Hãy biểu dương cùng tận!
Biểu dương, hãy biểu dương cùng tận
Vinh hiển lầm than một kiếp người.
Tô Thùy Yên (1936-2019)
Lời Thâm Tạ.
Năm 1992, nơi khu vườn của Như Phong ở Nhị Bình, Hốc Môn, Gia Định, trước ngày ra khỏi nước, anh nói với Tô Thùy Yên: Cám ơn Bạn đã viết những giòng Thơ chính xác, với ý nghĩa Thơ là Sức Nâng Đở. Anh nói không quá lời, e rằng bày tỏ chưa đủ ý, chưa diễn tả được hết lòng tin cậy đối với Thơ. Đối với Bạn. Lời kẻ chết là lời thiêng. Lời kẻ kinh qua cơn khốn cùng là lời thật. Người Viết Thơ Tô Thùy Yên là người làm chứng thuần thành nhất – Làm chứng về Sự Khổ – Làm chứng về Cảnh Chết.
Một.
7 Tháng 9, 1981, Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam.Cửa thứ nhất khu kỹ luật mở ra. Anh ngó trân trân lên khối sắt sơn xanh không cảm giác, vô hồn bước vào khoảng sân vắng tanh, lau sậy khô teo, vàng úa, xao xác hỗn loạn, âm âm nơi không người. Cảnh ma. Cõi chết.. Viên cán bộ kỹ luật và gã tù hình sự phải vạch lối đi qua để dẫn anh tới trước tấm cửa bên ngoài dãy buồng giam. Thanh sắt chắn ngang khung cửa gỗ thứ hai được kéo ra, rút bỏ xuống.. Âm rền rĩ siết lê gay gắt, gào chìm rờn rợn. Đi tiếp vào căn phòng tối lạnh, anh nhìn quanh, dãy buồng kỹ luật tối im chập choạng, kín như khối nhà mồ chất chứa xương cốt của những người chết để lâu không chôn cất. Tử khí ẩm ẩm tanh tanh. Vào! Cho chân vào cùm. Anh nằm xuống bệ nằm, đặt cổ chân vào vòng cùm chữ U. Căn phòng hoàn toàn chìm đẫm vũng tối sau loạt động âm do những tấm cửa bên ngoài dần đóng lại.
.. Không biết bây giờ là mấy giờ? Hôm nay thứ mấy?! Anh quên ngay ý nhiệm thời gian, ngày, tháng vừa tách rời. Nơi nầy hai năm trước, 1979 anh đã một lần vào, và khoảng một năm sau anh được cho ra, trở về trại chung với đồng ngũ. Nhưng lúc ấy thân thể anh bền bỉ, rắn chắc; trí tuệ mạnh mẽ cương nghị, và nhất là chung quanh, bên ngoài, ở cạnh những bức tường phòng giam nầy còn có một tập thể Bạn Tù Miền Nam. Tháng 8, 1978, năm ngàn người của lần chuyển trại từ vùng núi Hoàng Liên Sơn, biên giới Hoa-Việt đã đến Trại 5 Lam sơn nầy, chiếm dụng hết bốn dãy nhà giam chính của khu giam giữ; năm nay, 1981 chỉ còn “hai-mươi-hai người” ở gọn đúng vào một chiếc buồng (của dãy nhà cuối cùng) luôn khóa kín sau giờ lao động. Đúng hai mươi-hai người. Anh là người cuối cùng của nhóm người khốn khổ còn lại nơi Miền Bắc nầy.
Có ai chia xẻ với mình trong chốn tăm tối ghê rợn nầy? Anh cố gắng nghĩ đến hoàn cảnh xót xa đang gánh chịu, nhưng nghĩ không nổi. Hình như ý nghĩ cũng gây đau. Anh sờ tay lên bức tường.. Động tác vô nghĩa nhưng để chứng tỏ mình đang còn sống, biết suy tính. Là con người biết xê dịch bàn tay.. Có ai chia sẻ với mình không?
Tám năm sau, 1988 trở về Nam, 1989 ra tù, anh đọc thấy..
... Ta ngồi dậy
và như một thói tật,
Gõ gõ hỏi han
Hai bên tường tả hữu.
Có ai không?
Không có ai sao?
Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người
Tiếng động nào bất kể
...
Ta phải cố quên quên bằng mọi cách
Nỗi điêu đứng sống còn
Trong hằng hằng tĩnh chết..
(TTYn- Thơ Tuyển/Thức giấc trong biệt giam; trg 182)
Hai.
