Trần Vấn Lệ
Phân Tán Lòng Người Hạnh Phúc Tự Do
Phân Tán Lòng Người Hạnh Phúc Tự Do
Tôi về thăm lại Los Angeles, thành phố Thiên Thần nhiều chim bồ câu...Tôi ngắm những cây hoàng lan hoa nở bên lầu...Nhà ai vậy? Trên đầu tôi mây trắng nở!
Những nụ hoa...tại sao không nhớ - cô bé học trò ngày xưa tung tăng, cô bé học trò ngày xưa như trăng đêm Mười Sáu vàng mơ Đà Lạt!
Tôi không hiểu sao tôi buồn bát ngát. Tôi đi ra biển Santa Monica nhìn bầy hải âu. Thành phố Los Angeles đang là mùa Thu...con phố nào cũng là đường Bạch Lộ!
Nhà nhà đều có nhiều cửa sổ, chim Cardinal lạnh chắc không về? Tôi thấy mùa Thu đi...từng bước nhỏ giống như em hồi nhỏ!
Tôi viết vài câu thơ thả bay trong gió. Tôi thấy em cũng một Thiên Thần! Em bây giờ chắc ở Fylnom, trong cái lồng Hòa Bình nhân tạo!
Hoa Hoàng Lan có màu vàng của áo. Áo hay là phù ảo phồn hoa? Liên Khương hay là La Ngà, những ánh đèn nở hoa như chùm bông mắc cỡ!
Hoa hay bông chỉ là cái cớ để tôi đi giữa phố một mình. Người ta buồn thường người ta làm thinh hay nín lặng để nghe hơi mình thoảng...
Em nhìn nha, chỉ là một thoáng tôi trở về, tôi, một giọt sương, lấp lánh kìa hoa cỏ trong vườn, của người ta chớ, không của mình Đà Lạt!
Mình sống đâu, đâu cũng là chỗ khác...nói mình về cũng như nói mình đi! Chàng về Đại Lược, thiếp ngược Kim Long, làm chi? Ngả ba lòng chỗ nào mây cũng tản...
Em ơi em, chúng ta sống thời Cách Mạng, phân tán lòng người Hạnh Phúc Tự Do!
Mưa Nghẹn Ngào Cổ Tích
Mưa. Tiếp ngày thứ hai, vẫn giọt dài giọt vắn, không có giọt nào nặng...giống như trời tưới sương...
Những đám cỏ sướng rơn, đang trở mình đứng dậy. Những cành khô chờ gẫy hình như cũng trở mình?
Mở cửa, tôi đứng nhìn cái sân gạch đỏ thắm. Chim không về, xa, vắng...nhớ làm sao...làm sao!
Những dãy núi nao nao chắc đang trào tuyết phủ? Những rừng cây cổ thụ chắc cũng đang rùng mình?
Cali mưa không xanh. Những mái nhà đỏ, xám tạo ra cái ảm đạm...buồn rồi nhé câu thơ!
Em, anh nhớ biết chưa? Hai bàn chân em đó...bây giờ em mang vớ...hay để trắng, chụp hình?
Hôm nào em bẹo anh: Hai bàn chân thật đẹp. Cái phông hình xanh biếc, sóng hồng hôn ngón chân...
Em muốn anh ghét chăng? Chắc là không thể được! Trong tình-yêu-đất-nước...có em mà, Nha Trang...
Có em từ Kiên Giang, có em hồi Bình Đại, có em hồi ở Nại...mong chờ giờ vượt biên...
Mưa liên miên ngày đêm, tóc em nhòe nước mắt...Bao nhiêu chuyến bị bắt, bao nhiêu chuyến bặt tin...
Thời, chi cũng giật mình: gió xào xạc lá cọ, tiếng ú ớ em nhỏ, tiếng giọt lệ em rơi...
Anh ở một góc trời, lá chuối che trước ngực...
*
Lâu lắm rồi, Tổ Quốc!
Tôi nhìn mưa sáng nay...
