Quyên Di: Bảng Mẫu Tự Tiếng Việt vốn đã hay và đủ

Bảng Mẫu Tự Tiếng Việt vốn đã hay và đủ

Quyên Di


Bài viết ngắn này không nhằm “tranh luận” với PGS TS Bùi Hiền về đề nghị “cải tiến chữ Việt” của ông cho bằng, nhân cơ hội này, chúng ta ôn lại với nhau những điểm căn bản của chữ Quốc Ngữ, là thứ chữ dùng mẫu tự La-tinh để ký âm tiếng Việt.
Bài viết rất ngắn này cũng không phải là một công trình nghiên cứu để đem ra thảo luận với các nhà ngữ học và ngôn ngữ học về tiếng Việt.
Gọi là căn bản, điều này có nghĩa là đụng chạm tới những điểm này, thay đổi hay xoá bỏ những điểm này thì chữ Quốc Ngữ không còn là chữ Quốc Ngữ nữa, mà là một thứ chữ gì khác rồi, nói rõ hơn là giết chết chữ Quốc Ngữ rồi. Cũng giống như một cái cây, người ta có thể hái hoa, hái quả, thậm chí cắt bớt cành, cái cây vẫn là cái cây; nhưng khi người ta đốn gốc, đào rễ thì cái cây không còn là cái cây nữa. Nó chết. Căn bản có nghĩa là rễ (căn), gốc (bản). Bởi vậy người ta mới nói kẻ mất gốc là “vong bản.”
 
Đây là những điểm căn bản của chữ Quốc Ngữ:

1. Chữ Quốc Ngữ là một hệ thống ký âm: âm phát ra như thế nào thì dùng những chữ cái (mẫu tự, ký tự) a, b, c, d, đ v.v… để ghi lại âm đó lên trên giấy. Cũng giống như người ta dùng những nốt nhạc do, re, mi, fa, sol, la, si để ghi lại trên giấy âm thanh của một khúc nhạc, một bản nhạc. Điểm này cho thấy chữ Quốc Ngữ và chữ Hoa (chữ Tàu) đặt trên hai nền tảng hoàn toàn khác nhau: chữ Hoa đặt trên nền tảng hình vẽ, hình tượng thế nào thì vẽ ra như thế, đơn giản nét đi rồi cho vào một ô vuông tưởng tượng mà thành ra chữ.
 
2. Chữ Quốc Ngữ là thứ chữ ghi tiếng nói của cả nước chứ không phải ghi tiếng nói của một miền, một vùng, một thành phố, cho dù thành phố đó là Hà Nội. Khi các nhà truyền giáo sáng tạo chữ Quốc Ngữ, các ông này đã đi khắp tất cả mọi nơi trên đất nước ta: Đàng Trong, Đàng Ngoài, miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thu thập các cách phát âm, tổng hợp lại mà ra các âm (thể hiện bằng những chữ cái) và các thanh độ (thể hiện bằng các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.) Khi chỉ dựa vào cách phát âm của một miền, một vùng, một thành phố để làm thành bộ chữ thì thứ chữ ấy không thể được gọi là chữ Quốc Ngữ nữa. Ấy là chưa kể người của một vùng có thể thay đổi cách phát âm, lý do là có sự thay đổi người sinh sống ở vùng ấy. Người Hà Nội trước đây và người Hà Nội bây giờ trong cách phát âm có nhiều điểm không giống nhau.
 
3. Chữ Quốc Ngữ là thứ chữ có thể nói là duy nhất tại Á châu nằm trong khối chữ viết dùng hệ thống mẫu tự La-tinh. Những thứ chữ khác tại Á châu cũng dùng bảng mẫu tự La-tinh đều chỉ có tính cách thử nghiệm hoặc sử dụng trong phạm vi hạn hẹp, hầu như chỉ có tính cách phiên âm mà thôi. Đã gọi là nằm trong một hệ thống thì cách phát âm qua ký hiệu là các chữ cái phải giống nhau hoặc tương tự. Thí dụ: âm [thờ] được ký âm bằng hai chữ cái T và H: TH. Nhìn ký tự TH, người ta phát âm được là [thờ]. Nếu đổi đi, dùng ký tự W để ghi âm [thờ] thì tự mình tách ra khỏi hệ thống chung, gây rắc rối, khó hiểu chứ không phải là “hội nhập” thế giới. Người dạy tiếng Việt ở nước ngoài, khi dạy thường phải dùng phương pháp đối chiếu các ngôn ngữ: tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha. Học viên cảm thấy chữ Việt cũng có cách viết tương tự như ngôn ngữ của họ khiến họ cảm thấy dễ học, dễ viết. Đổi TH thành W để ghi âm [thờ] thì học viên chỉ có nước… chết!
 
4. Bảng mẫu tự tiếng Việt vốn có (từ thời Alexandre de Rhodes) (1) dựa vào nguyên tắc “đơn giản tối đa” để dễ học, dễ nhớ. Thí dụ: đã có ký tự P và ký tự H, ghép lại thành PH để ký âm [phờ] thì không cần F phải có mặt trong bảng mẫu tự nữa. Vì thế mà trong bảng mẫu tự tiếng Việt không có những chữ cái F, J, W, Z.
 