16 tháng Ba, năm 1996 nơi phi cảng New York, Nước Mỹ. Anh đến từ Houston (Texas), trên đường đi lên một nơi thuộc vùng bắc lục địa Bắc Mỹ. Một nơi nào đó. Anh không cố ý tìm hiểu chốn ấy ở đâu, như thế nào.. Anh ngó mông ra phi đạo mù mù, nhìn nhìn quanh quẩn khối người đông đảo di chuyển, thúc hối, nhưng rì rầm yên nặng.. À đây là New York, chỗ nầy có bức tượng Nữ Thần Tự Do. Tượng đó ở đâu? Chắc đâu đó ngoài khu bến tàu, tượng ấy đâu ở phi trường. (Anh cười thành tiếng chứng tỏ đã hiểu biết về một nơi chốn, một tình thế). Tượng nhìn ra cửa biển vào New York mà, thành phố lớn nhất nước Mỹ đấy. Lớn nhất thế giới nữa..” Anh tự hỏi, xong tự trả lời... Không ai biết mình là ai cả? Và mình đi đâu đây? Cuối cùng, anh mở Tập Thơ Tuyển, viết lên phần trống những tờ giấy sau trang bìa.Tôi đọc Thơ ông,
Tận trống trải..
Trống vơ, trống vốc.
Khi đến New York vừa rời Houston.
...
Phi trường xuống,
Không một ai.
Thật.
Không một ai.
Chỉ Tập Thơ ấm sâu trong ngực.
Và anh sống lại. Sống đầy đủ. Sống cùng tận nỗi bàng hoàng xa xót khi đọc qua những chữ nghĩa bình thản đến lạ lùng - Những chữ nghĩa nói về một cuộc sống/chết mà bản thân anh (cũng của nhiều người) hằng mang nặng, không khả năng xóa mờ, vất bỏ.
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
....
Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên.
(TTYn. Thơ Tuyển/Qua Sông; trg55)
Vào buổi chiều mù tối nơi chốn lạ New York, qua những giòng thơ của TTYn (cũng không biết bạn đang ở đâu trên đất Mỹ), anh sống lại cảnh sống tội nghiệp (một cách bình thường) trước kia trong chiến tranh kia thoắt trở lại tận đầy đủ.. Và anh nghe ra tiếng cười, giọng nói của những người lính; âm âm báng súng, giây đeo đạn, nón sắt.. va chạm lục cục trên mặt đất, nơi thành bàn, dưới chiếc ghế gỗ của một chòi quán ẩm ướt nào đó ở Long Sơn, Long Định vùng quê Long An ngày mới ra đơn vị, 1963… Anh nghe lại giọng chậm, đục của Hạ Sĩ Ty vác súng trung-liên khi mở lời xin anh điếu thuốc; chung quanh có những ánh mắt vô hồn, buồn phiền của những người lính địa phương quân đồn Long Sơn khi họ thoáng nghe, nhìn lướt qua trao đổi thân mật, gần gũi của thầy trò anh.. Sinh hoạt ngắn ngủi, nhỏ nhặt mà họ không thể có do phải ở lại đây giữ trách nhiệm ngặt nghèo giữa vũng tối sũng nước của vùng ruộng đồng hoang vắng, nơi chiếc đồn đang im im bốc khói.. Họ sẽ ra sao khi đơn vị nhảy dù cứu viện rút đi.. Anh nói với Ty: Hỏi chủ quán còn chai bia nào không, mời luôn mấy anh nầy. Anh đưa bao thuốc cho Hạ Sỹ Ty, chỉ về phía những người lính địa phương quân.. Mời mấy anh ấy luôn. Cám ơn, cám ơn thiếu úy..
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên.
.....
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn.
Ngày nay ta bạn đến đây nữa,
Đất thì không khẩn, vàng không tìm.
(TTYn. Thơ Tuyển/Anh Hùng Tận; trg 57)
Tuy nhiên, hoạt cảnh lặng lẽ kể trên dẫu sao cũng là lần “bình an, hạnh phúc”, khi chiến tranh chưa nặng độ (đầu thập niên 60), và lần dừng quân còn có một chái quán lợp lá dừa, chai bia, điếu thuốc của vùng thôn quê Miền Nam – Vùng đầt trù phú với sức sống ứ tràn trong mạch nước dầm dề phù sa. Bởi tiếp liền theo sau đó, chiến tranh mở rộng, giăng dầy, chụp xuống chiếc cánh âm u tai họa.. Và Thơ không chỉ là lời miêu tả cảnh Khổ, nhưng chạm đến mối Đau khi con người bị ném vào lần tận tàn sát, thực hiện cuộc tận diệt.
Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
.....
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nốc
Từng ngôi như mặt đất đang gào..