Em thì ở bờ Tây hay bờ Đông, đều biển! Cửa nhà đã "dâng hiến", còn gì nữa ngoài mưa?
Anh còn những bài thơ phủ chân cho em ấm! Anh chỉ sợ em cảm, từng ngón chân em nhăn...
Mưa Đầu Mùa Ngày Mùa Đông
Mưa em ạ. Trời đã mưa em ạ. Lần đầu tiên: Tin Thời Tiết Không Sai! Mưa đang rơi. Chưa nhiều lắm. Mưa lai rai. Mưa rắc hạt...như người ta gieo thóc. Rằm tháng Mười, rằm Hạ Nguyên...cuối năm sa nước mắt / để bù cho hơn chín tháng nắng nôi!
Tuyết chắc cũng đang rơi. Anh không thể ra sân để nhìn núi đồi, đây, đó. Mưa êm ru, mưa không có gió. Chậu hoa hồng nở hoa đỏ...hồn nhiên. Anh nghĩ tới em, hai con mắt thật hiền, hai bàn tay mềm quệt ngang vầng trán. Mưa bây giờ là cơn mưa buổi sáng. Mưa bình minh! Anh hôn em...bàn tay!
Anh hôn em chỗ này, đám tóc mai, dài, ngắn. Nụ hôn đầu ngày ôi thắm thiết dễ thương! Em dang tay em ôm / giọt mưa tình yêu sáng-trưa-chiều, có thể? Không có giọt mưa nào là giọt lệ! Hứa nha em! Anh cũng hứa với em...
*
Mưa đang rơi, em ạ, trên thềm...Những giọt mưa vỡ ra như là hoa cúc trắng. Cái thềm nhà mình đầy nắng...nắng-chiêm-bao mà chảy được vào sông...mà trước tiên nó chảy vào lòng, yêu quý lắm những gì Trời Đất tặng!
Chúng ta nghèo nên mưa là Tặng Phẩm! Gói thế nào cho giấy đừng thấm mưa? Giấy ngày xưa anh chép những bài thơ / tả mưa, nắng bất ngờ theo bước Lính!
Em ơi em ơi tình của hai đứa mình tiền định...dẫu chờ lâu thì cũng có ngày mưa! Anh kết những hạt mưa cho em vọc em đùa. cho em thổi bong bóng mưa...cho em thấy lại ngày xưa em là cô bé nhỏ.
Anh hy vọng những cây thông còn đó, dốc Nhà Bò gió nhẹ thổi phấn thông bay...
(*). Dốc Nhà Bò là con dốc dẫn xuống một thung lũng được dùng làm Trại Nuôi Bò của Vua Bảo Đại sau năm 1945. Thời Ngô Đình Diệm, 1955-1963, trại Bò này bị dỡ, dân chúng xây dựng nhà cửa lập ra ấp An Lạc và con dốc được đặt tên là đường Đào Duy Từ
Boong Boong Buông
Chúa đã phán rồi: không có MaiHôm nay là đủ, chỉ Hôm Nay.
Hôm qua, tất cả là miên viễn
Quá khứ, đâu đâu cũng một ngày!
Cuộc sống vô thường tranh với luận!
Đời trôi bất định đổi hay thay?
Ấm No, Hạnh Phúc, cầu An Lạc
Thành, bại, ngậm cười: tay trắng tay! (*)
(*) Huy Cận có những câu đáng suy nghĩ:
a- Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái,
đón con đi dù Địa Ngục, Thiên Đàng!
b- Về đâu hạt bụi vàng thao thức?
theo bánh xe lăn vòng khát khao!
Thương Biết Mấy
Thương biết mấy những người con gái đóChắc không ai còn nhớ tuổi Thanh Xuân?
Hiện là những Bà Soeurs lam lũ trong rừng
Chăm sóc cho từng người cùi hủi!
