Phan Nhật Nam
Về “Vũng lầy Văn Học Miền Nam sau 1975”
Thư gửi Người Bạn Viết Văn,
Thay Lời Dẫn Nhập.
Thân gởi ông,
Tôi với ông giao tiếp với nhau từ trước 1975, tuy không thân thiết gắn bó, nhưng cũng đủ thấm tình nghĩa “chi giao như đạm thủy”, tức là có vẻ nhạt nhạt nhưng bền, do không phải lâm vào những tình thế “tranh chấp” vì bất cứ người, việc, vụ việc gì. Trước khi vào chủ đề chính của thư nầy, tôi cần nói rõ (lại) một điều: Bản thân vốn không ham bày chuyện về những vấn đề tôn giáo-văn hóa-chính trị lớn lao vì biết rõ/biết đúng đấy không phải là “chuyện của mình”! Cũng bởi, vì chỉ là một Người Lính với tất cả định nghĩa, giản dị, cụ thể dẫu không mặt áo lính từ sau 1975. Nay, đến tuổi chạm 80, ý niệm trên lại càng chính xác vì chẳng ai tự mình xướng lên là “lão quân nhân”; hoặc danh tính “nhà báo/nhà văn/nhà thơ” lại càng không đúng. Vâng, tôi chỉ là một Người Lính- Ở Lính một ngày, ở lính mãi mãi cho đến chết - Ông Tướng Mỹ McArthur đã nói vậy.
Nhưng nay, bởi ông vừa chuyển cho tôi bài viết của Tác Giả Đỗ Trường (?), “Người Chuyên Chở Văn Học Miền Nam Qua Vũng Lầy Lịch Sử”, bài viết lại do Phạm Tín An Ninh (PTAN), một người lính trước năm 1975 ở Miền Nam chuyển lại trên hệ thống NET. PTAN là một người lính, bài viết lại có đề cập đến những “Người Lính VNCH cầm bút trước 1975 ở Miền Nam” trong đó có cá nhân tôi (chỉ nói sơ lược chung chung). Bài viết do những người trẻ tuổi (so với thế hệ tôi và ông) lớn lên sau 30/4/1975 dưới chế độ gọi là “CHXHCN” chỉ huy bởi hệ thống lãnh đạo thuộc Bộ Chính Trị đảng CS Hà Nội (tôi không thể đành lòng gọi danh xưng VN- Vì Dân Tộc VN không có thứ loại đảng nầy) độc trị từ sau 10/1954 ở Hà Nội, sau 30/4/1975 ở Sàigòn. Vì đây là một vấn đề chung liên quan đến nhiều người nên tôi có lá thư/bài viết nầy gởi đến ông
Một.
Bài viết cuả Đỗ Trường có đoạn mở đầu: “Đầu năm 2022, tôi (ĐTrg) bất ngờ đọc được bài viết “Níu Một Đời, Giữ Một Thời” của tác giả Ban Mai (?), một nhà văn trẻ trong nước.. Mở đầu bài viết, tác giả (BM) đã vẽ lại bức tranh đen tối, kinh hoàng sau ngày 30.4.75: Phần lớn (phải nói là hầu hết-Pnn) người Miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn (tù tội, kết án chết-Pnn). Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức Miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thụ tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương Miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên…”Và tác giả (BM) cho biết tình cờ được may mắn tiếp cận với dòng văn chương miền Nam: “Mùa hạ năm 2010, tôi (BM) tình cờ đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu về tác phẩm “Những cơn mưa mùa Đông” của tác giả Lữ Quỳnh do nxb Thư Ấn Quán ở Mỹ xuất bản. Bắt đầu từ đó, tôi tìm đọc dòng văn chương Miền Nam Việt Nam do nxb Thư Ấn Quán phát hành, vì ngày xưa trước năm 1975 tôi còn quá nhỏ chưa hiểu biết gì, tôi sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, thuộc Miền Nam Việt Nam vì vậy tôi không muốn văn chương Miền Nam bị thất lạc và bôi xoá, tôi cần phải tìm hiểu và phổ biến lại cho thế hệ trẻ ở trong nước biết…
Thật may mắn, mùa thu năm 2011 nhà thơ Vũ Trọng Quang (?) từ Sài Gòn photo cho tôi trọn bộ “Văn Miền Nam”(4 tập) và 2 tập “Thơ Miền Nam thời chiến” do Thư Ấn Quán phát hành năm 2009.. Nhờ ông (Trần Hoài Thư-Pnn), tôi (BM) có được một cái nhìn khái quát về diện mạo nền văn chương Miền Nam Việt Nam mà hiện nay ở trong nước đã không còn nữa.”
Cuối bài, tác giả (BM) có nhiều lạc quan về cái nhìn của một một số trí thức trẻ trong nước và kêu gọi sự tiếp tay của mọi người trong trách nhiệm “bảo tồn và chia sẻ Văn Học Miền Nam cho đời sau (Đời nầy không xong nói chi đến đời sau?!-Pnn)”.
Ban Mai dẫn chứng cho sự tin tưởng của mình với luận cứ: “Bên trong nước, mấy năm gần đây có một bạn trẻ Nguyễn Trương Trung Huy (?) ở Sài Gòn cũng dày công sưu tầm Văn học Miền Nam và bộ sưu tập của bạn ngày một đồ sộ đáng cho ta kinh ngạc, đó là một kỳ công… Có một giáo viên (Ai? Ở đâu? Khi nào? – Pnn) đã đem bài thơ “Ta Về” của Tô Thùy Yên cho học sinh bình giảng, với những câu thơ đầy tính nhân văn: “Ta về như lá rơi về cội/Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc biển dâu này”. Tuy đây chỉ mới là một hành động đơn lẻ nhưng đó là một tín hiệu vui”
Hai.
