Thơ Trần Vấn Lệ, MỪNG XUÂN NĂM GIÁP THÌN

Thơ Trần Vấn Lệ

MỪNG XUÂN NĂM GIÁP THÌN



Đã một tuần lễ bão... Bão không được đặt tên, nhưng không ai quên là Bão Mùa Đông Mỹ!
Thiên di là thường lệ của chim bay về Nam...
Lạnh không có ai ham... thì đành yên một chỗ!

Nhiều chuyến bay hủy bỏ vì bão, vì trời mù.  Nước Mỹ qua mùa Thu, đường về Xuân chưa tới...
Em à, mình phải đợi!  Đừng nóng nảy, âu lo.  Tất cả là bài thơ...từng câu, hôn cho thỏa!

*
Anh hôn em trên má - má hoa đào Tết nay.  Con Rồng sắp sửa bay đem ấm êm hy vọng...
Hãy nghĩ rằng mình sống - sống có một thời vui!  Ngửa tay hứng hoa rơi, hứng nha Tình Lãng Mạn!

Một tháng nữa trời nắng...
Con đường xanh cây xanh...
Em hãy tựa vào anh mình đi ra suối ngọc...

Em tha hồ tung tóc cho mây phơn phớt hồng!
 

BA TUẦN NỮA TẾT GIÁP THÌN




Cơn bão tuyết được biết sẽ đến trong tuần này, nhưng Thứ Bảy hôm nay... cơn bão đó chưa tới!
Cả nước Mỹ rũ rượi hơn một tháng, có lâu? Chỉ mưa gió thảm sầu, chỉ mưa gió lác đác...
Bao nhiêu người mất mát niềm vui ngày cuối năm.  Ai cũng cầu nguyện thầm:  Xin Trời Cho Ăn Tết!
Người Mỹ không tha thiết cái Tết của Việt Nam!  Họ đang "hưởng". mùa Xuân - mùa-Xuân-trong-giá buốt!

Xa lộ vẫn xuôi ngược, xe chạy đường băng băng... Tất cả lo "làm ăn", sau Xuân "mới" mùa Hạ...
Người Việt thì lạnh quá, mong Tết tới ấm nồng... mà cơn bão mùa Đông, ngập ngừng, rồi cũng có? 
Nghĩa là sắp sẽ khổ?  Nghĩa là sắp lại buồn?  Nhớ thương về Quê Hương...khói nhang mờ Cố Lý!
Bốn chín năm ở Mỹ, hai Thế Kỷ...không ngờ!  Tôi, biết bao bài thơ chỉ một lòng Cố Quận!

Bão tới nhanh hay chậm...còn hai mươi ngày hơn!  Là còn đúng ba tuần, đêm Giao Thừa cầu nguyện:
"Thôi đồng dâu thành biển!  Thôi biển đừng đồng dâu!  Nam Quan tới Cà Mau, dân mình anh em cả".
Phật với Chúa đừng lạ! Phật với Chúa anh em!  Giáo Hoàng sẽ tới thăm nói giùm điều đó nhé!
*
Tết không phải ngày Lễ.  Tết là ngày thiêng liêng!  Con cháu gặp Tổ Tiên, không ai quên tình nghĩa...
Hai Thế Kỷ thấm thía một nỗi buồn...Tết ơi!  Không lẽ Chúa trên trời?  Không lẽ Phật ở ẩn?
Tháp Nhà Thờ cao lắm.  Chuông Nhà Thờ reng reng... Mái hiên Chùa mông mênh, tiếng boong boong lồng lộng...

 

LẠNH MÙA ĐÔNG Ở CALIFORNIA


Lạnh mấy hôm nay là lạnh rớt. 
Lạnh bờ Đông, gió tạt tới Cali!  
Lạnh làm thinh, đâu gặp bạn nói chi.  
Im lặng để mình chịu riêng cái rét!

Gió thổi mặt người.  Mặt nào cũng tái mét!  
Lạnh trên áo người, chút tuyết đơm hoa. 
Lạnh rất riêng tư, lạnh chẳng chan hòa.  
Con chim lạnh bay xa tìm chỗ ấm?

Chim bay đâu?  Chắc dễ gì thấy nắng!  
Chắc cũng không gặp bạn để cùng bay?  
Trời mùa Đông, nước Mỹ không có ngày, 
chỉ có chạng vạng, có đêm dài, lạnh khiếp! 

