NGỦ
Sleeping Woman, Tranh Carl Vilhem Holsoe
Tôi có một cái tật, đôi khi rất phiền phức, là buổi trưa phải nằm nhắm mắt khoảng 15 phút, ngủ thì càng tốt, không ngủ cũng không sao. Nhưng khi tỉnh dậy, thấy sảng khoái trong người, cơ thể tỉnh táo để tiếp tục làm việc. Mười lăm phút... dưỡng thần đó có lẽ là thói quen từ thời công chức ngày xưa: buổi trưa phải phóng xe về nhà đánh một giấc... la siết! Cái tật của tôi chẳng là cái tật có thể giữ bản quyền được. Nhiều người cũng... tật như vậy. Nhiều đủ để biến thành một dịch vụ thương mại. Cơ sở nghĩ ra cách làm tiền từ cái tật này là Công Ty MetroNaps ở Nữu Ước. Trên tầng lầu thứ 24 của tòa nhà nổi tiếng Empire State Building, bạn sẽ được đưa vào một căn phòng yên tĩnh và ít ánh sáng, nằm trên một chiếc ghế ngả giống như ghế trong phòng mạch nha sĩ với tấm chăn mỏng đắp trên chân. Trong không gian những tiếng động được làm mất đi, âm nhạc êm dịu dắt dìu bạn vào giấc ngủ ngắn chừng 20 phút. Hai chục phút là lý tưởng vì nếu lâu hơn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi thức giấc. Sau 20 phút lơ mơ dễ chịu, bạn sẽ được một chiếc máy gây ra tiếng động nhẹ và ánh sáng nhẹ nhàng đánh thức bạn dậy. Bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn và yêu đời hơn sau 20 phút êm ả mặc dù phải móc túi chi ra 14 đô!
Ngủ như vậy là ngủ... mini vào buổi trưa. Ngủ ban đêm mới là ngủ... maxi! Dài bao lâu? Thông thường là 8 tiếng đồng hồ một đêm. Già cả khó ngủ, ít nhất cũng phải 5 tiếng. Ít hơn nữa là có vấn đề. Những người ít vận động và cơ thể thiếu vitamin B2 thường ngủ ít và hay trằn trọc khi ngủ. Dùng nhiều các loại sản phẩm sữa và sữa chua có chứa nhiều B2 và acid amine sẽ có thể đem lại giấc ngủ ngon và sâu. Nhưng không ngủ được có khi chỉ vì... rộng chỗ quá!
đêm
buồn, lẻ
chiếu
đơn chăn
không em
tội, một chỗ nằm...
rộng rinh
( Đức Phổ )
Không ngủ được cũng có khi vì... im ắng quá!
Bà mẹ rầy la cô con gái:
“Đêm qua sao mày tiếp thằng bạn trai khuya quá vậy?”
“Xin lỗi má, chắc tụi con nói chuyện hơi ồn làm má ngủ không được?”
“Đâu phải vậy! Chính tụi bay im phăng phắc tao mới ngủ không nổi!”
Mất ngủ, cực lắm. Thức đêm mới biết đêm dài. Bệnh mất ngủ thường là bệnh của những người viết lách. Cái đầu còn vấn vương với những bài viết chưa đặt được dấu chấm hết là một cái đầu rộn ràng băn khoăn. Ngủ sao được? Văn đã hành, thơ còn hành bạo hơn nữa. Câu thơ mới tượng hình, chưa trải được ra giấy, hoặc trải ra được rồi nhưng chữ dùng chưa đắt, làm cái đầu cấn cái triền miên. Ngày này qua ngày khác, bệnh mất ngủ cứ lấn dần. Thuốc ngủ chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đó. Rồi lại phải tăng liều lượng. Tăng đến đâu mới tới... bến? Mặc mẹ nó! Nhà thơ Luân Hoán đã có lần thốt lên. Giấc ngủ èo uột một hai tiếng mỗi đêm. Hai giờ sáng đã mở mắt, trước cả mặt trời. Nằm trằn trọc ngó trần nhà thế mà ra thơ. Thơ bình minh nên thơ có hồn chăng?
Không ngủ được nhưng buồn ngủ vẫn cứ buồn ngủ. Ngáp dài ngáp ngắn. Ngáp vì cơ thể mệt mỏi, uể oải, căng thẳng. Giang miệng ngáp một cái, đã hết biết, vì khi ngáp lượng không khí tràn vào phổi tăng lên. Các nhà nghiên cứu, những người đại tò mò, chia một cái ngáp thành ba giai đoạn. Đầu tiên là hít vào: miệng mở rộng, gốc lưỡi hạ xuống; hầu, thanh quản, lồng ngực và cơ hoành giãn ra, hít vào hết mức. Sau đó là giai đoạn co thắt: miệng mở rộng hết mức, một loạt cơ mặt sẽ thắt, mũi giãn nở, mắt nhắm lại, nước mắt và nước miếng chảy ra, không nhìn và nghe được gì. Cuối cùng là giai đoạn thở ra: các cơ quan co thắt trong giai đoạn trên từ từ mở ra lại. Buồn ngủ người ta ngáp, ngủ dậy người ta cũng ngáp. Cái ngáp lúc ngủ dậy có đính kèm thêm động tác vươn vai, co duỗi chân tay là cái ngáp rất... đã điếu!
