TẠP CHÍ VIỆT NAM :Tranh dân gian trong Tết cổ truyền Việt Nam

image.png

Đám cưới chuột. Tranh dân gian Đông Hồ. Wikipedia
Thu Hằng
Ngoài « Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh », Tết xưa còn có tranh dân gian được trang trí trong nhà và cũng để cầu chúc « Phúc-Lộc-Thọ », « Vinh hoa-Phú quý »… Tranh dân gian là một thú chơi ngày Tết rất thịnh hành thời xưa.


Tranh khắc gỗ dân gian xuất hiện sau khi kỹ thuật in mộc bản ra đời. Tuy nhiên, bằng chứng cổ nhất, được giáo sư Philippe Papin nêu lên (1), là những bức tranh trong đền Độc Lôi (xã Nam Giang, tỉnh Nghệ An), được vẽ trong thế kỷ XVIII và hiện được bảo quản ở Hà Nội. Thế kỷ XVII-XVIII cũng là giai đoạn thịnh hành của nghề in mộc bản và tranh dân gia, từ thành thị đến nông thôn. Sau đó, tranh dân gian phát triển mạnh đến đầu thế kỷ XX, rồi giảm dần vào nửa cuối thế kỷ XX.

Thời các làng tranh dân gian nhộn nhịp dịp Tết

Trong những thập niên cuối thời kỳ hưng thịnh của tranh dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand, Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient), đã sưu tập rất nhiều ván khắc và tranh dân gian ; tất cả được giới thiệu trong cuốn Tranh dân gian Việt Nam (Imagerie populaire vietnamienne, 1960).

Tranh dân gian còn được gọi nôm na là tranh Tết vì thường được in và bán vào dịp Tết âm lịch cho khắp nơi ở chợ quê. Tết xưa, Tết nay khác nhau như nào qua những bức tranh dân gian và hoạt động in tranh được miêu tả trong sách của Maurice Durand ? Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Lịch sử và Văn bản học, Viện Khảo cứu Cao cấp Pháp (Ecole pratique des Hautes Etudes, EPHE), dịch giả cuốn Tranh dân gian Việt Nam, nhận xét :

« Tết xưa, hay nói chính xác hơn là trước năm 1960, có nghĩa là thời điểm cuốn Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand ra đời, có vẻ như là chúng ta cảm nhận được các hoạt động Tết cổ truyền rất là sôi nổi, tức là các làng tranh truyền thống nhộn nhịp, sôi nổi làm tranh trước đó một vài tháng để có thể bán cho mọi người vào dịp Tết. Và hoạt động buôn bán diễn ra rất nhộn nhịp. Đó là hoạt động kinh tế gần như là chính của các làng truyền thống. Các gia đình, từ thành thị đến nông thôn, gỡ những tranh năm cũ và dán tranh mới lên tường, những tranh trang trí trên bàn thờ tổ tiên, hoặc là tranh trừ tà trong nhà hoặc trước cổng để xua đuổi tà ma và hy vọng một năm mới an lành.

Nhưng mà xã hội hiện đại bây giờ, tôi thấy hội họa rất là phát triển và những bức họa nổi tiếng rất đắt tiền được treo trong nhà nhưng mà treo hết năm này qua năm khác mà không có sự đổi thay vào dịp Tết, vào dịp Năm mới. Hoặc là người ta có thể bày biện những loại hoa quả theo ý muốn, thậm chí có những loại hoa quả rất là lạ và đắt tiền, những loại hoa quả rất lai tạp, chứ không như những loại quả truyền thống như chúng ta thường thấy ở nông thôn Việt Nam xưa. Sự sắp xếp, trưng bày cũng không theo một trật tự hay một ý nghĩa nhất định mà cứ tùy thích làm ».
image.png

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, dịch giả cuốn Imagerie populaire vietnamien (Tranh dân gian Việt Nam) của Maurice Durand tại phòng thu của RFI, ngày 23/01/2020. RFI / Thu Hằng
Bốn làng tranh truyền thống