(TTYn- Thơ Tuyển/Chiều Trên Phá Tam Giang; trg 97)
Không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, nhà cửa tang hoang, tiêu hủy mà tiếp đến là đối tượng trực tiếp hứng chịu tai ương - Con người/Người Lính trong chiến tranh - Người của hai bên lâm chiến. Kẻ thụ nạn của một cuộc tương tranh tàn tệ, phải đối diện đối diện câu (tự) hỏi vì mức độ phi lý, phi nghĩa, vô ích, và cực độ phí phạm qua nhiệm vụ họ phải nhận lãnh..
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
...
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa thân xác mõi mòn.
(Ibd; trg 97)
Câu trả lời không có. Nếu có chăng cũng chỉ tăng thêm cường độ cay đắng của một vấn đề đã hư hoại, độc địa từ khởi đầu.
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng thét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích.
Ví dầu ngươi gục
Nào có chi đáng kể.
(Ibd, Trg 98)
Bi thảm hơn hẳn những nhân vật trong kịch, tiểu thuyết “phi lý” của Phương Tây – Vì trong đó, con người còn khả năng luận lý (cho dù luận về một điều “phi lý”); hoặc còn có điều chờ đợi (dẫu là chờ đợi một điều không tưởng, vô vọng, vô nghĩa) - Chờ đợi một Huyễn Tượng có tên là Godot. Trái lại, ở Việt Nam, trong chiến tranh, qua Thơ Tô Thùy Yên, diễn tiến sống/chết được cụ thể với chính thịt xương con người, qua từng giờ khắc chịu đựng, bày ra như một điều hài hước. Bi kịch và hài tính đã nhập lại thành một khi cùng đối diện với Sự Chết. Kết thúc bởi Sự Chết.
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào người vốn không tin,
Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho Tổ Quốc Việt Nam-một tổ quốc.?
Các việc ngươi làm,
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên người hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau.
Và kết luận cuối cùng không thể khác,
..Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại,
Mặt đất nầy đổi khác được bao nhiêu?
Người há chẳng thấy sao
Phá Tam giang, phá Tam Giang ngày nầy đâu đã cạn?
(TTYn. Ibd, Trg 99)
Ba.
Nỗi Đau Việt Nam không chỉ chừng ấy. Cuộc tương tranh máu lửa súng đạn chấm dứt với Ngày 30 Tháng Tư, 1975 để Thi Sĩ kẻ thụ nạn khốc liệt nhất trong mọi tầng lớp xã hội Miền Nam - cùng một lúc thực hiện hai chức năng, nạn nhân lẫn chứng nhân của lần xĩ nhục, đọa đày Con Người – Sinh vật nhận biết đau trong trái tim, trên xác thân. Người phải Sống và Thơ phải viết bởi lần đau không chỉ riêng đối với một cá nhân, nhiều giới người, hoặc một tầng lớp xã hội - Mà toàn bộ lịch sử – Tất cả đời sống bị xáo tung, ngụy trá, mạo danh, miệt thị và hủy hoại. Không chỉ nơi Miền Nam, không riêng của Việt Nam. Chung cho cả thế giới. Lần con người bị tận diệt cùng trên một chuyến tàu lưu đày suốt giải quê hương. Tràn lan mặt đất.Mà thôi hãy nuốt lệ còn nghẹn
Tỉnh thức, lòng ơi nhìn tận tường
Thời đại đang đi từng mảng lớn
Rào rào những cụm khói miên man
.....
Người bạn đường kia chắc vẫn thức
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời những rỉ han
Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau.
(TTYn, Thơ Tuyển/ Tàu Đêm; trg 133)
Thi Sĩ phải sống để đi cho hết cuộc hành trình đọa đày tưởng như không thật- Hành trình băng qua thống khổ máu lệ cường toan - Khóc không nỗi, nói không nên lời, chỉ biết cúi đầu im lặng trước bi thương chập chùng mà phận người phải gánh nặng từ một thuở bắt đầu vòng sinh/diệt. Cũng tận thấm hiểu nghĩa xa xót mong manh từ hạt sương, tiếng dế, giếng nước, sợi tơ trời nơi bản quán sau lần trở về…
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
........
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển đời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!
(TTYn. Thơ Tuyển/Ta Về; Trg 147-148)
Người ơi! Người nào? Không người nào cả. Chỉ riêng Ta với tiếng Ta gọi xé lòng.. Hãy gọi lên một lần. Cho gọi thêm nhiều lần.. Gọi đến lay động chiếc bóng của chính ta ngã dài trên dặm trường cô quạnh. Hãy gọi lên. Kêu lên.. Không còn ai.. Không còn ai..