Cali lạnh, bớt thấy người homeless... 
Bớt thấy buồn đeo đuổi kiếp nhân sinh.  
Thành phố buồn hiu, đôi lúc cỏ giật mình.  
Gió bất chợt không có hình có bóng...

Người ta vào chợ, dĩ nhiên là chợ ấm...
mà vào lâu rồi cũng phải đi ra. 
Người ta dặn nhau khi mình rời khỏi nhà 
nên vào chợ hay leo lên xe bus.  

Ở phi trường, ở bến cảng, ở nhà ga, 
có mấy ai đi đó, đi đây, có dịp?  
Thà ở nhà xem tivi tiếp tiếp...
hay vào computer cũng thấy kịp...  ngày mai!

Chuông Nhà Thờ, chuông Chùa, bay bay, 
Mở pho Kinh, lật mỏi tay, hết lật... 
Làm việc ngoài nhà có giờ có giấc; 
xong việc về nhà, hôn trán vợ, tóc con...

Lạnh ở Cali, lạnh nhất những đêm trường... 
Người xa xứ lạnh không mòn cái nhớ, 
nhưng có nhờ cái ngủ, 
... để rồi quên!

Tôi không Đạo, không trầm tư, không Thiền 
chỉ biết lạnh thôi mỗi mùa Đông trên Lịch,
đọc hết rồi biết bao nhiêu là sách, 
nhớ nằm lòng hai câu thơ Tam Nguyên:  

"Sách vở ích gì cho buổi ấy?
Áo cơm thêm thẹn cái thân tàn!" (*)
……………………….
(*) Nguyên văn thơ của Tam Nguyên Yên Đỗ:
"Sách vở ích gì cho buổi ấy?
Áo xiêm thêm thẹn cái thân này!" 
 

MẤY GIỜ MỚI CÓ NẮNG



"Mấy giờ mới có nắng?".  Bé hỏi Mẹ, hỏi hoài!  Bố nghe chỉ đứng cười... bởi trời đang mưa bụi!
Mấy ngày Tết lụi hụi mà còn bão còn giông!  Thành Phố Mỹ, lạnh lùng... gió phập phồng vạt áo!
Nhìn Mẹ Con áo não, ông Bố chỉ biết cười... Nếu Bố mà ông Giời chắc vui nắm Hà Nội?
Mới sáng như sắp tối!  Không phải chỉ hôm nay!  Cũng không nhớ mấy ngày đất trời đã ủ dột.
Những người xa Đất Nước đâu nhỉ bến bờ vui?

*
Tôi hỏi tôi, khơi khơi... vì không là bố mẹ chỉ đi ngang thấy thế rồi tôi để vào thơ!
Thơ tôi nhiều bài mưa nghe cũng động lòng lắm.  Thơ tôi nhiều bài nắng... nhiều bạn đọc nói buồn.
Những ai mất Quê Hương... sống "vô thường" là vậy?  Chuyện gì nghe cũng thấy cái nỗi niềm bốc hơi!
Nửa tháng nữa Tết thôi, những lời chúc đều đẹp.  Hôm nay chưa phải Tết, nỗi buồn coi thoáng qua!
Lát nữa nắng chan hòa tôi dành cho bé đó,  chia cho bé tuổi nhỏ.  Ôi chao ơi Niềm Vui!
Đọc báo thấy mưa rơi băm nát cả Hà Nội.  Người Sài Gòn thì lội tiến tới Tết Con Rồng!

 

HOA QUỲ YÊU QUÝ


Người ta hoa đào Tết, tôi cắm bình hoa quỳ, tưởng tượng Dương Quý Phi chợt đi ngang qua ngõ...
Muốn nói với ai đó:  Người Đẹp Sống Muôn Đời!  Muốn thấy môt nụ cười điểm tô ngày Xuân mới....
Muốn thấy Đà Lạt đợi ngày tôi hồi Cố Hương, thấy hoa nở trong vườn là hoa quỳ vàng rực!
Đà Lạt là Tổ Quốc một góc trong lòng tôi - nơi tôi lớn làm người yêu Quê Hương Đất Nước!

*
Nhiều khi chiều gió ngược, mây bay vào hành lang...cứ tưởng áo của nàng, lòng tôi thấy trẻ lại!
Đẹp nhất Người Con Gái dịu dàng Cổ Tích Trăng!  Ờ nhỉ thuở thanh xuân người ta ai... cũng trẻ!
Bạn cười tôi nói thế là nghĩ đã già chăng?  Tôi cảm ơn Thời Gian:  Bây giờ hai Thế Kỷ!
Mới mà nhanh quá nhỉ...bao nhiêu thế hệ rồi?  Tôi nhớ những ngọn đồi hoa quỳ vàng phấp phới...

