Phạm đức Thân
Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI
Tranh Mai Thứ
Đời người như một cuốn phim đang chiếu mà chủ nhân vừa là vai chính vừa là khán giả duy nhất. Cho tới một lúc nào đó, thường là có tuổi, cuối đời, nhiều người tạm ngưng lại và thắc mắc tự hỏi, đại khái như: tôi là ai? nguồn gốc từ đâu? có sứ mệnh, mục đích gì không? ...Hay kiếp người chỉ là trong vòng luẩn quẩn ăn để sống, sống để làm việc, làm việc để có cái ăn; rồi lập gia đình để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý.... Cuộc sống bận rộn trước đây không có dịp để nghĩ đến những điều này; hoặc có thể là vì chúng quá phức tạp, rối rắm nên bị trốn lánh, tảng lờ, gạt qua bên. Leon Tolstoy lúc 50 tuổi giữa đỉnh cao sự nghiệp, thú nhận vô cùng bức xúc, hụt hẫng vì bỗng nhiên cảm thấy cuộc đời mình hoàn toàn vô nghĩa. Riêng người viết cũng đã từng cảm khái:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Trốn tìm trong thơ nhạc chơi vơi
Lang thang vơ vẩn đời gần hết
Chẳng hiểu ra sao một kiếp người
Thắc mắc cá nhân trên là biểu hiện của một tra hỏi rộng lớn hơn về nguồn gốc con người, về ý nghĩa cuộc đời; vì người ta thường cho rằng hiểu được nguồn gốc hy vọng có thể giúp suy ra được sứ mệnh, mục đích, ý nghĩa cuộc đời, nếu có.. Tìm hiểu nguồn gốc là nhìn về quá khứ chung của chủng loại con người để hiểu được hiện tại, tương lai; nếu thấy cuộc đời có ý nghĩa thì sẽ cố gắng sống theo đó - đây là việc riêng tư rất khác nhau của mỗi cá nhân.
Đã hẳn nguồn gốc là do cha mẹ sinh ra, nhưng hỏi tiếp tới sẽ thấy có ông bà, cụ kỵ, tằng tổ....và sau cùng tới tổ tiên con người, xa lắc xa lơ không có gì cụ thể để xác nhận. Cho nên về nguồn gốc con người tất cả hiện nay chỉ là suy luận, lý thuyết. Có rất nhiều kiến giải ít nhiều khác nhau về vấn đề này, nhưng trong mục đích đi tìm ý nghĩa cuộc đời, có thể tạm liệt chúng vào 2 khảo hướng chính: khoa học tự nhiên và siêu hình huyền bí.
Khảo hướng khoa học tự nhiên của vũ trụ học, vật lý lý thuyết, thiên văn học, sinh hoc, hóa sinh học... thời hiện đại có vẻ đang hấp dẫn nhiều người cho nên được đề cập trước. Theo đó, về đại thể, nguồn gốc sự sống con người bắt đầu với Nổ Lớn (Big Bang) xẩy ra cách đây 15 tỷ năm, tiếp tục với xuất hiện mặt trời 10 tỷ năm sau đó, và rồi nẩy sinh các hình thức sự sống dạng đơn bào mà qua quá trình tiến hóa đã hình thành người hiện đại sơ khai (homo sapiens) cách đây khoảng 600 ngàn năm, để cuối cúng là con người ngày nay.
Như vậy sự sống chỉ là biến cố ngẫu phát của tự nhiên. Vũ trụ bao la hoành tráng là thế, nếu có sứ mạng, mục đích, ý nghĩa gì ta không thể nào biết. Nhưng với sự sống của con người thì ngẫu phát của nó không cho thấy một liên hệ hợp lý nào để kết luận cuộc đời có một sứ mạng, mục đích, ý nghĩa. Gần đây Richard Dawkins (The Selfish Gene - Cái Gien Ích Kỷ) còn vượt qua thuyết tiến hóa của Charles Darwin về chọn lọc tự nhiên của sinh vật để sống còn. Theo Dawkins chọn lọc tự nhiên diễn ra ở cấp bậc gien hơn là cấp bậc chủng loại. Có nghĩa là cá thể sinh vật, trong đó bao gồm con người, là những "bộ máy sinh tồn" được xây dựng nên theo những chỉ dẫn ghi trong DNA, với "mục đích" bảo đảm sống còn của gien, chứ không phải của chính sinh vật.