Tôi đã ghé Di Linh, cao nguyên rừng núi
Thăm Trại Cùi và ngắm những Bà Soeurs
Những người xinh, xinh lắm, thật không ngờ
Quên bẵng đời mình, sống vì ước mơ nhân loại…
Nhân loại không ít người tươi như hoa mới hái
Nhưng cũng không ít người cam phận hẩm hiu:
Họ không muốn mắc bệnh hiểm nghèo
Họ cũng không muốn lánh xa làng mạc…
Họ bị dồn về đây sống đời cõi khác
Nhìn thấy mình tan nát mỗi ngày thêm!
Họ là những người bị đời lãng quên
Và những Bà Soeurs có cái duyên gần họ!
Những Bà Soeurs giúp cho họ bớt khổ
Giúp cho họ có nụ cười, có bữa cơm ngon
Những Bà Sơ cũng sống mỏi sống mòn
Nhưng khác những bệnh nhân: Các Bà Còn Nguyên Vẹn!
Các Bà mang đồng hồ để nhớ giờ hẹn
Đến với người này không bỏ lỡ người kia
Trại Cùi Di Linh ai tới thăm rồi cũng về
Người ở lại là các Bà Soeurs và Người Bệnh!
Trong khi đó…Những Nhà Sư Khả Kính
Nước Thái Lan chơi với Cọp thật vui!
Những con Cọp đùa giỡn với người
Và du khách bỏ tiền mua vé ngắm!
Lòng Từ Bi của Phật đã thấm
Những con thú rừng quên bản chất hung hăng
Trong khi những Nhà Sư làm đẹp cho Thái Lan,
Những Bà Soeur Việt Nam ai biểu mà đi làm cho đời bớt tủi?
Tôi nhiều lần ngồi tựa lưng bên núi
Nhìn trời cao và thấy quả thật trời cao!
Trời lãng quên những người đẹp má đào
Trời không để ý những bàn tay thiếu viên nhẫn ngọc!
Và bạn ơi, thật tình tôi đã khóc
Đời biết bao ngang trái lạ lùng…
Những người con gái xinh chọn cách sống giữa rừng
Những đấng Anh Hùng thì chạy ô tô giữa Thủ Đô Hà Nội!
Hai Lần Lên Núi Bà
Hai lần tôi lên đó - đỉnh của ngon núi Bà (*). Tôi nhìn nước chảy ra. Nước ở đâu mà chảy?Nước trong núi chảy mãi / thành con suối Cam Ly; tới Đà Lạt còn đi / tới tỉnh Đồng Nai Hạ...
Trước khi ra biển cả, nước vào sông Sài Gòn! Nước cứ chảy không mòn / rừng cao su, thật ngộ!
Ông Trời bưng nước đổ / từ trên cao xuống sao? Tôi thức, không chiêm bao, hai lần tôi lên đó!
Tôi bắt được cọng gió. Tôi nghe tiếng gió reo. Đỉnh núi Bà cheo leo, gió chia buồn với núi?
Những người Thượng lầm lũi / không thắc mắc như tôi! Ngọn núi đứng mồ côi. Tôi mồ côi, cũng vậy...
Bên bìa rừng lửa cháy. Bếp cơm chiều khói lên...Tôi sắp rơi vào đêm, núi Bà vẫn sừng sững!
Vâng, thì núi vẫn đứng! Vâng, thì nước vẫn tuôn. Tự dưng tôi thấy buồn, Núi Non mình trước mặt!
Núi không chia Nam Bắc sao người mình hai Đàng? Người Đàng Ngoài cao sang? Người Đàng Trong thấp kém?
Dân tộc mình tu niệm chưa có tình Anh Em! Tôi xuống núi vào đêm. Sao trên cờ lấp ló...
Tôi cắn một cọng cỏ, tôi kêu ai bây giờ? Tôi thật muốn kêu mưa để hứng mình nước mắt!
Ngọn núi Bà không thấp. Hai ngàn mét, người ơi! Nước có lẽ từ trời, chảy mà thành Tổ Quốc?
Tôi âm thầm xuống dốc. Tôi về tới Phước Thành. Tôi thấy mình u minh. Tôi thấy mình cát bụi...