Như nhiều nghề thủ công khác, làm tranh dân gian cũng thường theo truyền thống « cha truyền con nối ». Mỗi nhà còn có bí quyết, kinh nghiệm riêng để tạo nét đặc trưng, từ cách xử lý giấy, hình vẽ, mầu sắc đến cách in từng lớp mầu. Trong thời kỳ hưng thịnh, tranh dân gian được được bán từ cửa hiệu đến hàng rong trên phố, và được mọi tầng lớp xã hội ưa chuộng vì thể hiện đời sống thường nhật của người Việt. Giá trị của tranh dân gian được nhà nghiên cứu Maurice Durand phân tích rất rõ trong cuốn sách, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp :

« Ông phân tích rất chi tiết giá trị của tranh dân gian Việt Nam nói chung, thể hiện qua các loại tranh, như tranh chúc tụng, tranh biểu tượng cầu chúc, tranh cầu phúc, bùa trừ tà, tranh về tín ngưỡng tôn giáo, tranh giải trí châm biếm, tranh minh họa các tác phẩm văn học… Nhưng ở ông, không có sự phân biệt các dòng tranh cụ thể như chúng ta thường thấy hiện nay ».

Tranh dân gian có bốn dòng chính : Tranh Đông Hồ của Bắc Ninh, tranh Hàng Trống ở Hà Nội, tranh Kim Hoàng của Hà Tây và tranh làng Sình của Huế.

« Dòng tranh Đông Hồ là dòng tranh khắc ván, sử dụng ván gỗ để in tranh trên giấy điệp và số lần in phụ thuộc vào số lượng màu của tranh. Đề tài khá là phong phú, thể hiện mọi mặt của đời sống xã hội và nhất là đời sống nông thôn thời xưa của Việt Nam.

Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ, đặc biệt khai thác các chủ đề về tín ngưỡng với những gam mầu rất nổi trội. Tranh Kim Hoàng thì kết hợp nhiều kỹ thuật nhưng điểm khác biệt là chất liệu giấy. Họ sử dụng các loại giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc là giấy Tàu vàng. Còn tranh làng Sình ở Huế là loại tranh thờ, tranh cầu phúc, được làm với kỹ thuật khá thô sơ và với họa tiết khá đơn giản ».


Cố học giả Lê Văn Hòe từng nêu cảm xúc riêng trong bài viết « Lẽ sống của tranh gà, tranh lợn » đăng trong tạp chí Xuân Văn Nghệ, Quý Tỵ, 1953. Đối với ông, « Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày,toàn mầu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những mầu sắc ấy in sâu vào tâm não người nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực rỡ của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh, đỏ thô kệch, điềm đạm, thật thà của tranh lợn, tranh gà ».

Tiếc là đến nay, tranh Kim Hoàng bị thất truyền từ lâu, tranh Hàng Trống chỉ còn một người giữ lại, làng tranh Đông Hồ cũng chỉ còn vài nghệ nhân. Có lẽ cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, cũng như kho tranh và ván khắc được lưu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris, phần nào giúp những người tâm huyết khôi phục nghề truyền thống này ở Việt Nam ?

Tranh lợn, biểu tượng của sự phồn thịnh, trích từ cuốn Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP HCM, 2017. Ảnh do dịch giả cung cấp.
image.png
Tranh lợn, biểu tượng của sự phồn thịnh, trích từ cuốn Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP HCM, 2017. Ảnh do dịch giả cung cấp. RFI / Thu Hằng

Khôi phục nghệ thuật dân gian Việt Nam

Trong lần xuất bản đầu tiên, do kỹ thuật in ấn còn hạn chế trong thập niên 1960, cuốn Tranh dân gian Việt Nam chỉ được in đen-trắng, cách sắp xếp tranh cũng khá lộn xộn. Nhưng đến năm 2011, giáo sư Philippe Papin thuộc Viện Khảo cứu Cao cấp Paris và ông Marcus Durand là con trai của tác giả đã tiến hành biên soạn lại và tái bản bộ sách (2).

