PHAN CHÍNH viết về ĐỖ HỒNG NGỌC

PHAN CHÍNH
ĐỖ HỒNG NGỌC
Thơ mãi với đời và bảng lảng trên những trang văn




Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940 tại La Gi, tỉnh Bình Thuận. Từ nhỏ theo học trường Phan Bội Châu (Phan Thiết). Tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia Đại học đường Sài Gòn (1969). Từng tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard Hoa Kỳ (1993) và Giáo dục sức khỏe CFES tại Pháp (1997)- Nguyên Giảng viên thỉnh giảng Đại học Y khoa Sài Gòn và Trưởng bộ môn Khoa học hành vi- Giáo dục sức khỏe Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Với những tác phẩm Văn học, Y học, Phật học,Thiền định và đặc biệt về thơ của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc từ hơn 60 năm qua đã khẳng định tên tuổi của anh. Đó cũng là niềm tự hào với vùng đất đã sản sinh ra một tài năng, một phẩm chất trong sáng tạo nghệ thuật...




Dù Đỗ Nghê hay Đỗ Hồng Ngọc đến nay với bút danh này cũng đã đặt dấu ấn qua 6 tác phẩm thơ trên chặng đường văn chương 60 năm, vẫn chưa biết mỏi. Nhưng chỉ có 6 tập thơ sao? Khi so với số lượng trên 60 đầu sách của Đỗ Hồng Ngọc ở nhiều thể loại tùy bút, tản văn, Y học, Phật học, Thiền học… đang có được một số đông “công chúng” nể trọng, đón nhận. Rất dễ nhận ra thơ và âm hưởng từ thơ của anh dường như luôn khắc khoải, đeo đẳng theo từng trang chữ.

Cho nên nhiều nhà nghiên cứu, bạn văn viết về các tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc không ít phân vân, anh là một nhà thơ hay một thầy thuốc…Cách đây gần 30 năm, Đỗ Trung Quân khi đọc tập thơ Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993) đã viết: “Có một chàng thi sĩ một hôm vì lẽ gì đó bỏ đi làm thầy thuốc. Mười năm…hai mươi năm…anh cặm cuội chăm sóc, chữa lành, làm dịu nỗi đau của trẻ thơ; anh buồn vui cùng nỗi buồn vui của những người làm cha làm mẹ”. Hay theo nhà nghiên cứu văn hóa Gs.Cao Huy Thuần cảm nhận qua tập tạp bút Buông (2022) về Thiền trong Phật học, đã thốt lên: “Tôi cũng lấy từ “tổng quan về nghiệp” của Tuệ Sỹ mà ra: Thơ đến với anh từ trước khi anh làm thơ. Thơ là tiếng nói trong tận cùng thâm cung bí sử của tư tưởng. Cái gì mà tư tưởng không nói nên lời được thì phải diễn tả bằng thơ”. Thơ có một vị trí duyên nợ và chung thủy trong đời sống của Đỗ Hồng Ngọc.

Đến với Thơ …


Tính từ những bài thơ khởi đầu với bút hiệu Đỗ Nghê đăng trên các tạp chí có giá trị văn học trước năm 1975, như Bách Khoa, Mai, Tình Thương, Ý Thức... và đến sau này với tên thật Đỗ Hồng Ngọc (ĐHN) đã đủ phác họa con đường Thơ của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc với một ý thức sáng tạo và một phong cách nghệ thuật riêng cho mình.