Bài viết của Ban Mai dẫn chứng ở trên, khiến: “.. tôi (PTAN) bỗng nghĩ ngay đến một người khác, mà diện mạo của ông trong lĩnh vực này lúc nào cũng sáng lên trong suy nghĩ và hy vọng của tôi: Nhà văn Đỗ Trường. Đỗ Trường người Nam Định, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm năm 1980. Năm 1987 ông nghỉ học, đi buôn rồi theo lao động xuất khẩu sang CHDC Đức. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ông ở lại và cùng cả gia đình định cư tại thành phố Leipzig, CHLB Đức… Đỗ Trường viết về một số tác giả tiêu biểu, những người lính cầm bút miền Nam (Nhân Ảnh xuất bản năm 2022.) Ngoài ra, là một loạt các truyện ngắn, tùy bút, ký sự, biên khảo đựợc độc giả khắp nơi đón nhận khá nồng nhiệt. Sự nghiệp văn chương chưa dày lắm, nhưng tên tuổi ông đã nổi bật cả trong lẫn ngoài nước, bởi các bài nghiên cứu khá tường tận, với những nhận định một cách khá công tâm, sâu sắc, tinh tế về nền văn học miền Nam, đặc biệt qua những tác giả vốn là những người lính cầm bút trong và sau cuộc chiến”PTAN nhận định “sự nghiệp” (gọi chung cho là như thế-Pnn) của ĐTrg qua dẫn chứng: “Lần đầu tiên tôi biết và đặc biệt lưu ý tới Đỗ Trường, cách nay hơn mười năm, khi đọc được bài viết “Những Giải Văn Học Không Có Thật”. Ông phê phán (có thể gọi là lên án) Hội Nhà Văn Việt Nam tại Hà Nội đã trao giải thưởng cho tác phẩm Dị Hương của một tác giả trong nước: Đỗ Trường viết: “Ngắc ngứ mãi, rồi tôi cũng đọc xong truyện ngắn Dị Hương của Sương Nguyệt Minh. Quả thật, ngoài những pha làm tình mang dáng dấp từ truyện Đồi Thông Hai Mộ, Gia Long Nguyễn Ánh hiện lên đậm tính lục lâm thảo khấu với giọng văn kiếm hiệp phương Bắc…” Để rồi ông (ĐTrg) nhận định thêm về “hiện tượng” đa số các cây bút trong nước lúc ấy: “Trong khi viết về chiến tranh, các cây bút (thuộc chế độ cs-Pnn) trong nước thật sự chưa có cái nhìn công bằng với những người quân, cán của VNCH. Họ vẫn hiện lên đầy rẫy ở các tác phẩm với những hình ảnh méo mó, với những tên gọi xếch mé. Gần đây nhất tôi mới thấy các cây viết trong nước ca ngợi một người lính VNCH, vì anh có công cùng với người lính Mỹ cất giữ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm (?-Pnn), để hôm nay chúng ta mang ra phát động tuyên truyền..”
PTAN tiếp nhận định (tốt) về ĐTrg: Sau này, qua nhiều bài giới thiệu, nhận định, phê bình về một số tác giả và tác phẩm miền Nam của ông (ĐTrg), tôi (PTAN) dần dà có nhiều thiện cảm và đánh giá cao về khả năng văn chương, đặc biệt ý thức về một nền văn học mà cá nhân ông trước đây chưa từng biết qua, và chắc chắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã từng bị đầu độc đó là loại “văn chương phản động”, “văn chương đồi trụy” mà sau tháng 4 /1975 chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách hủy diệt, nhưng không thể..Đặc biệt, trong bài “Văn Học Miền Nam–Một Góc Nhìn”được viết ngày 16.11.2021, nhà văn Đỗ Trường đã có cái nhìn rất sâu sắc về Văn Học Miền Nam, đặc biệt hai khía cạnh Hiện Thực và Nhân Bản… Có được sức sống lâu dài ấy, cũng bởi Văn Học Miền Nam chứa đựng những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Hai giá trị cơ bản của văn học này, dường như ta rất ít gặp ở những tác phẩm ngoài Bắc trong cùng giai đoạn chiến tranh 1954-1975, bởi tính tuyên truyền đã bóp nghẹt những giá trị ấy. Dù miền Bắc có rất nhiều nhà văn tài năng”
Và PTAN kết luận qua bài viết của ĐTrg: Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi (ĐTrg) chỉ đi sâu vào cái giá trị hiện thực, và nhân đạo của Văn học miền Nam (trong chiến tranh-Pnn) dưới ngòi bút của những nhà văn người lính mà thôi. Có thể nói, chiến tranh tuy tàn khốc, nhưng đã sản sinh ra một loạt các nhà văn, nhà thơ tài năng xuất thân từ những người lính.. Những tác phẩm còn nguyên mùi khói thuốc súng, vang tiếng đạn bom của họ như một luồn (thiếu chữ “g”-Pnn) gió mới làm thức tỉnh, và giải tỏa sự bế tắc của Văn thơ miền Nam đang gà gật lúc đó. Và những tác phẩm ấy gắn liền với hiện thực của xã hội, sự tàn khốc chiến tranh, cũng như thân phận người lính.
Đỗ Trường tiếp tục nhận định thêm về Văn Học Miền Nam trước 1975: “..Có thể nói, những nhà văn miền Nam (1954-1975) không chịu ảnh hưởng, chi phối bởi bất kể thế lực, đảng phái nào.. Với tư tưởng như vậy, nên nền Văn học miền Nam được hình thành bởi những giá trị hiện thực, và nhân đạo là điều hiển nhiên.. Văn học như một chiếc cầu nối lịch sử đến với con người vậy. Và chính những nhà văn người lính (VNCH trước 1975-Pnn) đã nối những nhịp cầu ấy. Thật vậy, giữa sự sống và chết rất mỏng manh nơi chiến trường, vậy mà ta vẫn thấy tính nhân bản của con người chợt hiện lên…Và cái tình người ấy, dường như xuyên suốt trang thơ của người lính… Đỗ Trường kết luận bài viết của mình qua nhắc tới tập Thơ của Phạm Ngọc Lư (?): “Phạm Ngọc Lư - Người Vẫn Giữ Lửa Cho Nền Văn Học Miền Nam” (1954-1975)”
Ba.
Không chỉ viết về những tác giả, tác phẩm của Văn Học Miền Nam, Đỗ Trường cũng viết về một số nhà văn nhà thơ tiêu biểu miền Bắc (ý là để có vẻ công bằng, khách quan-Pnn). ĐTrg ca ngợi tài năng, sự thành công và cả thái độ “phản tỉnh” của họ, nhưng cũng đã thẳng thắn phê phán những trường hợp sai lầm, tiêu cực như sau:-Trong bài “Vài Suy Nghĩ Về Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh Của Nguyên Ngọc” có một đoạn Đỗ Trường viết: “Đọc “Hậu Báo Văn Nghệ Và Nỗi Buồn Chiến Tranh” của nhà văn Nguyên Ngọc, tuy rất khoái, nhưng tôi cảm thấy còn chút lăn tăn”. Đỗ Trường giải thích về “chút lăn tăn” như sau:“Bởi, không chỉ Nguyên Ngọc, mà một số nhà văn trong nước (sau 1975-Pnn) vẫn còn luyến tiếc cái Trường viết văn Nguyễn Du. Một cái trường, dường như có tác dụng hợp thức hóa bằng cấp (bằng cấp gì-Pnn) cho các bác vừa từ chiến trường trở về thì đúng hơn. Chứ các bác đã thừa biết, có cái trường quái nào đào tạo được nhà văn, nhà thơ đâu. Do vậy, không những (rất cần-Pnn) giải tán cái trường này, mà các bác nên giải tán luôn cái Hội nhà văn, cái Văn Nghệ Quân Đội, cũng như các trường báo chí tuyên truyền, trường luật pháp cùng các đoàn, trường nghệ thuật quân đội đỡ gánh nặng thuế má của người dân.