(*). Năm 1983, sau khi được thả ra từ trại Học Tập Cải Tạo, tôi đi làm thuê ở xưởng cưa Lạc Dương, vùng của đồng bào Thượng, có làng Phước Thành của người Kinh. Chỗ đây, xưởng cưa của ông Lê Văn Tôn, người Quảng Nam (vợ là Trần Thị Tuyết, chị của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, người Phan Thiết). Biết tôi gốc Phan Thiết, Ông Lê Văn Tôn vui vẻ cho tôi làm thợ vịn. Có hai lần tôi theo xe be lên đến gần ngon núi Bà, người Thượng gọi là núi Langbian, xe dừng lâu, tôi leo bộ tới đỉnh...để coi ra sao. Đỉnh là một mặt bằng nhỏ bằng nền nhà ngói cấp 4, có một cái tháp của Sở Khí Tượng, trơ trọi...Mặt núi về phía Bắc có một cái khe nhỏ, nước trong vắt từ trong đó chảy ra. Ai cũng bảo đó là nguồn của suối Cam Ly. Tôi có uống nước đó, có hứng một bidon đem về...Hai lần trong đời tôi đứng trên cao độ 2,001 mét (cao độ của núi Langbian sánh với mặt biển Rạch Giá). Khu phố Hòa Bình của thành phố Đà Lạt có cao độ 1,513met. Lên núi Langbian có con đường bậc cấp lát gỗ thân cây ngo, người ta nói đường Bảo Đại (thời Vua Bảo Đại ở Đà Lạt và thường đi săn bắn khu này). Người ta còn nói: ban ngày trời quang đãng, trên đỉnh núi, nhìn về phia Đông, mình thấy thành phố Phan Rang...
Mặt Trời Trên Quê Hương Ta
Em à, anh đang tưởng tượng / mình em thôi, đẹp nhất buổi chiều nay...Bầu trời mây. Tóc em bay. Áo của em cũng bay như mây trời vậy đó!Em à, anh nói nhỏ: Anh yêu em như yêu bầu trời chắc đang rất xanh trên quê nhà buổi sáng! Anh ở đây có hoàng hôn, chạng vạng, anh thấy em rồi: mặt trời trên Quê Hương!
Em là vầng Thái Dương không cần son không cần phấn mà thơm lừng Tình Nghĩa Mẹ Cha. Em là cánh đồng tất cả lúa nở hoa rồi kết trái thành nên muôn bồ thóc. Hình ảnh của Tổ Quốc: Toàn Dân Mình Mơ Ước Ấm No! Em thơm tho từng bài thơ anh nhé!
Ôi cây lúa nặng hạt cúi đầu gạt lệ! Lậy Trời cho mưa thuận nắng hòa...cho những người đi xa hướng về gần gũi: Bóng Mẹ già vác từng bó củi về nấu cơm chiều cho cả nhà ăn! Bóng Cha già hai má hóp nhăn nhăn: "Con xa xứ sao mà lâu về quá?".
Một thời thế đi ngang qua mặt lạ! Con đường công hương xe chở thóc về kho. Chở cả ước mơ của người dân cần kiệm. Chở những thứ gì thật hiếm hơn cả vàng bac kim cuơng. Là mồ hôi nước mắt từng giọt từng giọt lăn tròn...
Cái bánh xe nhân luân xẹp lép không cần bơm, nam mô a di đà Phật, thế gian này nào ai có thương những cây lúa cúi đầu trên ruộng? Em đẹp nhất như điều anh mong muốn: trăng nở hoa cho em sáng trưng!
Những câu thơ của anh, anh để xuống, anh nâng tình em nhé ôi cái tình-cố-quận. Anh tưởng tượng hai ống quần em xắn, con đường quê lầy lội em đi! Em không đòi anh trả cho em cái tuổi Xuân Thì...Em chỉ đòi anh những bài thơ khô queo nước mắt!
Biết bao giờ thưa Chúa, thưa Phật?
Thưa cả những tiếng chuông chiều đều đặn boong boong...
Em à, anh đang tưởng tượng hai đứa mình chụm đầu vào nhau!
Trần Vấn Lệ