Trăng vàng bay hay tuổi thiên tải bạch vân kia?  Ôi chao ngày tôi về...biết bao là quá khứ!
Hoa quỳ có còn nở trên Núi Bà Lâm Viên...và em có cười duyên?  Ôi hoa!  Ngàn hoa Đà Lạt...
 

Lực Hấp Dẫn Newton

Cái gì mình buông ra cũng rơi theo chiều thắng đứng.  Sao lời người ta buông ra lại làm cho lòng mình đứng sửng?
Lời người ta là cái bóng.  Người chụp hình, chụp được cái bóng.  Nhiếp ảnh gia chụp được cái ảnh.  Quan nhiếp chính chụp được cái chỗ ngồi.
Cái gì mình buông ra nó đều rơi theo chiều thẳng đứng.  Nếu rơi trên đất nó nằm trên đất.  Nếu rơi xuống giếng nó nằm trong lòng giếng.  Nếu rơi xuống biển sâu chắc nó nằm trong trung tâm trái đất.
Tôi hỏi người ta em có ném vào anh cái gì không? - Có!  Tại sao không?  Lễ Valentine, em ném vào anh nụ hoa hồng?  - Đúng!  - Nó đâu?  - Trong lồng ngực anh đó!
Từ đó tôi hiểu tại sao máu màu đỏ.  Mà... Quê Hương thì rừng xanh, núi xanh.  Biển cũng xanh.  Ai làm con trai cũng có thời đi lính, thời đó tóc xanh... Lễ Valentine là Lễ Tình Nhân.  Roméo rơi trong mắt xanh của Juliette.  Ai ném Roméo vào Juliette?  Ông Trời!  Ai khiến hai người đó chia đôi đau đớn?  Ông Trời!
Em ném ra một lời chia đôi một cánh đồng!

*

Đứng bên ni đồng ngó qua bên tê đồng:  mênh mông bát ngát!
Đứng bên tê đồng ngó qua bên ni đồng:  bát ngát mênh mông!
Đứng trong hàng rào kẽm gai, tôi ngó ra cánh đồng.  Đứng trên sườn núi chớn chở, tôi ngó quanh cánh rừng.

Má ơi những buổi trưa nồng,

Má ru con ngủ, gió bồng con bay...
 

AI CHƯA LÊN ĐÀ LẠT LÀ CHƯA THẤY CỎ HỒNG


Ai chưa lên Đà Lạt là chưa thấy cỏ hồng!  Hãy nhủ đi với lòng:  Mình Phải Lên Đà Lạt... 
... để nghe người ta hát Ai Lên Xứ Hoa Đào! ... rồi nhìn gió rào rào thổi rạp cỏ... vui lắm!
Ôi chao mùa Xuân tắm trong gió thơm ngàn hoa... Ôi chao người dẫu xa vẫn có tình gần gũi!
Chúng ta cùng tiếng nói:  Yêu Tổ Quốc Quê Hương!  Đà Lạt là Thiên Đường trời ban cho Đất Nước!
Một trăm năm về trước, ông Yersin đến dây, ông trồng cỏ hồng này để ngàn sau đứng ngó!
Màu hồng riêng của cỏ đã nở thành muôn hoa nên Đà Lạt thướt tha dáng ngọc ngà con gái...
Xuân đi rồi Xuân lại, Đà Lạt vẫn hằng mong:  Ai đó nhủ với lòng Phải Đi Lên Đà Lạt!
Rừng thông đây bát ngát...Phấn thông vàng thơm tho... Học trò và Thầy Cô thân thương như hoa cỏ...
Làm sao tôi không nhớ. Nơi Tôi Ở Tôi Xa?  Tôi biết ơn Núi Bà cao trên hai ngàn thước...
Tôi yêu cỏ hồng mượt... tóc của người tôi yêu!  Tôi yêu những chiều chiều khăn điều vai quân tử!
Tôi yêu lắm trường Nữ Bùi Thị Xuân của tôi... Xếp từng trang Sử rời còn nghe tiếng voi hống!
Bà Bùi Thị Xuân sống anh hùng biết bao nhiêu!  Trần Quang Diệu đã yêu một Nữ Vương tuyệt diễm...
Thế giới dễ gì kiếm được một trang Anh Thư?  Thế thời mà Thiên Thu Quê Hương tôi bất tử...