Đỗ Trường tiếp nhận xét: “Tôi đồng ý với Nguyên Ngọc về sự đánh giá cao Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Tuy nhiên, cuốn sách này còn không ít những đoạn Bảo Ninh lên gân, và bốc phét hơi bị nghĩa lộ, chứ không toàn bích như Nguyên Ngọc đã viết.
ĐỗTrường kết luận (về nhà văn Miền Bắc qua NBCT/BN-Pnn): Cách nay vừa tròn hai mươi năm (1993), tôi (ĐTrg) có về Hà Nội, gặp được ông em họ vừa ở tù ra vì can tội là lính thám kích, quân đội VNCH. Tôi có đưa cho hắn cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh. Đọc xong, hắn bảo, ông Bảo Ninh viết hoàn toàn sai về người lính VNCH.”
Bày ra cách bát nháo tầm phào của Bảo Ninh trong NBCT xong, đến lượt Hữu Loan tiếp bị “nhìn tận mặt”. Trong bài “Hữu Loan – Tài Năng Và Sự Mâu Thuẫn Trong Tư Tưởng Cũng Như Thi Ca”, (viết nhân 10 năm ngày mất của thi sĩ Hữu Loan), Đỗ Trường đã đưa ra một vài chi tiết mà gần như hầu hết trong chúng ta (tất cả người VN-Pnn) chưa được biết: “Khó hiểu, và bất ngờ hơn nữa, trong cùng một thời điểm Hữu Loan viết bài ngợi ca: Chế Độ Ta, khác hẳn với sự châm biếm, đả kích ở bài, Cũng Những Thằng Nịnh Hót. Sự mâu thuẫn, nhức nhối này, làm cho người đọc một cảm giác “Cây gỗ vuông chành chạnh” Hữu Loan, dường như còn một khuôn mặt khác nữa?! Hãy nghe Hữu Loan ca ngợi Chế Độ Ta (Chế độ CSHà Nội-Pnn): “…Chế độ ta. Đến đâu. Mặt trời theo. Đến đấy. Chế độ ta. Đã dạy. Cho mặt trời. Công bình… Chế độ ta. Không còn hành khất. Không còn người ăn sương. Nhân loại cần lao. Lớp lớp. Lên đường. Mặc áo muôn màu. Hát muôn thứ tiếng. Tay nắm tay thân mến. Ta giữ hòa bình. Cho chế độ ta đây…” Chưa hết, Hữu Loan, khuôn mặt hãnh diện độc nhất còn lại của văn nghệ sĩ Miền Bắc sau 1954 nhìn cuộc di cư của triệu người về Nam: ”.. Hốt hoảng gọi nhau. Không kịp vớ áo quần. Những đêm Hà Nội ngày xưa. Lõa lồ. Mình đầy ung độc. Đã xuống tàu đêm. Vào Sài Gòn. Tất cả. Những đêm Sài Gòn. Ngày nay. Đêm giang mai. Tẩu mã. Đang mưng (mưng mũ-Pnn).
Nhưng không chỉ với Hà Nội sau Tháng 10/1954 cụ thể qua Hữu Loan như trên đã dẫn, điễn hình với văn công kháng chiến hàng đầu như Trần Dần cũng phải ngao ngán than: Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ?! sau khi cắt mạch máu tay, tự cứa cổ! Và Tố Hữu thì khóc Stalin hơn cả ông cố nội và đồng bào cùng ruột thịt thì, “Giết! Giết! Bàn tay không phút nghỉ!”. Nhưng ngay với Đinh Thị Thu Vân trong Hội Văn Nghệ Long An (Là ai, viết những gì? Pnn), người Miền Nam, Long An chính gốc cũng đã reo vui với những lời gọi là thơ (“đạt tiêu chuẩn-mang tính đảng”-Pnn) như sau: “…Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư. Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất. Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất. Không một lần dám sống hy sinh.”
Vấn đề của văn học, văn nô cộng sản ở trong nước (trước, sau 1975) không thuộc chủ đề của lá thư nầy, hẹn với qúy độc giả vào một dịp khác, bài viết khác.
Bốn.
Trở lại vụ “Vũng lầy văn học” từ trích dẫn Ban Mai, Đỗ Trường.. của thế hệ “nhà văn trẻ phản tỉnh trong nước”, và “nhà văn Lính VNCH nơi hải ngoại, PTAN”, đến đây chúng ta có thể hình dung ra kết luận: Vì đâu, như thế nào, với ai về cái “đầm lầy văn học” mà tác giả Ban Mai đã nêu ra với câu hỏi (có vẻ) thiệt thà: Phải chăng chỉ sau 30 Tháng 4/ 1975 do “đòn thù” của Hà Nội áp đặt lên giới văn hóa/người viết văn, làm thơ/cụ thể với người viết văn gốc lính VNCH - Cái “đầm lầy bế tắc” thảm hại ấy mới bày ra? Và nay 47 năm sau 1975 nơi hải ngoại do tác động khốc liệt của Nghị Quyết 36, sức chiến đấu của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đã rút xuống vị thế phòng thủ bị động toàn diện trên các mặt Văn Hóa-Chính Trị-Kinh Tế-Xã Hội bởi kế hoạch “Cộng sản hóa/Bắc kỳ hóa” đã áp dụng thành công ở Hà Nội sau 1954, Sàigòn-Miền Nam sau 1975 – “Đầm lầy văn học” thảm hại nầy càng hiện rõ. Cuối cùng bài viết của PTAN - Ngoài việc giới thiệu đến độc giả diện mạo đặc biệt đáng quí của một nhà văn sinh ra và lớn lên từ miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh, cũng để thay cho lời cám ơn gởi đến nhà văn Đỗ Trường, người đã “chuyên chở văn học miền Nam, đặc biệt những người lính cầm bút miền Nam (có hy vọng-Pnn), vượt qua vũng lầy của cuộc chiến” do chế độ CS man rợ đã cố tình hủy diệt sau tháng 4.1975, để mang đến cho mọi người Việt Nam, đặc biệt những thế hệ hậu sinh trong nước, giá trị đích thực và vĩnh cửu của nó.Có thật như thế chăng? Và ”Hy Vọng-Viết hoa”- Pnn” của PTAN có là điều khả thể với những tác giả trẻ như Đỗ Trường, Ban Mai, Nguyễn Trương Trung Huy không? Phần cuối cùng nầy sẽ là trả lời với độ chân thực khả tín cao từ một người đã “mặc áo lính/có cầm viết” nơi Miền Nam từ thập niên 1960 cho đến hôm nay, 2022. Nhưng, cần nói lại thêm một lần, tôi không là “Nhà văn quân đội” mà chỉ là một “Người Lính/Chuyên Nghiệp Quân Sự 240.7/Chỉ Huy Một Đơn Vị Bộ Binh” đã (cầm) viết viết nên những cuốn sách - Công việc bình thường/rất bình thường ai cũng có thể thực hiện được nơi Miền Nam sau 1954 chẳng cần phải là lính hay không lính/Nhà văn hay không nhà văn! Nói rõ thêm một lần như thế để tránh những “đụng chạm” rất dễ xẩy ra giữa những nhân sự gọi là “nhà văn/nhà văn quân đội” đầy dẫy nơi hải ngoại, ở vùng Little Sàigòn, Nam Cali mà bản thân không hề dính dấp, không muốn liên hệ.
