PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó người ta hướng về Thần linh để hỏi ý kiến trước khi làm một việc gì quan trọng hay nguy hiểm. Có người dùng truyện Kiều để bói điềm. Có người dùng Thánh Kinh đề bói điềm. Xin xăm là nhờ lực của Thần linh báo xem việc cầu xin tốt hay xấu để có quyết định. Xin xăm thường diễn ra ở các đền miếu của người Trung Hoa. Một vài đình làng và chùa Phật giáo ở Việt Nam cũng có xin xăm.
Ở miền đông Nam Bộ người ta đồn đình Phong Phú ở Thủ Đức là nơi linh thiêng. Người làm ăn hay dự tính làm một việc gì lớn lao hay nguy hiểm thường đến xin xăm xem Thần linh có ý kiến gì về dự tính của mình. Nếu ở Nhật người ta xem những thầy bói là những cố vấn khải đạo thì việc xin xăm có thể xem như sự tìm kiếm sự cố vấn của Thần linh vậy.
Có 100 thẻ xăm bằng tre đựng trong một cái ống tre dài lối 40 cm đặt trước một bàn thờ. Người xin xăm quì trước bàn thờ khấn vái trước Thần linh về mục đích của sự vấn kế Thần linh của mình. Xong người ta cầm ống đựng xăm và lắc đều tay cho đến khi có một thẻ xăm rớt xuống. Thẻ có đánh số. Người xin xăm mang số ấy nhờ ông thầy mở sách xem quẻ xăm nói gì. Đại để có xăm Thượng, xăm Hạ, xăm Thượng Thượng và xăm Hạ Hạ. v. v.
***
Sau năm 1975 tôi được cảm ơn và về nhà thưởng thức nhạc cách mạng mỗi ngày qua máy phóng thanh của phòng Thông Tin Văn Hoá địa phương. Nào là Từ Thành Phố Này Người Đã Ra Đi, Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người, Về Thăm Quê Bác, Tiến Về Sài Gòn, Anh Lính Quân Bưu, Kết Đoàn! Kết Đoàn! Cô Gái Đất Đỏ. Nào là Tiếng Chày Trên Sóc Pom- Bô, Nguyễn Viết Xuân v. v. Tâm của tôi vắng lặng một cách lạ thường. Trong cảnh cô lập và thiếu thốn lại có người đến nhờ tôi giúp chuyện này chuyện nọ. Tôi cứ tưởng mình đã hết công lực không ngờ tôi lại giúp người hữu hiệu bằng những ý kiến rất thô sơ nếu không nói là thô thiển, tầm thường. Không biết tại sao rể của chú tôi lại tin tưởng tôi đến nỗi gặp chuyện khó khăn gì anh ta cũng đến gặp tôi để tìm giải pháp. Rể của chú tôi là thanh tra trung học. Chính anh là người hộ tống bộ Le Capital (Das Kapital) mà cô giáo mang tên vầng trăng ở Cần Thơ tặng tôi năm 1965 khi coi thi ở Cần Thơ. Anh chở bộ sách cấm về Sài Gòn bằng xe đò Nhan Nhựt. Tôi về Sài Gòn bằng Air Việt Nam vì đã mua vé khứ hồTên người rể của chú tôi là L. Cha của L. chết trong chiến tranh Việt- Pháp.
Chú tôi dạy toán ở Lycée Sisovath ở Phnom Penh vào cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940. Chú về nước năm 1945 và là người bị xử bắn đầu tiên khi quân Pháp tiến về quê nội tôi và biến làng thành biển lửa. Như vậy đối với chế độ mới ở Việt Nam L. thuộc gia đình liệt sĩ. Nhờ gia đình liệt sĩ và gốc thầy giáo nên anh học tập không lâu với cấp bậc trung uý biệt phái và thanh tra trung học. L. trở về trường dạy học. Anh dạy Văn vì từ lúc còn trên ghế học đường anh đã có năng khiếu về thi phú. Trong buổi học tập nghiệp vụ vào một ngày mùa hè mưa giông tầm tã L. nhìn lá cờ ngoài sân trường và làm bài thơ Lá Cờ Dưới Cơn Mưa. Không ngờ anh bị đại hoạ khi đọc bài thơ này cho đồng nghiệp nghe. Anh bị một cán bộ giáo dục làm khó dễ và buộc tội có tư tưởng phản động. L. sợ quá vì dù sao anh cũng từng là trung uý quân đội ngụy và thanh tra trung học.
Một buổi sáng L. đến nhà tôi trong lúc tôi còn ngủ. L. trình bày câu chuyện cho tôi nghe và cho biết trưa ngày hôm ấy anh bị đưa ra hội đồng kỷ luật về bài thơ phản động. Trong sự lo lắng và sợ hãi L. hỏi tôi: “Anh sáu có cách nào cứu em không?” Tôi cười thầm vì cảnh tìm tu sĩ Phật Giáo mượn lược này. Nhưng tôi không làm cho L. thất vọng. Tôi hỏi: “ Người đang làm khổ dượng là cán bộ A hay B?” - “ A.” L. đáp. Tôi nói: “ Vậy là dượng thoát nạn rồi!”. Chiều hôm ấy L. đến nhà với vẻ mặt phấn khởi khác với lúc sáng. Anh cho biết mọi việc đều tốt đẹp như lời tôi nói. L. hỏi tôi: “ Tại sao anh Sáu chỉ hỏi một câu mà cho kết luận sớm vậy? “ - “ Vì A và B đang kình nhau. Cái gì A nói phải thì B nói sai và ngược lại. Nên dượng được B binh vực. Nếu không thì B mất ghế vì A qua cái lỗi do dượng gây ra tức bài thơ của dượng.”