5. Tuy đơn giản, bảng mẫu tự này lại rất tinh tế. Cùng là âm [cờ] mà bình thường được ghi bằng ký tự C, lại được ghi bằng ký tự K khi âm [cờ] này đứng trước những âm I, E, Ê vì đây là 3 âm đầu lưỡi, và được ghi bằng ký tự Q(u) khi đứng trước những âm/vần bắt đầu bằng UY (và OA.) (2) Bỏ mất điểm tinh tế này đi, chữ Quốc Ngữ mất đi phần nào nét đặc biệt của nó. Vả lại, nếu đồng hoá, chỉ dùng K cho tất cả các âm [cờ] thì sẽ ra tình trạng hai chữ CỦA và QUẢ được viết giống nhau: KỦA.
 
6. Chữ Quốc Ngữ có đặc điểm là âm nào phát ra được cũng ghi (viết) được và chỉ có một cách viết đúng mà thôi. Thí dụ: phát âm là [chuyện] với phụ âm [chờ] đứng đầu thì phải viết là CHUYỆN; mà phát âm là [truyện] với phụ âm [trờ] đứng đầu thì phải viết là TRUYỆN. Người Hà Nội có thể phát âm hai âm [chuyện] và [truyện] giống nhau, đều là [chuyện] mà thôi, nhưng tại rất nhiều vùng trên toàn đất nước, đồng bào mình phát âm rất rõ hai âm [chuyện] và [truyện]. Không nên làm nghèo cách phát âm phong phú của người mình.
 
Tóm lại,
 
Bảng mẫu tự tiếng Việt, nếu là bảng tiêu chuẩn, có 23 chữ cái:

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y

 
Bảng mẫu tự tiếng Việt, nếu là bảng đầy đủ, có 29 chữ cái:

A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y

 
Chúng tôi thấy đây là hai bảng mẫu tự rất đơn giản và đầy đủ, không cần phải cải cách, thêm bớt gì cả.
Còn việc phiên âm những tiếng nước ngoài, trong đó có các ký tự F, J, W, Z lại là một vấn đề khác, chúng tôi không bàn tới ở đây.

Sự “cái tiến” như PGS TS Bùi Hiền đề nghị đã làm méo mó chữ Quốc Ngữ, nếu không muốn nói là ám sát nó, rất nguy hại. Nó khiến người ta hoang mang, tốn thì giờ, tốn công sức. Và nếu vô phúc nó được đem ra áp dụng thì tiết kiệm đâu không thấy, chỉ thấy nó tiêu phí rất nhiều năng lực, thì giờ và tiền bạc.
Để tránh sự nguy hại này, chúng tôi đề nghị chúng ta không tiếp tay phổ biến nó, cho dù chỉ là phổ biến để làm trò cười với nhau. Càng làm cho nhau cười, thứ chữ “cải tiến” này càng lan rộng. Các em trẻ tuổi vốn thích nghịch ngợm đã “chế tác” ra đủ các loại chữ viết “bí hiểm” để “chít chát” với nhau, nay gặp được thứ đồ chơi này sẽ đem ra dùng… cho biết. Dùng hoài hoá thiệt. Rốt cuộc, người ta không còn biết đâu là đúng đâu là sai nữa. Bây giờ đã thấy xuất hiện một bộ “Cuyển dổi Tiếq Việt” rồi đó. (3)
 
Quyên Di
 
(1) Alexandre de Rhodes không phải là ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Khi đến đất Việt để truyền đạo, ông phải học tiếng Việt qua các sách (chép tay) của các giáo sĩ Bồ-đào-nha đã đến miền đất này trước ông. Nhưng Alexandre de Rhodes đã có công lớn nhất trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ. Ông là tác giả hai tác phẩm chữ Quốc Ngữ đầu tiên, ấn hành tại Rome năm 1651: “Tự Điển Việt-Bồ-La” và “Phép Giảng Tám Ngày.”
 
(2) Sự thật QUÝ là QU + UÝ, khi viết chúng ta giản lược một chữ U, thành ra QUÝ; QUẢ là QU + OẢ, khi viết chúng ta giản lược chữ O, thành ra QUẢ. Hiện tượng này cũng tương tự như GIÊNG là GI + IÊNG, khi viết chúng ta giản lược một chữ I thành ra GIÊNG. Có thể một số vị không đồng ý với cách giải thích này.
 
(3) Chúng tôi không mất thì giờ ghi lại tất cả những thay đổi, thêm bớt vào bảng mẫu tự tiếng Việt của PGS TS Bùi Hiền mà ông gọi là “cải tiến”. Tiếp tay phổ biến chúng làm gì! Chúng tôi cũng không tiếp tục thảo luận về vấn đề “cải tiến chữ Việt” trên trang Facebook này. Không ích gì! Ngoại giả, không ai cấm vấn đề “cải tiến chữ Việt” được trình bày và thảo luận trong các cuộc hội thảo ngôn ngữ.
 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top