Anh kể, bài thơ đầu tay được đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1960. Lúc ấy còn rất trẻ, chỉ dám ký tên tắt vì muốn giấu không cho người cậu biết - vì nhà văn Ngu Í đang làm trong báo này- Nhưng khi cậu biết ĐHN có bài thơ đăng ở Bách Khoa lại tỏ ra vui và khuyến khích. Và tiếp đó là thơ trên báo Mai năm 1965 và các báo, giai phẩm ở Sài Gòn. Lâu quá…và anh chỉ nhớ những bài thơ tình, tuổi học trò (xin trích): “Những bước chân mềm trên cát thơm/ Em đi sa mạc rợn trong hồn/ Buổi chiều lên đọng hai vành mắt/ Màu áo hôm nào làm sao quên”. Hay như : “Em đến nắng vàng theo tóc xanh/ Tôi nghe xa vắng vạn ân tình/ Có gì vướng víu trong hơi thở/ Ơi những ngày xưa của chúng mình”(báo Mai). Và còn nữa, một chút gì lãng mạn ở tuổi chớm yêu: “Lúc đó trời xanh xanh cao thêm/ Biển dăng tay rộng thuyền lênh đênh/ Em đi cúi mặt thẹn trong tóc/ Cát trắng hôn tròn bước bước em”… Ngồi lại bây giờ, người đọc ở lứa tuổi trên 70- 80, với nét mặt đạo mạo, tay run, chậm chạp qua tròng kính tuổi già mà đọc lại những câu thơ mộng mơ, đẹp hồn nhiên thuở ấy, mới giật mình. Bởi người già hay nhớ, hay cứ lặp lại bao nhiêu lần, “hồi ấy, hồi xưa…”, quá thương sao!

Có lần Đỗ Hồng Ngọc viết một truyện ngắn duy nhất lấy tựa Người Thứ Hai, ký Đỗ Nghê, cảm xúc từ bối cảnh bệnh viện và thấp thoáng bóng quê nhà La Gi, được đăng trên báo Mai năm1965. Được đăng nhưng cũng không mấy ưng ý. Có lẽ thơ mới cuốn hút được tâm hồn nhạy cảm của anh, như anh đã thật lòng bộc bạch: “Tôi không có khả năng “hư cấu” nên không viết được truyện dầu truyện ngắn, tiểu thuyết như các bạn mình”. Vì vậy từ đó, anh đã dồn hết cho thơ với một tâm hồn chất ngất mà không phải chịu tiết chế nào chi phối đến sự rung động, cảm xúc chân thật của mình. Với những bài thơ buồn, mộng tưởng ở tuổi 17- 18 thời sinh viên được anh chọn lọc đưa vào tập thơ Tình Người sau này.

Năm 1967, Đỗ Nghê với tác phẩm thơ đầu tay Tình Người. Đến năm 1973, tuy gặp khó khăn về xuất bản, nhưng bạn bè anh in bằng ronéo tập Thơ Đỗ Nghê lưu hành trong giới văn chương. Lứa tuổi bấy giờ, sống giữa đô thị miền Nam luôn ngột ngạt, bất an “bên trời lận đận” và khát khao một quê hương thanh bình. Trong bối cảnh đó với bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” viết một mạch ngay tại bệnh viện Từ Dũ năm 1965 khi anh chỉ là sinh viên trường Y thực tập ca đỡ đẻ đầu tiên. Bài thơ này ắp đầy sự rung cảm về thân phận kiếp người, nỗi hân hoan trong tiếng thở và trở thành đề tài của một thời nặng nề những ám ảnh, phiêu tán ngay trên quê hương mình.
Anh viết:
“Khi em cất tiếng chào đời/ Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/ Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc/ Trong cùng một cảnh ngộ nghe em…”- “Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ”. Rồi bằng thái độ ấm áp để nhắn nhủ với bé sơ sinh: “Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận/ Con người”.

Hình ảnh bàn tay một thầy thuốc trẻ nhân hậu, nhẹ nhàng, trong lòng với bao nỗi miên man tâm trạng. Đỗ Hồng Ngọc đã nhiều lần kể lại sự ra đời bài thơ với quanh đó cũng có thể coi là giai thoại thú vị khó quên.

