau nầy, đạo tràng phát triển đông người nên thường hay tổ chức đọc kinh ở chùa và tất cả đều sinh hoạt như cư sĩ tại gia.

        Thời gian trôi đi, cuộc sống cũng vẫn vậy, không có nhiều thay đổi. Chợt có một hôm trong lúc chuyện trò với những người mới sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình, thầy được biết trước đây các gia đình nầy cũng có nhờ dịch vụ tại Việt Nam tìm kiếm thân nhân thất lạc trong chiến tranh có kết quả. Nghe tới đó, thầy lại nhớ về Mộc Hóa, nhớ luôn hai mẹ con thất lạc đã lâu. Dĩ nhiên khi trao đổi qua lại, cơ sở dịch vụ cũng có nhấn mạnh những trường hợp giống như thầy, hầu hết đều tìm được. Họ còn nói “bây giờ địa phương đủ phương tiện để truy tìm” hơn lúc trước. Hay là thầy về Mộc Hóa một chuyến xem sao?

        Ban đầu còn suy đi tính lại, thời gian cách biệt đã lâu, mọi chuyện đời đã đi vào quên lãng, nhưng hình ảnh về nơi xưa chốn cũ lâu lâu lại cứ hiện về. Có lẽ cái mình mất đã lâu khi có dịp nhớ về lại quay quắt hơn cái mình đang có. Thầy tự quyết định một mình về Mộc Hóa một chuyến để tìm lại tung tích gia đình, may ra biết được “mẹ con nó giờ ra sao.” Sống có yên nơi, yên chỗ, chết có được mồ, được mã.

        Suốt mấy tháng trời đi dọ tìm một số nơi quanh vùng đất Kiến Tường, An Giang, Châu Đốc … Tất cả đều không truy ra manh mối, người của dịch vụ cũng theo lời thầy kể cùng với những chi tiết rành rọt, đi đến tận các địa phương nơi sinh sống trước kia của thầy cũng không có kết quả. Cuối cùng, thầy trở về Mỹ, đột nhiên từ giã vợ con vào chùa xuống tóc qui y, tu hành luôn từ đó. Có ai hỏi tại sao vậy, về Mộc Hóa thất vọng, buồn chán việc đời nên đi tu chăng? Thầy cũng vẫn chỉ trả lời “tại số nó vậy.”

        Đi tu cũng không được yên nơi, yên chỗ, cứ độ khoảng vài năm, thầy lại di chuyển từ chùa nầy sang chùa khác. Lần gần đây nhất, từ San Jose thầy chuyển về vùng sa mạc San Bernadino, thuộc Nam California và trở thành phụ tá đắc lực cho Hòa Thượng trụ trì một ngôi chùa gọi là “Làng Di Đà.” Lúc bấy giờ, ở Làng có phong trào tu tập theo thời hạn do mình sắp xếp. Phật tử có thể khấn tu tùy theo điều kiện, có người nguyện tu 10 ngày, có người tu một tháng. Thậm chí có thể tu tại “Làng” chỉ 2 ngày cuối tuần và cùng lên Làng, tu cả vợ lẫn chồng ở chung một phòng đều được cả.

        Làng có nhiều dãy nhà chia thành nhiều phòng như nhà trọ, Phật tử có thể đăng ký mua để ở, làm nơi tu tập. Làng có bếp tập thể phục vụ Phật tử có đăng ký ở trọ trong Làng. Phật tử quanh vùng Quận Cam và phụ cận đến tu tập khá đông. Thầy trở thành Giám đốc điều hành Trung Tâm Phật học ở Làng Di Đà và công việc quản lý rất có hiệu quả khiến nhiều người thán phục. Ngoài ra, thầy còn có tài thuyết giảng thu hút mọi người đến tham dự rất đông. Tiếng lành đồn xa, tên tuổi thầy được nhiều người ngưỡng mộ, Thầy Tuệ Quang.

        Đang khi “Làng Di Đà” phát triển rất tốt thì đùng một cái, nghe phong phanh thầy đã bỏ đi. Một số Phật tử thắc mắc và dò hỏi thì có người cho rằng thầy gặp rắc rối về quản lý tài chánh, còn một số khác thì lại đồn rằng, có một nữ thí chủ xinh đẹp đến quyến rũ thầy đi tu nơi khác. Từ đó thầy biệt tăm không ai biết cho đến khi một số bạn bè ở Texas cho hay là thầy đã về nơi đây.

        Khi đến Texas, thầy xin vào một ngôi chùa ở Houston để tu tập, nhưng vị Hòa thượng trụ trì từ chối vì lý do chùa đang hồi khó khăn về tài chánh và Phật tử viếng chùa cũng rất ít, chỉ trừ ngày Rằm.

        - Thầy về đây có cách nào để giúp chùa phát triển?

        - Thưa thầy, tôi cũng chưa biết hiện tình ở đây ra sao. Xin thầy cho một thời gian.

