NỮ SĨ QUỲNH DAO QUA ĐỜI DO NGỘ ĐỘC KHÍ ĐỐT (1938-2024)

NỮ SĨ QUỲNH DAO QUA ĐỜI

DO NGỘ ĐỘC KHÍ

Di thư cho con trai bà viết: "Đừng khóc, đừng buồn, đừng đau lòng vì mẹ. Mẹ đã nhẹ nhàng bay đi”.

 

Nhà văn Quỳnh Dao vừa ra đi ở tuổi 86 (Ảnh AFP)

 

Tối ngày 4.12, sau khi được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng, thi thể của nhà văn Quỳnh Dao được đưa đến nhà tang lễ Đài Bắc (Đài Loan). Truyền thông Đài Loan tiết lộ qua khám nghiệm tử thi sơ bộ, các bác sĩ pháp y xác nhận tác giả Hoàn Châu cách cách tử vong là do ngạt thở vì ngộ độc khí carbon monoxide. Đại diện Viện kiểm sát quận Sĩ Lâm cho biết cái chết của Quỳnh Dao không có dấu hiệu của bên ngoài, không phát hiện có dấu hiệu phạm tội. Thi thể của bà sau đó đã được giao lại cho gia đình để lo hậu sự.

Tối cùng ngày, con trai, con dâu và thư ký của Quỳnh Dao đến làm thủ tục nhận thi thể bà. Gia đình không ý kiến gì về kết quả khám nghiệm. Sau khi hoàn tất thủ tục, họ lặng lẽ rời đi, không trả lời phỏng vấn của truyền thông.

 

Ảnh nữ sĩ trong những năm cuối đời

 

Được biết, trưa ngày 4.12, bà bảo thư ký đến nhà có việc, lúc đến nơi người này phát hiện nhà văn 86 tuổi đã bất tỉnh nên lập tức gọi cấp cứu. Khi lực lượng y tế có mặt tại hiện trường, tác giả Dòng sông ly biệt đã ngưng thở, tim đã ngừng đập, không còn dấu hiệu của sự sống, nên tin tức đầu tiên nghi là bà đã tự tử. Con trai bà Quỳnh Dao tiết lộ mẹ có để lại một di thư.

Sau khi bà qua đời, di thư và video ghi lại lời từ biệt của "nữ hoàng tiểu thuyết diễm tình" được đăng lên trang cá nhân theo tâm nguyện của bà. Trong thư, nhà văn tài danh ví bản thân như lửa, đã cháy hết mình, giờ đây, khi ngọn lửa sắp tàn, bà chọn cách ra đi nhẹ nhàng. Bà bộc bạch rằng mình đã sống một cuộc đời tươi đẹp, hết mình, mong những người ở lại đừng khóc, đừng buồn, đừng đau lòng vì mình.

 

Quỳnh Dao muốn được lựa chọn ra đi thanh thản, từng dặn dò con cháu chuyện hậu sự

Sau khi tin tức về sự ra đi của bà được phát tán, bức thư được bà Quỳnh Dao công khai từ năm 2017 đã được nhắc lại:  nhà văn đã nói rõ với gia đình rằng nếu lâm bệnh nặng, bà muốn được chọn sự ra đi thanh thản, không muốn mai táng theo bất kỳ nghi thức tôn giáo nào, dặn con cháu không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường hay cúng bái, làm giỗ…

 

"Chọn được qua đời" ở tuổi 86

Theo nguồn tin từ các tờ Ettoday, Next Apple, China Press, văn sĩ "chọn ra đi" ở tuổi 86. Next Apple cho biết khi nhân viên y tế có mặt tại nhà bà ở Đài Bắc, tim đã ngưng đập, không còn dấu hiệu sự sống. Con trai của nữ sĩ nói bà để lại di thư. Trước khi qua đời, Quỳnh Dao dặn thư ký về nhà riêng của bà vào buổi trưa cùng ngày để xử lý công việc. Khi đến nơi, người này thấy Quỳnh Dao bất tỉnh nên gọi cấp cứu.