Cánh cửa mở cho Đỗ Hồng Ngọc đến với Thơ cũng rất tự nhiên, lặng lẽ không như nhiều người cứ tưởng bên anh có người cậu ruột là nhà văn -nhà báo Nguiễn Ngu Í sẽ có ảnh hưởng đến con đường sáng tác của anh. Dù Ngu Í trước hết là một nhà thơ. Thực ra tuổi thơ ĐHN sớm mồ côi cha, với đàn em cùng tựa vào vai bà mẹ góa tảo tần ở vùng đất Hàm Tân- La Gi sau chiến tranh. Nhưng anh là người hiếu học, thông minh biết vượt lên hoàn cảnh. Trở ra Phan Thiết trọ nhà bà cô ở chùa Hải Nam và học trường Phan Bội Châu một thời gian, rồi vào Sài Gòn từ đó. Anh rất ham học, nổi tiếng học nhảy lớp, bỏ Đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) để học dồn Đệ Tam- Đệ Nhị (10-11), thi Tú Tài I và năm sau thi Tú Tài II (Toàn phần) đậu, thời đó tỷ lệ đậu khoảng 10%, gay lắm. Con đường thênh thang, anh thẳng vào Y khoa đại học đường Sài Gòn.

Anh kể, người cậu Nguiễn Ngu Í đã dẫn dắt anh đến trường và cho anh cơ hội tiếp cận với những sách báo, đặc biệt là các cuốn sách khai tâm của Nguyễn Hiến Lê như Kim chỉ nam của học sinh, Gương danh nhân, Gương can đảm, Gương kiên nhẫn…Cạnh đó, còn có người chú ruột, nhà văn Châu Anh (Đỗ Đơn Chiếu), nhà báo Lê Phương Chi (gọi bằng cậu) cũng đang là cây bút có quan hệ trong giới ở Sài Gòn lại không ngờ Đỗ Hồng Ngọc đang âm thầm, nắn nót với những câu thơ vừa viết khá tròn trịa. Bài học một bên nhưng bản thảo thơ cũng một bên... Đến khi anh có bài thơ đăng trên các báo Bách khoa, Mai, Tình thương (tạp chí của Sinh viên Trường Đại học Y khoa - anh cũng là thành viên Ban biên tập gồm Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Trần Mộng Lâm…) với bút danh Đỗ Nghê, mấy ông cậu, ông chú càng thêm bất ngờ…

Nhưng có lẽ đến năm1969 tốt nghiệp bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia, anh mới có rộng thời gian để đứng cùng nhóm Ý Thức (Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Lê Ký Thương…), một tạp chí văn học sang trọng, quy tụ nhiều cây bút trẻ nổi tiếng bấy giờ. Diện mạo thơ Đỗ Nghê được định hình và được giới văn chương, người đọc đón nhận bởi giọng thơ đầy hoài niệm, thâm trầm nhưng đau đáu, thương xót mà không rên rỉ…Đó mới thực là một tâm hồn thơ lãng mạn và giàu suy cảm. Mỗi khi trở lại quê nhà, anh đã trải lòng với thời tuổi thơ đầy nỗi nhớ: “Năm năm không về thăm Phan Thiết/ Năm năm đã hẹn trăm lần về/ Nghe nói người xưa chừng lỡ bước/ Nghe nói lòng ta chừng chưa nguôi…”(Trên sông khói sóng- Đỗ Nghê,1971). Khoảng năm 1972 trong một bài viết, học giả Nguyễn Hiến Lê đã có dòng nhận xét về Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Như nhà thơ Du Tử Lê nói: “Đỗ Hồng Ngọc - thơ như một hạnh phúc” và nhà thơ tiếp: “Nhưng dù các bài viết về cõi- giới văn chương của ông, thâm trầm hay nhẹ nhàng, đơn giản thì, tự thân những bài viết ấy, cũng đã thắp sáng những thành tựu, hiểu theo nghĩa “hạnh phúc” mà Đỗ Hồng Ngọc đã đạt được” (trong Như không thôi đi được- 2017).