Tuy nhiên, gien không phải được kiến tạo để hoàn thành một "mục đích" nào. Nó chỉ sống còn nếu tạo được tác dụng trên sinh vật nó đang trụ, và trong một môi trường thuận lợi. Người chỉ là những chuỗi xoắn DNA tự sao chép. Cho nên cuộc đời mỗi người không quan trọng. Quan trọng là gien của người được truyền lại sang con cháu để gien tiếp tục sống còn. Cùng lắm có thể bảo mục đích cuộc đời là truyền gien, nhưng không thể bảo nó có một ý nghĩa gì theo nghĩa đạo lý, xã hội ta đang đi tìm hiểu.
Người chỉ là công cụ của gien
Để gien trường cửu cõi thiên nhiên
Một khi đã hoàn thành nhiệm vụ
Cát bụi vùi chôn cái xác hèn.
Khảo hướng siêu hình huyền bí có từ lâu đời qua các giáo lý của nhiều tôn giáo, thần học và triết học... cho rằng phải có một đấng Tối Cao (gọi là Trời, Chúa, Tạo Hóa, Thần...) có chủ ý kiến tạo nên con người và vũ trụ bao la, hoành tráng với mục đích nào đó. Dân Do Thái và dân đạo Chúa, trong thánh kinh (phần Sáng Thế Ký) thuật truyện Chúa dựng nên vũ trụ trong 6 ngày. Dân Ấn giáo cho rằng Thần Vishnu nằm trên con rắn Shesha và một hoa sen mọc từ rốn Thần cho xuất hiện Thần Brahma, rồi Thần này tạo nên toàn thể vũ trụ trong một quả trứng vàng nhỏ. Ngoài ra, còn có Thiên Đàng, Hỏa Ngục, quỷ dữ...để răn đe người: sau khi chết, đời sau sẽ được thưởng hay phạt tùy theo đời này sống thiện hay ác.
Những truyện này không có chứng cứ, chỉ là huyền thoại, coi như ẩn dụ về một đấng Tối Cao mà trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên không ai không cảm thấy có cái gì đó siêu việt. Eugene Cernan phi hành gia đi trên mặt trăng từng nhận xét: "Không ai đầu óc bình thường ngắm nhìn các ngôi sao và khoảng đen vô tận bao trùm khắp nơi lại có thể chối bỏ cái tính chất linh thiêng của cảm nghiệm cũng như hiện hữu của một Đấng Tối Cao." Tuy chỉ là huyền thoại và cảm nghiệm, nghịch với lý trí, nhưng rất nhiều người vẫn tin rằng tác phẩm vũ trụ và người của Tạo Hóa là có một mục đích. Vậy hãy cứ phó mặc tất cả cho Bề Trên, không cần lôi thôi tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời; nhất là đời này tạm bợ, đời sau vĩnh cửu, mới có ý nghĩa quan trọng, đích thực. Mọi sự việc Chúa tạo nên đều đúng. Cuối cùng rồi cái tốt sẽ thắng cái xấu, công lý sẽ thắng bất công. Niềm tin tưởng tuyệt đối vào tôn giáo đến độ cuồng tín có khi trở nên nguy hiểm, mù quáng, ví dụ như cho rằng sứ mệnh cuộc đời là diệt Mỹ (quá khích Hồi Giáo) hoặc diệt chủng dân Palestine (Do Thái).