Năm ngày trước khi mất (28/11), nhà văn đăng bài viết dài trên trang cá nhân, thể hiện nỗi nhớ chồng - ông Bình Hâm Đào, trong đó có đoạn: "Hay là vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi, nghe như chim đang nói 'chi bằng đi về thôi'. Mấy hôm nay, em thực sự rất nhớ anh".

Trong video cáo biệt bạn bè, người hâm mộ, Quỳnh Dao nói bà đi qua đường gồ ghề, nếm trải sóng gió và đưa trải nghiệm đó vào tiểu thuyết, tản văn. Các tác phẩm thể hiện nhiệt huyết của bà với cuộc sống. Lòng bà như bông tuyết và hoa hồng, luôn hướng tới bình minh và hoàng hôn.

Trong bài viết cuối cùng, nữ sĩ cho biết gần đây, bà bận làm những việc cuối cùng của cuộc đời. Nhà văn muốn "sắp xếp mọi thứ ổn thỏa", để không rơi vào hoàn cảnh của chồng trước đây, là đau ốm, nằm liệt giường quá lâu, không thể tự ăn uống, phải phụ thuộc vào máy thở.

 

Tiểu Sử của nữ sĩ Quỳnh Dao

Nhà văn Quỳnh Dao (1938-2024). Ảnh: Ifeng

 

Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tên thật là Trần Triết, bà theo cha mẹ tới Đài Loan sinh sống từ năm 1949, sáng tác từ lúc là nữ sinh trung học. Năm 17 tuổi, lấy bút danh Tâm Như, bà phát hành tiểu thuyết đầu tiên - Bóng mây. Quỳnh Dao nổi tiếng từ năm 1963 nhờ tiểu thuyết Song ngoại.

 Cha bà là giáo sư Sử học tại trường Đại học Quốc lập Sư phạm tên Trần Trí Bình, mẹ là môn đệ thư hương. Bà có em trai song sinh và hai người em 1 trai, 1 gái, nổi bật trong đó là người em gái tên Trần Cẩm Xuân - tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân của Đại học Wisconsin (Mỹ). Người em gái này giỏi đến mức từng cùng chồng là Trần Tráng Phi lập nên một công ty có khách hàng là Cục khí tượng của các nước trên khắp thế giới. Thưở nhỏ, Quỳnh Dao luôn tự ti thua kém em gái của mình cho đến khi chính bà trở thành huyền thoại của văn học hiện đại Trung Quốc. 

 

Quỳnh Dao thời trẻ 

Với đam mê văn học từ nhỏ, Quỳnh Dao đa sầu, đa cảm, hay trầm tư, mê đắm trong ảo tưởng khiến mọi người xung quanh cũng không thể chịu nổi. Sau khi trượt hai kỳ thi chuyên khoa trường đại học, Quỳnh Dao chuyên tâm vào việc sáng tác và không ngờ lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Hoàn Châu Cách Cách và Tân Dòng Sông Ly Biệt. Cả hai đều được chuyển thể thành phim và bộ nào cũng nổi đình đám khắp châu Á. 

Ngoài bút danh Quỳnh Dao, nhà văn từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như. Nữ văn sĩ được mệnh danh là "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc, với một loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng.

Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần. Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát.

 

Ảnh Hưởng của nữ sĩ Quỳnh Dao đối với Việt Nam 

Tại Việt Nam, có thể chia thành ba giai đoạn độc giả trong nước tiếp nhận những tác phẩm của Quỳnh Dao theo sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Trước năm 1975, Quỳnh Dao được biết đến qua bản dịch bốn truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học, số 68, xuất bản ngày 15/10/1966, dịch giả - tác giả tên tuổi từ trước năm 1945 là Vi Huyền Đắc. Sau đó NXB Hàn Thuyên cho in cuốn tiểu thuyết Song ngoại, NXB Khai Hóa cho in tác phẩm Cơn gió thoảng.

Đến tác phẩm Cánh hoa chùm gởi đăng dài kỳ trên tuần báo Đời, hiện tượng Quỳnh Dao trở thành cơn sốt với độc giả miền Nam. Loạt các tác phẩm của bà được dịch và ấn hành và chinh phục lớp công chúng trẻ thời đó, nhất là phụ nữ. Năm 1972, Tạp chí Văn học dành riêng một số chuyên đề về Quỳnh Dao, lý giải vì sao tác phẩm của bà ăn khách.