Đau thương thay, và đáng kính trọng thay, qua suốt cuộc biển dâu mười năm với những cảnh huống trầm luân, khi hái rau nơi suối rừng miền núi sâu đất Bắc vẫn giữ trọn “phẩm giá con người”.
Làm người, đã phải làm sao?
Thêm bề rau thấp, cỏ cao, tội người.
.......
Giá cho ta hỏi một lời
Rau nầy trăm họ mấy người đã ăn?
(TTYn. Thơ Tuyển/Hái Rau; trg 263)
Và thảng thốt khi về Nam, phải chứng kiến cảnh xé lòng.
Làng đã cháy, im lìm bất trắc,
Người nhớ người mà cũng sợ người.
Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai, chồng ai, anh em ai?
(Thơ Tuyển/Nhớ có lần, trên bến bắc khuya.; trg 294)
Nhưng, Con Người sau khi đi hết chặng đường bão táp kia vẫn sắc son bền bỉ tận sống từng khắc giây sung mãn với lòng yêu thương con người, hoa cỏ, lá cây, lát gừng cay, hạt muối mặn lấy ra từ Đất. Người còn, trời đất còn chan chứa.. Muối mặn, gừng cay trắng tóc xanh.. Cho dẫu đã hơn một lần (rất nhiều lần) hiểu rõ nghĩa “được/mất; có/không” như tình cảnh trần trụi của Job trong Cựu Ước. Bị lấy đi cả tiếng sáo hót thắm thiết trong buổi ngày thơ.. Tình cảnh của miền Nam, của cả nước bị bóc vỡ tận cùng đến những nguồn vui trong sáng nhỏ bé sau 30/4/1975.
Con sáo trong lòng con đã chết
Bé ơi, sao bé còn đi tìm?
Còn kêu lạc giọng sáo ơi sáo.
(Thơ Tuyển/Con Sáo; trg 29)
Chẳng phải đợi đến khi có lời nguyền rũa từ Tây Phương về lần bức tử Thượng Đế, những dân tộc Đông Phương (điễn hình cảnh huống người Việt, các dân tộc trên Bán Đảo Đông Dương suốt bao thế kỷ lầm than do những cuộc phân tranh khởi từ đời Lê Mạt, thế kỷ 16, 17 kéo dài đến cuối Thế Kỷ 20, và tại hôm nay, 48 năm sau 1975) đã hằng thấm cơn đau về một, “Lão tạo hóa đành hanh qua ngán”. Nhưng, những Người Việt thuần phác bền bĩ chịu đựng vẫn hằng nuôi dưỡng đức tin nhu thuận: “Trời luôn đến cùng người khốn cùng, kẻ khờ dại, và những trẻ thơ” Nên dẫu, “Tạo Hóa tham công hay lỗi lầm?” Hoặc giả, “Vũ Trụ tạo hủy dở dang mãi!” Con Người qua tuyên ngôn của Thi Sĩ vẫn nhận ra điều kỳ diệu:
Mới hay sống chết dễ mà khó,
Mệnh nghiệp không là chuyện dững dưng.
(Thơ Tuyển/Hành Giả Âu Sầu; trg 337)
Có Dân Tộc nào bản lãnh đến ngần ấy? Có Con Người nào mạnh mẽ đến nhường kia? Quả thật, chỉ riêng Thi Sĩ đã hoàn tất xử dụng chữ, nghĩa thanh khiết tạo nên lời ca ngợi vô vàn:
Thế nhưng ngươi sẽ vẫn yêu đến giọt nước mắt cuối,
......
Cũng như ngươi sẽ vẫn yêu đến giọt nước mắt cuối.
Kết Từ
Chúng ta có thể tin chắc rằng: Trong những ký hiệu của Người - Chữ Viết kia ẩn chứa Thần Tính – Siêu Việt Tính nhưng cũng là Nhân Tính. Chúng ta nhắc nhở với nhau như thế, đồng thời xác lập điều tự hào cảm động: Tiếng Việt qua vận động của Thi Sĩ đã trở nên thành nguồn Nội Lực đủ sức chất chứa những rung cảm tế vi của tấm lòng, và biểu hiện nên Lời Thơ hùng vĩ.
Chúng ta vẫn sống như rừng cây
Chúng ta vẫn sống như mặt biển
Bởi vì đã đi nên sẽ đến
Người và bóng tối phải chia tay.
Cảm Tạ Người Bạn Viết Thơ
Đinh Thành Tiên-Thi Sĩ Tô Thùy Yên.
Lần thứ Nhất- Mùa Lễ Tạ Ơn.
Tháng 11, 2004.
Lần thứ Hai- Ngày Bạn về nơi chốn vắng bình an..
21/5/2019-2023