Phúc không tới hai lần nhưng hoạ không tới một lần. L. phụ nhạc mẫu canh tác ở An Phú Đông nơi vần thơ ‘ Một làng nho nhỏ ở ven sông ‘ của Xuân Diệu và lời ca ‘ Đây An Phú Đông! Ơi An Phú Đông! muôn đời oai linh sống với núi sông còn văng vẳng đâu đây’. L. cãi vã to tiếng với một du kích hay bộ đội (tôi không nhớ rõ) vì người này đánh nhạc mẫu anh ( thiếm tôi) té nhào dưới đất. L. tức giận dùng cây chĩa đâm vào đùi kẻ nhẫn tâm đánh một người già cả và yếu đuối. Một nhóm du kích nhào tới đánh L. túi bụi và bắt L. giải về Hóc Môn giam giữ.
Vừa bước chân vào cửa khám L. lớn tiếng tự giới thiệu: “ Tôi tên là L., thầy giáo, chào các bạn đồng cảnh ngộ.” L. được cảm tình của người thủ lãnh tù trong khám. Trong tù người thủ lãnh là người phạm tội hình nặng nhất. Người thủ lãnh của các tù nhân sắp cho L. được nằm gần anh nghĩa là xa nhà cầu. Đó là ân huệ của một tù nhân gốc nhà giáo thuộc gia đình liệt sĩ. Sau một thời gian ngắn L. được tự do. L. uể oải trở lại trường học. Anh không còn thiết tha với công việc dạy dỗ nữa. Anh quá chán chường mặc dù cuộc sống chưa đến nỗi thiếu thốn cùng cực như nhiều người khác trong xã hội trong đó có tôi. L. cương quyết tìm đường vượt biên cùng với vợ và ba con. L. hỏi ý kiến tôi trước hết. Tôi không dám can ngăn cũng không khuyến khích giữa lúc L. đang buồn bực và gặp vận xui xẻo. Cuối cùng L. nhờ tôi hướng dẫn đi đến đình Phong Phú để xin xăm. Tôi cho L. biết tôi chưa xin xăm lần nào cũng không biết đình Phong Phú. Tôi chỉ biết lan man đình ấy nằm gần trường Bộ Binh Thủ Đức. Để bảo đảm tôi sẽ ghé làng Đại Học Thủ Đức và hỏi ông thầy cũ thì chắc chắn hơn. Vả chăng L. từng được huấn luyện ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Đến đó thì biết ngay đường đi đến đình Phong Phú.
Lúc bấy giờ đi tìm đình chùa dễ bị công ăn theo dõi và gây phiền toái. Thậm chí có một số ông từ trong đình hay ông sư trong chùa cũng có thể là tai mắt của chế độ theo dõi người vượt biên, đường giây vượt biên, ngày, giờ và địa điểm phát xuất các chuyến vượt biên để chặn bắt. Vì đình chùa là nơi người toan tính vượt biên đến để khấn vái cầu xin cho chuyến đi được suông sẻ an toàn. Bắt vượt biên như tìm thấy kho tàng gồm có vàng bạc, xăng dầu, ghe thuyền và một số tư nhân giàu có sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để chuộc lấy tự do. Vì nghĩ đến người em rể của chú mà tôi quên đi sự nguy hiểm của bản thân khi dẫn L. đến đình Phong Phú. Đến nơi tôi để ý ngay đến sự lạnh nhạt của ông từ mặc dù L. có cúng tiền khi ngỏ ý muốn được xin xăm. Ông từ gõ chuông. L. lắc ống đựng thẻ xăm.
Lắc mãi vẫn không có thẻ nào rớt xuống sàn cả. Áo của L. bắt đầu đẫm mồ hôi. L. có cảm giác ớn lạnh mặc dù bên ngoài khí hậu nóng bức. Ông từ thương hại L. Ông rót cho L. một ly nước lạnh và yêu cầu L. ngừng vài phút uống nước cho tỉnh táo. Xong ông tự đánh chuông cho L. lắc xăm. Một cây xăm rớt xuống sàn. L. bóc cây xăm lên xem. Mặt anh tái đi. Đó là que xăm Hạ Hạ!
Hai chúng tôi uể oải đạp xe về nhà. L. rất buồn và suy nghĩ mông lung. Từ đó L. không còn gặp tôi nữa. Anh cương quyết đưa vợ và ba con rời khỏi Việt Nam. Toàn gia đình anh xuống thuyền và ra khỏi chưa được bao lâu thì một cơn bão nổi lên. Chiếc thuyền bị lật úp. Toàn thể người vượt biển bị chôn vùi dưới lòng biển.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.