XA NHAU LÀ THƯƠNG NHAU.
Phạm Phú Nam
Khi lái xe trên freeway 101, có một bảng hiệu điện tử quảng bá một thông điệp nghe rất kêu "Xa Nhau Là Thương Nhau". Thật ra, ai đọc thấy điều hiểu ngay, vì Covid-19, xin tránh gặp nhau để giảm thiểu bớt lây lan bệnh dịch này.
Trong hai tuần lễ vừa qua, quận hạt Santa Clara đang cố "gào thét" kêu gọi mọi cư dân trong quận hạt cố gắng ở nhà, đừng gặp gỡ ai, đừng ăn nhậu mừng lễ tết, đừng đi xa thăm viếng gia đình người thân. Lời kêu gọi được truyền bá qua mọi cơ quan và tổ chức cộng đồng hàng tuần, và riêng trong tuần qua, nói hàng ngày. Lý do, các phòng ICU chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện trực thuộc quận hạt đã gần đầy kín bệnh nhân, trong đó có từ 30-60% là bệnh nhân bị bệnh Covid-19. Nếu đà lây lan ngày càng tăng như đã bùng phát sau lễ Thanks Giving, bệnh viện sẽ hết giường đón nhận bệnh nhân mới, kể cả bệnh nhân các loại bệnh cấp cứu khác lẫn bệnh nhân Covid-19. Chúng ta nên biết, mỗi bệnh nhân Covid 19 nằm trung bình từ 5-10 ngày trong bệnh viện.
Câu hỏi ai cũng tự hỏi và rất bâng khuâng với câu trả lời: có nên tuân theo yêu cầu ở nhà, tránh gặp nhau hội họp, tránh ăn uống nhà hàng, tránh thăm viếng người thân và bạn bè theo yêu cầu của quận hạt không?
Cách đây hai tuần, tôi được tin hai người bạn vừa mới bị vướng mắc Covid-19. Một người gặp qua đám tang tại nghĩa trang, và một gặp nhau tại quán cà phê. Cả hai trường hợp gặp đều giữ khoảng cách cẩn thận, đeo mạng và rửa tay sau đó. Hai người bạn này đều lây cho vợ/chồng. Sau 10 ngày tự cách ly và tự chữa các triệu chứng bao gồm: nóng lạnh, ho, bần thần khó chịu, ăn không ngon, ngửi không thấy mùi vị, nay các bạn này đều đã qua khỏi. Các bạn này đều chỉ uống Tylenol và nhất là chịu khó xông hơi, vì xông hơi với dầu gió xanh làm dịu khí quản, khiến bớt ho và làm dễ thở.
Một trong hai người bạn, bạn cùng trường Hồ Ngọc Cẩn Trần Anh Nghiêm kể rất rõ, dường như có đụng chạm nhau mới bị lây bệnh vì bạn Nghiêm lây từ sự va chạm tay chân với người manager trong sở, rồi về nhà đụng chạm lây sang cho vợ. Còn lúc họp mặt ăn uống với 6 người em khác nhà, và uống cà phê với chúng tôi, không lây cho ai. Nghe kể vậy, cá nhân tôi thấy bớt quan ngại trong vấn đề giao tiếp lây lan. Nhưng, ....
Sáng nay Thứ Ba ngày 15/12, tôi được tin anh Từ Hiếu Côn, nhà sản xuất và phát hành lịch Hương Quê, vừa mới qua đời vì bệnh Covid-19 trong bệnh viện San Jose ở tuổi trên dưới 65. Cách đây một ngày nghe tin một nghệ sĩ địa phương cũng ở San Jose mới qua đời vì Covid-19 ở tuổi chưa tới 60. Trước đây hai tuần thì nghe tin nhà báo Hà Túc Đạo cũng ở San Jose mới qua đời vì mắc Covid-19. Cách đây 3 tuần thì nghe tin ông Ngô Ngọc Hùng giám đốc đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Virginia cũng qua đời vì Covid-19 ở tuổi 66.
Nghe những tin "chết thật, chết vì Covid-19, và chết với chứng ngộp thở" từ chính những người mình quen biết, thì có lì đến mấy, cũng bắt đầu quan ngại....thật.
Cá nhân tôi từ 10 tháng qua vẫn cứ bâng khuâng với câu hỏi, có nên sợ Covid không? Thật sự, tỷ lệ tử vong rất thấp và hầu hết người bệnh Covid 19 đều qua khỏi mà không phải trải qua những ngày bệnh nặng như sự sợ hãi. Tuy nhiên, người chết vì Covid cũng có dù là ít, và cũng rơi trúng những người mình quen biết, thì coi thường Covid sao được!
Người Việt mình hay nói "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ", chưa bị Covid hành hạ với chứng ngộp thở thì chưa biết đá biết vàng. Thôi thì theo các cụ hay khuyên "cẩn tắc vô áy náy", ráng nằm nhà thêm một vài tháng nữa đến khi chích xong thuốc ngừa, gặp lại nhau cũng chẳng muộn.
Tôi có bà chị tuổi gần 80 ở Austin-Texas, gọi điện thoại chọc ghẹo bà chị chơi, Giáng Sinh này em sẽ qua thăm và ở lại nhà chị vài ngày nha? Bà chị rất dễ thương của tôi chợt im lặng, không nói một lúc lâu, rồi nhẹ nhàng thân thương...từ chối. Chị không muốn gặp em lúc này đâu, em trai thương quý.
Bây giờ chợt thấm thía câu: "Xa Nhau Là Thương Nhau".
Phạm Phú Nam