Khôn nguôi nỗi nhớ

Tâm hồn thơ là dòng sông thơ mộng nhưng nỗi nhớ luôn đọng lại ở những ghềnh đá, khúc chảy quặn mình.Với Đỗ Hồng Ngọc cảm xúc đó đã không phải lệ thuộc hình thức thể hiện mà người đọc vẫn nhận ra ý nghĩa sâu xa trong ngôn ngữ hình tượng, tác giả âm ỉ giữ cho mình. Bài thơ ngắn với tựa Bông Hồng Cho Mẹ:
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…

(Vu Lan 2012)


Qua thấu cảm của nhạc sĩ Võ Tá Hân chuyển thành giai điệu lung linh, nghe rấm rứt đến thắt lòng. Nỗi nhớ tinh khôi mà cũng là nỗi nhớ nghẹn ngào. Thế mà lời thơ dung dị như thủ thỉ, đâu đó vẫn bên mẹ bên ngoại còn trên cõi đời ngày nào…Bài thơ này bỗng dưng gặp duyên với “thay lời muốn nói” cho những ai không còn mẹ khi mùa Vu Lan- mùa báo hiếu, bảng lảng đang về.

Đỗ Hồng Ngọc nghĩ về Mẹ cũng là nhớ về đất quê của mẹ một thời cơ cực trong chiến tranh: “Nhớ bước chân trâu nhớ giàn bông bí/ Nhớ cây khế ngọt nhớ trái dừa xanh/ Nhớ tiếng mẹ già nhớ đàn con trẻ”…Nhưng sự thay đổi với không khí thị thành, cuộc sống dường như đảo lộn, mà vẫn nhớ : “Nhớ người hàng xóm lâu nay còn lạ/ Nhớ những người thương nhớ luôn người người ghét/ Thấy ai cũng tội nghiệp/ Như ta…”. Trong lòng chẳng bận chút sân si mà để nhớ, vì “Thấy ai cũng tội nghiệp/ Như ta”. Khi nhớ về quê nhà, cái thời trai trẻ của Đỗ Hồng Ngọc vẫn ám ảnh với cảnh điêu linh: “Mảnh đất thân cha nắng sáng đan vườn/ Nghe da thịt đã bao lần thối rữa” (Đỗ Nghê-1964).
Trong tập Thơ Ngắn Đỗ Nghê xuất bản năm 2017, viết về Mẹ đã qua đời (2011): “Mẹ tôi có nụ cười lạ lắm! Lúc nào bà cũng nhìn tôi mà cười. Không nói, lúc tôi có vẻ vội vã chào lẻn đi đâu đó, bà cười cười tha thứ/ Vậy hả con (… )/ Mẹ tôi vẫn cười như thế/ suốt ba năm trên bàn thờ!”. Câu thơ cuối thật sự làm cho ta ngỡ ngàng. Bất chợt lúc nào đó, nhìn lên di ảnh mẹ ta xưa nhà mình, mới thấy nét mặt đôn hậu, độ lượng đến xao lòng.


Với Con - điều không may đưa đến sự mất mát rất lớn với Đỗ Hồng Ngọc đó là cái chết của con gái Đỗ Châu La Ngà, sinh viên năm thứ 3 trường Y do bị tai nạn trên đường cùng bạn học đi làm công tác xã hội hồi năm 1990. Chắc chắn trong anh phải ghìm nén nỗi đau…dù anh đã từng ngộ ra: “Cuộc sống tự nó là nỗi hiểm nguy và sự bất an, sự chuyển động bất tuyệt, và tự nó cũng là nỗi hân hoan, là niềm cực lạc. Thật là tuyệt khi ý thức cuộc sống là vô thường, luôn thay đổi, chuyển động…(…) để rồi tuyệt vọng, thất vọng vì không được như ý” (trong Nghĩ Từ Trái Tim -ĐHN, 2003). Tuy biết vậy, là quy luật của đời người nhưng ĐHN vẫn ngậm ngùi, chia đôi giọt lệ, một nửa giữ trong lòng, một nửa thành câu thơ xa xót: “Ba dạy con/ Mỗi ngày/ Một chút/ Không bài học nào/ Như ba đã học/ Từ con: Nỗi mất”- (La Ngà 5). Lại nói cùng con: “Mỗi năm/ Mỗi người/ Thêm một tuổi/ Chỉ mình con/ Mãi mãi/ Tuổi đôi mươi!” (La Ngà 3)…