41- Về “diện mạo chính thống” của Văn Học Miền Nam (1954-1975).
Do giới hạn của chủ đề, mục tiêu bài viết, người viết đóng khung trong thời đoạn 21 năm (1954-1975) của hai kỳ VNCH với những tác phẩm của thành phần “Nhà Văn Lính VNCH” mà các tác giả Ban Mai, Đỗ Trường, Nguyễn Trường Trung Huy đề cập qua những trích dẫn kể trên, và nay Phạm Tín An Ninh đang có hy vọng sẽ được (những nhà văn trẻ dưới chế độ cs ở Hà Nội-Pnn) hồi phục, vượt qua đầm lầy. Chuyện “đầm lầy” văn học nghệ thuật Miền Nam cần nói ra như sau..Hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) là một thời kỳ văn học có nhiều đặc tính và hình thái. Có thời kỳ hưng thịnh và thời kỳ suy thoái. Biến động thời cuộc đã ảnh hưởng rất lớn lên đời sống văn chương, về cuộc sống các tác giả lẫn nội dung tác phẩm. Hai mươi-mốt năm, thời thế bắt đầu với Hòa Ứớc Genève 20/7/1954 chia đôi đất nước, và chấm dứt với ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng sản miền Bắc thôn tính xong miền Nam, đồng thời phá hũy, triệt hạ toàn diện xã hội, kinh tế, văn hóa của một quốc gia hằng gánh chịu chiến tranh sau một thời đọan hòa bình ngắn ngủi từ 1954 – Sự nghiệp chiến lược nầy giới cầm quyền cộng sản Hà Nội vẫn đang tiếp tục với đám văn công già, trẻ tay chân nô bộc.
Với chiến tranh, trong tình huống mọi sinh lực quốc gia dồn cả vào quân sự, và tất cả thành phần nhân sự nồng cốt của Miền Nam đều gia nhập quân đội, hiện thực việc cầm súng, chịu tác động trực tiếp bởi chiến tranh. Có người đã đánh giá rằng từ năm 1954, văn học miền Nam đã khởi đi từ một bến vắng với sinh hoạt văn chương không đáng kể so với nền “văn chương kháng chiến” (1945-1954).
Nhưng sau cuộc di cư của gần một triệu người dân miền Bắc vào Nam thì có sự thay đổi lớn. Văn chương trở thành tiếng nói cần thiết của những người xây dựng cuộc đời mới, sống động với những ước vọng dân chủ tự do nơi Miền Nam. Từ đó, một con đường văn học đã được vạch đi và hầu như là một con đường độc đạo. Đến thời điểm chiến tranh bùng nổ và càng ngày càng tăng cường độ (1965), với sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ; chiến tranh đã mang dân chúng về thành phố nên nông thôn vắng dần tạo nên thành phần thị dân chiếm đa số dân chúng.
Lúc ấy, niềm tin về tương lai tuy đã giảm đi và con đường độc đạo ấy đã phân hai thành hai khuynh hướng, một vẫn giữ những quan điểm tâm tình cũ (trước 1954), và một có khuynh hướng khác, nhìn vào thực tại đất nước để viết về và phê phán chiến tranh. Trong tập san Vấn Đề số tháng 5, 1968, Mai Thảo người chủ trương nhóm Sáng Tạo viết: “Năm 1954 còn ghi lại, chói lọi, cái đẹp ấy của mùa mới, cái đẹp ấy của lên đường..” Cũng với Mai Thảo trong bài phỏng vấn “Mai Thảo, nhà văn ở phút nói sự thật” với Nguyễn Nam Anh (Nguyễn Xuân Hoàng), Tạp chí Văn số 192 (Tháng 12, 1971) có đoạn trả lời khi nói về thời kỳ Sáng Tạo: “Tờ Sáng Tạo là của những thí nghiệm và những mở đường. Hậu quả nếu có cũng là của những thí nghiệm, những mở đường.” (Nhận định nầy trích đoạn từ bài viết của người bạn lính –viết văn Nguyễn Mạnh Trinh nay đã mất, 2021).
Thập niên 1960, 1970 (nếu) mới chỉ là “mở đường”, huống gì hiện nay, gần 50 năm sau 1975, văn học miền Nam bị chế độ cộng sản Hà Nội quyết liệt bôi xóa. Sau 30/4/75, sách vở bị đốt bỏ, nhà văn bị cầm tù; hàng ngũ văn nô cộng sản (của Miền Bắc, lẫn từ bưng biền Miền Nam về Sài gòn) đồng loạt lên tiếng đả kích, miệt thị theo chỉ thị của Đảng – Trong cảnh thực tế nấy, “Đầm lầy văn học Miền Nam/VNCH” hiện thực như một điều tất nhiên. Nhưng không chỉ có thế với sau năm 1975. Chúng ta cần phải lùi lại xa hơn (từ sau 1954) để tìm cho ra lẻ với bằng chứng xác đáng nhất, biểu hiện một phần nào sinh hoạt văn học Miền Nam qua các giải thưởng văn chương phát tại Sài Gòn trước 1975 - Với những tác phẩm do những người viết là quân nhân trong hàng ngũ Quân Đội Quốc Gia (1952-1955)- Quân Lực VNCH (1955-1975). Có thể kể những điễn hình như sau..