Tiếng Việt của chúng ta cũng đã lắm. Âm họng “ngờ” nghe chìm chìm là âm khởi đầu cho ngủ, ngáp và... ngáy. Ngủ mà không ngáy là thiếu mất một tiết mục. Có những người vừa đặt mình xuống giường là vi vu ngay. Đó là những tiên ông tiên bà. Ăn được, ngủ được. Nhiều khi ngáy đã tới mức chính mình đang ngủ mà cũng nghe được tiếng ngáy của mình! Tự biên tự diễn như vậy là... khỏe. Khỏe cho mình nhưng không khỏe cho người nằm cạnh mình. Đang khó khăn dỗ dành giấc ngủ mà tiếng kéo gỗ cứ hì hà hì hục bên tai, chịu gì nổi. Vậy là có màn... khủng bố sở hữu chủ của tiếng ngáy. Có khi chỉ vì tiếng ngáy mà vợ chồng mặt nặng mặt nhẹ với nhau. Nặng hơn nữa là lôi ra tòa, anh đi đường anh tôi đường tôi!
Ngáy nguy hiểm như vậy nên để tránh tình trạng có thể đưa tới mất tình vợ chồng, chúng ta nên, trước khi chọn người trao thân, xem tướng... ngáy. Những người đầu tròn là những... thợ cưa. Càng tròn càng hăng say nghề nghiệp. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Cleveland đã so sánh khuôn đầu của 60 người hay ngáy và 60 người chưa từng ngáy bao giờ. Họ dùng tia X để đo khoảng cách từ răng tới thực quản, từ mũi tới đường thở, từ gò má tới hàm để tìm ra chỉ số CRI (Craniofacial Risk Index). Đọc vào chỉ số này, một chuyên viên có thể xác định đúng tới 75% chứng bệnh ngưng thở khi ngủ. Chính chứng bệnh này là nguyên nhân gây ra bệnh ngáy. Giải thích tại sao đầu tròn lại ngáy to, Mark Hans, thuộc Phân Khoa Nha trường Đại Học Case Western Reserve, cho biết: khi chiếc đầu càng rộng thì lỗ thông khí từ trước ra sau càng thu hẹp.
Nếu khi mang nhau ra thề thốt I do mà lỡ quên không xem tướng đầu thì... tốn tiền. Tiền mua chiếc giường thông minh do nhóm nghiên cứu Thụy Điển tại Viện Hàn Lâm Sahlgrenska thuộc Đại Học Gothenburg phối hợp với Công Ty Hilding Anders AB ở Helsingborg vừa mới sáng chế ra. Chiếc giường quý giá này vừa được trưng bày tại Hội Chợ Đồ Dùng Gia Đình tại Stockholm. Được gọi là chiếc giường thông minh, nó sẽ ghi lại những thời điểm chủ nhân thức hoặc ngủ qua một hệ thống theo dõi. Nếu người sử dụng ngáy trong một thời gian dài, đầu giường sẽ từ từ nâng lên cho đến khi người ngủ ngừng ngáy. Sau đó đầu chiếc giường lại được hạ xuống theo vị trí ban đầu. Nâng đầu lên sẽ chặn được cơn ngáy bằng cách ngăn cho lưỡi tụt vào trong họng. Hết vi vu!
Đêm qua nằm ngủ sập vàng,
Trông xuống sập bạc thấy chàng nằm không.
Vội vàng cởi áo, đắp chung,
Tỉnh ra em vẫn nằm không một mình.
(Ca Dao)
Tiếc quá đi chứ giấc mơ vàng! Mơ là một khía cạnh thú vị của ngủ. Giấc mơ thời nhỏ là những giấc mơ rất thú vị. Giống như là đi coi xi nê miễn phí! Mà chẳng phải chỉ mỗi đêm coi một phim. Theo các chuyên gia thì trung bình mỗi đêm chúng ta nằm mơ từ 5 đến 7 lần. Mỗi giấc mơ có thể kéo dài từ vài giây đến trên một tiếng đồng hồ. Mơ là chuyện bình thường. Không mơ mới là chuyện lạ. Khi mơ chúng ta từ cuộc đời này bước qua “cuộc đời” khác, một thế giới của tiềm thức, vô thức, ẩn thức..., thế giới mà khi tỉnh chúng ta không sao chạm tới được vì giới hạn của các khả năng tâm lý và tâm linh. Cái “đời sống ban đêm” này là một bí mật mà nhà phân tâm học Sigmund Freud đã phải bỏ cả đời ra để nghiên cứu.