Tác phẩm thơ Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc

Với 6 tập thơ đã xuất bản:
Tình Người (1967),
Thơ Đỗ Nghê (1973),
Giữa Hoàng Hôn Xưa (1977),
Thư Cho Bé Sơ Sinh &Những Bài Thơ Khác (2010),
Thơ Ngắn Đỗ Nghê (2017)…
Có thể coi 2 tập đầu mang bút danh Đỗ Nghê xuất bản trước năm 1975 là cuộc khởi đầu cho chặng đường thơ Đỗ Hồng Ngọc với phong cách ngôn ngữ thơ dung dị mà tinh tế, giữa cảnh bao trùm bởi ảo ảnh thân phận, quê hương…Tính thời đại có sự chi phối đến trái tim và tác phẩm của người làm thơ nhưng thái độ ở anh biểu hiện mỗi con đường với cái tạng riêng. Với thơ Đỗ Hồng Ngọc người đọc dễ nhận ra tinh thần trầm tỉnh, ung dung nhưng không thôi nỗi trăn trở. Nhà văn Lữ Kiều -Thân Trọng Minh là đồng nghiệp, người bạn thân từ thời tạp chí văn chương Ý Thức, đã nhận xét về ĐHN: “Tôi không nhầm- những bài “Niềm tin chưa mất”, “Bông hồng cho tuổi thơ” đã xác nhận với tôi điều đó. Phải rồi, anh là kẻ yêu cuộc đời này, dù bất hòa với nó”. Xin được trích vài dòng trong bài thơ Niềm Tin Chưa Mất”: “Bởi còn có những buổi mai/ Những buổi chiều buổi trưa buổi tối/ Bản tin thời tiết cho 24 giờ sắp tới/ Vịnh Bắc phần có nhiều mây/ Và mưa giông rải rác/ Gió Đông đông nam từ 10 đến 15 gút…/ Duyên hải Trung phần từ mũi Dinh đến mũi Cà Mau/ Nghe rạt rào chữ S…”.(Đỗ Nghê-1967).

Khó mà xếp thứ tự các tập thơ của Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản để có một “khái niệm” cho mỗi chặng đường thơ của anh. Tập thơ Giữa Hoàng Hôn Xưa - thời Đỗ Hồng Ngọc với những câu thơ dẫu mang nỗi cô đơn nhưng thật an nhiên, dịu dàng: “Rồi thôi rồi chỉ một lần/ Áo vàng em mặc mùa xuân gọi về/ Thời gian sông nước trôi đi/ Tóc phai sợi nhỏ thương hoài ngàn năm” hay mượt mà hơn: “…Nhớ em qua đó/ Mà hồn như mơ/ Mây trời phiêu lãng/ Ngàn năm hững hờ…”. Chắc chắn với tâm trạng phiêu bồng, mà anh viết lên cái đẹp hồn nhiên như vậy là giữa những tháng ngày thanh xuân của mình.