Như vậy, nhìn về quá khứ (Nổ Lớn, Đấng Tối Cao sáng tạo con người và vũ trụ) cũng như về tương lai (đời sau - thực hư không rõ có hay không) đều không giúp ích gì cho việc đi tìm ý nghĩa cuộc đời.
Nay thử nhìn ngay vào hiện tại xem sao. Thật vậy, bế tắc trên là do cứ khăng khăng giả định cuộc đời có một mục đích, ý nghĩa khách quan nội tại do lựa chọn tự nhiên hay thần thánh cấu tạo nên. Giả định này không có gì chắc chắn là đúng hay sai. Nếu bây giờ, theo các triết gia hiện sinh vô thần (Sartre, Camus...) ta gán cho cuộc đời một mục đích, ý nghĩa chủ quan ngoại tại thì cuộc đời sẽ có nhiều ý nghĩa tùy theo nhận định của mỗi cá nhân ở đời và với người khác. Tức là ý nghĩa cuộc đời không có sẵn đó mà mỗi người được/phải tự do tìm chọn và làm cho đời mình có ý nghĩa theo chủ quan của mình. Cách nhìn này có cái lợi thực tiễn: tại bất cứ thời điểm nào trong đời, sau khi chiêm nghiệm quá khứ bản thân, có thể thay đổi lối sống theo ý nghĩa mới tìm ra, nếu muốn. Mặt khác người có đạọ hay không đạo, vô thần đều có thể thực hiện.
Thiết tưởng cũng cần nói rõ về nghĩa của cụm từ "có ý nghĩa". Cuộc đời "có ý nghĩa" nói ở đây hàm ý cuộc đời hướng thượng, nghĩa là nghiêng về chân thực, tốt đẹp, hữu ích....phù hợp với đạo đức, xã hội, vì có như thế nó mới phong phú, đầy đủ và xứng đáng tìm kiếm cho đời có ý nghĩa.
Cuộc đời vô luân, phi đạo đức, trộm cắp, lường gạt.... thì chỉ có ý nghĩa đối với chính chủ nhân của nó. Các đồ tể sát nhân (vd. Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh...) và những kẻ độc ác, tra tấn, thù hằn, giận dữ, tham vọng, tham lam, mặc cảm tự tôn hay tự ti...(vd. Công An CS), gieo rắc chết chóc đau khổ trên người khác, hẳn phải thấy cuộc đời họ rất có ý nghĩa nên mới hăng hái thực hiện thành công dự án xấu xa cùa mình một cách mãn nguyện như thế.
Con người ở đời và với người khác nên thường giúp đỡ lẫn nhau. Vị tha và giúp người hoạn nạn, nghèo khó làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Thương người như thể thương thân; và tôn giáo cũng rao giảng bác ái, từ bi, bố thí. Bởi vì mọi người sinh ra bình đẳng, được quyền sống thỏa đáng, nếu thiếu thốn hoạn nạn thì giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trước mắt là chuyện cần làm trong phạm vi khả năng của mình, không nhất thiết phải như Mẹ Teresa suốt đời phục vụ kẻ nghèo khổ, bệnh tật hay các tỷ phú làm từ thiện cả ngàn tỷ. Nhưng cũng đừng làm từ thiện để lấy tiếng, thích tên mình gắn trước đền chùa cho biết đã cúng bao nhiêu.
Con người thường có khuynh hướng siêu việt. Đời có ý nghĩa khi vượt lên trên quyền lợi bản thân, có lý tưởng, nghĩ đến chủng loại. Sẵn sàng hy sinh, phản kháng bất công, áp bức, độc tài... (vd. những tù nhân lương tâm chống CSVN hèn với giặc, ác với dân). Đó là những người không quản nguy hiểm làm cách mạng, hoặc bảo vệ tổ quốc, hoặc hy sinh nhiều thứ để mạo hiểm khám phá đất đai xa lạ, hoặc khổ công tìm tòi phát minh cái mới giúp ích cho nhân loại, hoặc ngay cả biểu tình phản đối ô nhiễm khí quyển làm biến đổi khí hậu gây nhiều thiên tai, bão lụt hạn hán....Việc làm của cá nhân tuy nhỏ, nhưng góp phần cho ích lợi chung của nhân loại.