- Nguyễn Văn Thúy (không rõ năm sinh?) với bút hiệu Kỳ Văn Nguyên viết cuốn Những Kẻ Sống Sót (NKSS- NXB Tiến Hóa, Hà Nội 1949) trình bày “triết lý”: Ở vào bất kỳ thời đại nào, sau một sự biến cố, lòng người thường trở nên quá phức tạp và cuộc sống bi đát vô cùng. Vì mưu sinh mà con người chỉ nghĩ đến tư lợi và ích lỷ dầy xéo lên lẽ phải cùng đạo lý. Hằng ngày giữa cuộc sống gay go, những kẻ nghèo khổ tranh đấu một cách tuyệt vọng vì manh áo, miếng cơm đã làm cho những người còn sót lại đôi chút tâm huyết phải đau lòng suy nghĩ. Những cảnh làn ác bóc lột và tương phản kìa đã biết bao lần tái diễn trên quả đất này, và mỗi lần lại tạo nên rất nhiều cạn bã của xã hội.”
Nhưng dẫu được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc của chính phủ VNCH năm 1957, TVSL/KVNg được/bị nhận diện và đánh giá: “Với cốt truyện ấu trĩ kể trên, được diễn đạt bởi lối văn không có cú pháp, “Tìm về sinh lộ” thật đáng thẹn mà phải mang danh là “Tác phẩm thời đại” trong khi thật ra nó chỉ thuộc loại võ hiệp, trinh thám, kỳ tình, tiểu thuyết.” (Quan, Thị Châu nhân xem cuốn “Tìm về sinh lộ” của Kỳ Văn Nguyên. Tạp chí Bách Khoa: Số 74, Ngày 1 Tháng 2, 1960, tr. 77-82). Tạp chí Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang, viên chức hành chánh cao cấp của Chính Phủ VNCH sáng lập thì chắc rằng nhận định của Quan, Thị Châu không thể là do cộng sản giật giây; cho dù nơi BK có cây bút “đỏ” Vũ Hạnh đứng trụ. Trường hợp TVSL của “nhà văn quân đội” KVN ở năm 1957 xa xôi kia nay cần kể ra cốt để dẫn chứng: Đầm lầy văn học Miền Nam (nếu có) cũng chẳng cần đợi đến sau 30/4/1975 với đòn thù của cộng sản Hà Nội. Chúng ta tiếp dẫn chứng..
Giải Văn Chương Toàn Quốc Năm 1958-1959, bên cạnh những tác giả dân sự như Võ Phiến, Vũ Hoàng Chương, tác phẩm Đời Phi Công của Toàn Phong/Đại Tá Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Xuân Vinh chiếm được giải khôi nguyên về truyện ký quân đội.
Qua đến Giải Văn Chương Toàn Quốc Năm 1960-1961, Hội Đồng chấm giải thay đổi phương hướng với tên mới là “Hội Đồng Tuyển Trạch Giải Thưởng Văn Chương 1960-1961” trao Giải Ba Đồng Hạng “40 Bài Thơ” cho hai tác giả quân đội Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh.
Sau đảo chính 1 Tháng 11, 1963, Miền Nam có nhiều xáo trộn chính trị, quân sự, xã hội mãi đến năm 1966 giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc mới được Bộ Văn Hóa tổ chức lại. Giải thưởng bộ môn Văn năm 1966 được trao cho hai tác giả Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, những nhà văn bị động viên vào lính. Về bộ môn Thơ với ba thi sĩ là Tuệ Mai, Nhã Ca, và Huy Lực. Buổi trao giải, Nhà Văn Thanh Tâm Tuyền/Sĩ quan bị động viên không đi tham dự buổi lễ (Để bày tỏ quan điểm chống đối (?)-Pnn). Và Bà Tuệ Mai trong phần diễn văn phát biểu cảm tưởng đã có những lời nói công kích thẳng thừng chính quyền và báo động về những tình trạng sa sút bi thảm của văn nghệ hiện nay. Tuy vậy, Thanh Tâm Tuyền và Bà Tuệ Mai không bị một phản ứng hậu quả nào của quân đội hay chính quyền.
Đến Giải Văn Học Nghệ Thuật 1967-1969 của Tổng Thống VNCH, giải nhì được trao cho tập truyện “Y Sĩ Tiền Tuyến” của Trung Úy Y Sĩ Trang Châu thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù; tiếp đến năm 1970, giải của TT/VNCH trao giải ba hồi ký cho tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế”, bút ký về thảm sát Mậu Thân 1968 ở Huế của Nhã Ca. Về Bộ Môn Thơ: giải nhất trao cho tác phẩm “Sầu Ở Lại” của Tạ Ký một tập thơ được viết từ tác động của chiến tranh 1945-1954; và giải nhì trao cho Tập Thơ “Còn Gì Cho Anh” của Hà Huyền Chi, một tác giả lính.
Trước 1975, cần ghi nhận thêm giải thưởng năm 1973 về thể loại tuỳ bút, hồi ký, phóng sự trao giải khuyến khích cho tác phẩm “Đường Đi Không Đến” của Xuân Vũ Bùi Quang Triết, một Hồi Chánh Viên.
Những tác giả lính VNCH và tác phẩm có liên quan đến chiến tranh được kể ra trên có rơi vào “Đầm lầy văn học” cần được “cứu viện” bởi Ban Mai, Đỗ Trường, Nguyễn Trương Trung Huy.. như Phạm Tín An Ninh “hy vọng” không? Phần Kết Luận tiếp sau sẽ có trả lời.
42. Văn Học Chiến Tranh một phía khác
Song song với dòng văn chương chính thống/có sự tiếp sức, xác nhận từ chính quyền qua những giải thưởng đối với những tác phẩm liên quan trực tiếp Chiến Tranh, do những Người Lính viết nên như trên đã kể, còn có một hệ thống tác phẩm lớn hơn, phong phú hơn với nhìều tác giả gốc lính/viết về chiến tranh có thể kể ra như sau..421-Thế Uyên.