*
Em ơi đi ngắm cỏ, cỏ hồng... bài thơ anh!  Em có thể đi nhanh, em có thể đi chậm, 
... nhưng anh biết em thấm thơ anh bằng khăn tay!  Cái khăn ngày biệt ly mong có ngày cố lý!
Cái khăn đẫm đầy lệ gió bay cỏ hồng bay...
 

TUYẾT SƯƠNG MƯA NẮNG

Tết năm nay chắc buồn!  Vừa bão tuyết, giờ sương!  Hết mù sương, mưa lắm?  Tết năm nay không nắng...
Lòng tha hương đã nặng.  Tết, bao nhiêu Tết rồi?  Tết trong cuộc đổi đời, người đổi đời, còn, mất...
Núi Nùng, sông Nhị...thật / không ai nhắc tới tên.  Không lẽ người ta quên?  Không lẽ chỉ mình nhớ?
Bốn chín năm nước lợ... biển từng ngày xâm lăng.  Chín nhánh sông Mê Kông... chín con rồng oằn oại.
Người xưa chết là phải!  Phải mở bờ cõi mà... Người sau... sống bê tha, chết mặn mà nước mắt!
Tại sao Hoàng Sa mất? Chắc chi Trường Sa còn... Mỗi ngày một hoàng hôn!  Mỗi năm chờ cái Tết!
Thắp nhang cho người chết, ta sông như tàn nhang!

*
Sương ngoài cửa đang tan.  Mây trên trời kéo tới.  Những gì mình mong đợi... nghĩ ngợi thêm đau lòng!
Nước vẫn là Biển Sông chảy vòng vòng Rừng Núi.  Nước, giọt lệ lủi thủi chảy xuống mũi, xuống môi!
Nước chảy và hoa trôi... Nước chảy và hoa trôi... Ông Tản Đà đứng coi Bức Dư Đồ...khóc ngất! (*)
Ông Tản Đà chết thật ở tuổi mới Năm Mươi!  Quân ta triệu mốt người... ba mươi... ngồi vuốt tóc!

Những nấm mồ nằm dọc, bao nhiêu Tết về... xuôi!

*) Thơ Tản Đà:  "Nọ bức dư đồ thử đứng coi sông sông núi núi khéo bia cười!  Ấy trước Ông Cha mua để lại mà nay con cháu lấy làm chơi!..."
 

TÙY BÚT AMERICA


Buổi sáng ở nước Mỹ yên tĩnh đến lạ lùng.  Ngoài những tiếng reng reng của chuông Nhà Thờ điểm, lác đác tiếng boong boong của chuông Nhà Chùa ngân... Người ta nghe chim hót vang khi bình minh ló dạng...
Nước Mỹ là nước ánh sáng nhưng buổi mai chỉ có mặt trời.  Đèn đường tắt đúng giờ...vì nước Mỹ tiết kiệm!
Nước Mỹ không có đường hẻm, đường nào cũng đường xe, xe chạy không ai khoe tiếng còi của xe mình cả... Chỉ xe cứu thương vội vã chạy qua luôn ngã tư...
Buổi sáng Mỹ rất thơ... nhưng không ai thi sĩ!  Người ta còn ngủ kỹ.  Người ta còn thương nhau!
Nước Mỹ vào mùa Xuân:  đẹp vô cùng rừng núi.
Nước Mỹ vào mùa Hạ: những cánh đồng cò bay.
Nước Mỹ vào mùa Thu:  lá cây đỏ, vàng rực.
Nước Mỹ vào mùa Đông:  tuyết như lòng trong trắng.
Nước Mỹ đủ bốn mùa, ở, đi, lòng khôn đặng!

*
Tôi thức dậy sớm, nhìn nước Mỹ... bâng khuâng.  Không thấy bóng quân nhân.  Không thấy người cảnh sát.  Tôi ra vườn thơm ngát:  hoa thức dậy cùng tôi...
... một người Việt lạc loài, sáng nào cũng ứa lệ!  Nước người ta Nước Mỹ!  Nước mình... Nước Thiên Đường, Nguyễn Du thơ đoạn trường:  "Hoa trôi nước lặng đã yên, hay đâu Địa Ngục giữa miền Trần Gian!".  Những tiếng rao "khoai lang", những tiếng rao "bánh mì giò chéo quẩy"... nghe mà lòng nát bấy.  Nghèo muôn năm cứ nghèo!

Tôi hiểu chữ Tình Yêu là Quê Hương bến đỗ.  Tôi thương cây đa cũ... cũ hoài trong Ca Dao!

Trần Vấn Lệ

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top