Người có dự án, thực hiện thành công một việc (vd. viết xong một truyện) hoặc hoài bão (vd. trở thành thầy giáo) thì cảm thấy mãn nguyên, hài lòng, thấy đời có ý nghĩa hơn, nhiều hay ít tùy theo thành quả lớn hay nhỏ. Vấn đề là phải có một mục tiêu, và cố gắng đạt tới, cho dù có thể không kết quả, như Nguyễn Thái Học đã nói, "không thành công thì thành nhân". Đừng sợ thất bại vì biết rút kinh nghiệm thì thất bại là mẹ thành công. Mặt khác kinh qua khó khăn, gian khổ thì thắng lợi mới vinh quang. Cũng phải biết giới hạn của mình, đừng với cao quá khả năng, hoặc so sánh với người chung quanh, cho rằng mình không bằng họ, khiến bất ưng, đời mất hứng thú. Phải biết tự bằng lòng, cảnh tỉnh với cảm giác đời không còn ý nghĩa một khi đã đạt mục tiêu. Hãy đề ra một dự án khác và cố gắng thực hiện để cuộc đời lại có ý nghĩa mới.
Cuộc đời ngắn ngủi, phù du, chết lúc nào không biết. Vậy hãy cứ nắm lấy ngày hiện tại (carpe diem). Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng áp dụng vào cuộc sống cho thấy 2 cách hiểu khác nhau. Người theo khoái lạc chủ nghĩa sợ chết bất ngờ, còn sống ngày nào cố hưởng thụ khoái lạc vật chất tối đa (sinh lý, thực phẩm, giải trí...) và lối sống này đối với nhiều người là không có ý nghĩa. Người khác nhận thấy thời gian, cơ hội không nhiều, vậy đừng chần chờ thực hiện dự án, hãy làm gấp những việc tốt... và đây là lối sống ý nghĩa nên theo.
Không biết có phải lối sống quá vật chất hiện nay khiến xuất hiện các guru, nhiều sách báo khuyên thiền định, yoga, giảm bớt cái tôi tham sân si... giống như Phật giáo từ xưa đã bảo mọi sự là phù du, vô thường, đừng ảo vọng bám vào cái ngã không có... Một số người đã tuân theo các lời khuyên này. Tương tự, các tu sĩ của nhiều tôn giáo đã từ bỏ thú vui trần thế, sống đạm bạc, phục vụ trong giáo hội. Tất cả những người nói trên hẳn phải thấy cuộc đời như vậy mới có ý nghĩa, cho nên đã chọn lối sống đó. Trừ một số nhỏ thực sự giúp đỡ người khác (vd. chăm sóc người cùi) còn đa số chỉ kinh kệ, thiền định và cầu nguyện, không biết có giúp ích gì cụ thể cho đời. Đây là trường hợp cuộc đời chỉ có ý nghĩa chủ quan, thiếu ý nghĩa khách quan: có lẽ chỉ họ mới thấy ích lợi tâm hồn mình được an lạc, bình lặng trong thế giới tranh sống náo nhiệt trước mắt; người ngoài cuộc không biết ý nghĩa này.
Hãy để yên tu sĩ và người tin vào tâm linh. Quay sang người bình thường, đa số công nhận hạnh phúc là điều quan trọng nhất trên đời. Cuộc đời thiếu vắng hạnh phúc là chẳng còn ý nghĩa, có khi khiến người ta bi quan, chán sống đến độ muốn tự tử. Hạnh phúc thì phức tạp, đa dạng, nhiều ít... rất khác nhau. Nathaniel Hawthorne bảo: "Hạnh phúc như con bướm, bị săn đuổi thì luôn luôn ngoài tầm tay, nhưng nếu bạn lăng lẽ ngồi xuống nó có thể đậu trên bạn". Người bình thuòng không cần tìm kiếm hạnh phúc cao xa. Hãy ngồi xuống xem tâm lý học, xã hội học, thần kinh học đã cho những kết quả khảo sát nào giúp đi tìm hạnh phúc giản dị.