Thế Uyên, Nguyễn Kim Dũng sinh năm 1935 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam. 1954 ông vào Nam, qua tuổi 20, Thế Uyên đã hiện diện trong làng văn, làng báo. Ông thành lập tạp chí Thái Độ, điểm khởi hành mới trong hành trình chữ nghĩa. Thế Uyên viết các tác phẩm nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam như Mười Ngày Phép Của Một Người Lính, Tiền Đồn...Ông lại là một trong những số rất ít nhà văn tiên phong trong việc đụng tới vấn đề tình dục, một vấn đề mà dường như văn học Việt Nam (trước 1975 một phần nơi Miền Nam. Cấm triệt để ở Miền Bắc – Do “đạo đức bác Hồ” dạy) như một đại kỵ trong Thế Kỷ 20 vừa qua. Và như dấu hiệu tiên nghiệm từ truyện ngắn đầu tay “Những Hạt Cát” mới chỉ loanh quanh nấn ná một chút ở phần “hình nhi thượng” của cô gái, ông bác Nhất Linh hình như đã đoán thấy âm mưu sẽ hạ thấp kiểu mô tả xuống đến rốn và dưới nữa, của đứa cháu Thế Uyên sau nầy nên từ chối không đăng trên tạp chí Văn Hoá Ngày Nay (Thế Uyên qua phỏng vấn của Hoàng Khởi Phong, 1980’s)
Từ dấu hiệu đầu tiên của Những Hạt Cát với quan niệm, trình bày thẳng thắng về Tính Dục, Thế Uyên viết Mười Ngày Phép Của Một Người Lính, Tiền Đồn.. nhưng không phải để nói về vấn đề chiến tranh quốc/cộng; cũng không triết lý (vụn) kiểu Trần Vũ như Kỳ Văn Nguyên, nhưng để mô tả tình trạng của người lính (hóa thân của TU) trong một chuyện tình ái: “..Đầu người con gái đè nặng trên bụng, ánh trăng phản chiếu từng đợt sáng trên tóc khi thiếu nữ cử động. Định cúi xuống mỉm cười.. Bàn tay nhỏ trắng vùng lên, lách giữa những lớp vải tìm kiếm, những đầu ngón cử động mơn trớn trên đùi chàng.. Tự dưng một nỗi thiết tha với cuộc đời, thiết tha mạnh mẽ tới độ làm cơ thể chàng rung lên, nhức nhối. Chàng nói dồn dập: Trong đời anh, anh chưa thấy người đàn bà nào yêu mạnh mẽ như em. Vậy nếu em chết trước, anh sẽ lấy vợ khác, đêm tân hôn anh sẽ mang tới căn phòng xưa bọn mình đã sống ở Đà Lạt tuần trăng mật. Anh sẽ để cô nàng trần truồng nằm trên giường, rồi mở lớn cửa sổ gọi tên em.”. Chiến tranh, súng đạn, lính bị thương, tử trận.. không quan trọng đối với TU bằng cô nàng tên Linh với cuộc tình trên Đà Lạt, ngày chưa đi lính. Trong quan niệm sống/đi lính/viết sách nầy, biến cố 30 Tháng 4, 1975 sụp xuống được TU giải quyết chóng vánh, giản dị: “..Với tôi, quân đội và chiến tranh, như một vết cắt, thành trước và sau, before and after, trước sex vẫn hiện diện, nhẹ nhàng thôi, bây giờ sex nặng nề, tràn đầy. Như trong Tiền đồn, Mười Ngày Phép Của Một Người Lính, Nỗi Chết Không Rời... Có lần tự phân tích, tôi cho rằng chiến tranh có trách nhiệm trong sự kiện (về sex-Pnn) đó..” TU khẳng định: “Đối với cá nhân tôi, đang khi và sau khi rời mặt trận, tôi cảm thấy phải sử dụng tới sex, tới làm tình, nghĩa là sự sống, tạo sự sống, mới diễn tả được chiến tranh, sự chêt, huỷ diệt. Tôi cảm thấy thế thì phải viết như thế, thật tự nhiên, không gò ép. (Trả lời phỏng vấn HKP ibd)”
Sau 30/4/1975 dẫu với nỗi buồn thất trận, thân phận tù đầy, ăn uống thiếu thốn, lao động quá nặng, sống xa dân trong rừng núi... Nhưng TU vốn vui tính, dễ giải với văn chương của mình, ông không viết nữa (chế độ, cán bộ cs cấm-Pnn), thì thôi, ông đi chơi trò khác, chỗ khác. Bởi thế ông không có, không thể có tác phẩm nào, trong thời kỳ sau 1975 khi còn ở trong nước. Hết tù, ra khỏi nước, TU viết trở lại với tay trái (do tay phải bị liệt vì stroke), lẻ tất nhiên cũng với chủ đề sex. Chẳng có cái “đầm lầy” nào nhận chìm, lôi chân ông được. Tóm lại, với một người điển hình như Thế Uyên, đầm lầy hay vũng bùn sau 1975 hẳn không tồn tại – Thái độ, nhận định nầy (hay/dở) không phải là mục tiêu của bài viết nầy, tôi tin rằng nếu còn sống chắc TU cũng sẽ không phản đối - Nhắc lại, bài viết nầy chỉ tập trung vào cái “vũng lầy” mà những người viết trẻ trong, ngoài ngoài nước đang “có thiện chí” giúp những Người Lính VNCH cầm bút (trước 1975) vượt qua như hy vọng của Phạm Tín An Ninh
#422-Văn Quang
Ông tên thật Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình, Bắc Việt. Năm 1953, động viên vào Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc. Sau 1954 vào Nam, từ 1957, chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến, Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến/Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH. Liên tục thời gian dài từ 1969 đến 30/4/1975, là Quản Đốc đài Phát Thanh Quân Đội, cấp bậc trung tá. Tác phẩm đầu tay của VQg là Tiếng Tơ Lòng đăng trên nhật báo Than Dân, Hà Nội, cuối năm 1953. Vào Nam, cho đến 1975 ông cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn; hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. và đặc biệt đã có bốn tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là Ngàn Năm Mây Bay, Chân Trời Tím, Đời Chưa Trang Điểm, Tiếng Hát Học Trò.
Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành bốn nhóm đề tài: Mô tả cuộc sống tuổi trẻ ở thành thị, cụ thể nơi Sàigòn; phản ảnh đời sống quân ngũ; đời sống thời chiến..vv – Sách viết về lính, chiến tranh chiếm đa số - Chân Trời Tím được chuyển thành phim ảnh là điễn hình cụ thể.
Với cấp bậc cao trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, khối lượng sách đồ sộ/Sách về Lính/Lính VNCH chiếm đa số, Văn Quang đã là danh tính hàng đầu, nạn nhân trước nhất của chiến dịch đốt sách, tiêu hũy văn hóa phẩm phản động, đồi trụy sau 30 /4/1975 ở Sàigòn, khắp Miền Nam. Một tên du thủ, côn đồ nào đó cũng có quyền hạ nhục, bắn bỏ ông trong cơn say máu - Máu “cách mạng 30”. Hơn 10 năm tù (1975-1987) nơi những trại tập trung Miền Bắc có thể là “quá khoan hồng” đối với “tội ác tầy trời” của Trung Tá Ngụy Quân NQTuyến/Nhà văn phản động, đồi trụy Văn Quang. Ra tù, ông không đi Mỹ, trở về Nam, cuối đời ẩn cư nơi chốn vắng Lộc Ninh. Qua đời vào tuổi 90- 2022.
Gánh chịu đủ tất cả đòn thù đê tiện và tàn ác của cộng sản sau 1975 như trên, Văn Quang phải chăng là đối tượng điễn hình đã ngập sâu vào trong “vũng lầy” mà nay nhóm “nhà văn trẻ phản tỉnh/tiến bộ/nhân bản” của chế độ cs Hà Nội đang vận động cứu nguy? Hoàn toàn không phải như thế.