Năm 1973, khi cơn sốt Quỳnh Dao lên đến đỉnh diểm, tác giả Đào Trường Phúc xuất bản một tập tiểu luận lấy tên là Hiện tượng Quỳnh Dao (NXB Khai Hóa). Sau năm 1975, một thời gian dài, những tác phẩm của bà không được nhắc đến, nếu có, cũng được xếp vào những tác phẩm không nên đọc, thậm chí bị phê phán. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi và bầu không khí mở cửa của đất nước, đầu thập niên 1990, những tác phẩm của bà gây sốt trở lại qua các bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ, đồng thời xuất hiện dưới một hình thức khác, đó là những bộ phim dài nhiều kỳ ăn khách của Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).

 

Hai cuộc hôn nhân đầy tai tiếng

Quỳnh Dao lập gia đình hai lần, bà có một con trai với người chồng thứ nhất trong một cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm. Sau khi ly dị, bà bị nhiều tai tiếng vì trải qua tám năm làm người thứ ba trong hôn nhân của ông Bình Hâm Đào. Năm 1979, bà kết hôn lần hai với ông Bình Hâm Đào (tổng biên tập của một tạp chí), họ chung sống cho đến khi ông Bình ra đi vào năm 2019 vì bệnh tật. Quỳnh Dao và ông Bình Hâm Đào không có con chung.

Những năm cuối đời, bà sống kín tiếng, dành thời gian bên con cháu. Nữ tác giả nổi tiếng tạm ngừng ra sách sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết Mai hoa anh hùng mộng vì vấn đề sức khỏe. Trên trang cá nhân, tác giả nổi tiếng viết: "Cuộc sống hiện tại của tôi giống như dòng suối yên ả, uốn khúc, chảy lững lờ và đầy tự do". Bà cho biết cuối cùng bản thân cũng có thể sống cho chính mình, thoát khỏi gánh nặng trách nhiệm, áp lực trước kia.

 

Có thể nhiều người không biết Quỳnh Dao là ai nhưng chắc chắn sẽ biết đến phim Hoàn Châu Cách Cách kinh điển của điện ảnh Trung Hoa thực hiện từ quyển sách cùng tên của bà.

 

Trước khi tự kết liễu đời mình vào ngày 4 tháng 12 vừa qua, lúc bước vào độ tuổi 80, năm 2017, Quỳnh Dao từng dặn dò con cháu rằng bản thân bà không muốn tang lễ cầu kì, long trọng mà muốn mọi thứ đơn giản nhất có thể.

Nguyên văn lời dặn dò của Quỳnh Dao như sau: 

"Đừng để mẹ thành bà già ốm yếu muốn sống không được, muốn chết cũng không xong. Nếu làm thế, các con mới là đại bất hiếu. Dù mẹ mắc phải bệnh nặng thế nào, mẹ cũng không muốn làm phẫu thuật, lắp ống thở... Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi.

Mẹ không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống, không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã... Mẹ muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản vì cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ....".

 

 Nhà văn Quỳnh Dao qua đời ở tuổi 86. Ảnh: Mirrormedia.  

 

Trong bài đăng gần nhất trên trang cá nhân, Quỳnh Dao viết: "Tôi không muốn tuân theo thiên mệnh, cũng không muốn ngày càng héo mòn. Tôi muốn đưa ra quyết định cho lần ra đi cuối cùng này".

Nhiều nghệ sĩ, khán giả không khỏi bàng hoàng. Triệu Vy, sau 3 năm ở ẩn trên Weibo, đã đăng những câu mở đầu trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, để tưởng nhớ Quỳnh Dao. Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Lý Mộng, Huỳnh Dịch... sốc khi hay tin. Các tài tử cả Đài Loan lẫn Hoa Lục đều gửi lời chia buồn đến gia đình nữ sĩ.

Bà có rất nhiều tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh hoặc truyền hình như Hoàn Châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ, Thủy vân gian, Triều thanh, Hoa mai lạc, Hải âu phi xứ... Trong đó, Hoàn Châu cách cách xếp vào hàng tác phẩm truyền hình kinh điển của màn ảnh Trung Quốc.

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top