Tập Giữa Hoàng Hôn Xưa (1993) đánh dấu biểu cảm nỗi niềm qua ngôn ngữ thơ với nhiều ẩn dụ hơn. Anh đứng giữa đám đông của thời đại nhưng vẫn chọn một thái độ trong thơ của mình một lối riêng, một cách tự tại và nhịp thở của mình. Nhưng đến Vòng Quanh (1997), cách tập trước 4 năm, Đỗ Hồng Ngọc không những vòng quanh về mặt địa lý mà với Hà Nội, Đà Lạt, Chiang Mai, đó đây… như Một ngày ở Huế:“Một ngày lăng tẩm cung vua, Một ngày đi sớm về trưa một ngày/ Một ngày Vỹ Dạ trăng soi/ Một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người/ Một ngày Thiên Mụ câu thề/ Đông Ba Gia Hội chưa về kịp thăm/ Một ngày Từ Hiếu băn khoăn/ Đồi sương dốc dựng té lăn cù rồi/ Một ngày sông nước thuyền trôi/ Tam Giang sóng vỗ đâu hồi còn thơ/ Một ngày ngày xửa ngày xưa/ Một ngày ở Huế…đã vừa trăm năm”. Đỗ Hồng Ngọc ít làm thể thơ lục bát, nhưng đây là bài thơ hay đã cho người đọc một cảm xúc giai điệu đầy chất Huế, những hình ảnh trong bài thơ trở nên kỳ diệu với nét trầm mặc trong cổ kính rêu phong. Rồi các địa danh Boston, Paris, Australia… của những quốc gia anh đã có dịp đi tu nghiệp, hội thảo khoa học, du lịch với góc nhìn khám phá, khác hẳn bao lữ khách nhàn du. Như đã gợi cho ta Mùa Đông Boston” : “Còn cây/ Trơ lại/ Với cành/ Với linh hồn lá/ Ngập ngừng/ Trút qua”- Bài thơ từng đó câu chữ thôi…Hay khi anh đến Bảo tàng sáp Grévin (Paris)! “Tưởng người thiệt/ Chào, không nói/ Tưởng người sáp/ Sờ một cái!”- Đã biết những danh tài được tôn vinh, nặn tượng bằng sáp mà sao còn “tưởng là” người sáp? Trình độ mỹ thuật hay cái hồn của Grévin…Cái độ trầm tích trong những bài thơ ngắn, rất ngắn mà mang đến bao điều để nghĩ ngợi, liên tưởng.

Trong các tập thơ Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản, có lẽ đầy đặn nhất đó là tập Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác, gần 230 trang. Trong đó cũng có nhiều bài đã xuất hiện trên một số tạp chí văn học và các tập thơ trước. Có thể anh muốn “khuôn” lại để có một bầu trời thơ của mình và cho mình. Sắc độ thơ của mỗi thời kỳ tuy có chút khác về ngôn ngữ thể hiện. Nhưng ĐHN vẫn giữ cái riêng trước sau của mình sự thanh cao của giá trị nhân văn, tình cảm chân thành. Theo anh từng nói về nỗi nhớ: “Đã bao lâu ta không sống với mình/ Ta có ta mà quên ta phứt”. Và thế là với Đỗ Hồng Ngọc không bao giờ rời xa thơ.

Người bạn văn một thời cùng học trường Phan Bội Châu (Phan Thiết) với anh, nhà thơ Trần Vấn Lệ đã viết:“Thơ Đỗ Hồng Ngọc/ Đỗ Nghê không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị. Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào. Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm… Gió Bấc đang thổi ở ngoài quê nhà, ngày Xuân đang đến không riêng ai…”.
Có lẽ ai cũng đồng cảm với những nét khắc họa về Đỗ Hồng Ngọc như thế này.