Tháng 9, 1987, ra khỏi trại tù Miền Bắc, Văn Quang trở về Sài Gòn, từ chối đi theo diện HO, quyết định ở lại với quê nhà và tiếp tục viết. Năm 1990, ông hoàn thành Ngã Tư Hoàng Hôn sau nhiều năm bị “treo bút/nhận sâu xuống đầm lầy!”. Từ 1992 cho đến buổi ra đi, 2022 Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều báo Việt Ngữ tại hải ngoại. Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành, Nam California trao tặng “Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009″. Về cư ngụ nơi Lộc Ninh, không phải chỉ tìm một chỗ cư trú mà vì nơi đây, chiến trường đẫm máu An Lộc, Bình Long của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 - Nơi chốn nầy cho VQ một cái nhìn sâu hơn, xa hơn, thật hơn, đầy đủ, thấm đau hơn về khổ nạn Người Việt/Miền Nam VN đã gánh chịu trong chiến tranh, hậu hòa bình 1975. Văn Quang “xông tới” với “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”. Viết rất sung sức. Viết rất khoẻ. Viết rất bén nhạy. Vất bỏ hoàn toàn cách viết tiểu thuyết màu sắc, lính tráng, chiến trường của trước 1975.
Hãy nghe Văn Quang kết luận: “Tôi làm ở Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị rất lâu, nhưng chưa hề thấy một “chỉ thị” nào cho những quân nhân viết văn. Những nhà văn xuất thân từ quân đội hay hơn nữa là từ những chiến trường như Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Huy Phương, Phạm Huấn… viết những gì họ đã trải qua. Hoặc như Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng cứ việc làm thơ tình, lãng mạn, không cần Tây Tiến hay Nam Tiến. Cho nên so sánh hai nền “văn hóa quân đội” giữa hai miền là khập khiễng”
Và ông tiếp đánh gía: “Một số tác phẩm văn học khổng lồ (của Miền Nam trước 1975-Pnn) đã được trình diện, một số báo chí về mọi mặt từ trình độ cao đến bình dân đua nhau tự do cạnh tranh. Một số ca khúc trở thành “bất tử” dù cho nó đã bị khai tử nhiều lần. Cho đến bây giờ ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm từ thời đó (Của VNCH-Pnn) vẫn còn nguyên giá trị, nó xuyên suốt qua mọi thời đại.”
(Trả lời phỏng vấn của Lê Thị Huệ/Gió O)
Tóm lại, quá trình sống/chiến đấu/viết 70 năm từ 1953 đến 2022 như trên của Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến-Nhà Văn Văn Quang chắc chắn không bao giờ cầu đến một sự vực dậy từ “đầm lầy văn học” với những tay non ăn chưa no, lo chưa tới mới lớn lên dưới một chế độ khốn cùng gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa nơi Hà Nội, ở Việt Nam.
#423- Nguyên Vũ
Nguyên Vũ tên thật là Vũ Ngự Chiêu, sinh năm 1942 ở Hải Dương là nhà văn quân đội rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975, chuyên viết về người lính VNCH và cuộc chiến tranh 1960-1975. Tác phẩm đầu tay Vòng Tay Lửa, tiếp theo Đêm Hưu Chiến, Đời Pháo Thủ, Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang…Toàn bộ tác phẩm trước 1975 của Nguyên Vũ đậm “chất lính”, cảm nhận rất thực về tình cảm, thái độ sống, tình yêu trong thời chiến, thân phận con người trong chiến tranh – Nhưng hoàn toàn không mang một chút hận thù sắt máu, hô hào thúc đẩy con người nhắm mắt xông vào lửa đạn như cách của những tay viết “máu me tính đảng” về “chiến tranh/chiến tranh chống Mỹ cứu nước”, (dẫu Mỹ đã hoàn toàn ra khỏi VN từ theo Hiệp Định Ba Lê, 27/1/1973 ấn định) từ Bộ Chính Trị Hà Nội, nơi bưng biền Trung Ương Miền Nam. Trước năm 1975 Với khoảng hơn 20 tác phẩm, ra khỏi nước, Nguyên Vũ in thêm các tập Xuân Buồn Thảm, Cuộc Sụp Đổ Của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Đỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996; Ngàn Năm Soi Mặt.
Tóm lại, môi trường quân đội, chiến tranh tất nhiên là thế giới phong phú, đầy đủ chất liệu cho những người làm công việc sáng tác ở tất cả mọi lãnh vực.. Từ thơ, văn tới âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh của Miền Nam - Nguyên Vũ là điễn hình chung nhất. Vậy ông có phải là đối tượng cần đến một lần “giải cứu” ra khỏi “vũng lầy văn học Miền Nam” như đám người tuổi trẻ “nhiều thiện chí (?) lớn lên dưới chế độ cs sau 1975” như trên kể ra không? Câu trả lời dứt khoát rõ ràng là KHÔNG!
Bởi sau 1975 khi ra hải ngoại, Nguyên Vũ vẫn tiếp tục cầm bút và trở lại trường học với nhận định chính xác, đúng đắn: Chiến tranh VN đã qua đi-Người Viết/Người Đọc cần những điều khác! Ông tự giải quyết cho bản thân với khả năng, môi trường mới: Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử, Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984; Tiến Sĩ Luật, Đại Học Houston năm 1999. Công việc trong lãnh vực văn hóa từ tuổi trẻ được mở rộng, củng cố với Nhà Xuất Bản Văn Hóa, Houston.
Về nghiên cứu sử học, với thực danh Vũ Ngự Chiêu, ông đã phổ biến ba tác phẩm Anh Ngữ; với bút danh Chính Đạo ông đã xuất bản 10 biên khảo Việt Ngữ, có thể kể là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945); Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng Sản; Việt Nam Niên Biểu từ 1945-1975 gồm nhiều tập.. Những tác phẩm sử ký tên Chính Đạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu cầu sử học. Tác phẩm mới nhất, Petrus Key Trương Vĩnh Ký, 2019 NXB Hợp Lưu với tên thật Vũ Ngự Chiêu. Năm nay 2022, ông vẫn làm việc với tuổi qua 80. Nguyên Vũ-Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu sinh Ngày 16 Tháng 10, 1942. Ai cứu Ai ra khỏi đầm lầy? Và cái “đầm lầy thật” ấy là của ai? Nơi đâu? Chúng ta cần chấm dứt vấn đề với phần kết luận.