Mơ rất lợi ích. Craig Webb, Giám Đốc Điều hành Trung tâm Dreams Foundation cho rằng mơ giúp ta nhiều thứ, như học một kỹ năng mới, làm lành một vết thương tinh thần, làm giảm sự buồn khổ, làm tiếp nối tri thức, sáng tạo... Webb gọi đó là một “phương pháp suy tưởng” kiểu khác gợi cho ta nhiều ý hay để áp dụng khi... tỉnh. Đó là một thứ “la bàn bên trong”, mà nếu tìm hiểu kỹ có thể tìm thấy ảnh hưởng lộ ra trong cuộc sống ban ngày. Tôi có một kinh nghiệm khá thú vị. Nhiều khi viết truyện tới chỗ bế tắc, chẳng biết đưa câu chuyện tới đâu. Qua một đêm ngủ, đường đi nước bước bỗng dưng thông suốt một cách dễ dàng. Chẳng biết có phải vì giấc mơ không! Tiến Sĩ Koch-Sheras bảo là phải. “Có gì đâu! Cứ thư giãn và bảo với cái bộ phận đầu não nằm mơ hãy cho bạn cái bạn muốn. Rồi sau đó hãy chú ý tới những gì bạn thấy trong giấc mơ, hãy cố nhớ giấc mơ khi tỉnh giấc.”
Nhớ tới giấc mơ? Có khi chúng ta nhớ được, có khi quên lửng mất. Tại sao vậy? Bởi vì cái cách chúng ta thức giấc từ một giấc mơ rất quan trọng để nhớ lại nó. Như là có một khung cửa sổ huyền nhiệm mà khi thức giấc chúng ta phải lập tức hướng sự chú ý đến cánh cửa sổ đó thì chúng ta sẽ nhớ lại giấc mơ rất rõ. Mất dịp may với cánh cửa sổ là mất tiêu luôn, chúng ta sẽ quên tuốt luốt giấc mơ!
Ngủ là một thời gian thú vị. Chỉ trong giấc ngủ chúng ta mới tự do hoàn toàn để đi vào mộng. Chúng ta mặc sức vẽ ra một cuộc sống như ý mà chẳng sợ ai kiểm duyệt hay... véo nát đùi! Tò mò cho lắm thì cũng... bên kia biên giới.
Kiếm mãi, nghi hoài hay ghen bóng gió
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ
Cũng như em giấu những điều quá thực.
(Xuân Diệu)
Hoa cỏ lạ lẫm, đẹp đẽ và xa cách đến thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn mặc sức hái. Nó là một lối giải thoát rất thanh thản và... miễn phí.
qua sông chợt thấy bờ sông
xanh rì một đám cỏ bồng và em
bỗng dưng, ừ bỗng dưng thèm
gối đầu ngủ giấc bình yên xanh và...
( Từ Thế Mộng )
Giấc bình yên xanh, chẳng phải lúc nào cũng có. Cuộc đời chộn rộn nhiều khi đánh cắp mất giấc ngủ. Ngủ trở thành điều phiền toái. Tỷ như ứng chiến 24/24 mà mắt cứ díp lại thì còn đánh đấm gì được nữa. Người lính, như vậy, chẳng nên ngủ nhiều. Nhưng ít ngủ thì uể oải, người ngợm cứ lơ mơ thì cũng chẳng làm được chuyện gì nên hồn, nói chi tới chuyện sống chết là... trao đổi đạn dược với đối phương. Làm sao vừa nhịn ngủ vừa nhịn ăn mà tinh thần cứ cao vòi vọi được? Chuyện tưởng như bất khả thi thì Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã nghĩ tới. Họ đang tài trợ một chương trình nghiên cứu mang tên Metabolic Dominance nhằm tạo ra những “siêu nhân” bằng xương bằng thịt có khả năng nhịn ăn nhịn ngủ suốt tuần lễ hoặc dài hơn nữa mà vẫn cứ phom phom đánh đấm như thường. Làm sao mà thực hiện được chuyện không tưởng như vậy?