Với tập thơ có tựa Thơ Ngắn Đỗ Nghê của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc đã phát hành cuối năm 2017 là tập thơ mới nhất- Đúng nghĩa với hình thức là “ngắn”, ngắn có bài vỏn vẹn 3 câu 6 từ, như bài Trái Đất (Giữa đêm/ Thức giấc/ Giữa ngày…). Ừ nhỉ, đêm ở Việt Nam và ngày ở Mỹ. Cách nhau chẵn chòi nửa vòng trái đất, nhưng với một bài thơ ngắn mà làm cho ta chợt nghĩ…biết bao điều, thật là thú vị. Đơn giản nhưng tinh tế trong đó. Cho nên anh thấy “Vũ trụ chừng nhỏ lại/ Còn chút xíu trong ta!” (Vũ trụ). Nhà báo Lam Điền sau khi đọc tập thơ ngắn Đỗ Nghê, viết: “Đỗ Nghê đã có một kiểu duyên ngầm trong những bài thơ tượng thanh từ sự bùng phát của cảm xúc hay ông tự chưng cất những suy tư đến cái độ mà Chu Hy xưa kia từng gọi rằng: như không thôi đi được”.(trong tập Như Không Thôi Đi Được -Nhiều tác giả).

Ngay từ cái bìa tên tác giả Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc, anh nhắc lại một bút hiệu Thơ thời ban đầu cách đây 60 năm mà sao lại Thơ Ngắn Đỗ Nghê, mặc dù trong tập nhiều bài lâu nay đích danh Đỗ Hồng Ngọc? Nay mới rõ hơn, thời mới “chạm duyên” với thơ, anh e dè không dám nói tên nên kết hợp hai họ cha (Đỗ), họ mẹ (Nghê) thành Đỗ Nghê. Khổ nỗi có người cứ nhầm bút danh Đồ Nghệ (ông Đồ xứ Nghệ) nên thôi, để đúng tên thật Đỗ Hồng Ngọc khi tốt nghiệp bác sĩ ra trường.Vậy mà cũng khó tránh khỏi, có người chê: “Bác sĩ mà bày đặt làm thơ”! Mà mấy ai biết bác sĩ đã làm thơ từ tuổi 17- 18, lúc chưa là bác sĩ. Cho nên tập thơ ngắn phải nhắc lại Đỗ Nghê của một thời và Đỗ Hồng Ngọc bây giờ là vậy.

Nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương nhận xét về thơ Đỗ Hồng Ngọc: “Ông không xem thơ như mục đích tự thân, cũng không xem thơ như một công cụ, mà để thơ tựa vào cuộc đời, tựa vào tình người. Câu thơ của ông chan hòa, giản dị, như tự bật ra từ trái tim, và khi thấy lòng mình đã lên tiếng vừa đủ, thì thơ ông nhẹ nhàng rút lui hay ẩn mình trong khói sóng”.

*Vẫn thơ… thấm vào những trang văn


Ngoài thơ, Đỗ Hồng Ngọc là bút danh trên gần 60 tập văn với nhiều thể loại. Tập sách về Y học, dưới tên Bs.Đỗ Hồng Ngọc có tựa Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò” (1972), tức chỉ mới 3 năm sau ngày tốt nghiệp bác sĩ. Tập sách thứ 2 cùng thể loại Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974). Đặc biệt các tập này còn tái bản nhiều lần với số lượng hàng nghìn bản in…Những tập sách về y học vốn đòi hỏi kiến thức chuyên môn trong ứng dụng rất phức tạp, Nhưng với cách viết, diễn giải của Bs.Đỗ Hồng Ngọc, người có một tâm hồn thơ văn nên luôn dễ dàng được tiếp nhận. Theo Bs.Đỗ Hồng Ngọc sức khỏe con người có mối quan hệ “thân tâm bất nhị”, chịu sự tác động từ môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội

Tình cờ thôi, người viết được xem trên trang Trang nhà của Bs.Đỗ Hồng Ngọc, những lượt mail của một “bạn đọc” từ xa, ngưỡng mộ những tập thơ, văn của anh phải nói là nhiệt tình, quý giá. Người ấy chỉ khiêm tốn ghi tên Hai Trầu/ Lương Thư Trung, cũng đam mê chuyện văn chương và Đỗ Hồng Ngọc. Anh Hai Trầu có một bản thống kê hầu hết các tác phẩm của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc đã xuất bản mà chính tác giả cũng không nhớ hết. Điều càng ngạc nhiên truyện ngắn đầu tay Người Thứ Hai của Đỗ Nghê trên báo Mai đã in từ năm nào, làm cho tác giả Đỗ Nghê cũng phải ngạc nhiên…Cũng là người phương xa -Nguyễn Thị Khánh Minh từ Santa Ana (Mỹ) với những trang biểu lộ sự quý mến, cảm xúc qua những tập thơ và những trang văn trong tạp bút, tản văn, y học... Trường hợp khác, với một người bạn xa mà Đỗ Hồng Ngọc chưa một lần gặp đã biên soạn 3 cuốn (bản thảo) Tuyển tập Đỗ Hồng Ngọc dầy cả ngàn trang A4 gửi tặng, là một tập hợp gần như cả hành trình viết lách của anh. Đó là nhà báo Nguyễn Hiền Đức, trước 1975 có thời làm Thư ký tòa soạn tạp chí Tư Tưởng Đại học Vạn Hạnh…Đúng là hữu duyên!


Những tác phẩm tản văn, tùy bút của Đỗ Hồng Ngọc không những về kiến thức y học mà ở đó còn là những trang văn có giá trị văn học, tạo được hấp dẫn đối với người đọc từ những tên tập sách Gió heo may đã về, Già ơi…Chào bạn! Những người trẻ lạ lùng… Những sách về Phật học, về Thiền như Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và sức khỏe, Tôi học Phật…Có những tập tái bản nhiều lần, cho thấy độ hút từ người đọc, đủ lứa tuổi. Với những tập sách về Sức khỏe - đời sống, về Phật học (về Tâm kinh, Thiền định…) theo cách luận giải của Bs.Đỗ Hồng Ngọc đã dẫn dắt người đọc dễ hiểu, nhẹ nhàng bởi những thuật ngữ, ẩn dụ đậm chất thơ. Hình thức các tác phẩm của ĐHN với khổ hình vuông như tờ Ý Thức ngày xưa và có những tựa bài từ lời ca khúc của người bạn thân- nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đôi ba trang phụ bản do anh ký họa bằng bút kim rất có hồn, đã thêm phần mượt mà cho trang chữ.

Đỗ Hồng Ngọc dù luôn nhận mình là “Người học Phật”, một cách nói khiêm nhường. Nếu có dịp hãy gõ lên “YouTube-dohongngoc” có đến hàng chục đề tài mà Đỗ Hồng Ngọc được mời đăng đàn pháp thoại ở các thiền viện, nhà chùa về Sức khỏe và Phật giáo, về Thở và thiền, về Ăn và chay… Không những với đối tượng tu sĩ, phật tử mà còn có những buổi đàm đạo cùng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ mới thấy năng lượng sống và sự am hiểu thấu đáo của “người học Phật” như Đỗ Hồng Ngọc. Trong một clip, với chương trình Hoa Mặt Trời do chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) tổ chức, khung cảnh trang nghiêm ở một giảng đường rộng, đông đảo có đến 3 ngàn người để nghe Bs.Đỗ Hồng Ngọc nói về cái duyên học Phật của chính mình, những căn bệnh tham sân si đời người, niềm hạnh phúc của anh khi “ngộ” ra sau ca mổ sọ não và thế nào là sống an nhiên…

Cuộc hành trình sáng tạo và chia sẻ của Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc quả là sinh động và đích thực chân dung Đỗ Hồng Ngọc- một người thông tuệ, nặng tình như lời giới thiệu trên đặc san Văn hóa Phật giáo (2021)/ Viên Giác Tùng Thư, Hannover Đức Quốc:“Ngoài vai trò là bác sĩ, nhà giáo ông còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Ông viết nhiều tác phẩm đa dạng và rất được đọc giả yêu thích”.


Phan Chánh






 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top