Đời có ý nghĩa không phải chỉ khi đạt mục tiêu khiến mãn nguyện, hạnh phúc, mà còn là khi có nhiều mục tiêu khác nhau để theo đuổi liên tục. Hạnh phúc ngắn ngủi, không bền vững, trồi sụt (vd. khi dùng ma túy, hoặc mục tiêu đạt xong là hết hứng thú, thấy trống rỗng...). Nhưng nếu luôn luôn theo đuổi mục tiêu mới thì sẽ tạo được hứng thú lâu dài. Và ý nghĩa cuộc đời nằm ở các hoạt động dễ dàng cung ứng những mục tiêu liên hợp và thỏa đáng này, để có thể thực hiện thành công toàn phần hay một phần. Quan trọng ngang với thành quả, là cố gắng thực hiện mục tiêu thì luôn luôn sẽ phát sinh hóa chất (dopamine, oxytocin) trong óc khiến ý thức được tình cảm mãn nguyện và hạnh phúc. Các hoạt động này đa dạng, nhưng có thể kể 3 lãnh vực hoạt động thông thường nhất ai cũng có thể làm đươc là: yêu thương (lãng mạn nam nữ, gia đình, bạn bè, tha nhân...) làm việc (để có lợi tức, tài chánh bảo đảm, cơ hội rèn luyện kỹ năng, vượt qua thử thách...) và giải trí (âm nhạc, hội họa, đọc sách, thể thao, du lịch...), chúng làm cho cuộc đời phong phú, đầy đủ và hạnh phúc nhờ luôn luôn tương tác với tha nhân và có một đời sống kinh tế, tâm lý ổn định. Người sống cô độc thường ít hạnh phúc.
Các nhân tố làm cho cuộc đời có ý nghĩa thì rất nhiều không thể kể hết, nhất là tính cách cá nhân của mỗi người cũng rất khác nhau càng làm chúng trở nên đa dạng, phong phú hơn. Trên kia chỉ điểm qua vài trường hợp điển hình, mỗi người có thể tự tìm hiểu thêm qua tham khảo các triết gia, học giả, văn nghệ sĩ,.. và ngay cả người bình thường chung quanh qua lối sống của họ. Đi tìm ý nghĩa cuộc đời có thể diễn ra suốt đời, chưa bao giờ thấy mãn nguyện. Chỉ xin nhắc rằng nên luôn luôn linh động, cởi mở, đừng quá triệt để, khắt khe.
Có thể thấy giá trị của hạnh phúc trong khi cũng thừa nhận nó không phải là tất cả, để khi gặp bất hạnh sẽ dễ dàng chịu đựng hơn. Có thể biết hưởng thụ khoái lạc cuộc sống nhưng đừng trở nên nô lệ của chúng vì không bao giờ thỏa mãn. Có thể đánh giá cao giá trị của thành công nhưng đừng hẹp hòi để không thấy rằng cũng rất quan trọng là những cố gắng, chứ không phải chỉ riêng thành quả. Có thể nắm bắt hiện tại nhưng nếu vượt ngoài tầm với thì cũng biết buông xả, không nhất thiết cố gắng tranh dành một cách tuyệt vọng. Có thể đánh giá cao vị tha, bố thí nhưng không có nghĩa phải cố gắng bằng người, cho đi mọi thứ mình có. Và sau cùng, phải nên nhận ra rằng yêu thương là quan trọng nhất, là động lực thúc đẩy mọi hoạt động nhân ái khác, làm con người cảm thấy hạnh phúc nhất.
Nhân năm mới người viết xin chúc mọi người tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Phạm đức Thân