Ai cũng biết là cơ thể con người có khả năng tự đốt các mô mỡ của mình để lấy năng lượng thay vì đốt các vật liệu carbure hydro từ thức ăn. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có thể diễn ra trong từng khoảng thời gian không dài với khoảng cách nhất định. Vì nếu để kéo dài liên tục, lượng độc tố tích tụ trong quá trình sẽ làm hại não. Với tài trợ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, một nhóm khoa học gia dường như đã tìm được cách giúp cơ thể đốt mô mỡ mà không làm tổn hại não và tìm được cả những chất để đưa vào cơ thể nhằm làm cho quá trình chuyển hóa năng lượng từ mô mỡ diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn. Một giải pháp của cuộc nghiên cứu là tìm hiểu phương thức truyền năng lượng cho các tế bào mà ngôn ngữ bóng bẩy gọi là “xây dựng những nhà máy điện tí hon bên trong cơ thể con người”. Nhưng những nhà nghiên cứu cũng gặp phải một trở ngại: khi con người hoạt động vất vả, như một binh sĩ phải mang vác nặng, hoạt động mạnh trên chiến trường, thân nhiệt sẽ tăng cao. Điều này làm tăng tiết một số loại protéin có ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, thậm chí giết chết một số tế bào nhất định. Muốn tránh trở ngại này, người ta đưa ra hai giải pháp: hoặc ngăn chặn việc sản xuất các protein gây rối, hoặc khống chế thân nhiệt. Lối giải quyết thứ hai xem ra dễ thực hiện hơn.
Còn làm sao để không cần ăn mà vẫn cứ khỏe mạnh, đánh đấm như điên? Viện Dinh Dưỡng thuộc Đại Học Klemson đã nhận số tiền tài trợ 900 ngàn đô của Bộ Quốc Phòng để nghiên cứu giải quyết. Hướng đi của họ là nghiên cứu trên loài cỏ dại có tên khoa học là Echinacea, vẫn được cho là có khả năng tác động tích cực lên cảm giác mệt mỏi cơ bắp và sự thương tổn của bộ não con người. Từ thứ cỏ này, người ta sẽ bào chế ra những viên thuốc mà hễ cứ nuốt vào thì con người sẽ mất cảm giác đói hàng tháng trời.
Nhiều loài vật, như cá heo chẳng hạn, có bộ não không bao giờ ngủ toàn phần. Cứ thử hình dung như thế này: bộ não ấy được chia thành nhiều ngăn, một ngăn ngủ trong khi ngăn kia thức, cứ thế thay phiên nhau. Hoặc loài chim di cư thường vừa bay vừa ngủ, nghĩa là ngủ lơ mơ trong khi não vẫn chừa ra một khu vực để kiểm soát chuyến bay vạn dặm. Nhưng làm sao chuyển hóa được cách thức ấy cho con người? Đã có những nhà khoa học nghĩ tới việc áp dụng phương pháp chuyển đổi gene. Ý nghĩ này hơi phiêu lưu vì ngay chính gene của con người còn chưa được giải mã hết, nhiều gene vẫn còn là những dấu hỏi to lớn, liệu có thứ gene nào giống như gene của các loài vật trên không?
Người ta cũng nghĩ đến một lối khác là dùng các chất kích thích như trà, cà phê và các loại dược liệu khác. Trên thực tế, chất amphetamine, một dạng của thuốc chống ngủ, đã được ứng dụng từ Thế Chiến Thứ Hai trong quân đội của cả hai phe tranh chấp. Gần đây, loại thuốc chống ngủ thế hệ mới có tên Progivil, hay còn gọi là Modafinil đã được cơ quan Quản Lý Dược Phẩm và Thực Phẩm Mỹ cho dùng trên thị trường để chống chứng buồn ngủ kinh niên. Trong cuộc chiến Iraq hiện nay, binh sĩ Mỹ đã được cho dùng loại thuốc này. Kết quả binh sĩ có thể thức trắng 40 giờ, sau đó ngủ 8 giờ, rồi lại thức tiếp 40 giờ nữa. Nhưng việc dùng thuốc này còn nhiều hạn chế, không thể dùng liên tiếp mà không có phản ứng.
Hay là không ngủ như các pha kia Ấn Độ? Nhiều người trong số họ đã không ngủ hàng chục năm trời. Nghiên cứu tại sao thì mới phát hiện ra là hình như có một từ trường mạnh có khả năng chuyển vào não những xung điện có thể làm cho các tế bào thần kinh trở nên nhược hoạt. Người ta đã thử thí nghiệm phương pháp này, nhưng chẳng có binh sĩ nào tình nguyện cả. Có 75 binh sĩ đã được chọn ra để nghiên cứu và kết quả sẽ được công bố một ngày gần đây.
Đang nói chuyện ngủ thì lại đụng vào chuyện không ngủ. Lảng nhách! Pho pho một giấc có phải là... thiên đường hơn không! Như chuyện ngủ của đàn ông và đàn bà. Hừm! Nghe ra như lại không phải là chuyện ngủ. Nó là một thứ khác. Thứ mà người ta hiểu là đánh cờ người. Oan uổng cho chữ ngủ quá. Vì hoạt động loại này thì ngủ nghê cái nỗi gì!./.
Song Thao
08/2004
http://www.songthao.com/phiem-1/ngu.htm