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, công việc chụp lại tranh, phủ mầu cho một số bức tranh do ông Marcus Durand thực hiện. Giáo sư Philippe Papin chịu trách nhiệm biên soạn lại và sắp xếp theo những chủ đề rất rõ ràng và dễ theo dõi cho độc giả :

« Ấn bản mới này hoàn hảo hơn nhiều so với ấn bản đầu tiên nhờ sự sắp xếp lại hợp lý hơn và tất cả các bức tranh được chụp lại với kỹ thuật và chất lượng cao, được đánh số, sắp xếp lại và văn bản cũng được biên tập, chú thích lại.

Ấn bản này gồm 473 bức tranh, có những bức tranh giống nhau về chủ đề nhưng khác nhau về mầu sắc và họa tiết. Đó là một bản có cả tranh mầu và tranh đen trắng và được xếp theo năm chủ đề chính : Cuộc sống thường nhật và nhịp độ thiên nhiên ; Tranh tôn giáo, tín ngưỡng ; Tranh minh họa lịch sử ; Tranh minh họa văn học Việt Nam ; Tranh minh họa văn học Trung Quốc ».


Năm 2017, cuốn Tranh dân gian Việt Nam được dịch sang tiếng Việt và do Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2018. Cuốn Tranh dân gian Việt Nam được Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia trao tặng giải B năm 2019. Giải A được trao cho hai bộ sách tập thể rất lớn gồm hàng chục tập, trong đó có một bộ về lịch sử Nam Bộ do giáo sư Phan Huy Lê chủ biên lúc sinh thời.

« Việc dịch thuật cuốn sách này cũng vấp phải khá nhiều khó khăn vì cuốn sách này được sử dụng bốn ngôn ngữ khác nhau, tiếng Pháp, tiếng Việt, chữ Hán và chữ Nôm. Và đề tài của cuốn sách cũng rất phong phú, nên khi dịch, tôi phải tham vấn rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, tùy theo từng chuyên môn để dịch cho chính xác.

Và nhóm chúng tôi có trao đổi với nhau để thống nhất về thuật ngữ, thống nhất về ý nghĩa của từng bản dịch một, ví dụ như một số bản dịch có cả nguyên bản chữ Hán và có bản tiếng Pháp, thì chúng tôi phải kết hợp cả hai bản làm sao cho thống nhất về ý nghĩa. Sau đó, khi lên trang, thì bản Việt ngữ phải làm sao cho nó ngắn gọn, súc tích nhưng mà phải đầy đủ ý để khớp với tranh vẽ của trang đó, không được tràn sang trang khác. Rồi chữ Nôm và chữ Hán, chữ Pháp, chữ Việt vào cùng một phông, cho nên bị nhảy chữ và một số chữ Nôm, chữ Hán bị biến thành một chữ khác, mà đôi khi mình không thể nào kiểm tra hết được ».


Cuốn sách dày 452 trang là một công trình công phu, trình bày rất đẹp mắt, từ chất lượng giấy đến mầu sắc. Một dấu hiệu đáng mừng cho thấy tranh dân gian vẫn còn thu hút độc giả hiện nay vì toàn bộ số lượng sách được phát hành lần thứ nhất đã bán hết. Lần tái bản sắp tới được dự kiến vào khoảng quý I năm 2020.

 
image.png
Đám cưới chuột, trong mục Cuộc sống thường nhật và nhịp độ thiên nhiên, trích từ cuốn Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP HCM, 2017. Ảnh do dịch giả cung cấp. RFI / Thu Hằng
(1) Papin Philippe, La diversité de l’imagerie vietnamienne et les figures de la vie ordinaire (Sự đa dạng của tranh dân gian Việt Nam và muôn mặt đời thường). In : Arts asiatiques, tome 66, 2011, pp. 83-98.

(2) Cuốn Imagerie populaire vietnamienne, tái bản năm 2011 được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương của Pháp trao giải vào tháng 05/2011.
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top