Kết Luận
Qua lá thư/bài viết khá dài kể trên với vị thế khách quan của người “mặc áo lính-cầm viết/không là nhà văn quân đội” hằng thực hiện công việc sống/chiến đấu/học/đọc/viết dưới nhiều hình thức; dẫu có thời gian dài chịu cùm tù (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng/thể chất lẫn tinh thần) do người và chế độ cs áp đặt với cách khắc nghiệt nhất (chỉ thiếu đường xử bắn) từ 30/4/1975 đến 5/11/1993 (dẫu trên phi cơ rời khỏi Sàigòn đi Seoul. Tôi có nhận định như sau: Quả thật, người, chế độ cộng sản Hà Nội không chỉ tạo nên bãi lầy nhưng là một địa ngục toàn diện đối với hầu hết các thành phần Người Việt Miền Nam KHÔNG CHẤP NHẬN CHẾ ĐỘ CS cụ thể qua các kế hoạch: Đánh tư sản/Đi kinh tế mới/Tập trung cải tạo gọi là xây dựng XHCN – Riêng thành phần trí thức, giới văn hóa, văn học-nghệ thuật thì chịu riêng những đòn thù “đốt sách/học tập chính trị”. Đốt Sách một tội ác tưởng chỉ có từ chuyện đời xưa, trong cổ sử. Tội Ác Cộng Sản – Tai họa của toàn thế giới con người không riêng Dân Tộc VN/Miền Nam VNCH gánh chịu sau 1975 là chủ đề lớn của Nhân Loại bao gồm cả thành phần gọi là “người cộng sản/cộng sản Việt Nam nếu còn Tính Người” không phải là chủ đề của bài viết. Chúng tôi/Người Lính VNCH chỉ nói phần riêng của mình.
Có cái gọi là “đầm lầy văn học sau 1975” không?
Theo tinh thần và nội dung bài viết cho đến giòng chữ nầy thì thực tế cho thấy quả có một “vấn đề” đối với não trạng, ý thức, tâm lý RIÊNG CỦA MỖI NGƯỜI cầm bút nơi Sàigòn, ở Miền Nam trước 1975, sau 30 tháng 4 ra hải ngoại.
Điển hình với “triết gia” Phạm Công Thiện người từ giữa thập niên 1960 với những trước tác lúc chưa đến 20 tuổi (1941- 2011), tiếng tăm lan rộng được tôn sùng như thần tượng của giới trẻ đang sống trong tuyệt vọng chiến tranh (Trần Tuấn Kiệt, Tác Giả & Tác Phẩm, Sài Gòn, 1973, tr. 26–27).
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Triết gia Thiện còn đấu tay đôi với tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, Suzuki Daisetz, Long Thụ.. Ông mạo hiểm đánh phá nền tảng suy tư siêu hình học Tây Phương – nơi khởi nguồn của chiến tranh cận đại.. Ông tìm thấy hố thẳm tư tưởng cần phải đối chọi với địa ngục (naraka) của thời đại chính là Chiến Tranh Việt Nam. Đấy là chuyện của những năm 1960, 70 của Thế Kỷ trước. Qua thế kỷ 21, trong bài viết Phật Giáo và Văn Hóa (Tập San Điều Ngự Xuân 2017) viết trước khi mất (2011), triết gia Thiện vẫn giữ nguyên khẳng định qua nhắc lại báo động của Arnold Toynbee (1889-1975): Văn Hóa và Văn Minh Tây Phương đang đưa loài người đến vực thẳm. Như thế là thế nào? Tức là cái “Hố Thẳm Tư Tưởng” của triết gia Thiện hô hóan từ 1960’s ở Việt Nam, nơi Sàigòn vẫn còn nguyên si, chẳng có “chiến thắng giải phóng/thống nhất đất nước/đại thắng mùa Xuân” nào lấp được cái “hố thẳm” nầy cả? Trước vấn nạn của con người suốt mấy thế kỷ nầy, đám “nhà văn trẻ, con cháu chế độ cộng sản phản tỉnh” gốc Hà Nam Ninh, Lộc Ninh, Bến Đá Tây Ninh cho dù qua tới Leipzig, Đông Đức; tốt nghiệp Đại Học Đại Học Tổng Hợp Hà Nội.. làm được gì?
Tương tự như lời báo động dữ dội tuyệt vọng (lập lại từ Arnold Toynbee) của Triết Gia Thiện, Chuẩn Úy Trung Đội Trưởng Thám Kích (của Đại Đội Thám Kích Sư Đoàn 22 Bộ Binh) Trần Hoài Thư sau lần qua lằn ranh sinh, tử, “Hôm qua tôi dừng chợ Bồng Sơn/ Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc/ Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt/ Thị trấn này vừa mất thằng con... Tôi quá buồn ra đứng bờ sông/ Sông Lại Giang ráng chiều đỏ sậm/ Nhớ nó ngã nhào trên bờ đá xám..”
Trong chiến tranh trước 1975 đã đau thương như thế, qua Thế Kỷ 21 nơi căn nhà bình yên ở New Jersey, Nhà Văn/Nhà Thơ THT còn nguyên nỗi buồn dẫu có người thân yêu bên cạnh.. Em khuyên tôi mỗi ngày hãy chọn niềm vui/ Nhưng tôi không có niềm vui nào làm sao để chọn/ Cũng muốn lắm, nhưng bầu trời quá nặng/ Không chừa một khoảng nào dưỡng khí bình yên...”
Ai cứu ai đây? Ai lấp cho ai “Hố thẳm tư tưởng”? Ai giúp cho ai nhẹ bớt Nỗi Buồn nặng nề, thê thiết gấp bội “nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh - Thật sự là một bộ đội CS Bắc Việt ở tuổi 20, 30 vào Nam trong “chiến dịch HCM “thần tốc”-Chữ của BN) – Chiến dịch đoạt chiếm Miền Nam xô toàn thể dân, quân VNCH vào vũng lửa – Vũng lửa điêu linh hũy diệt chứ không phải chỉ là “đầm lầy văn học” mà nay những “nhà văn trẻ Đỗ Trường, Ban Mai, Nguyễn Trương Trung Huy.. đang rấp tâm ra tay “cứu vớt”. Nhà văn quân đội Phạm Tín An Ninh có “hy vọng” gì hay không? Chứ chúng tôi Người Lính VNCH thì không. Không bao giờ tin được người, chế độ cộng sản- Cộng sản Hà Nội. Không bao giờ.
Nước Mỹ, Ngày 4 Tháng 7, 2202
Nhân lần đọc Vent du Sud của Liễu Trương.
Dịp Thiếu Tá John Duffy,
Cố Vấn Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù VNCH được trao tặng The Medal of Honor
(1972-2022)
Người Lính Phan Nhật Nam –
KBC 4919 & 4804