        Như vậy có nghĩa là thầy không được vào chùa tá túc, khi ấy có một người bạn học quen trước đây thấy vậy bèn mời thầy về nhà mình tạm trú với giá rẻ ở trong garage, được thiết kế sơ sài để làm chỗ trú thân.

        Được một thời gian, đến khi có đủ điều kiện luật định, thầy nộp đơn xin nhà trợ cấp (housing) của chính quyền địa phương. Mọi việc thông suốt, nơi ăn chốn ở tương đối ổn định, thầy bắt đầu tham dự rộng rải vào các sinh hoạt Phật sự trong vùng. Ban đầu thầy đăng đàn thuyết giảng, sau đó trở thành thầy tụng cầu siêu cho thân nhân của Phật tử qua đời. Tiếng lành đồn xa, thầy tụng rất hay, chuyên nghiệp và rất nổi tiếng khắp vùng. Bấy giờ chùa nào cũng mời thầy về tu tập ở chùa vì ngoài việc tụng cầu siêu tại tư gia, một số Phật tử còn muốn mời khách đông đảo đến chùa dự lễ cầu siêu cho rộng rải và thường có đãi thức ăn chay sau lễ. Thầy qui y lại một lần nữa và có pháp danh mới. Thầy Nguyên Hồng.

* * *

        Sau khi ở quán ăn ra, anh em mời thầy về nhà một anh bạn ở Garden Grove, cũng ở gần đó để chuyện vãn thêm. Thầy đồng ý và tiễn gia đình đứa con gái trước cửa tiệm. Trên đường về ngồi chung xe, tôi có hỏi nhỏ, cơ duyên nào khiến thầy rời “Làng Di Đà” hồi 10 năm trước để bay sang tận Texas. Thầy bảo “tại số nó vậy.”

        Số là khi thầy về chùa ở “Làng Di Đà” được mấy năm, Chùa đang hồi phát triển rất tốt, Phật tử ngày càng đông nên công việc cấp thiết là xây dựng qui mô lớn để có sức chứa phục vụ cho hàng ngàn người đến tu tập trong tương lai. Thế rồi tình cờ có một hôm vào buổi xế chiều, khi Phật tử đang chuẩn bị vào nhà ăn tập thể, thầy đang bận rộn sắp xếp làm thành lối đi sao cho gọn gàng, dễ đi lại đồng thời tránh va chạm người trong nhà ăn. Khi đến khu người mới đến tu tập lần đầu, thầy khựng ngay lại, chỉ còn kịp thốt lên mấy tiếng “A Di Đà Phật.” Người đứng trước mặt thầy là một người đàn bà đứng tuổi, mặc áo già lam, hình như cũng đang rất xúc động, ngước nhìn thầy và cũng thật vô tình chấp tay niệm theo thầy “A Di Đà Phật.” Người đàn bà ấy là vợ trước mà thầy đã từng về Mộc Hóa để tìm kiếm hơn 10 năm trước.

        Đến đây, một câu chuyện đầy thương tâm được kể lại. Từ khi thầy đi tù, hai mẹ con còn nán ở lại Mộc Hóa được một thời gian ngắn, sau đó gặp nhiều khó khăn về đời sống, chỉ một phần nhỏ về vật chất, nhưng khó khăn nhất là các mối quan hệ xã hội mới, hơn nữa vợ thầy là người có nhan sắc nên lại càng có nhiều điều phức tạp xảy ra hơn đối với cán bộ cộng sản mới về thành.

        Nhờ có người bà con thân tình trong “bưng” mới ra, chẳng những nói thật mà còn chỉ dẫn tận tình, nếu muốn sống thì chỉ còn có một con đường duy nhất là thay tên, đổi họ và bỏ đi xứ khác làm ăn sinh sống mới xong. Đừng mong ngày một, ngày hai chồng cải tạo về, có khi ổng đã bỏ mạng trong trại cải tạo nữa không chừng.

        Vợ thầy nghe lời, nhờ người làm giấy tờ khai tên mới và hai mẹ con trốn đi biệt xứ, xuống tận Cà Mau mua bán làm ăn, sau đó lập gia đình với người địa phương ở đây cho đến khi được gia đình bên nhà chồng bảo lãnh sang Mỹ. Qua đây sống được vài năm thì người chồng lâm trọng bệnh qua đời. Đứa con trai lập gia đình ra riêng, có công ăn việc làm ổn định nên vợ trước của thầy đã xuống tóc qui y, tu hành tại gia từ đó đến nay.

        Sau khi gặp lại người xưa, thầy âm thầm quyết định rời chùa, đi tu nơi khác. Chỉ có vậy thôi.

        Bên ngoài trời đêm mát dịu, cả bọn ngậm ngùi, thấm thía với câu nói xưa nay của thầy “tại số nó vậy.” Chợt nhớ bài thơ của Phùng Minh Tiến.

Có cũng về,
 Không cũng về.
 Thanh xuân giờ đã xa biền biệt,
 Dừng lại bên sông, lạnh bốn bề …    


        Trần Bạch Thu

http://www.buctranhvancau.com/new-blog/2022/10/24/i-no-c-khng-trn-bch-thu
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top